.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 THEO DẤU THIỀN SƯ V (22.04 đến 21.06.2008) : Hoằng pháp Việt Nam lần thứ ba nhân Đại lễ VESAK 2552

Học Viện Quân Sự
tái sinh thành
Viện Phật Học
(EUROPEAN INSTITUTE OF APPLIED BUDDHISM - EIAB)

  • PSN - 20.09.2008 - Liên Anh

Waldbröl (Waldbroel) là tên của thành phố tọa lạc bên cạnh dãy Siebengebirge. Siebengebirge gồm hai chữ SiebenGebirge gộp lại cho nên Tăng Thân Làng Mai gọi lại bằng một tên Việt Nam rất thân quen là Thất Sơn, gợi nhớ về quê hương Châu Đốc của miền Nam Việt Nam. Waldbröl nằm cách thủ đô Bonn ngày xưa của Cộng Hoà Liên Bang Đức khoảng 40 km. Tại đây vào ngày 12 tháng 9 năm 2008 đã đánh dấu một ngày lịch sử cho Thành Phố nói riêng và Âu Châu nói chung với sự kiện Viện Phật Học Ứng dụng Châu Âu được chính thức ra mắt trước cộng đồng và báo chí tại Đức cũng như tại Châu Âu .


Thành phố Waldbröl nhìn từ trên (hình Stadt Waldbröl)

Tòa nhà được khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ thứ mười chín. Có thể nói đây là một lâu đài đồ sộ gồm có bốn tầng lầu. Một tầng trệt lộng lẫy. Một tầng hầm với đầy đủ những trang bị kỹ thuật, như hệ thống sưởi, máy in … Mỗi tầng có diện tích trên dưới 2.500m², vị chi cho 6 tầng gộp lại là 15.000m² . Tòa nhà được sửa chữa và tu bổ nhiều lần. Đáng kể nhất là năm 1939, phần giữa của toà nhà được tân trang toàn diện. Nền nhà được lát toàn bằng những tấm đá cẩm thạch to lớn, tuyệt đẹp được mang về từ núi Alpes. Một sư chú đã phải thốt lên : đây là cung điện cẩm thạch!


EIAB nhìn từ trên (hình Stadt Waldbröl)

Qua nhiều năm, tòa nhà được sử dụng làm bệnh viện và bảo sanh viện. Cố nhiên, nhiều thế hệ đã được sinh ra nơi đây. Người dân thành phố rất thương yêu ngôi nhà này vì đây là nơi chôn nhau cắt rún của họ. Trong suốt 39 năm qua kể từ năm 1967 cho tới năm 2006 tòa nhà đã là Học Viện Quân Sự cao cấp của Cộng Hoà Liên Bang Đức. Trong 39 năm đó người dân Waldbröl không được dễ dàng viếng thăm. Cách đây mới hai hôm, từ ngày 10.09.2008, nó đã thuộc về sở hữu của Đạo Tràng Mai Thôn, đem lại cơ hội cho người dân Waldbröl được về thăm lại nơi chứa nhiều kỷ niệm. Qua câu chuyện của một người Đức sống tại đây thì nơi này đã từng là bộ chỉ huy của Cục Tâm Lý Chiến trong thời kỳ chiến tranh lạnh với khối Cộng Sản Đông Âu. Sau khi Khối này tan rã toà nhà được gọi là Trung Tâm Chuyển Hoá. Có nghĩa là chuyển hóa những chiến dịch quân sự ra dịch vụ hoà bình. Đến khi dịch vụ hoàn tất họ đã đóng cửa cơ quan này. Sau một thời gian hoang phế tòa nhà được chuyển nhượng cho Làng Mai với tên mới là Viện Vô Ưu (tên chữ do Sư Ông đặt). Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian làm dịch vụ chuyển hoá, bộ chỉ huy ở đây đã trực thuộc (hay làm việc chung) với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tức NATO.


Hàn huyên (hình Stadt Waldbröl)

Trời hôm nay lất phất mưa, đôi khi mưa rơi khá nặng hạt nhưng số người tham dự vẫn đông như dự đoán của ban tổ chức. Nhiều người đã đến trước cả giờ đồng hồ, họ thăm hỏi, hàn huyên. Nụ cười nở trên môi, họ rất hạnh phúc sau mấy mươi năm được phép về lại nơi này. Mọi người trầm trồ, khen ngợi : tòa nhà hoang vu lạnh lẽo mà chỉ hai hôm thu dọn ngắn ngủi đã trở nên tráng lệ, ấm áp, thân thương.

Trước khi mở đầu buổi họp báo, quan khách được thưởng thức những món ăn chay Việt nam tuyệt vời, do Phật t khắp mọi miền nước Đức, Pháp, Bỉ và Hòa Lan mang tới. Nhiều người vừa găp gỡ nhau lần đầu đã trò chuyện thân mật. Họ đến từ mọi miền của Châu Âu, tuy đường xa, khó nhọc, nhưng ai ai cũng mừng vui : Phật pháp không còn là lý thuyết suông trên sách vở, giờ đây được thực sự hướng dẫn để ứng dụng hữu hiệu trong đời sống hàng ngày.


