.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Tịnh Ý

Người học trò cũ

  • PSN - 07.02.2008

Đang loay hoay với đống giấy tờ ngổn ngang trên bàn, tôi chợt nghe có tiếng gõ cửa.

- Mời vào! –Tôi nói vọng ra.

- Chào thầy. Nhờ thầy giải quyết dùm trường hợp của em học sinh này.Tôi không thể nào để em ấy tiếp tục ngồi trong lớp tôi được nữa.

Cửa văn phòng vừa mở, soeur Régina vừa bước vào đã nói ngay một hơi dài với vẻ bực bội.  Soeur chưa kịp buông tay thằng bé mà tôi đoán chừng soeur đã nắm chặt và kéo xịch nó từ lớp của soeur ở cuối dãy về đây. Thằng bé lấm lét sợ hãi núp sau chiếc áo chùng to lớn của soeur.

- Lại đây, làm gì mà trò cứ trốn sau lưng tui vậy? Ngang bướng như trò mà cũng biết sợ nữa à?

Thằng bé bị soeur đẩy tới trước bàn giấy của tôi, cúi gằm mặt xuống, mắt vẫn còn đọng mấy giọt nước mắt.

- Em ấy phạm lỗi gì vậy soeur? Tôi mỉm cười hỏi.

- Cả tháng nay trò ấy chưa lần nào chịu mặc đồng phục. Hai tuần trước tôi đã cảnh cáo sẽ đuổi trò ra khỏi lớp. Trò ấy hứa tuần sau, nhưng tuần sau cũng không có. Tôi mời phụ huynh nhưng ba mẹ trò đã không chịu đến lại còn trả lời như thách thức: Cô có cho học thì cho, không cho thì ở nhà. Họ không thể may đồng phục cho con được.

Đưa mắt qua thằng bé, soeur nói tiếp, Tôi chưa bao giờ gặp một gia đình nào  như thế!

Thằng bé đứng yên bất động. Mặt cúi gằm chừng như muốn dấu hết cái vẻ khổ não của nó. Đầu nó bù xù tóc rối che khuất cả mang tai. Mặt mũi lem luốc, chừng như đã mấy ngày chưa được lau rửa. Lại thêm chiếc áo nâu của nó. Chiếc áo bạc thếch hết cả màu nâu này  tôi đã thoáng gặp mấy lần trong sân trường. Màu nâu bạc ấy xen lẫn giữa màu trắng đồng phục của mấy trăm học sinh lúc thoáng, lúc hiện tưởng chừng khi nào cũng cố ý lánh khỏi tầm nhìn của tôi.

Giờ đây thằng bé đang đứng trước mặt tôi, đau khổ, chịu đựng.

- Thôi được, cám ơn soeur, soeur để em ấy ở lại đó cho tôi. Soeur về lớp kẻo các em khác đang đợi.

- Tôi nhờ thầy giải quyết. Nhưng nếu không có đồng phục, tôi sẽ không cho em ấy vào lớp. Tôi đã nói trước học sinh cả lớp rồi. Trước khi quay ra cửa, soeur vẫn còn nhắc lại chắc nịch như vậy.

- Được rồi, tôi sẽ tìm cách.

Xếp lại mấy giấy tờ đang coi dang dở, tôi quay qua thằng bé:

- Em khép cửa dùm tôi rồi vào đây.

Thằng bé len lén ngước mặt nhìn tôi rồi bước ra khép cánh cửa phòng. Mắt nó không động đậy, vẻ mặt lầm lì dáng chừng đang chờ đợi sự la mắng hay trừng phạt của tôi.

Tôi phá tan không khí nặng nề nảy giờ, hỏi nó với giọng thân mật hơn:

-  Em tên gì?

-  Chứng.

-    Họ gì?

-    Nguyễn.

-    Tiếng thưa của em ở đâu? Em phải nói, thưa thầy em tên Chứng.

-    Thưa thầy em tên Chứng. Nó lập lại như cái máy.

