.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Em không phải là tạo sinh, mà chỉ là biểu hiện (Nhất Hạnh)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

n Học

Diễn Đàn

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

Giữ thân cho mẹ - Giữ nước cho cha

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Văn minh & Văn hóa    

Hạnh bố thí và bản ngã

  • PSN 14.2.2015 | Đặng Công Hanh

 

bo_thi_rong_khap_2“Đồng tiền bát gạo mang ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên”

(Nguyễn Trãi)

Chúng ta ai cũng được nghe biết câu ca thơ trong bài “Gia huấn ca” từ ngày còn cắp sách đến trường hay trong các buổi cơm gia đình với lời nhắn nhủ của cha mẹ từ ấu thơ. Đâu có gì khó hiểu lắm đối với trí óc bình thường, nhưng chính là vì quá bình thường như thế cho nên nó không đủ khả năng bức con người ra khỏi những trói buộc của vị kỷ, mà từ lâu nay đã làm quen với hương vị ngọt ngào của ngũ dục và hơn thế nữa xem đó là giá trị của đời sống. Họ đâu có biết rằng còn có một đời sống khác cao thượng hơn, thanh cao hơn với những cảm xúc siêu việt rung động được trước làn da cháy nắng, trước đôi mắt hao gầy đẫm những giọt nước mắt quanh mi.

Chân lý không phải là vấn đề cá nhân, thuộc về cá nhân đơn độc bơ vơ lạc lỏng mà là của một cộng đồng xã hội. Thế cho nên việc tìm nơi nương tựa an lòng, không còn là sự việc của cá nhân mà là vấn đề của cộng đồng xã hội.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

(Ca dao)

Đây không phải là tiếng gọi của con người phiêu bạt trong tình huống lưu đày sinh tử mà là sự đánh thức cộng đồng xã hội hãy thoát ra khỏi thành luỹ bao bọc của bản ngã vị kỷ hẹp hòi.

Cấu trúc của bản ngã
Quan niệm về con người qua lăng kính tâm lý học Phật giáo – còn gọi là Duy thức học, không phải là một sinh thể độc lập, một con người cá thể hay một sinh vật xã hội như quan niệm của triết học Tây phương. Cũng không phải hiện hữu từ vô vi hay do nguyên lý vận hành của âm – dương như triết học Trung Hoa.

Con người trong quan điểm đạo Phật là một biểu hiện từ Tàng thức. Tàng thức là kho, có chức năng dung chứa tất cả các hạt giống tâm thức. Vì thế nó được ví như nền tảng của tâm thức, là mảnh đất để tâm phát triển (tâm địa) hay thể của tâm. Đặc tính của Tàng thức gồm hai tính chất:

– Một là năng động hay là chủ thể giữ và duy trì các hoạt động của thân thể và thế giới thực tại khách quan.

– Hai là bị động, hay là đối tượng vì nó thường biểu hiện cùng với các tâm sở như: xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Tâm sở được biểu hiện như các sóng nhấp nhô phát sinh từ nước, như cây cối, núi đồi, thung lũng phát sinh từ đất.

Tâm Sở này là các hiện tượng tâm lý.

1/ Xúc: là sự cảm xúc hay giao tiếp giữa thế giới tâm lý vật lý, giữa thân thể con người và cảnh vật, giữa tâm và tâm.

2/ Tác ý là sự hiện khởi ý niệm về một đối tượng nào đó.

3/ Thọ là sự cảm thọ các hiện tượng như vui buồn, hờn giận hay vô tư (chẳng buồn, chẳng vui). Nó tác dụng như chất dinh dưỡng của tâm hồn. Cảm thọ trôi chảy liên tục trong đời người. Đây cũng là mục tiêu của giải thoát để thoát ly mọi phiền não.

4/ Tưởng là ấn tượng, là tưởng tượng của tri giác. Tưởng là tác dụng của tâm thức và nó cung ứng một hình ảnh của thực tại qua tri giác chứ không phải thực tại như nó là. Vì vậy, theo quan niệm của Phật giáo thì đa phần tri giác (tưởng) thường nghiệm của con người là sai lầm. Giữa tri giác và thế giới thực tại luôn luôn có một khoảng cách.

5/ Tư là một động lực tâm lý đưa đến một quyết định hay tư là hành động có tác ý, tất nhiên nó là Nghiệp.

