Thằng
Cuộc
Cuộc là
thằng bạn học cùng lớp với tôi từ hồi tiểu học. Chúng tôi học chung
với nhau ba năm, từ lớp Ba đến lớp Nhất. Xong tiểu học, khi tôi được
học tiếp trung học trên Huế thì Cuộc ở nhà giúp gia đình làm nghề
rèn.
Ngày đó, sau khi hiệp định Genève được ký kết, hòa bình tái lập, thì
trường tiểu học quê tôi cũng mở cửa trở lại. Cả xã chỉ có duy nhất
một ngôi trường ba lớp đó. Ngôi trường này trước kia là ngôi trường
huyện, vì huyện lỵ Quảng điền lúc trước đóng tại đây. Chiến tranh
tàn phá hết các cơ sở công cộng trong vùng. Huyện lỵ bị phá sập,
chùa chiền chung quanh cũng đổ nát, ngôi trường cũ chỉ còn lại chiếc
nền cao.
Năm 1956, khi khai giảng trở lại, trường chỉ có các lớp Ba, Nhì,
Nhất.
Hiệu trưởng là thầy Thám người thôn Mỹ xá trong huyện, bạn học của
cậu tôi. Cậu tôi làm đơn xin cho anh em tôi và đám bạn cùng lứa
trong làng vào học lớp Ba, lớp nhỏ nhất của trường. Trước đó, chúng
tôi đã được cậu tôi dạy kèm ở nhà cho hai anh em vừa cho lũ trẻ con
trong làng cùng học. Sau chừng một năm thì tới ngày trường huyện
khai giảng. Cậu tôi lại lo làm giấy chứng chỉ thế vì khai sinh
cho chúng tôi đi học, và chỉ vào được lớp Ba, dù nhiều đứa trong
chúng tôi đã lớn tuổi.
Tôi thì ngược lại, còn thiếu tuổi, nhưng vì không có lớp nhỏ hơn,
ông phải khai thêm cho tôi hai tuổi trên giấy khai sinh để được nhà
truờng chấp nhận.
Bởi thế, trong lớp tôi là thằng bé nhỏ nhất, nhỏ cả tuổi lại cả xác.
Tôi ốm yếu khẳng khiu. Lớp Ba lại là lớp nhỏ nhất của trường, nên
tôi cũng là đứa học trò nhỏ nhất trường. Vì còn con nít quá, nên bạn
bè trong lớp chẳng ai muốn chơi với tôi. Chẳng những thế, thỉnh
thoảng tôi còn bị tụi bạn chọc ghẹo hoặc ăn hiếp nữa.
Trường có sân rộng, lũ bạn thường đá banh. Nhưng chỉ khi nào không
kiếm được đủ người để chia cặp, tôi mới được mấy đứa kia cho vào đá
cho đủ. Tôi được tham gia nhưng suốt trận đấu nhiều khi không đá
được một lần, bởi trái banh (được bó bằng lá chuối) sắp đến gần chân
tôi, chỉ nghe tụi nó dọa, tránh ra, tránh ra, tao đá gảy
chân chừ, thì tôi đã vội chạy xa nhường banh cho bọn chúng.
Thường thì tôi làm khán giả ngồi coi hoặc giữ đồ cho anh tôi và mấy
đứa bạn trong làng. Hạnh phúc nhất của tôi là lúc banh vượt ra ngoài
sân, không ai tranh với tôi. Tôi chạy thật nhanh lượm bóng và tranh
thủ sút một cú cho đã chân. Mà mấy khi tôi sút trúng trái banh đâu,
chỉ thêm cớ cho lũ bạn kia cười đùa, la hét.
Tôi cũng ít khi được chơi căng cù u óc, bởi chơi căng cù phải
mạnh tay, đánh cù văng cho xa mới hơn được. Còn nếu thua, thì phải
làm ngựa cõng đứa thắng mấy vòng. Sức tôi cõng ai được mà đòi chơi
với chúng.
