.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 THEO DẤU THIỀN SƯ V (22.04 đến 21.06.2008) : Hoằng pháp Việt Nam lần thứ ba nhân Đại lễ VESAK 2552

Tâm ban đầu

  • PSN - 27.09.2008 - Huyễn Ký


Tu viện Lộc Uyển nhìn từ trên cao

Sau một thời gian lui tới tu viện Lộc Uyển để nghe giảng pháp buổi sáng chủ nhật, hoặc tham dự sinh hoạt cùng tăng đoàn và bằng hữu trong hai ngày cuối tuần, lần đầu tiên, chúng tôi tham dự trọn vẹn khoá tu học Về Nguồn dành cho người Việt, suốt 4 ngày, từ chiều thứ tư 10 tới 14 tháng 9, 2008. Xin tường thuật trung thực cùng bạn đọc.

Đây là một khoá tu chỉ gồm toàn người đồng hương, các chỉ dẫn, giảng dạy đều bằng tiếng Việt; tuy rằng nhóm thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi vẫn được nghe “dịch” qua tiếng Anh để họ hiểu rõ hơn. Nhiều thầy cô Lộc Uyển cho biết, họ “rất vui” khi được nghe, được nói tiếng Việt thuần túy, lại gặp toàn “bà con cô bác người mình”. Trong nhiều khoá tu khác tại Lộc Uyển cũng như tại các tu viện khác thuộc tăng đoàn Làng Mai, nhiều thiền sinh người Âu Mỹ hơn, nên mọi sinh hoạt đều phải dịch ra nhiều thứ ngoại ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hoà Lan...; người nói tiếng Việt luôn luôn là thiểu số trong khóa.    

Trong buổi Pháp thoại hướng dẫn tối ngày 10 tháng 9, hai sư cô Hương Nghiêm và Trúc Nghiêm đã chỉ dẫn tường tận về các sinh hoạt trong khoá tu. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng tới 9.30 giờ đêm, chương trình đa số diễn ra trong im lặng - chỉ trừ giờ Pháp đàm, là thiền sinh được tráo đổi để hỏi han hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tập. Người mới, người cũ đều được nhắc nhở về các phương pháp thực tập chánh niệm trong khoá tu, tập cho tâm quay về với thân khi nghe chuông; thực tập đi, đứng, ngồi, nằm thư dãn và ăn cơm im lặng trong tỉnh thức,  v.v…

“Có thể nhiều người đã đọc sách, đã thuộc lòng những câu kệ hay nghe giảng nhiều lần về pháp môn thực tập thiền chánh niệm trong mọi sinh hoạt đó, nhưng khi tham dự khoá tu, họ mới có cơ hội thực tập chung với tăng đoàn và nhiều ngừơi khác. Năng lượng chung nó mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả bất ngờ…” Một thiền sinh cho nhà báo biết như vậy.

Ni sư Trung Chính, trụ trì ni viện Trong Sáng, trong buổi pháp thoại đầu tiên (ngày 11/9)  đã giải thích về chủ đề khoá tu Về nguồn. Cô nhắc tới hai câu thơ của Sư ông Nhất Hạnh: “Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp. Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông”. Cô cũng nhắc nhở tới hai phép thực tập căn bản Áí ngữ và Lắng nghe, để có thể truyền thông tốt đẹp với người chung quanh. Đó là yếu tố căn bản cho chúng ta “bồi đắp và khai thông” được gốc rễ tâm linh, suối nguồn huyết thống.

Sư thầy Pháp Dung, trụ trì tăng viện Vững Chãi, nhắc tới hai “em bé” trong con ngừơi của thầy. Đại ý thầy nói về hai em bé có tánh nết ngược hẳn nhau, một dễ thương một khó thương; nhưng nếu ta thực tập tỉnh thức để luôn nhận biết về hai em thì bé khó thương sẽ không có cơ hội lấn lướt bé dễ thương. Cứ nhận biết hai em bé trong mình, lâu dần, ta có thể chuyển hoá được, để em khó thương kia ít hoạt động đi, và em dễ thương lớn lên – và hạnh phúc tự tâm sẽ tăng lên. Thầy Pháp Dung cũng nhắc tới cái “bệnh” của nhiều người mới thực tập, thường họ hơi quá  “hăng hái”. Khi trở về nhà, họ thường đem những bài mình mới học ra để “chỉnh” ngừơi thân, trong khi đáng lẽ họ phải thực tập nhìn vào tâm thức để chuyển hóa chính mình trước. Tu tập không phải để phán xét ngừơi khác, theo lý thuyết mình mới học được; mà chính là nhận biết những thiếu sót, lỗi lầm của mình để chuyển đổi.

