.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007

Thư gửi Hòa thượng Thích Thiện Hạnh

Nhận định về Vai trò và Bản phúc trình của vị
 Chánh Thư Ký viện Tăng Thống GHPGVNTN

 

  • PSN - 9.11.2007 | Nhóm Tăng Ni Hải Ngoại
     

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Kính bạch Hòa thượng,

Trước hết, chúng con kính vấn an Hòa thượng, nguyện Hòa thượng pháp thể khinh an, trí tuệ luôn ngời sáng để tiếp chúng độ tăng, đảm trách những việc trọng đại của giáo hội địa phương lẫn trung ương.

 

Sau đây, chúng con xin trình bày những gì muốn thưa với Hòa thượng trong hình thức “hầu chuyện” để có tính cách trực tiếp và dễ cảm thông hơn.

 

Kính bạch Hòa thượng,

Giáo hội là một cơ cấu tổ chức hành chánh thiệp thế, tất phải ứng xử theo pháp lý và các qui điều hành chánh. Do vậy, việc hầu chuyện với Hòa thượng ở đây dù đặt trên tinh thần xây dựng giữa đồng đạo, cũng không thể bỏ qua những căn bản của hành chánh, pháp lý.

 

Nói về pháp lý, hành chánh, tất phải minh định địa vị, chỗ đứng của mỗi cá nhân trong cơ cấu tổ chức. Nếu tính cách pháp nhân không có thì pháp lý ứng dụng trên và từ cá nhân đó cũng không có hiệu lực gì. Do vậy, theo giáo chỉ của Viện Tăng Thống mang số 02/GC/VTT, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005, chúng con rất nghi ngờ về chức vụ “Chánh Thư Ký” Viện Tăng Thống (VTT) mà Hòa thượng công khai sử dụng trên một vài văn kiện gần đây. Trên thực tế, nhiều người biết rằng giáo chỉ số 02 ấy do một vài người nào đó soạn thảo tại hải ngoại, đã loại trừ quá bán thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo (VHĐ), đồng thời cũng loại trừ luôn cả chức vị Chánh Thư Ký VTT, đến nỗi sau khi giáo chỉ được phổ biến, chính Hòa thượng cũng ngạc nhiên tiết lộ với một số thành viên trong nước và hải ngoại rằng “chính tôi cũng không biết gì về giáo chỉ ấy.” Rồi cũng Hòa thượng phát biểu “ngay cả tôi cũng không rõ là tôi có còn là Chánh Thư Ký VTT không nữa!” Và thành viên của Giáo hội tại hải ngoại hầu như đều ngầm biết giáo chỉ số 02 ấy do ông Võ Văn Ái soạn thảo vội vàng, tranh thủ phổ biến cho kịp trước khi hết năm 2005 (để kỷ niệm 30 năm đấu tranh của giáo hội, hay ăn mừng 30 năm cộng sản toàn chiếm miền Nam? vì nếu qua năm 2006 sẽ không có lý do chính đáng gì để tổ chức một đại hội rầm rộ), cho nên không thể chờ đợi quyết định từ trong nước: nên hay không nên giữ Hòa thượng Thích Thiện Hạnh ở ngôi vị Chánh Thư Ký VTT (vì nghe đồn là giữa Hòa thượng và Thượng tọa Tuệ Sỹ có giao tình khá tốt đẹp). Chờ đợi không được, cuối cùng phải bỏ trống, không nhắc gì đến vị Chánh Thư Ký VTT trong Giáo chỉ số 02 ấy cả. Do vì tư cách pháp nhân không được ông Võ Văn Ái “chuẩn thuận” rõ ràng, Hòa thượng đã phải im lặng suốt thời gian dài, để mặc cho các Thông Điệp, Thông Bạch từ VTT từ đâu xuất hiện mà chính Hòa thượng không hay biết, cho đến khi có huynh trưởng Lê Công Cầu được ông Võ Văn Ái cất nhắc cho đi thẳng, vượt cấp để thọ cấp Dũng, qua mặt hết các đàn anh đàn chị trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, khỏi cần công trạng hay thành tích đóng góp, leo lên ghế Vụ trưởng Vụ Gia Đình Phật Tử; mà sự kiện huynh trưởng Lê Công Cầu gây xáo trộn và rạn nứt trầm trọng cho tổ chức GĐPT này rất cần sự yểm trợ của giáo hội tại Thừa Thiên-Huế, do đó mới có việc thương lượng, mặc cả với Hòa thượng để rồi, vào ngày 25/01/2007, Hòa thượng mới được “phục chức” từ từ và tự nhiên qua thư phản đối nhà cầm quyền nhân danh Chánh Thư Ký VTT, cũng như qua sự chứng minh cho lễ “truyền vô tận đăng” (theo Thông Cáo Báo Chí ngày 01/02/07) cho huynh trưởng Lê Công Cầu.

 

Dù cương vị Chánh Thư Ký VTT có vẻ như được làm ngơ công nhận qua vài văn thư do Hòa thượng ký, nhưng trên văn bản pháp lý, vẫn chưa có giáo chỉ nào cho thấy rằng Hòa thượng vẫn còn ở nguyên vị kể từ giáo chỉ số 02/GC/VTT. Từ nền tảng mơ hồ như vậy, tất cả các văn thư sau này do Hòa thượng ký, kể từ 29/11/2005, dẫn đến hoang mang ngờ vực trong giới Tăng Ni và Phật tử, là điều không thể tránh khỏi. Sự ngờ vực này vạch ra ba trường hợp có thể xảy ra như sau:

 

1)                                                     Văn phòng Chánh Thư Ký VTT không hay biết và không kiểm soát được các văn kiện từ VTT ban hành (bởi vì các văn kiện này chỉ thấy công bố ở hải ngoại, sau đó trong nước mới biết): tất cả đều do ông Võ Văn Ái và thiểu số cọng sự quyết định và soạn thảo từ hải ngoại;

 

2)                                                     Văn phòng Chánh Thư Ký VTT chỉ ra các văn thư có tính cách địa phương (mà thực tế chỉ cần dùng cương vị Chánh Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên-Huế là đủ), chẳng hạn thư phản đối chính quyền Thừa Thiên-Huế, hoặc Ban Tôn Giáo đã ngăn trở Phật sự tại Huế, v.v… còn những văn kiện trọng đại thì giao khoán cho ông Võ Văn Ái soạn thảo, rồi Lê Công Cầu mang đến cho văn phòng VTT “tường lãm”;

 

3)                                                     Văn phòng Chánh Thư Ký VTT hoàn toàn kiểm soát các văn kiện được đệ trình và ban hành từ VTT, do chính Đức Tăng Thống chỉ thị hay chuẩn y.