Đã thế tôi còn là đứa trẻ ngọng nghịu. Tôi bị ngọng từ lúc còn nhỏ
và tuy rằng mỗi năm tôi đã nói được rõ hơn nhưng cho đến lúc vào lớp
Ba tôi vẫn còn ngọng nhiều lắm. Chẳng có câu nào của tôi lại không
pha trộn một vài tiếng ngọng. Cho đến năm tôi học lớp Nhì, những
tiếng bắt đầu bằng các phụ âm như l, tr, nh… tôi vẫn không
thể nào đọc đúng giọng được. Có lần tôi đọc câu cách ngôn: Tiên
học lễ, hậu học văn thành „tiên học nghễ, hậu học ăn“.
làm bọn bạn và cả thầy giáo cười bò lăng bò càng thiếu đường vỡ lớp.
Hồi ấy, từ lớp Nhì học sinh đã được học tiếng Pháp. Đó là môn học
khổ sở nhất của tôi vì các mạo từ le, la, les trong tiếng
Pháp. La mère thì tôi đọc thành nga me rờ.
La francaise
thì nó thành tiếng công gô nga ngăng xe gì gì đó chẳng ai
hiểu. Thầy giáo thương tôi, sợ tôi buồn, thầy vẫn thường an ủi,
khuyến khích tôi. Có lúc thầy làm bộ quên, không gọi tôi đứng lên
tập đọc, nhưng lũ bạn quái ác trong lớp lại nhắc thầy, trò Sáu chưa
đọc, thế là tôi lại bị thầy gọi lên để cho chúng được một trận cười.
Tôi xấu hỗ và có lúc chẳng còn muốn đến trường nữa. Nhưng cậu tôi an
ủi tôi rằng chừng một thời gian rồi tật nói ngọng sẽ hết. Ông khuyên
tôi đi theo chú Điếu ra đồng chơi với mấy đứa giữ trâu trong làng,
la hét thật to, thì dần dần sẽ hết ngọng. Tôi hy vọng và làm theo
lời ông. May mắn là hồi ấy tôi đã không vì xấu hổ mà bỏ ngang việc
học.
Vậy mà đến năm lớp Nhì tôi đã có bạn thân để chơi: thằng Cuộc.
Khi kẻng tựu trường chưa đánh, cổng trường chưa mở, lũ học trò tụi
tôi thường chơi quanh quất trên con đường cái trước cổng trường. Con
đường có nhiều bóng mát từ mấy hàng mít trong nhà vườn của người dân
ở hai bên. Chúng tôi tha hồ chơi ù mọi, bắn bi, căng cù… mà chẳng sợ
xe cộ. Hồi ấy quê tôi mấy ai đã có được chiếc xe đạp đâu mà sợ xe
đụng. Lại nữa nếu có xe, thì người đạp xe từ xa thấy đám học trò
đang chơi đã vội bấm chuông inh ỏi rồi. Chúng tôi dừng lại chút
xíu, đứng giản ra nhường chỗ cho xe đi qua, ngắm chiếc xe và cả
người lái với ánh mắt thán phục, thì còn đâu mà lo tai nạn. Có chăng
là mấy o đi chợ, gánh nặng đi ngang sợ thúng mủng quơ đụng đám học
trò, chưa tới đã báo động, tránh ra, tránh ra, ơi ới.
Đa số họ cũng là những người quen biết trong vùng, cho nên tiếng la,
tiếng gọi, tiếng hỏi chào của đám học trò tụi tôi cũng nhộn cả lên
một lúc.
Không được chơi với lũ bạn, tôi thường ghé lò rèn của chú thằng Cuộc
xem gia đình nó làm nghề. Lò rèn của chú nằm kề cổng trường học, xế
bên trái chừng mươi thước. Có lúc ngồi trong lớp cũng còn nghe được
tiếng búa đập chan chát inh ỏi dội vào lớp.
Ban đầu tôi đứng khép nép ở ngoài hiên, nhìn lò lửa cháy phừng phực
và cánh tay trần vạm vỡ của chú vừa thán phục, vừa lạ lùng. Than
trong lò lửa theo nhịp kéo của bể thổi văng bay tung tóe. Những đốm
lửa li ti đỏ rực tung ra thật xa, có khi đến tận chỗ tôi đứng. Chú
thấy tôi thập thò thì cười hiền bảo tôi cứ vào bên trong mà coi.
