Không có bùn thì không có
sen
Ngày 27 tháng 9 năm 2010, hòa thượng Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai
bắt đầu hướng dẫn khóa tu “Thực tập hết lòng” (Practice from the
heart) tại trung tâm nghỉ mát Kinashi, cách thủ đô Jakarta của xứ Nam
Dương hơn một giờ lái xe. Vì có hơn 100 người từ các nước khác tới
tham dự nên ban tổ chức chỉ có 800 chỗ cho người Nam Dương. Một số
người ghi tên trễ không được tham dự khóa tu. Nam Dương là xứ đông dân
thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Hoa và Ấn Độ, trên 90% dân số theo
đạo Hồi. Giới Phật tử trẻ của xứ này rất hâm mộ pháp môn thực tập của
Làng Mai nên các chùa Phật giáo vùng thủ đô Jakarta đã họp nhau tổ
chức khóa tu trong một tuần. Nam Dương là một trong năm xứ Đông Nam Á
được thực tập phương pháp Thiền do tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn.
Các khóa tu và thuyết pháp tại các xứ láng giềng với Việt Nam khởi sự
từ ngày 5 tháng 9 tới 15 tháng 11. Vị sư già 85 tuổi đời, gần 70 tuổi
đạo, vẫn nhanh nhẹn, khang kiện và giảng pháp hết lòng cho các học trò
mới. Đây là những khóa lớn tu đầu tiên cho các Phật Tử Singapore, Mã
Lai, Nam Dương (Indonesia), Thái Lan và Hồng Kông. Nơi nào cũng trên
dưới một ngàn thiền sinh chuyên cần thực tập. Cuối khóa tu, trên một
nửa xin thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Mỗi buổi pháp thoại của thiền sư đều
hấp dẫn nhiều ngàn người tới nghe
Cũng ngày 27 tháng 9 năm trước (2009), các thiền sinh dự khóa tu tại
Lộc Uyển cùng tăng thân của họ khắp thế giới được tin tu viện Bát Nhã
(Lâm Đồng-Việt Nam) bị triệt hạ. Gần 400 tăng ni sinh và cư sĩ tập tu
đã bị côn đồ cùng công an đánh đập và trục xuất ra khỏi tu viện, phải
đội mưa gió, chạy tới tạm trú ở chùa Phước Huệ của thượng tọa Thái
Thuận. Sau đó, vào cuối năm 2009, thượng tọa Thái Thuận lại bị ép buộc
phải để các tăng ni trẻ rời chùa Phước Huệ; dù thầy đã xin phép bảo
lãnh họ.
Có thể ví chuyện bạo hành, đánh đuổi các tu sĩ trẻ tuổi đang thực tập
đạo Hiểu và Thương của đức Phật tại Bát Nhã như việc tát ao tìm cá,
nhưng ao không có cá mà chỉ có bùn và những hạt giống hoa sen. Các hạt
sen theo bùn, bị đánh bật ra khỏi ao, văng ra tứ phía, nhưng không có
hạt nào bị thui chột. Trái lại, một số hạt, do những nhân duyên từ bao
đời trước, hay do sự sắp xếp nào đó của chư tổ, năm nay đã lên mầm,
trổ ra những bông sen thơm ngát trong các xứ Singapore, Malaysia,
Indonesia, Thái Lan và Hồng Kông.
Thầy Pháp Khâm nguyên là một vị thầy hướng dẫn tăng ni Bát Nhã, đã
phải rời Việt Nam sang Hồng Kông từ ba năm qua. Thầy đã thiết lập được
một tăng thân thực tập rất chuyên cần, sau đó, lan qua Singapore và Mã
Lai. Sư cô Linh Mai gốc Thái Lan, lập nên đạo tràng tại quê mẹ của cô,
và thầy Pháp Tử, người Nam Dương, từ truyền thống Tây Tạng chuyển qua
học pháp môn Làng Mai, nay là một tăng sĩ trẻ nhiều khả năng trong
việc truyền bá phép tu tập của thiền sư Nhất Hạnh tại xứ Indonesia. Vì
không được về Việt Nam hoằng pháp, nên tăng đoàn Làng Mai năm nay mới
có thì giờ hướng dẫn cho năm cộng đồng tu học mới, đa số trẻ tuổi, tại
các xứ Đông Nam Á.
