.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi !

  VẤN ĐỀ GIÁO HỘI THỐNG NHỨT 10/2007


Những phiên tòa thô bạo thời đại

  • PSN - 13.11.2008 | Thích Viên Giáo

Ai cũng biết và ghê sợ tòa án dị giáo (inquisition) thời trung cổ. Ai cũng biết và ghê sợ các cuộc đấu tố và xử tử hàng loạt dưới thời quốc xã Đức cũng như các chế độ cộng sản của thế kỷ 20. Chẳng ai mà không đau lòng tiếc thương các nạn nhân vô tội, thấp cổ bé họng, đã phải đón nhận cái chết và tù đày một cách phi lý bất công, đồng thời cũng khinh bỉ, lên án những kẻ cuồng tín đã nhân danh lý tưởng này hay mục tiêu nọ, dùng bạo lực của mình để đàn áp, bịt miệng, xử án một cách bất công, bất minh đối với những người cô thế bị đặt trước vành móng ngựa.

Nay đã là thế kỷ 21, thời đại của tin học, những loại hình tòa án ấy, người ta nghĩ là không còn tồn tại. Nhưng nhìn sâu một chút tất sẽ thấy việc xử án qua thời gian đã thay đổi nhiều về hình thức, còn bản chất bất công, phi lý, tàn bạo thì đâu đó vẫn còn được thi hành, được công khai hoặc ngấm ngầm, cố ý hay vô tình ủng hộ. Đặc biệt là các vụ án liên quan đến tôn giáo hoặc quan điểm chính trị, chúng thường được trá hình tinh vi, nấp dưới những chiêu bài được tô vẽ bởi những mỹ từ càng lúc càng sáo rỗng: “bảo vệ giáo hội,” “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền”, vân vân.

Điều đáng buồn mà ít ai để ý là một mặt lên án những tòa án man rợ của những thế kỷ trước, mặt khác người ta lại tiếp tục nhân danh quyền lợi tối thượng của quốc gia hay tổ chức của mình, để luận tội và xử án kẻ khác, dù các bị cáo có mặt hay không có mặt. Như vậy, rõ ràng là về hình thức thì có thay đổi: không tùy tiện giết người. Nhưng bản chất thì chẳng khác: luận tội và kết án một cách thô bạo, rừng rú, không cho bị cáo cơ hội bào chữa, không cho bị cáo quyền có luật sư biện hộ, không cần vật chứng (material evidence), hồ sơ chứng liệu (documentary evidence) hay chứng nhân (witness) hợp lý gì cả.

Nói như trên, những người phật-tử sẽ liên tưởng ngay đến các phiên tòa trong nước xử án các vị lãnh đạo Phật giáo trong những năm sau 1975. Nhiều phiên tòa xử các nhà lãnh đạo Phật giáo xảy ra suốt thời gian 33 năm qua. Nhưng phiên tòa lớn nhất và gây nhiều ấn tượng nhất là phiên tòa xử án tử hình dành cho hai vị học giả, thiền sư Phật giáo là Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương vào năm 1988. Cùng ra tòa với hai vị này là hai học giả nổi tiếng khác: HT. Thích Đức Nhuận và Ni sư Thích nữ Trí Hải. Nhiều chính quyền, tổ chức nhân quyền, tôn giáo, thuộc các quốc gia, cũng như quốc tế, trong đó, đặc biệt là Amnesty International (Hội Ân Xá Quốc Tế), đã lên tiếng can thiệp mạnh mẽ để áp lực nhà cầm quyền CSVN xóa bản án tử hình cho các vị này. Trong khi đó, hai bị cáo bị án tử hình là Trí Siêu và Tuệ Sỹ đều khẳng khái trước vành móng ngựa của chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng đón nhận cái chết, không kháng án, và tuyên bố thẳng là “không ai có quyền xét xử chúng tôi.”

Mười năm sau, ngày 01.9.1998, hai vị này được trả tự do sau hơn 14 năm ngồi tù. Một vị chọn con đường văn hóa, giáo dục, viết sử Phật giáo, để thay đổi và thăng tiến xã hội; một vị được đích thân HT. Thích Huyền Quang (Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo) và HT. Thích Quảng Độ (Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo) mời tham gia công cuộc phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Báo chí truyền thông của người Việt tị nạn khắp nơi bấy giờ ca tụng người tù Tuệ Sỹ như là một biểu tượng tuyệt vời của cao trào đấu tranh cho tự do dân chủ. Ông Võ Văn Ái, lúc đó cũng mới chính thức tham gia GHPGVNTN được vài năm, đã mau mắn lấy hẹn phỏng vấn TT. Tuệ Sỹ, sau đó, đăng bài phỏng vấn này lên tờ Quê Mẹ, số 147, tháng 9 & 10, 1998, trang 16, với tựa đề là chính câu nói của TT. Tuệ Sỹ “Tôi đã tuyệt thực 10 ngày để tự khẳng định mình: không ai có quyền xét xử tôi, thì không ai có quyền ân xá.” Lời mở đầu của tòa soạn do ông Võ Văn Ái viết, giới thiệu TT. Tuệ Sỹ một cách trân trọng, cung kính như sau: “Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, triết gia, học giả, giáo sư đại học, một luận sư Trung quán... Tác giả của nhiều bộ sách ấn hành trước năm 75 tại Sàigòn gây chấn kích trong lòng người đọc, như “Trung Quán Luận”, “Tô Đông Pha, một phương trời viễn mộng”, ... Những tù nhân chính trị từng sống chung với Thượng Tọa qua các trại giam đều đồng thanh tôn vinh con người đạo hạnh, gương mẫu, khí phách, đóng vai đại sư an ủy và nâng đỡ tinh thần họ... Nhân cách Đạo sư ấy, tinh thần vô úy ấy, uy dũng nói lên sự thật ấy, bất chấp hiểm nguy cho thân mạng, thể hiện trước phiên tòa năm 1988, và nay sau 14 năm khổ sai, ngay ngày đầu vừa bước ra khỏi ngục tù, lại một lần nữa thể hiện qua cuộc điện đàm đầu tiên phát biểu ra nước ngoài hôm 4.9.98, mà chúng tôi xin đăng tải sau đây làm quà Bạn đọc... Không phải một món quà thông tin, như hàng chục nghìn bản tin chộn rộn mỗi ngày trên màn ảnh vi tính của internet, của E.mail đâu. Đây là Tiếng Nói siêu việt mọi nguồn thời sự thế gian, mọi tranh chấp chính kiến, mọi rấp ranh âm mưu. Tiếng Nói ấy hòa nhập với Tiếng Nói muôn thuở của Quê hương ta và Nòi giống Con người, mỗi khi đối diện với Dối trá, Tàn bạo, Phi nhân, Vô minh. Tiếng Nói của sự Chân Thật. Tiếng Nói Người dõng dạc, thanh cao trước muôn tiếng thú hú gào tru tréo.”

