.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Thích Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Thích Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 THEO DẤU THIỀN SƯ V (22.04 đến 21.06.2008) : Hoằng pháp Việt Nam lần thứ ba nhân Đại lễ VESAK 2552

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
hoằng pháp tại Ấn Độ
(THICH NHAT HANH IN INDIA)

  • PSN - 7.10.2008 - Sc. Chân Không
    Hình Thầy Pháp Duệ

LTS: Như tin chúng tôi đã đưa. Chiều ngày 24 tháng 9 năm 2008 Thiền Sư và Tăng thân Làng Mai gồm 31 vị Giáo thọ trẻ của 2 chúng Xuất gia đã có mặt tại thủ đô Tân Delhi bắt đầu cho chuyến Hoằng pháp 37 ngày trên quê hương của Đức Bụt Thích Ca Mâu Ni. Dưới đây là bài tường thuật từ Ấn Độ của Sư cô Chân Không, ghi lại vài nét chính trong những ngày đầu của chuyến hành hóa.
 

Phái Đoàn Làng Mai họp báo
tại Alliance Francaise ở Tân Delhi, Ấn Độ

Phái đoàn Mai Thôn tới Tân Delhi ngày 24.09 2008 thì ngày 25.09.2008, tổ chức Ahimsa Trust đã thực hiện cuộc họp báo cho Tăng Đoàn tại trụ sở Văn hóa của Tòa Đại Sứ Pháp ở Ấn Độ dưới sự chủ trì của ông Đại sứ Jêrome Bonnafont.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh họp báo ngày 25.09.2008 dưới sự Chủ trì của Đại sứ Pháp tại Ấn Độ

Bốn trong những công dân nổi tiếng của xứ Ấn đã được vinh dự phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là diễn viên điện ảnh Nandita Das, cựu thương gia Anu Aga, nhà giáo dục Arun Kapur và chính trị gia cựu bộ trưởng Arun Shourie.


Đại sứ Pháp và Giám đốc Alliance Francaise ra mắt hai cuốn sách mới của Thiền Sư do nhà xuất bản Full Circle ấn hành.

Trong dịp này ông Đại sứ Pháp và Giám đốc Alliance Francaise đã làm lễ ra mắt hai cuốn sách mới của Thiền Sư do nhà xuất bản Full Circle ấn hành. Đó là cuốn Under the Banyan Tree (Dưới Gốc Cây Đa) và The Sun My Heart (Trái tim Mặt Trời). Dưới Gốc Cây Đa là cuốn sách phiên tả lại những bài giảng của khóa tu tại trụ sở của Khrisnamurti ở Chennai trong chuyến đi Ấn Độ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1997.



One Buddha Is Not Enough của tờ Times of India số ra ngày 26.09.2008

Sau cuộc họp báo, các nhựt báo lớn của thủ đô Tân Đề Li đều đã đăng tải tin tức vế chuyến hoằng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Tăng Đoàn, và đài truyền hình NDTV đã liên tiếp trong nhiều ngày loan báo về chương trình hoạt động của Thiền Sư, mỗi giờ đồng hồ lại chạy ba lần những dòng bên dưới các tin tức của Đài, ghi rõ từng chi tiết cụ thể từng thời khóa, địa điểm thuyết giảng, thiền hành, khóa tu, v.v... ở Thủ Đô cũng như những nơi khác dưới tiêu đề THICH NHAT HANH in INDIA. Nhờ vậy mà dân chúng trong nước đều được biết đến chuyến viếng thăm và hoằng pháp do Tăng Đoàn cống hiến. (Xin xem bài One Buddha Is Not Enough của tờ Ấn Độ Thời Báo www.timesofindia.com số ra ngày 26.09.2008)

 

Khóa tu của giới giáo chức toàn quốc Ấn Độ

Ngày 26.09.2008, tại trường Doon School, một trường trung học nổi tiếng nhất của quốc gia Ấn Độ tọa lạc tại thành phố Dehradun trên cao nguyên thủ đô bang Uttarakhand, (The Doon School là một kỳ quan của thành phố Dehradun, với kiến trúc cổ kính, thanh tú và là ngôi trường đầu tiên - nơi xuất thân - của nhiều danh nhân lãnh đạo Ấn quốc trước khi xuất ngoại du học ở Anh, hay Hoa Kỳ).

