.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007

Tâm thư
Hội thân hữu Già Lam

  • PSN - 16.10.2007

Thời gian gần đây, trên một số hệ thống thông tin, thông cáo báo chí, trang lưới điện toán toàn cầu và email đã phổ biến nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc sự thật, vu khống chụp mũ Hội Thân Hữu Già Lam nói chung và cá nhân các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam nói riêng.  Các sự kiện trên có thể đã tạo ra những ngộ nhận, gây ra những giao động cho chư Tôn Đức Tăng, Ni và đồng hương Phật tử đối với Hội Thân Hữu Già Lam. 

Nhằm mục đích góp phần xây dựng thêm vững chắc tinh thần thanh tịnh và hòa hợp trong cộng đồng Tăng Ni Việt Nam và củng cố tín tâm để tạo dựng nếp sống an lạc cho đồng hương Phât tử, Hội Thân Hữu Già Lam xin được trình bày minh bạch về tôn chỉ và đường hướng hoạt động để chư Tôn Đức Tăng Ni và đồng hương Phật tử thẩm tường.

 

HỘI THÂN HỮU GIÀ LAM

GIA LAM BUDDHIST ALUMNI ASSOCIATION, INC.
715 VISTA AVENUE, ESCONDIDO, CA 92026, USA. 
TEL. (760) 739-8063

 

TÂM THƯ

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,
            Kính thưa chư Thiện hữu tri thức và đồng hương Phật tử,

Thời gian gần đây, trên một số hệ thống thông tin, thông cáo báo chí, trang lưới điện toán toàn cầu và email đã phổ biến nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc sự thật, vu khống chụp mũ Hội Thân Hữu Già Lam nói chung và cá nhân các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam nói riêng.  Các sự kiện trên có thể đã tạo ra những ngộ nhận, gây ra những giao động cho chư Tôn Đức Tăng, Ni và đồng hương Phật tử đối với Hội Thân Hữu Già Lam. 

Nhằm mục đích góp phần xây dựng thêm vững chắc tinh thần thanh tịnh và hòa hợp trong cộng đồng Tăng Ni Việt Nam và củng cố tín tâm để tạo dựng nếp sống an lạc cho đồng hương Phât tử, Hội Thân Hữu Già Lam xin được trình bày minh bạch về tôn chỉ và đường hướng hoạt động để chư Tôn Đức Tăng Ni và đồng hương Phật tử thẩm tường.

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng, Ni,
            Kính thưa chư thiện hữu tri thức và đồng hương Phật tử, 

Trong “Nhân Duyên và Mục Đích Thành Lập Hội Thân Hữu Già Lam” có viết:  “Sau 20 năm lưu lạc chân trời góc biển, một sự kiện hy hữu đã xảy ra tại Tu Viện Pháp Vương, thành phồ Escondido, quận hạt San Diego (vào tháng 2 năm 2004).  Anh em chúng tôi đã có cơ hội đoàn tụ dưới một mái chùa, nhân lễ húy kỵ Hòa Thượng Cố Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; sau đó tiến đến việc thành lập ‘Hội Thân Hữu Già Lam’ với một tâm nguyện thiết tha mà chân thành không bờ bến đó là tạo dựng niềm tin yêu cho nhau trong tình đồng môn huynh đệ.  Phát nguyện góp sức chung lòng chia xẻ chút ít may mắn của mình cho những đàn em đang bước vào ngưỡng cửa giải thoát để tập học ba môn Văn Tư Tu tại các Phật Học Viện, Học Viện Phật Giáo từ sơ đẳng, trung đẳng đến cao đẳng tại Việt Nam.” (http://www.thanhuugialam.com )