Con người được ông Võ Văn Ái ca tụng là “đạo sư khí phách,” ấy, được giáo hội mời làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo liền sau đó, và đến năm 2003, lại được HT. Thích Huyền Quang và Hội đồng Lưỡng viện công cử làm Phó viện trưởng. Ấy thế mà chỉ trong vòng hai năm sau khi giữ chức Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kẻ tử tội của tòa án xã hội chủ nghĩa này đã bị loại trừ một cách vi hiến khỏi GHPGVNTN qua Giáo chỉ số 2, ngày 29.11.2005. Kể từ đó, ông trở thành “tội nhân” trường kỳ của các tòa án truyền thông báo chí, được khởi động, khích động và huy động một cách có sách lược bởi Văn Phòng II Viện Hóa Đạo (VPII VHĐ), mà chủ chốt của chiến dịch đấu tố này là ông Võ Văn Ái.

Ngoài TT. Tuệ Sỹ, Giáo chỉ số 2 cùng lúc còn loại trừ 4 vị khác và sau khi Giáo chỉ này được loan báo, tức khắc thêm 2 vị khác nữa từ chức, tổng cộng là 7 vị trên tổng số 13 vị (quá bán) thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo. Đây là một quyết định sai lầm tai hại cả về sách lược lẫn chiến thuật mà không một tổ chức đấu tranh nào, dù chỉ đấu tranh bất bạo động, dưới chế độ độc tài Cộng sản dám phạm phải, nếu không muốn tự hủy diệt. Nhà nước Cộng sản Việt Nam có thể không thừa nhận Giáo Hội Thống Nhất trên phương diện pháp lý, không cho Giáo Hội này thực hiện bất cứ sinh hoạt nào trong xã hội, nhưng chắc chắn họ không thể nào ngăn cản được sự đoàn kết nhất tâm của các thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo. Chính sự đoàn kết, nhất tâm này đã tạo thành một thứ nội lực giúp  Giáo Hội trong nước tồn tại, vững mạnh và vượt qua được những âm mưu triệt hạ của Nhà nước Cộng sản Việt Nam mà cuộc tiếp kiến trang trọng của Thủ tướng Nhà nước CSVN đối với người tù Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Viện Tăng Thống năm 2003 là một minh chứng. Do đó, với Giáo chỉ số 2, Viện Hóa Đạo đã tự phế bỏ nội lực của chính mình và tạo nguy cơ hủy diệt của Giáo Hội.

Cái sai lầm và vi hiến của Giáo chỉ số 2 năm 2005 sở dĩ không tạo nên phản ứng mạnh mẽ lan rộng đối với truyền thông báo chí bên ngoài mà chỉ ảnh hưởng trong nội bộ Phật giáo là do TT. Thích Tuệ Sỹ im lặng, nhập thất thường xuyên để phiên dịch và hiệu đính Đại Tạng Kinh Việt Nam; mặt khác, chư tôn đức trong Ban Chỉ Đạo VHĐ đã đồng loạt từ chức để bày tỏ sự bất mãn đối với Giáo Chỉ số 2, cũng ẩn nhẫn, không hé một lời. Nhưng khi sự sai lầm và vi hiến này được lặp lại lần nữa qua Giáo chi số 9, ngày 08.9.2007, giải tán toàn bộ các giáo hội PGVNTN hải ngoại và bị phản ứng quá mạnh từ Tăng Ni và phật-tử khắp nơi, VPII VHĐ hoảng hốt, không thể đối phó và giải thích thỏa đáng được với dư luận quần chúng, nên đã nỗ lực tập trung tất cả thời gian của họ để mở các phiên tòa xử án khiếm diện Tuệ Sỹ, trút hết tội lỗi cho “tội nhân” này.

Các phiên tòa xử án này được trá hình trong hình thức “họp báo,” “hội thảo,” “khóa tu học,” dựa vào các lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Tết, Đại hội Thường Niên, Đại hội Khoáng Đại, Đại hội Bất thường, vân vân, thậm chí trong Lễ Thọ Tang, Lễ Bách Nhật của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, do VPII VHĐ tổ chức. Tại châu Âu và châu Úc thì VPII VHĐ không dám tổ chức gì ngoại trừ mượn đường dây của báo chí hay đài phát thanh để “giải độc” cho mình và “đấu tố” Tuệ Sỹ. Chỉ có ở Canada và Mỹ thì VPII VHĐ có thể vay mượn tinh thần chống Cộng của các tổ chức và hội đoàn chính trị thế tục để giải quyết vấn đề của GHPGVNTN mà VPII VHĐ là thủ phạm phá nát.

Điểm buồn cười và trớ trêu là chuyện của giáo hội mà không tạo được cơ hội nào để nói chuyện với Tăng Ni và phật-tử mà chỉ có thể tìm đến các tổ chức chính trị thế tục. VPII VHĐ thường đổ lỗi là vì đa số Tăng Ni và cư sĩ đã “biến tướng” thỏa hiệp với cộng sản, chỉ còn một thiểu số trung kiên với giáo hội, được coi là “tinh túy”, có ít mà trung kiên còn hơn nhiều mà phản loạn! Chính vì bi cô lập, mất niềm tin nơi quần chúng nên khi VPII VHĐ tổ chức các buổi “hội thảo”, “khóa tu”, “họp báo”, không có Tăng Ni và phật-tử Việt Nam thuần túy tham dự mà chỉ thấy đại diện các tổ chức chống Cộng, hội đoàn thuộc cộng đồng tị nạn. Vậy mà nếu có được 100 người đến dự thì thổi phồng thành 200, có được 300 thì thổi lên thành 600! Đã nói là không cần nhiều, chỉ cần chuyên ròng, thế mà lúc nào cũng cố gắng khuếch đại nhân số tham dự, cho là sự thành công của buổi hội thảo hay họp báo ấy!

 

PHIÊN TÒA CỦA VĂN PHÒNG II
VIỆN HÓA ĐẠO TẠI TORONTO, CANADA, 10.8.2008 

Điển hình là buổi hội thảo ngày 10 tháng 8 năm 2008 tổ chức tại thư viện Parkdale, Toronto, Canada, được quảng cáo rầm rộ, rình rang để mời đồng bào tham gia, sau đó được ghi lại là rất thành công! Nhiếp ảnh gia kiêm MC của buổi hội thảo này là ông Đặng Tấn Hậu đã cố gắng dùng góc độ rộng để chụp, mà cũng chỉ thấy lưa thưa dăm bảy chục người.

Chủ đề của buổi hội thảo này là “Hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau ngày Lễ Vesak LHQ 2008 và sau ngày Đức Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch”. Buổi hội thảo được tổ chức nhằm dịp lễ Vu Lan, mùa báo hiếu và Tự tứ theo truyền thống Phật giáo, cũng nhằm vào dịp Đức Đệ Tứ Tăng Thống vừa viên tịch như đã nêu trong chủ đề. Theo thời điểm và ý nghĩa của hai dịp này mà nói, 1) Lễ Tự tứ (Pravàranà): trong lễ này, tăng ni thỉnh cầu đại chúng nếu thấy, nghe và nghi mình có lỗi hay khuyết điểm gì thì thẳng thắn chỉ giáo để đương sự sám hối, nguyện không tái phạm; 2) Báo ân: bao gồm báo hiếu cha mẹ, sư trưởng, quốc gia và chúng sinh; 3) Tưởng niệm Đức Tăng Thống. Với 3 ý nghĩa quan trọng và cảm động nói trên, buổi hội thảo do HT. Thích Thiện Tâm và TT. Thích Giác Đẳng đại diện VPII VHĐ tổ chức, có biểu lộ được gì hay không? Xin trả lời thẳng:

-     Trong tinh thần Tự tứ, mong cầu được người khác nói lỗi của mình để mình có thể sửa sai, sám hối, thì hai vị tỳ-kheo Thiện Tâm và Giác Đẳng đã làm trái ngược lại bằng cách, luận tội, gièm pha các vị trưởng lão tỳ-kheo (trong đó có vị đã viên tịch như HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Thiện Siêu), cũng như vu khống, kết án khiếm diện các tập thể tỳ-kheo khác (chư tôn đức Tăng Ni thuộc Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, Giáo hội PGVNTN Hải ngoại tại Canada, Hội Thân Hữu Già Lam) trước ống kính và máy vi âm của báo chí, truyền thanh, truyền hình địa phương.

