.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007


Thư gửi ông Nguyễn Bá Long
Bàn về các vấn đề Phật Giáo và con đường
của Phật tử Việt nam

 
  • PSN | 29.10.2007 | Trần Lý

Thưa ông Nguyễn Bá Long,

Từ lâu tôi đã “gác kiếm” không chính thức tham gia hay theo dõi hoạt động của các tổ chức chính trị chống cộng của người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại. Lý do không phải vì chế độ cộng sản đã chấm dứt, cũng không phải cộng sản đã tốt quá rồi, mà chỉ vì tôi không thể chấp nhận phương cách đấu tranh đầy hận thù sắt máu và không thực tế của những người tự nhận là “chiến sĩ” của tự do, dân chủ sẵn sàng “thí mạng với cộng sản” như là ông.

Bẵng đi một thời gian dài, hơn mười năm, tôi đã quên mất tên và khuôn mặt ông trong ký ức, vì con người ông chẳng có gì đặc biệt để nhớ ngoài cái “mác” tiến sĩ mà ông thường đính kèm theo cái danh của ông, cũng như các hoạt động chống cộng bằng mồm rất an toàn ở các nước tự do. Bây giờ đọc bài viết của ông, “Các vấn đề đối với Phật giáo và con đường của Phật tử Việt Nam: Bàn về Đại Hội Mississauga ngày 21-23/9/2007”, dưng không tôi buồn cười nhớ lại buổi sơ ngộ giữa ông và tôi tại San Jose, tại chùa X. Lúc đó, chỉ vừa nghe sư phụ tôi giới thiệu sơ qua về tôi (không phải là người tài mà chỉ là người có lòng) là ông đã mau mắn tiếp xúc, mời tôi tham dự đại hội dân chủ hay quốc dân gì đó do ông tổ chức, và không quên dùng cái mồi danh lợi để thuyết phục tôi: “Mình còn nhiều ghế trống lắm, mời bạn tham gia, thế nào cũng có chỗ ngồi tốt cho bạn”. Chỉ ngay ở câu nói ấy, của một người đấu tranh chống cộng, chuẩn bị một đại hội dân chủ, lại đưa ra trước một người chưa hề quen biết, tôi đã thấy ngay cái tổ chức nào đó do ông thành lập sẽ là một tổ chức ô hợp chẳng ra gì; không những vậy, có thể chỉ là một chiêu bài của cộng sản nhằm chiêu dụ một số trí thức hời hợt, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh, gom vào một tổ chức tuy mặt ngoài chống họ, nhưng lại dễ cho họ theo dõi, kiểm soát, nắm được động tĩnh.

Nhưng đó là chuyện của quá khứ, lại là chuyện riêng tư giữa ông và tôi, vô bằng vô chứng, không cần phải bàn sâu ở đây để rồi tôi bị vướng vào cái lỗi suy diễn mông lung, kết luận hàm hồ giống như ông trong bài viết nói trên. Tôi đưa ra chuyện xưa và lý do tại sao không bàn rộng là để nhấn mạnh với ông rằng, cách viết những bài “bàn về” một cách thiếu luận chứng của ông không phải là hành xử của một người mệnh danh trí thức. Nếu chỉ tiếp xúc vài ba người, đọc vài ba tin tức một chiều thuận với quan điểm của mình, suy luận rồi quy nạp, đưa ra những kết luận chắc nịch về một vấn đề nào đó của cá nhân, tập thể (tôn giáo hay chính trị) thì ai cũng có thể kết tội người khác là cộng sản, và ai cũng có thể bị vu khống là cộng sản cả. Đây là lối viết (hay phát ngôn) thiếu văn hóa, phản khoa học, phản dân chủ, vô trách nhiệm, mà chính người cộng sản đã từng dùng để bịt miệng và tiêu diệt những người đối lập với họ từ xưa đến nay.

Đáng lẽ tôi không cần tốn thời gian để “bàn về” cách viết bừa bãi tùy tiện của ông vì đối với tôi, bài viết của ông giống như một đống rác thối, không đáng để ghé mắt. Nhưng ngặt nỗi là vài điểm kết luận vu vơ của ông lại góp phần gây ngộ nhận và chia rẽ trong cộng đồng người phật-tử khiến cho vài bạn đạo của tôi hoang mang, ngần ngại về “các vấn đề Phật giáo”, do đó, tôi buộc lòng phải lên tiếng để cảnh giác về hành vi phá hoại vô lương tâm của ông.