Hoặc trong “Đường Hướng Sinh Hoạt của Hội Thân Hữu Già Lam” có viết:  “Nghĩ đến ân sâu giáo dưỡng của Đức Phật và Thầy-Tổ bao đời, nếu không cùng nhau truyền thừa và bồi đắp, đạo vàng sẽ khó lưu truyền trong chốn nhiễu nhương.  Lại nghĩ Pháp Phật nếu không thiện dụng thực hành và giảng dạy, sẽ không mở rộng được con đường của sứ-giả Như Lai. Vì vậy, khởi nguyên từ chân tình đạo bạn, cùng lớp cùng trường, cùng mái chùa và tu viện, cùng thọ pháp với những bậc ân sư đạo hạnh cao dày, cùng cầu học với những bậc thầy khả kính tài năng, những người học trò tăng-sĩ và cư sĩ khắp nơi, về ngồi bên nhau, chia xẻ nỗi nhọc trên đường hoằng pháp, trao đổi kinh nghiệm của việc hành đạo dấn thân.  Rồi từ đạo tình chân chất của pháp lữ đồng môn ấy, mỗi người mỗi việc, kính trên nhường dưới, hòa hợp vạch hướng đi chung như sau:

“1) Văn Hóa Giáo Dục là biểu hiện của Trí Tuệ.  Đây là nền tảng của việc đào tạo tăng tài, nuôi dưỡng nhân sự để thừa tiếp con đường hoằng pháp của Thầy Tổ, không thể thiếu được trong sinh hoạt Phật giáo. Thân Hữu Già Lam hết lòng vận dụng khả năng và phương tiện của mình để thực hiện và hỗ trợ những công tác văn hóa (như bảo trợ dịch thuật, trước tác, in kinh sách, thực hiện các tạp chí và trang lưới Phật giáo…) và những chương trình giáo dục cho Phật giáo nước nhà (cấp phần thưởng và học bổng cho tăng ni sinh xuất sắc, hỗ trợ xây dựng cơ sở trường lớp, v.v…).

“2) Từ Thiện Xã Hội là biểu hiện của từ bi. Đây là một trong muôn ngàn phương tiện cứu khổ ban vui. Nơi nào chúng sinh đau khổ, nơi ấy người con Phật xuất hiện. Vì lòng từ bi thương tưởng đến con người khổ bệnh, nghèo khó, Thân Hữu Già Lam hết lòng vận dụng khả năng và phương tiện của mình để thực hiện và hỗ trợ các chương trình an sinh và cứu tế xã hội (như cứu trợ và ủy lạo nạn nhân thiên tai, hỗ trợ các công tác y tế từ thiện như chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí, giúp chữa trị các căn bệnh nan y cho bệnh nhân nghèo, đào giếng công cộng cho những xóm nghèo, v.v…” (http://www.thanhuugialam.com )

Hội Thân Hữu Già Lam là một hội thân hữu bất vụ lợi, có giấy phép hoạt động của tiểu bang Califorinia, và liên bang Hoa Kỳ.  Thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đa phần đều là học Tăng của lớp Cao Cấp Phật Học tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, từ năm 1980 đến 1984.  Tất cả thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đều hiện đang sống và sinh hoạt Phật sự tại hải ngoại, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu, không có vị nào ở trong nước Việt Nam.  Lớp Cao Cấp Phật Học tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam do Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, làm Giám Viện. Chư vị Giáo thọ sư gồm: Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang (đương kim Đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN), Cố Đại Lão Hòa Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Hòa Thượng Thích Minh Châu, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đỗng Minh, Hòa Thượng Thích Minh Tuệ, Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Thích Nguyên Giác, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Giáo sư Nguyên Hồng Lý Kim Hoa. 

Như vậy, Hội Thân Hữu Già Lam được hình thành trong đạo tình thân hữu huynh đệ cùng học một trường, cùng thọ nhận ân đức giáo dưỡng của những bậc ân sư khả kính.  Vì muốn báo đáp thâm ân huấn dục của Thầy-Tổ, các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đã tự nguyện tự phát vận dụng khả năng nhỏ bé của mình để góp phần vào việc xây dựng và phát huy nền Phật Giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước qua hai lãnh vực:  Văn hóa giáo dục và Từ thiện xã hội.  Mọi công tác Phật sự trong lãnh vực văn hóa giáo dục và từ thiện xã hội của Hội Thân Hữu Già Lam đều được chính các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam tự hoạch định và thi hành. Các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đến với nhau trong tình thân hữu huynh đệ và không bao giờ mang theo mình bối cảnh hoạt động riêng tư của các giáo hội, hệ phái, môn phái vào trong sinh hoạt nội bộ của Hội Thân Hữu Già Lam. 

Thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam là những người đã từng sống trong hoàn cảnh điêu linh, đen tối và thống khổ của Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung dưới sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong các năm cuối của thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.  Trong thảm trạng của Phật giáo thời đó, việc tổ chức một trường cao cấp Phật học như Tu Viện Quảng Hương Già Lam là một nỗ lực đầy khó khăn và chướng nạn. Cũng chính vì khó khăn và chướng nạn như vậy mà nó có được cái giá trị đặc thù không gì sánh được!  Thâm cảm với chính kinh nghiệm bản thân, các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đã tự nguyện tự phát cùng nhau góp một bàn tay hỗ trợ cho các chương trình văn hóa và giáo dục Phật giáo có lợi ích lâu dài tại Việt Nam.  Một bằng chứng cụ thể là giữa năm 2005, khi trường Phật Học Từ Hiếu tại Huế (trong hệ thống của GHPGVNTN) phải bị dời về Chùa Linh Quang để cho chư Tăng Ni sinh tiếp tục chương trình học tập, nhưng cần phải có tài chánh để lo việc tu sửa và xây cất thêm phòng ốc cho việc giảng dạy và cư trú, các thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam ở Canada và Hoa Kỳ đã phát tâm hỷ cúng một số tịnh tài khoảng trên mười ngàn đô la cho công tác nói trên. 

Để hỗ trợ trực tiếp cho việc nâng cao phẩm chất của giáo sư và nội dung chương trình giảng dạy, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2006, Hội Thân Hữu Già Lam đã cử vị đại diện đứng ra mời hai vị giáo sư Phật tử đang giảng dạy tại Viện Đại Học thuộc tiểu bang California tại thành phố Santa Cruz và Viện Đại Học thuộc tiểu bang New York tại thành phố Albany về Học Viện Phật Giáo Việt Nam để tổ chức hội thảo về Hệ Thống Giáo Dục Tín Chỉ của nền Giáo Dục Hoa Kỳ.  Hội Thân Hữu Già Lam cũng đã góp phần tài chánh cho Quỹ Học Bổng Trí Thủ của Tu Viện Quảng Hương Già Lam và một số Phật Học Viện khác từ mấy năm nay để khuyến khích các Tăng, Ni sinh nỗ lực tu học.

Song song với việc hỗ trợ văn hóa giáo dục, Hội cũng đã đặc biệt quan tâm và xúc tiến các công tác từ thiện xã hội để cứu trợ nạn nhân trong các đợt thiên tai bão lụt.  Trong tinh thần đó, Hội Thân Hữu Già Lam đã thực hiện việc cứu trợ nạn nhân của hai cơn bão:  Một là cơn bão Xangsane vào tháng 10 năm 2006 tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam Đà Nẵng và Quảng Ngãi; hai là, cơn bão Durian vào tháng 12 năm 2006 tại các tỉnh miền Nam.  Tổng số tiền cứu trợ cho hai cơn bão nói trên là $26,200.00 USD (hai mươi sáu ngàn hai trăm đô la).

Hội Thân Hữu Già Lam từ trước đến nay chưa bao giờ đưa ra chủ trương “làm văn hóa thuần túy, giáo dục thuần túy” như một vài nhận định xuyên tạc.  Hội Thân Hữu Già Lam sở dĩ chưa bao giờ đưa ra chủ trương “làm văn hóa thuần túy, giáo dục thuần túy,” bởi vì chúng tôi nhận thức được rằng xã hội nhân loại hiện nay đang sống trong thời đại mà mọi lãnh vực hoạt động đều không thể nào tách ra khỏi những mối tương quan tương duyên trùng trùng lẫn nhau từ bình diện cá nhân, tập thể và xã hội cho đến quốc gia và quốc tế.  Chính vì thế mà sự kiện “toàn cầu hóa” đã được khởi sinh và ngày càng phổ quát.  Ngày nay, dù là hoạt động trong lãnh vực tôn giáo, như việc hoằng pháp độ sinh, thì cũng không thể nào tách khỏi ra được mối tương quan tương duyên với nhiều lãnh vực hoạt động khác như cơ cấu chính trị của xã hội, tình trạng giáo dục và bối cảnh văn hóa của con người, mức độ phát triển hay lạc hậu về kinh tế của xã hội, điều kiện an ninh về mặt xã hội và quốc phòng của đất nước sở tại, v.v…  Nếu “làm văn hóa thuần túy, giáo dục thuần túy” mang ý nghĩa rằng chỉ biết làm văn hóa, làm giáo dục và bỏ mặc mọi tình huống thống khổ của nhân sinh, xã hội thì đó không phải là nội dung của văn hóa và giáo dục Phật giáo. Nếu lên án việc “làm văn hóa, giáo dục thuần túy” là để cổ võ cho một thứ văn hóa và giáo dục nhằm phục vụ cho mục tiêu của tổ chức, của phe nhóm, của đảng phái nào đó bị thế tục hóa thì đó không phải là văn hóa và giáo dục Phật giáo đúng nghĩa. 

