.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

Phần I : QUAN ÐIỂM

 

Chương 1: Nền văn hoá chính trị Việt Nam - Khổng Giáo và Trung Quốc

 

A.     Khi nước Tàu thức giấc

A1. Khổng giáo, nghệ thuật cai trị

A2. Cách mạng Trung Hoa và nước Tàu hai mặt, hai tốc độ

A3. Chủ nghiã xã hội với màu sắc truyền thống TH

 

B. Khẳng lập một nền văn hoá chính trị mới cho VN

B1. Cấu trúc xã hội và con người VN

B2. Sắc thái tôn giáo-văn hoá-xã hội đặc thù VN

B3. Ðịnh hướng sinh tồn cho VN

B4. Văn hoá chính trị Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc và Khổng Giáo

 

C.    Xây dựng một nền giáo dục thích hợp cho dân chủ hoá

 

 

Lịch sử Việt Nam thường gắn liền với lịch sử Trung Quốc. Nền độc lập và diễn trình tiến hoá của dân tộc thưòng bị tác động bởi ảnh hưởng xa gần của người láng giềng vĩ đại phương Bắc. Tương quan Việt Nam - Trung Quốc suốt chiều dài lịch sử là một tương quan đối nghịch thường trực trong hướng đi tìm thế tồn tại độc lập của một nước nhỏ hiếu hòa mà dũng cảm bên cạnh tham vọng bá quyền nước lớn. Tuy nhiên thế chung sống hòa bình trong một phạm trù ý thức hệ của thời kỳ cộng sản Việt Nam lại thể hiện dưới khía cạnh này hoặc khiá cạnh khác như một thời kỳ lệ thuộc. Thật vậy, cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của đảng Cọng sản Việt Nam hầu như đặt dưới sự bảo trợ toàn bộ về lý thuyết "cách mạng dân tộc dân chủ" cũng như vũ khí tài nguyên vật lực của Trung Quốc. Chiếm được miền Bắc sau hiệp định Genève cũng tiến hành cải cách ruộng đất theo kiểu mẫu Mao, và biến các đơn vị hành chánh làng, ấp thành "đội sản xuất". Trong cuộc đấu tranh chính trị, quân sự với thế giới tư bản cũng coi "đế quốc Mỹ" là cọp giấy; và sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ cũng theo chân Trung Quốc xây dựng "thị trường Xã hội chủ nghĩa" với nền kinh tế đa thành phần trong đó đảng Cọng sản vẫn nắm độc quyền chính trị.

 

Do đó, phân tích đối chiếu những tính chất văn hóa, địa lý và lịch sử chính trị hiện đại của hai quốc gia từng có một quá khứ thù địch lâu dài nay lại phải tạm kết liên thân phận dưới ngọn cờ ý thức hệ Mác, Lênin, Mao để có thể cùng bảo toàn đảng chuyên chính giai cấp trong một khung cảnh thế giới mới đã hoàn toàn đổi thay sẽ làm nỗi rõ những hướng đi chệch chọang, nguy hiểm; đặc biệt đối với Việt Nam đang bị kẹt giữa hai thế lực đối kháng của thời đại là Mỹ và Cọng hòa nhân dân (CH/ND) Trung Hoa.

 

Việt Nam trên con đường tiến đến tương lai của thiên niên kỷ thứ ba phải chọn lối đi nào hiện chẳng ai tiên đoán được chính xác; nhưng bằng vào những thể nghiệm chính trị và kinh tế qua những năm "đổi mới", con đường dân chủ hoá đất nước để thúc đẩy những phát triển, phục vụ hướng cải thiện và tăng trưởng đời sống quần chúng về mọi mặt xét ra là con đường thích hợp nhất trong một thế giới mà những điều kiện dân chủ đã chứng tỏ nhu cầu cần và đủ của nó nếu không muốn bị vĩnh viễn gạt ra bên lề tiến hoá.

 