-    Em mấy tuổi rồi?

-   Dạ mười bốn

- Ừ, phải biết dạ thưa như vậy. Nhà em ở đâu?

 - Dạ ngoài An Gia, gần phá Tam Giang.

-Sao em không mặc đồng phục?

- Thưa thầy em không có. Nó vẫn cúi gằm mặt xuống, hai mắt nhìn vào khoảng không dưới gầm bàn. Hai tay    hết vân vê chiếc nút áo lại buông thỏng thừa thãi chẳng biết dấu vào đâu.

- Tại sao vậy? Áo trắng thì có đắt gì hơn áo màu đâu. Nhà trường đã thông báo từ hồi đầu năm mà?

- Chú thím em không may được. Nó mếu máo dáng chừng sắp sửa khóc.

Tôi hơi ngạc nhiên trước câu trả lời của thằng bé, khi nghe nó nhắc đến chú thím thay vì cha mẹ nó. Tôi hỏi tiếp:

- Em nói chú thím em không may áo cho em.Vậy ba mẹ em  đâu?

- Chú là ba của em. Mạ em chết rồi. Thím là dì của em.

- Dì ruột hay dì ghẻ ?

- Dạ dì ghẻ.

À ra thế. Tôi tự nhủ. Bây giờ thì tôi mường tượng được hoàn cảnh của thằng bé. Nó mất mẹ và đang sống với người dì ghẻ mà nó gọi là thím. Thím của nó không thể may cho nó một bộ đồng phục để nó đi học cùng chúng bạn.

Thằng bé vừa dứt câu trả lời lại lấy tay áo quẹt mũi. Mười bốn tuổi nhưng trông nó lớn hơn so với những đứa bé cùng trang lứa khác.Với tuổi này đáng lẽ nó phải ngồi ở các lớp  đệ Lục, Đệ Ngũ, của bậc trung học rồi chứ sao còn ngồi lại lớp Ba.

Chỉ chiếc ghế bên cạnh nó, tôi bảo :

- Em ngồi xuống đi. Chú thím em nói thế nào, kể lại thầy nghe.

Thằng bé thuật lại, nó đã hai ba lần xin chú thím nó may cho nó một bộ đồng phục. Chú nó thì  ậm ừ không quyết nhưng lần nào nó cũng bị thím nó chửi mắng. Không áo trắng, áo đen chi hết. Nhà nghèo, có được manh vải mặc đi học đã là may. Mi vô nói với mấy thầy cô như rứa !

Lần khác nó về kể cho chú nó biết, sœur Régina dọa đuổi, nếu tuần tới nó không có đồng phục, thì thím nó hét toáng lên :

- Đuổi thì nghỉ ở nhà giữ trâu, mần ruộng. Cho học thì chớ, không cho thì thôi. Không thèm.

Từ đó nó không còn dám nhắc đến chuyện áo trắng, quần xanh gì nữa cả. Đến trường bao giờ nó cũng cố ý đi thật trễ, đợi cả lớp xếp hàng xong sửa soạn vào lớp thì nó lách từ hàng rào trúc phía sau trường lẻn vào cửa sau của lớp học, để tránh các thầy cô và đội trực nhật. Ra chơi nó cũng chỉ dám lủi thủi ở sân sau chỗ gần nhà vệ sinh và rãnh nước thoát…nơi ít thầy cô qua lại. Thảng hoặc một đôi lần có thầy cô nào trông thấy, nó lập tức vụt chạy mất bóng ngay. Hơn mấy tháng nay, từ khi nhà trường yêu cầu các em mặc đồng phục, nó đến trường với tâm trạng con thú bị săn đuổi như thế. Ngay cả khi vào lớp, nó cũng cố ngồi co rúm khuất sau những đứa bạn có đồng phục, những mong sœur Régina sẽ không nhìn thấy. Khổ thân nó, nó là thằng bé lớn nhất lớp.