Hội Thân Hữu Già Lam quan niệm rằng làm văn hóa và giáo dục trong tinh thần đạo Phật là thực hiện sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp để cứu độ quần sinh. Điều ấy có nghĩa là chính văn hóa và giáo dục tự nó phải cưu mang đầy đủ nội dung của giác ngộ và giải thoát.  Chính vì thế, làm văn hóa và giáo dục là sứ mệnh, là trách nhiệm trọng đại mà mỗi Tăng, Ni và Phật tử đều phải thi thiết.  Như vậy văn hóa và giáo dục Phật Giáo là phương tiện để khai mở trí tuệ giác ngộ và giải thoát, đồng thời trang trải đức từ bi bao la trong mọi trái tim của con người.  Hay nói cách khác, văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội.  Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Trong ý nghĩa vừa nêu trên, văn hóa và giáo dục Phật giáo cưu mang khả tính khai phóng tâm trí của nhân sinh để nhận thức được giá trị nhân bản, giá trị làm người hướng đến mục tiêu cao thượng.  Đó cũng chính là nền tảng cho những giá trị phổ quát mà nhân loại hiện nay đang nỗ lực phát huy như tự do, dân chủ và nhân quyền.  Như thế, làm văn hóa và giáo dục đúng nghĩa của đạo Phật chính là thực hiện sứ mệnh hoằng truyền Chánh Pháp và mang lại lợi lạc lâu dài để cải thiện xã hội, chuyển hóa nhân sinh, xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước. 

Xã hội Việt Nam bao nhiêu năm qua, dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản, bằng chủ thuyết cực đoan duy vật, bằng đường lối đấu tranh giai cấp mạnh được yếu thua, bằng các chính sách xuyên tạc lịch sử, tiêu diệt di sản văn hóa, kiến thức và đạo đức tâm linh của tiền nhân, bằng con đường kinh tế tập trung để kiểm soát bao tử của người dân hầu chi phối tư tưởng và sáng tạo, đã biến đất nước Việt Nam thành xứ sở ngục tù tăm tối, nghèo đói và lạc hậu, đã triệt phá đến tận gốc rễ vốn liếng chất xám của thành phần trí thức. Gần đây với chính sách mở cửa đi vào con đường kinh tế thị trường, nhưng nền tảng xã hội đã bị mục nát, các giá trị văn hóa, tôn giáo, đạo đức tâm linh đã bị phá sản, cho nên càng mở cửa lại càng dẫn vào tình trạng hỗn loạn, nhiễu nhương! Trước thảm trạng ấy của xã hội và đất nước, công tác văn hóa và giáo dục Phật giáo trong tinh thần trí tuệ, khai phóng, tự do, từ bi, nhân bản và nhân quyền là những nhu cầu cần thiết và cấp bách.  Chính đây là phương thức kiến hiệu nhất để mở ra vận lộ mới tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc. 