 

·                                 Ở trường hợp thứ nhất, trong cương vị Chánh Thư Ký VTT mà hoàn toàn không hay biết gì về các văn kiện từ VTT ban hành, hoặc có hay biết chỉ sau khi các văn kiện đó được phổ biến, thì trách nhiệm của Hòa thượng là phải khẩn cấp lên tiếng báo nguy, không thể im lặng để cho VHĐ (với sự lạm quyền của ông Võ Văn Ái) tùy tiện hành xử. Im lặng trong trường hợp biết có sự lũng đoạn thao túng tác động trực tiếp đến quyền “điều hành văn phòng Viện Tăng Thống” (điểm 3, điều 17, mục “Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương”, Hiến Chương GHPGVNTN) là sự im lặng tắc trách, không những tự tố cáo sự bất lực của Hòa thượng đối với trách nhiệm và quyền hạn Chánh Thư Ký, mà còn là hành vi hủy hoại uy tín và phẩm đức của Viện Tăng Thống, biểu tượng tinh thần tối cao của giáo hội. Sau này, lịch sử ghi lại những tan nát đổ vỡ của giáo hội ở giai đoạn nguy biến thì văn phòng nào trực tiếp chịu trách nhiệm nếu không phải là Văn phòng VTT, là văn phòng đã “trình đức Tăng Thống tấn phong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo” (điểm 2, điều 17, nguồn trích như trước) để xin chuẩn y và ban hành Giáo chỉ số 02/GC/VTT ngày 29/11/2005 và Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT ngày 08/9/2007? Hai giáo chỉ quan trọng này nhằm loại trừ, bổ sung, chấn chỉnh, sắp xếp nhân sự của Ban Chỉ Đạo VHĐ trong nước cũng như các giáo hội ngoài nước, vốn đã không củng cố kiện toàn được giáo hội mà trái lại còn đưa giáo hội đến chỗ rạn nứt, tan rã. Trách nhiệm đó tất nhiên Hòa thượng là người trực tiếp gánh lấy đối với lịch sử, không thể nói là không hay biết gì cả, vì trước đây không hay biết mà nay đã biết thì phải lên tiếng minh định. Im lặng là mặc nhiên hiệp ý với sai lầm phá hoại giáo hội.

 

·                                 Ở trường hợp thứ hai, nếu biết rõ các văn kiện hệ trọng của giáo hội không xuất phát từ Văn phòng VTT để đệ trình Đức Tăng Thống chuẩn y, mà vẫn không làm gì để ngăn chận hay cứu vãn, tất Hòa thượng phải chịu trách nhiệm về sự thụ động, thờ ơ của mình đối với giáo hội. Còn như cảm thấy không thể điều hành Văn phòng VTT thì phải đệ trình Đức Tăng Thống về sự bất lực của mình, không thể cứ ôm giữ chức vụ mà không thi hành trách vụ, làm bù nhìn cho sự lạm quyền của vài phần tử từ hải ngoại, đặc biệt là cư sĩ Võ Văn Ái, không phải là tăng sĩ nằm trong thẩm quyền “qui lập danh sách giáo phẩm Tăng, Ni” của Văn phòng VTT (điểm 5, điều 17, Hiến Chương).

 

·                                 Ở trường hợp thứ ba, Hòa thượng chính là tác giả soạn thảo giáo chỉ của VTT và đệ trình các văn kiện từ VHĐ cũng như Văn phòng Chánh Thư Ký VTT lên Đức Tăng Thống. Trong nhiệm vụ này, Hòa thượng có quyền hạn xét lại hình thức lẫn nội dung các văn kiện ấy, xem có phù hợp với luật Phật cũng như Hiến Chương của giáo hội hay không trước khi đệ trình. Theo Hiến Chương của GHPGVNTN, Đức Tăng Thống có nhiệm vụ “ban giáo chỉ tấn phong Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo sau khi Đại hội GHPGVNTN bầu cử” (điểm 3, điều 11, mục “Nhiệm vụ Đức Tăng Thống”, Hiến Chương); điều này có nghĩa là danh sách Ban Chỉ Đạo được VHĐ đệ trình Đức Tăng Thống phải thông qua Văn phòng Chánh Thư Ký VTT. Vậy xin hỏi Quyết định của VHĐ đệ trình Đức Tăng Thống nhằm xin chuẩn y “bổ sung, chấn chỉnh và kiện toàn Hội Đồng Lưỡng Viện” vào tháng 11 năm 2005, và Quyết định “thanh lọc hàng ngũ Giáo hội nhằm đối phó tình hình khẩn trương mới” vào tháng 9 năm 2007 có thông qua Văn phòng VTT hay không? Nếu không thông qua mà vẫn được chuẩn y bởi Đức Tăng Thống, có nghĩa là Văn phòng VTT không làm việc, không có quyền hạn gì, và chức vụ Chánh Thư Ký VTT cũng không có lý do gì để tồn tại. Nếu có thông qua thì sao Hòa thượng tiết lộ là không hay biết gì về Giáo chỉ 02/GC/VTT qua đó đã loại trừ quá bán thành viên Ban chỉ đạo VHĐ và bỏ sót luôn chức vụ Chánh Thư Ký VTT? Còn nếu chỉ có thông qua Giáo chỉ số 09 mà thôi tất nhiên Hòa thượng là người trực tiếp chịu trách nhiệm với lịch sử giáo hội trong biến cố tháng 9/2007: phá tan sự hòa hợp và tiềm năng yểm trợ giáo hội từ các GHPGVNTN tại hải ngoại, ít nhất là trên mặt tinh thần (vì các giáo hội này không thể bị giải tán trên mặt pháp lý); mặt khác, cũng phá hoại tín tâm của gần một triệu Phật tử Việt Nam sinh hoạt tu học ở ngoài nước.

 

Điểm qua ba trường hợp trên, có thể nhìn ra được là giá trị pháp nhân và pháp lý của vị Chánh Thư Ký VTT có điều gì không ổn, dù ở trong trường hợp nào. Nhưng ở đây hãy đặt vào trường hợp thứ ba, tức là chính Hòa thượng đã đệ trình Quyết Định của Viện Hóa Đạo lên Đức Tăng Thống, xin chuẩn y việc giải tán các GHPGVNTN Hải Ngoại, giải tán Văn Phòng II Viện Hóa Đạo cũ để thành lập Văn Phòng II mới; ngoài ra, cũng chính Hòa thượng đã “đệ trình” một văn kiện gọi là “Bản Phúc Trình Phật Sự” đi ngược xuống VHĐ để đưa ra 4 sự kiện và đề nghị 5 biện pháp “nhằm chấn chỉnh lại Nội bộ”.