Cuộc hoằng pháp của thiền sư Nhất Hạnh tại Singapore kéo dài từ 5 tới
13 tháng 9. Khóa tu có chủ đề “Tâm bình an, trái tim mở rộng” kéo dài
5 ngày, tổ chức tại chùa Quang Minh Sơn, có 700 người tham dự. Sau đó,
ông bộ trưởng Giáo Dục của Singapore và hòa thượng trụ trì chùa đã
thỉnh mời Sư Ông và tăng đoàn trở lại Singapore để giảng dạy vào năm
2011, nhưng thời biểu của Sư ông đã không còn chỗ trống. Sư cô Khôi
Nghiêm người Singapore đã đưa cả gia đình tới nghe Sư Ông thuyết pháp.
Singapore chính là xứ, năm 1976, đã làm khó thiền sư Nhất Hạnh khi
biết tin ông thầy đang tổ chức vớt các thuyền nhân ngoài biển cả, dự
tính đủ 1000 người sẽ đem qua đảo Guam hay Úc châu, họp báo để những
người vượt biển được thế giới chú ý giúp đỡ. Chính phủ Singapore làm
áp lực với tổ chức Liên Tôn Giáo quốc tế, buộc Thầy Nhất Hạnh phải rời
xứ họ trong 24 giờ, cấm thuyền tiếp tế chở luơng thực cho tàu Roland
ngoài khơi, đã vớt được gần 800 thuyền nhân, khiến cho công việc giúp
người vượt biển của ông thầy bị gián đoạn. Năm nay, trên bờ biển
Singapore, thiền sư đã mời các vong linh thuyền nhân quá vãng về uống
trà với mình.
Trong chuyến hoằng pháp tại xứ Mã Lai, thiền sư Nhất Hạnh đã nhận lời
mời làm diễn giả chính cho Hội nghị Phật giáo thế giới (World Buddhist
Conference), ngày 25 tháng 9, 2010, được tổ chức Kulalumpur. Đề tài
của hội nghị là “Sống hài hòa khi mọi thứ đều tan tác”(Living in
Harmony when things fall apart). Có khoảng 800 đại biểu của 38 quốc
gia Phật Giáo tham dự đại hội.
Tại Thái Lan, Thiền sư Nhất Hạnh đã hướng dẫn khóa tu đầu tiên dành
cho tăng ni tại trung tâm tu học Pak Chong, nơi có khoảng 200 tăng ni
từ Việt Nam qua tạm trú kể từ khi họ bị chính quyền VN đánh đuổi ra
khỏi tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ. Đây là cơ ngơi của một vị
tướng Cảnh Sát Thái Lan, cho tăng ni tạm trú trong hai khu đất cách
nhau 2km. Sau khóa tu 5 ngày dành cho tăng ni, hầu hết là người Việt,
thiền sư Nhất Hạnh nói hai pháp thoại cho nhiều ngàn thính chúng tại
viện đại học Thammasat University, Bangkok rồi ngày 22 tháng 10, tại
Maha Chulalongkhorn University, vùng phụ cận thủ đô Thái Lan. Có
khoảng 500 khất sĩ người địa phương và 1400 cư sĩ tham dự.
Ngày sau đó, 23 tháng 10, là khóa tu cho doanh nhân và sau đó, là khóa
tu thứ ba dành cho khất sĩ và cư sĩ Thái- Việt tại Trung tâm Wang Ree
ở tỉnh Nakhon Nayok. Giảng đường lớn của Wang Ree chứa tối đa 1400
chỗ, nên 1380 thiền sinh Thái được nghe Thiền sư giảng trực tiếp bằng
tiếng Anh hoặc tiếng Thái (qua thông dịch) tại giảng đường chính. 385
thiền sinh Việt (hầu hết từ Việt Nam qua) thì nghe pháp thoại ở một
thiền đường nhỏ có trang bị màn hình lớn. Họ thấy rõ hình Sư Ông của
họ đang giảng, nhưng không nghe được tiếng mà chỉ nghe qua lời dịch
của Sư cô Đẳng Nghiêm. Giảng tại đâu Sư Ông cũng giảng về tuệ giác
tương tức, nhìn vào hoa thấy được mặt trời, đại địa, ..., nhìn vào
Phật giáo Nguyên Thỉ thấy được Phật giáo Đại Thừa nhìn vào Phật giáo
Đại Thừa thấy được Phật giáo Nguyên Thỉ...