Trung Quốc đang tiến vào kỷ nguyên 2000 với một sức phát triển kinh tế quốc gia mạnh mẽ sau hàng ngàn năm đóng băng trong tư tưởng Khổng giáo lệch lạc chỉ tập trung vào hướng bảo vệ lợi quyền của tầng lớp vua chúa quan lại. Trung Quốc ngày nay đang tìm đường hội nhập với thế giới bên ngoài bằng những xảo thuật  "màu sắc Xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa" gồm thâu trong tư tưởng Khổng giáo nhân danh lợi ích tập thể dưới sự lãnh đạo của đảng độc tôn. Nhưng khác với Việt Nam có những điều kiện thuận lợi hơn để dân chủ hoá đất nước trong một viễn tượng êm ả khi những phản lực và sức ì bị chinh phục; thì ngược lại truyền thống Trung Hoa sẽ phải chịu những thử thách đau đớn và lâu dài để gột rửa dần khuynh hướng "Khổng giáo lịch sử" đã trở thành chính thống hoá với Ðổng Trọng Thư đời nhà Hán ở thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, và trong những tương quan quyền lực quân/thần, vua/tôi, kẻ trên/người dưới, nam/nữ... luôn luôn có lợi cho những kẻ trên trước. Truyền thống ấy đã trở thành chai cứng trong các giai tầng của xã hội Trung Hoa, trở thành những giá trị trật tự bất di dịch; và rất phù hợp với lợi ích chuyên chính của đảng Cọng sản Trung Quốc hiện tại. Cho nên trong một tương lai có thể còn lâu dài, khuynh hướng hồi phục những giá trị cổ Trung Hoa dưới màu sắc Khổng giáo có lợi cho những tương quan quyền lực có thể là hướng đi chọn lựa của nước Trung Hoa trong bối cảnh tâm thức một nền văn hoá khép kín mang tính đối kháng với những khuôn mẫu đến từ tư tưởng khai phóng phương Tây. Bên cạnh những điều kiện nghiệt ngã ấy của Trung Quốc, Việt Nam có thể tìm thấy một lối thoát bằng con đường dân chủ hoá toàn bộ đất nước và khai phóng con người để vĩnh viễn thoát ra khỏi thế lệ thuộc Bắc phương, khẳng định một hướng đi hoàn toàn mới trong niềm tự hào chính đáng của dân tộc? Dấu hỏi này quá lớn đối với sức hiểu biết hạn hẹp của tác giả. Cho nên những vấn đề đặt ra ở đây chỉ là những suy nghĩ gợi ý, mà không phải là thâm cứu, về khía cạnh xã hội chính trị của tư tưởng Khổng giáo đã thẩm nhập vào tư tưởng và xã hội truyền thống Việt Nam. Cũng trong bối cảnh của thế giới hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp bách phải khẳng lập cho mình một tư tưởng văn hoá chính trị thích nghi trong thế tranh chấp văn hoá của thế kỷ. Sau cùng là lược giải một cái nhìn tổng hợp về cải cách giáo dục làm nền cho tiến trình dân chủ hoá đất nước.

 

Chương I
Nền văn hóa, chính trị Việt Nam
Khổng giáo và Trung quốc.

 

A. KHI NƯỚC TÀU THỨC GIẤC :

Sau cuộc tháo chạy của Tưởng Giới Thạch ra Ðài Loan, Mao Trạch Ðông đã nghiễm nhiên trở thành vị hoàng đế mới của lục địa Trung Hoa. Nhà cách mạng gốc nông dân này là một con người đầy tham vọng. Từ năm 1938 ông ta đã từng viết "tổ quốc của chúng ta có một lịch sử dài nhiều nghìn năm, hội tụ những tính chất đặc thù và cung ứng những gía trị mênh mông. Dưới góc cạnh đó chúng ta chưa xứng đáng là người học trò nhỏ. Nước Trung Hoa hôm nay sản sinh từ sự phát triển của nước Trung Hoa quá khứ đang hội nhập vào lịch sử bằng chủ nghĩa Mác. Chúng ta không thể ngắt quảng giòng lịch sử đó... Chúng ta phải khảo sát thật chính xác những hệ quả quá khứ từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên mà tiếp nhận sự thừa kế vinh quang..."

 

Mao đã làm cuộc vạn lý trường chinh để phát triển lực lượng và phản công Quốc Dân đảng, chiếm lấy nước Tàu. Mao chủ trương một nền chuyên chính vô sản với đòi hỏi bình đẳng tuyệt đối; cá nhân bị lột sạch nhân tính để hòa vào tập thể, xóa bỏ sự phân biệt giữa trí thức và chân tay để trong đầu chỉ còn mỗi "tư tưởng Mao"! Tham vọng đó đã đẩy Mao tới chỗ xem Khổng Phu Tử là kẻ đại thù; cấm sách Nho để người Trung Hoa chỉ còn đọc “tiểu Hồng thư” như kinh nhật tụng. Ðôi khi Mao đã xuất hiện dưới cung cách của Tần Thủy Hoàng; và vợ kế của ông ta, bà Giang Thanh, hệt như Vũ Hậu hoặc Từ Hy Thái Hậu là hai người đàn bà lừng danh trong lịch sử Trung Quốc.

 

Mao đã xem nền văn hoá cổ như một thứ văn hóa phong kiến; các nền văn hoá chuyển tiếp và xét lại  như loại "văn hoá tư sản phản động". Nhưng nền văn hoá gọi là "vô sản" của ông cũng chẳng khá hơn. Dẫu người nông dân trở thành "kẻ cầm lái vĩ đại" có tham vọng gom hết tư tưởng Mác, Ăng ghen, Lênin thành tư tưởng Mao như ông ta đã từng viết: "chúng ta chỉ áp dụng chủ nghiã Mác bằng cách hội nhập nó vào những đặc tính cụ thể của đất nước (Trung Hoa) dưới hình thức một thứ "chủ nghĩa quốc gia" thì nó vẫn quá xa lạ với hồn Trung Hoa, ngôn ngữ hàng ngàn năm và thiếu hẳn tầm vóc cần thiết để thay thế các nền văn hóa cổ, văn hoá chuyển tiếp và văn hoá xét lại. Ba mươi năm "cách mạng vô sản" với hàng chục triệu người chết và bị cầm tù cũng chẳng đi đến đâu. Những thất bại hiển hiện của bước "đại nhảy vọt về phiá trước" và những thãm họa của "cuộc cách mạng văn hoá vô sản" đã bóc sạch người Trung Hoa thành trần trụi, tuyệt vọng và mất hết niềm tin. Nhiệt tình cách mạng lúc đầu  đã nguội lạnh, để nhận thức một cách cay đắng rằng cái nền văn hoá mới đó có những ngữ vựng lạ lùng, khó nghe trong chiếc nôi văn hoá cổ đến cả hàng ngàn năm...

