.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007

 

Đạo Phật và cuộc đời

  • PSN | 10.11.2007 | Tâm Đức

Từ ngày lọt lòng mẹ, có lẽ vào thời điểm mà nhu cầu cuộc sống vật chất không quá cấp bách, còn cho tôi thì giờ để đặt ra những câu hỏi mà vào thời đại này nghe có vẻ ngớ nghênh : Tại sao tôi sinh ra đời, sứ mạng của tôi như thế nào trong cõi đời này. Tôi phải làm gì đây để cuộc sống của mình trên thế gian này không uổng phí.

 

Lớn lên tôi qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Tôi cho sự lựa chọn của tôi là đúng.

Ðức Phật đối với tôi uy nghiêm mà giải thoát, dung dị mà cao xa, từ hoà mà chói sáng. Mỗi lần gặp khó khăn, trắc trở, đứng trước mặt Ngài, tất cả đều tan biến. Nụ cuời hiền hoà của Ngài là nguồn suối mát. Ngài không phải là vị chúa tể của muôn loài mà là bậc giác ngộ, soi đường chỉ nẻo. Ngài không phải là vị quan tòa ra phán quyết bắt mọi người phải cúi đầu tuân theo mà khuyên ta hãy đắn đo suy nghĩ, qua kinh nghiệm thấy lợi mình, lợi người mới theo. Ngài không phải là vị hoàng đế quyền uy bắt thần dân thiên hạ tuân phục mệnh lệnh nếu không là bị tru di cửu tộc. Ngài là Phật và tôi đã đặt trọn niềm tin ở Ngài.

 

Giáo lý Phật đối vớí tôi thật uyên thâm mà giản dị. Uyên thâm đến độ choáng váng mặt mặt mày, khi đi sâu vào đạo lý chân tâm, vọng cảnh, vào thế giới trùng trùng duyên khởỉ, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, vào biệt nghiệp cọng nghiệp, vào Ta Bà Tịch Tịnh,  Niết Bàn Sinh Tử, tuy hai mà một, vào đạo lý sắc sắc không không. Tuy uyên thâm mà giản dị : Hãy tránh những điều ác, làm những điều lành, gọt rửa tâm ý cho trong sạch (Chư ác mác tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật pháp).

 

Từ bài kinh Chuyển Pháp Luân khi Phật vừa thành đạo nói cho 5 người đệ tử đầu tiên ở Vuờn Lộc Uyển : “ Này các Tỳ Kheo, xa lánh hai điều cực đoan, Như Lai chứng ngộ Trung Ðạo, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí niết bàn. Thế nào là Trung Ðạo, đó là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ Kheo, tám thánh đạo này là Trung Ðạo.”

 

Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật cho năm ông Kiều Trần Như tại vuờn Lộc Uyển (Isipatana) gần Benares, đánh dấu một phong trào đạo đức và trí tuệ mới. Khi Phật còn tại thế, đạo lý của Ngài đã dần dần lan khắp vùng thung lũng sông Hằng, đến các vuơng quốc ở bắc Ấn Ðộ, giữa dãy núi Vindhya và Hymalaya. Quốc vuơng, đại thần, truởng giả, phú hộ, Bà la môn, nông dân . . . qui y theo Phật.

 

Sau 45 năm gieo rắc đạo mu, đức Phật lìa cõi Ta Bà, nhập niết bàn. Trước khi nhập diệt,  Phật căn dặn ngài A Nan trong bài kinh cuối cùng, kinh Ðại Bát Niết Bàn : “Này A Nan, con đừng sầu não, nghĩ rằng sau khi ta nhập niết bàn, giáo lý của ta không người hướng dẫn. Con không nên suy nghĩ như vậy mà phải biết những lời giáo huấn của ta, giới luật ta đặt ra chính là Thầy của các con sau khi ta nhập diệt.” Do đó, Tăng Già sau khi Phật nhập niết bàn lấy giáo lý của Ngài làm thầy, chứ không phải dựa một cá nhân nào cả.

 

Giáo lý của Phật thậm thâm vi diệu, nhưng cũng giản dị vô cùng, đáp ứng được mọi nhu cầu của mọi loài chúng sinh, từ cõi trời, cõi người, súc sinh, tu la, ngạ quỉ, không khác trận mưa, cây cối tùy khả năng tiếp nhận, từ cây đại thụ, đến ngọn cỏ, đám rêu, vì vậy giáo pháp Phật được gọi là Pháp Vũ, hay Mưa Pháp.