Thưa ông Nguyễn Bá Long, điều mà ông gọi là “phân tích các sự kiện để rút ra một số kết luận khoa học” là một tiền đề (premise) mở rộng, không giới hạn, do đó nó cho phép ông suy diễn để đưa ra một số kết luận theo ý riêng của ông, nhưng hẳn là ông phải thừa nhận tính đúng đắn và căn bản của luận lý học (logic) là tiền đề đưa ra phải có tính phổ quát và xác thực thì mới dẫn đến kết luận xác thực và phổ quát. Một tiền đề mà chỉ là phán đoán, cục bộ, đơn phương, thành kiến, thì không thể làm chỗ luận cứ cho kết luận. Ví dụ:

-    Ông Nguyễn Bá Long thường hô hào chống cộng nên ông không phải là cộng sản

-    Ông VVA cũng thường hô hào chống cộng nên ông cũng không phải là cộng sản

-    Chắc chắn họ không phải là cộng sản và họ là bạn thân của nhau vì cả hai đều hô hào chống cộng.

Lập luận ở trên là ứng dụng cách thức mà ông NBL dùng để qui chụp, vu khống, kết án những Tăng Ni và phật-tử không cùng quan điểm với ông và với hai vị lãnh đạo GHPGVNTN tại Hoa Kỳ. Lập luận như thế không giá trị và không có tính thuyết phục, vì ở cả hai tiền đề đưa ra đều không mang tính xác thực và phổ quát. Lý do là trên thực tế sinh hoạt chính trị, thường hô hào chống cộng không nhất thiết là người thực sự chống cộng. Người cộng sản đã từng tạo ra những tổ chức mệnh danh là chống cộng nhưng thực ra là để gây chia rẽ, phá tan sự đoàn kết của các thành phần đối lập. Hai tiền đề đầu đã không xác thực thì tổng đề không thể dẫn đến kết luận khả tín và phổ quát nào. Thực tế cho thấy ông Nguyễn Bá Long đã từng chỉ trích, xuyên tạc các cá nhân và tổ chức chính trị đối lập khác (như trường hợp ông ĐVH trong bài viết của ông), nên không thể kết luận rằng tất cả những người chống cộng khác đều là bạn thân của ông.

Xét “các sự kiện” mà ông Nguyễn Bá Long (NBL) đưa ra về vấn đề Phật giáo, người ta thấy gì? Đâu là tính xác thực của “các sự kiện”? Ông NBL cho biết là “đã điện đàm trao đổi khá lâu với các vị lãnh đạo GHPGVNTN Hải Ngoại” (qua hai nhân vật chỉ có cái danh vị PCT Nội Vụ VPII – VHĐ và TTK mà không còn chút uy tín nào trong GHPGVNTN Hoa Kỳ chứ đừng nói là trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại), “cũng như với Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu và GS TTK Giáo Hội PGVN Trên Thế Giới”, rồi từ trao đổi với những nhân vật này, ông phân tích, suy diễn, rút ra kết luận “về các vấn đề Phật giáo”. Đúng là một cách luận lý hồ đồ, phản khoa học, vậy mà ông lại dám tự hào là “kết luận khoa học” và lại tự đề cao quá đáng khi cho rằng những suy diễn và kết luận của ông “nhằm giúp cho Giáo Hội PGVNTN… tìm ra được hướng đi trước những khó khăn và nguy cơ do CS và tay sai mang lại”.

Với những kết luận hồ đồ của ông NBL về Phật giáo mà ông vốn không am tường, chỉ nghe qua vài cá nhân bằng điện đàm, tôi tự hỏi lương tâm của người trí thức thời đại đặt ở đâu mà sản sinh ra một tiến sĩ kém cỏi (chắc là tiến sĩ ma?), sẵn sàng phát ngôn tầm phào thiếu căn cứ như thế và với mục đích gì?

