.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Tác giả khác

Xuân xanh vừa độ...

  • PSN - 5.11.2008 | Võ Quỳnh Uyển

Con mắt của tâm
Cứ mỗi sáng trước khi đi làm, tôi ngồi trước gương trang điểm đôi chút cho khuôn mặt của mình, khuôn mặt những năm cuối cùng của tuổi ba mươi. Sáng nay chợt thấy có một vết nhăn dài ở vùng giữa miệng và cằm, tôi giật mình. Giật mình vì sự xuất hiện bất ngờ của nó. Ngày nào tôi cũng nhìn mình trong gương ít nhất hai lần: buổi sáng và trước khi đi ngủ. Tối hôm qua, trong khi thoa một loại kem chống khô da, tôi đã không nhìn thấy vết nhăn đó. Không thể giải thích được sự bất ngờ xuất hiện của vết nhăn đó, tôi bắt đầu nghi ngờ chính tôi bao lâu nay đã tự lường gạt mình. Hay đúng hơn là con mắt tôi đã lừa tôi. Con mắt nào lừa tôi đây? Là con mắt có hai tròng trắng đen và con ngươi, con mắt của cấu tạo vật lý hay là con mắt của nhãn thức, con mắt của tâm? Con mắt vật lý của tôi đã được kiểm tra, 20 trên 20, có nghĩa là bình thường. Vậy kẻ thủ phạm còn lại là con mắt tâm. Sự bất tín hay sự sợ hãi vào tốc độ của thời gian đã in dấu trên khuôn mặt mình đã lường gạt tôi chăng? Tâm tôi đã nhìn thấy cóthấy không có vết nhăn đó. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến một bài pháp của đức Phật được một vị thầy giảng lại. Một hôm trong lúc thuyết pháp, Phật co bàn tay lại thành nắm tay và giơ lên cao cho mọi người cùng nhìn thấy rồi hỏi: ²Này các tỳ-kheo, các ông có thấy nắm tay của ta không?”, các vị tỳ-kheo trả lời: ²Thưa có”. Khi buông nắm tay ra, Phật lại hỏi: ²Các ông có thấy nắm tay của ta không?”, các vị tỳ-kheo trả lời: ²Thưa không”, thì Phật liền nói rằng các vị đã quên mình theo vật. Ý của Phật dạy rằng cái thấy của chúng ta luôn hiện hữu, thường hằng. Chúng ta có khả năng thấy có nắm tay và thấy không có nắm tay, chứ không thể nói rằng không thấy chỉ vì không có nắm tay ở đó nữa.
 

Năng lực của tâm
Trở lại với chuyện vết nhăn ở cằm, tất nhiên đó không phải là vết nhăn duy nhất. Ở đuôi mắt cũng có những đường ngang dọc rủ nhau xếp lại mỗi khi tôi cười và dường như nó càng sâu thêm, rộng thêm trong vòng một năm trở lại đây, từ ngày em bé đầu lòng của tôi ra đời. Đó là những đêm mà giấc ngủ được chia ra thành nhiều lần. Có khi con khát sữa, có khi bụng mẹ cồn cào vì đói mà vừa ăn, mắt vừa nhắm nghiền. Có khi phải bơm sữa ra để giành cho con bú cữ sau dù buồn ngủ cách mấy, để sữa còn tiếp tục được tái tạo. Đó là những ngày khi bà ngoại phải về nhà để trông coi cháu nội thì có những lúc nhu cầu vệ sinh của mẹ, nhu cầu bao tử của mẹ, của con cùng bật lện một lượt bằng tiếng khóc khát sữa của con, thì mẹ không biết nên giải quyết thứ nào trước. Cũng nhờ có sự thực tập chánh niệm thường xuyên, nhận diện những cảm thọ và tâm hành tiêu cực đang phát khởi lên trong tâm trước những trạng huống như thế mà mẹ kiểm soát được những cau có và nổi giận bộc phát mà lúc đó chỉ có đứa con bé bỏng của mình làm “đối tượng”. Tâm mình luôn luôn phát ra những làn sóng mà năng lượng của nó tùy thuộc vào những niệm ở trong tâm. Nếu tâm vui vẻ, an lạc, yêu thương thì năng lượng đó sẽ có tác dụng tích cực đến mọi vật xung quanh. Nếu tâm u buồn, tức giận, thù ghét thì năng lượng của những làn sóng đó có tác dụng tiêu cực lên vật xung quanh, bao gồm luôn cả chính người đó. Có lần, tôi được nghe một câu chuyện kể về một cặp vợ chồng cãi nhau rất dữ dội. Sau đó người chồng đóng sập cửa lại bỏ đi, người vợ ôm đứa con của mình cho bú. Một lúc sau khi bú, đứa con được đưa đến bệnh viện cấp cứu và người ta tìm thấy đứa bé bị trúng độc vì sữa của người mẹ có chứa nhiều độc tố. Không biết câu chuyện này có sự thật bao nhiêu phần trăm nhưng nó rất phù hợp với những nghiên cứu cho rằng khi một người tức giận, đau buồn thì cơ thể tiết ra những độc tố làm hại cơ thể, làm cho sức đề kháng bị yếu đi dẫn đến đau bệnh và mau già nua.