Tôi ngồi nghe nó kể một hơi dài như trước đây nó chưa từng có dịp phân trần với ai như vậy. Trên nét mặt dại khờ pha lẫn đần độn của nó lại thóang lên chút tội nghiệp đáng thương. Nước mắt nước mũi chảy lòng thòng gần kín cả mặt nó. Nó mếu máo van lơn trong tiếng nấc nghẹn :

- Thầy, thầy đừng đuổi em. Thầy nói với sœur đừng đuổi em. Em mà bị đuổi thì…

Tôi không đợi nó nói hết câu đã chặn ngang :

- Không, thầy không đuổi em đâu. Em cứ yên tâm. Em ra bể rửa mặt sạch sẽ rồi chuẩn bị vào học tiếp. Sắp đến giờ ra chơi rồi.

Tôi mở tủ lấy cục xà phòng đưa cho nó và đẩy nó ra cửa. Tôi cũng muốn nó ra khỏi phòng lẹ trước khi nó thấy tôi không cầm được nước mắt. Tôi vốn là người dễ bị xúc động.

Vừa thi xong Tú tài II, trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến việc thi vào một ngành nghề gì khả dĩ nhanh chóng kiếm được đồng lương để sống đồng thời giúp chị tôi, vốn từ lâu đã vất vả lo lắng cho anh em chúng tôi ăn học.

Gia đình tôi vốn ở làng quê. Sau khi anh em chúng tôi học xong tiểu học, ba mẹ và các anh tôi bàn tính thu xếp cho chúng tôi tiếp tục học lên Trung Học ở  thành phố Huế, nơi đó có gia đình người anh cả của tôi. Những năm trước, phụ vào đồng lương lính ít ỏi của anh tôi, tháng tháng, ba mẹ tôi còn gởi, gạo, khoai, đậu, hay con gà con vịt phụ vào việc cơm nước cho anh em tôi. Mấy năm về sau, chiến tranh tràn lan khắp vùng quê, ba mẹ tôi chẳng những không thể cày cấy gì được nữa mà còn phải tản cư về Huế, sống cùng chúng tôi. Từ đó chị dâu tôi đã phải thu vén với đồng lương lính ít ỏi của chồng lo cho cả gia đình tám chín miệng ăn. Ai cũng thấy thật nan giải, khổ tâm, nhưng không còn con đường nào khác. Có lúc tôi an ủi chị. Chị gắng thêm thời gian, em học xong, đi làm có tiền sẽ phụ với chị. Chị tôi cười hiền hòa, không nói gì. Có thời gian thành phố Huế bị giới nghiêm vì sinh viên, học sinh đấu tranh, gạo Sài gòn không chở ra kịp, gạo miền quê không đem lên được, giá gạo tăng, chị tôi lo lắng ra mặt. Tôi lấy chiếc xe đạp cà tàng tìm cách đạp về chợ Văn xá, cách Huế chừng mười bốn cây số đong gạo rồi chở sang cho chị. Chị tôi mừng lắm, khen lấy khen để. Thấy chị mừng vui tôi đề nghị chị đong lại cho bà con trong xóm, để bà con vừa có gạo ăn, mình lại có chút lời, xong quay về mua thêm một chuyến nữa. Chị tôi vui vẻ nghe theo lời đề nghị của tôi. Tôi rũ cả đứa em gái cùng đi, để có thể mang thêm chừng mươi ký nữa. Xe đạp của chúng tôi chẳng tốt đã đành, lại phải tránh các chốt chận của cảnh sát vào ra thành phố…phần thì ngược gió, nắng Nam Lào…chuyến đi của chúng tôi khá vất vả nhưng hai anh em cứ vui vì kiếm được gạo cho gia đình, vừa giúp được chị tôi.

Mùa Hè đó, sau khi thi đỗ Tú Tài, tôi có kết quả báo đỗ cùng lúc vào trường sư phạm và  cảnh sát. Tôi phân vân chưa biết chọn ngành nào, thì ba tôi khuyên :

- Theo ý Cậu, con nên đi vào sư phạm. Nhà mình hợp với nghề thầy giáo hơn là nghề cảnh sát.