 

Cho nên thời "hậu Mao" với chủ trương "hiện đại hoá" đã là chiếc chìa khóa duy nhất ra khỏi cửa tử. Không những phe cải cách của Ðặng Tiểu Bình mà cánh bảo thủ Trần Vân, Lý Bằng đều chủ trương hồi phục những giá trị cổ để tái lập một trật tự chính trị mới với tư tưởng truyền thống Trung Hoa mà Khổng tử đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc hệ thống hoá nhằm hình thành một trong ba giòng tư tưởng chính tồn tại mãi với nước Trung Hoa thiên niên.

 

A1. Khổng giáo, nghệ thuật cai trị :

Khổng giáo không phải là một hệ tôn giáo bình thường mà là "đạo" của một trật tự phong kiến dựa trên sự tuân phục của con đối với cha, của vợ đối với chồng trong gia đình; của người thứ dân đối với quan lại trong đẳng cấp xã hội; và sau chót của tầng lớp cai trị đối với quân vương. Cửa Khổng dạy môn sinh lòng tận tụy và nghệ thuật đạt đến mục tiêu công ích.

Khổng Phu Tử sinh ở nước Lỗ năm 552 và mất năm 479 trước Công Nguyên. Người khai sáng Nho giáo đã nói thật khiêm nhường: "Ta chỉ truyền đạt mà chẳng có phát kiến gì cả". Nhưng từ chỗ hệ thống hoá tư tưởng chính trị cổ cô đọng trong "ngũ kinh" (Dịch-Thư-Thi-Lễ và kinh Xuân Thu) bậc thánh hiền bất tử đã mặc nhiên sáng tạo một đạo trị quốc cho hàng vương tôn công tử và kẻ sĩ Trung Hoa học tập trong hàng hai nghìn năm trăm năm. Sau khi ông qua đời, các đại đệ tử từ các hệ phái khác nhau đã cô đọng học thuyết của tôn sư trong "tứ thư" (Luận Ngữ- Ðại Học- Trung Dung và Mạnh Tử).

 

Trần Trọng Kim khi khảo sát về Nho giáo đã kết luận "nền tảng giáo dục của Nho giáo vẫn dựa trên đức dục làm gốc (trí dục chỉ là ngọn), do Nho giáo chú trọng vua quan, bởi vận nước thịnh hay suy quan hệ ở những người ấy. Nếu không được giáo dục, không nhân, nghĩa, lễ, trí (và tín) thì thành ra bọn đạo tặc dùng cái cơ thuật gian trá làm hại thiên hạ" Cho nên các trưòng phái lớn của Khổng giáo, dù khuynh hướng Mạnh Tử, Tuân Tử, Ðổng Trọng Thư hay Chu Hi... qua các biến thiên của các triều đại, đều chú trọng đến chữ "Nhân" trong các hình thái giáo dục con người.

 

Chữ Nhân đứng trước các giá trị khác của nhà Nho đã thành cái gốc của người quân tử, và cũng là cái gốc của nghệ thuật cai trị qua câu nói của Khổng tử: "nếu bậc quân vương đạo đức ngay thẳng cần gì phải dùng đến Lệnh (Luật) buộc dân chúng thi hành. Vì khi ông ta không chính chuyên, dù có áp đặt lệnh cũng vô ích, sẽ chẳng có ai theo". Sách Luận Ngữ cũng có lời Phu Tử về đạo trị quốc: "Vương đạo đem lại hạnh phúc cho bàn dân và thu phục người" trong lúc "nền chuyên chính chẳng khác gì cọp dữ".

 

Ðối kháng với mẫu người quân tử, hiền nhân của Khổng Tử là tư tưởng "pháp gia" bắt nguồn từ tướng quốc Quản Trọng đến người kế vị ông là Án Tử (Yến Anh) ở nước Tề, Tử Sản của nước Trịnh, thừa tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng, và đặc biệt hai nhà đại tư tưởng Công Tôn Uyển và Hàn Phi Tử cũng ở nước Tần. Họ đều chủ trương trật tự và an bình xã hội không do bởi hiền tài mà nhờ ở pháp luật chặc chẽ, theo nguyên tắc "nếu hình phạt nặng sẽ chẳng ai dám phạm, và do đó khỏi cần dùng đến nó".

 

Mao Trạch Ðông đã bỏ Khổng Tử mà tôn vinh Tần Thủy Hoàng, sùng bái Hàn Phi Tử là nhà tư tưởng gần gủi nhất với các chế độ toàn trị của thời đại chúng ta. Ai cũng hiểu Mao ca ngợi bạo chúa Tần Thủy Hoàng để biện minh cho nền chuyên chế tập quyền khắc nghiệt và sự thủ tiêu những đặc quyền, đặc lợi của những chính quyền địa phương mà Mao xem như những đặc trưng của xã hội Khổng tử cần phải đập phá tận gốc. Với Mao, nhân đức chính trị kiểu Khổng chỉ là bịp bợm để ru ngủ quần chúng, vì xã hội không thể tiến bộ được với kiểu "thi ân bố đức" và giữ lễ; mà chỉ qua một cuộc đấu tranh giai cấp không ngừng nghỉ. Vào những năm cuối đời "hoàng đế đỏ" đã đứng hẳn vào phái pháp gia, tập trung quyền hành hết về trung ương với luật pháp khắt khe của một chế độ xã hội chủ nghĩa toàn trị.(1)