Thím Cuống, mẹ của Cuộc, kéo bệ thổi lửa, nhưng có khi rảnh rỗi,
chưa đến giờ học thì thằng Cuộc cũng kéo bệ phụ chú. Hai ống bệ to
như hai cột nhà rường. Mỗi bệ có một cán tay cầm to như cán chỗi.
Cuối cán là tấm vải bọc kín sát ống bễ để giữ kín hơi. Thụt bễ nặng
lắm. Có lần gặp buổi nghỉ làm của chú nó, thằng Cuộc cho tôi lên
ngồi trên lò, kéo thử. Tôi chẳng cách nào nhấc lên được vài tấc. Vậy
mà hắn có thể giúp chú Cuống thổi bễ mỗi ngày.
Thằng Cuộc không được bạn bè nể nang ưa thích dù hắn rất hiền. Có lẽ
vì hắn ít khi sạch sẽ, mặt mũi thường khi còn dính cả bụi than khi
vào lớp. Áo quần hắn cũng lôi thôi lếch thếch. Hắn học cũng chẳng
giỏi dang. Hắn to con, hiền hòa nhưng cũng ít đứa muốn chơi chung
với hắn. Cũng có thể hắn không có thì giờ để chơi chung với tụi bạn.
Hắn thường là đứa vào lớp sau cùng khi tiếng kẻng đánh vào học đã
lâu, lúc đó hắn mới chạy vội từ lò rèn vào lớp.
Thằng Cuộc không bắt nạt tôi như nhiều đứa khác. Hắn cũng ít khi
cười khi thấy tôi đọc sai giọng, bởi hắn có lúc cũng bị lũ bạn cười
khi không thuộc bảng cửu chương. Tám lần chín là sáu mươi hai rồi
tám lần mười là chín mươi thì đứa nào lại chẳng ôm bụng cười.
Có lẽ vì vậy mà tôi với hắn dần dần thân nhau hơn.
Tôi ghé lò rèn của hắn thường hơn. Có lúc tôi ghé để xem chú Cuống
hùng hỗ với chiếc búa vung xuống thanh sắt đang còn đỏ hừng hực trên
đe, có lúc tôi mở lớn mắt coi chú xẻ sắt nhét miếng thép nhỏ vào cho
lưỡi dao, lưỡi mác được bén, nhưng cũng nhiều khi tôi với thằng Cuộc
loay hoay phía trước sân, dưới gốc cây ổi sẻ, kiếm mấy trái ổi non
nhai ngấu nghiến đỡ thèm. Chú thím Cuống, thấy có tôi thường đến
chơi với thằng Cuộc, chú thím cũng vui. Thỉnh thoảng tôi mang cho nó
vài trái khế của nhà tôi. Cây khế từ bao đời sau bờ ao, sát hàng tre
tuy không phải khế ngọt nhưng nhờ Cậu tôi lâu lâu lại bón vôi vào
gốc, nên khế không còn chua. Ai ăn cũng thích. Mùa khế có trái, anh
em tôi mang theo một ít trong cặp. Và tôi thường dành món quà đặc
biệt đó cho hắn.
Vậy mà đã có lúc hắn và tôi giận nhau cả tháng trời.
Một buổi chiều nọ, tôi bị thầy Thám gọi đứng lên đọc bài tiếng Pháp.
Vừa đứng lên tôi đã nghe tiếng cười khúc khích của lũ bạn phía bàn
sau tôi. Tôi hơi ngạc nhiên vì đã lâu rồi thầy dọa sẽ phạt đứa nào
cười tôi đọc ngọng. Từ đó chúng không còn dám trêu tôi ở trong lớp
nữa. Trả bài xong, quay lại nhìn chúng để hiểu lý do gì, thì thấy cả
bàn đang bưng miệng cười. Mắt chúng dán vào lưng tôi và hình như có
vật gì nằng nặng sau chéo áo của tôi. Tôi phát hiện ra đứa nào đó
chơi nghịch cột một bình mực sau áo tôi. Tôi giận dữ tìm cách mở ra
thì binh mực dây nhiều vết lên áo. Thằng Cuộc nhanh tay lấy lại bình
mực. Tôi dong tay cao đứng lên mếu máo “mét“ thầy: Thưa
thầy có trò nào cột bình mực làm dớp (nhớp) áo con!