 

Từ thời niên thiếu, theo mẹ lên chùa lễ Phật, được gần gũi chư Tăng, tôi thấy cảnh chùa tuy đơn sơ nhưng thân thuộc. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, niệm Phật, như bản nhạc dân tộc hoà quyện giữa trời Việt Nam hiền lành, bát ngát, gợi cho tôi hình ảnh của ông cha ngồi duới gốc cây cùng uống nước trà với thầy tổ đàm đạo, hàn huyên tâm sự. Sao mà ấm cúng, sao mà thân tình.

 

Tôi cảm thấy ở các thầy, các cô có một sức mạnh thiêng liêng, một sự quyến rũ kỳ lạ. Bộ áo cà sa mộc mạc, đôi thảo hài tuy nhẹ nhưng đã chuyên chở đôi chân dạo buớc khắp nơi trên đường hoằng đạo. Tôi vô tình dần dần biến vị  bổn sư của tôi thành một thần tượng, nguợc hẳn giáo lý Phật.

 

Tôi nhớ câu chuyện giữa ngài A Nan và ông Vissakàra, tể tuớng xứ Ma Kiệt Ðà trao đổi với nhau vài tháng sau khi Phật nhập niết bàn. Vissakàra hỏi ngài A Nan là Phật có chỉ định ai thay thế Ngài làm nơi y cứ. Ngài A Nan trả lời không. Vassakàra lại hỏi Giáo Hội có đề cử ai làm nơi y cứ. Ngài A Nan trả lời không. Vassakàra rất ngạc nhiên nói:

 

- “Ðại đức A Nan ! Nếu Giáo Hội không đề cử người nào làm nơi y cứ, làm sao Giáo Hội có thể duy trì sự thống nhất của mình ?”

 

A Nan trả lời :

- “Thật ra chúng tôi không đến nỗi tuyệt vọng, không có nơi y cứ. Chúng tôi có nơi y cứ, chúng tôi y cứ vào Dharma.”

 

Vassakàra có vẻ hoang mang. Ngàì A Nan giải thích : ”Chư tăng nuơng vào luật Phật chế và luật này chư tăng hàng nửa tháng tụng đọc vào ngày Bố Tát (Uposatha). Nếu vị Tỳ Kheo nào trong thời gian qua phạm luật, chư tăng hành sử theo luật định.”

 

Vassakàra hỏi tiếp : “Thưa đại đức A Nan, trong Tăng đoàn ngài có thấy vị tỳ kheo nào đáng kính, đáng trọng, đáng làm nơi y cứ ?”.

 

Ngài A Nan trả lời : “Có”…

Câu trả lời này làm cho Vassakàra rối trí. Ông kêu lên : “Ðại đức nói gì tôi không hiểu. Khi tôi hỏi Ðaị đức Phật có chỉ đinh ai thay thế Ngài làm nơi y cứ. Ðại đức trả lời không. Khi tôi hỏi đại tăng có chỉ định ai làm nơi y cứ, Ðại đức trả lời không. Giờ đây Ðại đức lại nói trong tăng chúng có người đáng trọng, đáng mến, có thể làm nơi y cứ, là nghĩa thế nào ?”

 

Ngài A Nan cắt nghĩa cho Vassakàra biết Phật tán duơng Muời Hạnh. Nhờ Muời Hạnh làm cho mọi người kính nguỡng, mến chuộng. Vị nào có Muời Hạnh có thể làm nơi y cứ cho Tăng Già.

 

Những lời giải đáp của ngài A Nan cắt nghĩa một cách chính xác qui chế, tổ chức và điều hành của Tăng Già :

 

- Thứ nhất chư Tăng trên nguyên tắc không có ai đứng đầu, nhưng chư tăng trong từng truờng hợp y cứ vào vị nào có đức độ, trí tuệ, đạo hạnh.

 

- Thứ hai không có một tổ chức độc tôn mà do chư tăng cung thỉnh. Quan niệm về việc thành lập Giáo Hội hay Giáo Hội Phật Giáo tại một khu vực địa dư nào, hoàn toàn xa lạ với truyền thống Phật Giáo.