-     Trong tinh thần báo ân nhân mùa Vu Lan, hai vị tỳ-kheo Thiện Tâm và Giác Đẳng đã không ủy lạo, khuyến khích quần chúng phật-tử lo việc hiếu nghĩa, tu tập để đền đáp bốn ân nặng như lời Phật dạy, mà lại chụp mũ cộng sản cho các tỳ-kheo khác để khích động tâm sân hận của những người tị nạn, tạo sự nghi kỵ và thù ghét của khối người này đối với các tỳ-kheo không có mặt tại hội trường để đối chứng.

-     Trong đạo tình tri ân Đức Tăng Thống vừa viên tịch và sắp đến ngày lễ chung thất của ngài, hai tỳ-kheo Thiện Tâm và Giác Đẳng đã không thuần túy biểu lộ sự nuối tiếc kính thương đối với bậc cao tăng lãnh đạo, mà chỉ lợi dụng danh nghĩa ngài để giải thích về lý do ban hành Giáo chỉ số 9, gán cho ngài là tác giả văn bản sai lầm và tai hại này; chung qui là chạy tội, giải độc cho bản thân và kết án các tỳ-kheo khiếm diện khác.

Chú thích hình ảnh: Hội thảo về hiện tình Phật giáo, nhưng nội dung chính là đấu tố khiếm diện một số cao tăng đã viên tịch cũng như luận tội Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, TT. Tuệ Sỹ, GHPGVNTNHN-Canada, Thân Hữu Già Lam, vân vân (hình của Đặng Tấn Hậu đăng trong bài “HỘI THẢO PHẬT GIÁO TẠI TORONTO VÀO NGÀY CHỦ NHẬT 10 THÁNG 8, 2008 TẠI THƯ VIỆN PARKDALE”)

Điểm chung của các buổi hội thảo và họp báo về “hiện tình GHPGVNTN” do VPII VHĐ tổ chức là:

-     giải thích một cách ngụy biện về giáo chỉ số 9 (mượn danh nghĩa Đức Tăng Thống), che giấu Thông bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo chỉ số 9 do HT Viện trưởng ban hành (vì chính Thông bạch này mới là văn bản cho thấy rõ ràng sự sai lầm, vi hiến của VHĐ nhằm giải tán toàn bộ các giáo hội tại hải ngoại);

-     chạy tội cho VPII VHĐ bằng cách vu khống và chụp mũ cộng sản lên đầu TT. Tuệ Sỹ cùng những người liên hệ; sách động những người chống Cộng hướng mũi tấn công vào tăng ni và phật-tử không cùng quan điểm;

-     đưa ra chiêu bài chống Cộng để lôi kéo sự ủng hộ của các tổ chức chính trị, khỏa lấp sự hụt hẫng và cô lập của VPII VHĐ đối với Tăng Ni và phật-giáo đồ Việt Nam;

-     công khai luận tội và kết án tăng ni một cách bất công, không bằng chứng trước báo chí truyền thông và các tổ chức chính trị thế tục để chứng minh mình đúng.

Với chủ trương chạy tội cho mình và trút tội cho kẻ khác một cách trắng trợn như thế, VPII VHĐ nghĩ là có thể lấp liếm qua mặt quần chúng và lịch sử, nhưng họ đã lầm. Càng cố gắng chống chế, ngụy biện, họ càng bị khinh thường bởi giới trí thức và phật-tử hiểu chuyện. Mặt nạ và nanh vuốt tàn độc giảo quyệt của họ đã bị lột ngay chính ở những phiên tòa do họ dựng nên. Bởi vì người trí sẽ không ai tán thưởng một phiên tòa rừng rú mọi rợ chỉ có những phán quan cùng những công tố viên, bồi thẩm đoàn và một số quần chúng được khích động bằng ngọn lửa của sân hận. Nếu không chấp nhận những bản án từ những phiên tòa bất công của thời trung cổ, quốc xã, đấu tố địa chủ và cộng sản, tất sẽ không thể nào chấp nhận những phiên tòa ngụy trang họp báo, hội thảo về hiện tình GHPGVNTN, mà kỳ thực là đấu tố và kết tội những kẻ vắng mặt, đặc biệt là kẻ tử tội Tuệ Sỹ, người đã im lặng suốt nhiều năm trước những vu khống, chụp mũ rẻ tiền và hèn mạt.

Hãy khoan nói về nội dung và chứng liệu mơ hồ mà những “phán quan” này dùng để luận tội kẻ vắng mặt. Chỉ nội ở một điểm là tấn công, bêu xấu, nhục mạ người vắng mặt, nói thẳng là đánh sau lưng kẻ khác, đã là một hành vi hèn hạ, tiểu nhân rồi.

 

HỌP BÁO CHÙA ĐIỀU NGỰ, 19.10.2008,
HAY PHIÊN TÒA ĐẤU TỐ TT. TUỆ SỸ?

Bây giờ hãy đi sâu vào “phiên tòa” xử án kẻ tử tội Tuệ Sỹ trá hình dưới chiêu bài họp báo và Lễ An Vị Phật Chùa Điều Ngự. Ở đây, vì trong phiên tòa vắng mặt “bị cáo”, cũng không có thân nhân hay luật sư biện hộ của “bị cáo”, mà chỉ có “chánh án” là các thành viên VPII VHĐ, các “công tố viên” cũng là thành viên VPII VHĐ cùng một số tay chân cò mồi thuộc vài tổ chức chính trị hữu danh vô thực của cộng đồng, và bồi thẩm đoàn là một số đệ tử thân tín của nhà sư tội phạm hình sự Chùa Như Lai (HT Thích Chánh Lạc) và TT. Thích Viên Lý cùng với vài cơ quan báo chí truyền thông của ngoại đạo, cho nên hãy xem đây như là thứ tòa án nhân dân theo mô thức đấu tố địa chủ của thập niên 1950 tại Bắc Việt. Và chính vì “bị cáo” không có mặt để đối chứng, biện minh, cũng không có luật sư nào cần thiết có mặt để biện hộ, hãy tạm lấy “công luận” để bày tỏ những gì có thể nói được, không phải để nói thay cho bị cáo vắng mặt — vì năm 1988 bị cáo này từng tuyên bố trước tòa án cộng sản là “không ai có quyền xét xử tôi, hãy để lịch sử phán xét” — mà chính là nói cho những người vô tình chứng kiến hoặc đọc phải những bản cáo trạng man rợ được phát đi sau phiên tòa này.