Theo lời giảng dạy của qúy vị trong tu viện, thì khi ta tới môi trường tốt để thực tập chung với mọi người (gọi chung là tăng thân), ta tập cách sống tỉnh thức trong mọi sinh hoạt, để đầu tư cho một cuộc sống an lạc lâu dài. Khi trở về nhà, hãy nên chú ý về từng lời mình nói, từng việc mình làm, từng tâm ý mình suy nghĩ. Phương tiện để thực tập là quay về với hơi thở để có ý thức về từng hơi thở. Đó là phương tiện mà Bụt Thích Ca và các vị Thầy Tổ, ai cũng dùng, người sơ cơ và người tu lâu đều phải dùng tới hoài hoài. Nghe qua tưởng là dễ, nhưng khi thực tập mới hay muốn có ý thức về hơi thở là chuyện  rất khó! Nhưng nếu ai kiên trì thực tập thì từ thói quen ý thức được hơi thở của mình, họ sẽ có thói quen nhận biết được các cảm thọ và tâm ý. Khi gặp chuyện khó khăn, họ sẽ biết dừng lại thở, có bình tĩnh và sáng suốt để nhìn sâu vào vấn đề, có được giải pháp tốt đẹp, hơn là người không thực tập, thường bị các cảm thọ sân si nắm đầu…

“Chuyện này không dễ và không xảy ra ngày hôm sau hoặc trong một vài năm, tuy rằng sau khi nghe giảng, ai cũng có thể “Ngộ” ngay – có thể hiểu đạo tức khắc. Nhưng, từ hiểu đạo tới sống đạo, nó không đơn giản đâu!...” Một thiền sinh tu đã hơn mười năm tâm sự với nhà báo như vậy. Đó là lý do mỗi khi có thể thu xếp là vị đó lại về tham dự khoá tu, dù cũng vẫn chỉ nghe dạy Thở vào biết, Thở ra biết v.v…

“Mỗi lần tham dự khoá tu,  tôi lại thấy mình tiến bộ được một chút – vì vậy, nghe giảng pháp thấm thía hơn, hiểu sâu hơn , và sự an lạc cũng tăng dần. Tôi biết là mình đi đúng đường, không cần phải đi tìm pháp môn nào khác nữa…Vấn đề là mình có thực tập để Nhận Biết được con người mình (cả thân lẫn tâm) hay không? Nếu không thực tập, chỉ nghe giảng thôi, thì dù có tinh thông nhiều kinh điển, người ta cũng chưa chắc đã chuyển đổi được những tâm thức tiêu cực, và khó mà có được sự an lạc chân chất do thiền quán đem lại….”

Trong Pháp thoại ngày 12 tháng 9, sư thầy Pháp Hội đã nói:  “Có lẽ ngày nay, tại đây, nhiều người cảm thấy khó khăn khi muốn tu học, vì có quá nhiều pháp môn, không biết nên chọn phép thực tập nào cho thích hợp?”.  Theo kinh nghiệm tu tập của thầy (xuất gia trên 12 năm), con đường chuyển hoá căn bản nhất là Kinh Tứ Niệm Xứ. Thầy Pháp Hội giới hạn trong buổi giảng, chỉ nói tới một phần kinh, về “Quán cảm thọ” (trong thọ) mà thôi. Ví ba loại cảm thọ (lạc thọ, khổ thọ, xả thọ, tức vui, buồn hay không vui không buồn) với những toa xe lửa, trên một con tàu chạy rất nhanh, thầy Pháp Hội đưa hình ảnh một ngừơi không tu học, là một người đứng dưới sân ga, chỉ nhìn thoáng thấy con tàu có những khung cửa sổ, mà không biết các cửa sổ đó ra sao. Các cảm thọ chạy qua đầu chúng ta với tốc độ rất cao, nếu không tập thở, không có thói quen nhận biết mọi sự vật bên trong và bên ngoài thì ta không nhận diện được các vui buồn. Bình thường, ta bị chìm đắm trong các cảm thọ đó. Người thực tập chánh niệm, thì giống như người lái một chiếc xe chạy song song với đoàn tàu, họ có thể sẽ nhận biết được các cửa số cảm thọ kia, lờ mờ hay rõ ràng, tùy vào tốc độ, nghĩa là tuỳ vào năng lượng tỉnh thức nơi họ.