- Nhưng học sư phạm, con phải cần đến hai năm, trong khi đi cảnh sát thì năm sau đã ra trường.

- Biết vậy, nhưng thà chịu đựng thêm một năm túng thiếu còn hơn sau này con phải chịu đựng một nghề không hợp với con suốt đời.

Ba tôi tìm cách động viên tôi bớt lo nghĩ về gia đình, thêm vào đó hình ảnh người cảnh sát dẹp biểu tinh, tranh đấu…trong mấy tháng trước đây cũng không làm tôi ưa thích gì lắm. Tôi quyết định vào trường sư phạm.

Để có thể theo học sư phạm, buổi đầu tôi kiếm chân kèm trẻ cho một gia đình người anh họ. Con nhà nghèo, lại xa nhà tôi biết thân phận mình, nên thường tập tính chịu đựng. Anh chị cũng đối xử tử tế với tôi.

Nhưng chiến tranh ngày ngày mỗi lan rộng, lính Mỹ có mặt khắp nơi trong thành phố. Họ thuê nhà sát ngay bên cạnh căn nhà của người anh họ  tôi. Ngày ngày cả nhà gặp họ ra vào. Hello, morning… Đám trẻ vui mừng vì được nói tiếng Mỹ, được schocolat, được bánh kẹo. Chúng qua chơi nhà hàng xóm thường hơn và lúc nào về cũng mang theo chút gì đó khoe với gia đình. Bà chị họ tôi hài lòng lắm. Thỉnh thoảng bà cũng nhờ mua giúp ít hàng trong PX của Mỹ với giá rẻ mạt, giúp đổi dollar kiếm lời. Ai cũng hân hoan, vui vẻ, chỉ có điều tháng tháng, điểm của lũ trẻ trong thành tích biểu cứ tụt xuống dần dần. Người mẹ la mắng quát tháo mấy đứa con mà tôi lại thấy chột dạ. Tôi xin với anh chị dọn ra ở chỗ khác lấy cớ đi học gần trường hơn. Tôi dọn về ở chung với mấy đứa bạn. Ít lâu sau Thầy giáo Anh văn giúp tôi tìm ra được một việc làm trong cơ quan bảo trợ nhi đồng.Tôi mừng vô cùng.

Nhưng niềm vui của tôi chưa được lâu thì được tin buồn từ gia đình gởi tới .Chị tôi đã mất.

Thời gian không có tôi ở nhà, chị tôi vẫn tiếp tục đi xe đò về chợ Hương Cần buôn gạo kiếm lời. Một ngày nọ cuối tháng Ba năm Mậu Thân chị tôi bị đạn từ máy bay trực thăng ở bên kia sông bắn lạc  vào giữa đám đông buổi chợ. Chị tôi bị thương nặng và chết khi đang mang thai hơn bảy tháng, bỏ lại bốn đứa con. Đứa lớn vừa hơn mười tuổi và đứa nhỏ mới lên ba.

Bao nhiêu mơ ước của gia đình tôi, của tôi và của cả chị bổng chốc tiêu tan…

Đêm đêm nằm trong phòng trọ với lũ bạn, tôi không thể nào ngủ được. Nằm nghe tiếng trẻ con của người chủ nhà khóc giữa đêm khuya và tiếng ru hời dỗ dành của mẹ nó mà nước mắt tôi chạy quanh. Tội nghiệp các cháu tôi, ai dỗ dành chúng những khi như thế này? Tôi trông ngày trông tháng cho mau đến ngày tốt nghiệp để được ra trường, để về Huế, để trở lại gia đình thay chị, thay anh chăm sóc ba mẹ tôi, chăm sóc các cháu tôi.

