.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Tịnh Ý

Sen làng đã mọc (3)

  • PSN - 7.09.2008


Hồ sen xóm thượng, làng Mai

Từ thư viện thành phố Vũ đạp xe về nhà theo lối tắt, ngang qua con rừng nhỏ mà  người trong vùng thường đi dạo. 

Trời mùa thu Oldenburg xanh trong, lành lạnh. Cúi mình trên xe đạp, Vũ cảm thấy dễ chịu. Gió chiều lướt qua mặt mát rượi. Mấy hàng cây bên đường vẫn còn đầy ấp những tán lá xanh. Nắng chiều mỏng manh trên cao xuyên qua các tán lá thắm nhiều màu sắc, chiếu xuống mặt đường trước Vũ lốm đốm những vệt sáng như dãi lụa hoa dài bất tận.

Hoa dại bên đường đủ màu chen chúc trong bãi cỏ non xanh mượt, khiến lòng Vũ cũng tươi vui lây. Vũ rẽ vào con đường nhỏ ven hồ nước, nơi những năm trước Vũ thường ngồi câu cá vào những chiều rảnh rỗi..

Cảnh hồ thật yên tĩnh, dễ chịu. Lâu lắm rồi Vũ không ghé lại nơi này. Người đi dạo dọc theo bờ hồ khá đông. Thấp thoáng quanh hồ đang có nhiều người ngồi câu cá. Có người mang theo ghế ngồi thoải mái. Có người dựng thêm  tấm lều con bên cạnh, phòng khi trời đổ mưa và nhiều người mang cả thức uống, thức ăn theo cùng, bởi họ thường dành cả buổi, cả ngày cho một chuyến đi câu như vậy.

Vũ đảo mắt vào gốc hồ ngày trước nó thường ngồi. Có ai đang ngồi chỗ cũ của nó. Chắc là thằng Tony, cái thằng ngày xưa đã từng ngồi câu bên Vũ, thời gian  hai đứa vừa học xong khóa hướng dẫn câu cá của câu lạc bộ. Đúng rồi, chính hắn. Cái đầu tóc bờm xờm  phủ xuống khuất cả vai kia thì chắc là hắn. Nhìn từ đàng sau cũng có thể nhận ra hắn dễ dàng. Vũ muốn dừng lại ghé chơi với hắn một chút.

Nó dựng xe đạp bên gốc cây rồi thong thả bước qua đám cỏ tiến dần về phía bờ hồ.

-          Hallo, Tony!

-          Hallo, Vũ, khỏe không? Mày đi đâu biệt tích mấy lâu nay không thấy mặt? Có còn ở chỗ cũ nữa không?

-          Vẫn còn. Được con nào chưa? Vũ vừa hỏi vừa săm soi nhìn vào cái chậu nhựa. Đang có một chú Karpfen xấu số vùng vẫy ở đó.

-          Mới được con cá chép con con. Tony lơ đãng trả lời. Trời gió, cá ít ăn mồi. Lâu ngày không thấy mày ra câu nữa, bận học hả?

-          Không phải bận học. Vũ ngập ngừng - mà là không còn hứng nữa!

Thằng Tony mở lớn hai mắt:

-    Mày không còn hứng đi câu nữa há? Mày làm tao ngạc nhiên quá!

-    Phải đấy. Tao không còn hứng nữa.

-          Từ bao giờ vậy? Kể tao nghe đi.

-          Cả hai năm nay.

Vũ định giải thích cặn kẽ cho hắn. Nhưng chợt nghĩ làm sao hắn có thể hiểu những vấn đề mơ hồ như thế. Thôi thì “keine Lust mehr” là câu trả lời „einfach“ nhất.

Hồi còn lớp chín Vũ thích ăn chocolat. Trong cặp Vũ ngày thường có vài thỏi Snacker ngọt lịm. Những lúc ra chơi hay khi đói bụng, có thỏi chocolat vào miệng là Vũ cảm thấy sảng khoái lắm rồi. Một hôm trên đường đi học về cùng lũ bạn, Vũ bỗng thấy thèm chocolat quá. Nó thọc tay hết chỗ này đến chỗ khác, từ túi quần đến túi áo jack xem thử còn thỏi kẹo nào không thì thằng Christine đi bên cạnh hỏi nó:

-          Mày kiếm cái gì thế, chocolat hả?

