.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Thích Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Thích Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 Theo dấu thiền sư 7


Sen Làng

  • PSN - 31.1.2011

BBT: Làng Mai có rất nhiều sen, nếu bạn tới Làng vào mùa hè tại ba xóm chính của Làng (Thượng, Hạ, và Mới) bạn sẽ được thưởng thức được sắc hương của những bông sen thật tươi thật đẹp nở đầy vào mỗi sáng tinh sương. Tôi có cảm giác sen Làng thơm hơn sen trồng những nơi khác ở châu Âu, có lẽ nó có gốc rễ từ Việt Nam chăng! Nhưng thưa các bạn, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một loại sen khác cũng của Làng, cũng có gốc rễ từ Việt Nam, nó cũng lớn lên từ bùn và cho những bông hoa rất thơm. Nhưng đây không phải là loài sen thực vật, mà là những đoá sen tỉnh thức được con người chế tác từ pháp môn thiền tập của vị Thiền sư người Việt. Loài sen này không chỉ nở vào mùa hè mà nó nở trọn năm cho dù trời đông lạnh cắt da chảy máu mà Làng Mai vẫn có sen nở như mùa hè nắng ấm vậy. Chúng ta cùng thưởng thức bốn bông sen tiêu biểu mà tôi vừa đọc được trong Lá thư Làng Mai số 34 như dưới đây :

 

Tiếng chuông trong lớp học

 

Kính bạch Thầy!

 

Đầu tiên, con xin tha thiết bày tỏ đến Thầy lòng biết ơn vô hạn của con về công trình mà Thầy đã dành cả cuộc đời mình để thực hiện. Đó chính là “Nghệ thuật Sống Thật sự”. Cuộc gặp gỡ cách đây bốn năm của con với Làng Mai đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời con, hay đúng hơn là thay đổi cách nhìn của con đối với cuộc sống và cứu con ra khỏi những bi quan, tuyệt vọng.

 

Bây giờ, con đang là một giáo viên dạy tiếng Pháp trong một trường tiểu học ở Agen. Con dạy cho những đứa trẻ lớp bốn và lớp sáu. Con viết cho Thầy lá thư này để kể cho Thầy nghe là chúng con đang áp dụng những gì Thầy dạy vào trường tiểu học này. Vào cuối năm học trước, thầy hiệu trưởng của trường con đã chia sẻ rằng ông có cảm tưởng những đứa trẻ ở đây hơi thiếu chiều sâu nội tâm (con làm việc trong một trường tiểu học công giáo). Ông đề nghị những giáo viên suy nghĩ với nhau về câu hỏi này và có thể đề nghị cho ông những phương cách nào đó.

 

Sau buổi gặp này, con đã đề nghị lên ban giám hiệu sự thực tập nghe chuông như một cách để tìm lại chiều sâu tâm linh. Ông hiệu trưởng rất thích thú. Vì vậy, chúng con đã có một buổi họp, trước kỳ nhập học vào tháng chín, trong buổi họp đó con đã giới thiệu cách thực tập nghe chuông như một phương tiện để trở về với chính mình trong giây phút hiện tại, yên lặng thở và quan sát những gì đang xảy ra trong thân - trong suốt thời gian tiếng chuông được thỉnh lên. Những người giáo viên đã thực tập hết lòng để có thể cảm nhận được hiệu quả lợi lạc của việc này và cuối cùng cái chuông đã được chấp nhận trong trường tiểu học của con.

 

Chúng con đã mua cho mỗi lớp học một cái chuông. Nó được đặt trên bàn giáo viên, một số cái còn được đặt cho những cái tên ngộ nghĩnh! Ngày nhập học, các giáo viên chủ nhiệm đã giới thiệu về cái chuông cho lớp học như một phương cách yểm trợ, để mọi người trong lớp có thể quay về với giây phút hiện tại, tập trung và buông thư.

 

Những học sinh, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, tỏ ra rất thích thú. Chúng tập trung hết lòng và nôn nóng chờ đợi thời điểm thiêng liêng (mà tiếng chuông được thỉnh lên) đó. Một số giáo viên thỉnh thuông vào đầu buổi học, một số khác thỉnh vào cuối buổi học, còn một số khác chỉ thỉnh chuông khi lớp học quá ồn ào.