Có thể nói một cách khái quát rằng Tàng thức dung chứa các hạt nhân vừa ô nhiễm vừa thanh tịnh. Mục tiêu của người học Phật là làm cho các hạt giống ô nhiễm, bất thiện trong đó dần dà tan biến, tận diệt, nhằm trả lại bản chất thanh tịnh vô nhiễm trở thành Vô cấu thức. Đây chính là ý nghĩa là “sinh tử không có Niết bàn” hay nói rõ là muốn đến Niết bàn phải đi vào cửa ngỏ sinh tử.

Như vậy Tàng thức xuất hiện như một tổng thể của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) và bản chất của con người nhất thiết là một tích hợp của nhân duyên cùng với dòng nghiệp thức. Nếu có đầy đủ các nhân duyên mà thiếu đi dòng nghiệp thức hay còn gọi là kiết sinh thức thì con người không thể hoàn thành như một sinh vật với đặc tính biến tướng, có tri giác, biết yêu thương… và ngược lại không có sự hiện diện của dòng nghiệp thức thì con người sẽ là tượng đá vô tri, không giáo dục được, đào luyện được…

Khái niệm về Tàng thức hay A-lại-da thức đóng một vai trò chủ yếu trong sự phát triển của triết học lý niệm trong Lăng – già, được Lăng – già đề nghị thay thế cho thuật ngữ Như – lai tạng, một nguyên lý siêu hình vốn là bản thể sáng tạo của mọi tồn tại, thành hình ảnh của mọi chủ thể tâm lý để không nhầm với ý niệm về một tự ngã thường hằng của Ngoại đạo. Bởi vì lúc bấy giờ, thời kỳ Thế Tôn còn tại thế, Ngoại đạo cũng chủ trương tự ngã, rằng Ngã là tác giả, thường hằng, biến tại, không lệ thuộc yếu tố cấu thành.

Tuy vậy, gần như là bình thường, khi nói về sự sống hoặc khi nói về nhận thức thì ý niệm đến trước hết, là ý niệm về chủ thể của sự sống hoặc chủ thể của nhận thức. Chủ thể đó chính là bản ngã. Bản ngã như thể có vai trò chủ thể của sinh hoạt không thể phủ nhận được, đó gọi là chấp ngã.

Về điểm này, Nietzsche, triết gia tầm cỡ Tây Phương có một ngụ ý sắc sảo về bản ngã: “Chủ thể không phải là cái có sẵn, mà là được thêm thắt, bịa ra và phóng xuất đằng sau cái hiện hữu”.

Thông thường, mọi hiện tượng diễn biến trong thế giới thực tại khách quan, cũng như trong tâm thức luôn luôn được sinh khởi từ các hạt giống (ý niệm) tiềm ẩn trong tâm thức. Tại đó khi hạt giống đang ngủ yên trong Tàng thức thì gọi là nhân và sự kiện khởi của nó khi gặp thuận chiều thì gọi là quả. Các hạt giống tâm thức như biểu hiện của sóng – nước luôn luôn hiện hữu trong dòng sông chảy xiết. Ý niệm nầy vừa sinh ra rồi diệt ngay, làm điều kiện cho ý niệm kế tiếp. Tỉ như hạt giống tình thương luôn luôn ẩn núp trong ta, khi gặp duyên thuận (như thấy một kỷ vật, một dáng xưa…) thì hạt giống tình thương đó sẽ biến hiện, thế cho nên:

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương”

(Vua Tự Đức)

Nhà thơ nổi tiếng Huy Cận, là một kỹ sư canh nông. Trong thập niên 1940, ông là một tri thức Tây học có một cuộc sống khá giả, thế mà ông lại có dòng thơ thấm đẫm nỗi sầu nhân thế, ắt hẳn trong ông có hạt giống sầu muộn, cô đơn, rộn ngợp riêng tư, một mình đơn chiếc trong cái mênh mông bát ngát, vô biên của đất trời. Bài thơ Nhạc sầu của ông là tiếng khóc than thổ lộ nỗi niềm đó.

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở của gió đường quạnh quẻ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!


Diễn tiến hoạt động tâm thức như vậy ắt phải tồn tại một chủ thể. Chủ thể ấy vừa là tác giả, đồng thời vừa là thọ giả, hay một tác nhân sáng tạo quá trình và cũng là thọ nhận kết quả của quá trình đó. Từ đây ta có một diễn trình về ý niệm bản ngã thường nghiệm.