Sau đây, tôi thử đưa ra vài câu hỏi để ông NBL tự trả lời và sẽ thấy lối lý luận bất lương, võ đoán của ông như thế nào đối với những sự việc quan trọng của Phật giáo.

-    Về vấn đề của GHPGVNTN tại hải ngoại, ông NBL cho rằng nội bộ GHPGVNTN Hải Ngoại đã nẩy sinh hai nhóm, nhóm A “chết sống với đường lối của giáo hội” và nhóm B thì “cực lực tuyên truyền cho con bài Tuệ Sĩ” (nguyên văn của ông). Vậy xin hỏi, do đâu ông là người ngoại cuộc mà lại biết có hai nhóm như thế? Và nếu có hai nhóm, ông có biết nhóm nào thuộc đa số, nhóm nào thuộc thiểu số không? Nếu ông chỉ nghe một chiều từ nhóm A thiểu số thì chắc chắn sẽ không công bằng đối với nhóm B đa số, và ngược lại cũng vậy. Hơn nữa, chuyện nội bộ của GHPGVNTN trong và ngoài nước mà lại được hai thành viên lãnh đạo cao cấp của giáo hội ấy tiết lộ tỉ mỉ cho ông, một người phật-tử không thuần thành, không am hiểu Phật giáo, không hề tham gia sinh hoạt trong tổ chức giáo hội, là một người đấu tranh chính trị chỉ đến các chùa để nhờ vả và vận động quần chúng, thì liệu rằng những tuyên bố của ông có đáng tin cậy không? Nếu lời ông nói là sự thực, nghĩa là hai vị lãnh đạo giáo hội kia có tiết lộ cho ông nghe hết mọi chi tiết về nội bộ giáo hội, chỉ trích, kết tội đa số (xin nhấn mạnh: đa số) những thành viên khác là cộng sản, thì chính hai nhân vật lãnh đạo kia có vấn đề đối với giáo hội. Sao ông lại có thể hời hợt nhắm mắt tin càn, nói càn?

-    Để kết luận một vấn đề phức tạp của một tập thể, nhất là tập thể tôn giáo, một người có lương tâm và thiện chí nhận thức đúng đắn sự thực tất phải tìm hiểu cặn kẽ từ nhiều phía, ông đã làm việc này chưa? Nếu đã được nhóm A thiểu số (với hai nhân vật có danh mà không có thực như đã nói ở trước) tiết lộ chuyện nội bộ giáo hội, có khi nào ông nghĩ đến việc tìm hiểu thêm từ nhóm B đa số hay không? - Ở đây xin mở ngoặc thêm: nếu ông có ý tìm hiểu từ nhóm B đa số, chắc chắn là không thành công, vì hai lý do: a) nhóm B sẽ không tiết lộ bất cứ chuyện nội bộ nào của giáo hội cho ngoại nhân, dù chuyện nội bộ ấy thuận lợi cho họ, bất lợi cho nhóm A thiểu số; và b) tư cách ngoại nhân của ông NBL không đáng tin cậy, vì là người có tiếng háo danh trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Canada, chuyên hoạt động chính trị và lợi dụng Phật giáo chứ không có thành ý gì trong việc xây dựng, củng cố và phát triển Phật giáo.

-    Tại sao lại có chuyện hai người lãnh đạo giáo hội tại hải ngoại tiết lộ cho ông NBL, một người không phải phật-tử và không có liên hệ nào với giáo hội mà chỉ là một người hoạt động chính trị đảng phái, nghe hết chuyện nội bộ giáo hội? Tại sao hai người này không thể tìm đến quý Tăng Ni thuộc GHPGVNTN cũng như các giáo hội khác để trình bày chuyện giáo hội và kêu gọi sự ủng hộ mà lại chạy rông để tìm hậu thuẫn từ những chính khách, những tổ chức chính trị thế gian? - Chính vì họ đã bị cô lập, không còn được tín nhiệm từ số đông Tăng Ni tại hải ngoại. Nếu ông NBL có học thức và chút nhạy bén tất sẽ nhìn ra khía cạnh tế nhị này. Rất tiếc, cái đầu của ông đặc sệt thứ thành kiến què quặt một chiều, làm sao có thể hiểu nổi vấn đề, nhất là vấn đề Phật giáo, ngoài cơ cấu tổ chức, còn là con đường tâm linh với nền giáo lý thậm thâm vi diệu mà ông chưa hề được cơ hội đọc qua.

