.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

Diễn đàn Phật tử

 
Từ bỏ

  • PSN -18.5.2013 | Trần văn Sang

 

Từ bỏ có ý nghĩa quan trọng và cần thiết cho bất cứ ai muốn tìm kiếm sự an lạc trong cuộc sống của chính mình. Từ bỏ là không còn gắn bó cũng không muốn gắn bó với những hệ lụy tạo nên khổ đau. Sở dĩ người ta luôn khổ đau là do không biết ý thức đến điều nầy. Do sự ràng buộc mà có khổ đau, có nhiều thứ ràng buộc chẳng hạn lòng tham, tìm kiếm sự thõa mãn, cố chấp vào cái gì đó như hình tướng sắc đẹp văn hóa v. v... cố chấp những lỗi lầm của kẻ khác...

Người biết từ bỏ và từ bỏ dễ dàng thì người đó dễ thông cảm, dễ tha thứ sự sai lầm của người khác; người biết từ bỏ sẽ không còn trói buộc mình vào bất kỳ hình thức nào, lễ nghi nào hay văn hóa nào. Khi nói tới điều nầy chắc có người sẽ nói rằng đồ mất gốc ! Vậy hãy bình tâm suy nghĩ sẽ thấy rằng lễ nghi trong xã hội có mang tính giả dối hay không? Bởi lẽ có sự không kính trọng thật sự từ ai đó và ngay cả chính người đó cũng không có đức hạnh gì đủ để nhận sự kính trọng của nguời khác. Chính vì vậy mà người ta đặt ra lễ nghĩa, có thể nói lễ nghĩa là cái vỏ bọc của sự giả dối khi mà lòng chân thật của họ không còn. Hơn nữa có điều dân tộc nầy cho là đúng nhưng dân tộc khác không quan tâm hay họ coi đó là chuyện bình thường. Xét cho cùng cái gọi là đúng là sai đó chỉ là sản phẩm của quan niệm của trí tưởng tượng tạo ra. Sự phân biệt nầy khiến nhiều người khổ, đây là sự cố chấp hay là sự tự trói buộc mình.

Lấy thí dụ về Lễ của Khổng Mạnh, ngày xưa người ta coi đó là mực thước, nhưng ngày nay có sự giao lưu văn hóa nên không ai còn coi trọng như trước nữa, như vậy có thể nào nói người ngày nay mất gốc hay không? Rõ ràng đó là do đầu óc mình nghĩ rồi trói buộc vào đó. Điều quan trọng không phải ở hình thức mà chính nơi nội tâm mình. Người sống chân thật thì người đó dễ từ bỏ mà cũng dễ chấp nhận. Như vậy có sự nối kết giữa nhận thức và từ bỏ, nếu không nhận thức được thì làm sao từ bỏ.

Từ bỏ một hình thức nào đó còn tương đối dễ, từ bỏ một tập khí xấu không phải là dễ như: ganh tỵ, nói dối, giận hờn, tham lam, v. v... Đối với những tập khí, nếu không biết quán chiếu (suy xét mối quan hệ tư tưởng và hành vi), không biết chấp nhận thì không thể từ bỏ được. Không biết từ bỏ ngoại cảnh, ngoại vật thì không sao từ bỏ tập khí được, vì cuộc sống là sự ràng buộc giữa mình với ngoại giới. Nếu biết tha thứ, khoan dung người khác tức là bước đầu của sự từ bỏ tập khí xấu của minh. Nếu biết nhận thức đúng thì vọng tưởng dần dần nhạt phai có nghĩa tâm mình an tịnh trở lại; nhưng từ bỏ và tự chủ có quan hệ mật thiết, có tự chủ thì từ bỏ mới thực hiện được, người có tâm yếu đuối thì chẳng làm gì dược ngoài việc làm nô lệ.