 

Mặc dâù đức Phật gửi hàng đệ tử đi khắp nơi hoằng truyền Chánh Pháp vì lợi ích cho nhiều người, Ngài không bao giờ ra lệnh thành lập Giáo Hội tại quốc gia nào. Ðạo Phật là một tôn giáo thuần túy cá nhân. Khi người chứng đắc đạo pháp, Phật Giáo được thành lập trong người đó. Vì vậy ngài Phú Lâu Na, một trong những đại đệ tử của Phật trở về quê cũ, nơi nổi tiếng hung bạo, đã chuyển hóa dân chúng theo Phật chứ không phải thành lập một Giáo Hội Phật Giáo.

 

Quan niệm thành lập Giáo Hội như là một cơ chế trong một quốc gia hay trong một khu vực có lẽ là sáng kiến của vua A Dục, thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên. Ông là vị vua đầu tiên nhận Phật Giáo làm quốc giáo. Là một ông vua năng động, tài ba, một nhà tâm lý thuợng thặng, A Dục cảm thấy cần sử dụng một số nghi lễ, nghi quĩ cụ thể cho dân chúng thấy rõ tôn giáo do ông tin tưởng đã được thành lập trong quốc gia họ. 

 

Những dự kiện lịch sử trên không ảnh hưởng mấy thái độ của tôi đối với chư tăng. Tôi không nhìn họ bằng nhãn quan lịch sử mà bằng cặp kính mầu ân tình, thân thuộc. Tôi cảm thấy bất an khi nghe quí thầy, quí cô gp nhiều trắc trở trong đời sống tâm linh. Khi nghe quí thầy quí cô bị tù tội, tôi cũng cảm thấy như chính mình bị tội tù, tôi cảm thông cái đau xót của họ, khi họ bị gáng nhãn hiệu này hay nhãn hiệu khác. Một sợi giây liên hệ hầu như bất khả phân. Hoàn toàn tin tưởng. Hoàn toàn gởi gắm, như đứa con thơ hoàn toàn trộng cậy vào mẹ và người mẹ hoàn toàn tin cậy vào con. Ðao Phật đối với tôi là như vậy. Qui y Tam Bảo đối với tôi giản dị như vậy. Thiên kinh vạn quyển rút lại chỉ chừng đó. Phật Giáo là tôn giáo của riêng tôi. Lâu đài Phật Giáo huy hoàng thời A Dục, thời Trần Nhân Tông là lâu đài trong nội tâm tôi. Tôi cảm thấy mình rất gần gủi với thiền sư Chong Go người Mỹ hành thiền theo tông phái Ðại Hàn.

 

Có người hỏi thiền sư Chong Go tại sao ông theo Phật Giáo, tại sao hành thiền phái Ðại Hàn mà không phải Tây Tạng, Nhật Bản rất nổi tiếng gần đây ? Ông trả lời ông theo Phật Giáo vì ông có lần đọc một cuốn sách nói về những trụ đá A Dục khắc lời của vị vua Ấn Ðộ cách đây trên 23 thế kỷ, khuyên nhủ thần dân phải kính trọng tất cả các tôn giáo: “Nếu ai làm hại, phỉ báng tôn giáo khác tức làm hại phỉ báng tôn giáo mình”. Ðiều này làm tôi cảm động. Tôi không hiểu Phật Giáo làm cách nào có thể tác thành một nhân vật vĩ đại như Asoka, với những tư tưởng khóang đạt, bao dung mà đến nay, thời đại mệnh danh là văn minh, tân tiến cũng phải học hỏi khi đứng trước thảm họa cực đoan đang hoành hành quả địa cầu này. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo. Càng đi sâu vào giáo lý Phật, càng thấy rõ cái vi diệu, nhiệm mầu, cái chân trời bao la bát ngát, đầy hương sắc.

 

Tại sao tôi hành thiền theo môn phái Triều Tiên mà không phải Tây Tạng, Nhật Bản ? Nhà Phật gọi đó là nhân duyên. Tôi bắt đầu hành thiền khi tôi học chương trình Cao Học, chuẩn bị cho luận án tiến sĩ tại một Ðại Học Hoa Kỳ và tôi hành thiền trong một thiền đường Nhật Bản do một người Mỹ từng du học tại Nhật tổ chức. Lúc bấy giờ tôi không biết gì về Triều Tiên. Tôi cho văn hoá Ðại Hàn nừa Trung Hoa, nửa Nhật Bản. Ðiều này chắc chắn làm cho nhiều người bạn Ðại Hàn của tôi khó chịu. Nhưng một hôm đọc tờ báo nhà truờng có mục quảng cáo về buổi nói chuyên của một thiền sư Ðại Hàn, từ Hán Thành đến. Tính tò mò đưa tôi đến nghe buổi nói chuyện của thiền sư Daechaeng. Thiền sư làm tôi quan tâm đến Phật Giáo Ðại Hàn.

