.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Tịnh Ý

Sen làng đã mọc (2)

  • PSN - 18.08.2008


Thầy trò bên nhau (Mùa hè Làng Mai 2008)

„Một tuần tu học bên các thầy, các sư cô và đại chúng tại Làng đã giúp con thêm niềm tin và khẳng định được hướng đi, lối sống của đời mình. Bây giờ con biết con không còn đơn độc trên con đường ấy“.

Đó là những tâm tình của Nguyễn trước những thiền sinh đồng bào người Việt trong buổi pháp đàm tại xóm Trung, thuộc Làng Mai, tại miền Nam nước Pháp trong khóa tu mùa hè 2008 vào cuối tháng Bảy.

Nguyễn là nghiên cứu sinh từ Hà nội. Đây là lần đầu tiên Nguyễn đến Làng Mai tu học. Cùng đi với Nguyễn có bốn bạn trẻ khác. Họ là những giảng viên, sinh viên các trường Đại học ở Hà nội và đang thực tập ở nhiều Đại học khác nhau tại Âu châu.

Nguyễn biết Làng Mai từ năm 2005, khi Sư ông Nhất Hạnh về Việt Nam lần đầu. Trên đường phố Hà Nội, tình cờ một sáng nọ Nguyễn bắt gặp hình ảnh cả trăm thầy tu, trong đó có nhiều thầy, sư cô người nước ngoài, đang đi thong dong, chậm rãi trên đường phố. Nguyễn chưa bao giờ chứng kiến một hình ảnh bình yên như vậy, dù là của những người tu trên thủ đô đất nước. Nguyễn dừng xe đứng ngắm và nghe trong lòng mình một niềm xôn xao trỗi dậy. Giữa không khí xô bồ hối hả, chen lấn của từng lớp xe cộ, giữa bao nét mặt căng thẳng của rừng người tới lui vì phải lo toan cho cuộc sống đời thường, Hà Nội chợt có đoàn người bước những bước chân thong dong, tự tại. Họ đi chậm như đang đếm từng bước. Mắt người nào cũng rực sáng niềm vui, môi ai cũng nở một nụ cười xinh xắn như muốn chia sẻ niềm hạnh phúc với người qua lại hoặc san sẻ tình thương cho cả cỏ cây hoa lá bên đường.

Các thầy cô mặc những chiếc áo màu nâu quen thuộc, nón lá che đầu, dù là nam hay nữ. Nguyễn thấy đẹp quá, gần gũi và tự nhiên quá! Màu áo nâu của người dân quê chân đất, của ruộng đồng miền Bắc, màu áo ngày xưa mẹ Nguyễn vẫn thường mặc. Còn chiếc nón lá, bấy lâu cứ ngỡ ngày một vắng đi giữa thành phố để nhường cho những chiếc mũ vải, những nón nhựa, nón sắt, nón bảo hộ… giờ được cả trăm thầy cô trang trọng che đầu, che nắng, dịu dàng thân thương.

Nguyễn mơ hồ tìm lại được một vẻ đẹp khác của Hà Nội. Đó không phải là vẻ đồ sộ, nguy nga của những cao ốc mới mọc, khoe mình trên bầu trời thủ đô. Không phải là vẻ tân thời của các cửa hàng, cửa hiệu siêu thị ngày càng nhiều máy móc, đồ dùng hiện đại, cũng không phải là những „mode“ áo quần thời trang của giới trẻ như Nguyễn mà chính là vẻ bình thường dung dị của người dân, của những người lao động. Vẻ đẹp của những người mẹ, người cha như cha mẹ Nguyễn đã một thời vất vả cực nhọc chăm sóc nuôi nấng anh chị em Nguyễn, dạy dỗ Nguyễn nên người. Chính hình ảnh đơn giản đó - hôm nay Nguyễn tình cờ gặp lại trên đường phố qua đoàn các thầy, các sư cô làng Mai về thăm đất nước.