Theo thầy Pháp Hội: Khi vui biết, khi buồn biết, nếu thực tập giỏi, ngừơi có chánh niệm nhận biết được từng chi tiết của các cảm thọ trong mình, và hơn thế nữa, họ còn nhìn sâu được vào sinh hoạt phiá trong các cửa sổ của toa tàu cao tốc kia. Khi tu tập đàng hoàng, ta có thể nhận diện được các cảm thọ khổ hay vui và cả gốc rễ của chúng nữa. “Năng luợng Chánh niệm của người tu tập giỏi rất hùng hậu, nó có công năng chuyển hoá và hàn gắn mọi vết thương, nên các cảm thọ  tiêu cực ngày càng nhỏ đi, thiền giả càng có nhiều Tự Do hơn. Đây là thứ tự do của ngừơi không vướng mắc, tự do của những con ngừơi giải thoát…”

Buổi tối ngày 12/9, đại chúng được cười rất vui với miếng móp rửa chén (sponge) mà sư cô Đẳng Nghiêm đã dùng để hướng dẫn phương pháp Làm Mới của tăng đoàn Làng Mai. (Làm mới: Beginning anew – Reconciliation). Sư cô giảng về cách giải hòa giữa hai người thân trong gia đình hay trong các liên hệ khác (bạn bè - đồng nghiệp). Theo sư cô, trước hết, chúng ta cần phải tự làm mới, làm sạch chính mình, thì mới có đủ năng lượng để nói chuyện với đối tượng - người mà ta tin là đã gây ra trong ta sự khó chịu, giận hờn. Tương tự như ta phải rửa sạch miếng sponge trước khi dùng nó để làm sạch vật khác. Chúng ta cần thực tập bát chánh đạo, nhất là Chánh niệm, Chánh kiến, và Chánh tư duy để có thể nhận diện về những tâm hành tiêu cực, tích cực trong con người mình. Chỉ khi chúng ta đã biết nhìn cho sâu để hiểu được những lỗi lầm do mình gây ra trong liên hệ đó, thì mới có thể “làm mới”, tái tạo lại sự truyền thông với ngừơi thân.

Theo cô Đẳng Nghiêm, trong thiên nhiên, cây cỏ và các sinh vật đều di truyền lại những mẫu mã sẵn có cho các lứa sau. Cây cành nhỏ mang đủ tánh chất, hình dạng của các cây cành mẹ. Con người cũng vậy, con cháu là sự tiếp nối của cha mẹ, ông bà. Con cái có huyết thống của cha mẹ nên mang sẵn trong họ những “pattern” (kiểu mẫu) vui, buồn giống như cha mẹ. Nhưng các thế hệ con cháu không bị thụ động, phải theo các mẫu mã sẵn của thế hệ trước, như trường hợp cỏ cây hay súc vật. Đây là sự khác biệt giữa người và các sinh vật khác: Cỏ cây không tự chủ được sự thay đổi, chuyển hoá mà thiên nhiên (và nay con ngừơi) mới là yếu tố chỉ huy, khiến cho chúng đổi thay – như người đã trồng ra các loại trái cây không hạt, lai giống hai loại đào và mận thành trái nectarine…. Trong khi đó, con ngừơi, tự họ, có thể thay đổi được những tâm tính do cha mẹ truyền lại khi họ tu học. Một khi họ chuyển hoá tức là con cháu họ cũng được chuyển hóa.

Sau nhiều năm tu học, sư cô Đẳng Nghiêm cũng như quí thầy cô khác trong tăng đoàn Làng Mai, đã từng lắng nghe về bao chuyện khổ đau vì gia đình thiếu truyền thông. Với  những thời khóa thực tập niêm mật và với tri kiến của của mình, quý thầy cô ngày nay tỏ ra rất kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Nhiều người trong khoá tu này đã chuyển hóa thấy rõ. Như nét mặt chị Hoàng đổi từ âu sầu sang tươi vui; như hai chị em cô Phan đã ôm được nhau trong sự cảm thông sau khi giải toả được giận hờn.