 

Từ lâu tôi đã rất ghét những vết nhăn trên mặt mình. Cuộc sống vạn vật được chi phối bởi luật vô thường, vũ trụ thì theo luật thành, trụ, hoại, không, con người thì sinh, già, bệnh, chết. Nếu đem những quán chiếu đó để ứng dụng vào cách suy nghĩ, cách hành xử vào một hoàn cảnh nào đó để bớt bám víu vào những thứ không thuộc của mình để bớt đau khổ khi nó vuột khỏi tầm tay của mình thì không khó. Tuy nhiên nếu đem những điều tâm niệm đó, quán chiếu đến tận cùng gốc rễ để tạo thành sức mạnh nhổ tung những dây mơ rễ má chằng chịt sâu dày của tập khí, tức là những thói quen trong cách suy nghĩ và hành động hàng ngày là chuyện rất khó. Hay nói một cách khác, khi những cái thấy đó chưa trở thành bản năng như một thứ phản xạ tự nhiên thì việc thực hành quán chiếu vẫn còn cần thiết. Biết rằng tuổi trẻ, và cái gọi là nhan sắc sẽ biến hoại theo thời gian, một người đàn bà khi đến tuổi trung niên sẽ hoảng sợ khi nhìn thấy suối tóc đen nhánh của mình đã đâu đó điểm bạc, khi đường viết chì kẻ viền mắt hay chân mày không còn gọn gàng sắc sảo bởi đôi mắt không còn tinh anh để thấy những đường viền mỏng mảnh nhất. Nếu đeo cái kiếng vào thì không thể vẽ được. Thôi thì có một cách dễ và gọn hơn hết là đi xăm chân mày, viền mắt, viền môi… để mỗi lúc ra đường (và cả lúc ở nhà) không phải cặm cụi trước chiếc gương để níu kéo thời vàng son của tuổi trẻ một cách vụng về, có khi đến… tuyệt vọng. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, còn một ví dụ khác là trường hợp của tôi. Một năm sau khi sanh em bé và ở nhà nuôi con, tôi rất hiếm khi đi ra ngoài. Tôi đâu cần biết dung nhan mình nó đã ra… mùa hạ hay chưa. Những khi cần thiết phải đi ra ngoài, ở những nơi mà tôi chắc là sẽ không gặp người quen, thì tôi cứ tự do, tự tại với những gì tự nhiên nhất mà ba mẹ tôi đã cho tôi. Nhưng nếu ước đoán nơi mình sắp đến có thể sẽ gặp người quen biết thì tôi phải cẩn thận hơn trong cách ăn mặc, trau chuốt hơn cho vẻ bề ngoài. Cứ mỗi lần như thế, tôi tự đặt câu hỏi tại sao tôi phải làm như vậy? Tại sao tôi không thể “tự tại" hơn trong cách suy nghĩ không phân biệt ở bất cứ nơi nào tôi đến? Chắc bạn cũng có thể trả lời giùm tôi được. Những điều mà tôi đã được học về sự quán chiếu về sinh, lão, bệnh, tử, về sự sinh diệt vẫn chưa thể chiến thắng đuợc những thói quen cố hữu trong tâm thức của tôi về sự phân biệt nhân, ngã. Tôi biết rằng nếu tôi để cho những thói quen trong suy nghĩ kia làm chủ lấy mình thì một ngày kia khi tuổi già thật sự gõ cửa (gõ dồn dập hơn), tôi sẽ không thể đón nhận nó, cả sự già nua, bệnh tật, và cả cái chết một cách tự tại, mặc dầu…
 