Nguyễn hỏi thăm thêm một số tin tức về sinh hoạt của tăng đoàn Làng Mai ở Hà Nội. Nguyễn sắp xếp công việc để có thể tham dự một buổi nói chuyện của Sư ông Làng Mai. Nguyễn tìm mua những băng giảng, những cuốn sách của Sư ông viết về đạo Phật. Nguyễn đọc say sưa „Đường xưa mây trắng“ và „Trái tim của Bụt“ và Nguyễn khám phá ra một con người mới thật sự có mặt trong Nguyễn. Con người với đời sống tâm linh. Nguyễn cũng tìm thấy một đạo Phật mới, khác với đạo Phật của lễ bái và cầu nguyện mà từ nhỏ Nguyễn thường đi với mẹ, đạo Phật của cuộc đời - đạo Phật đi vào cuộc đời.

Ở độ tuổi ba mươi, với những thành công nhất định trong nhà trường, với công việc ổn định nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, Nguyễn có thể tự hào là một thanh niên trí thức thành công. Là một chuyên viên của ngành tin học, Nguyễn cũng có những say sưa với nghề và được xã hội trọng dụng. Chuyến đi du học nước ngoài lần này là một ví dụ. Nhưng từ tiềm thức nằm sâu trong lòng Nguyễn, có một cái gì đó mà Nguyễn đang trăn trở. Cuộc sống hằng ngày của xã hội chung quanh với bao bon chen, giành giựt đã khiến Nguyễn tự hỏi, chẳng lẽ sống trên đời chỉ là như vậy thôi ư? Chẳng lẽ suốt một đời người trên thế gian này chỉ là những lo toan về cơm áo, gạo tiền, giành giựt, bức hại lẫn nhau? Xã hội kêu than đạo đức xuống cấp, nhưng cả xã hội vẫn cứ lao mình vào dòng thác hỗn loạn của bạo lực, của tiêu thụ, tham nhũng. Tiêu chí của cuộc sống thời thượng là kiếm tiền, càng nhiều tiền càng được xã hội trọng nể, dù bằng cách nào, dù ở lãnh vực nào, ở chức vụ nào.

Nguyễn cảm thấy đang thiếu vắng một cái gì đó trong đời sống của riêng mình. Tiền bạc? - Không hẳn. Không giàu nhưng so với những ngày thiếu thốn, khó khăn xưa kia của gia đình thì giờ này đã khá hơn nhiều. Danh vọng, chức vị trong xã hội? - Cũng không phải. Tuy công việc của Nguyễn chưa phải là cao gì lắm nhưng cũng là chỗ để bao bạn bè mơ ước. Tình cảm? - Nguyễn đang có đầy đủ. Người vợ chưa cưới của Nguyễn cũng đang đứng trên bục giảng của một trường đại học ở Hà Nội. Đám cưới của hai người chỉ là vấn đề thời gian, khi khóa tu nghiệp của Nguyễn kết thúc. Vậy thì những khao khát nằm sâu trong tiềm thức của Nguyễn, thật ra nó là cái gì? Nhiều lúc Nguyễn đã tự cật vấn mình mà chưa có lời giải đáp.

Thế mà ngày hôm ấy câu trả lời tự trong lòng Nguyễn nó vỡ ra. Đơn giản, tự nhiên, qua hình ảnh của hàng trăm người bước đi lặng lẽ trên đường phố Hà nội. Họ không phải là một đoàn biểu tình mà sao đông như vậy? Không có băng, cờ, khẩu hiệu mà sao họ mang nhiều gởi gắm đến thế? Họ từ nước ngoài về và nhiều người trong họ là người nước ngoài, mà sao họ giản dị, hiền hòa thân thương đến thế. Họ nối theo nhau thành hàng một thinh lặng, mỉm cười. Người nọ tiếp bước người kia chậm rãi trên đường phố như đang thưởng thức hạnh phúc qua chính bước chân của mình, như muốn nhắn gởi cùng mọi người, có một nguồn hạnh phúc vô tận, có một vẻ đẹp to lớn không cùng. Vẻ đẹp đó, hạnh phúc đó đang ở ngay chung quanh mọi người, trong chính mỗi thời khắc hiện tại của mọi người.

Nguyễn chợt nhận ra nhu cầu đời sống tâm linh của mình. Nguyễn đã sung sướng mỉm cười như muốn trả lời với các thầy đang đi trên đường phố: Con đã thấy, con đã hiểu.

Mùa Hè năm nay Nguyễn đến Làng trong một cơ duyên tình cờ và với tâm trạng thăm dò tìm hiểu.