Ông Thống đốc tiểu bang đã tới khai mạc khóa tu cho giới giáo chức toàn quốc Ấn Độ  do Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các Giáo thọ Làng Mai hướng dẫn với chủ đề Để đi đến một xã hội lành mạnh và có tình thương (Towards a Compassionate and Healthy Society).

Năm trăm tám mươi hai vị giáo chức trong đó có nhiều vị hiện là Hiệu trưởng và Giám đốc các trường Trung, Tiểu học danh tiếng đã tới từ các tiểu bang xa. Có vị phải bay hai chuyến, ngủ đêm ở New Delhi và bay tiếp mới tới được Dehradun trong hai ngày. Họ nói  nếu đi tàu hỏa thì phải sáu ngày!


582 Giáo chức xuất sắc toàn quốc cùng tham dự khóa tu 3 ngày tại The Doon School

Khóa tu bắt đầu từ 17 giờ ngày 26.09,2008 đến chiều ngày 29.09.2008. Một buổi lễ truyền-thọ Quy-Giới đã được tổ chức lúc 7 giờ sáng ngày 29.09.08 và đã có 90 giáo chức tiếp nhận chính thức Tam Quy và Ngũ Giới trong đó có nhiều vị tới từ Âu Châu và Mỹ Châu (American School of New Delhi). Các thầy và các sư cô Giáo thọ Làng Mai đã có cơ hội sinh hoạt với các học sinh của trường Doon và cũng có dịp chơi thể thao với họ.


(Hình Pháp Duệ)

Thiền sinh giáo chức đã tu tập và học hỏi hết lòng và đã tham dự đầy đủ các buổi thiền tọa, thiền hành, pháp đàm, thiền buông thư, thiền lạy và cách ăn cơm chánh niệm. Đa số rất thích thiền lạy và đã báo cáo là nhờ thiền lạy mà hiểu được những lời Sư Ông (tiếng gọi có tính cách gia đình, tông môn của thiền sinh dành cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh) dạy và thương cha mẹ nhiều hơn.

582 Thiền sinh được Sư Ông đích thân hướng dẫn Thiền đi,
tất cả đều
được nhận Chứng chỉ của Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (EIAB) (Hình Pháp Duệ)

Ngày thứ nhất đa số rất ngỡ ngàng. Chưa bao giờ họ được tham dự một “khóa làm việc” (workshop) lạ lùng như thế. Ngay ngày đầu có một số người thích nhưng cũng có người khá ngạc nhiên và bực  mình. Nhưng không ngờ chỉ 24 giờ đồng hồ sau, pháp môn đã giúp họ chuyển hóa thật nhanh. Chưa đủ nhanh để 100% người tham dự phát tâm quy y như các khóa tu 6 ngày ở Tây Phương nhưng ngay ngày thứ ba mà đã có 90/582 vị xin Quy Y, và 100%  báo cáo rằng đã thật sự hạnh phúc.

Khóa tu đã đem lại nhiều nuôi dưỡng chuyển hóa và niềm vui cho tất cả những người tham dự trong đó có ông Hiệu trưởng trường Doom. Ban đầu, dù có giúp Shantum gửi thư mời Giáo chức, nhưng ông thú nhận không tin tưởng mấy ở hiệu năng của Khóa Tu nhưng ngày chót ông đã được chuyển hóa hoàn toàn. Được biết, 582 thiền sinh - giáo chức này đều đã nhận được Chứng chỉ của Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (EIAB).


Sư Ông trồng cây trong khuôn viên Làng Mai Tây Thiên (Làng Mai tại Ấn Độ) (Hình Pháp Duệ)

Ngay sau đó phái đoàn đã đến thăm Làng Mai Tây Thiên (Ấn Độ) tọa lạc trên một vùng núi không xa thành phố Dehradun và Sư Ông đã làm lễ Gia trì nước tịnh, trồng cây bồ đề và hai cây đa cùng với một số các loại cây khác trong khuôn viên của Làng Mai tại Ấn Độ. Đây là vùng núi dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Phái đoàn được thỉnh cầu thọ trai tại tư gia một thí chủ trước khi lên xe về lại New Delhi.
 