Ngày 30 tháng 10, thiền sư Nhất Hạnh nhận đất do người Thái cúng dường
một phần để thành lậpTrung Tâm Làng Mai Quốc Tế tại Thái Lan.
Qua tới Hồng Kông, ngày 2 tháng 11, thiền sư Nhất Hạnh và tăng đoàn đã
khai mạc cuộc triển lãm Thư pháp của ông tại Viện Bảo Tàng của Đại học
Hongkong. Cuộc triển lãm này sẽ kéo dài hai tháng.
Chiều ngày 4 tháng 11 mở đầu khóa tu 5 ngày tại khu Wu Kai Sha Youth
Village với chủ đề: “Hạnh phúc bây giờ và ở đây”. Có trên 1400
người với một số Tôn Đức từ Việt Nam sang tham dự,
Cuối khóa tu có tới 24 cư sĩ người Hongkong được Sư Ông trao truyền 14
giới Tiếp Hiện. Tên các vị tân Tiếp Hiện được bắt đầu bằng chữ “Chân”
và chấm dứt bằng chữ “Hương” như Chân Tâm Hương, Chân Giới Hương ...
(Hương là chữ đầu của lãnh địa Hương Cảng tức Hồng Kông).
Gieo hạt cho Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á tại Hongkong
Theo tường thuật trên mạng lưới Phusa.info,
ngày 9 tháng 11 năm 2010, thiền sư Nhất Hạnh đã tiếp kiến một vị Thí
chủ Hồng Kông khi ông đã khẩn khoản xin thiền sư giải đáp dùm những ưu
tư trong đời. Ông đã hỏi rằng:
1. Sư Ông đang làm gì và định đi về đâu, mục đích tối hậu của Sư Ông
là gì?
2. Sư Ông định sẽ về đâu khi nhục thân tan rã: Cung Trời Đâu Suất, cõi
Tịnh Độ của đức A Di Đà hay đi vào Niết Bàn tịch diệt?
3. Nếu biểu hiện trong một đất nước nhiểu nhương tàn sát không tiếc
thương như hồi Cách Mạng Văn Hóa bên Trung Quốc, không có một tự do
tối thiểu nào và nếu lúc đó có một visa được đi Hoa Kỳ thì Sư Ông sẽ
chọn đi hay ở lại?
Thiền sư trả lới “thầy đang an trú trong bây giờ, uống trà an nhiên
tự tại tại đây, và thầy chia sẻ cho ông và cho các người ngồi bên thầy
sự sống an trú tự tại của thầy bằng sự sống này đây. Thầy không định
đi về đâu hết, nếu bây giờ và ở đây thầy sống tự tại an nhiên thì ngày
mai ngày mốt cũng tự tại an nhiên. Khi có việc cần làm thì thầy làm vì
hiểu và thương hoàn cảnh ấy. Sư Ông nói thêm rằng: quan trọng
là mình tập sống cho an nhiên từ bi và vững chãi từng phút giây hiện
tại của sự sống. Khi nhân duyên đầy đủ cần sự có mặt của mình ở hướng
này thì đi hướng này, cần ở hướng kia thì đi hướng kia. Đi và hành
động trong trí tuệ (hiểu) và từ bi (thương). Nếu được như vậy thì cõi
trời Đâu Suất là đây mà cõi Tịnh Độ cũng là đây. Tắt ngấm những vọng
tưởng không phải để về một cõi Niết Bàn xa xôi, mà để thấy rõ: Đây là
Tịnh Độ,... Nếu tái sinh vào một đất nước nhiểu nhương bạo động, kỳ
thị ác độc nhưng nếu mình có cái hiểu biết vững chãi và lòng từ bi lớn
không thối chuyển thì ở lại cũng đóng góp được cách này hay cách khác
mà đi nước ngoài cũng chuyển đổi hoàn cảnh nơi mình tới. Còn nếu mình
chỉ là cái bong bóng không vững chải, không thảnh thơi không từ bi
không hiểu biết thì ở lại cũng tệ mà đi cũng không đi tới đâu xa hơn
là cái vòng lẫn quẫn của mình.
Có thể tâm tư vị Thí chủ đã trở nên nhẹ nhàng sau lời khai thị của Sư
Ông, nên Ông đã rất hoan hỷ xin Sư Ông cho Ông được góp phần mình vào
cuộc hoằng pháp của Sư Ông.
