.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

BBC NÓI VỀ
THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Thích Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Thích Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

 Theo dấu thiền sư 7

Thiền & thở "phiên bản thế kỷ 21"

  • PSN 18.04.2012 | Nguyễn Xuân
    bbcvietnamese.com, London

 

Hình ảnh các thiền sư ngồi yên để thực tập thiền định và chánh niệm trông có vẻ rất huyền bí và xa lạ với nhiều người trần tục.
Nhưng để giải mã sự bí ẩn của 'chánh niệm,' sư thầy Pháp Cầu thuộc pháp môn Làng Mai nói: "Khả năng ý thức được những gì đang xảy ra trong bản thân mình, trong tâm mình và trong hoàn cảnh xung quanh mình trong đạo Bụt (đạo Phật) gọi là chánh niệm".
"Hình thức thực tập này đã có từ rất lâu đời trong đạo Phật. Trên thực tế, kinh quán niệm hơi thở là kinh được giảng dạy nhiều nhất trong đạo này."
Sư thầy Pháp Cầu cho biết, khi người ta tập cách trở về với hơi thở của mình, chú ý đến hơi thở của mình thì đó là bước thiết yếu đầu tiên để đánh thức năng lượng tỉnh thức trong tâm.
"Và với sự tỉnh thức đó, người ta sẽ có công năng nhận diện được những gì đang xảy ra và đồng thời sẽ có khả năng trị liệu những bế tắc, khó khăn không chỉ trong tâm mà ngay cả trong thân của mình."
"Đó là một trong những điểm căn bản nhất,", sư thầy kết luận.

Như vậy, chánh niệm, nói một cách nôm na theo ngôn ngữ bình dân là khả năng thức tỉnh, ý thức được tình trạng tâm lý và thể lý của bản thân cũng như môi trường xung quanh mình.
Nhưng chẳng phải con người chúng ta, ngoài những giờ nghỉ ngủ ra, lại không 'thức tỉnh' sao?
'Thức tỉnh' theo cách dạy và thực hành của thiền sư Thích Nhất Hạnh có gì khác biệt và thu hút nhiều người đến thế?

'Thức tỉnh' để vui sống

Sư thầy Pháp Dung, đã từng là một kiến trúc sư Việt kiều ở Mỹ trước khi xuất gia theo "đạo Bụt" tại làng Mai, kể lại kinh nghiệm của mình khi còn trẻ.

"Lúc đó tôi đang tìm hướng đi, có nhiều vấn đề trong tâm, giận gia đình chưa giải quyết được."

"Thiền định giúp tôi hiểu được những khó khăn của mình, hiểu được cảm xúc khó khăn đối với gia đình. Thiền giúp tôi sống có ý thức hơn và cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn."

"Tôi lớn lên bên Tây nên có tính thích rõ ràng, thiết thực. Hiểu thì mới làm. Làm cái này thì được kết quả này, rất cụ thể."

Sức hấp dẫn của phương pháp chánh niệm làng Mai nằm ở chỗ 'đời thường' và 'thiết thực' của nó. Người thực hành phương pháp này học cách huấn luyện năng lượng để sử dụng trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày, trong gia đình và nơi công sở.

Để minh họa, sư thầy Pháp Dung kể lại câu chuyện ăn nhưng không biết rằng mình đang ăn trong xã hội phương Tây hậu công nghiệp hóa.

Nhịp sống hối hả, lệ thuộc nhiều vào máy móc khiến nhiều người có thói quen 'một công đôi ba việc', vừa ăn vừa làm việc tại bàn, vừa ăn vừa xem TV, v.v.

Thực tập 'chánh niệm' trong ăn uống nghĩa là ý thức được mình đang ăn gì, thức ăn đó đến từ đâu, ai đang cùng ngồi ăn với mình.

Trong trường hợp cụ thể này, 'chánh niệm' chỉ đơn giản là học cách 'có mặt' với thức ăn, cách hiện diện hoàn toàn với những ai đang cùng ngồi ăn với mình, để "biết ơn miếng ăn" và trân trọng sự hiện diện của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hơn.

"Phương pháp này tuy dễ mà khó, cần phải luyện tập thường xuyên. Khi đã được phát triển thành thói quen, người thực hành sẽ biết cách ý thức được những hạnh phúc căn bản trong cuộc sống hàng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống."

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng chan chứa niềm vui. Con người vẫn phải đối diện hàng ngày với nhiều nỗi đau cả về tâm lý và thể lý trong cuộc sống.

'Chánh niệm' có lợi ích gì, và có áp dụng được vào những trường hợp đó không?

Sư cô Định Nghiêm chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa 'chánh niệm' và đau khổ.