Nguyễn biết Làng Mai ở Pháp, chẳng xa mấy với thành phố mà Nguyễn đang tu nghiệp. Trong thành phố đang có một nhóm Tăng thân cùng về Làng tham dự tu học. Nguyễn liên lạc và người trưởng đoàn báo tin, còn một chỗ.

Bạn của Nguyễn có người tỏ ra nghi ngại khi nghe Nguyễn đi cùng với những người Việt kiều ấy. Đã một lần, nơi thành phố Nguyễn ở, các bạn đi xem trận bóng đá giao hữu của hai đội tuyển thủ quốc gia nọ, có người mang theo lá cờ đỏ sao vàng để cổ động đội bóng. Sau trận đấu, một người đến sừng sộ với bạn của Nguyễn: chúng mày dẹp lá cờ đó đi. Lần sau mà tụi tao trông thấy thì chúng mày liệu hồn!

Nguyễn không hiểu, thật sự không hiểu. Hơn ba mươi năm thống nhất đất nước nhưng cuộc chiến vô hình vẫn cứ lơ lửng giữa lòng dân tộc, phân hóa kẻ Nam người Bắc, giữa người trong nước và người ở nước ngoài, giữa người quốc gia và người cộng sản giữa giáo dân và phật tử… Đố kỵ, nghi ngờ, sợ hãi. Tội nghiệp cho dân tộc mình, Nguyễn nghĩ. Nhưng Nguyễn trấn an bạn. Với những người đến Làng Mai tu học, Nguyễn tin là không ai có tâm phân biệt, kỳ thị đó. Ai cũng hiểu, máu mọi người đều đỏ và nước mắt người nào cũng mặn. Tổ Huệ Năng cũng từng dạy, con người thì có kẻ Nam người Bắc, nhưng Phật tánh thì không phân biệt kẻ Bắc người Nam. Nguyễn tin vào những thiền sinh về làng Mai. Nguyễn tin vào các Phật tử.

Nguyễn và các bạn của mình đã đến Làng Mai và được sắp xếp ở tại xóm Trung, xóm dành cho đồng bào người Việt.

Xóm Trung không rộng so với các xóm khác. Toàn bộ diện tích của xóm chừng hai mẫu tây, trong khi các xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới… xóm nào cũng rộng cả hằng chục mẫu. Nhà cửa của xóm Trung cũng đơn sơ dầu đã được tạo dựng từ mười năm trước. Thế mà ở Việt Nam, người ta đồn đãi, làng Mai giàu, thật giàu. Có lẽ vì  mấy chục năm qua, làng Mai đã giúp đỡ cho cả ngàn lớp học tình thương, để các cháu có bữa ăn trưa và cô giáo có phụ cấp trông trẻ. Làng Mai bảo trợ hằng trăm thầy cô từ các chùa ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam sang tu học nhiều năm. Hạt giống „hiểu và thương“ và „đạo Phật dấn thân“ của Làng đang nảy mầm ở nhiều nơi trên đất nước. Nhưng cũng ở rất nhiều nơi, hạt giống đó bị thui chột,  khi người ta tìm đến làng Mai với mục đích  trông chờ sự cúng dường, ủng hộ để xây dựng chùa chiền, tự viện cho to hơn, lớn hơn, nguy nga tráng lệ hơn, dù cơ sở của làng ở đây hơn hai chục năm qua vẫn còn đơn sơ như một nông trang nghèo khó.

Nhưng xóm Trung có được vẻ dễ thương của nó, cái dễ thương của con nhà khó và khung cảnh bình dị của cây cỏ chung quanh. Những cây dẻ (marronnier) của xóm cao cả chục thước, thân lớn bằng hai người ôm, rợp bóng mát như những cây đa đầu làng ở quê Nguyễn. Mùa Hè năm nay mưa nhiều nên cây cối xanh mướt và vươn cao hơn. Khóm trúc đằng sau bếp cũng lan rộng và xanh hơn mọi năm. Ai đó đã mắc những chiếc võng dưới gốc cây dẻ, nơi lúc nào tiếng võng cũng đong đưa kẻo kẹt như âm thanh bên quê nhà trong những buổi trưa hè, mùa nắng Nam.