Tòa án “nhân dân” đấu tố địa chủ năm 1955 tại Bắc Việt
(hình của Dmitri Baltermants, trích lại từ Thế Giới Người Việt.Net)

phóng lớn
Họp báo, hay phiên tòa đấu tố khiếm diện “bị cáo” Tuệ Sỹ?
(hình trích từ Voices of Áo Lam)

Hãy nghe “công tố viên” Giác Đức luận tội TT. Thích Tuệ Sỹ trong YouTube – 2008-10-19 Họp báo & An vị Phật ở Chùa Điều Ngự, đoạn phim thứ 6 trong tổng cộng 26 đoạn, chính xác bắt đầu ở vào phút 8:24, do Thanh Niên Cờ Vàng thâu hình, thâu âm và phổ biến:

http://www.youtube.com/watch?v=2-lVM7d6dxI

Xin ghi âm đoạn này, lời của ông Giác Đức như sau: “Và bây giờ xin được phép tiết lộ: có ra bằng ấy điều là do…  tôi xin trích nguyên văn của Thông cáo Báo chí trong cái bài gần đây mà Phòng Thông Tin (Phật giáo Quốc Tế do ông Võ Văn Ái làm giám đốc – chú của người viết) phổ biến có cái gọi là ‘Âm mưu của Thượng Tọa Tuệ Sỹ’.”

Công luận: Phản đối! Chỉ một bài trích từ Thông cáo Báo chí do Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phổ biên không thể có giá trị như là chứng liệu phạm tội của bất cứ ai, nhất là Tuệ Sỹ, người mà ông Võ Văn Ái và VPII VHĐ cố tình gán ghép những âm mưu và ý đồ thỏa hiệp cộng sản suốt ba năm qua mà chưa có bằng chứng nào xác đáng và cụ thể. Tác giả bài viết là Lê Nguyễn Minh Đức gửi ông Võ Văn Ái đăng mười ngày trước khi có buổi họp báo này để VPII VHĐ có cớ luận tội. Công luận đã yêu cầu VPII VHĐ minh xác lai lịch và vai trò của Lê Nguyễn Minh Đức trong GHPGVNTN (qua bài viết “Nội gián trong VHĐ GHPGVNTN”) mà VPII VHĐ đã ngọng câm, không thể trả lời thì không thể dựa vào bài viết vu vơ dựng chuyện của tác giả nặc danh này để kết tội người khác. 

Đoạn tiếp theo, vào phút 8:39, “công tố viên” Giác Đức nói: “Thượng Tọa Tuệ Sỹ nói với Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống HT Thích Thiện Hạnh: “Ôn cứ cầu nguyện cho chúng con đi, để con với Thát, Thát tức là Lê Mạnh Thát, làm việc thành công; Ôn cứ từ chức đi, con với Thát mà làm việc thành công rồi thì lúc đó sẽ mời Ôn ra lại. Ôn nghỉ đi.”

Công luận: Phản đối! Thượng Tọa Tuệ Sỹ nói với HT. Thiện Hạnh vào lúc nào, ở đâu, có ai làm chứng? Làm sao tác giả Lê Nguyễn Minh Đức nghe được? HT. Thiện Hạnh có dám đối chất với TT. Tuệ Sỹ về sự việc này hay không? Nếu không có việc đối chất với kết luận có xác minh của hai người trong cuộc, không ai có tư cách bàn nói hay luận tội. 

Giác Đức tiếp: “Nghỉ đi theo Giáo hội Thống Nhất đi, xóa hết Giáo hội đi, rồi thì Tuệ Sỹ với Thát cộng tác với ai đó, quý vị thông minh thì biết, để xóa hết Giáo hội Thống nhất. Lúc đó sẽ mời Ôn Thiện Hạnh ra lại.”

Công luận: Phản đối! Đối thoại giữa TT. Tuệ Sỹ và HT. Thiện Hạnh được kể lại bởi tác giả nặc danh Lê Nguyễn Minh Đức (người không có vai trò hay trách nhiệm gì trong giáo hội) không có bằng chứng ghi âm, thu hình, không có người chứng, nên không thể làm chỗ y cứ để đưa ra bất cứ một kết luận nào. Ngay cả trường hợp cuộc đối thoại này có thật thì nội dung đối thoại này cũng không thể dẫn đến kết luận “cộng tác với ai đó” hoặc “xóa hết Giáo hội Thống nhất.”

Giác Đức lại tiếp, một cách trơn tru, thuộc lòng: “Ôn Thiện Hạnh là người có lương tâm, cho nên đem cái việc ấy đi thẳng vào Sài Gòn, họp với Hòa thượng Viện trưởng, và triệu tập Hội đồng Lưỡng viện, và thảo ra kiến nghị trình lên đức Tăng Thống. Họp ngày 22 tháng 8, và đến khi trình lên đức Tăng thống là đúng ngày mồng 8 tháng 9, đức Tăng Thống hạ lệnh thảo giáo chỉ số 9. Giáo chỉ số 9 đưa ra rồi thì vội vàng lựa chọn được 14 vị…”

Công luận: Hoang đường! Người có lương tâm mà không thảo luận, dùng lời khuyên nhắc (nếu thực sự là có chuyện đối thoại xảy ra và nghĩ là người kia sai lầm) để tìm hiểu thực hư lại âm thầm “đi thẳng vào Sài Gòn,” báo cáo với cấp trên, triệu tập Hội đồng Lưỡng viện sau lưng kẻ mình tố cáo ư? Hội đồng Lưỡng viện họp ngày 22.8.2007 có đủ các thành viên hay không? Các thành viên Hội đồng Lưỡng viện đang hành đạo tại hải ngoại có được mời để tham khảo và thông qua các quyết định của buổi họp này không? Có biên bản của buổi họp Hội đồng Lưỡng viện không? Thành phần tham dự đủ túc số 2/3 hay không? HT. Thiện Hạnh là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống có trách nhiệm gì mà viết bản phúc trình thay cho Viện Hóa Đạo? Bản phúc trình của HT. Thiện Hạnh ký ngày 08.9.2007 từ Huế, đang bị bao vây (từ ngày 26.8 đến 8.9.2007 theo phúc trình, nguyên văn “Công an chìm, nổi một lực lượng hùng hậu, bao vây chặt chẽ các Chùa thuộc GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, ở Chùa Báo Quốc càng đông đảo hơn từ đó đến nay…”) thì làm sao trình lên Đức Tăng Thống ở Bình Định cùng ngày 8.9.2007, để rồi Đức Tăng Thống “hạ lệnh thảo giáo chỉ số 9”? Hạ lệnh “thảo” giáo chỉ thì lập tức có ngay giáo chỉ chính thức ký cùng ngày 8.9.2007 luôn sao? Một giáo chỉ quan trọng giải tán toàn bộ hệ thống tổ chức giáo hội hải ngoại mà chỉ dựa vào một bản phúc trình cá nhân của Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống để “thảo” rồi ký vội vàng, ban hành cấp tốc cùng trong một ngày 8.9.2007 hay sao? Thế rồi “Giáo chỉ số 9 đưa ra rồi thì vội vàng lựa chọn được 14 vị…” Một chuyển biến quan trọng của giáo hội như thế đã được diễn ra một cách vội vàng, hấp tấp, trong vòng một ngày, không đủ thời gian để suy nghĩ hay thảo luận, chứng tỏ cái gì? - Là kết quả của sự hoảng loạn chết nhát của những kẻ không hề được un đúc tinh thần vô úy của tăng sĩ Phật giáo và lãnh đạo giáo hội! Chỉ nghe một bản phúc trình đầy tính cá nhân, cục bộ, là cả một triều đình hoảng hốt đóng cửa họp kín, họp riêng, dẫm lên hiến pháp hiến chương, vội vã đưa ra ngay quyết định của thiểu số, giải tán hết mọi tổ chức giáo hội tại hải ngoại. Để làm gì? Để cứu giáo hội ư? Hay là cứu lấy địa vị cá nhân huyễn mị của chính mình?