'Thức tỉnh' để hóa giải
Kinh nghiệm của sư cô Định Nghiêm cho thấy, khi người ta quá đau khổ thì họ thường có khuynh hướng chạy trốn và không muốn đối diện với nó.
"Khi tôi chưa thực tập, thì tôi luôn luôn tìm cách làm gì đó để quên nỗi đau khổ đi. Ví dụ như bật TV lên coi, đi kiếm bạn để đi chơi."
Khi trải qua nỗi đau mất cha, cô đã học cách thiền để ý thức về nỗi đau khổ của mình. Cô nhận ra rằng:
"Thật ra chỉ có mình mới làm cho mình đỡ khổ. Chỉ có mình mới biết cách chăm sóc được cái buồn cái khổ của mình và làm vơi nó đi."
'Chánh niệm', trong trường hợp của cô, lại có nghĩa là "thật sự có mặt cho chính mình và biết rõ điều gì đang xảy ra trong thân thể, tâm tư của mình, đồng thời biết rõ những gì đang xảy ra xung quanh mình."
Hậu quả của việc chạy trốn, không biết cách đối diện và xử lý với nỗi đau khổ của chính mình là: "Cái buồn khổ vẫn cứ nằm đó, không được chăm sóc và tới khi mình chạm trở lại thì mình cũng khổ y nguyên như vậy. Nó cứ tiếp tục và trở lại."
Thế nên, theo kinh nghiệm của cô, khi thực tập cách đối diện với nỗi đau khổ, không trốn chạy nó cũng là lúc cô nhận ra mình đang thật sự đau khổ. Cô dần thông hiểu được cảm xúc của mình.
"Và khi cảm xúc của tôi lắng lại, tâm tôi lắng lại thì tự nhiên những suy nghĩ của tôi trở nên rõ ràng hơn. Tôi mới nhìn rõ được và sáng suốt hơn."
Cô giải thích rằng càng ngày càng có nhiều người muốn thực tập phương pháp này vì nó 'đơn giản, và không có vẻ là tôn giáo'.
"Bất cứ người nào không có niềm tin, hay có niềm tin cũng làm được. Một người đạo Chúa, đạo Hồi cũng làm được."
Nhưng có phải bất cứ ai cũng thực tập được phương pháp này hay không? Những người trẻ hiếu động có tìm được lợi ích của phương pháp luyện tập ngồi yên, tập trung vào hơi thở không?
Sư thầy Pháp Hữu, một trong những đệ tử trẻ nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại làng Mai giải thích thêm.

'Thức tỉnh' để kết nối
Sư thầy Pháp Hữu sinh ra và lớn lên tại Canada, được gia đình giới thiệu đến làng Mai từ lúc chín tuổi.
Pháp Hữu mộ đạo qua nếp sinh hoạt chan hòa, tình thân giữa người với người với nhau, và dáng vẻ 'không có gì chùa chiềng' tại làng Mai. Sư thầy nhập pháp môn này lúc 16 tuổi.
Theo giải thích của vị sư thầy trẻ tuổi này, 'chánh niệm' giúp người ta thật sự kết nối giữa tâm và thân, giữa người với người, giữa quá khứ, hiện tại với tương lai.
Lớn lên trong xã hội phương Tây, Pháp Hữu nhận xét mình đã từng sinh hoạt như một người máy.
"Sáng dậy tắm rửa, đi học, đi chơi. Suốt ngày nghe nhạc qua các thiết bị di động, bỏ túi. Hoặc chơi trò chơi điện tử, hoặc lên mạng kết nối ảo với người này người kia."
"Vì thế người trẻ chúng tôi không bao giờ hiện diện với những cảm xúc, suy nghĩ của mình, không bao giờ có mặt với bạn bè và gia đình xung quanh."
"Với chánh niệm, tôi học cách ý thức hơn về giây phút hiện tại. Biết mình đang làm gì. Biết chuyện gì đang xảy ra. Biết mình phải khắc phục điều gì để giúp gia đình, và các mối quan hệ xung quanh mình."
Pháp Hữu chia sẻ thêm điều tâm đắc khi nhận ra tầm quan trọng của việc tập trung vào giây phút hiện tại.
"Ý thức về hiện tại không có nghĩa là quên đi quá khứ, hoặc bỏ mặc tương lai. Trái lại, ý thức thật sự về giây phút hiện tại sẽ giúp người ta hành động có trách nhiệm hơn. Quá khứ - hiện tại - tương lai là một chuỗi liên tục, không đứt quãng."
Thiết nghĩ, hiểu được điều đó, người trẻ cũng như người già sẽ có thể có hành động một cách có trách nhiệm với mình và xã hội hơn, tại đây và ngay bây giờ.
Đây là phần hai và cũng là phần cuối của loạt bài tìm hiểu về phương pháp thiền định và chánh niệm do thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền giảng trong xã hội phương Tây.
 

Nguồn: BBC 18.4.2012

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC :

PHẬT SỰ

VU LAN 2551

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ III - II

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6 | 7

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.