Tôi ra trường với thứ hạng khá cao, dầu thời gian qua tôi cũng bận rộn với việc kiếm tiền rất nhiều, ít khi có thì giờ cho bài vở. Có người đề nghị mua lại vị thứ của tôi với một số tiền khá lớn, để họ được về Huế, nhưng tôi dứt khoát từ chối, dù rằng tôi đang cần tiền, đang rất cần tiền. Nhưng cậu mạ và các cháu tôi đang cần sự có mặt của tôi. Tôi phải về.

Tôi được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường này, ngôi trường của quận lỵ từ mấy tháng nay.

Mười mấy thầy cô giáo, năm sáu trăm học sinh, ngôi trường nằm bề thế trong khu vực thị tứ của quận. Chiến tranh đã tàn phá hầu hết các xóm làng thôn ấp chung quanh, kể cả làng quê của tôi, nhưng khu vực thị tứ này vẫn bình yên, không thấy dấu vết của bom đạn trong khu vực thị tứ. Ngược lại, chỉ bước ra thêm mười thước, khỏi cổng làng thì đã đến vùng mất an ninh. Ngoài kia thỉnh thoảng lại nghe tin có năm ba Việt cộng đêm đêm lẻn về.

Thật ngỡ ngàng cho tôi khi phải điều hành ngôi trường như thế này. Tôi là thầy giáo trẻ tuổi nhất trong trường, mới hơn hai mươi tuổi. Chỉ mấy tháng trước đây khi còn ở trường Sư phạm, tôi còn nghịch phá với bạn bè ngay trong giờ học. Thế mà giờ đây tôi phải chăm sóc cho hằng trăm học sinh. Tôi chưa biết bắt đầu như thế nào. Tôi hỏi ý kiến các thầy cô giáo cũ. Tôi họp phụ huynh và xin ý kiến của phụ huynh. Tôi xin ý kiến của ông Quận trưởng… Quận trưởng là một Trung tá người Bắc. Ông thẳng thắng, hoạt bát và đầy thiện cảm. Ngày đầu đến thăm trường, ông bảo tôi : Thầy cố gắng chăm sóc ngôi trường. Mấy năm nay chiến tranh liên miên, các em tản cư khắp nơi, việc học bị phân tán. Giờ tình hình đã khá, các em đi học đều đặn trở lại là dấu hiệu của địa phương có an ninh. Có khó khăn gì thầy cứ lên quận gặp tôi. Tôi sẵn sàng hỗ trợ thầy.

Câu hỏi tôi đưa ra thật đơn giản. Quý vị khuyên tôi nên làm gì để nhanh chóng phục hồi sinh khí của nhà trường, nâng cao việc học của các em? Một trong những ý kiến được nhiều người đề nghị là cho các em mặc đồng phục. Đồng phục giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt nhà trường, giúp các em sớm vào nề nếp học tập. Mà quả thật như vậy, chỉ chừng vài tháng ngôi trường đã có hẳn một sinh khí mới mẻ. Sân trường với hàng trăm học sinh áo trắng quần xanh tung tăng đùa giỡn toát lên khung cảnh thanh bình yên ổn của thị trấn miền quê. Các thầy cô giáo vui vẻ hài lòng, học trò hãnh diện, phụ huynh, chính quyền cũng ngợi khen. Tôi cũng thấy vui lây.

Thế mà vẫn còn lại thằng Chứng, vẫn ương bướng không chịu mặc đồng phục. Chú thím nó lại còn tỏ vẻ bất cần, cho học thì tốt, không cho thì ở nhà giữ trâu, mần ruộng. Không áo trắng áo đen chi hết.

Thằng bé ra khỏi phòng, tôi vẫn còn ngồi yên lặng. Ở đâu lại có người nói năng ngang ngược như vậy? Bà con ở thôn quê tuy rằng ít học nhưng xưa nay rất kính trọng các thầy cô giáo, ai cũng muốn cho con cái mình được đi học, nhất là bà con vùng ngũ xã, nổi tiếng lễ nghĩa này. Chỉ có thím thằng Chứng mới nói như vậy. Nếu đó là mẹ ruột của Chứng, liệu bà có nói như vậy không? – Không thể nào.