Ngay trong buổi giảng về phép Làm Mới, hai cha con em Bo và bác Nguyễn đã không ngại ngần, lên “làm mới” với nhau trước mặt mọi người. Bác Nguyễn có việc về Việt Nam một mình mấy tháng, sau khi trở về Mỹ, các con bác nghi là cha đã có “đào”, tuy không dám nói thẳng điều này ra. Bác Nguyễn cho biết bác gái rất hiền lành, nhưng cô con gái này thì có vẻ nghi ngại cha nhiều chuyện, luôn luôn nói tới Sida, thử máu v.v... Sau khi thực tập phép “tưới hoa” (khen ngợi con hiếu thảo, giỏi giang), bác Nguyễn hỏi và khuyến khích con gái trả lời cho bác bằng cách gật đầu hay lắc đầu, để bác biết rõ được cái tâm nghi ngờ của con. Bác là người rất can đảm và thành thật, đã tả cảnh tả tình những hấp lực của lời nói và thái độ ngọt ngào nơi các cô gái bên xứ nhà…” Nhưng nhờ sự bảo hộ của Phật pháp, nhờ mấy khóa tu được thực tập trong tu viện Lộc Uyển đây, nên ba mới thoát hiểm (!)…Hôm nay, ba có thể nói với con , trước mặt quý thầy cô và đại chúng đây, là ba không có làm chuyện gì sai trái hết! Ba đã nhận thức được sự giả dối trong những hành xử và ngôn ngữ ngọt ngào của mấy người bên kia, không phải là sự thật thà hiền lành giống như má con…dù đôi khi má con…không ái ngữ cho lắm. Vậy nên ba không bị sa ngã!” Cuối cùng, hai cha con em Bo đã ôm nhau, cảm thông và hết nghi ngờ. Nhà báo được biết, sau khi tham dự khoá tu đầu tiên tại Lộc Uyển cách đây 3 năm, em Bo đã thúc dục và ghi danh, đưa được cha mẹ về tu tập hai lần (dù em phải đi làm, không dự cùng được). Gia đình em từ đó ngày càng thêm an vui, cha mẹ đỡ gây gổ nhau. Và khoá nay, “em rất vui được cha mẹ tham dự cùng. Cha là người em rất phục, ông nguyên là sĩ quan quân đội VNCH, nhưng ông đi VN lâu quá nên cả nhà nghi ngờ…cho tới bữa nay thì hết! Em rất sung sướng nghe ba nói… ”

Hai buổi pháp thoại chót là bài giảng của thượng tọa Phước Tịnh. Thượng toạ giảng về Tự Tánh Niết Bàn có sẵn trong tâm thức mỗi ngưòi. “Về nguồn là trở về với Bản lai diện mục, về với Phật tánh, Chân tâm v.v…Chánh niệm hay cái biết của mình chính là nguồn linh tánh giác, là nguồn gốc của thọ mạng vô sinh”. Thượng toạ cũng cho rằng Hạnh phúc là một sinh vật khó nuôi, khó dưỡng, mà ta lại dễ bị đánh mất; dù rằng Hạnh phúc là điều sẵn có, vũ trụ đã cài sẵn trong tâm chúng ta rồi… Trong khi đó, nỗi đau khổ, như những viên độc dược, có thể tàn hại thân tâm, cắt ngắn sinh mạng, thì lại là thứ được chúng ta cất giữ kỹ càng, lâu lâu đem ra xài lại!...  Theo thượng toạ, người tu là người nhận biết những cảm thọ, những tiếng nói thì thầm trong tâm mình. Người tu biết tự chăm sóc cái thân, biết chạm tay vào giác tánh đang nằm ngủ trong mình. Họ cũng coi những cảm thọ, tư duy của họ chỉ như khách vãng lai, đến rồi đi, trong khi sự nhận biết của ta mới là ông chủ, là Phật tánh. Sống được với sự nhận biết thường trực, người Phật tử nhập được vào dòng Dự lưu của thánh quả.

