.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!


 

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG | Pháp đàm | Chia sẻ...

Để mừng ngày Đức Phật
đản sinh, chúng ta nên làm gì?

  • PSN | 16.04.2009 | Chân Y Nghiêm

Hàng năm cứ vào đầu tháng tư âm lịch là hàng Phật tử trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng rộn ràng chuẩn bị lễ Mừng Phật Đản. Đại Lễ Vesak được tổ chức năm ngoái tại sảnh đường Mỹ Đình Hà Nội thật long trọng với dự tham sự của rất nhiều quốc gia Châu Á. Các chùa từ Miền Trung vào tới miền Nam - để hòa nhập vào Đại Lễ Tam Hợp Quốc Tế - đã tổ chức lễ Mừng Đản Sinh rất trang nghiêm, hoành tráng. Tổ chức một lễ hội thật long trọng, tưng bừng để tôn vinh sự ra đời của Đấng Giác Ngộ, đã gây ấn tượng đẹp và khơi dậy niềm phấn khởi của tứ chúng, thật là điều đáng quí. Nhưng rồi, đằng sau những rộn rã tưng bừng ấy, chúng ta đã làm gì thiết thực cho việc hoằng dương đạo pháp, cho cuộc đời, cho hạnh phúc của mọi người và mọi loài?

 

Xin cho phép con đựợc mạo muội góp ý rằng: Giáo pháp của Đức Phật thì rất tuyệt vời. Quí Hòa thượng, Thượng tọa có những buổi giảng pháp rất hay và cao siêu, nhưng chỉ được tổ chức ở các quận huyện lớn như thành phố Hồ Chí Minh, còn các nơi khác xa xôi thì hầu như vắng bóng quí Ngài. Mà đối tượng đi nghe giảng phần lớn là các cụ già, các ông và nhất là thanh thiếu niên thì chỉ chiếm con số khiêm nhượng.

 

Chúng ta tự hào rằng Phật giáo gắn liền với sự tồn vong của dân tộc, nhưng thử hỏi rằng trong bản điều tra dân số, người khai theo đạo Phật chiếm đựơc bao nhiêu? Đa số họ khai rằng theo đạo ông bà, nhưng khi gia đình có tang gia thì họ đều đến chùa mời quí sư về cầu nguyện làm thủ tục một đám ma theo truyền thống. Sau đó, họ đền đáp thù lao nhà chùa bằng một phong bao!

 

Hẳn nhiên quí sư chấp nhận sinh họat này như một lối sống. Thế nên chùa nào cũng bận rộn với ma chay, cầu an, cầu siêu mà quên đi rằng: Giáo Lý của Đức Thế Tôn dạy cho người sống biết phương pháp tu tập để có được hạnh phúc, an lạc ngay ở cõi đời này. Ngài dạy chúng ta Tứ Diệu Đế để nhận diện sự đau khổ là do tập khí tham, sân si sâu dầy từ quá khứ và hiện tại huân tập khiến chúng ta mãi trôi lăn trong biển trầm luân. Muốn thoát ra sự đau khổ ấy chúng ta phải sống theo con đường Bát Chánh Đạo, phải nuôi dưỡng Bốn tâm vô lượng là Từ Bi Hỷ Xả, phải quán chiếu nhân quả, vô thường, vô ngã, từ từ buông bỏ tâm sân hận, si mê, tham dục, mở lòng vị tha thương muôn loài như thể thương chính bản thân mình.

 

Kinh Kim Cương Đức Phật dạy:

Tìm ta qua hình sắc.

Cầu ta qua âm thanh,

Là kẻ hành tà đạo.

Không thể thấy Như Lai.

 

Vậy mà, ngày nay, quí Ngài xây thật nhiều chùa to, dựng thật nhiều Phật lớn, để cho Phật tử thập phương đến lễ lạy, chiêm bái. Trong khi đó thì ngoài xã hội, nơi các xóm lao động và các vùng xâu, vùng xa dân chúng còn rất nhiều người nghèo khổ, trẻ em bỏ học vì quá nghèo, theo băng nhóm đi hoang, gây ra tệ nạn trộm cắp, cướp của giết người. Nơi thành thị, con nhà giàu có, gia đình cán bộ, thương gia, kiếm tiền quá dễ dàng, cho con cái ăn tiêu phung phí khiến chúng trở thành con mồi ngon của bọn buôn bán xì ke, lần lượt thanh thiếu niên trở thành hư hỏng. Khi nhắc đến thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta thường lắc đầu than rằng: đạo đức, văn hóa xuống cấp, đồi trụy. Chúng ta chỉ biết trách móc bọn trẻ mà quên rằng, chúng ta, toàn thể xã hội, nhà trường, gia đình, tôn giáo đã thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục và xây dựng nhân cách tuổi trẻ ngay từ lúc các cháu còn ấu thơ.