Mẹ già như chuối ba hương…Thằng Chứng mất mẹ, nó thiếu chuối, thiếu đường, thiếu vắng tất cả những dịu ngọt của người mẹ cho nó. Hoàn cảnh của nó cũng là hoàn cảnh mấy đứa cháu của tôi. Nó may mắn hơn một chút vì cha nó vẫn còn bên cạnh nhưng ông ta cũng chỉ biết ậm ừ…Đuổi học nó vì thiếu chiếc áo trắng? Lẽ nào tôi lại gây thêm niềm đau cho nó. Tiếng van lơn của nó lẩn quẩn trong đầu tôi. Xin thầy đừng đuổi em, thầy xin với sœur đừng đuổi em, tội nghiệp…Ai lại đuổi một học sinh vì nó không sắm nổi đồng phục? Nhưng để nó đi học mỗi ngày với chiếc áo nâu bạc màu giữa rừng áo trắng thì coi làm sao? Cả sœur Régina nữa, chắc chắn sœur sẽ không chịu để lớp sœur mất điểm thi đua so với các lớp khác.

Tiếng kiểng báo hiệu giờ chơi vừa đánh xong, tôi đã thấy bóng sœur Régina trước mặt.

- Thầy định cho trò Chứng tiếp tục ngồi học à ? Thầy làm vậy thì còn gì là kỷ luật nhà trường? Tuần trước chính thầy nói dưới sân cờ, em nào không có đồng phục thì không được vào lớp, thế mà bây giờ thầy làm vậy. Mai một các em khác bắt chước như nó thì nhà trường giải quyết thế nào ?

Sœur nói một thôi dài không cần câu trả lời của tôi. Tính sœur thường vậy. Tôi mỉm cười nghĩ bụng, may mà sœur đi tu.

- Thằng Chứng sẽ có đồng phục. Lát nữa nó sẽ vào lớp với bộ đồng phục. Tôi cắt ngang lời sœur và nói rành mạch.

Sœur chưng hửng, yên lặng như chưa tin những gì tôi đang nói. Các thầy cô giáo khác cũng đang lần lượt về văn phòng nghỉ giải lao, trò chuyện. Thấy không khí có vẻ hơi khác thường ai đó hỏi nhỏ sœur việc gì đã xảy ra. Đợi sœur trả lời xong, tôi mời mọi người ngồi, tự châm cho mình chén trà, rồi tiếp tục:

- Thằng Chứng mất mẹ, ở với người dì ghẻ. Dì của nó không thể sắm đồng phục cho nó. Nếu vì đồng phục mà mình đuổi học nó là không phải. Một đứa trẻ mất mẹ thiệt thòi đã quá lắm rồi. Chúng ta không để nó phải thất học.

Mọi người im lặng một chút. Một thầy giáo già lên tiếng trước :

- Thầy Hiệu nói đúng. Nó đã mất mẹ thì mình phải châm chước cho nó.

- Nói vậy bây giờ mình cứ để cho nó mặc gì tùy ý à ? Một ai đó hỏi theo.

- Không, tôi đang nhờ bác cai trường ra chợ mua cho nó bộ đồng phục. Số tiền đó một nửa tôi chịu, một nửa xin phép các anh chị trích quỹ hiệu đoàn.

- Tôi đề nghị khỏi trích quỹ, tôi xin ủng hộ một trăm. Cô giáo lớp Nhất, người bạn cùng  trường  Sư phạm với tôi lên tiếng.

- Tôi cũng vậy. Tôi cũng vậy. Hết cô giáo này đến thầy giáo khác đưa tay tình nguyện đóng góp phần mình để mua sắm đồng phục cho thằng Chứng. Số tiền gom được đủ để sắm hai bộ đồ. Thầy giáo lớp Tư lại tình nguyện hớt tóc cho nó. Không khí trong phòng rộn rã hẳn lên. Tôi quay mặt ra cửa sổ để dấu niềm cảm xúc trong lòng.