Nguyễn cắm một chiếc lều cá nhân dưới bóng hàng cây điệp mới trồng tiếp nối những chiếc lều của các thanh niên khác và sửa soạn một chiếc nữa trong khu vực nữ cho những  người bạn của Nguyễn đến muộn. Trời trên cao trong xanh. Mấy áng mây trời lơ lửng trên đầu Nguyễn như chào mừng người khách lạ.

Vâng, Nguyễn như người khách lạ. Nguyễn phải „ thực tập“ theo mọi sinh hoạt của Làng. Trăm nghe không bằng mắt thấy, ngày đầu có lúc Nguyễn hơi bỡ ngỡ vì không khí của xóm có vẻ vui nhộn quá. Bà con, bạn bè người Việt từ tứ xứ, nhất là giới trẻ, gặp nhau mừng rỡ, cười nói chào hỏi khiến không khí như ngày hội trại mà ít chất vị của chốn thiền môn. Nhưng chỉ không đầy một tiếng đồng hồ sau, khi tiếng chuông của xóm được thỉnh lên thì tất cả ngưng bặt trong thinh lặng, kể cả người đang làm dang dở một công việc nào đó. Mọi người tự trở về hơi thở và mỉm cười tận hưởng phút giây quý báu của đời mình. Mình đang sống và đang gặp lại bạn bè, đồng bào từ các nơi, quen và chưa quen trên xứ người. Tha hương ngộ cố tri, cái đó không phải là một niềm vui lớn sao?

Nguyễn tham dự đầy đủ mọi thời khóa của Làng. Sáng năm giờ thức chúng. Năm giờ ba mươi, ngồi thiền. Sáu giờ ba mươi ăn sáng… Mỗi ngày Làng có một buổi pháp thoại của Sư ông. Ngày đầu tiên đến Làng, Nguyễn gặp buổi ăn cơm quá đường tại xóm Hạ và nhờ đó hiểu thế nào là một buổi ăn cơm quá đường, ăn cơm theo nghi thức truyền thống. Gần một ngàn người „theo thứ đệ khất thực“ rồi vào ngồi từng hàng ngay ngắn trong thiền đường Hội Ngàn Sao. Thiền đường rộng mênh mông là thế mà hôm đó cũng kín cả chỗ.

Ngày thứ Năm, xóm Trung có lễ giỗ tổ tiên và lễ Bông Hồng Cài Áo. Các thầy từ Việt Nam sang Làng tu học đã cúng dường một nghi lễ cầu siêu cho tổ tiên theo nghi thức truyền thống của các chùa ở Huế. Tiếng trống, tiếng linh, tiếng chuông, tiếng mõ vang lên hòa cùng lời kinh trầm bổng của các thầy đã khiến không khí lễ cầu siêu trang trọng uy nghiêm khác thường. Nhiều người trong chúng không nén được xúc động trước những lời kinh tụng. Nguyễn đã biết những lễ giỗ chạp ở gia đình, nhưng nghi lễ trang nghiêm như lần này thì đây là lần đầu Nguyễn tham dự. Tất nhiên Nguyễn đã ghi tên những người quá vãng của gia đình để cùng nhờ các thầy cầu nguyện.