 

Là những người con của Bậc Giác Ngộ, đem ánh sáng giải thoát, từ bi trí tuệ soi sáng cho nhân loại, chúng ta nên nhìn lại để thấy rằng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, nhân loại đang tiến bộ vượt bực với nền khoa học và công nghệ thông tin, chúng ta phải nắm bắt kịp thời để hành đạo cho thích hợp.

 

Kinh Kim Cương, đức Thế Tôn dạy: Nếu Bồ tát còn dựa vào Pháp mà bố thí thì cũng như đi vào trong bóng tối, chẳng thấy đựơc gì. Trái lại, nếu Bồ tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy đựơc mọi hình và mọi sắc.

 

Lời đức Thế Tôn dạy chúng ta quá rõ. Ta phải thoát ra khỏi những giáo điều sơ cứng, chấp ngã, để thích ứng với xã hội, phụng sự cho chúng sinh bằng tất cả chí nguyện độ sinh.

 

Hơn bao giờ hết, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp cho hiện tại và tương lai, chúng ta phải nắm ngay con đường giáo dục thanh thiếu niên, xây dựng cho các cháu một nhân cách đứng đắn, một quan niệm sống lành mạnh, có lý tưởng vị tha.

 

Đề nghị Ban Hoằng Pháp:

- Tổ chức những buổi giảng cho thanh thiếu niên thường xuyên, những đề tài mang nội dung phù hợp với nhu yếu của tuổi trẻ

- Những khóa tu cho thanh thiếu niên vào những kỳ nghỉ hè, sinh họat dã ngọai như báo Giác Ngộ , Tăng thân Làng Mai, chùa Hoằng Pháp cần phải đựơc nhân rộng ra các tỉnh và quận huyện.

- Thay vì xây thêm chùa, đề nghị quí Ngài xây bệnh xá, truờng học để cho các tăng ni trẻ ra trường có nơi làm việc.

- Đào tạo tăng ni theo học ngành y và sư phạm để tăng cường cho các Tuệ Tĩnh đường và trường học Phật giáo.

- Phát triển rộng các trường mẫu giáo, mầm non ở các vùng đông dân cư và nông thôn để dậy các cháu ngay từ tuổi ấu thơ những đạo đức căn bản, giúp cho các bậc cha mẹ yên tâm làm ăn giữa thời buổi kinh tế khó khăn.

 

Hình ảnh các sư cô hiền hòa sẽ là những bà mẹ hiền, dạy cho các cháu biết hiểu biết thương, là dấu ấn đầu đời khắc ghi trong tâm trí non nớt của các cháu những hình ảnh đẹp, chắc chắn các cháu sẽ trở nên những trẻ em ngoan ngoãn, những công dân tốt của dân tộc Việt Nam.

 

Các sư cô đã theo đuổi miệt mài các trường Phật học, quí vị nên trang bị cho mình thêm một cái nghề để độ thân và độ sinh. Đó là nghề sư phạm, quí vị sẽ đứng trên bục giảng, sẽ gắn bó với đàn trẻ để che chở các cháu khỏi cạm bẫy cuộc đời, dạy dỗ cho các cháu biết tự bảo hộ chính mình bằng tinh thần đạo đức và trí tuệ Đạo Bụt.

 

Để cúng dường Đức Thế Tôn nhân ngày Đản sinh, con thành kính dâng lên Ngài lời cầu nguyện cho quê hương và nhân loại sống trong hòa bình, mọi người thương yêu nhau như tình huynh đệ.

 

Chân Nguyên Am, 15-4-2009
Chân Y Nghiêm

 

Thắc mắc - Chia sẻ hạnh phúc - Kinh nghiệm tu tập - v.v...
mời các bạn gửi về địa chỉ
phusaonline@gmail.com trang mục PHÁP ĐÀM cám ơn các bạn!


 

Pháp thân

Có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’  

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.  

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
tới đây
Chén trà nóng
Bãi cỏ xanh
Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp.


(Trích trong THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ, tức kinh Di Đà thiền giải của Hòa thượng Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.