Hơn nữa, thực tế xã hội Việt Nam ngày nay, số lượng tuổi trẻ sanh sau năm 1975 đã chiếm đến khoảng 60% dân số cả nước. Với một khối lượng thanh thiếu niên to lớn như vậy, vai trò giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.  Đặc biệt là Phật Giáo Việt Nam cần phải nhận định thật sáng suốt trách nhiệm của mình trước tiền đồ của dân tộc và đạo pháp mà thế hệ trẻ là thành phần chủ lực.  Phật Giáo Việt Nam nếu không gánh vác trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thì cũng đồng nghĩa là tự mình đóng kín cánh cửa đi vào tương lai.  Công tác giáo dục phải được thực hiện theo đúng chức năng và nội hàm của nó.  Chúng ta không thể cưỡng ép lý tưởng giáo dục với các công tác tranh đấu cho mục tiêu ngắn hạn. Thực hiện công tác giáo dục ở mọi thời đại không bao giờ là chướng ngại cho công tác tranh đấu giành độc lập và chủ quyền đất nước hay đòi quyền bình đẳng và tự do cho Phật giáo. Ngày xưa cha ông của chúng ta không phải vì tranh đấu chống ngoại xâm và nội thù mà dẹp bỏ công tác giáo dục và văn hóa.  Ngược lại, chính công tác văn hóa và giáo dục đúng nghĩa, thực hiện đúng chức năng đã là chất lượng tinh ròng và thuần khiết để giữ gìn giềng mối tổ tiên, lý tưởng cao cả của tiền nhân và con đường sáng chói của Đạo Pháp qua suốt hai ngàn năm lịch sử. Chủ nghĩa rồi cũng suy tàn, thể chế chính trị rồi cũng đổi thay, nhưng tri kiến và tâm huyết sắt son đối với đạo pháp và dân tộc do công tác văn hóa và giáo dục trưởng dưỡng sẽ còn được truyền thừa mãi đến ngàn sau. 

Vì nhận thức được một cách tinh tường ý nghĩa và mục đích cao cả của công tác văn hóa và giáo dục như vậy mà Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã nhận lời đứng ra đảm trách chức vụ Phó Viện Trưởng Điều hành Học Viện Phật Giáo Việt Nam và Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, chứ không phải như một số người xuyên tạc là làm lợi cho cộng sản hay làm công cụ cho chế độ.  Ngược lại, chúng tôi được biết Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã và đang mạnh dạn thực hiện công việc cải cách nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam.  Chẳng hạn, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã điểu chỉnh lại cơ cấu điều hành công tác giáo dục để từng bước tiến đến sự độc lập và tự trị của bộ phận giáo dục, nâng cao phẩm chất của giáo sư và nội dung chương trình giảng dạy, thực hiện chương trình giáo dục theo mô thức tín chỉ của hệ thống giáo dục hiện đại ở các nước phương Tây, tranh đấu để từng bước thực hiện việc tuyển sinh độc lập với các cơ chế như Giáo Hội và chính quyền, đồng thời mở rộng phạm vi và điều kiện cho các đối tượng tuyển sinh. So sánh với tình hình giáo dục suốt mấy thập niên qua thì đây là một bước ngoặt trọng đại đánh dấu sự chuyển mình sâu rộng của công tác giáo dục Phật Giáo, mà Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đang nỗ lực thực hiện.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được phép trình bày một đôi điều về tâm nguyện và hành trạng của bậc ân sư cao cả mà thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam lúc nào cũng kính ngưỡng, đó là Cố đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN.  Dù biết rằng, Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ chưa bao giờ có ý giải thích những việc làm của ngài, nhưng là những kẻ hậu học và thọ ân giáo dưỡng của ngài, chúng tôi không thể im lặng trước những lời xúc phạm đến một vị cao tăng suốt đời hy sinh cho đạo pháp và dân tộc. 