Chiều thứ Sáu, Sư ông về thăm xóm Trung và cho pháp thoại riêng cho đồng bào. Sư ông ngồi ấm áp giữa vòng quây thân mật của mọi người. Hơn trăm bà con ngồi quanh Sư ông, ấm cúng như trong gia đình và được hưởng thụ trực tiếp năng lượng từ bi và trí tuệ từ Người. Sư ông sách tấn mọi người cách xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình, cụ thể là có mặt cho nhau trong các bữa cơm, ít ra là vào bữa cơm chiều mỗi ngày. Sư ông dành thời giờ cho đồng bào nêu câu hỏi. Quanh Nguyễn nét mặt ai cũng rạng lên niềm hạnh phúc khi được ngồi bên người thầy, người cha quý kính. Nguyễn cũng vậy. Nguyễn cảm thấy thật dễ chịu biết bao vì lần đầu tiên được ngồi thật gần Sư ông như hôm nay, người thầy  không phải của riêng Nguyễn mà của cả dân tộc, cả năm châu. Cả nhiều ngàn người từ nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới thu xếp về đây tu học tháng trời với vị thầy khả kính Việt Nam. Và quang cảnh này đã có từ hai mươi sáu năm nay. Có thể tìm ở đâu một hình ảnh tương tự như vậy? Điều này làm Nguyễn ngạc nhiên, xúc động pha lẫn chút tự hào dân tộc. Đất nước, dân tộc Việt nam đã hiến tặng cho nhân loại một vị thầy đáng kính, vị đạo sư đó. „Một bậc thượng nhân hành xử như nước chảy mây trôi, cưỡi sóng tử sinh, hùng khí bạt ngàn đến đi tự tại. Đức lớn ví Thái sơn mà thấp mình như đất. Thành công kỳ vĩ mà xóa dấu vết trên sử xanh. Coi mọi thành bại như mây trời, thả mình bồng bềnh như gió Hạ, sống chết như con người, bình thường như lá cỏ. Nhưng điều kỳ diệu hơn con người là sự hiện diện của người ấy là sự có mặt của năng lượng thương yêu và tuệ giác. Người ấy rãi lòng từ trên nhân gian làm dịu lửa oán thù chất ngất, hóa thân vào văn hóa các địa vực và còn hứa hẹn triệu triệu lần rong chơi cõi tử sinh. Ôi bóng của người ấy lồng lộng cõi nhân gian, chúng ta có nói ngàn vạn lời cũng chỉ là vẽ được nét hằn trên mặt nước!“

Được ngồi yên lặng bên Sư Ông, đã là hạnh phúc lớn đối với Nguyễn. Nhưng Nguyễn cảm thấy còn có niềm thao thức trong lòng muốn được hỏi Sư ông. Nguyễn muốn được nghe lời dạy của Sư ông và Nguyễn đã mạnh dạn chấp tay:

„Kính thưa sư ông, con là sinh viên đến từ Việt nam… Con không đủ khả năng để tranh được một chỗ làm mà con rất ao ước. Con phải tìm cách nhờ cậy, đút lót để có được chỗ làm đó vì con cần có việc làm, có lương tiền để giúp đỡ bố mẹ con. Sư ông cho con một lời khuyên.“

Sư ông nhìn sâu vào mắt Nguyễn. Sư ông bảo, Sư ông hiểu tâm trạng của Nguyễn. Hối lộ và tham nhũng hiện là một quốc nạn của đất nước và nó không chừa một chỗ nào, kể cả trong nhà chùa, trong giáo hội. Sư ông và tăng đoàn trong các chuyến về thăm và hoằng pháp ở Việt Nam cũng đã nhiều lần gặp phải những khó khăn đó. Nhưng Sư ông và các thầy cô quyết dứt khoát với chuyện hối lộ. Đó cũng là một cách cống hiến cho đất nước, dù gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Con cũng vậy, con có thể kiếm một công việc lương ít hơn một chút nhưng không cần phải hối lộ, phải đút lót. Mình không chỉ nuôi cha mẹ bằng tiền mà mình còn nuôi cha mẹ bằng lòng chính trực, bằng sự ngay thẳng, bằng đạo đức của mình. Hạnh phúc của cha mẹ sẽ lớn hơn bội phần. Sư ông chúc Nguyễn có niềm vui và nhiều may mắn trên con đường đó.

Nguyễn sung sướng nghe lời dạy bảo của Sư ông. Sư ông trả lời cho Nguyễn thật ngắn gọn, nhưng những lời của Thầy đi vào lòng Nguyễn thật sâu. Nhất là ánh mắt của Sư ông dành cho Nguyễn, khi Sư ông bảo Thầy hiểu được tâm trạng của Nguyễn, thì mắt Nguyễn cũng sáng lên bắt gặp ánh mắt thông cảm và yêu thương của Sư ông. Bởi Nguyễn đâu phải chỉ hỏi cho Nguyễn đâu? Ngược lại, Nguyễn đang là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng, hối lộ đó. Cái „dịch“ tham nhũng và hối lộ đang lây lan khắp mọi người và những vi khuẩn của nó đang làm thối rữa cả xã hội. Làm cách nào để những người như Nguyễn và các bạn trong thế hệ trẻ của Nguyễn góp phần xây dựng một xã hội có công bằng, nhân ái?