-    Ông NBL cho rằng ở Canada, duy nhất chỉ có Thượng Tọa Thích Thiện Tâm là “quyết lòng sống chết với đường lối của GHPGVNTN”, còn ngoài ra thì đều thuộc nhóm B, tức là theo cộng sản. Tôi cảm thông cho ông ở điểm là với tuyên bố này, ông cũng chỉ nói theo “tiết lộ” của hai nhân vật lãnh đạo giáo hội tại Hoa Kỳ mà thôi, chứ không phải do ông tùy hứng mà phát biểu. Nhưng dù cảm thông thế nào cũng không thể tha thứ được cho một người tự xưng trí thức, có ăn học, lại thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc để rồi tuyên bố một cách nông cạn và quá hồ đồ như thế trong một bài viết phổ biến trên truyền thông báo chí. Cũng may là tuyên bố của ông nhắm vào một tập thể Tăng Ni từ bi, nhẫn nhục, chứ nếu mà đụng đến một cá nhân hay tổ chức thế tục nào, chắc chắn ông sẽ bị kiện ra tòa với tội danh vu khống, nhục mạ, chụp mũ kẻ khác một cách vô bằng (như là hòa thượng ở Chùa Như Lai, Colorado từng bị kiện và bị bắt bồi thường gần 5 triệu Mỹ kim, tốn hao tài sản của đàn na tín thí khi chụp mũ vài cá nhân phật-tử yếu đuối khác là cộng sản, chỉ vì họ tố cáo mình tội sách nhiễu tình dục). Vấn đề Thượng Tọa Thiện Tâm là người duy nhất “quyết lòng sống chết với đường lối của giáo hội” mà ông NBL xác quyết cũng là vấn đề mà thiết nghĩ ông nên tự tra vấn lại hay hơn là để tôi chỉ điểm. Ông có thể tự hỏi như thế này: có xác đáng hay không trường hợp chỉ có một người quyết lòng sống chết với đường lối của giáo hội, còn hàng chục, cho đến hàng trăm người khác (nói riêng tại Canada mà thôi, chưa kể Hoa Kỳ và các quốc gia khác) đều sai lầm, chạy theo cộng sản cả? Điều này, hai vị lãnh đạo giáo hội tại Hoa Kỳ “tiết lộ” riêng qua điện đàm có khả tín không? Đường lối của GHPGVNTN là gì, dài hạn thế nào, ngắn hạn ra sao, đúng hay sai mà chỉ có một người quyết lòng sống chết còn hàng trăm kẻ khác thì không? Ông có biết GHPGVNTN tại Canada do ai lãnh đạo, và gồm những thành viên nào trong khu vực, trong các tỉnh bang, trên toàn quốc không? Thông thường ở đời, lẽ phải nằm ở phía thiểu số hay đa số? Nếu lẽ phải được cho là nằm ở phía thiểu số (ví dụ như thiểu số đảng viên cộng sản) thì ông NBL nên tìm hiểu lẽ phải ấy qua nhóm thiểu số đảng viên cộng sản hay là tìm hiểu nơi đa số nhân dân?

-    Ông NBL có biết rõ người xưng là PCT Nội Vụ VPII-VHĐ, người tiết lộ những chuyện nội bộ của GHPGVNTN cho ông nghe, là con người như thế nào không? Nếu biết đây là con người mang nhiều tai tiếng trong giáo hội và từng hầu tòa về tội sách nhiễu tình dục, sau đó bị xử phạt về tội vu khống, mạ lị cá nhân, chụp mũ kẻ khác cộng sản khiến cho họ và gia đình không thể sống bình thường giữa cộng đồng tị nạn, thì trước khi lắng nghe những tố giác của người ấy đối với nhiều thành viên khác của giáo hội, ông NBL có nên tìm hiểu thêm sự thực về cá nhân ấy không, hay là cứ nhắm mắt tin hết những gì cá nhân ấy nói? Ông NBL có bao giờ tự hỏi tại sao một người tu hành mà lại đi tố giác, nói xấu những pháp hữu và hàng hậu học khác của mình bằng những lời lẽ thiếu đạo hạnh, đầy hận thù, sắt máu? Lời lẽ của một người tu hành như thế có đáng tin cậy hay không? Một người ở chùa bao nhiêu năm lại mở miệng ví các trung tâm văn hóa và cơ sở chùa chiền tôn nghiêm của Phật giáo là “những pháo đài” chỉ vì những người ở các chùa ấy không cùng quan điểm với mình, thì có nên tin bừa những phát ngôn của người ấy hay cần phải xét lại?

