.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Pháp đàm | Chia sẻ...

Cám ơn Bát Nhã - Làng Mai

  • 18.11.2008 | Đào Thị Ngọc Trâm

Tôi muốn gửi đến Gia đình Bát Nhã lời cám ơn từ người mẹ của một cô con gái 17 tuổi nhờ biết đến Làng Mai mà biết đến một phương pháp nhằm giảm thiểu xung đột trong cuộc sống.

Năm 2007, tôi đang trong tâm trạng băn khoăn về con gái: Cháu ngoan, học được và biết giúp mẹ việc nhà, nhưng có gì đó trong phong cách của cháu không được ổn, nhiều khi không khớp với xung quanh mà bố cháu gọi là “vô ý”, mà thực ra là phong cách chung của các thiếu nữ thời @. Cả hai vợ chồng tôi đều chú ý để cháu ý thức điều đó nhưng kết quả không mấy sáng sủa, bố cháu và cháu vì việc này nhiều khi xung đột. Thậm chí có lúc biến thành xung đột giữa bố và mẹ.

Trong tâm trạng đó, vào một hôm khi lật giở cuốn “Đi như một dòng sông” của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một hiệu sách, tôi chú ý đến chi tiết mà trực giác mách bảo sẽ là giải pháp. Đó là cách thực hành Chánh niệm của Làng Mai, một cách thức vừa có tính kỹ thuật để có thể thực hành được, vừa có tính nhân văn. Tôi mừng lắm và lên mạng tìm hiểu ngay thì được biết nếu muốn tôi có thể đưa cháu đến Bát Nhã, Bảo Lộc.

Đầu tháng 6/2007, không thể chờ đi theo chuyến quán niệm hàng tháng của chùa Pháp Vân, hai mẹ con điện xin phép Tu viện và lên đường.

Phong cảnh và con người Bát Nhã đã làm bất ngờ cả hai mẹ con tôi.

Một cơn mưa to trên đường từ Bảo lộc vào tận tu viện  thì ngớt khiến cho cảnh vật Bát Nhã tuy về chiều mà vẫn sáng sủa, sạch sẽ. Cảnh vật thật là thanh tịnh. Hai mẹ con hỏi đường xuống chỗ các ni và không quên vào lễ Phật khi đi qua Chánh điện, nơi này rất trang nghiêm và sạch sẽ, tôi thấy có một thầy đi thắp hương nhưng cách mà thầy đó châm hương rồi cắm hương rất là lạ, rất chăm chú, hệt như ngoài việc đó ra trên đời không còn việc gì đáng giá hơn nữa, mà ba cây hương thầy cắm xong trông rất đẹp. Lúc đó tôi còn chưa biết đó là Chánh niệm. Quãng đường từ nhà khách đến cứ xá Bếp Lửa Hồng qua gác chuông, hai mẹ con vừa đi vừa xuýt xoa “dễ chịu thật, thích thật”.

Bất ngờ nhất là ở Bếp lửa Hồng. Thấy hai mẹ con đến, một rồi hai sư cô trẻ măng, tươi đẹp bước ra hỏi rất là dịu dàng ý tứ. Con gái tôi luôn miệng bên tai mẹ: “Dễ thương quá mẹ ơi, trời, dễ thương quá”. Tôi càng tin linh cảm của mình từ ở nhà là đúng. Thế rồi có một sư cô lớn tuổi hơn một chút giao hai mẹ con tôi cho sư cô Chiếu Nghiêm, hôm sau tôi mới hiểu rằng như vậy là chúng tôi đã được là đệ nhị thân của sư cô Chiếu Nghiêm.

Thế là hai mẹ con tôi có trọn một ngày được sống đời sống tu hành y như các sư cô: Cùng ngồi thiền, nghe pháp thoại, thiền hành, chia sẻ hạnh phúc, khất thực. Đặc biệt là buổi chia sẻ hạnh phúc: Trong thiền đường Tâm bất động trang nghiêm mà ấm cúng, ngồi quây quần bên nhau, mọi người không kể là tập sự hay khách hay các sư thầy, sư cô đều có thể bày tỏ hạnh phúc trong tu tập của mình. Hạnh phúc lúc đó lan tỏa như thể là hương hoa không thể không bay ra khỏi bông hoa đang nở. Về sau tôi mới biết con gái tôi cũng có cảm giác như mẹ mà còn sâu sắc hơn mẹ nữa: Khi xe về đến Thủ Đức, cháu bảo mẹ “Lúc ở trên đó con cảm thấy nhớ dưới này, không có nhạc, không có chát, … Nhưng bây giờ, con lại thấy nhớ trên đó quá, nhất là buổi chia sẻ hạnh phúc”. Ngừng một lúc cháu nói tiếp “con biết rồi, hạnh phúc của mình dưới này phải nhờ những cái bên ngoài, còn họ là hạnh phúc từ trong ra”. Tôi thấy sững sờ.