Sư Ông đáp rằng: Tăng thân Làng Mai không muốn sở hữu cơ sở nào ở đây.
Nếu người Hongkong có nhu yếu tu học, Làng Mai có thể giúp về phần nội
dung để giúp đời chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc một cách thực dụng
trong đời này. Chúng tôi có thể có cho quý vị chừng 100 vị xuất sĩ để
lo việc này. Vấn đề tổ chức, các phương tiện vật chất cần thiết khác
là do quý vị Phật tử Hongkong lo...
Vị Thí chủ rất vui và sẵn sàng cùng Tăng thân Làng Mai tại Hongkong
xây dựng Viện Phật Học Ứng Dụng Á Châu tại Hongkong. Làng Mai đã có
Viện Phật Học Ừng Dụng Âu Châu (tại gần tỉnh Bonn, Đức quốc). Ông thí
chủ đã xin được hiến tặng ngay cho Tăng thân Hongkong một ngôi Chùa
ban đầu với sức chứa khoảng 120 người cho dự án của Viện Phật Học Á
Châu tại Hongkong.
“Tại dinh của Viện trưởng đại học Hongkong, Sư Ông và một số quý vị
Giáo thọ có buổi chia sẻ thân tình về Con Đường Đạo Đức Cho Toàn Cầu
với 30 vị trí thức, Giáo sư, Khoa truởng các phân khoa Giáo dục, Y tế,
Nhân văn, Khoa học Tổng hợp, Y-Dược, Sinh thái, Tin học, Bách khoa
v.v...
“Ngày 14.11 diễn ra buổi pháp thoại công cộng tại hội trường Hongkong
Convention Center, có hơn chín ngàn người tham dự (9000 người). Tuy
rất đông thiền sinh nhưng rất yên lặng.. Quý Tôn Đức từ Việt Nam qua,
chứng kiến cảnh đó đã phải thốt lên: Chao ôi, người Hongkong tu giỏi
quá, họ ngồi yên lặng hết lòng lắng nghe không có một tiếng động nào.
Trong các khóa tu tại ở Hongkong này không chỉ có Phật tử mà có cả các
vị Linh mục, Ma-sơ, và Giáo dân tham dự một cách tích cực. Họ đã mở
lòng đón nhận Giáo Pháp Tỉnh Thức để làm giàu thêm truyền thống Kitô
của họ. Trong thân tình Su Ông đã dặn dò Linh mục Kwang rằng: Linh Mục
hãy tìm cách đưa giới bản Năm Giới vào nhà thờ cho con chiên thực tập,
nhưng nhớ viết lại theo ngôn ngữ của Công giáo cho Giáo dân dễ dàng
tiếp nhận. Cha Kwang đã tiếp nhận lời nhắn nhủ ấy và quả quyết sẽ làm
được việc này.
Thượng tọa Trụ Trì chùa Đại Bi ở Dương Châu, Trung Hoa Lục Địa, khi
tìm hiểu về Năm Giới mới của Làng Mai thấy hay quá nên quyết xin thọ
lại Năm Giới. Có một Ni Trưởng một chùa ở Trung Quốc cũng xin được thọ
lại Năm Giới. Quý sư cô tiếp nhận đơn xin thọ giới của Thượng Tọa và
Ni Sư đã ngần ngại thưa rằng: Năm Giới chỉ dành cho người tại gia
thôi, Thượng Tọa đã có giới của người xuất gia rồi... Nhưng Thượng Tọa
cũng đã cương quyết xin cho bằng được, Thượng Tọa nói: Năm Giới này
hay quá, nó đáp ứng được những khó khăn của thời đại vì vậy xin cho
tôi được thọ. Linh mục Kwang đã thọ Năm Giới tại Làng Mai năm 2003 nay
cũng xin thọ lại Năm Giới Tân Tu, một Ma-sơ cũng cùng xin thọ nhận Năm
Giới chung với các vị cư sĩ trong lần này…”(Trích web phusa)
Khổ đau và hạnh phúc tương quan với nhau
“Không bùn thì không sen” là một trong các thư pháp của hòa thượng
Nhất Hạnh được nhiều người thỉnh về nhà treo nhất. Ngay từ thời còn
trẻ, hòa thượng Nhất Hạnh đã nổi tiếng là một vị tăng trẻ có nhiều tư
tưởng cấp tiến trong việc Hiện Đại Hóa đạo Phật để thích hợp với thời
đại và con người thế kỷ thứ 20. Tu thiền cùng thầy Thanh Từ tại Phương
Bối Am trong những năm cuối thập niên 1950, hai vị giảng sư của
trường Phật học Ấn Quang đã ước hẹn với nhau sẽ làm sống lại pháp môn
tu thiền của thời Lý Trần ngày truớc (Thế kỷ 11-13)
Trong thời gian cuối thập niên 1970, tại Phương Vân Am (ngoại ô Paris,
Pháp quốc), ông thầy đã dạy một số đệ tử thực tập thiền quán, ngoài
chuyện viết sách và trồng rau. Ông cũng nuôi (dùm học trò) hai cháu bé
tên Tâm và Thủy, khi cha mẹ các cháu phải bươn chải kiếm sống ở xứ mới
ngụ cư. Ông thầy tu thường dắt hai em bé đi đây đi đó.