-          Ừ, nhưng hết rồi.

-          Tao đang còn một thỏi đây.

Nó vừa nói vừa thọc tay vào túi áo lấy đưa Vũ một thỏi kẹo đã nhăn nhúm. Vũ mừng rỡ cảm ơn, vừa đi vừa bóc thỏi kẹo. Hóa ra chỉ là xấp giấy xếp gọn bên trong. Thằng Christine và lũ bạn cười ngặt nghẽo chế diễu Vũ, nhất là tụi con gái phía sau. Thì ra tụi hắn biết Vũ thích chocolat nên bày trò gạt Vũ. Vũ giận đến tím mặt. Nó chửi thề, Scheiße! Mày đáng ăn quả đấm vào mặt. Nó định lụi cho thằng kia một cú nhưng thấy hắn to cao hơn Vũ cả cái đầu nên cũng ngán. Nhưng Vũ ức lắm, nhất là thấy mất mặt với đám con gái, trong số có con Lilla, đứa mà Vũ đang để ý.

Suốt ngày hôm đó Vũ bực bội mà chẳng biết kể cùng ai. Chiều tối mẹ Vũ về thấy con không được vui, hỏi Vũ, nó cũng chỉ ậm ừ. Nó không muốn người khác biết chuyện quê một cục của nó.

Ba hôm sau thì thằng em họ cùng học trong trường biết chuyện. Nó về kể lại cho mấy đứa khác trong nhà cùng nghe. Vũ cáu lắm. Vũ quyết trả thù thằng Christine. Vũ cảm thấy mình bị xúc phạm, bị lường gạt. Thằng kia là một đứa chẳng ra gì. Nó là thằng dối trá, một thằng lường gạt.

Mấy anh em đang chuyện trò, bàn cãi thì bác nó đến chơi. Thấy không khí không vui, bác nó hỏi chuyện. Một đứa thuật lại đầu đuôi sự việc. Bác nó khuyên, thôi quên đi. Thằng Christine chắc cũng chỉ muốn đùa cháu chút xíu thôi. Giận làm gì.

Nó không chịu.

- Con ghét nhất những kẻ dối gạt. Con không thể nào chơi với những đứa đó.

-          Phải rồi, dối gạt là điều xấu nhưng còn tùy trường hợp. Bạn con tuy gạt con nhưng không nhằm hại con, thì mình cũng nên bỏ qua. Chẳng lẽ con chưa từng lừa dối ai điều gì sao?

-          Dạ chưa, chưa hề.

Bác nó dừng lại một chút rồi tiếp:

-          Nhưng có thể con đã lừa gạt con vật chẳng hạn.

-          Cũng chưa. Con lừa gạt một con vật để làm gì, có lợi lộc gì cho con?

-          Đúng vậy, nhiều khi chẳng có lợi lộc gì mà mình cũng cứ làm chỉ vì ham vui thôi. Con cũng có thể đã làm mà không để ý.

-          Con không bao giờ làm như vậy. Nó trả lời chắc nịch pha một chút bực bội.

Bác nó hỏi sang chuyện khác:

-          Con còn đi câu không?

-          Dạ còn, Hobby của con mà .

-          Con không nghĩ đó là một Hobby không đẹp sao?

Vũ ngạc nhiên hỏi lại:

-          Tại sao?

-          Tại vì con cũng đang lừa gạt mấy con cá.

-          ???

-          Con gạt con cá bằng cách móc mồi bên ngoài lưỡi câu, có khác gì thằng Christine lừa con bằng thỏi chocolat giấy. Khi con cá mắc lưỡi câu vùng vẫy đau đớn thì con lại sung sướng reo cười, cũng tựa tiếng reo cười của lũ bạn khi con xấu hỗ, tức giận vì bị xí gạt.

Mấy đứa anh em họ của Vũ đồng tình với bác nó reo lên:

-          Phải rồi, bác nói phải. Vũ cũng là người dối gạt.

Vũ bực tức nhưng thấy đuối lý. Nó vẫn tìm cách chống chế:

-          Bác nói vậy thì những người đánh cá họ đều mắc tội dối gạt cả sao?