Trước thảm trạng điêu linh và thống khổ của đạo pháp và dân tộc, trong giai đoạn lịch sử đen tối nhất của những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Cố đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ vì hạnh nguyện của bậc cao Tăng đã hy sinh dấn thân vào con đường chông gai chướng nạn để thực hiện sứ mệnh cứu độ.  Ngài không nỡ để cho Phật Giáo Việt Nam bị vùi dập, bị lũng đoạn bởi thế lực chính trị hà khắc, không nỡ nhìn thấy chùa chiền bị đóng cửa, Tăng Ni bị xua đuổi không có chỗ để tu hành, không có nơi để học đạo, không nỡ nhìn quần chúng Phật tử hoang mang, hoảng sợ trước những hành động đàn áp thô bạo của chế độ đối với Phật giáo, không nỡ để cho vài cá nhân là đảng viên cộng sản mà mang danh Tăng sĩ dựa thế chính trị để mưu cầu đoạt lợi trong Phật Giáo.  Có lần, chúng tôi nghe Cố Hòa Thượng dạy bảo:  “Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc!”  Quả thật vậy, những người xúc phạm đến đạo hạnh của Cố Hòa Thượng đâu có biết rằng ngài đã phải một mình gánh chịu bao nhiêu bức bách và cũng đã thẳng thắn trực diện đương đầu với bộ máy chính trị tàn bạo của chính quyền cộng sản trong suốt thời gian ấy.  Chính tấm lòng trung trinh và hạnh nguyện sắt son của ngài đối với đạo pháp và dân tộc như vậy đã dẫn đến việc ngài bị bức tử trong bệnh viện Vì Dân bởi chế độ độc tài chuyên chính cộng sản đang có âm mưu tiêu diệt Phật Giáo. Việc Cố Hòa Thượng bị bức tử là một xác chứng minh bạch về đức hy sinh cao cả mà ngài đã cống hiến cho dân tộc và Phật Giáo Việt Nam! 

Giờ đây, người ta có thể, theo tầm nhìn của họ, để đưa ra những nhận định, những xuyên tạc, những buộc tội Cố đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ, đó là quyền tự do phát ngôn của mỗi người.  Nhưng, điều mà Tăng Ni và Phật tử Viêt Nam đã từng thọ ân giáo huấn của ngài, cũng như những ai sống và chứng kiến nỗi điêu linh và đen tối của Phật Giáo Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chắc chắn sẽ thâm cảm được tận đáy lòng bản nguyện sắt son: hoằng dương Chánh Pháp, tiếp độ Tăng Ni để phụng sự cho nền Phật Giáo Việt Nam của ngài. 

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng, Ni,
            Kính thưa chư thiện hữu tri thức và đồng hương Phật tử,

Tất cả thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam đều đã được hun đúc và trưởng thành trong cái nôi của GHPGVNTN trong và ngoài nước.  Dù hiện tại, trong thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam, có vị không phải đang phục vụ trong các cơ cấu của GHPGVNTN tại hải ngoại, vẫn một lòng trân quý cái nôi mà mình đã được huấn dục, đặc biệt đối với bậc tôn sư giáo thọ là đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang.  

Giáo pháp giác ngộ và giải thoát vi diệu của đức Thích Tôn sở dĩ đã được truyền bá sâu rộng trong cõi nhân gian này, bởi vì giáo pháp ấy chính là lương dược có công năng trị lành các chứng bệnh phiền não và khổ đau cho mọi loài chúng sinh trong mọi thời đại, mọi xứ sở.  Giáo pháp ấy được biểu hiện qua hai biểu tướng sáng chói là trí tuệ và từ bi, mà ngày nay nhân loại đang tìm đến như là giải pháp kiến hiệu để chữa lành căn bệnh trầm kha của thời đại.  Hội Thân Hữu Già Lam với tâm nguyện chí thành mong muốn thi thiết hai đức tính cao quý trí tuệ và từ bi ấy để phần nào báo đáp thâm ân hóa dục của Thầy Tổ và phần nào góp sức cho công cuộc cứu khổ tha nhân.  Đấy chính là tất cả những gì mà Hội Thân Hữu Già Lam đã, đang và sẽ thực hiện trong khả năng nhỏ bé của mình.  Kính mong chư Tôn Thiền Đức từ bi chứng giám và thiết tha mong chờ sự phát tâm hỗ trợ của chư thiện hữu tri thức và đồng hương Phật tử gần xa. 

Thành kính đảnh lễ chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni.
            Trân trọng kính chào chư thiện hữu tri thức và đồng hương Phật tử.

 

Escondido, ngày 10 tháng 10 năm 2007

TM. Hội Thân Hữu Già Lam

Hội Trưởng 

(ký tên)

Tỳ Kheo Thích Nguyên Siêu



 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.