Khi học trò tới học nhiều, quá sức chứa của Phương Vân Am, ông thầy đã
mua được hai khu trại nhà nông bỏ hoang tại miền quê vùng Bordeaux để
thành lập trung tâm tu thiền, gọi tên là Xóm Thượng và Xóm Hạ Làng
Hồng. Theo dự tính của thầy từ thời 1960 (sách Nèo về của Ý), Làng
Hồng sẽ trồng nhiều cây hồng cho trái; nhưng vì khí hậu, Làng chỉ
trồng được hơn một ngàn gốc mận để nuôi trẻ đói bên quê nhà, nên sau
đổi tên thành Làng Mai.
Đạo chẳng gian nan đạo chẳng thành
Trước khi rời xứ năm 1966, Hòa thượng Thích Thanh Quý đã làm lễ truyền
đăng kế nghiệp trụ trì của Sư Ông cho thầy Nhất Hạnh (pháp hiệu Phùng
Xuân). Bài kệ của Sư Ông làm cho ông thầy giống như một lời tiên tri
về cuộc đời tu nhiều chướng ngại, và sự thành tựu lớn lao của ông
trong việc truyền bá đạo Phật trên thế giới.
“NHẤT hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành vô hành HẠNH diệc vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Đạo pháp Đông Tây khả tự thành”
Kể từ thập niên 1980, với những khóa tu khắp nơi, và các bài giảng thu
băng phổ biến, cùng nhiều cuốn sách dạy thiền tập, ông thầy trở thành
một vị Thiền sư được cả thế giới Âu Mỹ hâm mộ. Sách của ông xuất bản
hàng triệu cuốn, được dịch ra 40 thứ ngôn ngữ khác nhau, trong đó có
tiếng Indonesia, Thái Lan v.v… Quần chúng khắp nơi nhận ra vị Thầy có
sở học rất uyên bác nhưng phép thực tập thiền lại vô cùng giản di và
hợp với căn cơ của tất cả mọi người, dù cho người tới học Thiền đã có
tôn giáo riêng như Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo hay Do thái giáo.
Đạo Phật vô đất Hồi giáo
Trong lần hoằng pháp vừa qua tại các xứ Hồi giáo Mã Lai và Nam Dương,
các bài pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh cũng được các nhiều người
trẻ theo đạo Hồi đón nhận nồng nhiệt. Trong khóa tu tại Nam Dương, điều
làm ngạc nhiên ban tổ chức là nhóm các bạn trẻ đạo Hồi (Islam) đều thọ
nhận Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm (Ngũ giới). Một thanh niên Hồi cho
biết một vị trướng lão trong đạo đã khuyến khích anh dự khóa tu này,
vì ông đã biết hòa thượng Nhất Hạnh qua sách vở. Một cô gái 28 tuổi
nói: Ba mẹ con không biết con đi dự Khóa tu Chánh niệm này, ba mẹ con
hoàn toàn không biết. Nhưng chuyến này về con sẽ ngoan hơn, sẽ làm cho
ba mẹ vui và con sẽ nói là con học được từ một ông thầy tu Phật
giáo…”
Chùa Nhất Thừa tại Jakarta hợp tác cùng các chùa theo Bắc Tông (Đại
thừa), Nam Tông (Tiểu Thừa) và theo truyền thống Tây Tạng (Kim Cang
thừa) để tổ chức khóa tu học cho tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn. Có gần
10 tăng ni Nam Dương đang tu tại chùa trên cũng xin thọ 14 giới của
dòng tu Tiếp Hiện. Họ hiểu là thiền sư Nhất Hạnh tuy thuộc truyền
thống Bắc tông (Đại thừa), nhưng hòa thượng luôn giảng dạy đạo Phật
nguyên thủy, đúng với những lời đức Thế Tôn Buddha Sakyamuni (Phật
Thích Ca Mâu Ni) thuyết pháp. Thiền sư đem tinh thần Đại thừa để giảng
những cuốn Kinh điển căn bản của Tiểu thừa như Kinh Quán niệm hơi
thở, Kinh Tứ Niệm Xứ v.v…Vì thế các Phật tử tại 5 nước Đông Nam Á dù
thuộc Nam Tông hay Bắc Tông đều vui vẻ tham dự các khóa tu theo phương
pháp Làng Mai..
