.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Tịnh Ý

Những đóa hoa đời

Viết tặng Ban cao niên Hamburg

  • PSN - 26.12.2008

Khi tôi đến nơi thì hội quán Caffe Kanne của thành phố Hamburg đã kín chỗ. Trên máy vi âm ban tổ chức đang chào mừng bà con tham dự.

Cất vội áo khoác, kiếm chỗ ngồi xong, tôi đảo mắt nhìn một vòng. Trước mặt tôi, tám chiếc bàn lớn, tròn có, vuông có, bàn nào cũng đã đầy người. Mỗi bàn sáu bảy vị cao niên đang thân mật lắng nghe anh trưởng ban trình bày sinh hoạt của ban trong thời gian qua, vừa quay sang trò chuyện cùng bà con bên cạnh. Ai cũng có vẻ nôn nả, muốn được nghe nhiều, nói nhiều, trao đổi tâm sự nhiều… tưởng như lâu lắm, họ chưa được dịp gặp nhau đông đảo, vui vẻ như vậy.

Phía trong quày phục vụ, năm sáu khuôn mặt nữ quen thuộc của cộng đồng người Việt ở Hamburg đang bận rộn nào nước, bánh trái, trà lá để mời khách.

Khách của họ là những người cao tuổi của cộng đồng người Việt ở Hamburg. Những người đã đến tuổi „tri thiên mạng“ hoặc „cổ lai hy“. Hơn thế nữa có vị đã qua tuổi thượng thọ „bát tuần“, những người mà quá khứ của đời họ gắn liền với quê hương, đất nước Việt nam nhiều hơn là ở đây, dù xứ người đã nhân ái, hào hiệp đón tiếp và chăm sóc họ. Vui hay buồn, sung túc đầm ấm hay vất vả gian truân, cuộc sống của họ ở quê nhà cũng quen thuộc dễ chịu, đầy những kỷ niệm thân thương. Lũy tre làng, ao rao muống, con đường đất vào thôn… gợi lại trong tâm trí họ cả một dĩ vãng của tuổi thanh xuân. Họ là công chức, là thương gia, là thầy hay là thợ, dù ở ngành nào, cao sang hay dân dã đến cỡ nào, những ngày sống ở quê hương cũng đáng nhớ, đáng thương, đáng trân quý, tự hào. Ở đó họ có con cháu, anh em, xóm giềng, bạn bè đầy đủ. Ở nơi đó họ có nhà cửa ruộng vườn, xóm làng, bà con quen thuộc. Ở đó ngày ngày họ gặp biết bao người thân quen, vui vẻ chào hỏi nhau, mời nhau một tách trà, điếu thuốc, chuyện trò, han hỏi tự nhiên dù trước sân nhà hay ngoài phố chợ. Bởi nơi đó là quê hương, tổ quốc của họ. Còn ở đây, dù sang trọng đầy đủ thế nào, họ cũng là những người tha hương… những người ngoại quốc!

Đến xứ người từ mười, mười lăm, hai chục năm hay lâu hơn nữa, nhiều người trong số họ lúc bấy giờ cũng đã lớn tuổi. Người ta bảo cây đã cao không nên dời chỗ sang trồng sang đất khác. Người lớn tuổi cũng thế, gốc rễ đã ăn sâu nơi đất tổ quê cha, vì thế thường không muốn sống xa quê. Nhưng vì vận nước họ phải bỏ quê ra đi cùng con cháu hoặc vì phải lo cho tương lai con cháu. Bỏ quê hương mà ra đi, tuổi trẻ mang nhiều ước vọng, nhưng tuổi già quặn thắt cả ruột gan:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê Mẹ ruột đau chín chìu…

Bỏ quê hương ra đi, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ cả mồ mã tổ tiên, là bỏ cả cuộc đời của họ. Và ở nơi này, họ phải bắt đầu học lại những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống như đứa trẻ lên ba, lên năm: học ăn, học nói, học gói, học mở! Những bài học tưởng chừng đơn giản mà họ đã dạy con cháu đó, sao giờ đây khó quá, họ học mãi chẳng thuộc! Cầm cái nĩa, cái dao để ăn, họ lúng túng, ngờ ngợ, chẳng thoải mái như cầm đôi đũa nhà mình. Năm sáu chục tuổi, cái lưỡi cứng rồi, giờ phải tập nói ngọng nghịu tiếng của xứ người năm ba câu chào hỏi, họ cũng cảm thấy khó hơn ăn ớt! Đó là mới nói chuyện ăn nói. Còn chuyện gói, chuyện mở… chuyện phong tục tập quán xứ người, nó quay gần cả một trăm tám chục độ, xa lắc xa lơ với tập tục của quê mình!