Và đây là câu kết luận của “công tố viên”, vừa chuyển thành “quan tòa” Giác Đức ở phút 0:30, trong đoạn kế tiếp: “Cuộc nói chuyện giữa Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, đó là nguyên nhân của ba điều làm lung tung ở hải ngoại.”

Công luận: Thật là vô lý, bậy bạ! Ông Giác Đức có phải là người con Phật không mà hồ đồ, vô sỉ đến thế? Cuộc nói chuyện giữa hai người ấy, có phải là do chính miệng HT. Thiện Hạnh kể không hay chỉ do Lê Nguyễn Minh Đức dựng chuyện viết ra theo đơn đặt hàng của ông Võ Văn Ái? Đã có sự xác nhận của HT. Thiện Hạnh chưa? Có đối chất giữa TT. Tuệ Sỹ và HT. Thiện Hạnh chưa? Nếu chỉ một mình Lê Nguyễn Minh Đức viết ra mẩu đối thoại này thì có đáng tin không? Nếu chỉ một mình HT. Thiện Hạnh kể lại câu chuyện này thì có đáng tin không? Có thể lấy một câu chuyện đối thoại viết bằng máy vi tính, độc quyền đăng trên Thông cáo báo chí của ông Võ Văn Ái (và được tiếp tay phổ biến bởi các các websites và blogs của thuộc hạ VPII VHĐ) làm bằng chứng để luận tội, kết tội TT. Tuệ Sỹ không? Phải chăng “phiên tòa” này lợi dụng cá tính của TT. Tuệ Sỹ là không thích đôi co với kẻ tầm thường, không thèm cải chính biện hộ với những vu khống, hàm hồ của kẻ tiểu nhân, cũng như biết rằng suốt mấy năm qua TT. Tuệ Sỹ im lặng đóng cửa, chỉ lo dịch kinh sáng tác, nên muốn gán cho tội gì thì gán, đúng sai gì cũng chẳng ai biết!? Một lời nói vu vơ của một kẻ bá vơ chẳng ai biết (Lê Nguyễn Minh Đức) lại có thể làm chứng liệu cho công tố viên và quan tòa luận tội, kết tội kẻ vắng mặt hay sao? Vậy phiên tòa này là thứ phiên tòa gì, có khác gì các phiên tòa thời trung cổ, quốc xã, đấu tố địa chủ và cộng sản hay không?

Bây giờ hãy nghe vị công tố  viên kiêm quan tòa khác: Võ Văn Ái, cũng trong YouTube - 2008-10-19 Họp báo & An vị Phật ở Chùa Điều Ngự, đoạn phim thứ 7:

http://www.youtube.com/watch?v=lqoKg3afQrY&feature=related

Ông Võ Văn Ái đứng trước cử tọa và ống kính của báo chí, truyền thanh, nói ba hoa như chỗ không người. Coi như chỗ không người vì ông quá khinh thường người nghe, nghĩ là những dối trá, ngụy biện của mình sẽ không bị ai phát hiện. Ông nói thật nhiều về Giáo chỉ số 9 mà đáng ra không cần tốn thời gian để bàn ở đây, nhưng vì luận điểm của ông và VPII VHĐ đều qui kết nguyên do có Giáo chỉ này là từ “âm mưu của TT. Tuệ Sỹ”, cho nên không thể không nói.

Tiếp lời ông Giác Đức, ông Võ Văn Ái nói (phút 2:04): “Nói về Giáo chỉ số 9 thì chúng ta có thể kết luận rằng Giáo chỉ số 9 không có chia rẽ Phật giáo. Giáo chỉ số 9 chỉ phân biệt đâu là vàng, đâu là thau, chứ không có chia rẽ Phật giáo.”

Công luận: Đúng! Nhưng xin hỏi lại, ai là vàng, ai là thau? Nếu là vàng thì có cần phải tổ chức bao nhiêu buổi hội thảo, họp báo suốt hơn một năm qua để giải thích và quảng cáo thực chất vàng ròng của nó không? Nếu là vàng ròng thì có cần phải tập trung toàn lực và toàn thời gian để bảo vệ tính chất của nó và miệt thị, vu khống, chê bai những loại thau khác không?

Còn nói Giáo chỉ số 9 không chia rẽ Phật giáo thì cớ sao từ khi giáo chỉ này được ban hành thì VPII VHĐ lập tức trở thành một nhóm thiểu số không còn liên lạc hay phối hợp được với bất kỳ tổ chức Phật giáo hoặc cá nhân Tăng Ni nào khác? Ngược lại, chính VPII VHĐ còn mở những chiến dịch công kích, bôi nhọ, phá hoại Tăng Ni, cung cấp cho ngoại đạo những cụm từ hỗn xược vô lễ để phỉ báng hàng Tăng bảo, khích động những tổ chức chính trị thế tục và ngoại đạo hùa nhau vu khống, chụp mũ các vị lãnh đạo Phật giáo qua báo chí, websites, tổ chức những cuộc biểu tình dơ bẩn thiếu văn hóa để phá rối các đại lễ và khóa tu học của các tổ chức Phật giáo khác, lập các “tòa án dị giáo” qua những buổi họp báo và hội thảo để giải độc cho mình và trút tội cho kẻ khác! Hãy tự kiểm lại mình, đâu là vàng, đâu là thau? Ai chia rẽ Phật giáo?

Ông Võ Văn Ái tiếp (từ phút 2:57 đến 6:30): “Giáo chỉ số 9 do Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8 tháng 9 năm ngoái, và sau đó ngày 25 tháng 9 năm ngoái, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ban hành Thông bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo chỉ số 9. Thì trong hai cái văn kiện đó, quả là có hai cái chữ ‘giải tán’, và phe đối phương đã dùng hai chữ ‘giải tán’ đó để vu cáo giáo hội chia rẽ. Thực ra giải tán là giải tán cái gì?... (bỏ bớt một đoạn nói về lý do thành lập VPII VHĐ qua Quyết Định số 27 năm 1992) Sang đến năm ngoái, khi mà trong vòng hai tháng rưỡi, 600 tờ báo và những cơ quan truyền thông báo chí, vu cáo GHPGVNTN và đặc biệt là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thì Đức Tăng Thống nghĩ rằng sẽ có một cuộc chiến dịch nước lũ để tiêu diệt giáo hội trong nước, thành ra ngài mới ban hành cái giáo chỉ số 9 để thiết lập Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, cũng do ngài ký năm 1992 và năm 2007. Nhưng mà lần này VPII VHĐ trực thuộc Viện Hóa Đạo trong nước chứ không trực thuộc Giáo hội tại Hoa Kỳ. Đó là cái chỗ khác nhau. Thành ra cái chữ ‘giải tán’ trong hai văn kiện là nói giải tán cái cơ chế cũ để hình thành cơ chế mới. Nhưng mà những cái người mà phá hoại giáo hội, phá hoại Phật giáo thì dùng cái chữ ‘giải tán’ để nói rằng ‘à, cái giáo chỉ số 9 nó giải tán tất cả các giáo hội tại hải ngoại, nó khai trừ một số chư tăng và cư sĩ’ thì đó là cái sự vu cáo chứ không có thực.”