Quà mừng Học Viện của Phật tử Đức, Pháp, Bỉ và Hòa Lan (hình Stadt Waldbröl)

Rất đúng giờ, quan khách được mời vào phòng họp báo. Đây là một trong những căn phòng nằm trong hành lang thênh thang rộng lớn của tòa nhà. Trên bờ tường có những bức hoạ Mosaik thật công phu của những nghệ nhân người Đức để lại. Đây là một trong những công trình nghệ thuật đã được chính phủ liệt kê vào hàng quốc bảo, phải được bảo quản cẩn thận. Trên toàn nước Đức hiện nay, chỉ còn tồn tại tất cả là ba tòa nhà có lối kiến trúc như tòa nhà này.


Trái sang phải : Chị Thục Quyên, Ô. Eckhard Becker, Sư ông Nhất Hạnh,
Thầy Pháp Ấn,
Ô. Peter Koester Thị trưởng Waldbröl (hình Stadt Waldbröl)

Mở đầu buổi họp báo, ông Peter Köster, Thị trưởng thành phố Waldbröl có lời chào mừng đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những vị đại diện Đạo Tràng Mai Thôn, đại diện Hội Đồng Thành Phố, ban Quản Trị Bất Động Sản của quân đội, cũng như đại diện bộ Tài Chánh Liên Bang. Những vị đại diện tôn giáo, chính trị gia, nhà báo và các quan khách. Sau đó ông Thị trưởng kể sơ lược qua những thương thảo về sự chuyển nhượng toà nhà. Cám ơn những nhân vật liên hệ đã đóng góp để đưa đến sự bàn giao nhanh chóng. Cảm ơn tất cả mọi người đã nhận lời mời của Ông và có mặt đầy đủ trong buổi họp báo ra mắt Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu ngày hôm nay.

Ông rất hân hạnh được đón tiếp và gặp mặt Thiền Sư. Một tấm thảm đỏ ông đã không kịp cho công nhân trải ra để đón tiếp phái đoàn, nhất là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhưng chính ông đã gửi những công nhân của thành phố đến quét dọn sạch sẽ khu vườn trước viện, và cho đoàn công nhân khác chở bàn ghế tới sắp sếp cho buổi họp báo ngày hôm nay. Những két nước giải khát cũng được thành phố cúng dường để Làng Mai đãi khách. Trước giờ họp báo, những người hiện diện đã cảm nhận được năng lượng nồng ấm của Hội đồng thành phố Waldbröl và Tăng Đoàn Làng Mai. Đây là bước đầu cộng tác giữa đôi bên. Hứa hẹn một tương lai làm việc chung tốt đẹp.


Khách quan tham gia họp báo (hình Phù Sa)

Ông nói, ông rất hân hạnh và vui mừng, có thể nói là rất hạnh phúc khi sự bàn giao đã diễn tiến nhanh chóng và tốt đẹp. Hôm nay là ngày rất có ý nghĩa cho thành phố Waldbröl. Trong niềm hy vọng và tin tưởng, tòa nhà này sẽ đem lại sự phong phú và phồn thịnh cho thành phố, sẽ mở rộng cửa đón tiếp mọi người. Đây sẽ là viện thực tập chuyển hóa, trị liệu và hòa bình gương mẫu cho toàn thế giới. Ông cầu chúc Đạo Tràng Mai Thôn thành tựu trên con đường hướng dẫn thực tập.

Theo ban tổ chức, thì toà nhà vừa bàn giao này chưa kịp xin giấy phép hoạt động chính thức. Nhưng ông Thị trưởng và những vị quan chức của thành phố vì quá vui mừng khi được đón tiếp Tăng Đoàn Làng Mai, họ quyết định không chờ đợi thêm và muốn ra mắt quần chúng ngay. Vì vậy ông Thị trưởng đã đích thân đứng ra lo việc tổ chức buổi họp báo gấp rút trong vòng có hai ngày, sau khi hợp đồng bàn giao được ký kết.

Tiếp lời ông Thị trưởng, Sư Ông nói, rất hân hạnh được đón tiếp đại chúng đông đảo, và Sư Ông có cảm tưởng rằng trong giây phút này, giây phút tòa nhà cũ vừa nhận được hồn mới, như vừa được tái sanh, (cười) tôi thấy tôi cũng vừa được tái sanh như căn nhà này, nếu có thể, xin ông thị trưởng và thành phố cấp cho tôi một giấy khai sinh mới và ngày sinh là ngày hôm nay. Sư Ông nói tiếp, trong giờ phút khai sinh của thiền viện. Nơi dành cho những người mong muốn thực tập để có sự truyền thông và hoà hợp tốt hơn. Hoà bình từ nơi này sẽ vượt ra khỏi thành phố, tiểu bang, lãnh thổ, rồi toả rộng ra cộng đồng Châu Âu.