Níu lại xuân xanh
Có người bạn của mẹ tôi rủ mẹ đi làm đẹp, đại loại là đi vẽ đường chân mày vĩnh viễn và căng da mặt. Mẹ đem chuyện này kể cho tôi nghe, dù không biết có phải mẹ đang hỏi ý kiến hay không, tôi nói ngay: ²Mẹ đã đẹp rồi, mẹ không cần phải đi làm đẹp nữa. Với lại người già có vẻ đẹp của người già, người trẻ có vẻ đẹp của người trẻ, người già không cần phải làm cho trẻ lại². Tôi nói ngon ơ như vậy đó. Thật sự thì mẹ tôi rất đẹp, nét đẹp sang trọng, dịu dàng và phúc hậu dù mẹ tôi không sinh trưởng trong gia đình giàu có. Tôi nghe người lớn nói lại hồi con gái mẹ đẹp có tiếng ở thành phố biển. Hồi tôi học ở trung học, có thầy dạy biết ba mẹ tôi, kể tôi nghe rằng ngày xưa thầy cũng là một trong những người con trai nghe tiếng đồn nên thầy cũng đến tìm xem mặt mẹ. Sau năm 1975, mẹ tôi từ một cô giáo ngày đi dạy một buổi, thời gian còn lại ở nhà săn sóc bốn anh chị em chúng tôi phải mỗi tối đi bỏ thuốc lá do bà ngoại tôi làm đến chín, mười giờ mới về đến nhà để kiếm thêm thu nhập. Mẹ phải thức đến khuya để soạn giáo án để ngày mai đến lớp dù đồng lương rẻ như bèo. Khi gia đình tôi nộp đơn xin xuất cảnh thì ba mẹ tôi không còn được đi dạy nữa. Mẹ tôi bươn chải để có một sạp bán quần áo cũ ở chợ Đầm dù mẹ tôi chưa bao giờ biết đến chuyện buôn bán. Bốn anh em tôi được tiếp tục đi học, rồi anh lớn và tôi được vào đại học cũng là nhờ vào sự đảm đang của mẹ. Khi bắt đầu cuộc sống ở Mỹ, mẹ vừa lo việc nhà bếp núc để chúng tôi an tâm học hành, vừa đi học, vừa nhận việc làm ở nhà đến một, hai giờ sáng. Những vất vả thể chất dù sao cũng không làm cho mẹ già đi nhiều bằng những phiền muộn riêng tư và đặc biệt là sự thương nhớ người anh cả của tôi còn ở lại. Những nếp nhăn và đôi mắt mệt mỏi vì thức khuya đã làm cho gương mặt mẹ tôi hiện lên nét nhẫn nhục chịu đựng, nhưng cũng đầy nghị lực, vị tha. Làm sao có thể kẻ một đường chân mày thanh tú ²nét xuân sơn² ở giữa một gương mặt như vậy? Làm sao đôi bàn tay nhăn nheo, khô héo vì suốt đời tận tụy với chồng con đi đôi với một làn da căng mịn hồng ửng? Chúng tôi đã quen nhìn mẹ, dù có già nua đi, có phần nào tiều tụy đi, nhưng đó là những nét đẹp thân thương, gần gũi, rất sống động. Tôi phần nào hình dung ra được cảm xúc của mình khi thấy những dấu ấn sinh động của cuộc sống kia sẽ được thay thế bằng những đường nét không được tạo ra từ chất liệu của đời sống. Sau này khi tôi đến với đạo Phật, tôi còn khám phá ra một vẻ đẹp khác, một vẻ đẹp cũng được làm nên từ chất liệu của cuộc sống nhưng nó như một thứ hương thơm lan tỏa ra từ sự thăng hoa của đời sống tâm linh, vượt lên khỏi những chi phối của khổ đau và hạnh phúc vốn dĩ của thế gian.
 