-          Ít nhiều họ đều có tội. Có điều, đó là nghề để sinh sống nên họ phải làm. Với con thì khác, con câu cá chỉ vì niềm vui chứ không phải vì cần được cá để ăn. Con vui nhưng kẻ khác khổ, thì con không nên làm. Dù ở đây chỉ là những con vật.

Lần này thì nó chịu lý của bác nó.

-          Bác có lý. Con sẽ không câu cá nữa.

Nó nói vậy nhưng thời gian sau đó thỉnh thoảng nó vẫn mang cần câu ra hồ, bởi câu cá như nó nói là một trong những sở thích của nó. Bỏ một sở thích như thế, nó chưa chịu được. Cứ nhìn cái phao động đậy là nó biết đang có chú cá nào đó đớp mồi. Quay quay mấy vòng cuộn chỉ làm như con mồi đang lội để nhữ cá, rồi giựt mạnh cần câu, nó thích lắm.  Khi chú cá mắc câu vùng vẫy trong tuyệt vọng thì nó cũng có cảm giác sảng khoái của sự thành công. Mấy người chung quanh cũng khen ngợi và chúc mừng nó. Nó gỡ con cá bỏ vào thùng, lại mắc mồi, lại chờ con khác. Có khi nó đọc vu vơ vài trang sách mà nó đã mang theo. Nhưng câu nói của bác nó và mấy đứa em họ cứ quẩn quanh trong đầu nó. Nó cũng là người dối gạt khiến nó không vui, không còn hứng như mọi hôm. Nó là thằng dối gạt ư? Không, nó không phải là thằng dối gạt, nhất là lường gạt một con cá. Nó đâu cần con cá để ăn đâu! Nó câu cho vui thôi mà!

Nó nhìn vào cái thùng nhựa. Con cá đang thở ngáp trong đó. Chắc miệng nó phải đau ghê lắm. Cả cái ngạnh của lưỡi câu cắm phập vào miệng nó mà, không đau sao được! Hai mắt con cá đang nhìn nó nữa như tức giận nữa như van lơn: Tại sao anh gạt tôi? Tại sao anh bắt nhốt tôi? Tôi đâu có làm gì nên tội đâu? Anh thả tôi ra đi.

Nó chợt nhớ có lúc nó đã từng nghe Nội nó kể về những buổi phóng sanh  ở quê nhà, khi gặp những ngày lễ lớn hay khi ba nó vượt biên. Đi vượt biên lênh đênh trên biển thì mười người chết hết bảy. Nội nó ở nhà ra chợ mua cá, mua chim về phóng sanh để cầu nguyện cho ba nó được an toàn trên chuyến đi. Nó chưa hề biết phóng sanh là thế nào nhưng nó hiểu đơn giản, chắc Nội  muốn cầu Trời Phật phù hộ cho ba nó khỏi chết. Hóa ra muốn mình được sống thì mình cũng cho loài vật cơ hội sống. Không chừng Nội nó, bác nó có lý. Nó quay lại thùng đựng cá, nhìn mấy chú cá vừa câu được chiều nay, mỉm cười rồi nói:

-          Thôi thì tao cũng tha cho chúng mày một lần. Gắng lội ra thật xa, đừng quanh quẩn chỗ này lại gặp mồi của những kẻ khác.

Nó xách cái thùng nhựa theo xuống bờ hồ, lội ra sâu chừng ba bước, nghiêng miệng thùng cho nước tràn đầy và lắc lắc vài cái cho mấy chú cá theo luồng nước phóng lẹ ra hồ nước mênh mông.

Nó cảm thấy nhẹ nhỏm và khoan khoái trong lòng, hình như còn vui hơn cả khi nó câu được con cá. Nó cười một mình, huýt sáo một bài hát không tên chợt thoáng qua đầu. Nó trở lại thu xếp cần câu, liệng hũ mồi còn lại xuống hồ rồi đạp xe về nhà.

Chẳng biết vì sao chiều nay nó cảm thấy vui vẻ và yêu đời đến thế. Chẳng lẽ lại chỉ vì chuyện nó thả mấy con cá vừa câu?