-    Trong bài viết của ông NBL, phần IV, có tựa là “Đại hội Mississauga và con đường tương lai của Phật giáo VN”, người đọc không thấy có chi tiết nào nói về “Đại hội Mississauga”, cũng không thấy nói về “con đường tương lai của Phật giáo VN”. Điều này cho thấy: một là ông NBL viết bài này trong một tâm trạng hứng chí bốc đồng sau khi nghe chuyện từ PCT Nội Vụ VPII-VHĐ, cho nên lối viết lung tung, lạc đề, để rồi quên mất cái đề mục đưa ra ban đầu; hai là, ông NBL chủ yếu chỉ nêu ra ý chính là vội vã ngăn chận “Đại hội Mississauga” bằng phán quyết tối hậu dựa trên thẩm quyền tối cao của Viện Hóa Đạo, nên không cần biết, không cần hiểu cái “Đại hội Mississauga” là gì cả. Trí thức mà viết một bài ngắn đầu đuôi không ra gì, chỉ biết nói theo lời kẻ khác một cách u mê, cuồng tín, không chịu động não, như là vẹt nói, thì dù có mười cái bằng tiến sĩ thì cũng chỉ là rác rến cả, uổng công cha mẹ và quốc gia nuôi ăn học. Thưa ông NBL, xin ông hãy chịu khó đọc kỹ các văn bản liên quan đến “Đại hội Mississauga” (từ của ông đặt ra) để hiểu nó là cái gì đã, trước khi đưa ra nhận định của ông. Thực ra, chẳng có đại hội nào xảy ra ở Mississauga Canada cả, mà chỉ có “Ngày Về Nguồn” được tổ chức từ ngày 21 đến 23 tháng 9 năm 2007 tại Chùa Pháp Vân, Canada. Ngày Về Nguồn, theo thư mời chính thức đã phổ biến công khai từ nhiều tháng nay trên khắp các trang lưới điện toán và báo chí Phật giáo tại hải ngoại, là ngày hiệp kỵ chư Tổ để Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại có cơ hội “tìm đến với nhau trong một không gian thiền vị, ấm cúng đạo tình của những kẻ xuất thế ly gia… lấy Tăng đoàn làm nền tảng, lấy sự nghiệp và sứ mệnh của trưởng tử Như Lai làm trụ cột, từ đó gầy dựng và trùng hưng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam cho thế kỷ mới” (trích đoạn từ Thư Cung Thỉnh Tham Dự Ngày Về Nguồn của Trưởng Ban Tổ Chức - Tỳ kheo Thích Tâm Hòa). Đây là dịp để Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam có thể tương ngộ, mỗi năm một lần luân phiên tại các chùa, mỗi lần khoảng 3 ngày. Tinh thần của Ngày Về Nguồn cao đẹp và đầy đạo tình như thế, ông NBL không phải là phật-tử thì làm sao cảm nhận được; còn nếu tự cho mình là phật-tử, hẳn nhiên ông phải biết rằng một khi Tăng đoàn tụ hội trong thanh tịnh hòa hợp, bất cứ kẻ nào dù là tỳ kheo hay cư sĩ tại gia có ý ngăn cản, chống đối, phá hoại, xuyên tạc, chỉ trích, đều là hành vi cuồng vọng dẫn mình vào quả báo địa ngục vô gián với tội “phá hòa hiệp tăng”.