Ấn Độ Thời Báo (Times of India) mời
Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm Chủ Bút ấn bản đặc biệt về Hòa Bình

Ngày 2 tháng 10 năm 2008 ngày kỷ niệm Đản sinh thứ 139 của Thánh Gandhi, mà cũng là ngày Quốc Tế Bất Bạo Động (The International Day of Non Violence), nhật báo The Times of India (Ấn Độ Thời Báo), một nhật báo lớn nhất của toàn cõi Ấn Độ, đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh biên tập cho ấn bản Hòa Bình của nhật báo (Guest Editor for Peace Edition). Thiền sư đã nhận lời và đến làm việc với Bộ Biên Tập và đã ra một số đề mục để các ký giả điều tra và nghiên cứu, trong đó có các chủ đề :

1/ Ai là Phật Tử ở Ấn Độ?
2/ Có thể tổ chức một ngày không xe (No Car Day) trong toàn cõi Ấn Độ để giáo dục dân chúng về vấn đề hâm nóng địa cầu không?
3/ Các gia đình ở xã hội Ấn có còn được ăn cơm chung mỗi ngày một lần không?
4/ Có thể nào trong tất cả các trường học của toàn cõi Ấn Độ, các giáo chức có dịp dạy cho học sinh biết điều phục và chuyển hóa những tâm hành như giận dữ, bạo động và tuyệt vọng?
5/ Đã có ai viết những lá thư tình cho người khủng bố đánh bom để giúp họ cởi bỏ những tri giác sai lầm và thù hận trong tâm?
V.v...

Chỉ trong vòng sáu giờ đồng hồ, các ký giả  đã viết những bài phóng sự ấy cho số ra ngày 2.10.2008 và đăng đầy các trang 1, 11, 16, 17, 18, 19 và 20. Ở trang đầu có bài “Đi tìm Hòa Bình trong Thời Buổi Tao Loạn” (Quest for Peace in Trouble Times) với tiểu đề: Những kẻ khủng bố cũng là nạn nhân và những người khác đã trở thành nạn nhân của họ (Terrorists are victims who create mofre victims) do mạng lưới thông tin của nhật báo biên tập, kể lại những giờ phút Thiền Sư đang làm việc chung với toàn bộ biên tập viên của nhật báo.


(Hình Pháp Duệ)

Bài này được đăng ngay bên cạnh bản tin nỗi bật nhất trong ngày : Một loạt đánh bom vừa được xảy ra tại Agartala, bốn người thiệt mạng… Bài Đi Tìm Hòa Bình… bắt đầu như sau :

“Hôm nay là ngày sinh nhật của Gandhi mà cũng là ngày Quốc Tế Bất Bạo Động. Vậy thì tìm được ai hơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh để mời hướng dẫn biên tập cho ấn bản đặc biệt Hòa Bình? Thầy là người đã suốt đời vận động cho con đường bất bạo động. Hy vọng thông điệp của Thầy sẽ giúp mang lại tình thường và hòa giải.

Chúng tôi, bộ biên tập về tin tức đang họp nửa chừng thì tin dữ được chuyền tới : ”Một loạt bom vừa nổ tại  Agartitala làm thất điên bát đảo cho cả một miền. Ngay khi nghe tin ấy mọi con mắt đều hướng về thầy Thích Nhất Hạnh, vị Biên Tập Khách (Guest Editor) của Ấn bản đặc biệt về Hòa Bình cho số báo ngày hôm nay. Chúng ta là những nhà báo, chúng ta phải hành sử như thế nào trong một ngày đen tối như thế nay?

Vị thiền sư không trả lời ngay câu hỏi, ngồi trầm tư trong một giây lát. Ngày xưa ông đã từng tổ chức tái thiết lại những ngôi làng bị bom đạn làm tan nát, xây dựng lại trường học, bệnh xá, giúp cho những gia đình tị nạn chiến tranh tìm được nơi định cư, và suốt đời vận động cho đường lối bất bạo động và từ bi, không bao giờ biết mỏi.