 

A2. Cách Mạng Trung Hoa và nước Tàu hai mặt, hai tốc độ :

Nước Trung Hoa thuộc nền văn minh nông nghiệp. Ðất rộng, người nhiều nhưng có đến 90% nông dân canh tác trên những mảnh đất không thuộc về họ. Thiểu số điền chủ gom hết đất đai trong tay tạo thành một tầng lớp cường hào ác bá khủng khiếp. Cuộc cách mạng ruộng đất do đó là vấn đề sinh tử của nước Tàu ở mọi thời đại.

 

Tôn Dật Tiên đã xóa bỏ chế độ phong kiến, đem đất cấp cho người canh tác, nhưng từ chối kiểu tái phân lợi tức Mác xít. Mao kế tục sự nghiệp, thực hiện đại nhảy vọt với các công xã nhân dân đẩy quần chúng vào cùng cực tai họa. Và nếu không có Chu Ân Lai mở cửa ra với thế giới phương Tây, đón tiếp Kissinger, Nixon, Tanaka và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Pháp thì có lẽ nước Tàu đã sụp đổ với Cách Mạng Văn Hoá vô sản (2). Lịch sử thời kỳ mở cửa sau Mao mang đậm nét những đặc tính sau đây :

 

A2a. Sự trở lại các trạng thái phong kiến thái ấp : Xã hội Trung Hoa ở hạ tầng quận huyện trở xuống nông thôn đang hồi phục sắc thái phong kiến cổ. Tầng lớp cán bộ địa phương tương đối có học hơn quần chúng nông thôn đang khoác áo quan lại mới Khổng giáo trong vai trò đa dạng từ luật pháp  đến chính trị, kinh tế và xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó một tầng lớp hào phú mới xuất thân từ nông dân nhờ biết khôn khéo làm ăn, lợi dụng thời thế mới của sự bột phát kinh tế ở các miền duyên hải để làm giàu. Họ đầu tư vào những xí nghiệp sản xuất nhỏ, giao thông, mua bán hạt giống, phân bón... Tầng lớp quan  lại mới dĩ nhiên có quyền lợi thiết thân gắn liền với những người giàu mới, nhưng trước đại bộ phận quần chúng càng ngày càng nghèo đi lương tâm họ cũng áy náy. Do đó nền chuyên chính vô sản đã được nới lỏng với tầng lớp quần chúng đa số đã bị đẩy xuống tận cùng nghèo đói và bất công. Xã hội nông thôn Trung Hoa thay đổi bộ mặt công xã, nhưng vẫn rõ nét phong kiến thái ấp của một xã hội khép kín trong đó tầng lớp quan lại mới tha hồ thao túng qua sự tiếp tay của tầng lớp dân chúng bậc trên là các nông dân phú hộ, hoặc cường hào. Ðặc tính này không khác mấy với cách vận hành của các nhà nước hành chánh thời phong kiến. Tầng lớp quan lại không đủ đông và không có những phương tiện dồi dào trước những nhiệm vụ nặng nề và những nhu cầu to lớn của địa phương buộc họ phải cai trị trên nguyên tắc thỏa hiệp với những "nhà nước nhỏ" của địa phương là các "trí, phú, địa, hào"; còn tuyệt đại bộ phận quần chúng thì mặc nhiên chấp nhận nguyên tắc "tự nguyện bị trị".

 

A2b. Tính tự trị của các đơn vị kinh tế: Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ sở hành chánh, giáo dục thực sự là những tiểu cộng đồng  xã hội có tính độc lập, tự cung tự túc trong lòng xã hội Trung Hoa. Các đơn vị này có chính sách kinh tế độc lập, có lề lối quản lý riêng biệt trong mọi hoạt động kinh doanh, cũng như trách nhiệm mọi mặt về đời sống các thành viên qua các lãnh vực cung cấp lương thực, thực phẩm, giải quyết mọi vấn đề sức khỏe, giải trí...

 

Sự cạnh tranh ác liệt giữa các đơn vị kinh tế trong cơ chế tư bản rừng rú, cũng như sự canh tranh giữa làng này với làng khác, xã này với xã khác, và cả tỉnh này với tỉnh khác đã phân chia nước Tàu thành những tiểu cộng đồng riêng lẽ với những "nhà nước thái ấp" nắm trong tay nhiều quyền hành quyết định.

 

Với sự giải thể ào ạt các xí nghiệp quốc doanh vì thua lỗ và vì nhu cầu tái cấu trúc cho phù hợp với kinh tế thị trường, hàng trăm ngàn công nhân đã bị vứt bỏ ra bên lề xã hội, hoặc được bồi thường với số tiền bảo hiểm thất nghiệp chết đói. Nhưng không phải người công nhân nào cũng được hưởng số trợ cấp nhỏ nhoi này. Cho đến bây giờ, chỉ có 14% công nhân Trung Hoa được hưởng bảo hiểm thất nghiệp của xí nghiệp (11% trong lãnh vực công kể từ thời Mao). Năm 2005, chỉ có 17% đóng tiền cho qũi hưu bổng trong hệ thống công quyền để sẽ được lãnh trợ cấp hưu khoảng 20% lương trung bình của địa phương, bất kể mức lương cao thấp khác nhau tùy theo chức vụ lúc còn tại chức (Quand la Chine a besoin de socialisme - Le Monde 26-27/11/06).