 

Về hình thức và nội dung Giáo Chỉ số 09, theo nguyên tắc hành chính thì đã thông qua Văn Phòng VTT với quyền điều hành của vị Chánh Thư Ký, ở đây sẽ không tốn thời gian để lạm bàn vì đã có nhiều ý kiến của chư vị tôn đức lãnh đạo GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ như Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Hòa thượng Thích Chơn Thành, Hòa thượng Thích Hạnh Đạo, Hòa thượng Thích Nguyên Lai, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa, Thích Trí Chơn, Thích Nguyên An, Thích Nguyên Trí, cũng như một số Tăng Ni và cư sĩ, huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã trình bày qua nhiều văn kiện rồi. Chỉ xin bổ túc về Giáo chỉ mới nhất vừa được Viện Tăng Thống chuẩn y, mang số 10/VTT/GC/TT, ban hành ngày 02 tháng 12, năm 2007, để thấy rõ thêm về tính cách thiếu chính xác và không mang giá trị pháp lý đáng tin cậy. Thưa Hòa thượng, hẳn Hòa thượng đã từng nghe ông Võ Văn Ái giải thích, nhấn mạnh về giá trị của Giáo chỉ Viện Tăng Thống giống như sắc lệnh của quốc gia, một khi ở trên ban hành, ở dưới phải tuyệt đối phục tùng, khâm tuân, không được bàn cãi. Như vậy, quý vị giải thích thế nào về trường hợp Giáo chỉ số 10/VTT/GC/TT qua đó cung thỉnh Đại lão HT Thích Tâm Châu vào Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống (ngoài nước) mà Đại lão HT lại viết văn thư số 1404/VP/TT, “xin đứng ngoài Hội-Đồng Giáo-Phẩm Trung-Ương VTT, GHPGVNTN” (trích văn thư ký ngày 04/12/2007 của HT Thích Tâm Châu, Thượng thủ GHPGVN Trên Thế Giới kính gửi Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Tăng Thống GHPGVNTN), và Hòa thượng Thích Thuyền Ấn, nguyên thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, cũng xin “hoan hỷ cho phép tôi được rút tên ra khỏi Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Tăng Thống GHPGVNTN” (trích thư của HT Thích Huyền Ấn kính gửi HT Thích Huyền Quang ngày 06/12/2007). Trường hợp nhị  vị  Đại lão Hòa thượng xin rút tên này cho thấy hai điểm cần nhận thức: 1) Giáo chỉ không thể nào là sắc lệnh cứng nhắc và có tính cách bắt buộc, cưỡng ép (vì phục vụ Giáo hội là việc tự nguyện của mỗi cá nhân, khi chính thức tham gia thì dựa trên nguyên tắc Hiến Chương và giới luật của Phật mà ứng xử); nếu Giáo chỉ trái ngược với tinh thần giới luật của Phật, lại trái Hiến Chương và đem đến sự mất thanh tịnh hòa hợp trong Tăng đoàn, thành viên Giáo hội có quyền không khâm tuân; 2) Chứng tỏ rằng việc sắp xếp nhân sự, cung thỉnh, bổ sung, chấn chỉnh nội bộ qua các Quyết định và Giáo chỉ trong thời gian qua, đều do sự tự tung, tự tác của một thiểu số nào đó – mà việc này được thấy rõ qua trường hợp của nhị  vị  Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu và Thích Thuyền Ấn, đã bị thiểu số này tự động đưa tên vào Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống mà không thỉnh ý trước. Suy ra, có thể vẫn còn một số vị khác có tên trong danh sách mà không hề được cung thỉnh trực tiếp đúng lễ nghi truyền thống Phật giáo cũng như nguyên tắc của Hiến Chương.

 

Đó là việc của Giáo chỉ, không thể bàn hết được. Trong khi chủ đích của thư này, chúng con đặc biệt lưu tâm về “Bản Phúc Trình Phật Sự” ký tên Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư Ký VTT.

 

Kính bạch Hòa thượng,

Thông thường, bản phúc trình của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề, một sự kiện nào đó, đặc biệt là của Văn phòng Viện Tăng Thống qua cương vị Chánh Thư Ký, trước khi “đệ trình” VHĐ thì hẳn đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phỏng vấn, đối chiếu, thẩm tra, kiểm chứng tài liệu và nguồn tin (bằng lời nói hay bằng văn kiện, chứng từ v.v…) từ nhiều phía (phía kết tội cũng như phía bị kết tội) để tiến đến văn bản đúc kết xác thực, công bằng, bảo đảm không sai lầm. Một khi bản phúc trình được đệ trình lên cấp trên, hoặc phổ biến đến các cơ quan truyền thông, thông tin đến quần chúng, sẽ minh xác về một thực trạng không thể chối cãi và có giá trị bao quát, khiến mọi người phải tin. Một phúc trình đúng nghĩa như thế, không thể nào là phúc trình của một cá nhân mà phải là của một nhóm người với thời gian tra cứu, xét nghiệm chín chắn. Do đó, văn kiện gọi là “Bản Phúc Trình Phật Sự số 8907/VTT/CTK” do Hòa thượng “đệ trình” Viện Hóa Đạo không thể nào tin cậy được, vì nội dung mang nhiều tư kiến, thành kiến, chủ quan, với nhiều tâm lý phiền não, chê trách, mỉa mai… của cá nhân người viết đối với cá nhân khác, hoặc nhóm người khác. Người ta không tìm thấy một điểm nào có thể gọi là khách quan, khoa học và công bằng trong Bản Phúc Trình ấy.

 

Xin đi vào những chi tiết cần bàn nói:

1)    Trước hết, về quyền hạn của vị Chánh Thư Ký VTT, theo Hiến Chương, không có trách nhiệm hay bổn phận “đệ trình” Bản Phúc Trình Phật Sự đến VHĐ mà phải ngược lại. Nếu có đệ trình Phật sự gì đến VHĐ, Hòa thượng chỉ có thể đứng ở cương vị Chánh Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên-Huế mà Hòa thượng kiêm nhiệm, chứ không thể ký với tư cách Chánh Thư Ký VTT; không những vậy, lại ghi là “Thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện” để đệ trình VHĐ! Không có điều khoản nào trong Hiến Chương qui định quyền hạn của vị Chánh Thư Ký VTT có thể thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, cũng không thể có trường hợp từ VTT lại “đệ trình” Phật sự với VHĐ. Nguyên tắc hành chánh tối thiểu như vậy mà Hòa thượng không quan tâm, vội vàng phổ biến văn kiện để làm trò cười cho thức giả. Thiên hạ sẽ nghĩ rằng VHĐ kiểm soát toàn quyền và VTT phải tuân lệnh, báo cáo, đệ trình. Còn nếu là một bản góp ý đề nghị thì không thể gọi là “Bản Phúc Trình”.

 