Cái đẹp của người tu
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy. Hồi đó Thầy được mời về làm giáo thọ tại một ngôi chùa gần nhà mà trước đó tôi chỉ có một vài lần viếng thăm trong những dịp Tết. Khi nhận được thiệp mời của bà Hội Trưởng với lời giới thiệu về Thầy, tôi tò mò muốn đi xem cho biết thế nào là học trò của một vị cao tăng đắc đạo. Đó cũng là lần đầu tiên Thầy hoằng pháp tại ngôi chùa đó. Trong khi các Phật tử đứng chắp tay trong chánh điện để đón chào thì Thầy xuất hiện và bước lên chiếc bục cao để đi đến Phật đài. Thầy bắt đầu hành lễ theo nghi thức thông thường trước khi có buổi giảng pháp hay tu học. Tôi không bao giờ quên được tâm trạng của mình lúc đó. Một cảm giác gần như là run sợ dù tôi chỉ nhìn thấy Thầy từ đằng xa. Sau khi niệm hương và đảnh lễ Phật, rồi quay xuống đối diện với hàng Phật tử ở dưới, tôi được nhìn thấy rõ Thầy hơn. Đó là vị tăng tuổi đời tròn 70, mà đạo phong của Thầy được tỏa chiếu từ giới đức, từ nét đẹp của sự phạm hạnh, vừa uy nghi vừa thanh thoát, mà sau này khi có cơ hội được thân cận với Thầy, nổi bật trên hết là đức khiêm cung và lòng từ bi đã làm cho tôi vừa cảm thấy cung kính nể sợ vừa thân thương, quý mến. Trong giây phút đó tôi tin rằng Thầy đã từng là Thầy của tôi trong quá khứ. Thầy là tấm gương khiến tôi thực hành siêng năng tinh tấn. Và điều rất hiển nhiên là tôi xin được quy y với Thầy, nghĩa là được làm học trò của Thầy, Thầy là truyền giới sư của tôi khi tôi thọ nhận năm giới. Dù duyên thầy trò chỉ vỏn vẹn bốn năm ngắn ngủi, nhưng Thầy là người đã khai sanh ra pháp thân huệ mạng cho tôi và đã làm cho cuộc đời tôi thay đổi. Bây giờ mỗi khi lười biếng tu tập, nhìn vào bức ảnh của Thầy trong chiếc áo cà sa màu đỏ trang nghiêm thì lòng tôi cảm thấy hổ thẹn và đó là nguồn sức mạnh thúc đẩy tôi tu tập siêng năng.

 

Một hình ảnh khác với đạo phong của Thầy là vóc dáng thảnh thơi, nhẹ nhàng, tự tại của các ni sư, sư cô của tu viện Lộc Uyển ở miền nam California. Một trong những lý do mà tôi thích được về miền rừng núi này là muốn được nhìn những gương mặt từ ái mà trên môi luôn chực sẵn nụ cười. Nụ cười hàm tiếu. Nụ cười của Mona Lisa. Nụ cười của hạnh phúc, an lạc nhưng cũng đầy bao dung, che chở cùng với nhân dáng từ hòa như những chiếc nôi êm dịu, mát mẻ trong những buổi trưa hè nóng bức. Có được một nhân dáng đẹp và tươi mát như vậy là nhờ các sư cô, các thầy cũng như tăng thân Lộc Uyển đã thực tập chánh niệm trong mỗi cử chỉ, hành động, suy nghĩ, trong mỗi lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Mỗi bước chân là mỗi bước an lạc, mỗi bước chân là mỗi bước của “đã về, đã tới", của bây giờ và ở đây, mà không tất bật vội vàng “đi đến nơi, về đến chốn” vì mỗi bước đi là đã đến nơi, mỗi bước đi là đã đến chốn. Nhìn các vị ấy, tôi không khỏi ao ước mình có được một cuộc sống như thế.

 

Nhan sắc và tuổi trẻ ai cũng có một thời nhưng đó là nhan sắc và tuổi trẻ vật lý theo thời gian vật lý tương đối nên nhan sắc và tuổi trẻ vốn sợ hãi hai chữ thời gian. Nhưng có vẻ đẹp khác mà thời gian chính là chất liệu đã làm nên cái đẹp đó nếu thời gian được suy niệm bằng tiến trình diễn biến của đời sống, trong đó sự nỗ lực phấn đấu để sinh tồn đã hằn lên thân phận dù khổ đau hay hạnh phúc của con người. Xin cảm ơn những khổ nhọc mà cuộc đời đã ban tặng để tôi có thể thưởng thức, hướng đến và khao khát cái đẹp của sự an bình và hạnh phúc trong tâm. Xin cảm ơn chiếc chìa khóa vô thường để mở cánh cửa thực tại mà Phật và chư Tổ đã trao truyền để những người con Phật có thể học hạnh buông xả dù thân này có đẹp cách mấy, tuổi này có trẻ cách mấy. Cảm ơn chiếc chìa khóa ấy để tôi thấy cuộc sống của mình là những chuỗi chết sống liên tục xảy ra trong mỗi thời khắc để tôi không có ảo tưởng về tuổi trẻ cũng như bi thảm hóa tuổi già. Nếu có ai đó đã treo chữ tử trước trán để nhắc nhở mình không được buông lung, bỏ phí thời gian trôi qua mà phải tu tập tinh tấn thì đó là tiếng chuông chánh niệm thúc đẩy sự trao giồi giới đức, sự định tâm và khai sáng trí tuệ, mà đó là chất liệu cấu tạo nên một thứ nhan sắc không thể nào bị băng hoại cùng thời gian.

 

Oceanside tháng tư, 2008

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.