 

A2c. Sự tự hào mù quáng về nền văn hoá cổ : Sự tự hào mù quáng về nền văn hoá cổ  là tâm lý phổ quát nơi mọi tầng lớp dân chúng. Sau đam mê cách mạng buổi đầu, những thãm hại của đại nhảy vọt và tính chất hổn loạn đẫm máu của Cách mạng Văn hoá vô sản đã làm người Trung Hoa chán chường, ghê tởm những ý thức hệ ngoại nhập Mác, Ăng ghen, Lênin, dù Mao đã khéo léo tuyên truyền những tính chất Trung Hoa của các tư tưởng này. Tư tưởng dân chủ phương Tây chỉ được biết đến nơi một thiểu số nhỏ nhoi của những trí thức hoặc tầng lớp cao của xã hội có kiến thức hoặc cơ hội chiêm nghiệm; tuyệt đại bộ phận quay về những giá trị cổ, xem đó là những khuôn thước vĩ đại chính thống Trung Hoa, vượt trội những tư tưởng khác ở bên ngoài. Khổng giáo từ đó dành lại chỗ đứng tuyệt đối của nó trong đời sống xã hội, chính trị và tư tưởng Trung Hoa.

 

A2d. Tính tự trị của các địa phương : Tính tự trị của các địa phương phát triển qua cơ chế kinh tế thị trường, một số các địa phương đã tăng trưởng mạnh và từ đó có khuynh hướng coi thường trung ương. Có thế, có lực và giàu có nhờ tài nguyên, nhân lực địa phương, các tỉnh, nhất là ở đặc khu kinh tế duyên hải thể hiện rõ nét xã hội truyền thống. Các thành phố ở miền duyên hải Ðông Nam đã phát triển với tốc độ chóng mặt, có nơi đã từng vươt qua chỉ số 20% mỗi năm, ngày nay trung bình ở mức ổn định 9-10%, được xem như xuất số phát triển cao nhất thế giới. Các chính quyền địa phương nắm trong tay khối tư bản kếch xù và thế lực chính trị mạnh mẽ thường có khuynh hướng coi thường trung ương chứ không phải như thời Mao nhất nhất phải chờ chỉ thị từ trung ương bộ chính trị trong khung cảnh một cơ chế bao cấp tuyệt đối.

 

Do thiếu những định chế tài chánh thuế khóa hữu hiệu và chính xác, phần thu nộp cho công khố quốc gia trên các thu nhập của các địa phương đã suy giảm nghiêm trọng. Nhà nước trung ương thường phải cầu viện các tỉnh thành ở đặc khu kinh tế đã làm cho tính tự trị ở vùng này càng rõ nét. Tâm lý gắn bó với địa phương với những vấn đề riêng lẽ của nó ngày càng mạnh hơn và nhiều khi thể hiện một tình trạng phân liệt đáng ngại. Cuộc "chiến tranh luá gạo" giữa hai tỉnh Quảng Ðông và Hồ Nam năm 1990 là một thí dụ. Tỉnh Quảng Ðông từ lâu vẫn có thói quen mua luá trực tiếp từ các nông dân Hồ Nam với giá rẻ hơn nhiều giá qui định chính thức của chính quyền tỉnh này. Năm 1990 Hồ Nam ra lệnh chận bắt các đoàn xe thu mua của Quảng Ðông khiến tỉnh này nỗi giận tính huy động quân đội can thiệp. Năm 1992 tỉnh Quảng Ðông còn đi xa hơn trong thế "tự trị" của mình qua việc từ chối nhận phần xăng dầu của trung ương với giá cao hơn giá qui định chính thức trên văn bản. Bị đe dọa cúp "quota", tỉnh đã phái một tàu dầu mua thẳng ở Kowet mà chính quyền trung ương chẳng làm gì được (3).

 

Tính tư trị tự quản trong một thành phố lớn nhất thế giới như Thượng Hải bây giờ đang phơi bày một nền quản lý lệch lạc trong đó chính quyền địa phương toàn quyền trưng mua đất đai tư nhân cho những nhu cầu phát triển đã đặt ra những vấn đề trầm kha của một trong những nền kinh tế phát triển sinh động nhất thế giới nhưng không ngần ngại hy sinh quyền tư hữu của người dân thấp cổ bé miệng. Những cuộc điều tra gần đây cho thấy trong những chiến dịch chiếm đoạt đất tư hữu này phần lớn viên chức của chính quyền Thượng Hải đều có dính líu, lợi dụng quyền hạn để chiếm đọat  đất đai cho riêng mình!