Tôi hỏi cháu: Cái gọi là “ý tứ“ mà bố muốn nói đến, con có cảm nhận được từ các sư cô không. Cháu nói rất chân thật: Có mẹ ạ, nhưng con cũng thấy khó mà được như vậy. Thế là tôi thấy có hy vọng rồi.

Chỉ một ngày đi tu mà nhiều suy nghĩ trong tôi đã thay đổi: Trước đây, tôi cho chùa chiền là nơi người ta chán nản mới vào, thường những nhà sư tôi gặp thì xa lạ hay quá nghiêm nghị, tạo nên trong tôi thái độ “kính nhi viễn chi”. Có một chùa mà bạn tôi hay rủ tôi đến ăn chay vào ngày húy kị và đầu năm chỉ để hỏi về công việc trong năm như một tục lệ đẹp. Tôi kính trọng sư ông chùa đó như kính trọng bất cứ ai nghiêm túc trong công việc mà mình đã đảm nhận với xã hội vì thấy sư ông đạo hạnh và giữ giới nghiêm túc. Tôi cho rằng chùa chiền không có vai trò gì lắm cho xã hội. Nhưng Bát Nhã đã cho tôi một cái nhìn khác về vai trò của đạo Phật, cho tôi thấy đạo Phật gần gũi và thiết thực với đời sống xã hội. Khi đó tôi còn chưa biết đến các sinh hoạt khác của Phật giáo thành phố, như của chùa Hoằng pháp, chùa Phổ quang,… vì tôi gần như là một người vô thần.

Khóa tu cho người trẻ “Để có một tương lai” tổ chức sau đó 1 tháng (12/7/2007), con gái tôi cũng như bạn cháu rủ nhau hào hứng tham gia và tôi để ý theo dõi kết quả ở cháu.

Sau hôm cháu đi về khoảng 1 tuần xảy ra sự việc giữa cháu và bố: Bố cháu đưa ra nhận xét con gái (có phần nghiêm khắc như mọi khi), tôi nghe cháu thốt lên: “Bố này…” rồi chợt im bặt, nhìn sang tôi biết cháu đang chú vào hơi thở, chỉ sau khoảng mươi hơi thở cháu cười khi thấy tôi đang nhìn cháu hài lòng và thế là “cuộc chiến tranh” giữa cháu và bố như mọi khi không xuất hiện nữa. Tôi rất mừng và biết chắc rằng đây là giải pháp rồi, chỉ còn phụ thuộc quyết định vào việc cháu có thực hành rốt ráo hay không nữa mà thôi.

Từ hôm đó, tôi và cháu kể như là một tăng thân cùng giúp nhau thực tập. Nói là “giúp nhau” nhưng thực ra tôi ý thức rằng mình phải giúp cháu nhiều hơn trong những buổi đầu này. Thế nên dù đau chân tôi cũng cố gắng ngồi thiền mỗi ngày và “làm gì thì biết mình làm nấy” như trong pháp môn nói. Kết quả không ngay lập tức nhưng dần dần, từ từ như sóng bồi cát. Chính cháu thấy kết quả từ mẹ nên ý thức phải tu tập rõ hơn.

Thế rồi cháu quyết định đi học xa. Hai mẹ con bàn nhau lên Bát Nhã 1 tuần để “nạp năng lượng”. May mắn thay đó là những ngày thầy Thích Nhất Hạnh cũng có mặt ở Bát Nhã. Chúng tôi được nghe Thầy giảng về kinh quán niệm hơi thở và cho một bài kệ rất hay: giản dị để thực hành mà sâu sắc để chiêm nghiệm. Đặc biệt, cháu đến vấn an sư cô Chân Không và đó là một buổi nói chuyện rất ấn tượng với cả hai mẹ con. Với cháu thì đó là những lời khuyên thiết thực, chân tình và thông thái. Với tôi là sự khâm phục. Tôi, một giáo viên 29 năm trong nghề, yêu nghề nên không ít lần ở vai trò của sư cô Chân không hôm đó và bằng vào sự tin cậy của học sinh, tự phong cho mình hạng kha khá về cố vấn. Nghe sư cô trò chuyện với cháu, tôi thấy xấu hổ với hành vi “tự phong” của mình.