Khó hội nhập được với văn hóa, phong tục xứ người, ngôn ngữ không đủ để giao tiếp với người, nhiều vị đành ngày qua ngày tìm vui qua những phim truyện Hồng Kông! Nhà nào cũng có vài ba cuốn phim để giải buồn. Ai có con cháu thì vui chơi với con cháu, thảng hoặc điện thoại vài câu thăm hỏi người quen. Một số khác đi chùa, lễ Phật, làm công quả hoặc cuối tuần đi nhà thờ cầu nguyện… Ngày tháng nhờ thế bớt trống trãi, cô đơn. Một số khác, may mắn hơn, năm ba vị ở gần nhau, rũ nhau đi dạo, tập thể dục dưỡng sinh… vừa chăm sóc sức khỏe tuổi già vừa được dịp gặp nhau để trò chuyện.

Nơi xứ người, tuổi già cảm thấy cô đơn, lẻ loi! Con cái bận đi làm, không có thì giờ chăm sóc cha mẹ. Bạn bè, bà con đã ít lại cách trở. Xóm giềng đa số là người bản xứ, ngôn ngữ bất đồng, tập tục xa lạ, đâu dễ thân quen!

Tuổi già nơi xứ người buồn, thật buồn, nỗi nhớ quê nhà lại thường xuyên, da diết hơn:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Trao đổi, trò chuyện với vài ba vị, nhiều ông bà đã không dấu diếm tâm sự đó. Và mấy ai có thể thấu hiểu, quan tâm và chăm sóc đến đời sống tinh thần, tình cảm của họ?

Thật ra đã có người hiểu được điều đó. Thời gian qua đã có những người trong cộng đồng có tấm lòng tha thiết đến những người cao tuổi, tự nguyện đứng ra thành lập ban cao niên, giúp họ có cơ hội gặp gỡ nhau, thăm hỏi trò chuyện, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau bên cạnh tách trà hay một ly cà phê nóng. Bên cạnh đó, các anh chị cũng hướng dẫn bà con tập thể dục dưỡng sinh, một sinh hoạt tương đối đang thịnh hành trong nước. Chỉ sau một thời gian ngắn, ban cao niên đã thu hút được nhiều thành viên tham dự. Mùa Hè vừa qua, ban đã tổ chức cho bà con đi chơi biển Nordsee. Tháng Mười Một vừa rồi thì đi thăm thành phố Berlin. Và hôm nay hai ngày sau lễ Giáng sinh, quý vị lại tổ chức buổi họp mặt đông đảo cho những người Việt cao tuổi tại Hamburg.

Có tiếp xúc và nghe các anh chị phụ trách chia sẻ, ta mới thấu được tấm lòng của họ. Để tổ chức những buổi đi chơi hay họp mặt đông đảo như thế này, họ phải âm thầm làm việc, tiếp xúc, liên hệ. Nào là tìm địa điểm để tổ chức, nào là người hướng dẫn, phụ trách. Nào là ai sẽ giúp khâu ẩm thực, trà nước phục vụ quý vị, làm sao để mỗi lần đến với nhau, bà con có được niềm vui, sự thoải mái, một chút an lạc, hạnh phúc cho người lớn tuổi!

Chỉ riêng buổi họp mặt chiều nay ở đây, người ta cũng đã không khỏi tấm tắc về sự chu đáo của ban tổ chức: Thức ăn, món nhắm đủ thứ. Tây có, ta có. Vừa hợp khẩu vị cho người thích dùng thịt mà cũng đầy đủ cho những ai chỉ dùng rau đậu!

Nước ngọt, nước suối cho người dễ tính và cả chút hương vị cay nồng cho những cụ nào muốn tìm chút ấm áp cùng bè bạn trong buổi chiều Đông giá lạnh nơi xứ người!

Những người tham dự hết lời tán dương những anh chị em đã góp tay cho buổi họp mặt vừa thấm tình đồng bào vừa ấm bụng. Nào là anh chị Th, anh chị M. anh CDT, bác DC… và nhiều vị khác nữa. Họ có thể là những Phật tử, đã thuộc nằm lòng điều nguyện ước „Sáng cho người thêm niềm vui. Chiều giúp người bớt khổ“ tìm hạnh phúc, an lạc của chính mình trong niềm vui, an lạc của mọi người. Họ có thể là những tín hữu Công giáo, nguyện đi theo bước chân tận hiến của Chúa Giêsu. Họ là những người có thiện tâm đem bình an đến cho kẻ khác. Nhưng có thể họ phục vụ bà con chỉ vì một lẽ giản đơn: tình đồng bào! Tấm lòng của họ đã là những đóa hoa xinh đẹp lắm rồi, đâu cần tôi phải dài dòng ca ngợi.

Buổi họp mặt chấm dứt. Tôi bước từng bước chầm chậm thanh thản ra trạm xe buýt đầu đường mà lòng dâng trào lòng ấm áp của tình người, tình đồng bào, dù chiều nay trời ở thành phố vùng Bắc nước Đức này rất lạnh. Chuông nhà thờ đâu đó đang đổ giấc chiều gióng giả… Lễ Giáng sinh đã qua rồi, nhưng bên tai tôi vẫn vang vang lời cầu nguyện:

Bình an dưới thế cho người thiện tâm!

Cuối Đông 2000.

 

TỊNH Ý

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.