 

A2e. Cách biệt trầm trọng giữa Duyên hải và Nội địa: Sự cách biệt trầm trọng giữa các vùng duyên hải và nội địa là hệ qủa trực tiếp của khuynh hướng tự trị của các địa phương. Nước Trung Hoa vô hình chung đã chia làm hai với hiện đại hoá. Phần nội địa sâu kín là nước Tàu cổ truyền thống, nông thôn nghèo đói với lợi tức bình quân đầu người không bằng 1/10 ở miền duyên hải công kỹ nghệ và dịch vụ ở Ðông Nam. Theo thống kê năm 2004, lợi tức bình quân tính trên đầu người đã tăng 6,8% so với 2003, trong đó bình quân vùng bên ngoài các đô thị là 2936 yuans # 272 € so với 9433 yuans # 874 € ở vùng đô thị nói chung (Expansion 25/01/05). Ðời sống cách biệt với cơ cực chịu đựng ở nội địa và tiêu thụ điên cuồng, xa hoa phù phiếm ở các tỉnh thành duyên hải đã hình thành hai lối suy nghĩ khác nhau. Một bên đua đòi phương Tây ở lối sống vật chất; và sâu kín bên trong, người nông dân Trung Hoa tự an ủi mình với lối sinh hoạt thanh bạch của thánh hiền và nỗi tự hào không thật về những giá trị Trung Hoa truyền thống! Rõ ràng là đất nước mênh mông và dân tộc đông đúc nhất hành tinh này đang sống hai mặt, đang lớn lên với hai tốc độ cách biệt, không đồng bộ, trong ý thức chung về một nỗi tự hào cay đắng của một nền văn hoá tự cho là hơn hẳn, nhưng thiếu thực tế về kỹ thuật và quá chậm tiến so với phương Tây. Tâm lý này vẫn còn đang kềm hãm nước Trung Hoa trong thế dằng co, và làm cho phần thế giới còn lại lo ngại.

Mao Trạch Ðông muốn làm cuộc cách mạng trước hết ở nông thôn, rồi tiến dần ra đô thị làm cuộc hiện đại hoá đồng bộ. Nhưng sách lược Mác-Lênin và chuyên chính vô sản  đã thất bại vì không ứng hợp với truyền thống Trung Hoa. Với hiện đại hoá Ðặng Tiểu Bình đã đưa nước Tàu thời hậu Mao tiến lên dần hàng cường quốc. Tổng sản lượng quốc gia từ 97,8 tỉ US$ năm 1970 lên 294,3 tỉ năm 1980 và qua 1991 tăng vọt lên 422,4 tỉ với đà tăng trưởng mạnh mẽ của các đặc khu kinh tế do Ðặng sáng lập để  rồi vọt lên 1645 tỉ US$ năm 2004 và 2263,8 tỉ US$ năm 2005. Phân tích về sản lượng gộp ấy, ta sẽ thấy một sự chuyển đổi sâu sắc giữa các khu vực kinh tế. Nông nghiệp chiếm 39,4% tổng SL/QG năm 70, đến 91 chỉ còn 28,4%. Kỹ nghệ không thay đổi quan trọng, từ 42,3% nhích lên 44,3% trong lúc dịch vụ đã phát triển mạnh từ 18,3% năm 70 lên 27,3% năm 91 do đầu tư người và của từ ngoại quốc đổ vào...

Theo l’Observateur OCDE (Organisation Coopération et de Développement Economiques = Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế) tháng 06.2002, sự tăng trưởng vượt bực của nước Tàu không đồng đều cho mọi người Trung Hoa. Trong thực tế từ 1983-2000, tổng số 440 tỉ đô la đầu tư phần lớn đổ vào các vùng duyên hải Ðông Nam, thu hút 88% đầu tư trực tiếp so với 9% cho miền Trung và chỉ 3% cho miền Tây Trung Hoa. Sự cách biệt khổng lồ này không những là mối đe dọa trầm kha cho tính liên đới quốc gia mà còn ảnh hưởng nặng lên cơ cấu phát triển cân bằng và ổn định trong một nền kinh tế toàn cầu hoá. Cựu thủ tướng Chu Dung Cơ đã ý thức vấn đề, nhưng nhận biết là rất nan giải và phải quyết tâm trong dài hạn, ít ra cũng vài ba chục năm. Tháng 01.2000, nhà nước Trung Hoa  tung ra “đại chiến lược phát triển miền Tây” hướng đầu tư ngoại quốc và tư nhân vào các vùng nghèo đói này. Riêng chính phủ đã huy động 45,5 tỉ US$ cho việc phát triển giao thông và các hạ tầng cơ sở phát triển. Tuy nhiên vấn đề to lớn hơn nhiều so với số tiền chi ra. Nước Tàu nội địa bao gồm 56% diện tích và 23% dân số cả nước. Thế mà lợi tức bình quân không quá 60% mức trung bình toàn quốc. Sự cách biệt không ngừng gia tăng. Tỉnh Giang Tô chẳng hạn, thu nhập bình quân của người dân từ 84% lợi tức trung bình quốc gia năm 1980 đã tụt xuống còn 56% năm 1999. Tài nguyên nhân vật lực của vùng phiá Tây nằm trong nội địa không thiếu. Nhân công rẽ và có tay nghề của các công binh xưởng quân đội ngày trước chưa khai thác được. Ở Trường An hay Thành Ðô có những trường đại học lớn và các trung tâm nghiên cứu khoa học. Tài nguyên thì có dầu hỏa, gaz, khoáng sản trong vùng Thanh Hải, Tân Cương. Tỉnh Tứ Xuyên là vựa thóc gạo hàng đầu. Những thắng tích du lịch nỗi tiếng của vùng này thu hút rất nhiều du khách... Tuy nhiên số tư bản ít ỏi của tư nhân miền Tây, cũng như chất xám của giới trẻ có khuynh hướng đổ về miền duyên hải do chính sách ban đầu của nhà nước Trung Hoa là dồn sức phát triển miền duyên hải phiá Ðông với hy vọng là sức tăng trưởng mạnh ở đây sẽ làm đầu tàu kéo cả nước phát triển.