Câu trả lời của Sư ông cho Nguyễn một niềm tin. Hãy bắt đầu từ chính mình, trước khi chờ đợi xã hội thay đổi. Tất nhiên, Nguyễn phải lường trước bao nhiêu chướng ngại, khó khăn sẽ gặp cũng như chính Sư ông, đã gặp bao khó khăn, chỉ vì con đường Sư ông đã chọn.

Người ta cản trở, phá hoại, đe dọa, trong gần năm chục năm hành đạo của Sư ông, vẫn không làm Sư ông nao núng từ bỏ lý tưởng của đời mình thì ngày nay có sá gì những bôi nhọ, xuyên tạc, trả đũa nhỏ nhen của các thế lực ma vương đang nhắm vào những hạnh nguyện to lớn của Sư ông. Điều đó không làm thay đổi con đường của Sư ông đã đành, mà cũng không làm nao núng triệu triệu học trò của Sư ông. Mà từ ngàn xưa, các bậc đạo sư lớn của nhân loại như đức Phật Thích Ca, như Khổng Tử, như chúa Jésu… mấy ai đã tránh khỏi những sợ hãi hay ganh tị, thù hằn, của các thế lực ma quỷ đó. Đức Phật  từng là nạn nhân sự vu khống của các giáo sĩ Bà La Môn, chỉ vì tín đồ của họ đi theo tu học với Ngài ngày càng nhiều; đã từng là mục tiêu hãm hại của Đề-bà-đạt-đa, người vừa là em họ vừa là đệ tử của Ngài chỉ vì lòng đố kỵ. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, đức Khổng Phu tử cũng chỉ vì muốn giáo hóa lễ nghĩa cho mọi người mà bị vua quan các nước bao vây và tuyệt lương giữa rừng hai nước Trần, Thái. Còn Chúa Jésu đã làm gì để phải bị dân Do Thái xua đuổi, liệng đá và bị đóng đinh trên thánh giá, nếu không phải là đi rao giảng Tin Mừng? Những kẻ cuồng tín, thời nào chẳng có. Nếu không, làm sao những bậc vĩ nhân như thánh Gandhi, như Mục sư Luther King, như Tổng thống Kennedy lại bị sát hại?

Buổi pháp đàm kết thúc, một ngày sắp hết, nhưng lòng Nguyễn mở ra một không gian rộng lớn hơn nhiều. Phía trước là niềm tin, là tình thương và hạnh phúc của con người đã có hướng đi.

Ngày sắp hết, nhưng Nguyễn không buồn, trái lại chan chứa một niềm vui, như bài thơ của người bạn Nguyễn, Thu Huyền, sáng tác nhân buổi chiều cùng đại chúng xóm Trung ngắm mặt trời lặn trên đồi hoa Hướng Dương:

Những câu thơ viết lúc hoàng hôn
Cũng giống như tàu rời ga chuyến cuối
Biết trước mặt mình là bóng tối,
Vẫn ra đi

Những câu thơ muốn nói điều chi
Mà bất lực trước thiên nhiên hùng vĩ
Đêm tiếp ngày nối chân mây tím ngắt
Câu thơ chìm vào tĩnh lặng mênh mông
Viết lúc hoàng hôn
Câu thơ như vệt nắng cuối ngày còn sót lại
Hóa thân thành ngàn sao thao thức mãi
Đợi ngày mai thắp sáng lại mặt trời
Giản đơn như con nước đầy vơi
Cũng sâu sắc như lẽ đời đơn giản vậy.
        

Mặt trời đã chìm sâu sau đỉnh núi. Vệt nắng cuối cùng rồi cũng tan. Đại chúng thong thả từng bước trở về xóm. Nguyễn cũng chậm rãi đếm từng bước hạnh phúc của đời mình trên cánh đồng nho miền Nam nước Pháp. Nguyễn chợt nhận ra chẳng biết từ lúc nào bước đi của mình cũng bình yên, tự tại như vẻ bình yên tự tại của các thầy, các sư cô Làng Mai trên đường phố Hà nội năm nào. Nguyễn không còn đơn độc trên con đường trước mặt.

 

TỊNH Ý

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.