 

Về phần con, con thỉnh thuông vào mỗi đầu buổi học, để làm cho những đứa trẻ yên lặng lại. Bây giờ, sau vài tháng, chính những đứa trẻ tự thỉnh chuông cho lớp học và con phải làm một danh sách thứ tự người thỉnh chuông vì tất cả đều muốn được làm việc đó! Bạch Thầy, cố nhiên điều này không làm thay đổi tất cả, nhưng cách thức này đã giúp gieo

trồng hạt giống chánh niệm, hay đúng hơn là tưới tẩm nó mỗi ngày một ít. Vì vậy con rất biết ơn Thầy đã dạy cho chúng con pháp môn này.

 

Sau lần vừa rồi đến tu tập ở Xóm Mới trong mùa đông này, con quyết định là vào kỳ nhập học tới, con sẽ đưa pháp môn Làm Mới vào lớp bốn - lớp mà con đang chủ nhiệm. Con nghĩ rằng pháp môn này có thể rất có lợi lạc cho những đứa trẻ, để nuôi dưỡng sự bình an và tình thương trong chúng.

 

Bạch Thầy, một lần nữa con xin cảm ơn Thầy và tổ tiên Thầy, về tất cả những gì Thầy làm, và con nguyện thực tập theo Thầy bằng cả tấm lòng con.

 

Céline, Xóm Mới, 23. 12. 2010

(Lá Thư Làng Mai số 34, trang 115)

 

 

Phước đức cho đất nước này

Thư của một thiền sinh người Pháp gửi Sư Ông và tăng thân nhân dịp cuối năm.

 

Kính bạch Thầy, kính bạch đại chúng,

 

Ở thời điểm sắp kết thúc năm 2010 này, con muốn kể cho Thầy nghe về sự thực chứng của con, cũng như xin vô vàn cảm ơn Thầy về những lợi lạc từ sự truyền dạy của Thầy. Pháp thoại của Thầy đã cho phép con hiểu được và biết cách diễn bày cũng như trân quý sự kỳ diệu cùng những nét đẹp của cuộc sống, mặc dù vào lúc này con đang trải qua những giờ phút đau đớn và khó khăn.

 

Vợ chồng con đã trở thành phật tử từ mười lăm năm năm nay. Cách đây ba năm, con phát hiện ra mình bị bệnh ung thư máu. Khi biết được điều đó, chúng con đã sắp xếp về ở vùng Sainte Foy La Grande để được sống gần làng Mai và gần Thầy. Điều này xảy ra là do trước đó chúng con đã cảm nhận được một mối liên hệ mạnh mẽ với Thầy và với giáo pháp của Thầy vào khóa tu mùa hè năm 2000.

 

Sau đó một thời gian, bệnh của con càng ngày càng nặng nên con phải trở về Bordeaux để điều trị bằng hóa chất. Số lượng tiểu cầu trong máu con vốn đã rất thấp lại tiếp tục tụt xuống nhiều. Để tránh bị xuất huyết, con phải đi đến bệnh viện thường xuyên để được truyền tiểu cầu. Khi những túi chứa đầy tiểu cầu được đưa tới, con thấy mình đang có một mối liên hệ rất khăng khít và sâu sắc với người đã hiến tặng cho con tình thương tuyệt vời này, cho phép con đi tiếp con đường của mình. Con đã tiếp nhận mỗi giọt máu chứa tiểu cầu như một giọt tinh chất của sự sống và tình thương. Một xúc cảm mãnh liệt thường làm con xúc động đến rơi nước mắt nhưng con biết rằng, vượt lên trên những giọt nước mắt buồn đau, con đang rơi nước mắt vì vui mừng cùng với lòng biết ơn vô hạn. Mỗi khi ôm những túi tiểu cầu mà người ta đem đến cho con, con cảm thấy mình được liên hệ và tương tức một cách sâu sắc với những người anh, người chị đồng loại của con. Cái cảm giác cô độc của con phai mờ dần đi. Con không còn một mình nữa và tất cả những người hiến máu đã dìu con cùng đi một cách đầy thương yêu. Đó là một niềm vui và an ủi vô giá.