Mùa Hè lại đến. Trong bữa cơm chiều của gia đình và bà con hơn cả chục người, tin Vũ bỏ thú vui câu cá của nó được đứa nào đó kể lại cho cả nhà nghe. Có người đồng tình, có người phân vân, nhất là ba của Vũ, người đã mua tặng nó cần câu đắt tiền để làm quà sinh nhật cho nó, khi nó lên mười lăm tuổi. Ông thương nó và ông sẵn sàng chìu con, sẵn sàng mua sắm tất cả những gì mà con ông thích.  Ngày xưa ông bà của Vũ ở Việt Nam nghèo.

Ba Vũ thường đứng nhìn khao khát những đồ chơi của con nhà giàu trong ngõ mà không bao giờ đạt được. Vì vậy bây giờ ông không tiếc tiền để cho con ông thỏa mãn mọi ước mơ, được bằng chị bằng em với mọi người, kể cả lũ bạn Đức của Vũ, vì ông ta đang có tiền.

Bác nó hiểu tâm trạng và tình cảm của ba mẹ nó dành cho nó. Nhưng bác nó nhắc lại câu nói nổi tiếng của vị thầy „thương mà không biết cách thì có khi làm bị thương người mình thương“. Có nhiều môn giải trí có lợi cho sức khỏe cũng như tâm hồn của trẻ con. Ở xã hội Âu Tây này, phải hết sức cẩn thận. Nếu không, thay vì học cái hay của người ta, lại ôm rác rưởi của họ vào mình.

Câu chuyện giữa mấy người lớn quay về việc nuôi dạy con cái. Người lớn ai cũng bận tâm, làm sao cho con cái mình nên người, vừa hội nhập được với xã hội Tây phương mà vừa giữ được bản sắc của dân tộc. Bác nó nhận xét, may mắn là các cháu đứa nào cũng ngoan, học giỏi. Đời sống vật chất của mấy gia đình cũng khá. Còn một thứ mà mình cần lo là đời sống đạo đức và văn hóa Việt Nam của chúng nó. Không vun đắp từ nhỏ thì lớn lên chúng sẽ trở thành những ông Tây con, Mỹ con hết.

-          Mình cũng dạy bảo chúng đấy chứ.

-          Có, nhưng chưa đủ. Một phần vì anh em ai cũng bận công ăn việc làm hằng ngày, thì giờ còn lại cho con cái, rất ít. Phần khác, quan trọng hơn, đó là vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình cũng rất ít. Mình lớn lên trong thời buổi chiến tranh, rời nước trong khi còn rất trẻ nên những hiểu biết của mình về văn hóa Việt chưa sâu, chưa đủ. Có thể có những cái mình tưởng nó hay, nhưng thật ra thì chẳng hay chi mấy. Câu chuyện câu cá của thằng Vũ là một ví dụ.

-          Theo anh thì…

-          Tôi đề nghị nhân mùa nghỉ hè của các cháu cho các cháu sang làng Mai một tuần. Trước vui chơi nghỉ hè, sau các cháu có thể học được đôi điều về văn hóa Việt. Văn hóa Việt ở làng Mai là văn hóa đã được tinh lọc, vừa giàu tính chất Việt vừa thích nghi được với giới trẻ phương Tây. Đã có nhiều gia đình sau khi đưa con về Việt Nam để học hỏi văn hóa Việt rồi nhưng chưa hài lòng. Họ lại cho con sang làng Mai sống một thời gian và kết luận, ở Làng Mai còn Việt Nam hơn cả ở Sài gòn hay Hà nội.

Thế là mấy anh em Vũ có cơ hội về Làng Mai, trong số có cả bé Liên con  ông bác từ Canada sang chơi.