-    Còn về việc ông NBL nói hùa theo vị PCT Nội Vụ kia như cái loa, không cần suy nghĩ, rằng “những đại hội nào do chính Giáo Hội PGVNTN - Quốc Nội hay Hải Ngoại (tức Viện Hóa Đạo I hay VHĐ II) đứng ra tổ chức; tức nhiên đó là CHÍNH DANH, còn những đại hội nào không do Văn Phòng I hoặc Văn Phòng II VHĐ đứng ra tổ chức hoặc bổ nhiệm người tổ chức bằng văn thư, với ấn ký của HT Quảng Độ (VHĐ) hoặc Hộ Giác (VP II - VHĐ), thì xin Phật tử kiểm soát lại…” thì quả là đại ngôn, độc đoán. Dù cho chính miệng vị PCT Nội Vụ kia nói ra câu ấy, ông NBL cũng phải xét lại, trước khi viết ra trên giấy trắng mực đen chứ. Ông thử nghĩ xem, nếu ông ĐVH (nhân vật mà ông nêu danh mấy lần trong bài viết của ông để nhục mạ) tuyên bố rằng, bất cứ đại hội dân chủ (hay chính trị) nào được tổ chức tại hải ngoại mà không do ông ĐVH chủ trì thì không có chính danh, thì ông có đồng ý không? Tuyên bố như vậy có phản dân chủ, phản tự do không? Cũng vậy, Tăng đoàn là tập thể tăng sĩ sinh hoạt khắp nơi, khắp thời đại, không bị giới hạn trong giáo hội, tông môn, pháp phái. Tăng đoàn muốn tập hợp thì tập hợp, đâu cần phải xin phép ai, đâu cần phải thông qua bất cứ giáo hội nào. Giáo hội, hệ phái thì có nhiều, nhưng Tăng đoàn thì chỉ có một.

Ở trên là vài gợi ý để ông NBL nếu còn chút lương tri, có thể tự vấn và tự tìm ra con đường trở về với sự thật. Còn sau đây là đôi điều tôi muốn nói chung cho những người thuộc nhóm A thiểu số nghe, mà ông NBL cũng cần nghe qua để tường tận một số vấn đề của Phật giáo.

1) Quý vị đã chứng minh (một cách vu vơ không bằng chứng như Thầy TKT trước đây) rằng những người ở tù cộng sản, hoặc có cái mác “tử hình” của tòa án cộng sản, không nhất thiết là những người thực tâm chống lại cộng sản, thì hệ luận của tiền đề này là: những người chưa hề sống một ngày trong chế độ cộng sản như vị PCT Nội Vụ ở Colorado (đi Đài Loan trước năm 1975 để tránh tai tiếng về chuyện không thanh tịnh với phụ nữ), như ông VVA bên Paris (tham gia phản chiến từ trước 1975, viết bài ca tụng, ăn mừng “cách mạng thành công” vào năm 1976), cũng như những người chưa hề ở tù cộng sản về tội “phản cách mạng” hay “âm mưu lật đổ chính quyền” như ông NBL, hoặc chỉ ở tù cộng sản vì nhậu xỉn, ăn nói bậy bạ đụng chạm chính quyền cộng sản (như TKT) đều là những người đáng ngờ vực còn hơn là những người từng ở tù cộng sản vì đấu tranh và nhận bản án tử hình đã nói ở trước. Những người chưa hề biết cộng sản mà cứ luôn mồm chứng minh cho mọi người thấy sự tích cực của mình trong việc chống cộng thì còn đáng ngờ vực hơn những người từng sống với cộng sản, đem thân mạng của mình ra để đánh đổi niềm hy vọng cho tương lai phúc lạc của toàn dân.