 

Thiền sư Daechaeng là một nữ tu hiền từ, dung dị vớí thái độ cởi mở, khoan hoà. Nghe Ni sư nói tôi có cảm tưởng như mình đang ngắm một bức tranh xưa, mộc mạc, đơn thuần, nhưng sâu thẳm không luờng. Lời dạy của nữ thiền sư cho ta có cảm tưởng như thoát khỏi ranh giới nhị nguyên. Tôi thấy mình đi sâu vào ý nghĩa của cuộc đời, của số kiếp con người, trọn vẹn không hệ lụy, giải thoát, thung dung tự tại, không bị ngăn cản bởi vô số hàng rào trần thế. Chúng ta thuờng nghe nhiều người nóí họ đã làm gì và những gì phù hợp vớí họ, có ích lợi đối với họ nhưng ít ai cho ta thấy ta là ai và ta cần phải làm gì. Sau buổi nghe giảng, tôi suy nghĩ, nếu ở Ðại Hàn có những thiền sư như Daechaeng, ta phải sang đó nghiên cứu, học hỏi.

 

“Ðó là cái duyên đưa tôi đến Ðại Hàn và tôi đã đến đây với lòng thành khẩn”, thiền sư Chong Go nói. “Tôi thọ giới Sa Di năm 1993, thọ giới Tỳ Kheo năm 1998, được truyền tâm pháp năm 2003 và tôi nhận thấy bất kỳ ở đâu cũng là ngôi chùa của tôi, cũng là nơi che chở tôi, cũng là nơi tôi có thể hành thiền và thi hành pháp sự.

 

Ðức tính dung dị, khoan hòa, cởi mở đã đưa người thanh niên Mỹ vào đạo, xuất gia, hành thiền. Ðức Dalai Lama được nhiều người mến chuộng nhờ những đức tính này. Những đức tính này đã chinh phục Trung Quốc, Ðại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan theo Phật Giáo mà không cần một tên lính, một tấc sắt.

 

Tinh thần Thiền, tinh thần cởi mở, không chấp trước, làm cho Nhật Bản trở thành hùng cường, làm cho con người an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh, giữa nơi chợ búa cũng như trong chốn lao tù :

 

Ðối đầu trực diện từng giờ

Cuộc đời là một bài thơ tuyệt vời

Cảnh Thiền trước mắt người ơi

Ði tìm chẳng thấy trộng vời càng xa

Cảnh Thiền, trong Thơ Tù, tr. 153 của Thích Quảng Ðộ

 

Và Tuệ Sỹ xao xuyến, “mảnh dẻ như nụ hoa trắng muốt điểm trên cành mai khẳng khiu, tỏa lan cái ấm áp vào hơi lạnh của cuộc đời tuyết giá” :

 

Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo mầu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng ?

Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tuờng ủ rũ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn

 

hay

 

Núi và biển vốn lặng im muôn thuở

Người thấy gì trong chp ngắn sát na ?

Nào hội cũ tiếng vàng rung rừng thẫm

Nầy phòng giam chập choạng dạng yêu ma

Khổ Hóa Phật tận sâu vùng ngục tối

Trên sóng gào người khốc liệt vượt biên

Tâm Bồ Tát lộng lung xuyên nhật nguyệt

Nam mô ơi trầm đọng vọng hơi chuông

 

Với thiền sư Chong Go, Thiền Sư Quảng Ðộ, thiền sư Tuệ Sỹ thì tất cả mọi người đều là đối tượng pháp sự, mọi hoàn cảnh đều là thiền cảnh :  mọi người đang đi trên con đường cao rộng của Chánh Pháp. Ðặt trọn niềm tin vào chí hướng thượng, tâm bồ đề của toàn thể chúng sinh. Ðặt trọn niềm tin vào khả năng hành đạo của mình. Thế giới ta bà là đất lành, nơi tâm Bồ Tát có thể phát triển. Hoa sen tinh khiết chỉ nở trong chốn bùn lầy. Tâm tịnh thì thế giới tịnh.