Anh em Vũ vui sống một tuần ở Làng. Ban đầu thì chúng thấy cái gì cũng ngồ ngộ. Ăn cơm thì im lặng, khó chịu quá! Mấy đứa tuy chẳng dám nói chuyện khi cả xóm gần hai trăm người đang ngồi ăn im lặng. chỉ còn tiếng muổng đũa vang lên đây đó, nhưng chúng vẫn thì thầm to nhỏ với nhau. Có lúc thì ra hiệu bằng ánh mắt, bằng nụ cười. Hai ba ngày sau thì chúng cũng quen dần. Đi thiền hành cũng thế. Tại sao lại phải đi thật chậm, trong khi hằng ngày bọn chúng phải bươn bả đến trường, lên xuống xe buýt? Thì giờ là vàng bạc mà cứ chầm chậm như các thầy cô ở làng đi thì để lỡ biết bao cơ hội? Nhưng dần dà nghe các anh chị đã từng đến làng trước giải thích thì Vũ  hiểu ra, chậm là bước thực tập để „tâm“ mình có mặt trong bước chân. Đừng vừa đi vừa lo nghĩ chuyện khác. Nó thấy hay hay và cũng chịu khó thực tập.

Điều mà chúng ngạc nhiên nhất là cả ngàn người Tây phương đến làng để thực tập đời sống văn hóa của Việt Nam. Gặp ai họ cũng nghiêm trang chấp hai tay rồi cúi đầu chào một cách cẩn trọng. Kể cả khi họ gặp những người trẻ như bọn Vũ. Tất nhiên bọn Vũ trẻ tuổi nên chấp tay chào họ trước. Thế mà lâu nay Vũ và các bạn đồng lứa cứ mặc cảm về nỗi mình sang ở xứ người, nhờ vả người, học hỏi người khi chẳng có gì cống hiến cho người.

Một sáng nọ Sư ông „pháp thoại“ về Năm giới.  Nghe sư ông kể về số phận của những chú bê con phải vào lò sát sinh, những con ngan bị các ông chủ nhét đầy thức ăn vào họng cho chóng lớn, những con gà bị nhốt trong chuồng chật hẹp, không có chỗ chạy nhảy để bớt bị tiêu hao năng lượng, chóng được tăng trọng, tự nhiên Vũ thấy xót xa. Những chuyện như thế qua Tivi, Vũ cũng đã biết, nhưng chưa bao giờ Vũ thắc mắc hay thương xót cho số phận của chúng. Những bữa tiệc hằng tuần trong gia đình Vũ, với đủ loại thịt cá, Vũ chỉ cảm thấy ngon miệng. Nhưng hôm ấy Sư ông đề nghị mọi người nhìn sâu vào cái bao tử của mình, nó có khác gì cái nghĩa địa của loài vật? - Bò, heo, gà, vịt thậm chí rắn, rết, chó mèo, chim, chuột, cá tôm đều chôn thân ở đó…thì ai nấy đều tỉnh ra, kinh hãi, lắc đầu. Nhất là bé Liên, cô em họ của Vũ đến từ Mỹ. Bé rùng mình. Riêng Vũ, nó hài lòng khi đã bỏ câu cá mà không hối tiếc. Chuyến này về nhà, nó sẽ cất kỹ cần câu xuống kho như một vật kỷ niệm. Nó sẽ không bán lại cần câu cho người khác, vì đây là quà sinh nhật của ba nó. Nó giữ làm kỹ niệm của tuổi thiếu niên.

***

Một tuần lễ ở làng Mai qua nhanh. Về lại Canada thì bé Liên đã xin mẹ cho Liên ăn chay. Liên không thể nào ăn thịt cá được nữa. Nhìn miếng thịt, Liên liên tưởng ngay hình ảnh con vật bị cắt tiết hoặc bị thúc dồn vào lò mỗ, Liên không  chịu được. Những điều Sư ông giảng quá cụ thể, rõ ràng.

Một hôm ông Liên đến thăm, Mẹ làm nhiều món thật ngon để đãi ông cùng gia đình. Liên từ chối các món mặn mẹ nấu. Mẹ Liên giận:

-          Mi đi làng Mai bị ông thầy Nhất Hạnh dụ dỗ mất rồi. Mấy ông nớ đi tu thì họ ăn chay chớ việc chi mi phải ăn chay? Con gái lớn lên cũng cần chút thịt cá để bồi dưỡng chứ. Có thân không lo mà lo chuyện tu với hành!

-          Mẹ à! Con là một sinh viên rồi. Chẳng có ai dụ con được hết. Con ăn chay vì con thấy thầy nói đúng. Thầy Nhất Hạnh có cả triệu học trò, Á cũng như Âu. Thầy ấy cần chi phải dụ con? Chẳng lẽ mấy người đó cũng bị thầy ấy dụ nữa sao? Thầy  nói phải thì con nghe. Chính mẹ cũng dặn con phải nghe lời khuyên bảo của người lớn mà!