2) Người cộng sản sợ gì nơi thành phần đối lập? – Xin thưa, suốt hơn ba mươi năm qua, họ đã dùng đủ mọi thủ đoạn, kế sách, để dập tắt mọi nhen nhúm của thành phần đối lập. Chưa có đảng phái chính trị hay tôn giáo nào mà họ nương tay tiêu diệt, cũng chưa có thế lực nào khiến họ thực sự sợ hãi. Những chiêu thức chia rẽ, đánh phá, ly gián tinh vi của họ, không có tổ chức chính trị hay tôn giáo đối lập nào có thể tránh khỏi, trái lại còn bị họ giật giây, đẩy vào cái thế tự mình đánh phá mình, hủy hoại mình. Nói theo binh thư cổ điển, họ đi đúng sách lược nắm thế chủ động đối với thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Địa lợi thì họ kiểm soát lãnh thổ toàn quốc. Nhân hòa thì họ kiểm soát toàn dân bằng chế độ công an trị thật chặt chẽ; dân dù không hòa, nhưng phải khép mình một phép. Có thể nói là họ đã nắm vững hai yếu tố này. Chỉ có thiên thời là một thứ thời vận mông lung đi thăm thẳm về hướng tương lai, chưa biết ai là kẻ thắng lợi sau cùng. Người cộng sản đang thắng thế chỉ sống vội vàng, chụp giựt, vơ vét, biển thủ, tham nhũng, hối lộ, tranh giành ảnh hưởng và quyền thế, trong một thời gian ngắn nhất mà họ có thể làm được ở trong thì hiện tại. Còn tương lai, vẫn là một cửa ngõ bỏ trống mà chỉ có kẻ nào đi được đường dài mới vói tới được. Cửa ngõ ấy, một vài tôn giáo bạn đã đi. Phật giáo thì dậm chân một chỗ. Cửa ngõ ấy là con đường văn hóa, giáo dục. Nếu họ sợ là phải sợ con đường ấy. Cho nên khi người của chúng ta làm việc văn hóa, giáo dục, hoằng pháp mà bị phá hoại, xuyên tạc, có thể là có sự nhúng tay của cộng sản, mà cũng có thể là do những người u mê, thiển cận trong nội bộ chúng ta, vô tình hoặc cố ý đi theo cái hướng phá hoại của ác ma đối với sự hoằng truyền chánh pháp.

Vào thập niên 1970’s, chúng ta mong đợi cộng sản sẽ sụp đổ trong thập niên kế tiếp, nhưng việc ấy chẳng xảy ra; kéo dài qua thập niên 1990’s, rồi thập niên 2000’s. Đã hơn ba thập niên, họ vẫn chưa sụp đổ. Nếu thời gian qua, chúng ta chỉ chống họ đến kỳ cùng mà không chuẩn bị gì cả trong công tác văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân sự của Phật giáo, thì chúng ta bị thiệt thòi ba mươi năm. Rồi ba mươi năm kế tiếp, nếu chúng ta lại cứ chờ đợi họ sụp đổ để bắt đầu bắt tay vào công tác văn hóa giáo dục, mà họ vẫn không sụp đổ, thì chúng ta lại mất thêm ba mươi năm. Chừng nào thì cộng sản sụp đổ thì chưa biết được, chỉ đoán thôi, mà đoán thì không gì bảo đảm. Không thể chờ đợi đất nước hết sạch bóng dáng cộng sản rồi mới bắt tay lo việc hoằng pháp, giáo dục. Mọi chế độ chính trị, dài lâu cỡ nào cũng không dài bằng con đường của văn hóa, giáo dục. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người (ngạn ngữ Trung Hoa “thập niên chủng thọ , bách niên chủng nhân” – không phải của Hồ Chí Minh) là như thế. Nói như vậy không có nghĩa là vận động thỏa hiệp hay là đừng chống cộng mà chính là kêu gọi người con Phật phải biết phân nhiệm, người nào lo việc người ấy. Đường dài, đường ngắn phải biết. Người đi đường ngắn phải hiểu cái việc của người đi đường dài, ngược lại cũng vậy; không nên phỉ báng, đánh phá, kết tội nhau. Nên biết rằng việc của người kia bổ sung cho việc của mình, việc của mình cũng tương trợ cho việc của người kia. Cứ thế mà song hành bước tới trên con đường tương lai của Phật giáo.

Thư dài chưa nói hết ý. Chỉ mong người lạc bước có thể hồi tâm sám hối để tránh mang ác báo vào thân. Phật giáo là đại dương mênh mông, không thuộc cá nhân hay tổ chức nào. Đại dương đó có thể dung chứa tất cả, và có thể rộng tay đón bạn trở về.

 

Bài liên quan:

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.