 

Tình cờ tôi dở tờ báo Thế Giới Ngày nay đọc bài thơ ngắn, với tựa đề :                

 

Ðọc vần thơ lính

 

Chớ nghe download nhạc tình

Ðọc vần thơ lính giật mình thương thân

Thời gian những tưởng là gần

Mấy mươi năm cũ phong trần qua nhanh

Ngày xưa mái tóc còn xanh

Bạn bè cầm súng đấu tranh lên đường

Ngày nay cuộc sống tha hương

Mai đây nằm xuống bốn phương ngậm hờn.

Người Xứ Mù Sương

 

Chiến tranh đã chấm dứt trên quê hương hơn 30 năm, nhưng hận thù vẫn còn dai dẳng, tức tưởi trong thân phận của một kẻ phải xa quê hương, để một ngày đó, không xa, bỏ mình nơi đất khách quê người. Ðây là hậu quả của một chính sách một mất một còn, không đội trời chung, không thể dung thứ nhau. Cũng vào thời điểm ấy, tại Ðức quốc, dân chúng hai bên Ðông Ðức, Tây Ðức tuy bị bức tuờng Bá Linh ngăn cách, phải chấp nhận số phận của thế giới luỡng cực, nhưng đã khôn ngoan, không vì vậy mà phải trở thành kẻ tử thù, không đi trời chung, để đến khi tình hình thế giới thay đổi, họ gặp gỡ nhau, không hận thù, không tức tưởi, cùng nhau xây dựng lại quê hương đổ nát ví chiến tranh, vì ý thức hệ.

 

Phật Giáo thấy rõ hiểm họa hận thù, chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc trong không khí đầy thù hận, dầu sôi lửa bỏng, nên không được hai bên hưởng ứng. Mặc dầu không được hưởng ứng, nhưng nó vẫn là giải pháp sáng suốt nhất. có thể tiết kiệm biết bao xương máu cho dân tộc Việt, có thể hài hòa chung sống với nhau khi tình hình quốc tế thay đổi. Nhưng không, phải quyết tâm “diệt Mỹ cứu nước”, phải kiên cường theo guơng Lenin, Stalin không chệch hướng. Kết quả là hận thù không biết khi nào mới nguôi được.

 

Giờ đây, phải chăng Phật Giáo muốn dẫm lại vết xe cũ ? Thực sự “đã biến tuớng Bát Chánh Ðạo và làm nghiêng ngửa Giáo Hội” ? Ðã “rời bỏ con đường cao rộng của Chánh Pháp”? Ðã quên đi chủ trương của Giáo Hội, gây hận thù đến khi nào mới khỏa lấp ? Trong không khí thù hận, đấu tranh, nóí hận thù thì dễ, nói hoà hợp thì khó, nhưng đường nào thực sự hợp vớí tinh thần Phật Giáo, hợp vớí Chánh Pháp ? Chủ trương hoà hợp hoà giải không có nghĩa là thỏa hợp, không có nghĩa là thân Cọng vào thời chiến hay thân Mỹ, theo diễn tiến hoà bình vào thời bình, mà hợp vớí tinh thần Phật Giáo, hợp vớí Chánh Pháp, hợp với truyền thống Dân Tộc, vớí chủ thuyết Trăm Con Trong Bọc Trứng.

 

Một ông bạn thâm niên kể cho tôi nghe câu chuyện cách đây mấy chục năm. Hồi ấy ông ta ở tù chung với một số người liên quan đến vụ tranh đấu đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến năm 1966. Ở trong tù có ông thiếu tá dù sống trong cảnh tù tội nhưng vẫn không mất tính nghịch ngợm. Ông nói với người ở chung phòng là ông có quen một cô bạn gái, muốn viết thư thăm nhưng sợ lỡ bà xã bắt được thư, biết tuồng chữ thì nguy, nên nhờ người bạn ở chung phòng viết thư hộ. Anh bạn cả tin, không ngần ngại viết thư hộ theo lời nhắc của ông thiếu tá. Viết xong ông cất thư đợi ngày thân nhân vào thăm tù, trong đó có bà xã của người bạn viết hộ thư. Ông thiếu tá đem bức thư ấy giao cho bà xã của người bạn, bảo bà ta mang về nhà đọc, bí mật tiết lộ cho bà ấy biết vì hạnh phúc gia đình của bà nên anh bạn nhờ gửi thư đó cho cô bạn, anh không gửi mà giao lại cho bà.