-          Nhưng mà không phải nghe ông thầy đó. Ông đó là cộng sản thứ thiệt đó. Mấy năm trước bên San José người ta hội họp lên án ổng ghê lắm. Mi con nít không biết chi, đừng cãi!

-          Cái này chắc là mẹ nghe ông kể lại? Có điều ông không nói cho mẹ biết những ai tham dự trong buổi đó. Những người đó nếu không phải là người trong họ đạo của Ngoại thì cũng là những người một thời như ông phải không? Với họ thì mẹ cũng là cộng sản nếu mẹ không phải là đồng đạo hay chống cộng cùng họ.

-          Liên, không được vô phép. Ra bếp thích ăn thứ gì thì lấy mà ăn.

Ba Liên nảy giờ cứ ngồi cười cười bên cốc bia, lắng nghe vợ và con lời qua tiếng lại  với nhau, giờ mới can thiệp.

Ông tuy thấy con gái mình có lý, nhưng xưa nay ông là người chiều vợ, lại nữa đang có mặt khách, ông không muốn đôi co những chuyện rắc rối như vậy.

Vợ ông người công giáo. Ông tuy vẫn tự coi mình là phật tử nhưng ngoại trừ hồi còn nhỏ thường theo bà nội lên chùa thì gần ba chục năm nay từ khi lấy vợ, ông chẳng hề biết đến cửa chùa, nói gì đến chuyện giáo lý. Một phần vì vợ ông cũng chẳng đòi hỏi ông phải đi nhà thờ nên ông thương vợ, cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi chùa. Giữa hai người hình như đã có sẵn giao ước ngầm với nhau như vậy. Chuyện ăn uống chay với mặn đối với ông chẳng có gì quan trọng. Bà vợ nấu món gì thì ông ăn món đó, không chọn lựa. Thỉnh thoảng bà làm cho ông mấy món nhậu là ông sung suớng lắm rồi. Theo ông, sống ở đời sao cho phải đạo là hơn, Chúa hay Phật cũng không quan trọng!

Thỉnh thoảng ông có nghe người này, người kia nhận xét về mấy thầy tu Phật giáo của ông. Ông nghe vậy, hay vậy. Thầy này tích cực chống cộng. Thầy kia thân cộng. Có lúc họ có vẻ xúc phạm đến một vị nào đó, ông cũng thấy khó chịu nhưng „dĩ hòa vi quý“ ông chẳng thèm lên tiếng làm mất „hòa khí“ đôi bên.

Mùa Đông năm ấy tuyết đổ mạnh trên các thành phố của Canada. Vùng của Liên ở cũng vậy. Tuyết ngập đường đến cả thước tây. Ai nấy khổ cực trong việc cạo tuyết, nhất là những người thuộc đội vệ sinh. Họ làm việc không hở tay mà tuyết vẫn rơi liên tục không dứt. Chỉ trừ những ai cần lắm, còn không chẳng ai muốn ra đường. Cả thành phố phủ đầy một màu tuyết trắng.

Sáng đó, Liên phải trở lại ký túc xá sinh viên của mình. Vừa ra đến đường thì gặp xe xúc rác đang trờ tới. Hai người da đen nhảy xuống kéo mấy thùng rác dọc lề đường sửa soạn móc vào cần cẩu cho xe đổ rác thì phát hiện tiếng kêu “meo, meo” của chú mèo con đang trốn lạnh trong thùng rác. Con mèo đang rên rỉ vì vừa đói lại vừa ướt lạnh trên thùng. Anh ta nâng con mèo ốm o ướt sủng lên bàn tay, đang phân vân chưa biết đặt chú ta vào đâu thì nghe người đồng nghiệp của anh ta đề nghị, cứ thảy nó vào thùng rác, vất lên xe là êm chuyện. Đằng nào nó cũng sắp chết. Có bỏ nó giữa đường thì nó lại càng chóng chết vì lạnh.