Trong một bài pháp thoại tháng trước, thượng toạ Phước Tịnh nói tới những thuận duyên mà tu viện Lộc Uyển dành cho các Phật tử khi họ về đây tu học: ngoài không gian bao la, đẹp đẽ của núi rừng, còn có năng lượng thanh tịnh của qúy tăng ni tu học nghiêm túc nơi đây. Chỉ nhìn các thầy cô đi đứng, làm việc trong chánh niệm, là mình có bao cảm hứng để thực tập rồi. “Vì thế bài pháp thoại không quan trọng lắm đâu!”. Thượng toạ  nói như muốn nhấn mạnh tới sự thực tập.

Trong buổi văn nghệ đêm Trung thu tại thiền đường Thái Bình Dương, vào tối thứ bảy 13/9/2008, các “gia đình” (nhóm) Tiá Tô, Mồng Tơi, Kinh Giới. Thià là, Khoai mì vv… đua nhau trổ tài múa, hát và diễn kịch. Tuy thì giờ tập dượt không có bao nhiêu, nhưng các nghệ sĩ nghiệp dư (gồm cả một số tăng, ni) đã khiến cho khán giả thật vui, nhiều khi cười nghiêng ngửa. Bánh trung thu và nước nóng thơm mùi xả tô điểm thêm cho đêm văn nghệ. Sau khi chương trình văn nghệ chấm dứt, các thiền sinh lớn nhỏ cùng rước đèn ngắm trăng.  Trên con đường làng ở Lộc Uyển, xa hẳn đèn điện, mọi người ngồi xuống và dưới ánh trăng rằm Trung thu vằng vặc, hai nhóm thi đua với nhau, hát hò cho tới khuya.

Nhà báo được biết, một số thiền sinh mới đã chuyển hoá được niềm đau nỗi khổ của họ. Một số xin quy y ngũ giới và một số đi tìm các nhóm tăng thân để có bạn tu học theo, sau khi rời tu viện. Riêng chị PUN thì rất đắc ý về bài hát Tâm Ban Đầu mà chị đã cùng các bạn chị đặt lời cho một tình khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Chị PUN cho biết, sau rất nhiều khoá tu học với tăng đoàn Làng Mai từ thập niên 1980 tới nay, chị vẫn cảm nhận được những điều mới lạ mỗi khi về tu viện thực tập. Khoá này chị nhất định thực hành nghiêm chỉnh, tham dự tất cả mọi sinh hoạt – như lần đầu tiên. Với cái tâm ban đầu, chị được hưởng nhiều an lạc hạnh phúc, hơn hẳn những khoá tu trước, vì trong đầu chị không có sự so sánh và đòi hỏi nào cả, cũng không có tiếng thì thầm trong đầu “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Chị thấy bài giảng nào cũng lợi lạc như bài học mới vì chị thực sự chưa thực tập chuyên cần đủ. Thay vì  “Xin yêu như yêu lần đầu”, lời bài hát  được đổi cho hợp với việc tu tập của khoá tu Về Nguồn – và tựa đổi là Tâm Ban Đầu:

“Xin tu như tu lần đầu
Xin tu mãi mãi về sau
Dù công phu chưa được sâu
Xin giữ mãi tâm ban đầu.

Xin tu như tu lần đầu
Tu như chưa tu lần nào
Từng bước ta tập đi với nhau.

«Khi tu thân em nhẹ nhàng
Khi tu tâm luôn bình an
Trời cao mây xanh thật xanh
Chim hót líu lo trên cành

Xin tu như tu lần đầu
Tu như chưa tu lần nào
Nhận biết bao tình thương ngọt ngào.

Ngày xưa mê say phồn hoa
Mê áo gấm sáng lóng lánh
Tâm phán xét, không yêu thương
Tâm khép kín, không bao dung được người

Niềm vui hôm nay trào dân
Cánh hoa dù mong manh
Cũng đem lại niềm tin vững vàng…

 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

 THEO DẤU THIỀN SƯ IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>> 3. Hà nội - Ninh Bình - Vĩnh Phúc - Hokong - Thái Lan
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  2. THỪA THIÊN - HUẾ,   ĐÀ NẴNG,  NHA TRANG
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  1. SÀI GÒN,   LÂM ĐỒNG,   BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHUYÊN MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.