Pháp môn Làng Mai hợp với người trẻ
Những người trẻ tại các xứ có truyền thống Phật giáo xưa cũ như Đại
Hàn, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Hoa, cũng ưa tu học theo pháp môn Làng
Mai. Họ cho rằng giáo pháp Làng Mai thích hợp với thời đại mới, lại
phóng khoáng và sinh động đối với tất cả mọi người. Không vì Thầy là
người Việt mà bắt trò đọc kinh bằng tiếng Việt. Trái lại, Sư ông luôn
luôn khuyến khích mỗi xứ đều nên “làm mới đạo Bụt” để Phật tử được
nghe giảng, đọc kinh sách và tụng niệm bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Như
vậy lời kinh tiếng kệ mới dễ thấm vào lòng người. Được biết các học
trò của thiền sư đã đưa âm nhạc Mỹ/ Pháp/ Thái, Ấn Độ v.v… vô những
bài kệ, bài tán dùng trong các khóa tu tổ chức tại các xứ đó. Người xứ
Ý, xứ Tây Ban Nha… cũng được đọc kinh Phật bằng ngôn ngữ của họ. Nay
tới lượt các xứ Mã Lai, Nam Dương.
Thiền sư đã trả lời chủ bút Mc Leod của tập san Sambhala Sun (Hoa Kỳ,
tháng 7,2010) về vấn đề này như sau:
“Đại Thừa có tinh thần rất cởi mở, không bị kẹt trong giới hạn nào cả,
nên chuyện học đạo Bụt nguyên thủy từ thời đức Phật, với tinh thần Đại
Thừa, là một chuyện rất huyền diệu. Học cách đó, bạn sẽ khám phá ra
được nhiều điều mới lạ và sâu xa. Bạn sẽ thấy các hạt giống tư tưởng
Đại Thừa đã có mặt từ khi Thế Tôn giảng pháp. Những bài pháp của Thế
Tôn là nên tảng chung cho tất cả các tông phái Phật giáo. Đạo Phật
thời kỳ nguyên thủy rất giản dị và sâu. Nhiều học giả đã biến đạo Phật
thành ra những triết lý (Philosophy) hoặc Siêu hình học (metaphysic)
phức tạp. Nhiều nhà Phật học dùng quá nhiều thì giờ vào việc học hỏi
những hệ thống tư tưởng đó, nên không có thì giờ tu tập. Giống như
thiền sư Lâm Tế, sau khi học quá nhiều về giáo lý, ngài đã ngộ mà bỏ
lý thuyết, quay về thực tập, trở thành một thiền sư danh tiếng muôn
đời…
Khi bạn thật lòng thực tập (tu thiệt), bạn sẽ khám phá được chân nghĩa
của giáo pháp... Thật là một điều kỳ diệu, khi ngày nay, chúng ta vẫn
học và thực tập được bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế đức Bụt Thích Ca,
giảng dạy từ hơn 2500 năm trước...”
Đạo Phật không chỉ dạy Khổ mà cũng dạy sống Vui?