Công luận: Ngụy biện! Phát biểu trước quần chúng và truyền thông báo chí như vậy là bịp bợm, che mắt thiên hạ một cách trắng trợn. Hai văn kiện của Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo được dẫn chứng ở đây đã không được đọc, phân phát hoặc niêm yết để cử tọa có thể theo dõi, đối chiếu, kiểm chứng. Do đó, tất cả những lời giải thích và vu cáo người vắng mặt trong phiên tòa này đều là ngụy biện, gian trá.

Còn nói rằng cả hai văn kiện đều có chữ ‘giải tán’ là sai! Hai văn kiện ấy VPII VHĐ đã ‘soạn thảo’ và đọc lại bao nhiêu lần, giải thích nhiều bận qua các bài viết và những buổi hội thảo, là điểm thứ nhất trong Quyết nghị 9 điểm của Đại hội thường niên vừa tổ chức tuần trước, 10, 11 & 12.10.2008 (Triệt để thực hiện và phát huy Giáo chỉ số 9 của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007, Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ phổ biến ngày 25.9.2007…), vậy mà không biết rằng Giáo chỉ số 9 không hề nói việc ‘giải tán’ hay sao? Chính văn kiện mà VPII VHĐ đưa lên làm “yếu sách” nền tảng của tất cả các sinh hoạt mà còn mơ hồ, không nắm vững thì làm sao có thể vin vào đó để luận giải đúng-sai, kết án những kẻ vắng mặt khác! Quần chúng tham dự họp báo không có hai văn bản trên tay, ông VVA muốn nói hươu nói vượn gì thì nói; nhưng trên căn bản thì vẫn là sự gian xảo qua mặt số đông.

Còn câu nói “Đức Tăng Thống nghĩ rằng sẽ có một chiến dịch nước lũ để tiêu diệt giáo hội trong nước” chẳng qua là sự đoán mò của ông Võ Văn Ái. Thực tế không thấy “chiến dịch nước lũ” nào xảy ra. Nếu cộng sản quả có ý định ấy thì việc tung tin trước để ông Võ Văn Ái đoán mò chính là cách thăm dò, hù dọa. Chỉ là thăm dò, hù dọa của cộng sản qua báo chí, cũng đủ làm run sợ các bậc “nổi tiếng vô úy” của giáo hội đến nỗi vội vàng tháo chạy, giải tán toàn bộ các giáo hội hải ngoại, co rút lại trong một nhóm nhỏ, chỉ định 14 người hoạt động vô thời hạn để bảo vệ Viện Hóa Đạo. Vậy rồi, sự có mặt của một VPII VHĐ mới, cơ cấu mới trực thuộc Viện Hóa Đạo, được ông Võ Văn Ái giải thích là để thay thế VHĐ nếu cộng sản tiêu diệt hết các vị lãnh đạo trong nước, điều này có hợp lý không? Nếu “đoán mò” cộng sản sẽ mở “chiến dịch nước lũ” thì phải mở rộng tầm hoạt động của VPII VHĐ, chứ sao lại tập trung hết quyền hạn vào tay ngài Viện trưởng! Làm vậy không phải là khi cộng sản giết ngài thì pháp nhân, pháp lý của giáo hội tiêu tan theo hay sao! Từ chỗ này, ai cũng hiểu rằng, Viện Hóa Đạo chính là ngài Viện trưởng, ngài Viện trưởng chính là phát ngôn nhân Võ Văn Ái, Võ Văn Ái chính là VPII VHĐ. Nắm hết VPII VHĐ chưa đủ, ông Võ Văn Ái còn muốn thông qua Viện Hóa Đạo và HT. Viện trưởng để nắm luôn cả giáo hội trong nước.

Từ đó, Giáo chỉ số 9 ra đời! Nói rõ hơn, theo các điều qui chiếu để ban hành giáo chỉ này thì không có gì mới mẻ, tiến bộ hơn Quyết Định 27 ban hành năm 1992; không những vậy, còn đẩy lùi các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại từ tư cách như là những “giáo hội” tầm cỡ quốc gia, trở về thời kỳ “chi bộ” trực thuộc Viện Hóa Đạo để dễ kiểm soát. Nói thẳng ra, với Giáo chỉ số 9 này, VPII VHĐ mượn danh nghĩa Viện Hóa Đạo, thông qua HT. Viện trưởng, để gồm thâu tất cả các giáo hội hải ngoại mà không cần phải bầu cử, công cử. Giáo chỉ này không nói việc giải tán nhưng lại ‘chỉ định’ 14 nhân vật do Viện Hóa Đạo I & II hội ý chọn sẵn, ủy nhiệm các vị này “hoạt động vô thời hạn” trong một cơ chế mới để tránh việc bầu cử dân chủ. Xin lưu ý điều qui chiếu thứ 6 (trong 8 điều) của Giáo chỉ số 9 (2007), đã trích nguyên văn từ Quyết Định 27 (1992), nhưng lại thực hiện trong chiều hướng nghịch lại. Có nghĩa rằng, 15 năm trước, HT. Thích Huyền Quang đã nhận thấy là tình hình Phật giáo hải ngoại “cần được tổ chức qui mô hơn”, thì 15 năm sau, Giáo chỉ số 9 muốn thu hẹp và làm nhỏ lại. Như vậy, Giáo chỉ số 9 chỉ sao y lại điều qui chiếu cũ, nhưng thực hiện một hướng khác, phản tiến bộ, phản dân chủ. Điều qui chiếu này là: “Chiếu tình hình Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại sau 1975 khác với tình hình trước 1975, nên nhân sự lãnh đạo và quần chúng Tăng Ni Phật tử, cần được tổ chức qui mô, hợp lý và thích nghi với hoàn cảnh và xu thế toàn cầu.” Chỉ xét theo tác dụng của điều qui chiếu này trên nội dung hai văn bản cũng đủ thấy tác giả Quyết Định 27 và Giáo chỉ số 9 không thể nào là một.

Mục đích của Thông bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo chỉ số 9 là gì? – Tìm cách giải thích và bổ túc những khuyết điểm của Giáo chỉ số 9, viện dẫn những nguyên do mơ hồ không chắc chắn (chiến dịch nước lũ của cộng sản tiêu diệt giáo hội), mượn lời vu cáo bất nhân không bằng chứng để kết tội những người không đồng quan điểm (Bản Phúc trình của HT. Thích Thiện Hạnh), âm mưu dẫm lên Hiến chương để bắt đầu điều hành giáo hội theo đường lối độc tài, chuyên quyền (“Ở trường hợp bất khả kháng, không thể hội họp, không được đi lại, gặp nhau, bnà bạc, thảo luận như Hiến chương qui định, thì phải tính tới dùng Giáo chỉ, Quyết định, Thông tư… để điều hành Phật sự lúc nguy biến” – trích biện pháp 5, Bản phúc trình), công khai “Giải tán các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại (GHPGVNTN-HN) tại Hoa Kỳ và GHPGVNTN-HN tại các châu” (điều 3, Thông bạch Hướng dẫn), trắng trợn chỉ định và áp đặt nhân sự lãnh đạo các giáo hội hải ngoại.