Diễn trình này được thao tác liên tục nên bản ngã ngày càng trở nên to lớn theo chiều kích thời gian làm cho lầm tưởng về sự tồn tại vĩnh hằng. Phải nhận thức rằng mọi năng lực tác động và biểu hiện của nó ở bất kỳ dạng thức nào cũng không thể nói là một bản ngã vĩnh cửu và bất tử. Từ đó sự chấp thủ vào tự ngã cho rằng dây là “tôi”, là cái “của tôi” vốn từ lâu đã đưa đẩy con người rơi vào khủng hoảng của “con tim” và “lý trí”, sẽ không còn dinh dưỡng để tồn tại.

Bố thí và bản ngã?
Trong Phật giáo, khái niệm Lục độ hay Lục ba-la-mật gồm sáu hạnh: Bố thí, Giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Hạnh Bố thí giữ vị trí đứng đầu. Trong tâm thức của người học Phật, Bố thí được nhận thức là một pháp hành cần thiết trên đường trở về bến Giác với mọi hạnh nguyện cao cả. Đó là sự buông xả, buông xã sự dính mắc về thân thể và buông xả những dính mắc của ý niệm.

Trong thân phận làm người thì bản ngã là chủ thể đại biểu của ngũ uẩn giả hợp. Ngoài ngũ uẩn đó ra thì không còn một “cái tôi” nào khác. Nhưng do mê lầm mà con người bán chấp vào ngũ uẩn giả hợp tạo ra thân tâm là “cái tôi”, là “bản ngã” của mình, xem “bản ngã” như là cái gì có thật tất yếu. Từ đó sinh khởi vô số niệm tưởng phân biệt, ngã chấp, pháp chấp và tạo nên một vành đai ngã sở là những “cái của tôi”, một pháo đài của lòng tự kỷ, của tập khí sâu nặng.

Việc ý thức “cái của tôi” là ngã sở tác dụng tách biệt với thế giới mà chúng ta đang sống. Cảm thức về sự tách biệt này là ảo tưởng, trên thực tế là ảo tường nguy hiểm nhất của chúng ta trong khuynh hướng chạy theo chủ nghĩa duy vật mà cốt tuỷ chính là thường xuyên bị ám ảnh bởi biểu tượng về tiền bạc, địa vị và quyền thế. Phải chăng đây là sự bất lực để nhận ra bản tính “chân không” của bản ngã mà tính duy lý không thể hiểu và không nhận biết được chiều sâu của nó. Vì thế, ta lại quay qua cố gắng khai thác các khả tính mà thế giới trần tục có thể cung ứng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không có gì của trần gian này có thể lấp đầy cái hố thẳm không đáy nằm tận sâu trong nội tâm.

Vấn đề không phải là loại trừ bản ngã vì nó đâu có thực sự đâu, mà chính là hướng tới một ý thức về bản ngã ít mang “tính nhị nguyên” hơn và mở dần đến tính “trống không” của ý thức bản ngã.

Bố thí có công năng như chiếc chìa khoá mở toang được cánh cửa vào lòng tự kỷ, đột nhập vào vòng đai của ngã sở. Bố thí sẽ làm cạn kiệt dần nhựa sống, nuôi dưỡng cây đại thụ bản ngã, ích kỷ hẹp hòi. Như thế, bố thí là công hạnh khởi đầu một đời sống của tâm quảng đại, nuôi dưỡng lòng vị tha, là bước chân khởi đầu đến với Phật pháp.

Tuy vậy, việc thực hành bố thí phải trải qua một thời gian kiên trì, thì mới phát triển được hết ý nghĩa thâm sâu của nó theo hướng vô cầu và vô chấp, không còn xem đó là những việc làm xứng đáng tự mãn. Người bố thí không còn nghĩ tưởng đến việc mình đã làm, không khởi tâm niệm về đền ơn đáp nghĩa, không đợi chờ lời khen ngợi tán dương.