Cũng trong bài phỏng vấn do Mc Leod thực hiện, thiền sư đã nói về Tứ
Diệu Đế như sau: “Tôi nghĩ là khi nghe giảng về Tứ Diệu Đế, người ta
nghe nói nhiều quá tới chữ Khổ (đế thứ nhất), nên thường nghĩ rằng đạo
Phật chỉ nhấn mạnh về KHỔ mà thôi. Nhưng họ không biết rằng đế thứ ba
(DIỆT), là một chân lý về Hạnh Phúc, ngược lại với Khổ đau. Đời có
khổ, thì cũng có con đường thoát khổ, có sự Diệt khổ - nghĩa là có con
đường dẫn ta tới Hạnh phúc. Nếu ta nói tới hai đế thứ ba và thứ tư
(Diệt đế và Đạo đế) trước thì tốt hơn; rồi sau đó mới tới đế thứ nhất
(Khổ) và thứ hai (Tập, nguyên nhân của khổ)
Nhà báo hỏi:
“Khi thực tập chánh niệm, người ta có hạnh phúc, nhưng khi có những
nỗi khổ tâm lớn lao, những vết thương sâu kín trong lòng, thì chuyện
thực tập không dễ dàng. Xin Thầy dạy cho chúng tôi cách đối phó với
những khổ đau khi chúng nổi lên?
Thiền sư trả lời:
“Khổ đau và hạnh phúc liên quan tới nhau (tương tức). Chúng ta chỉ
nhận biết được hạnh phúc sau khi đã đau khổ. Giống như màu trắng chỉ
nổi bật lên khi có nền màu đen. Chỉ khi đã đói, chúng ta mới thấy vui
khi được ăn. Chỉ khi đau khổ vì chiến tranh rồi, ta mới nhận ra được
giá trị của Hòa bình… Vậy nên, có chút kinh nghiệm khổ đau là chuyện
rất quan trọng. Bạn có khổ mới học được từ kinh nghiệm khổ, và nhận
biết được hạnh phúc khi dứt khổ.
“Trong chúng ta, ai cũng có khuynh hướng căn bản muốn ham vui, tránh
khổ. Căn nguyên của ước vọng đó là từ thức Mạt-na trong tâm mỗi người.
Mạt-na luôn xui khiến chúng ta tìm khoái lạc (Pleasures) và trốn tránh
khổ đau. Vì vô minh nên Mạt-Na không biết rằng tìm cầu khoái lạc là
nguyên nhân để có khổ não. Giống như con cá thấy mồi câu là đớp, không
biết rằng bên trong cái mồi ngon kia là lưỡi câu giết mình. Mạt-na
không biết nguy hiểm phía sau khoái lạc và cũng không hiều rằng trong
cái khổ có điều tốt. Chúng ta nên trải qua vài kinh nghiệm về Khổ, vì
từ đó ta mới mới phát triển được lòng từ bi và sự hiểu biết.
“Vì vô minh ta không biết rằng có nguy hiểm trong các chuyện vui và có
điều tốt đẹp trong khi đau khổ. Với thiền quán, chúng ta sẽ hiểu sâu
hơn về tâm thức mình, ta sẽ hiểu rằng chuyện tìm khoái lạc (từ bên
ngoài) có thể nguy hiểm, và tránh khổ không phải là điều hay. Nếu
chúng ta có chánh niệm, ta có thể nhìn và ôm lấy cái khổ của mình để
học hỏi... Bụt dạy ta Diệu đế thứ nhất = nhận biết cái khổ. Sau đó
nhìn sâu vào cái khổ để tìm ra nguyên nhân gây khổ. Nếu ta quá sợ cái
khổ, luôn chạy trốn nó, thì ta ít hy vọng thoát khổ…”
Hạnh phúc, an lạc ngay bây giờ
Thực tập để có an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời nhiều đau khổ, có
lẽ là một pháp môn nổi bật của Làng Mai. Các phép Theo Dõi hơi thở,
Nhận Biết cảm thọ, tư duy, các phép Thiền tọa, Thiền hành, Im lặng khi
nghe tiếng chuông, khi ăn uống …thực tập chánh niệm (có ý thức) trong
mọi sinh hoạt của Thân, Khẩu và Ý, là những điều được chỉ dạy cho
thiền sinh thực tập năm này qua năm khác, khóa tu thập niên 1980,
1990, cũng như thập niên 2000. Phương pháp Làng Mai không dạy phép an
tâm hay chuyển tâm bằng 8 hay 10 giờ thiền tọa mỗi ngày như các pháp
môn khác mà dạy cho thiền sinh biết Thở có ý thức (có Chánh Niệm),
biết theo dõi được tâm mình, có ý thức trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
Khi có ý thức, khi thực tập chánh niệm thì chúng ta sẽ biết chuyện nào
nên làm, chuyện nào cần tránh, và các tâm sở thiện lành, tốt đẹp sẽ
được phát triển. Bồ đề tâm, từ bi tâm ngày càng lớn… và cuộc sống hàng
ngày càng thêm nhiều niềm vui, khởi từ hạnh phúc chân thật trong tâm
mình.