 Hai tuần sau, soeur Régina từ Huế về, chẳng biết đã xin ở đâu trên đó, một cặp đầy bút chì, bút màu, thước kẻ, tập…Một học sinh khá giả cũng chỉ sắm đến thế là đủ.

Thằng Chứng từ đó học hành khá hẳn lên. Nó chẳng còn len lén cúi gằm mặt khi gặp thầy cô trong trường nữa. Gặp ai nó cũng mở miệng cười toét, em chào thầy, chào cô. Thầy giáo lớp tư cắt ngắn đầu tóc của nó khiến nó ra vẻ lớn hơn. Nó được bầu làm trưởng lớp.

Mỗi buổi sáng trước giờ chào cờ, tôi gặp nó đứng đầu hai dãy học sinh lớp ba, dõng dạc hô lớn : Tất cả chú ý. Nghiêm ! Đàng trước, thẳng! Nó có vẻ sung sướng và hãnh diện lắm. Đám học trò cùng lớp răm rắp làm theo hiệu lệnh của nó. Tôi mỉm cười nhìn nó khích lệ.

Năm sau nó lên lớp Nhì, năm sau nữa nó lên lớp Nhất. Mùa Hè đến, nó tìm tôi nói lời cảm ơn. Nó lí nhí trong cổ họng, khác hẳn với vẻ láu táu lâu nay. Tôi hỏi nó : Em có định thi lên Trung học không ? Nó cúi mặt như dấu nổi buồn một chút rồi ngẩng đầu lên trả lời ngay. Thưa thầy không. Em lớn tuổi rồi, em phải ở nhà phụ chú thím em. Các em của em còn nhỏ.

Tôi an ủi nó: Thôi đừng buồn, lớn rồi, không chừng vài năm sau lại có vợ, có con !

Tôi cũng chỉ lưu lại ngôi trường đó sau thằng Chứng một năm. Sau khi tốt nghiệp đại học xong, tôi được thuyên chuyển về một trường trung học ở Sàigòn.

Giã từ ngôi trường đầu tiên trong đời thầy giáo của mình, lòng tôi buồn da diết. Tôi đã sống những ngày thi vị và đầy ắp tình cảm tại ngôi trường quê đó. Những đồng nghiệp của tôi, học trò của tôi và cả phụ huynh nơi đó đã dành cho tôi nhiều thân thương hơn bất cứ nơi nào khác trong thời gian gần hai chục năm dạy học của tôi.

Tôi chia tay và bặt tin thằng Chứng từ đó.

Mười năm sau, trong chuyến nghỉ hè về quê thăm lại gia đình, tôi có dịp ghé thăm ngôi trường đầu tiên đó. Những bạn cũ ngày xưa của tôi không còn ai. Có người đã chết. Có người đã nghỉ dạy hoặc buộc phải nghỉ dạy. Một vài người khác, nay đã thuyên chuyển về đâu đó, một địa danh xa lạ, tôi chẳng thể nào gặp lại.

Tôi đứng lặng giữa sân trường cũ một mình. Hàng dương liễu cằn cỗi hơn trước nhưng vẫn đong đưa giữa gió chiều của vùng quê miền biển. Cây phượng già còn sót lại vài chùm hoa đỏ ối, lẻ loi. Mấy bụi dâm bụt trồng dọc theo các bậc cấp khô héo vì thiếu chăm sóc. Nắng chiều giữa sân trường oi ả lạ thường. Không có ai quen biết, không một ai ! Tôi như người xa lạ. Căn nhà của bác cai trường cũng đã khác hẳn. Bác ấy nghe đâu đã mất cách đây khá lâu. Nhớ ngày nào mỗi lần tôi về tới trường, chỉ trong vài ba phút, bác đã châm cho tôi một bình trà nóng ngon lành. Anh Hiệu dùng trà cho ấm. Bác gọi tôi như thế. Không là thầy mà là anh. Không gọi tên mà gọi chức vụ. Tuy vẫn kính trọng nhưng lại rất thân thương. Bác gái là người lo bữa cơm cho chúng tôi. Hằng tuần có khi tôi phải ngủ lại bốn năm đêm ở nhà bác. Nửa đêm gần sáng, ai đó kéo chiếc mền nhè nhẹ phủ kín vai tôi. Mở mắt hé nhìn lại là bác! Con trai bác có người lớn tuổi hơn tôi.