Ông bắt đầu trả lời và trả lời một cách rất khúc chiết và rõ ràng: “Chúng ta phải có phương thức đưa những tin tức này đến cho dân chúng như thế nào để người đọc có cơ hội thấy được tại sao những tai nạn ấy cứ tiếp tục xẩy ra hoài, để họ thấy được các hành động khủng bố ấy có gốc rễ nơi hận thù, sợ hãi và tri giác sai lầm. Chúng ta phải tìm mọi cách để cho hận thù đừng trở thành một năng lượng tập thể, rất nguy hiểm. Phải giúp cho mọi người thấy được phương thuốc duy nhất để đối trị với hận thù là bất bạo động, là tâm từ bi. Những người khủng bố là nạn nhân của tri giác sai lầm, và biết bao nhiêu kẻ khác đã trở thành nạn nhân của họ?”


(Hình Pháp Duệ)

Đó là những lời của một ông thầy tu 82 tuổi nói ra, người đã được xem như là có công đầu trong việc vận động dư luận Hoa Kỳ chống lại cuộc chiến Việt Nam và do đó đã được Mục sư Martin Luther King đề nghị cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967. Do đó ta không thể xem nhẹ những điều ông ta nói được.

Ông nói, độc giả ai cũng có hạt giống sợ hãi, hận thù, bạo động và tuyệt vọng trong tâm. Và ai cũng có hạt giống hy vọng, từ bi và tha thứ. Những bài báo chúng ta viết phải có công năng tưới tẩm những hạt giống của hy vọng và những hạt giống tốt khác trong tâm thức của người đọc. Chúng ta là nhà báo, chúng ta phải có bổn phận ấy. Phải tìm cách nói sự thực, nhưng không được tưới tẩm những hạt giống hận thù. Vấn đề đưa tin không phải là nội dung của tin tức mà là cách đưa tin của chúng ta (Đón xem bản dịch trọn bài).

Ngoài các trang đầy 16, 17, 18, 19 và các bài ở trang 1 và 2 ; 11 và 20, những bài do các ký giả và các thầy các sư cô Làng Mai phụ tá cho Sư Ông viết còn được đăng  trong www.timesofindia.com, phần điện tử của Ấn Độ Thời Báo cùng ngày.
 

Swaraj, tự do đích thực


Dr. Karan Singh, Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa Quốc Hội Liên Bang Ấn Độ, tặng khăn quàng cho Sư Ông (Hình Pháp Duệ).

Ngày 1.10.2008 lúc 17 g 30, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã diễn thuyết tại Trung tâm Tưởng niệm Gandhi (Gandhi Smrti) ở thủ đô New Delhi cho khoản 600 khách thượng lưu trí thức có được giấy mời tham dự. Buổi thuyết pháp được sự hỗ trợ hết lòng của Tiến sĩ Karan Singh, Chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa của Quốc Hội Liên Bang Ấn Độ. Ông Quốc Vụ Khanh Ngoại Giao Ấn Độ Ananda Sarna, bà Tara Gandhi Bhattachyara, cháu nội của thánh Gandhi. Tiến sĩ Savita Singh, Giám đốc Trung tâm Tưởng niệm Gandhi đứng ra chào mừng Thiền Sư và Tăng Thân. Với sự tham dự của nhiều vị  đại sứ các nước, trong đó có Đại Sứ nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Vũ Quang Diệm và những vị cận sự.

Tăng thân Làng Mai đã trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm trước giờ diễn thuyết. Ông chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa của Quốc Hội Liên Bang đã lên giới thiệu Thầy, rồi Ông Quốc Vụ Khanh Ngoại Giao cũng lên phát biểu cảm tưởng và chào mừng. Cuốn sách The Art of Power do nhà xuất bản Harper and Colins Ấn Độ ấn hành đã được ba vị này cho ra mắt quần chúng. Bài diễn thuyết đã đánh động sâu xa vào tâm thức của thính chúng. Sau bài giảng bà Tara Gandhi đã phát biểu rằng : Thầy quả thực là Gandhi của Thế Kỷ này. (Đón xem nội dung bài giảng).