Thầy Thám nảy giờ đã nghe phía dưới có tiếng cười đùa của lũ học trò
rồi, nhưng thầy đang bận ghi điểm vào sổ nên chưa kịp hỏi. Giờ nghe
tôi thưa, thầy không nói năng gì, tay cầm chiếc thước kẽm, xô mạnh
ghế ra phía sau, bước nhanh xuống chỗ tụi tôi.
Cả lớp im phăng phắc. Đứa nào cũng run vì biết thầy đang giận. Thầy
ngó qua chỗ áo dơ của tôi rồi lạnh lùng quay hỏi đám học trò phía
sau:
-
Trò nào vừa chơi?
-
Thưa thầy, con. Thằng Cuộc mặt xanh như tàu lá chuối đứng dậy nhận
tội.
-
Bước lên bảng! Thầy ra lệnh.
Thằng Cuộc mặt cúi gầm bước ra khỏi bàn tiến về phía bàn thầy. Nó đã
biết hình phạt sắp chịu đựng: thầy sẽ quất chiếc thước kẽm vào mười
ngón tay của nó, chỉ cần ba bốn cái thôi nhưng nhức đến tận xương và
cả tuần sau chưa hết nhức. Nhiều đứa đã nếm mùi thước kẽm của thầy,
khi viết chính tả sai quá mười lỗi, khi chép bài từ bảng xuống mà
sai hay cả khi quên gạch dưới hai chữ cách ngôn mỗi ngày…
Thằng Cuộc lên đến bàn, giọng thầy gắt:
-
Xòe hai bàn tay ra, úp lên mặt bàn!
Tôi rùng mình khi thấy thầy khẽ mạnh thước vào mấy ngón tay của hắn.
Tôi không biết hắn bị thầy đánh mấy cái, nhưng mỗi lần thầy quất là
mỗi lần nó la thét lên.
Nước mắt dàn dụa nó đi về chỗ ngồi. Tự nhiên tôi không còn giận hắn
nữa mà lại thấy mình có lỗi. Tôi không dám quay lưng lại nhìn hắn
đang khóc rấm rức đàng sau. Tôi cũng không quay qua lũ bạn chung
quanh đang bàn tán. Tôi dán mặt vào cuốn vở trước mặt.
Ngày hôm sau, chú Cuống vào lớp xin cho thằng Cuộc nghỉ học. Chú
đứng khúm núm ở cửa lớp trò chuyện với thầy Hiệu trưởng. Tôi không
nghe hai người nói gì, chỉ nghe chú dạ, dạ… và hai bàn tay chai cứng
thô tháp của chú cứ xoắn lấy nhau. Chắc chú lại đang xin lỗi thầy về
chuyện thằng Cuộc hôm qua đùa nghịch làm dơ áo của tôi.
Ba bữa sau, thằng Cuộc mới đi học trở lại, nhưng hắn lầm lì và ít
nói hơn. Lũ bạn hỏi han hắn còn tôi chỉ dám liếc nhanh mấy ngón tay
của hắn. Hắn không nhìn tôi, không trách móc. Tôi cũng không dám trò
chuyện với hắn như mọi ngày. Tôi cảm thấy xấu hỗ từ đó tôi không dám
ghé vào lò rèn chú Cuống nữa.
Phải đợi cả tháng sau, khi gần ngày nghỉ hè, tôi mới có dịp chuyện
trò trở lại với hắn, khi chúng tôi được thầy phân công trực nhật.
Hai đứa tôi phải đến sớm quét lớp, lo giặt khăn lau bảng, lau bàn
thầy… Thấy tôi không nhích nỗi mấy cái ghế qua chỗ khác để quét, hắn
chạy tới giành lấy: Đưa đây tao, mi lo lên ghi ngày tháng
trên bảng, chữ mi đẹp hơn.
Chúng tôi làm hòa với nhau từ bữa đó, nhưng hai đứa cũng không hề
nhắc đến chuyện cũ.
Chỉ mấy năm sau, chiến tranh lại tràn về vùng quê tôi. Tôi học ở
Huế và cứ vài ba tuần vẫn thường đạp xe về làng thăm gia đình. Các
anh tôi lần lượt bị gọi nhập ngũ. Xóm làng ngày một thưa vắng. Những
lần đạp xe ngang trường cũ, có lúc tôi dừng lại quán nước trước cổng
trường nghỉ chân, mua vài đồng kẹo gừng uống nước.