2)      Vì lý do gì, hình thức ghi số thứ tự của hai giáo chỉ không đồng nhất? Giáo chỉ số 02 thì ghi là “số 02/GC/VTT”, còn giáo chỉ số 09 thì ghi là “số 09/VTT/GC/TT” nghĩa là sao? Có lý do gì để thay đổi về hình thức văn kiện này, hay vì hai giáo chỉ này do hai nơi soạn thảo khác nhau, hoặc là vội vàng quá không đủ thời gian xem lại giáo chỉ số 02 khi soạn giáo chỉ số 09? Hay là Văn phòng VTT không hề có hồ sơ lưu gì cả nên cái trước cái sau bất nhất? Tại sao giáo chỉ số 09 có ghi TT (Tăng Thống) mà giáo chỉ số 02 lại không có? Phải chăng giáo chỉ số 02 không do Đức Tăng Thống ban hành? Và tại sao từ giáo chỉ số 02 lại nhảy vọt thành 09? Vậy giáo chỉ số 03, 04, 05, 06, 07 và 08 ở đâu mà Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, cơ quan phát ngôn chính thức của GHPGVNTN không thấy đưa ra? Phải chăng những giáo chỉ kia không hề hiện hữu? Còn nếu hiện hữu sao không cho phổ biến? Nếu đó là vì giáo chỉ ban hành cho giáo hội trong nước không liên quan hải ngoại nên không phổ biến, vậy thì giáo chỉ số 02 cũng “chấn chỉnh, bổ sung, kiện toàn nhân sự” trong nước, sao lại rầm rộ phổ biến tại hải ngoại và lưu giữ trong tài liệu của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế? Nếu các giáo chỉ 3, 4, 5, 6, 7 và 8 có ban hành mà Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế cũng như Văn Phòng II cũ (và mới) đều không biết thì sao gọi là có phối hợp Phật Sự trong và ngoài nước? và VPII VHĐ làm sao có thể thay mặt VHĐ trong nước để thi hành Phật sự được? Còn nếu đặt số 09 vì giáo chỉ này ban hành vào tháng 9 thì sao giáo chỉ số 02 lại ban hành tháng 11? Đây chỉ là những tiểu tiết, nhưng không phải là không quan trọng, vì qua đó, người ta có thể thấy tính cách bất nhất, không ngăn nắp, không trật tự của hệ thống hành chánh giáo hội, mà một vị Chánh Thư Ký như Hòa thượng không thể không lưu tâm.

 

3)    Bản Phúc Trình Phật Sự của Chánh Thư Ký VTT ký ngày 08/9/2007 trùng ngày với Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT (cũng ký ban hành ngày 08/9/2007). Theo Hiến Chương và nguyên tắc hành chánh, để có sự chuẩn y của Viện Tăng Thống qua một giáo chỉ về sự sắp xếp hoặc bầu cử nhân sự của Ban Chỉ Đạo VHĐ (trong và ngoài nước), phải có sự đồng thuận của 2/3 thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, và quyết định từ VHĐ phải đệ trình VTT thông qua Văn phòng Viện Tăng Thống. Như vậy, khi Văn phòng VTT nhận được Quyết Định của VHĐ, vị Chánh Thư Ký sẽ duyệt qua rồi từ Huế, gửi e-mail hay fax đến tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, nhờ người đem trình Đức Tăng Thống (nhưng để bảo mật, chắc chắn phải sai người tín cẩn đích thân mang đi thay vì gửi qua fax). Đức Tăng Thống cũng tuổi già sức yếu, phải có người đọc cho nghe rồi mới quyết định. Ngài là bậc chân tu đạo hạnh, nhiều kinh nghiệm làm việc hành chánh, cũng như kinh nghiệm đấu tranh cho giáo hội và dân tộc trong nhiều hoàn cảnh biến động của đất nước, sẽ dành khá nhiều thời gian để đắn đo, suy nghĩ trước khi chuẩn y cái Quyết định kỳ lạ của VHĐ muốn giải tán toàn bộ những giáo hội tại hải ngoại. Điểm qua cách làm việc theo thời gian diễn tiến tuần tự và đúng theo nguyên tắc hành chánh như vậy, người ta sẽ thấy rằng, nếu Hòa thượng Viện trưởng đọc Bản Phúc Trình của VTT mà không cần suy nghĩ gì hết, lập tức ra quyết định giải tán giáo hội các châu, giải tán Văn Phòng II VHĐ cũ để thành lập Văn Phòng II mới, rồi đệ trình Đức Tăng Thống chuẩn y, thì ít nhất cũng phải mất hai tuần lễ để có Giáo Chỉ số 09. Trong trường hợp thực sự gay go khẩn cấp, có thể rút ngắn lại thành một tuần lễ cho tiến trình từ Bản Phúc Trình đến Quyết Định, rồi từ Quyết Định đi đến Giáo Chỉ. Thế mà, trên thực tế văn bản mà mọi người đều thấy, Bản Phúc Trình Phật Sự của Chánh Thư Ký VTT và Giáo Chỉ số 09 đã ký cùng một ngày! Từ đó, suy ra: a) Quyết định giải tán giáo hội các châu lục và quốc gia, cũng như Văn Phòng II VHĐ đã có sẵn trước đó, dù có Bản Phúc Trình Phật Sự hay không thì bên VHĐ cũng đã quyết định rồi; b) Quyết định hay Giáo Chỉ đều do VHĐ ban hành, không hề đệ trình và xin chuẩn y từ Đức Tăng Thống; nhưng e ngại làm vậy sẽ sai Hiến Chương, vì thế, sau khi đã lỡ ban hành Giáo Chỉ số 09, biết có nhiều sơ hở và có thể bị luận tội về sau, ông Võ Văn Ái đã cố gắng thuyết phục Hòa thượng viết Bản Phúc Trình Phật Sự để gọi là có phối hợp giữa hai Viện; sau này chịu trách nhiệm với lịch sử thì chỉ có Viện Tăng Thống chịu, còn VHĐ thì vô can, bởi vì từ Bản Phúc Trình Phật Sự cho đến Giáo Chỉ đều xuất phát từ Viện Tăng Thống. Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ sau đó cũng chỉ là “thừa hành” và “khâm tuân” Giáo Chỉ Viện Tăng Thống mà thôi; c) Nếu có Quyết Định của VHĐ đệ trình Đức Tăng Thống để xin chuẩn y và ban Giáo Chỉ, tất nhiên Quyết Định đó phải đến Văn phòng VTT ít nhất một tuần lễ trước khi Đức Tăng Thống nhận được; mà nếu Quyết Định của VHĐ có thông qua VTT thì Hòa thượng Chánh Thư Ký VTT phải biết, mà nếu đã biết thì không lẽ nào lại bỏ thời gian viết làm gì cho thừa thãi cái gọi là Bản Phúc Trình Phật Sự! Không lẽ ra Bản Phúc Trình để tự giết VTT mà bảo vệ VHĐ? d) Nếu Quyết Định của VHĐ đi thẳng đến Đức Tăng Thống chứ không thông qua Văn phòng VTT thì chức vụ của vị Chánh Thư Ký chỉ là bù nhìn (như đã nói ở đầu thư), dù có viết trăm Bản Phúc Trình cũng không giá trị hay ý nghĩa gì; e) Nếu Bản Phúc Trình Phật Sự do vị Chánh Thư Ký VTT thực sự ký “đệ trình” VHĐ có tác dụng dẫn đến Quyết Định của Hòa thượng Viện trưởng để xin Đức Tăng Thống chuẩn y Giáo Chỉ số 09, thì tiến trình giải tán toàn bộ giáo hội các châu và Văn Phòng II VHĐ (cũ) (với trên 200 thành viên chư tôn đức và cư sĩ đã từng phục vụ và yểm trợ giáo hội suốt hơn 15 năm qua) là một tiến trình vội vàng, dễ dãi, không tình, không lý, diễn ra một cách khinh suất trong vòng một cữ trà của ngày 08/9/2007. f) Nếu tất cả những văn kiện từ Bản Phúc Trình Phật Sự, đến Giáo Chỉ số 09 và Thông Bạch Hướng Dẫn Thi Hành Giáo Chỉ đều không hội ý với vị Chánh Thư Ký VTT hay Đức Tăng Thống, mà do ông Võ Văn Ái hay ai khác soạn thảo, thì ngay sau khi phát hiện ra điều ấy, trễ nhất là từ lá thư này, chính Hòa thượng Chánh Thư Ký VTT phải tức khắc lên tiếng để bảo vệ Viện Tăng Thống, và nhất là phải bảo vệ Đức Tăng Thống. Không làm điều này, Hòa thượng sẽ là người bị lịch sử luận tội chứ không ai khác, vì bên phía ông Võ Văn Ái đã ném đá giấu tay, để VTT gánh chịu trách nhiệm.