 

Con nhớ rằng mười năm trước đây, khi còn trẻ, con cũng đã từng đi hiến máu. Khi ấy, con không thấy được tầm quan trọng của hành động này sâu trong da thịt và trong linh hồn con như thế nào, bởi vì lúc đó trong con vẫn còn sự vô tâm của tuổi trẻ, vẫn cảm thấy rằng cuộc đời còn dài trước mắt mình.

 

Bệnh tình của con đã được giáo pháp của Thầy dìu dắt. Những bài pháp thoại có một sức mạnh lớn lao giúp con phát triển sự hiểu biết, mở rộng trái tim và tâm hồn ra để đón nhận những tình thương không biên giới và vô điều kiện. Cho dù điều này đương nhiên sẽ không kéo dài, trong trường hợp của con.

 

Thêm vào đó, con được đọc một quyển sách của Deepak Chopra với tựa đề “Một thân thể bất tử, một linh hồn bất diệt”, trong đó kể về sự thực chứng những khó khăn, rối loạn của một số người sau khi được ghép cơ quan như thận, gan hay tim. Cho dù không biết ai là người tặng cơ quan cho mình nhưng họ bắt đầu tham dự và chia sẻ vào ký ức của người tặng cơ quan ấy. Những kết hợp của một cá thể bắt đầu tự phóng thích khi những mô cơ của người đó được đặt vào trong cơ thể một người khác hoàn toàn xa lạ.

 

“Thay vì đi tìm kiếm một sự lý giải siêu nhiên cho kiểu tác động này, người ta có thể xem việc đó như một sự xác nhận rằng cơ thể chúng ta được làm từ những kinh nghiệm biến đổi thành những biểu hiện sinh vật lý. Kinh nghiệm là một cái gì đó mà chúng ta sát nhập lại với nhau (nguyên văn là ‘biến đổi thành cơ thể’). Những tế bào của chúng ta được những ký ức thấm sâu vào, do đó nhận những tế bào của người khác thì cũng là nhận những ký ức của họ.”

 

Một lần nữa, mối liên quan tương tức và đồng nhất giữa tất cả mọi sự mọi vật được nhắc lại, cho dù điều này có nghĩa là kết hợp với tất cả các tập khí của những '6Egười khác, dù đó là những tập khí xấu hay tốt. Thế nhưng, vượt lên trên sự hòa trộn một số tập khí với những người khác có thể xuất hiện như những gánh nặng thêm vào, điều này cũng không phải là một thách thức mới, nó đòi hỏi mở cái nhìn ra thêm một chút đến mọi mặt của con người trong cuộc sống một cách từ bi, với tình thương vô điều kiện và vô phân biệt mà đừng nên có một chút phán xét nào.

 

Con chấp nhận với sự tin tưởng và không sợ hãi cho dù nó như thế nào bởi vì đó là con đường của con.

 

Năm 2011 đến, con kính chúc Thầy có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp Bồ Tát, cứu giúp mọi người trên hành tinh này. Thầy và tăng thân đang có mặt ở đây, đó là  một phước đức lớn cho đất nước này.

 

Con, Patrick T.

(Lá thư Làng Mai số 34, trang 116)

 

 

Phép lạ

Lá thư từ Nhật Bản

 

Thầy thương kính,

 

Con tên là Hiromi Sano thuộc Tăng thân Khóm Trúc, Nhật Bản. Con rất háo hức khi biết Thầy sẽ đi hoằng pháp ở nước con năm nay (2011). Khóm Trúc là tăng thân duy nhất ở Nhật thực tập theo pháp môn Làng Mai. Thường có khoảng 3 đến 8 người, cùng gặp mặt và ngồi thiền với nhau hai lần mỗi tháng. Mặc dù là một Tăng thân nhỏ và cách Thầy hàng ngàn cây số, nhưng chúng con cảm nhận rất rõ rằng Thầy đang cùng ở đây và đang cùng ngồi thiền với chúng con. Chúng con kính cảm ơn Thầy luôn có mặt cho chúng con.