Tôi tạt ngang nhà thằng Cuộc định bụng ghé thăm nó và chuyện vãn đôi
câu nhưng khi đến nơi thì tôi sững sờ chỉ thấy một nương khoai không
còn dấu vết chi của lò rèn ngày trước. Trở lại quán bên đường hỏi
thăm mệ bán nước, mệ bảo chú Cuống dọn đi lâu rồi. Thằng Cuộc thì đã
đi quân dịch. Đồng ruộng chẳng ai canh tác, người nông dân không có
nhu cầu rèn nhiều như trước. Lò rèn của chú ế ẩm, không đủ sống.
Không ai biết chú đi về đâu vì chú không phải cư dân của làng.
Tôi nghe qua rồi thôi, một chút chắc lưỡi tiếc thương cho hoàn cảnh
của gia đình chú. Nhưng ngay cả gia đình tôi cũng đang thu xếp để
chạy vào thành phố. Các anh tôi lần lượt bị gọi vào quân ngũ. Chú
Điếu, người giữ trâu cho gia đình tôi bao năm nay giờ cũng đi lính
rồi. Có còn ai ở lại để chăm sóc ruộng vườn nữa đâu mà giữ trâu lại.
Con trâu của nhà tôi đành phải bán cho chủ khác. Ngày chủ mới đến
dắt trâu là một ngày buồn hiu cho cả nhà. Buổi sáng mạ tôi trộn thêm
ít cơm vào đống cỏ cho trâu ăn như bữa ăn giã từ. Mạ vừa vuốt hai má
con trâu vừa thì thầm nhỏ to với nó mà nước mắt mạ chảy dài. Cả nhà
ai cũng thương nó. Tôi cũng buồn như sắp xa đứa bạn thân. Đã bao năm
nó giúp gia đình tôi cày, bừa, đạp lúa... Đã bao năm tôi cỡi trên
lưng nó ra đồng nghêu ngao cùng lũ bạn trong làng và chiều về trong
khi chúng tôi bơi lội dưới dòng sông hẹp thì nó cũng đầm mình tắm
mát chung một bến sông. Nhưng giờ đây gia đình tôi đâu còn ai ở nhà
làm ruộng nữa đâu mà giữ nó lại? Ngày chủ mới tới dắt nó đi, từ cậu
mạ tôi và cả tôi ngân ngấn nước mắt. Bao nhiêu năm nó sống với gia
đình. Con trâu dường như cũng buồn lắm mắt của nó cũng đỏ ngàu, đầy
cả nước mắt chứ đâu riêng gì chúng tôi! Nó hục hặc cặp sừng không
chịu ra khỏi chuồng khi người chủ mới dắt đi. Cậu tôi vỗ nhẹ vào
lưng nó, còn mạ tôi thì khóc òa…
Làng quê thưa thớt vắng vẻ dần, không còn tiếng trẻ con đùa vui trên
đường cái như những ngày tôi còn cắp sách đến trường huyện. Trên
khuôn mặt người dân ai cũng thoáng vẻ lo âu, vội vã. Chiến tranh lại
đến nữa rồi. Nhà cửa vừa xây dựng xong, chưa hết mùi vôi mới lại sắp
bỏ mặc cho bom đạn tàn phá. Nhiều ngôi vườn hoang vắng chỉ để trồng
mấy dãy khoai lang như khu vườn của gia đình thằng Cuộc mà thôi.
Từ đó tôi lớn lên và trôi theo dòng đời. Tôi không những bỏ làng lên
Huế mà còn phải rời Huế vô Nam và giờ đây đang làm khách tha hương
nơi xứ lạ. Đêm đêm trong giấc mơ của tôi, quê cũ lại hiện về và hôm
qua tình cờ tôi lại gặp Cuộc, thằng bạn học hơn năm mươi năm trước
của tôi.
Tôi mơ thấy hắn và tôi đang khoèo mấy trái ổi xanh trên cây ổi trước
lò rèn của chú hắn. Tôi nhìn hắn thật lâu rồi bảo:
- Cuộc ơi, tao nợ mi một lời xin lỗi!
Tháng 2.2009. |