Để nắm rõ tất cả những điều trên, xin đọc kỹ các văn kiện này trên giấy trắng mực đen, đối chiếu và tham khảo mọi khía cạnh, chứ không thể chỉ tin lời ông Giác Đức và Võ Văn Ái qua một vài câu trên đầu môi chót lưỡi. Cử tọa tham dự ngay lúc ấy không có các văn kiện trên tay thì làm sao biết được ai là người “vu cáo”, không thực!

Ở phút 6:49, cùng đoạn phim, ông Võ Văn Ái tiếp: “Cuối năm 2005, có một cái Giáo chỉ số 2, công bố thành phần nhân sự của Viện Hóa Đạo và Viện Tăng Thống ở trong nước, có gần 50 vị cao tăng. Giáo chỉ số 2 không có tên của TT. Thích Tuệ Sỹ. Thành vì vậy tất cả những cái đệ tử và thân hữu của TT. Tuệ Sỹ bắt đầu hình thành cái nhóm gọi là Thân Hữu Già Lam, và mong muốn đưa TT. Thích Tuệ Sỹ lên nắm cái chức gọi là Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Công luận: Đây chính là lời vu cáo thật trắng trợn! Xin thưa, lý do thành lập Hội Thân Hữu Già Lam không phải là vì Giáo chỉ số 2 không có tên TT. Thích Tuệ Sỹ. Dù TT. Thích Tuệ Sỹ có tham gia làm việc giáo hội hay không, còn ở tù hay được trả tự do, hội này vẫn được thành lập. Và nên nhớ một điều: hội này được hình thành từ tháng 3 năm 2004, và chính thức có giấy phép vào cuối năm 2004, trước Giáo chỉ số 2 (29.11.2005) một năm! Còn điều gọi là “mong muốn đưa TT. Thích Tuệ Sỹ lên nắm cái chức gọi là Viện trưởng Viện Hóa Đạo” thì xin hỏi ông Võ Văn Ái điều mong muốn ấy đã được biểu lộ bằng lời nói hay hành động nào chưa hay vẫn còn nằm trong dạng “mong muốn”, và căn cứ vào đâu để biết được cái “mong muốn” này? Nếu đã biểu lộ ra lời nói thì ở đâu? Có ai trong Hội Thân Hữu Già Lam tuyên bố không? Nếu có tuyên bố thì ở đâu, bài viết nào, cuộc đối thoại nào, ai là người nghe, ai là nhân chứng? Trước quần chúng mà ông Võ Văn Ái dựng chuyện lếu láo như vậy thì có phải là người có ăn học không? Có phải là phật-tử không?

Ông Võ Văn Ái lại tiếp: “Thành ra vì vậy, lúc đó TT. Thích Tuệ Sỹ đã viết một cái đơn xin từ chức, và nói rằng cái vai trò Phó viện trưởng không thích hợp cho ngài, thành ra vì vậy xin từ chức, nhưng kỳ thực nó có một cái sự bất đồng trong vấn đề chính kiến của giáo hội.”

Công luận: Lại dối trá và vu cáo trắng trợn! Xin hỏi TT. Thích Tuệ Sỹ viết đơn từ chức vào ngày tháng nào? “Công tố viên” có thể nào phổ biến trước “tòa án nhân dân” và công luận thế giới biết đơn từ chức với thủ bút và chữ ký của TT. Thích Tuệ Sỹ không? Đơn từ chức đó gửi cho ai, có nhiều người đọc và biết không hay chỉ là lời thuật lại từ một người nào đó? Còn nói rằng “có một sự bất đồng về chính kiến” phải chăng ông Võ Văn Ái muốn nói GHPGVNTN là một tổ chức chính trị?

Rồi thì ông Võ Văn Ái say sưa suy nghĩ và nói giùm cho TT. Thích Tuệ Sỹ và Gs. Lê Mạnh Thát ở phút kế tiếp: “Bởi vì TT. Thích Tuệ Sỹ cũng như Giáo sư Lê Mạnh Thát nghĩ rằng mình nên thỏa hiệp với cộng sản. Tôi không nói hai ngài là cộng sản đâu, nhưng mà hai ngài có một cái luận điểm khác, nghĩ rằng bây giờ mình cứ tiếp tục đánh cộng sản hoài nó đánh mình chết, tan tành giáo hội; chi bằng mình thỏa hiệp với nó rồi khi nào mình mạnh lên mình sẽ quật lại nó. Đó là cái ý thức chính trị của TT. Tuệ Sỹ và Giáo sư Lê Mạnh Thát, làm cho họ thấy rằng phải nên thỏa hiệp với cộng sản, và họ lý luận rằng bây giờ đây những cái người đệ tử và thân hữu của TT. Tuệ Sỹ cũng nói ở hải ngoại rằng 33 năm rồi tranh đấu mà cộng sản nó vẫn ngồi trên đầu dân; mình tranh đấu với nó cũng giống như mình đập đầu vào tường vậy. Máu chảy, bể đầu mình mà cộng sản nó vẫn ngồi yên, thì tại sao mình không đi một con đường khác, đó là con đường thỏa hiệp.”

Công luận: Ô hay, công tố viên và tòa án thời nay có thể suy nghĩ giùm cho bị cáo rồi dựa vào sự suy nghĩ giùm đó để buộc tội bị cáo à! Còn nếu TT. Thích Tuệ Sỹ và những người đệ tử, thân hữu có tuyên bố sự suy nghĩ đó ra bằng “lý luận” để trở thành “luận điểm” và “con đường” rõ rệt rồi thì ở đâu, bài viết nào, cuộc đối thoại nào, có bao nhiêu người nghe, bao nhiêu người làm chứng, những người làm chứng có vô tư không tỵ hiềm với bị cáo không?

  

THAY LỜI KẾT: KẺ SĨ THỜI NAY Ở ĐÂU?

Buổi họp báo còn kéo dài với nhiều câu hỏi gợi ý cho những câu trả lời tập trung vào việc buộc tội những kẻ vắng mặt, đặc biệt là TT. Thích Tuệ Sỹ. Ở đây không có thời gian để bàn chi tiết. Chỉ muốn nói tóm một điều: thực chất những buổi gọi là hội thảo hay họp báo do VPII VHĐ tổ chức từ những năm gần đây đều là những buổi đấu tố bất công, phản văn hóa, phi dân chủ, y hệt cách thức tố tụng của các tòa án man rợ trong lịch sử, nhưng lại hèn yếu hơn, bởi vì tất cả những phiên tòa này đều vắng mặt bị cáo, và tất cả những công tố viên hay quan tòa của VPI và VPII VHĐ không ai đủ tư cách và can đảm để đối mặt, đối chứng với kẻ tử tù Tuệ Sỹ! Vô úy dũng cảm của những công tố viên này cao lắm là chạm đến mức nói sau lưng kẻ khác, hùng hổ gán tội khi người ta không muốn hoặc không có cơ hội để biện hộ. Nói sau lưng một người trước một người khác đã là hành vi bất xứng của người trượng phu quân tử, huống gì nói sau lưng một kẻ đang đóng cửa phiên dịch kinh điển trước hàng ngàn người khác rồi phổ biến trên báo chí và mạng truyền thông toàn cầu!