 

Mỗi bước chân là an lạc,
cuộc Thiền Hành cho Hòa Bình tại Thủ Đô New Delhi

Một cuộc thiền hành đã được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Sinh Thánh Gandhi và cũng là ngày Bất Bạo Động Thế Giới. Các báo cấp quốc gia trong nước đều đăng tin về cuộc thiền hành do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Cuộc Thiền Hành bắt đầu từ Phủ Tổng Thống (Vijay Chjowk) và chấm dứt tại Ấn Độ Môn (India Gate). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một vị đạo sư được phép sử dụng con đường này, con đường tương đương với Đại lộ Champs Elysées ở Paris.


Điểm khởi hành (Hình Pháp Duệ)

Công đức cần được hồi hướng về bà Sonia Gandhi Chủ tịch Đảng cầm quyền và chiếm đa số trong Quốc hội Ấn đã viết thư gửi gấm và cũng của bà Sheila Dixit, Chief Minister của Thủ đô New Delhi.

Cuộc Thiền Hành bắt đầu ngày 02.10 .2008, lúc 17 giờ 45 chiều, sau 15 phút hướng dẫn, sau đó là các xe Cảnh sát làm trách nhiệm mở đường, quần chúng tham dự rất đông, trong đó cũng có nhiều thầy và sư cô Việt Nam đang du học tại Thủ Đô.


Điểm kết thúc (Hình Pháp Duệ)

Rất tiếc là khi đoàn thiền hành đi tới Ấn Độ Môn, đại chúng không được phép ngồi lâu, lý do đưa ra là an ninh. Tuy nhiên buổi thiền hành có năng lượng rất là hùng hậu. Và đây là lần đầu tiên tại thủ đô Ấn Độ có một cuộc Diễn Hành Tâm Linh mà năng lượng hoành tráng như thế.
 


Nghệ thuật lãnh đạo,

ngày tu cho giới Doanh Thương tại thủ đô Delhi

Khoảng 300 nhà doanh thương trong toàn Ấn Độ đã tụ tập về New Delhi tại khách sạn Taj Mahal để dự một ngày chánh niệm về đề tài : Nghệ Thuật Lãnh Đạo (The Art of Leadership) do các tổ chức Aspen Institute India và Confederation of Indian Industry sắp đặt.

Taj Mahal là khách sạn sang trọng bậc nhất (7 sao) của Thủ Đô và vì Thiền Sư là vị khách quý (distinguished guests) của Chính phủ Ấn nên hai phòng thượng hạng tại khách sạn nầy đã được Quốc Hội dành cho Sư Ông và Thị giả, nhưng Thiền sư đã từ chối vì sự sang trọng của nó không thích hợp với nếp sống khiêm tốn của người xuất gia. Do đó Sư Ông chỉ lưu trú chung với Tăng Thân trong khách xá của Gandhi Smrti Darshan Samitti (GSDS), cũng như Thiền Sư đã không nhận vé máy bay hạng sang trong chuyến bay từ Pháp sang New Delhi khứ hồi của Chính phủ Ấn đài thọ mà chỉ đi vé hạng tiết kiệm cùng với Tăng Thân.

Ngày chánh niệm được bắt đầu bằng bửa cơm trưa trong chánh niệm lúc 13 giờ do các thầy các sư cô Làng Mai hướng dẫn. Vào lúc 14 giờ thầy Pháp Lai và sư cô Lương Nghiêm hướng dẫn thiền ca, sau đó sư cô Định Nghiêm hướng dẫn  thiền ngồi cho mọi người. Sư Ông vào và mời Tăng Thân niệm danh hiệu đức Bồ tát Quán Tự Tại để mọi người ngồi yên mở lòng ra cho năng lượng tập thể của Tăng Thân thấm vào để buông bỏ những căng thẳng, đau nhức ưu phiền trong thân và trong tâm.

Sau đó ông Giám đốc tổ chức Aspen International India đã giới thiệu Thiền Sư. Tiếp đến là lễ ra mắt cuốn sách Understanding our Mind của Thiền sư do nhà xuất bản Harper Colins tại Ấn Độ ấn hành.

Bài pháp thoại của Sư Ông đã đánh động sâu xa vào tâm thức của những nhà doanh thương. Thiền sư đã kể chuyện thương gia Frederick và phu nhân Claudia, dạy về hiện pháp lạc trú và về phương pháp thực tập Bốn Câu Linh Chú. Sau đó Sư Ông đã trả lời chừng ba câu hỏi và hướng dẫn các nhà doanh thương đi thiền hành.