 

4)      Theo dõi Bản Phúc Trình Phật Sự của Hòa thượng, ngay ở phần mở đầu, điều 1, người ta đã thấy rằng Hòa thượng chỉ ngồi một chỗ trong liêu phòng, không đi đâu được cả, vì “Công an chìm, nổi một lực lượng hùng hậu, bao vây chặt chẽ các Chùa thuộc GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, ở Chùa Báo Quốc càng đông đảo hơn từ đó đến nay…” (suốt hơn hai tuần lễ Vu Lan, từ 26/8 đến 08/9/07 - trích Bản Phúc Trình). Như vậy, bản phúc trình của Chánh Thư Ký VTT chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một người bị bao vây, kiểm soát, không hề có một cuộc điều tra trực tiếp đối với những sự việc hay nhân vật nào bên ngoài. Ngồi một chỗ mà “phúc trình Phật sự” thì liệu có chính xác, đáng tin không?

 

5)     Ở điều 2, Hòa thượng cho biết Một số Phật tử ở Úc và Hoa kỳ, có gọi điện về thăm và nhân tiện, bày tỏ sự bất bằng về một số Thượng tọa, Đại đức và Cư sĩ tu xuất, đang là Thành viên Hội đồng Điều hành GHPGVNTN/HN tại Úc và Hoa kỳ, lại đi vận động tách khỏi GHPGVNTN là vì sao?” Vậy có nghĩa rằng chỉ cần vài người Phật tử nào đó điện thoại thăm và bày tỏ quan điểm thì vị Chánh Thư Ký VTT đã có thể kết tội chư tôn đức Tăng Ni đồng môn, đồng đạo của mình. Bản phúc trình dựa vào con số và dữ kiện rất mơ hồ nên khi trình VHĐ, nó lây sự mơ hồ đến Quyết định của VHĐ, rồi Quyết Định của VHĐ lại trả ngược sự mơ hồ về VTT để cho ra Giáo chỉ số 09. “Một số Phật tử”“một số Thượng Tọa, Đại đức và Cư sĩ tu xuất” là ai, những ai? Kết án ai thì nói thẳng danh tánh người đó, sao lại có thể nói vu vơ để gieo hoang mang nghi ngờ trong Tăng đoàn và quần chúng, vạ lây hết toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và cư sĩ hải ngoại! Hòa thượng có khi nào đặt nghi vấn rằng: làm sao “một số Phật tử” (dù là thân tín của Hòa thượng) ở Úc và Hoa Kỳ lại biết được có “một số Thượng tọa, Đại đức… đi vận động tách khỏi GHPGVNTN”? Một cuộc vận động như vậy có chính đáng không? Nếu không chính đáng thì không thể nào công khai, mà không công khai thì làm sao Phật tử lại biết được? Hòa thượng có biết rõ ai là người đi vận động, và đã vận động những ai, thầy nào, sư cô nào, vào ngày tháng nào, ở địa điểm nào, nội dung cuộc vận động như thế nào mà gọi là “tách khỏi GHPGVNTN” không? Nếu hoàn toàn không biết rõ thì sao lại “phúc trình”!

 

6)    Cũng ở điều 2, Hòa thượng nói về cư sĩ Trần Quang Thuận và Bùi Ngọc Đường một cách mơ hồ, mang tính cách cá nhân, không thể kiểm chứng, để đưa vào bản phúc trình. Việc trao đổi bằng lời giữa Hòa thượng và hai vị cư sĩ nói trên (một vị cuối tháng 6, một vị đầu tháng 7 năm 2007 – theo Phúc trình) có người thứ ba làm chứng không? Nếu người thứ ba đó là thị giả hay vị tri khách của Chùa Báo Quốc, đệ tử của Hòa thượng thì việc làm chứng có đáng tin không? Còn nếu không ai làm chứng thì Hòa thượng muốn nói sao thì nói, hai vị cư sĩ kia ở xa không cãi được, vì cãi thì hóa ra bất kính với Tăng; giả như phải nói ra sự thực thì hóa ra tố cáo một vị Tăng tội vọng ngữ! Chỉ có thể đối chất để tìm ra sự thực mà thôi; nhưng hai vị cư sĩ kia đã im lặng để bảo vệ Hòa thượng và bảo vệ Tăng đoàn nên không nổi sân si đòi đối chất. Vậy thì cách duy nhất để tìm sự thực là Hòa thượng hãy tự đối chất với chính lương tâm của mình, lương tâm của một trưởng lão tỳ kheo: hai vị cư sĩ kia có thực sự nói như thế không hay là ngược lại, toàn là những góp ý với thiện chí xây dựng giáo hội?

 

7)  Cũng ở điều 2, Hòa thượng “phúc trình” sự việc một cách vu vơ, không thể kiểm chứng: “Giọng điệu hai anh có vẻ như muốn thỏa hiệp, để được sinh hoạt, ý tưởng này còn được thấy rõ qua nhóm Thân Hữu Già Lam”. Chỉ qua sự ước đoán, thấy “có vẻ” như, là Hòa thượng cũng có thể đưa ra một kết luận rồi sao! Và “ý tưởng này còn được thấy rõ” qua nhóm Thân Hữu Già Lam (THGL) là như thế nào? Làm phúc trình thì phải trình bày cặn kẽ sự việc, không thể chỉ dùng hai chữ “thấy rõ” mà chẳng một lời nào sau đó để chứng minh sự thấy rõ của mình cả. Nhưng nếu VHĐ đã căn cứ vào Bản Phúc Trình Phật Sự của Hòa thượng để ra Quyết định thì VHĐ cũng quá khinh suất, hời hợt: chỉ dựa vào lời nói của một người mà kết luận sự việc! Nếu chỉ qua vài lời nói của ai đó, không có bằng chứng chính xác, mà có thể kết tội kẻ khác là thỏa hiệp hoặc thân Cộng thì thử hỏi, khi chúng con nêu sự thực của Hòa thượng vào giữa năm 1993, đã ra Hà Nội xin giấy xuất cảnh thật dễ dàng để qua Pháp, ở lại với Thiền sư Nhất Hạnh, sau đó lại đi Montreal, Canada, ở lại với Thượng Tọa Minh Thông. Hẳn là Hòa thượng không làm sao quên được chuyến đi xuất ngoại đầy kỷ niệm đó! Vào thời điểm giữa năm 1993, việc ra nước ngoài của Tăng sĩ các tôn giáo trong nước hãy còn khó khăn, hiếm người xin được thông hành, sao Hòa thượng lại được sự ưu đãi của chế độ vậy? Nhắc việc đó ở đây là nhắc về một sự thực, có thể kiểm chứng qua những nơi Hòa thượng đến, những ai Hòa thượng gọi điện thoại thăm hỏi, để Hòa thượng nhớ cho một điều rằng, chính chúng con cũng không dám nghĩ là Hòa thượng thân Cộng hay là cán bộ của Cộng sản; huống chi cái việc của Hội Thân Hữu Già Lam, họ đã làm gì, nói gì, mà đã vội vàng chụp mũ, xuyên tạc! Cái mà Hòa thượng “thấy rõ” về THGL như thế nào thì không nêu, còn cái mà ai cũng có th thấy rõ nơi THGL là tâm nguyện nối tiếp Thầy-Tổ để lo việc hoằng pháp, giáo dục. THGL thành lập công khai, hoạt động công khai, chẳng có gì giấu giếm, họ có luôn cả một website www.thanhuugialam.com để phổ biến tâm nguyện và sinh hoạt của họ. Hòa thượng có từng thăm website của THGL chưa mà vội vã nói hùa theo ông Võ Văn Ái, chụp mũ, vu khống cả mấy chục Tăng sĩ và cư sĩ ấy!