Đang cạo tuyết xe hơi của mình thì Liên nghe chuyện. Liên bước nhanh mấy bước đến bên hai nhân viên sở vệ sinh và yêu cầu:

-          Hai ông cho tôi xin lại con mèo. Con mèo của nhà tôi đi lạc.

-          O.K. Vậy thì tốt quá. Chậm một giây thì nó đã vào xe rác. Mầy gắng sưởi ấm cho nó. Tao không hy vọng nó có thể sống được.

-          Cảm ơn ông.

Liên áp con mèo vào áo lạnh trở lại khóa xe và quay vào nhà ba mẹ. Ba mẹ Liên đang sửa soạn đi làm. Thấy con trở lại, hai ông bà đều ngạc nhiên dò hỏi:

-          Tại sao con trở lại? Đang cầm cái chi  trên tay rứa?

-          Một con mèo con sắp chết vì lạnh và đói.

-          Ở mô mà tự nhiên con đem nó về nhà ? Ai có công mà săn sóc cho nó?

-          Nó sắp chết rồi, con thấy nó run rẩy tội quá! Kệ, mình cứu nó đi mẹ.

-          Mẹ không cứu. Nuôi người chưa đủ còn lo chuyện cứu con mèo. Con có thích cứu thì đem về ký túc xá của con mà nuôi.

Liên giận mẹ nói trong hờn dỗi:

-          Thôi được để con mang về phòng của con, con nuôi. Nhưng bây giờ con phải cho nó ăn chút sữa và hơ ấm cho nó trước đã. Rồi con sẽ đi học sau.

Ba nó hiểu tính con gái mình. Nó đã nói thế thì chắc chắn nó quyết giữ con mèo rồi. Thân nó lo chưa xong, cứ nghe con than phiền không có thì giờ làm bài, học bài, thì còn thì giờ đâu lo cho con mèo hoang nữa? Ba nó thương Liên lắm. Ông bảo:

-          Con để con mèo ở lại đó, ba nuôi nó cho. Con cứ về trường đi học kẻo trể. Tuần sau về thăm nhà rồi thăm nó luôn thể.

-          Vậy hả ba? Con cảm ơn ba.

Liên chào ba mẹ rồi mở cửa chạy tung ra xe hơi cạo tiếp chỗ tuyết còn dang dở. Vừa cạo, Liên vừa mỉm cười sung sướng. Nó cất tiếng hát khe khẻ bài hát nó học thuộc từ Làng Mai:

“…Em có biết là Bụt thương em không? - Em biết Bụt thương em mà Bụt cũng thương mọi người và mọi loài khác nữa. Bụt thương con sóc, con nai. Con muỗi, con trùng, con chim, con cá. Bụt lại thương những loài cỏ cây, và thương luôn cả những loài đất đá…”

Trời hình như đang ấm dần. Hoa tuyết rơi nhẹ lất phất trên đầu như tán thưởng Liên. Liên cũng cảm thấy lòng mình ấm hẳn lên.

Tối hôm đó vừa về đến ký túc xá, Liên điện thoại ngay cho Mẹ, hỏi thăm tình hình chú mèo con. Mẹ bảo, đừng lo. Nó khô ráo và khỏe lại rồi. Nó ăn nhiều lắm. Lông nó mượt mà và đẹp như mèo tam thể bên quê mình. Nó đang ngồi trong lòng Mẹ bên lò sưởi đây. Mẹ hỏi Liên có muốn đặt tên cho chú mèo không?

-          Dạ có, nhưng đặt tên gì hả mẹ? Hay là mình gọi nó là Lượm đi!

-    Mẹ bằng lòng, tùy con.

Liên cảm ơn Mẹ. Thế là Mẹ cũng đã thương chú mèo hoang rồi. Liên vui lắm.

Nó tìm số điện thoại gọi thăm bác nó và kể chuyện: Liên đang ăn chay, đang nuôi chú mèo hoang và nhất là đang được ba mẹ khen ngoan rồi Liên tiếp:

- Con rất vui khi được biết Làng Mai. Con cảm ơn Sư ông và các Thầy, các Sư cô. Lúc nào ba mẹ con sang chơi, bác nhớ đưa ba mẹ con sang Làng một chuyến. Phải đến để mà thấy, đúng không bác?

 

TỊNH Ý

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.