 

Con được sinh ra trong một thành phố nhỏ ở Nhật vào năm 1977. Con có cả một tuổi thơ cay đắng, bố mẹ đã hành hạ con bằng lời nói và thậm chí còn lạm dụng tình dục nơi con. Năm 16 tuổi con mắc chứng Bulimic. Bulimic còn gọi là ăn ói, đó là chứng ăn vô độ và sau đó thì nôn ói ra để làm sạch dạ dày. Một trong những nguyên nhân chính của bệnh này là khi cha mẹ không tỏ ra yêu thương và có hành vi phê phán quá mức với con của mình. Con cũng khổ đau bởi nghiện rượu. Nhiều lần, trong gia đình con đầy ắp bạo lực, giận hờn và căng thẳng. Con không có một ai để nương tựa mà cũng chẳng trông mong gì nơi tương lai. Ở lứa tuổi thiếu niên, trong con đầy tủi hờn và giận dữ. Họ hàng và những người lớn quanh con bảo con phải biết lắng nghe, phải biết vâng lời bố mẹ hơn và phải kiên nhẫn để họ đối xử dễ thương với con.(Ở Nhật, mọi người đều cho rằng bố mẹ cao hơn con cái và có quyền áp đặt lên con cái).

 

Vào thời điểm đó, không có bất cứ trung tâm tư vấn nào hay trung tâm trị liệu nào để chăm sóc những đứa trẻ bị lạm dụng hay bị bạo hành. Con hoàn toàn không có hy vọng thay đổi được tình trạng và bắt đầu lại cuộc sống của mình. Vì vậy con quyết định qua Mỹ để học đại học. Tuy nhiên, cuộc sống của con không thể được thay đổi chỉ bằng hành động chuyển đến một nước khác cùng với niềm hy vọng mình sẽ có một cuộc sống mới. Bởi con đến Mỹ với một cái thân và tâm mang đầy thương tích. Tinh thần của con lúc đó rất yếu và con vẫn khổ vì chứng ăn ói kinh khủng đó. May mắn thay, ở Mỹ con đã gặp một nhà tư vấn giỏi. Trong suốt 3 năm liền, mỗi tuần con có một buổi tham vấn. Một năm sau, để giúp con có sức mạnh tâm linh, nhà tham vấn đã giới thiệu cho con quyển sách “An lạc từng bước chân” của Thầy. Tham vấn là điều rất cần thiết cho sự phát triển tự thân của con. Nhưng nó đã khiến cho con quá đau đớn vì để cho việc điều trị có kết quả, con cần phải thấy việc bị ngược đãi đã ảnh hưởng đến con như thế nào. Và điều khó khăn nhất là con phải chấp nhận rằng bố mẹ con đã không thương con. Họ hành hạ con bất cứ khi nào họ có căng thẳng. Con như là thùng rác của họ vậy. Số lần con bị đánh vào mặt, vào đầu và bị giật tóc không thể nào đếm được. Cho nên, mỗi khi nghĩ về việc mình bị đánh đập, con cảm thấy những vết thương cũ của con lại đớn đau như ngày xưa.

 

Lần đầu tiên đọc sách của Thầy, ngôn từ thấm vào con như một dòng nước tinh khiết. Đó chính là những gì con đi tìm cho cuộc đời mình, cuốn sách đã hoàn toàn ở trong tâm con. Mặc dù con chưa từng gặp Thầy, nhưng con cảm thấy Thầy đang nói vào tai con, rất ngọt ngào, nhẹ nhàng và rõ ràng. Con được ôm ấp bởi ngôn từ và tình thương không điều kiện của Thầy. Vì bị đánh đập như là một phần lớn trong cuộc đời của con nên ngay khi còn nhỏ con đã không biết tại sao mình lại được sinh ra. “Có phải con sinh ra để bị ngược đãi không?”, “ Nếu có Bụt trên đời, tại sao Ngài lại không đến đây giúp con?” Những câu hỏi như vậy cứ ở trong đầu con. Nhưng Thầy đã trả lời cho con: Con có mặt trên cuộc đời này là để được hạnh phúc trong mỗi phút giây và con có thể làm được điều đó nếu con thực tập chánh niệm. Bây giờ con có một người chồng dễ thương.