 

8)   Ở điều 3, Hòa thượng nói về nhóm Thân Hữu Già Lam là hoàn toàn sai sự thực. Nếu Hòa thượng nghe người khác báo cáo rồi chỉ nói lại mà không cần suy nghĩ thì đó chỉ là chuyện của người nhẹ dạ, cả tin; còn nếu Hòa thượng nghe người ta nói, suy nghĩ kỹ càng, rồi phúc trình, thì đây là hành vi của vọng ngữ. Những điều nói sai sự thực của Hòa thượng về nhóm THGL như sau: a) “ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam, cách đây một năm, đã hình thành một nhóm có tên gọi Thân Hữu Già Lam” (sai! THGL nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2004 tại Tu viện Pháp Vương, Escondido, California, không phải Tu viện Quảng Hương Già Lam, Việt Nam); b) Các vị có mặt trong nước, ngoài nước, khắp các châu lục” (sai! THGL chỉ có thành viên ở ngoài nước, không có ở trong nước); c) “Đứng đầu nhóm có GS TS Lê Mạnh Thát, và học giả Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ” (sai! THGL tự phát thành lập trong tình thân hữu đồng môn của các cựu tăng sinh Tu viện Quảng Hương Già Lam từ 1980-1984, không hề liên hệ đến các giáo sư trong nước. Giáo sư thì làm sao làm “thân hữu” với tăng sinh được! Trưởng nhóm THGL nhiệm kỳ 2004-2006 là Thượng Tọa Thích Quảng Thanh, nhiệm kỳ 2006-2008 là Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu. Hai vị này đều ở California, Hoa Kỳ); d) “Nhóm Thân Hữu Già Lam phần đông, đang là thành viên chủ chốt của GHPGVNTN trong nước và hải ngoại” (sai! Ở trong nước không có thành viên THGL thì làm sao có “thành viên chủ chốt của GHPGVNTN”! Ở hải ngoại thì chỉ có một số ít thành viên THGL tham gia GHPGVNTN, “phần đông” thì nằm ngoài giáo hội, nhất là ở Hoa Kỳ. Ở hải ngoại xa xôi, Hòa thượng nói sai sự thực thì còn dễ hiểu, còn trong nước mà Hòa thượng không biết mới là điều lạ!)

 

9)     Cũng ở điều 3, đề cập đến THGL, Hòa thượng nói “Nay vì một vài ý kiến bất đồng nào đó mà xây lưng lại với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội thì chẳng hay ho gì!” Dựa vào yếu tố nào, báo cáo từ ai, chứng cớ ở đâu, mà Hòa thượng kết án THGL như vậy? Chính Hòa thượng khi kết án THGL mà cũng không biết rõ nguyên nhân nào THGL đã làm những việc mà mình kết án, cho nên mới nói “vì một vài ý kiến bất đồng nào đó. Chưa biết rõ nguyên nhân mà đã làm phúc trình thì thật quá vụt chạt, nông nổi! Hành động, lời nói, chứng từ nào, có thể kiểm chứng được không mà Hòa thượng cho rằng THGL “xây lưng với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội”? Ai là người vận động? ai là người được vận động? việc vận động xảy ra  ở đâu? thời gian nào? nội dung, lời lẽ việc vận động nêu ra như thế nào? Chống lại Giáo hội bằng cách nào, có bằng chứng không? Cô lập nhị vị Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội như thế nào, có bằng chứng không? Nếu không trả lời được những câu hỏi này một cách chính xác và thỏa đáng thì Hòa thượng phạm cái lỗi vu khống người khác, điều tối kỵ của Tỳ kheo!

 

Kính bạch Hòa thượng,

Qua 3 trường hợp và 9 điểm phân tích ở trên, có thể nói rằng Bản Phúc Trình Phật Sự của Hòa thượng, từ hình thức đến nội dung, hoàn toàn sai nguyên tắc hành chánh, và tai hại nhất là đi ngược với tinh thần giới luật căn bản của đạo Phật.

 

Tại sao Hòa thượng lại phải hành xử như vậy? Hòa thượng có thực sự làm bản phúc trình hay là do ai khác làm nên? Nếu do chính Hòa thượng viết và ký thì 5 đề nghị cuối bản phúc trình, gợi ý Hòa thượng Viện trưởng và Ban Chỉ Đạo VHĐ thực hiện chính là hành vi “xây lưng lại với Giáo hội, vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội”. Hãy đọc lại 5 đề nghị để thấy âm mưu phá hoại Giáo hội của ông Võ Văn Ái và thiểu số tham quyền cố vị thuộc Văn Phòng II VHĐ (mà có thể Hòa thượng không biết). Sau đây là 5 đề nghị của Hòa thượng, chữ nghiêng trong ngoặc kép:

 

1- “Có biện pháp nhằm chấn chỉnh lại Nội bộ, nhất là đối với Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN các châu lục, lập lại kỷ cương sinh hoạt tổ chức Giáo hội, lấy lại niềm tin cho Tăng ni Phật tử trong nước và ngoài nước, đang vọng hướng về Giáo hội.” Đề nghị VHĐ trong nước “có biện pháp nhằm chấn chỉnh lại nội bộ” của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN các châu lục chính là nhúng tay vào nội bộ của các giáo hội mà trên nguyên tắc sinh hoạt độc lập về pháp lý giữa các quốc gia, VHĐ không có thẩm quyền. VHĐ chỉ có thể đề nghị chứ không thể dùng biện pháp đối với các giáo hội ngoài nước. Đây là điểm sai lầm mà trong quá khứ VHĐ đã mắc phải khi thuận theo ý kiến của ông Võ Văn Ái và thiểu số tham quyền cố vị tại VPII VHĐ để củng cố địa vị của những người làm ô nhục Giáo hội bằng các giáo chỉ lưu nhiệm, hầu tránh việc bầu cử trong các Đại hội Khoáng Đại của GHPGVNTNHN-HK VPII VHĐ. Muốn “lấy lại niềm tin cho Tăng Ni Phật tử trong nước và ngoài nước” thì không thể nào dùng biện pháp giải tán các giáo hội qua một giáo chỉ vô tình và vô lý, mà chính là phải thanh tịnh hóa hàng ngũ thành viên Giáo hội, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ phát sinh giữa thiểu số lạm quyền với đa số thành viên nhiệt thành và tận lực xây dựng Giáo hội.