Rõ ràng, bi nguyện càng tăng trưởng thì lòng tự kỷ hẹp hòi, kiêu ngạo phải tàn lụi và công hạnh lợi tha kết tinh dần dà thành quả vô sinh. Tấm gương sáng ngời muôn thuở của Đức Thế Tôn đã cho thấy sự kết tụ của vô lượng hằng hà sa số tinh thần vị tha đã tạo nên một nhân cách siêu tuyệt khiến cho toàn thể loài người nghiêng mình kính phục vượt qua thời gian và không gian vô tận. Phật giáo là một nền giáo dục chứ không hoàn toàn là một tôn giáo. Chúng ta không thờ đức Phật như qui ngưỡng một vị Thần, mà chúng ta tôn kính Ngài như một vị thầy: “Đức Bổn sư”. Có lẽ đừng nên hiểu rằng chúng ta là những tín đồ tôn giáo mà là những học trò của đức Phật.

Giáo lý của Ngài giúp chúng ta thoát khổ, đạt đến chân hạnh phúc cho riêng mình và cho người khác và nói bao quát là cả chúng sinh. Chúng ta thực hiện bố thí là để giải trừ tham, sân, si và kiêu ngạo.

Giáo lý của Ngài là một kho tàng vô giá, là tinh tuý của nền văn hoá thế tục. Trí huệ của Ngài là một sự hoàn hảo của vũ trụ, có khả năng giải quyết những vấn đề của đời sống.

Đức Phật dạy rằng, mọi vật đều như giấc mộng, như ảo ảnh như cái bóng, như bọt nước (Kinh Kim Cương). Không có gì trường tồn, không có gì chắc thật để cho người ta thủ đắc hay bám giữ. Khi thấu hiểu ra rằng không có gì để được hay mất, lúc đó chúng ta thoát khỏi vô minh.

Thông thường, Bố thí được đức Phật qui nạp lại thành ba loại: Bố thí tài, Bố thí pháp và Bố thí vô uý.

1/ Bố thí tài vật gồm hai phương diện bên trong và bên ngoài. Phương diện bên trong là tất cả công sức tâm trí lẫn thể xác làm lợi ích tha nhân. Phương tiện bên ngoài phụng hiến tiền tài, vật chất…

2/ Bố thí pháp là đóng góp truyền thông những kiến thức có lợi cho người, là làm hết sức mình để truyền dạy cho những ai cần học hỏi ở mình. Kết quả của việc bố thí pháp là chúng ta sẽ được sáng suốt thông túc hơn.

3/ Bố thí vô uý là đã thông, giải toả sự lo âu của người khác, chia sẻ những khúc mắc, an ủi, bảo hộ để người khác được an tâm, an toàn hơn. Quả báo là được khoẻ mạnh, thân tâm được tự tại.

 

xxx

 

Dòng chảy bất tận của sinh mệnh (hiện tượng đời sống) như một dòng sông không bao giờ khô cạn, cứ mãi chảy không dứt. Trong dòng chảy đó, có vô số những cơn sóng, và một hiện tượng sinh tử tựa hồ một lần gợn sóng nhỏ mà thôi. Con người sau khi tử biệt, chẳng mang theo vật gì, duy chỉ có nghiệp đi theo làm năng lượng để khởi đầu một gợn sóng khác tiếp nối theo một chu trình mới thuận chiều của qui luật nhân quả vận hành. Thiền pháp yếu giải có viết rằng:

“Thực tập quán Thức thì sẽ dần thấy được Thức tướng liên tục sinh ra như nước chảy. như ánh sáng của ngọn đèn, các Thức của quá khứ, hiện tại và tương lai liên tục đến vô biên, vô lượng… nên gọi là Vô biên thức xứ”.

Đối với con người mà nói, trên đại thể thì trạm dừng cuối cùng của đời người là điểm ai cũng để tâm, nhưng đối với người học Phật thì thời gian tu học Phật pháp là điểm quan trọng nhất vì công dụng của Phật pháp là khiến người tu trì theo pháp để liễu sinh thoát tử.

Trong Kinh có một ví dụ để ta suy nghiệm: Một cái cây từ nhỏ mọc kéo lệch nghiêng về hướng Đông, vậy thì lúc cây trưởng thành dù có gió thổi ngã hay bị con người đốn hạ thì lúc ngã xuống, nó tất phải ngã về hướng Đông.

========================

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tuệ Sỹ: Thắng Man giảng luận – NXB Phương Đông, 2007
Daisetz Teitaro Suzuki: Nghiên cứu Kinh Lăng Già. (Dịch) Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn – NXB Tôn giáo, 2005.
Thích Tâm Thiện: Vấn đề cơ bản Triết học Phật giáo – NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

 

VĂN MINH VĂN HÓA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.