Hành lang đại sảnh lát toàn cẩm thạch, ước chừng 7x150m. (hình Phù Sa)

Sư Ông nói tiếp, Căn nhà xinh đẹp này cũng có một tên xinh đẹp trong lịch sử là Viện Chuyển Hoá. Trong hơn 60 năm hành đạo, tôi đã hướng dẫn đại chúng thực tập những pháp môn chuyển hoá và trị liệu. Và tôi hứa rằng, sự thực tập chuyển hoá và trị liệu sẽ được tiếp tục nơi toà nhà này. Trong quá khứ đã có rất nhiều thiền sinh Đức về Làng Mai tu học. Kể từ hôm nay tại thành phố xinh đẹp Waldbröl này, không riêng thiền sinh tại Đức, sẽ có nhiều thiền sinh từ khắp nơi về đây tu tập. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu sẽ cung ứng những pháp môn chuyển hoá, để nhiều gia đình tìm thấy lại sự truyền thông và hạnh phúc.

Để trả lời câu hỏi : khi nào Viện Phật học bắt đầu hoạt động ? Sư Ông cho biết: Học Viện đã bắt đầu hoạt động rồi. Ngay từ khi đến đây, quí thầy và quí sư cô đã thở và thực tập chánh niệm. Thiền hành an lạc trong từng hơi thở, từng bước chân.

Trả lời câu hỏi : Thiền Sư nghĩ sao về sự làm việc chung với nhà thờ Thiên Chúa và Tin Lành ? Sư Ông cho biết : quí vị tu sĩ Thiên Chúa và Tin Lành sẽ được mời đến cùng thực tập với quí thầy và quí sư cô. Đó là cơ hội tốt để mọi người hiểu nhau hơn.

Trong những năm qua, Sư Ông thường được mời qua Đức trong những ngày lễ hội hàng năm của nhà thờ, có thể tạm dịch là Ngày Của Nhà Thờ. Sư Ông đã cho pháp thoại trước hàng ngàn người và đã hướng dẫn một số người đông đảo đi thiền hành trên đường phố. Phần đông là con chiên đạo Thiên Chúa và Tin Lành. Đã có lần Sư Ông dẫn đầu trên bốn ngàn người thiền hành trên đường phố Frankfurt. Một thành phố nổi tiếng về thị trường chứng khoán. Tăng Đoàn Làng Mai cũng đã hướng dẫn nhiều buổi thiền hành trên những đường phố nổi tiếng thế giới như New York, Paris, Roma, v.v...


Tăng Thân niệm Hồng danh Đức Bồ tát Quan Thế Âm cúng dường đại chúng (hình Stadt Waldbröl)

Trước khi chấm dứt phần họp báo, quí thầy và quí sư cô quây quần sau lưng Sư Ông và niệm Hồng danh Đức Bồ tát Quan Thế Âm cúng dường đại chúng.

Sau đó ông Thị trưởng đã trao đến Sư ông Làng Mai một món quà truyền thống. Gồm có một ổ bánh mì, tiêu biểu cho món ăn hàng ngày, sự sống của người Đức. Một con dao cắt bánh mì nổi tiếng của Solingen. Một chút muối tượng trưng cho sự quí giá, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Muối khi xưa còn được gọi là vàng trắng. Để đáp lễ, Làng Mai đã trao đến ông Thị trưởng những cuốn sách của Sư ông. Ông Thị truởng đã vui mừng đón nhận món quà tinh thần, ông đã ôm nó vào lòng suốt buổi cho đến khi ra về.


Thị trưởng Waldbröl nhận quà của Sư ông Nhất Hạnh với tất cả xúc động (hình Stadt Waldbröl)

Buổi họp báo được kết thúc trong không khí thân mật và cởi mở. Người đặt câu hỏi và người nghe trả lời, tất cả đều hài lòng với những lời phát biểu của Sư Ông.

Mọi người quây quần trong hành lang bên cạnh phòng họp. Những nhà chính trị, đại diện văn phòng luật sư, các nhà báo v.v... tuy bận rộn nhưng không ai vội ra về. Ai cũng mong ước Viện Phật Học sớm mở cửa sinh hoạt. Niềm tin vào sự thành công của Viện Phật Học Ứng Dụng được đánh giá rất cao.

Để kết thúc, xin mượn lời của một tờ báo phát hành tại thành phố Köln (Cologne) : …trọng tâm trong cuộc sống của người Phật tử là thực tập chánh niệm. Đó là đạo đức chịu trách nhiệm cho những gì sắp tới. Tương lai sẽ đến như thế nào, điều đó tuỳ thuộc vào cách hành xử của chúng ta trong hiện tại.
 

Liên Anh
 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

 THEO DẤU THIỀN SƯ IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>> 3. Hà nội - Ninh Bình - Vĩnh Phúc - Hokong - Thái Lan
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  2. THỪA THIÊN - HUẾ,   ĐÀ NẴNG,  NHA TRANG
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  1. SÀI GÒN,   LÂM ĐỒNG,   BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHUYÊN MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.