 

2- “Những thành viên trung kiên với Giáo hội lâu nay, hãy bảo vệ các vị với bất cứ giá nào, trước những mưu mô xuyên tạc hạ uy tín, mà Cộng sản Việt nam đang cài người vào nội bộ chúng ta để quấy phá, tạo điều kiện tốt để các vị tiếp tục phục vụ Giáo hội và Dân tộc.” Ở trong nước, bị quản thúc chặt chẽ, Hòa thượng cũng như chư tôn đức lãnh đạo hai Viện không thể nhận chân được bộ mặt thật của các thành viên tại hải ngoại. Quý ngài chỉ có thể nghe báo cáo từ một thiểu số, mà thiểu số này đã hủy hoại thanh danh và uy tín của Giáo hội từ nhiều năm nay. Đâu là tiêu chuẩn “trung kiên” để nhận biết các thành viên Giáo hội? Trên thực tế, hầu hết các thành viên đều trung kiên với Giáo hội, nhưng vị nào không chấp nhận quan điểm của thiểu số lạm quyền, không chấp nhận Hòa thượng Thích Chánh Lạc đã làm nhục Giáo hội qua những bản cáo trạng rõ ràng của tòa án tiểu bang Colorado, thì kẻ đó bị gán tội “không trung kiên”. Cho nên, đề nghị số 2 này thực chất là của ông Võ Văn Ái nhằm bảo vệ Hòa thượng Thích Chánh Lạc mà thôi. Xin phân biệt rõ ràng điểm này: sự việc cộng sản vu khống, kết tội, nhục mạ Hòa thượng Viện trưởng VHĐ là điều sai, cần phải lên án cộng sản, bảo vệ Hòa thượng Viện trưởng với bất cứ giá nào; nhưng những ô nhục mà Hòa thượng Thích Chánh Lạc đã tạo nên tại Colorado là sự việc có thực, không phải vu khống, xuyên tạc! Bằng chứng của tòa án đã rành rành ra đó, không thể cho rằng tòa án tại Colorado đã bị cộng sản cài người vào mà phá Giáo hội! Hòa thượng đưa ra đề nghị này chính là mở đường cho hươu chạy, tiếp tay với những điều sai lầm của Hòa thượng Thích Chánh Lạc để hủy hoại uy tín của Giáo hội.

 

3- Những cá nhân hoặc nhân danh tập thể, không còn giữ được lòng trung kiên với Giáo hội, cũng nên tạo điều kiện để các vị được rút lui, không nên cầm giữ làm gì. Ít cũng được, ít mà lòng trung thành, chí kiên hậu còn hơn nhiều mà bất trung, bất nghĩa…” Làm sao phân định được cá nhân hay tập thể nào “không còn giữ được lòng trung kiên với Giáo hội”? Lòng của họ làm sao biết được là còn hay mất? Còn nếu họ đã lộ ra hành vi không trung kiên thì đâu là bằng chứng để kết tội? Ai, những ai không trung kiên, họ đã làm gì mà nói là không trung kiên? Trung kiên phải chăng là cúi đầu lắng nghe lệnh của ông Võ Văn Ái và Hòa thượng Thích Chánh Lạc? Suốt hơn 15 năm qua ai đã trung kiên tận sức phục vụ và yểm trợ Giáo hội mà nay Hòa thượng đề nghị “không cầm giữ làm gì” để rồi đưa vào Văn Phòng II (mới) và Giáo hội Hoa Kỳ (mới) những thành viên từ Việt Nam mới qua trên dưới hai năm, chưa có thẻ xanh, chưa nhập quốc tịch Hoa Kỳ: Thích Thiện Hữu, Thích Viên Thành, Thích Viên Thông, Thích Viên Quang, Thích Viên Huy, Thích Viên Dung – những vị này đều là đồng môn, đồng sư, bào huynh và bào đệ của Thượng tọa Thích Viên Lý. Những vị có đạo hiệu mang chữ “Viên” trong GHPGVNTN trong và ngoài nước đều là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Kế Châu, nguyên Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình, nguyên Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Giáo hội mà ông Võ Văn Ái và thiểu số cọng sự thường gọi biếm là “Giáo hội quốc doanh” mà giả vờ không hay biết rằng những vị huynh đệ đồng môn và anh em ruột của Thượng tọa Thích Viên Lý cũng từng được đào tạo từ các trường Phật học của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – giáo hội nhà nước. Nhân nói việc đào tạo, cũng nên lưu ý lời mai mỉa của ông Võ Văn Ái đối với nền giáo dục của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong Thông Cáo Báo Chí của PTTPGQT vào ngày 26-9-2007 như sau: “Nhưng 26 năm qua cái Giáo hội mà Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ tham gia làm được gì cho Phật giáo Việt Nam, ngoài vai trò làm công cụ chính trị cho Nhà nước và Đảng? Cái Giáo Hội Phật giáo Nhà nước với bao nhiêu là học viện cao cấp, trung cấp, sơ cấp Phật giáo được Ban Tôn Giáo cho phép thành lập, đào tạo được bao nhiêu cao tăng?” Không lẽ ông Võ Văn Ái không biết rằng GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ mới vừa thỉnh cử ít nhất là 6 vị tăng sĩ từ Việt Nam mới qua, mà 4 vị trong số đó đều được đào tạo từ các trường Phật học của Giáo Hội Nhà nước? Không lẽ vì họ là huynh đệ của Thượng tọa Thích Viên Lý nên trở thành ngoại lệ, trở thành cao tăng, đáng tin cậy; còn ngoài ra những tăng sĩ nào từ Việt Nam mới qua thì đều là của cộng sản đưa đi để tuyên truyền chính sách tự do tôn giáo hoặc cài vào các tổ chức giáo hội hải ngoại để lũng đoạn? Tại sao lại có sự đối xử phân biệt như vậy? Xin cho biết lý do nào có tính thuyết phục để mọi người tin rằng chư vị huynh đệ, bào huynh, bào đệ của Thượng tọa Thích Viên Lý từ Việt Nam mới qua đáng tin cậy hơn những vị thâm niên phục vụ Giáo hội tại hải ngoại? Tiêu chuẩn nào để đo lường sự trung kiên? Những người từng phục vụ Giáo hội, có vị phục vụ từ trước năm 1975, đã vượt biển tị nạn trên 20 năm, nhập quốc tịch Hoa Kỳ, thì bị kết tội không trung kiên, vậy những người mới được thỉnh cử vào có gì bảo đảm để chứng minh là trung kiên? Những người mới chưa có thành tích đóng góp xây dựng với Giáo hội lúc họ còn ở trong nước, mà ra tới hải ngoại cũng chưa hề có công lao gì với Giảo hội hải ngoại, làm sao đo lường được lòng trung kiên của họ? Xin hỏi Hòa thượng, đề nghị thứ 3 này phải chăng là để “chấn chỉnh lại nội bộ”, làm cho Giáo hội vinh quang hơn, vững mạnh hơn, được quần chúng ủng hộ nhiều hơn?