Các nhà báo Pháp gọi Thiền sư Nhất Hạnh là một Bác sĩ của Hạnh Phúc
(Doctor of Happiness). Các thiền sinh mới tu học đều nhận thấy pháp
môn Làng Mai quá giản dị và dễ thực hành. Chỉ cần thực tập năm ngày
trong khóa tu là có ngay được An Lạc, Hạnh Phúc chân thật. Nhưng, nếu
không “tu thiệt”, không có quyết tâm thực tập, thì sau vài ba khóa tu,
chúng ta sẽ không nhận ra được những điều mới lạ trong các bài pháp
thoại dạy Thở, dạy Cười. Ta sẽ nghĩ là Sư Ông chỉ nhắc lại những điều
căn bản mà ta đã nghe từ khóa đầu tiên.
Những người có quyết tâm và kiên trì thực tập hàng ngày, có thể nghe
thêm được những giáo nghĩa sâu xa, mới lạ trong bài giảng, nên họ
thường trở về tu viện thực tập mỗi khi có thể thu xếp được thì giờ.
Một số khá đông không quan tâm tới chuyện tu học để chuyển đổi tâm
thức, họ nghe pháp thoại như những bài nói chuyện hay ho của các diễn
giả, sau đó họ không có thì giờ (?) và kiên nhẫn để thực tập nên
thường bỏ cuộc để đi tìm nghe những bài giảng mới lạ hơn từ các giảng
sư khác.
Do sự thiếu hiểu biết và sợ quần chúng trẻ theo tu hoc với tăng đoàn
Làng Mai mỗi ngày mỗi đông hơn, chính quyền Việt Nam, từ cuối năm
2008, đã ra tay khủng bố tăng ni rồi giải tán tu viện Bát Nhã (cuối
tháng 9, 2009). Gần 400 tu sĩ trẻ, chỉ mới thực tập pháp môn Làng Mai
nhiều nhất được 4 năm (từ 2005 tới 2009), đã chứng tỏ cho cả thế giới
biết họ đã phát triển được tâm Bồ Đề kiên cố ra sao. Tuy bị khủng bố
hơn một năm trời, không có ai bỏ tu về nhà với cha mẹ, dù Công An
khuyến cáo và dọa dẫm liên tục. Cả tăng đoàn nghe lời vị Thầy già
sống cách họ nửa vòng trái đất, đã “Ngồi yên như núi”, niệm danh hiệu
Quán Thế Âm và gửi tâm từ cho những người tới bạo động, Những ni cô
nhỏ tuổi với Tình Yêu rộng lớn, đã thương xót được cả những anh chị
côn đồ tới tấn công họ. Có ni cô băng bó vết thương cho người phá cửa
kính cư xá cô ở. Có cô trước khi phải rời tu viện, đã viết thư để lại,
cho biết rằng cô không oán trách mà sẽ cầu nguyện cho mấy chú công an
chiếm tu viện, “vì biết mấy chú phải làm việc vì đồng lương mà
thôi”... Hành xử vô úy và bất bạo động của các tăng ni Bát Nhã đã gây
xúc động bao người trên thế giới. Từ các tổ chức nhân quyền, từ quốc
hội Hoa Kỳ tới quốc hội Âu Châu… ai cũng cất tiếng nói bênh vực các tu
sĩ trẻ tuổi mà có quyết tâm tu học đáng nể trọng.
(hình chụp khóa tu Tâm Bình An, Trái tim mở rộng tại Singapore)

(Hình chụp Thiền sư Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai trong buổi pháp
thoại 7 tháng 10 trước nôi Phật tích vĩ đại Borodubur – Nam Dương)

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen |
|

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT
PHẬT SỰ
VU LAN 2551
VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN
ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA
PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ III -
II
THEO DẤU THIỀN SƯ
3
|
4
|
5 |
6 |
7
LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO
VIỆT NAM : |
|