Sản lượng nông nghiệp đã giảm hẳn từ thời Mao qua thời Ðặng Tiểu Bình. Với hiện đại hoá một bộ phận nông dân đã chuyển sang các ngành dịch vụ có thu nhập cao hơn, hoặc đi kiếm việc làm ở các xí nghiệp tiêu dùng ở địa phương. Phân bố dân số hoạt động trong lãnh vực nông nghiệp từ 78,7% năm 70 giảm xuống 68,9% năm 80 để chỉ còn 59,5% năm 91, 50% năm 2001 đã nói lên điều đó. Dù đã kỹ nghệ hoá, căn bản kinh tế nước Tàu vẫn là nông nghiệp; tuy 50% dân số hoạt động trong nông nghiệp chỉ đóng góp 17,7% PNB (Produit National Bruit) nhưng những nông sản thực phẩm như lúa gạo lại chiếm 28,7% sản lượng thế giới, lúa mì 15,4%, bắp 18,8%, colza 31,2%, khoai tây 21,4% (theo tài liệu Wikipédia) trong lúc 23% dân số hoạt động trong lãnh vực công kỹ nghệ lại chiếm đến 49,3% PNB và 27% trong các ngành dịch vụ đã tạo ra 33% PNB (năm 2001). Hàng trăm triệu nông dân đã bỏ ruộng đồng đổ xô về các đô thị kiếm sống đã phơi bày một tình trạng phát triển không cân đối trong những năm đầu thập niên 90 với từng đoàn nông dân thất thiểu ngủ đường ngủ chợ tìm bất kỳ việc làm nào ở đô thị có đồng lương ổn định hơn nhiều kiếp nông dân cơ cực và bị bóc lột.

Vài cuộc nỗi loạn của nông dân cũng đã được ghi nhận. Nhưng đã chẳng hề làm chuyển đổi xã hội. Sắc thái phong kiến dầu ở thời đại mới đã khép chặt lại nguyện vọng của người nông dân thấp cổ bé miệng trong phạm vi làng xã mà thôi, quá lắm đến quận huyện là bị dập tắt. Dù có được giải quyết bằng cách nào đi nữa trật tự cũng sẽ được tái lập nhanh chóng bằng mọi giá. Xã hội "hạt nhân" truyền thống Trung Hoa ở các làng xã là quần chúng bị trị phải bu bám và quay chung quanh cái nhân của xã hội kết chặt nhau của các tầng lớp trí phú địa hào đã từ lâu hủy diệt những khả năng đối kháng hiệu qủa với chính quyền. Ðặc tính này đã làm vô hiệu hoá những yêu cầu chuyển đổi chính sách cai trị; chưa nói đến mức độ cao hơn nhằm phá vỡ trật tự hiện hữu. Cho nên tất cả những cố gắng đ phá hoặc chuyển đổi chỉ làm nảy sinh khuynh hướng hồi phục một trật tự truyền thống cũ đã ăn nếp từ quá lâu đời, và đã quá lỗi thời trước thời đại mới.

Ðó cũng là cái vòng lẩn quẩn của lịch sử tiến hoá tại nuớc Trung Hoa. Bao nhiêu triều đại đã đổ nhào với các cuộc nỗi loạn của nông dân. Nhưng triều đại này đổ để lập một triều đại khác cũng đi cùng vết xe cũ. Giòng họ này đổ để thay bằng một giòng họ khác cũng chừng ấy tham vọng về quyền lợi. Trong lúc đó cơ chế phong kiến vẫn y nguyên. Phong trào nông dân "Thái Bình Thiên Quốc" đã góp phần không nhỏ trong việc lật đổ nhà Thanh, song phải đợi đến Cách Mạng Tân Hợi nền phong kiến mới được tuyên cáo chấm dứt. Tôn Dật Tiên đã không thắng được những thế lực cũ vẫn e ngại cải cách. Quốc Dân đảng với Tưởng Giới Thạch không đi đúng đường lối của người sáng lập chế độ Cộng hòa; và trong cuộc đối đầu gay gắt với xâm lăng Nhật và kẻ nội thù Cộng Sản, họ đã bị cô lập giữa địa bàn nông thôn. Mao Trạch Ðông đã phát động phong trào nông dân dành lấy chính quyền trong tay họ Tưởng. Lúc đầu Mao tương đối thành công với cuộc cách mạng ruộng đất. Người nông dân Trung Hoa sản xuất nhiều hơn, nhưng đời sống lại không được cải thiện do những cơ chế nghịch lý xã hội chủ nghĩa áp dụng trong một đất nước vẫn còn ở thời kỳ văn minh nông nghiệp. Nhờ Ðặng Tiểu Bình, kinh tế hồi phục. Công xã bị giải tán. Giá cả được giải phóng. Người canh tác có đất để làm ăn, sản xuất tăng, nhưng thu nhập người nông dân lại bị băng hoại cũng chỉ vì hiện đại hoá chưa đến và khó có thể đến với các vùng nông thôn hẻo lánh vẫn còn giữ những đặc tính xã hội cố hữu: giá mua thóc lúa của nhà nước thấp, tiền trả chậm trong lúc giá nông cơ, nông cụ mắc mỏ và phân bón, hạt giống nhập từ đô thị về phải chịu đủ loại thuế của một cơ chế phân phối nhiều khi bất chính của các chính quyền địa phương.