 

4- “Đối với các vị Hòa thượng có tuổi cao sức yếu, có ý định xin nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Giáo hội rất thông cảm và hết lòng tán dương công đức của chư Hòa thượng, đã có những cúng hiến tích cực cho Giáo hội trong thời gian qua, và xin cung thỉnh chư vị lưu lại cùng Giáo hội, trong lúc Giáo hội đang lâm nguy bởi nội ma, ngoại chướng.” Điều này thực sự nhắm vào ai? Ở hải ngoại, có bao nhiêu vị tuổi cao sức yếu và có ý định nghỉ ngơi tịnh dưỡng? Không có ai ở trong hai trường hợp này, ngoại trừ Hòa thượng Thích Hộ Giác. Vậy với đề nghị số 4 này, ông Võ Văn Ái nhằm níu kéo Hòa thượng Thích Hộ Giác lưu lại để giữ niềm tin cho Tăng Ni Phật tử, và để đền đáp là sự sắp xếp cho hầu hết quý vị đệ tử của Hòa thượng Thích Hộ Giác vào Văn Phòng II (mới) và Giáo hội Hoa Kỳ (mới). Tưởng rằng sắp xếp như vậy là giữ niềm tin và chấn chỉnh nội bộ, nhưng thực tế trái lại: Tăng Ni và Phật tử đã mất niềm tin nơi Hòa thượng Thích Hộ Giác và cũng nhìn rõ màn kịch “tông môn” đang trình diễn quá trắng trợn trong Giáo hội qua những vị đệ tử của Hòa thượng Thích Hộ Giác và huynh đệ của Thượng tọa Thích Viên Lý được thỉnh cử: đã bao trùm 2/3 thành viên của VPII VHĐ (mới) cũng như GHPGVNTNHN-HK.

 

5- “Trong trường hợp bất khả khán, không thể hội họp, không được đi lại gặp nhau bàn bạc, thảo luận như Hiến chương và Nội qui sinh hoạt qui định, thì có thể cũng phải tính tới giải pháp dùng Giáo chỉ, thay vì Hiến chương, để điều hành Phật sự lúc nguy biến.” Đề nghị thứ 5 là đề nghị cốt lõi của bản phúc trình nhằm bật đèn xanh và hợp thức hóa cho sự độc quyền, độc diễn của VHĐ, mà thực chất đều nằm trong tay ông Võ Văn Ái và  thiểu số lạm quyền thuộc Văn Phòng II tại hải ngoại. Điều 5 này cũng khuyến khích VHĐ chà đạp lên Hiến chương, dẫm nát Nội qui của GHPGVNTN do xương máu của chư Tăng Ni và Thánh tử đạo gầy dựng và bảo vệ suốt trên 40 năm qua, từ trong nước đến ngoài nước. Hiến chương Giáo hội nếu cần tu chính thì theo Điều thứ 39, Chương thứ 11, Phương Thức Áp Dụng, “Mọi dự án tu chính Hiến Chương này do lưỡng viện Tăng Thống, Hóa Đạo soạn thảo, trình đại hội GHPGVNTN cứu xét và biểu quyết. Nguyên tắc biểu quyết phải được 2/3 tổng số đại biểu hiện diện chấp thuận.” Nay Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống tùy tiện đề nghị “dùng Giáo chỉ, thay vì Hiến Chương” thì có thể nói rằng, cái nguy cơ tan rã của Giáo hội không còn nằm ở các thế lực bên ngoài mà ở ngay chính trong nội bộ.

 

Tóm lại, 5 đề nghị của Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống trong Bản Phúc Trình Phật Sự chính là hành vi “chống phá Giáo hội, rủ rê xui khiến người khác cùng nghỉ để cô lập hai vị Hòa thượng lãnh đạo tối cao của Giáo hội” (lời của Bản Phúc Trình Phật Sự kết án THGL).

 

Thưa Hòa thượng, Giáo hội không phải của riêng ai, dù người đó đã cố công bảo vệ hay xây dựng. Giáo hội là sự kết thành tâm nguyện, chí hướng, hoài bão và cả sinh mệnh của toàn khối Tăng Ni và Phật tử từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai. Không ai có thể nhân danh công lao hay thành tích cá nhân mà phủ nhận những thành ý xây dựng, đóng góp của kẻ khác; cũng không ai có thể nhân danh quyền hạn tối cao nào đó mà xóa bỏ Hiến Chương, phá nát Nội qui sinh hoạt của Giáo hội. Hiến Chương là tiêu hướng, là cốt tủy từ đó vạch con đường dài lâu của Giáo hội đối với Đạo pháp và Dân tộc. Bỏ cái dài lâu, thờ cái nhất thời, chẳng phải là cố tình tiêu diệt Giáo hội hay sao! Giáo hội có vững mạnh, thống nhất và tồn tại hay không là do nơi sự đồng tâm hiệp lực hoằng dương Chánh Pháp của toàn thể Tăng Ni và Phật tử, chứ không phải ở nơi những “biện pháp” vá víu và đầy thiên kiến của một cá nhân, hay một thiểu số chủ động nắm quyền.

 

Còn giữ được sự thanh tịnh và hòa hợp, còn giữ được lý tưởng hòa bình và hoài bão phục vụ nhân loại và dân tộc như Lời Mở Đầu của Hiến Chương, thì Giáo hội còn; phá hủy hết những tiêu chí cao đẹp ấy, Giáo hội chỉ còn là một cái xác không hồn, dù trung kiên hay không trung kiên, cũng chẳng còn lý do gì để tồn tại.

 

Dài dòng trình bày những nhận định ở trên vẫn chưa nói hết được thành ý xây dựng đối với Hòa thượng cũng như đối với tiền đồ của GHPGVNTN. Chỉ mong Hòa thượng tĩnh tâm, tịnh ý, nhìn lại những gì đã làm, đã nói, trong những năm tháng nắm giữ chức vụ Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Đừng để lịch sử ghi vết nhơ của Giáo hội mà trong đó lại có sự dự phần của Hòa thượng.

 

Những lời ngay thật của chúng con có thể làm phiền lòng Hòa thượng trong chốc lát nào đó, nhưng chốc lát phiền lòng mà có thể gợi ý cho những suy nghiệm sâu xa về sự trường tồn của Chánh Pháp, của Giáo hội thì cũng mong Hòa thượng hỷ xả, miễn chấp.

 

Hoa Kỳ, ngày 08 tháng 12 năm 2007.

Nhóm Tăng Ni Hải Ngoại

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.