 

Chúng con có với nhau một cháu gái 7 tuổi. Cháu rất năng động, thông minh và hóm hỉnh. Vợ chồng con cùng thực tập chánh niệm và cố gắng tận hưởng mỗi phút giây của cuộc sống mà chúng con có được. Như Thầy đã biết, Nhật Bản hiện nay là một trong những nước phát triển. Cha ông của chúng con đã làm việc cật lực sau Thế Chiến Thứ Hai để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước với niềm tin rằng tiền bạc và vật chất sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng con như nước Mỹ. (Cả hai người ông của con đều tham gia chiến tranh Thế Giới thứ Hai. Một người bị bắt qua Liên Xô một năm. Có lẽ đó là lý do mà gia đình con bị kẹt vào vòng luân hồi của bạo hành). Ngày nay, chúng con có tất cả những gì chúng con muốn (xe, quần áo, thức ăn, tiền bạc...). Nhưng con người đang muốn có nhiều hơn, và càng ham muốn thì càng bị kẹt vào thất niệm. Mọi ngõ ngách của thành phố dường như đẩy mạnh cho việc tiêu thụ không chánh niệm đó. Con cảm thấy xã hội của con đang đi hoàn toàn ngược lại với lời Thầy dạy. Đó là lý do tại sao con nghĩ thực tập chánh niệm trong một Tăng thân nhỏ ở Nhật đôi khi lại trở nên khó khăn. Nhưng con biết mình cần

phải mạnh mẽ để không tách rời khỏi Thầy. Thầy ơi, cá hồi phải bơi ngược dòng để về bãi đẻ trứng cho dù nước xuôi dòng chảy xiết thế nào. Giống như cá hồi, con cần phải đi chánh niệm trong một xã hội thất niệm để trở về quê hương đích thực của mình và cảm thấy bình an nơi đó. Con muốn chia sẻ hạnh phúc của mình cho gia đình con với hy vọng vòng luân hồi bạo hành tới thế hệ của con sẽ chấm dứt. Đây là ước mong của con. Con cần phải chấm dứt bạo hành trong gia đình mình.

 

Thầy ơi, Thiền tập của Thầy thật kỳ diệu. Lúc bé, con cảm thấy mình như một thùng rác, nhưng nhờ những pháp môn của Thầy, con có thể chuyển hóa rác thành một đóa hoa và con thưởng thức đóa hoa của mình. Trong gia đình, chúng con cũng thực tập như vậy, chúng con thưởng thức sự có mặt của nhau như những đóa hoa. Con kính cảm ơn Thầy đã mang phép lạ đến cho cuộc sống của con. Nếu không có Thầy, cuộc sống của con sẽ khác với bây giờ nhiều lắm.

 

Con kính cảm ơn Thầy đã luôn có mặt đó cho con mỗi khi con cần Thầy.

 

Một đóa sen con kính dâng lên Thầy

Con, Hiromi Sano

(Lá thư Làng Mai số 34, trang 117)

 

 

Trở về

 

Kính bạch Thầy !

 

Viết thư cho một bậc Tôn Sư không phải là một chuyện dễ dàng đối với con. Nhưng ở khóa tu lần trước, trong bài giảng Thầy có nói “Thầy và đệ tử có cùng bản tính không”. Thế nên con đánh liều viết thư này gửi tới Thầy.

 

Cách đây sáu năm, con đã đến Làng Mai tham dự khóa tu trong một tuần. Sau khi sang tận Châu Á (Thái Lan) để tìm kiếm một vị thầy, thì có ai ngờ con lại tìm thấy người cần tìm ngay gần nơi con sống. Con về Làng như người ta đến nhà thương với một lô lốc những đau khổ. Sau khi đọc về Năm Giới, con đã khóc, con biết rằng con đã về, đã tới. Bài pháp thoại đầu tiên, Thầy dạy về việc thương kính cha mẹ.