Người cai trường mới là một anh bộ đội phục viên còn trẻ. Anh ta bị thương ở cánh tay. Thấy bóng tôi lui tới ngoài sân trường, anh ta bước về phía tôi chào hỏi :

-Thầy về thăm trường?

- Vâng, xin lỗi anh là…

- Dạ, em là bảo vệ ở đây. Xin lỗi thầy là thầy…

- Vâng, sao anh biết tên tôi.

- Em ngày trước cũng là học sinh của trường. Ngày thầy về làm Hiệu trưởng, em đã nghỉ học, nhưng em biết thầy.

Tôi nói năm ba chuyện với anh bảo vệ, hỏi thăm tin tức một vài người quen, dần dà câu chuyện quay về cánh tay bị thương của anh. Anh cho biết anh bị thương vào ngày nọ, tháng nọ, khi anh trên đường rút quân về An Gia, làng quê của anh.

Ký ức dẫn tôi nhớ lại tên làng của người học trò cũ, Nguyễn Chứng. Phải rồi, quê Chứng cũng ở làng An Gia, gần phá Tam giang…

Tôi hỏi ngay anh ta :

- Quê anh ở An Gia, anh có biết Nguyễn Chứng không ?

- Dạ biết, nhưng nó chết rồi, chết hồi bảy lăm lận.

Nghe tôi hỏi chuyện về Chứng, anh ta mời tôi vào nhà uống nước rồi anh thong thả kể chuyện.

Thầy biết thằng Chứng chết trước ngày giải phóng, chết tại chỗ này. Anh đưa tay chỉ xa xa về phía hàng rào của ngôi trường. Cái chỗ mà ngày xưa Chứng thường chạy băng từ ngoài vào lóp học để tránh các thầy cô.

Toán quân của tụi em được lệnh nằm chờ tấn công quận lỵ. Mãi gần sáng, thì có lệnh cho rút lui vì các đơn vị khác chưa tập kết kịp. Chứng trước khi rút ra vẫn ấm ức chưa vào thăm được lớp học cũ chỉ cách không đầy năm thước. Nó đánh liều, tao chỉ muốn vào nhìn cái lớp cũ một chút thôi. Vừa nói vừa chạy băng hàng rào. Chưa kịp vào đến lớp học thì đã nghe tiếng lựu đạn nổ. Nó chết ngay bên hàng rào…

- Chứng đi bộ đội lúc nào ?

- Dạ, bảy ba…

Anh bảo vệ vẫn chầm chậm kể chuyện bên tai, nhưng tôi không còn nghe thấy gì nữa. Trước mắt tôi lảng vảng bóng hình thằng Chứng nằm sóng sượt nơi hàng rào của trường cũ.

- Mời thầy dùng nước.

Tôi bừng tỉnh, gật đầu:

- Cảm ơn, cảm ơn.

Tôi uống vội ly nước rồi chào ra về. Ngang qua sân trường tôi nhìn lại mấy dãy phòng loang lổ màu vôi cũ. Màu vôi từ mười mấy năm trước, khi tôi còn ở đây. Hàng dương liễu vẫn thì thầm, buồn bã.

Vang vang trong nắng chiều tháng bảy, tôi nghe đâu đây còn tiếng hô dõng dạc của thằng Chứng trước sân trường đầy học sinh đứng thẳng tắp trong màu đồng phục áo trắng quần xanh :

Tất cả nghiêm ! Đằng trước, thẳng !  

Trời tháng Bảy xứ Huế nắng gắt hơn dạo nào.

 

 

TỊNH Ý

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.