Cháu xa nhà tính đến nay là 3 tháng, trong những lần trao đổi với cháu, tôi luôn nhắc cháu tỉnh thức Chánh niệm và cố gắng ngồi thiền. Cháu thú thực là không có thời gian ngồi thiền nhưng có ý thức Chánh niệm và gần đây nhất cháu nói “Có lẽ do con ý thức Chánh niệm nên mọi người ở đây đều nói con có khả năng kiềm chế”.

Với cá nhân tôi, về mặt sức khỏe tôi có một để ý thấy vào các dịp gió bão hàng năm tôi hay bị đau 3 vùng dọc cột sống, nhưng năm nay tuyệt nhiên không thấy. Mùa gió bão đang qua rồi, mà tôi không có hề áp dụng biện pháp nào ngoài các pháp môn Làng Mai. Tôi sẽ theo dõi tiếp việc này.

Bát Nhã thân thương ơi, còn một hạnh phúc nữa tôi cần chia sẻ với Bát Nhã là chính trong lần lên dự khóa tu “Để có một tương lai”, tôi có rủ bà ngoại cháu đi vì bà đang có xung đột gay gắt với ông ngoại cháu. Bà cháu xưa nay chưa từng đi chùa. Vậy mà ngay tại Bát Nhã bà đã làm lành được với ông ngoại cháu qua điện thoại.

Với những gì “mắt thấy, tai nghe, thân thực tập”, tôi biết ơn Bát Nhã – Làng Mai về phương diện cá nhân. Về phương diện nghề nghiệp, tôi cho rằng đây là một phương pháp tự giáo dục mà tất cả mọi người rất nên thực tập. Nhưng để tự đi được thì cần một cái xe tập đi lúc đầu, Bát Nhã có vai trò như cái xe đó.

Mong muốn duy trì và phát triển Bát Nhã, tôi xin được yểm trợ hàng năm đủ cho một sư cô tu tập. Kính mong gia đình Bát Nhã nhận cho. Xin cảm ơn toàn thể gia đình Bát Nhã – Làng Mai và kính chúc cả nhà luôn thảnh thơi, an lạc.

Nay kính.
Đào Thị Ngọc Trâm
Tp. HCM
 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Bên mé rừng
đã nở rộ hoa mai

Thầy đi tìm con
Từ lúc non sông còn tăm tối
Thầy đi tìm con
Khi mọi loài còn chờ đợi ánh dương lên
Thầy đi tìm con
Khi con còn đắm chìm trong một giấc ngủ triền miên
Dù tiếng tù và đã vọng lên từng hồi giục giã
Không rời non xưa
Thầy đưa mắt về phương trời lạ và nhận ra được trên vạn nẻo đường từng dấu chân của con
Con đi đâu?

……………

Vậy mà cuối cùng con cũng đã trở về
Con trở về ngồi dưới chân Thầy nơi chốn non xưa
Để rồi tiếng chim kêu tiếng vượn hú lại cùng hòa với tiếng công phu sớm trưa
Con đã về bên Thầy, thực sự muốn chấm dứt cuộc đời lãng tử
Sáng nay chim chóc ca mừng vầng ô lên rạng rỡ
Con có hay
Trên bầu trời xanh mây trắng vẫn còn bay?
Con ở đâu? Cảnh núi xưa còn đó nơi hiện pháp chốn này
Dù đợt sóng bạc đầu vẫn còn đang muốn vươn mình đi về phương lạ
Nhìn lại đi, Thầy đang ở trong con, và trong từng nụ hoa, chiếc lá
Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay
Con đi đâu? Cây mộc già đã nở hoa, thơm nức sáng nay
Thầy trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt
Xuân đã về, các cội thông đã ra chồi óng biếc
Và bên mé rừng đã nở rộ hoa mai

Nhất Hạnh.

(Xem trọn bài)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.