 

Bà xã của người bạn về nhà đọc “bức thư tình”, lời lẽ lâm ly, do chính tuồng chữ của ông xã. Bà giận run người, không ngờ chồng mình lại phản bội mình như vậy, chồng mình bấy lâu ngoại tình mà mình không hay biết. Ý tưởng bị chồng phản bội làm bà quặn đau như thắt ruột. Bà cất bức thư vào hộc khóa lại, sợ con cái vô tình đọc được sẽ nghĩ thế nào vào người cha của chúng.

 

Bà gặp những người bạn cùng hội cùng thuyền, bày mưu, sắp kế, điều tra xem “người tình trong thơ” là ai. Thấy bóng dáng một người đàn bà nào đi ngang trước cửa cũng nghĩ là bồ của ông xã. Nghe cú điện thoại có giọng đàn bà, con gái cũng như là bồ của ông xã gọi đến. Người bà tiều tuỵ. Ðến ngày bới xách, bà đi dạo phố để những đứa con khỏi thắc mắc. Trong tù ông xã của bà đợi hết ngày không thấy vợ vào thăm nuôi, hơi lo không biết ở nhà có xảy ra chuyện gì, nhưng không mảy may nghi ngờ sự ghen tuông của vợ. Tuần kế tiếp, vừa thấy bóng bà xã, anh ta vội vàng hỏi han, nhưng thái độ bà xã là một gáo nước lạnh. Bà đợi chồng hỏi han xong, mới từ từ lấy “bức thư tình” đưa cho chồng, không nói một lời.

 

Ông xã cầm bức thư có vẻ bỡ ngỡ. Ðiều này lại làm cho bà xã nghi thêm. Bà nói : Không ngờ anh dấu diếm giỏi thật. Quen với cô bạn đã mấy năm rồi ? Cô ta tên gì . . . ? Ông xã vỡ lẽ, bảo bà xã bình tĩnh, để ông ta giải thích. Giải thích xong ông kêu ông thiếu tá tinh nghịch đứng ra làm chứng. Bà xã nửa tin, nửa nghi hỏi hai anh có toa rập nhau để phỉnh gạt bà ta không ? Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, bà xã có vẻ tin, nhưng trong lòng vẫn chưa yên.

 

Sở dĩ có cảnh tượng bi hài kịch trên vì tình yêu thật chưa trọn vẹn. Tình yêu trọn vẹn tin tưởng tất cả, khoan dung tất cả, chịu đựng tất cả.Tình yêu chưa trọn vẹn nên dễ bị lung lạc, dễ nghi kỵ, nhìn đời, nhìn những người chung quanh như những kẻ sẵn sàng phá rối hạnh phúc mình. Vì nghi kỵ, vì thiếu tự tín nên thích làm quen với những người “cùng cảnh ngộ”, xem lời nói của họ là vàng ngọc, còn lời nói của người bạn đường lâu năm vẫn có cái gì che dấu. Những người bạn đồng cảnh ngộ là những bạn tâm giao, những người sống chết với mình, những người trung thành với mình, những người mình hoàn toàn tin tưởng và giao phó vận mệnh suốt đời . . .

 

Tôi không thích việc làm như vậy. Tôi quen thuộc với giáo lý hài hoà, thanh thoát của Phật, có vẻ như khác hẳn với những lời lẽ gần đây trong Thông Bạch, Thông Cáo, Thông Tư -mà tôi chắc không phải của quí Thầy-, đầy khói mù nghi kỵ, mạ lỵ, ly tán, thiếu tự tin, thiếu bao dung. Hay là tôi chưa đầy đủ trí tuệ để có thể thâm nhập đạo lý uyên nguyên của Bồ Tát Ðạo vì chính nghi kỵ là tín lực, mạ lỵ là tán thán, ly tán là hòa hơp, thiếu tự tín là tràn đầy tín, hạnh, nguyện, thiếu bao dung là vô luợng công đức. Tôi không có trí tuệ để thâm nhập đạo lý Bát Nhã ”sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Tôi không đầy đủ trí tuệ để có thể hiểu ý nghĩa của hai bức tượng hộ pháp đứng gác trước cổng chùa, tượng ông thiện, ông ác. Ông thiện cũng là hộ pháp mà ông ác cũng là hộ pháp. Ta bà là Tịnh độ.

 

Phật Giáo muôn mầu, muôn sắc, thiên hình vạn trạng mà tôi thì chỉ mới buớc chân vào cổng chùa và kinh hoàng dội lui khi thấy hình tượng của ông hộ pháp mặt mày hung dữ đứng choáng trước cổng chùa ! Ôi chao, sao ông dữ tợn thế, ông có phải là vị hộ pháp ?

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.