Hãy nhìn lại tư cách của những công tố viên và những quan tòa thời đại. Trong tất cả những người tự chọn những ghế cao quyền lực của các phiên tòa này, đã có ai có đủ phẩm cách của một kẻ sĩ, đã có ai từng một lần ngồi tù hoặc sống một ngày trong chế độ cộng sản để đủ tư cách luận tội, kết tội cộng sản cho người tử tù Tuệ Sỹ? HT. Thích Hộ Giác đóng kịch theo Đảng và Nhà nước, chống lại GHPGVNTN để trốn đi vượt biên an toàn năm 1981; Thích Chánh Lạc xuất dương trước 1975 để tránh tiếng bê bối cá nhân, là phạm nhân hình sự của tòa án Colorado; ông Giác Đức cao bay xa chạy trước khi cộng sản chiếm miền Nam, là người bán tăng bán tục, chuyên môn khoác lác về học vị và thành tích đấu tranh bằng cái miệng; ông Võ Văn Ái xuất dương từ lâu trước 1975, từng là kẻ phản chiến chống Mỹ, hoan nghênh sự “thống nhất” đất nước dưới chế độ cộng sản trong những số Quê Mẹ đầu tiên năm 1976. Và những tăng sĩ khác như Thích Thiện Tâm, Thích Viên Lý, Thích Giác Đẳng… lúc còn trong nước có dám mở một lời tố cáo hay chỉ trích sự tàn ác bất công của cộng sản để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng hay không? Bây giờ, quý vị này đã được an ổn trong những ngôi chùa nguy nga, được bảo vệ bởi các chính phủ tự do, dân chủ, lại lớn tiếng buộc tội sau lưng một kẻ đang còn sống trong chế độ cộng sản, không có hộ khẩu và giấy tờ chính thức của một công dân, là kẻ chưa từng khiếp sợ cường quyền dù phải đối diện với cái chết.

 

Hãy đọc lại một đoạn trong Giác thư của TT. Thích Tuệ Sỹ gửi chính quyền cộng sản ngày 03 tháng 6 năm 2001, ba năm sau khi được ra khỏi tù, để thấy những cáo buộc, luận tội, vu hãm của các ngài trong VPII VHĐ đối với TT. Tuệ Sỹ có giá trị gì hay không: “Bạo lực không có lương tri và lý trí, cũng không bao giờ lắng tai nghe tiếng nói của lương tri và lý trí. Vì vậy, tôi sẽ nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại để phổ biến những suy nghĩ của tôi đến với tất cả mọi con người, trong cũng như ngoài nước, mà lương tri chưa bị bôi đen bởi tham vọng đen tối. Những điều tôi nói đúng hay sai, tôi biết bản thân tôi phải chịu trách nhiệm, và có thể phải chịu những hình phạt khổ nhục nhất. Trên hết, lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho các phần tử trí thức mà nhân dân đã tốn nhiều công sức bồi dưỡng nhưng vì khiếp nhược, xu phụ quyền thế, mà phải câm miệng trước những bất công và thống khổ mà nhân dân phải âm thầm chịu đựng, cho nên, ở đây, tôi đặt tất cả sinh mạng và phẩm giá của một con người vốn không có bất cứ sự bảo vệ nào của pháp luật, ngoài nhục hình và sự chết, trong bàn tay sắt của bạo lực chuyên chính, cũng như nhiều con người đáng kính và đáng phục khác đã chấp nhận, và đã chết, để cho lương tri và lý trí của con người Việt Nam còn tồn tại trong ý nghĩa cao đẹp nhất của dân tộc.”  Trước bạo lực cường quyền thì cứng rắn uy dũng như thế, công khai mượn phương tiện truyền thông để cáo giác nhà cầm quyền, sẵn sàng chịu chết; còn đối với người đồng đạo, pháp lữ, không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc công kích mình, TT. Tuệ Sỹ đã giữ sự im lặng. Quý ngài nghĩ sự im lặng này có ý nghĩa gì? Sợ hãi chăng? Hay là sự nhẫn nhục, tha thứ?

Chỉ là nói khi cần nói. Đây, hãy nghe TT. Tuệ Sỹ nói với những người học trò, thật lân mẫn, tha thiết: “Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố dao động mang tính thời đại. Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia xẻ với thế hệ kế thừa.” (trích Tuệ Sỹ, Tâm Thư gửi Tăng sinh Thừa Thiên Huế, 28.10.2003)

Thật khó có thể tưởng tượng được là ở thời đại ngày nay, trong một thế giới văn minh, tự do dân chủ, những người mang danh trong đạo là trưởng tử Như Lai, ngoài đời là những bậc trí thức mà cái danh luôn được đi kèm với học vị, chức vị như giáo sư (Ngô Trọng Anh, Lưu Trung Khảo), bình luận gia (Lý Đại Nguyên), cho đến những phóng viên được bảo đảm hưởng đệ tứ quyền, vân vân, lại có thể im lặng chấp nhận, biểu đồng tình, hoặc tích cực phổ biến “bản cáo trạng” của các phiên tòa đấu tố độc tài, phi nhân, không theo một thể thức tố tụng công minh nào của nhân loại thời đại.

Tính chất man rợ độc ác của các phiên tòa đấu tố địa chủ trên 50 năm trước tại Bắc Việt là gì? – Là kết tội và giết kẻ khác mà không cho họ biện hộ, bào chữa. Nhân danh quyền lợi tối thượng của tổ quốc và nhân dân, người ta luận tội, kết tội và tử hình kẻ khác một cách bất công. Tính cách bất công ấy mở đường cho nhiều trường hợp mà nạn nhân bị giết là do tị hiềm cá nhân. Người ta gay gắt lên án những phiên tòa phi nhân ấy, nhưng có thể trong vô thức của một số người thời nay, ẩn tàng đâu đó là bản chất độc tài, cố chấp, độc ác và đố kỵ vẫn còn chảy ở trong máu, chưa thể gột bỏ được, cho nên mới dễ dàng đồng thuận, hỉ hả vỗ tay tán thưởng những bất công và vu hãm chụp lên đầu kẻ khác.

Hãy soi lại chính mình, hỡi những sĩ phu, trí thức thời đại. Quý vị ở đâu, có còn hiện diện trong thời đại nhiễu nhương băng hoại này không? Quý vị có thể tư tưởng, nghe, thấy và nói lên được một điều gì cao đẹp và công bằng cho con người trước những bất công, độc tài, áp chế của các thế lực chính quyền phi nhân, hay chỉ biết “hú gào tru tréo” (chữ dùng của ông Võ Văn Ái) a dua theo các phiên tòa rừng rú trá hình bảo vệ đạo pháp và dân tộc?

10.11.2008
Thích Viên Giáo

Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHỨT

Ngày 31 tháng XII năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi.

Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964.

Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo.

Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định.

Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517. 

HIẾN CHƯƠNG 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT 

LỜI  MỞ  ĐẦU 
 
Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc. 

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam. 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.