Từ bỏ là đối nghĩa với chấp ngã, chấp tức là tự trói buộc mình vào cái gì; nhưng từ bỏ còn ẩn chứa biết thích nghi với hoàn cảnh xã hội nơi mình đang sống, vì không từ bỏ được tập quán, thói quen khi phải hội nhập vào nếp sống mới nên dễ tạo thành xung đột nội tâm. Chẳng hạn thói quen ăn uống không thích ứng nên nhiều người trở thành nô lệ chính mình. Sự biểu lộ của ưa ghét là biểu lộ của sự trói buộc, đó là biểu lộ của vọng tưởng. Thương người nầy ghét ngừơi kia vẫn là trói buộc, Phật giáo gọi đó là tâm phân biệt, như vậy không tránh khỏi phiền nảo, không tránh khỏi khổ đau. Tâm không phân biệt là từ bỏ lối nhìn sự việc bằng mắt nhị nguyên để trở lại tâm bình đẳng, khi không còn đối nghịch ngự trị trong tâm thì làm gì còn ganh ghét, làm gì còn oán thù, không có oán thù thì không có tha thứ. Cho nên nói từ bỏ là đi đến an lạc.

Tuy nhiên có một thứ mà khó từ bỏ là tình. Thật vậy, tình là mối ràng buộc mãnh liệt nhất; tình trai gái, tình cha mẹ và con cái, tình đồng loại... những mối tình đó thường tạo nhiều oan nghiệt trong cuộc sống, đôi khi đưa tới hận thù ngay cả giết chết người mà mình thương yêu, đó là yêu thương hóa ra thù hận. Tại sao lại có trường hợp nghịch lý như vậy? Vì trong yêu thương thường xuất hiện ý muốn chiếm hữu, ý muốn trói buộc người mình thương phải tuân theo ý muốn của mình; nếu có sự chống đối nào hay bất tuân thì lòng thương yêu đó biến thành sự giận hờn, oán thù, ghét bỏ. Tình là thứ ràng buộc tự nhiên của sự sống con người, nếu không ý thức về nó thì tình thay vì đem tới ý nghĩa hạnh phúc cho đời sống thì nó biến thành khổ đau. Đây là nan đề trong cuộc sống của mỗi con người. Muốn tình yêu thương không bị đổ vở thì cũng phải biết tư bỏ sự cố chấp, sự ràng buộc phải thế nầy thế nọ, sự tôn trọng và lắng nghe từ hai phía cần phải có, lắng nghe để hiểu biết để có thái độ cư xử thích hợp. Nhưng hiểu biết và nhận thức đúng không phải là việc ai cũng làm được. Hiểu đúng bao giờ cũng là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Một người mà tâm không an bình luôn có bất an có xung khắc có tham dục thì không sao hiểu đúng được, nói chung là tâm linh vướng mắc nhiều tật đố sống trong tăm tối của thói quen thì đành phải thở dài mà thôi. Lối sống của cha mẹ sẽ khắc vào trong tâm tưởng của con cái, đó là cây nào sinh quả nấy. Muốn thay đổi lối sống đòi hỏi phải tự ý thức, đó là bước đầu của chuyển hóa, không tự ý thức dù có ai nhắc nhở thì vẫn như không. Tự ý thức và tự chủ mới có thể quán chiếu vì đó là việc cần thiết để kiểm soát hành vi của chính mình. Sống buông thả là sống không ý thức là lối sống của kẻ yếu đuối, nếu sống như vậy thì đừng than đau khổ. Chỉ có sự tự cứu chứ không có ngoại lực nào cứu lấy người chìm mình trong bóng tối, từ bỏ được một tật xấu phải có sức mạnh nội tâm, chính sức mạnh đó cứu lấy mình, sức mạnh đó gọi là ý chí, ý chí đó làm thay đổi cuộc đời mình đồng thời đưa mình tới an lạc, làm lướt nhẹ nhân quả.

Từ bỏ có ý thức khác nghĩa với buông trôi mặc kệ, từ bỏ đề cập ở đây là nói tới quan hệ nội tâm mình với ngoại cảnh chứ không phải công việc, tuy nhiên công việc làm cũng là ngoại cảnh đối với nội tâm. Ở trường hợp nầy sự từ bỏ là không trụ nhiểm, bởi vậy mới giữ được sự trong sạch nội tâm nên không bị lôi cuốn vào danh lợi, không vọng tưởng tham lam, không lừa phản người khác v. v... Ngược lại, vọng tưởng sẽ xô đẩy con người vào vực thẳm khổ đau, tội ác. Có thể nói vọng tưởng là đầu mối của khổ đau, nên sống tỉnh thức thật sự quan trọng và cần thiết cho những ai muốn tìm đời sống an lạc. Bao lâu còn luyến tiếc, còn thương nhớ, còn vọng tưởng thì sự an lạc của nội tâm chỉ là ảo tưởng.

 

Trần văn Sang

 

 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm sống - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.