.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 

Hạt cơm
(chuyện thật mùa Vu lan 2012)

  • PSN - 24.8.2012 | Minh Mẫn


Có lẽ Thân trong câu chuyện thật mùa Vu lan năm nay còn nghèo hơn ba em bé trong bức ảnh minh họa này, vì dù rách nát nhưng ba em cũng có những tấm tôn để che mưa trong khi ba anh em Thân chỉ có 1 chiếc chòi tranh.

Bên vỉa hè, phố lạnh, núi nhạt nhòa trong mưa, cùng vài người qua đường đứng trú, nhìn bầu trời ảm đạm, môi em xanh tím, mắt thẩn thờ trong mơ!

 

Chẳng một ai nói gì, như xa lạ với nhau giữa con phố dăm bước, đường ngắn hẹp vội ngăn bóng nhau. Không gian mờ nhạt bị núi đồi níu xuống cho lạnh thêm phố phường. Mỗi người chiếm một góc suy tư riêng mình, cứ sợ ai đó xen vào niềm vui, nẽo khổ của kiếp riêng tư. Trên đồi, Thân nhìn xuống phía trũng, con đường mòn nhão nhoẹt, cỏ cây khuất lấp, chui sâu trong lau sậy bụi rậm, đến khi mất hút giữa rừng xanh; không ai thấy có sự sống đâu đó giữa bạt ngàn xanh thẳm, - túp lều của ba anh em Thân trú ngụ.

 

Tuy ánh sáng không đủ để xác định giờ giấc, Thân cũng biết trời chiều đang mệt mỏi ẩn mình trong khí lạnh cao nguyên; công nhân hái trà, người làm vườn cà phê, nhớt nhát trong áo quần lao động, đang nóng lòng về cho kịp bữa cơm chiều. Thân che túi nilon đựng hạt cà phê vừa mót được, sợ ai đó trông thấy. Tuy cũng từng là công nhân hái cà phê thuê, nhưng giờ đây, mót từng hạt rơi rớt ở đồn điền, cứ phập phồng lo sợ bị phát hiện, vu cáo ăn trộm. Trước đây bà chủ không thâu nhận Thân, bởi lẽ làm không đạt năng suất, do ốm yếu. Từ ngày mẹ mất, cha bỏ nhà đi khi anh em Thân chưa đủ 10 tuổi, Thân tìm cách nuôi hai em. Có lúc đến công quả chùa để xin cơm về cho em; có lúc dắt hai em đi nhặt đồ thừa trong các tiệm ăn. Hai em đến tuổi vào trường, không được học. Thân xin cho hai em đi làm cỏ mướn, vẫn không đủ sống.

 

Sáng nay, đi qua cảnh chùa quen thuộc, nơi mà mỗi chủ nhật đưa hai em đến xem các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử sinh hoạt. Hai em rất thích, cười toe toét nhìn các anh chơi trò chơi lớn; nhìn bộ đồ đoàn sinh của các anh chị, anh em Thân nhìn lại áo quần mỏng manh bẩn thỉu của mình, sự thèm thuồng hiện rõ trong khóe mắt; có lúc mấy chị gọi vào cho bánh, hôm nay các anh chị treo lá cờ năm màu bay phần phật trong gió, tấm biểu ngữ giăng ngang với hàng chữ: VU LAN BAO HIẾU. Thân nhớ lại lúc mẹ còn sống, cũng đưa Thân đến tham dự lễ Vu Lan tại đây. Một năm mẹ mất, anh em Thân không được ai đưa đến chùa.

 

Mưa thưa hột, Thân vội chạy đến cửa hàng tạp hóa, chìa bịch cà phê hạt, mụ chủ giọng trọ trẹ, không đặt lên cân như mọi khi, phán : chưa được một ký, hai lon gạo nhé. Thân gật đầu, - thưa bà, cho con xin vài cây nhang về thắp cho mẹ.

 

Chui vào chòi tranh, làn khói mỏng manh vờn quanh vách giấy, hai em Thân đang đun bếp luộc rau rừng; lũ nhỏ sáng mắt nhìn túi gạo, reo: - có gạo ăn rồi hả anh, - ừ, để cúng mẹ đã - Thân đáp.

 

Bàn thờ mẹ nằm trên tấm ván cũ nhặt ngoài bìa rừng. Tấm ảnh mẹ hoen gần phân nửa do nước mưa thấm. Thân nhìn mẹ tâm sự: - mẹ ơi. Vu Lan lại về, chúng con không có mẹ đưa đền chùa, nhưng anh em con luôn có mẹ ở chung trong túp lều nầy.

 

Thân xuống gần suối, cắm nhang với cánh hoa rừng lên mộ bia mẹ. lâm râm khấn nguyện.

 

Hai em đã dọn cơm với dĩa rau đặt trên nền đất. Thân dâng một chén lên bàn thờ; khói nhang vờn quanh như thay lời mẹ chứng nhận lòng thành của bầy con. Mẹ ơi – Hạt cơm nầy, con xin dâng mẹ nhân mùa Vu Lan, xin mẹ hộ trì cho ba anh em con sống qua ngày trong túp lều nầy với mẹ.

 

Bên ngoài, chân trời vẫn âm u sương lạnh, gió núi rì rào trên ngọn cây rừng mang hơi ẩm ướt, như tiếng than thở của chư vong trong mùa xá tội, Thân lặng nghe như tìm tiếng quen thuộc của mẹ mình đâu đây.

 

MINH MẪN

25/7/2012


 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.