Sau buổi thiền hành và ngồi thiền ngoài trời với Sư Ông, đại chúng được uống trà và tham dự một buổi vấn đáp sau đó với quý thầy quý sư cô Giáo Thọ lớn chủ trì trước khi giải tán. Chỉ đi qua có bốn giờ thực tập mà các doanh thương đã được nhiều an lạc và chuyển hóa sâu sắc.   


Một ngày Chánh niệm tại Delhi

Một Ngày Chánh Niệm được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (India International Center) cho dân chúng Thủ Đô.

Bắt đầu là buổi pháp thoại tổ chức ở ngoài trời. Hôm nay trời rất nóng, nóng tới 43 độ C. Sư Ông bắt đầu giải thích về công dụng một ngày chánh niệm, cách nghe chuông, nghe pháp thoại và nghe xướng tụng. Sau đó Tăng đoàn đã trì tụng danh hiệu đức Bồ tát Quán Thế Âm. Hôm nay Sư Ông giảng về đề tài “Tưới tẩm hạt giống tốt” và kể rất nhiều chuyện về sự chuyển hóa do sự thực tập này đem đến.

Sau nửa giờ nghỉ ngơi, đại chúng tập họp để đi thiền hành ra công viên Lodhi gần đó. Thiền sinh và Tăng đoàn có dịp ngồi thiền ngoài trời dưới bóng mát của các cây đại thụ trong Công viên và sau đó đã quây quần thực tập ăn cơm pic-nic chánh niệm với Sư Ông ngay tại Công viên.

Lúc 14 g. 15 có Thiền buông thư và Thiền lạy do sư cô Chân Không hướng dẫn và tiếp đó thầy Pháp Đăng đã hướng dẫn Thiền ăn táo (Apple Meditation).

Từ 16 g. 45 trở đi đại chúng thực tập Mười động tác chánh niệm rồi tham dự buổi Vấn đáp với các vị Giáo thọ xuất gia và kết thúc ngày Chánh Niệm với những bài thiền ca tươi mát.

Trong số thiền sinh cũng có rất nhiều người gốc Âu-Mỹ và một số các thầy và các sư cô Việt Nam đang du học tại Delhi. Ông Đại sứ Việt Nam cũng đã có mặt gần suốt ngày trong Ngày tu chánh niệm, nhân dịp này Ông cũng ngỏ lời Thỉnh cầu Thiền Sư và Tăng Thân dành cho toàn thể quan chức, nhân viên tòa Đại Sứ một ngày Tu Học hướng dẫn bằng tiếng Việt, và xin được Cúng dường Trai Tăng cho toàn thể Đại Chúng.

Khóa tu chấm dứt vào lúc 18g30. Tối hôm ấy vào lúc 21g. 30 đài Truyền Hình DNTV đã phát sóng buổi phỏng vấn Thiền Sư trong chương trình Walk The Talk. Buổi phát hình kéo dài 30 phút và phụ đề liên tiếp đưa tin về những hoạt động sắp tới của phái đoàn Mai Thôn.

***

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đang cùng với một phái đoàn 30 giáo thọ trẻ của Làng Mai viếng thăm Ấn Độ để cống hiến những khóa tu, những ngày quán niệm và những buổi diễn thuyết cùng những sinh hoạt khác với các tầng lớp xã hội khác nhau của Ấn quốc, như giáo chức, doanh thương, y sĩ, học sinh, các chính trị gia v.v… Cuộc thăm viếng đã bắt đầu ngày 23 tháng 9 và sẽ chấm dứt ngày 31.10.2008.
 

Sư cô Chân Không gửi từ New Delhi.


Xem bài đăng trên Times of India ấn bản điện tử :

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

 THEO DẤU THIỀN SƯ IV từ tháng 6/2007 đến tháng 5/2008
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>> 3. Hà nội - Ninh Bình - Vĩnh Phúc - Hokong - Thái Lan
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  2. THỪA THIÊN - HUẾ,   ĐÀ NẴNG,  NHA TRANG
 >>Xem tiếp THEO DẤU THIỀN SƯ III>>  1. SÀI GÒN,   LÂM ĐỒNG,   BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHUYÊN MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.