 

Đã trải qua những bạo động với cha trong thời niên thiếu và đã phải trốn chạy ra khỏi mái nhà của mình vào năm 17 tuổi, con không biết mình phải làm sao nữa. Con trở lại Làng Mai hai đến ba lần mỗi năm. Vào năm thứ hai, con đã viết thư cho ba mẹ con để xin ba mẹ tha lỗi và con đã nói với họ rằng con rất thương họ. Sau mười hai năm im lặng, con và ba mẹ đã nói chuyện lại được với nhau. Con thay đổi và họ cũng đã thay đổi. Chúng con đã có thể chia sẻ và đi chơi với nhau vào những kỳ nghỉ. Ba tháng trước, lần đầu tiên con đã ôm cha con. Cha con khóc và con cũng khóc. Con có một cậu con trai 13 tuổi và con đã không bị tái diễn lại lối hành xử bạo động với nó như ngày xưa ba con hành xử với con. Bây giờ, nó rất

hiền lành, dễ thương. Nó cũng đã đến Làng Mai một tuần. Hiện chúng con sống với nhau rất đầm ấm.

 

Cách đây sáu năm, từ khi con đến Làng Mai, cuộc sống của con đã đảo ngược : con ngừng dùng ma túy, ngừng hút thuốc, ngừng uống rượu. Con đã ở một mình được năm năm rồi. Con học được cách để sống hạnh phúc một mình, vững chãi và không sợ hãi. Con quán sát những hành động, những ý nghĩ và lời nói của mình cũng như dùng nhiều thời gian cho thiền tập. Con không còn phụ thuộc vào cái nhìn của người khác nữa. Bạn bè con lúc đầu tỏ ra lạnh nhạt với con nhưng bây giờ họ lại tìm tới và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với con. Có một sự khác nhau, đó là sự có mặt của con : Con thực sự có mặt cho họ. Chỉ đơn giản vậy thôi. Con mong ước rằng trong vài năm tới, con có thể chăm sóc cho những đứa trẻ bất hạnh, đau khổ. Đó là một giấc mơ mà con ấp ủ từ lâu. Và lúc này con thấy giấc mơ đó càng lúc càng gần và mạnh hơn.

 

Thầy kính thương, thầy đã mang lại cho con những giáo lý của Bụt. Sự vô minh trong con tuy còn nhiều nhưng tâm thức con cũng đã được chuyển hóa một ít để làm thay đổi cuộc đời con. Con còn rất nhiều thứ cần nuôi dưỡng, phát triển, như chánh niệm hoặc khả năng chú tâm, nhưng dù sao, con người này cũng đã vững chãi hơn để người khác có thể tin cậy và nương tựa vào hắn.

 

Con luôn có niềm vui rất lớn lao khi được sống gần Thầy. Con thích đến Làng Mai để nuôi dưỡng lại thân tâm mình nhờ có quý thầy và quý sư cô. Mỗi buổi sáng, phía đầu giường của con, trên kệ thờ, đều có một ngọn nến lung linh trước bức hình của Thầy. Nó giúp con không quên thực tập với niềm vui.

 

Câu chuyện vui của gia đình con

Bà ngoại con năm nay đã 94 tuổi, bà là một con chiên đạo Công Giáo rất sùng đạo và tu tập không mỏi mệt. Bà có một trí nhớ đáng nể và sức khỏe vẫn còn rất dẻo dai. Khi con đến Làng Mai để nghe Thầy giảng, bà đã hơi rầy rà con một chút : “Tại sao phải đi gặp những người đạo Bụt ?” Con đã gửi cho bà một tấm hình của Thầy để bà biết Thầy, nhưng bà vẫn không hiểu được những gì con làm ở chỗ của một vị Thầy người Việt Nam.

 

Có một ngày, vào sáng chủ nhật, Thầy được chiếu lên truyền hình và bà đã có được một chút cảm mến đối với Thầy. Sau đó, mỗi khi con đến chào bà để đi tham dự khóa tu, bà đều chúc con nhớ «cầu nguyện» cho giỏi. Cách đây không lâu, người ta đã thay thế vị linh mục của làng con bằng một vị linh mục mới. Ông này cũng là một người Việt Nam và rất nhân từ.

 

Kể từ khi Bụt và Chúa là anh em với nhau thì bà ngoại con và con đã có những mối liên hệ rất khăng khít về Việt Nam.

 

Thương kính Thầy với một lòng biết ơn vô hạn

Con, J. Paul

(Lá thư Làng Mai số 34, trang 118)

 

 

 

 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ III - II

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6 | 7

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.