Phải chăng Ðặng Tiểu Bình lại đi vào lối mòn của Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân đảng ngày nào khi ông đặt hết kỳ vọng ở phương Nam với những thành phố chọc trời mới mơ đến năm 2010 sẽ qua mặt Nhật, năm 2025 sẽ đuổi kịp Mỹ mà trở thành siêu cường bậc nhất?

Sau cái chết của ông, trái với dự kiến, Giang Trạch Dân và nhóm Thượng Hải cũ đã củng cố thế lực và ổn định quyền lực. Phe bảo thủ của Kiều Thạch bị đẩy lùi. Lý Bằng chuyển qua ngồi làm vì ở Quốc hội. Giang Trạch Dân và thủ tướng Chu Dung Cơ bước thêm một bước hiện đại hoá giải thể các xí nghiệp quốc doanh để tiến ổn vững hơn vào nền kinh tế thị trường. Các lãnh đạo mới Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo còn dự định đi xa hơn trong cố gắng cởi trói các tư tưởng lỗi thời. Cơ chế xã hội chủ nghĩa trên thực tế vẫn tồn tại; nhưng với đà tăng trưởng vùn vụt trong lòng WTO và thị trường toàn cầu hóa, liệu ban lãnh đạo mới của đảng Cọng sản Trung Quốc có khả năng duy trì phát triển mà không cải cách chính trị? Chính ở điểm khúc mắc này mà Giang Trạch Dân đã củng cố thế lực cá nhân vừa mong muốn những cải cách sâu rộng hơn trong đời sống chính trị - xã hội Trung Quốc. Theo Susan V. Lawrence của tờ "Far Eastern Economic Review" số 23.07.98 thì họ Giang đã bật đèn xanh cho những cuộc thảo luận công khai về những đường hướng đổi thay mà Trung Hoa phải theo đuổi trong thiên niên kỷ thứ ba, rõ rệt là ông ta đã đưa ra thuyết "ba đại biểu" cho thế hệ cầm quyền còn nằm trong chiếc bóng của ông với chức vụ đầy thế lực chủ tịch Quân ủy trung ương, cọng với tuyệt đại đa số tay chân trong ủy viên Bộ chính trị và Trung ương đảng. Hồ Cẩm Ðào muốn đi xa hơn một bước là vứt bỏ Mác-Lênin-Mao để đưa nước Tàu hội nhập tốt hơn vào quĩ đạo phát triển của thế giới mới. Nếu nền kinh tế thị trường thành công thì rõ ràng là một nhà nước pháp trị và sự hạn chế quyền lực của chính phủ phải là điều bắt buộc. Nhưng đối với những nhà phân tích phương Tây điều kiện tiên quyết là ban lãnh đạo Bắc Kinh phải có một lịch trình thay đổi và thứ nữa, một thiện chí chuyển đổi cung cách cai trị để nước Tàu có thể lột xác. Trong thái độ và cung cách lãnh đạo của Hồ Cẩm Ðào chưa ai thấy một quyết tâm thay đổi tận gốc rễ các phương diện chính trị và xã hội, dù hiện tại một vài cuộc bầu cử địa phương ở Bắc Kinh đã cho phép một vài nhân sĩ độc lập ra ứng cử. Giang Trạch Dân muốn tập trung quyền lực và nối gót Ðặng trong sự nghiệp mở ra một trang sử lớn của Trung Hoa. Ðiều này họ Giang đã làm được và làm một cách xuất sắc qua việc loại Kiều Thạch ra khỏi ban lãnh đạo đảng và vô hiệu hoá Lý Bằng. Vai trò lịch sử của ông cũng sáng hẳn lên với chuyến công du Hoa Kỳ thành công rực rỡ và mời được các Tổng thống Clinton và Bush đến thăm Trung Quốc với những đoàn tùy tùng hùng hậu. Từ địa vị đó, Giang Trạch Dân đã cải tiến tương quan quyền lực giữa Nhà nước (lúc mà ông ta còn là chủ tịch) và Ðảng (mà ông ta nắm tổng bí thư kiêm quân ủy trung ương) Quyền lực chỉ đạo đã được chuyển một phần cho chủ tịch nước như biểu hiện cho việc củng cố một nhà nước pháp quyền và chính phủ sẽ đóng vai trò hành pháp thực hiện hai lãnh vực then chốt và sinh tử cho việc phát triển kinh tế là cải tổ các xí nghiệp quốc doanh và điều chỉnh hệ thống tài chánh của Trung Quốc trong chiều hướng củng cố hướng phát triển thị trường. Những định hướng "dân chủ hoá" này thực hiện tương đối thành công với khuôn mặt nỗi bật của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ. Sau đó Giang đã nhường chức chủ tịch nước của ông cho Hồ Cẩm Ðào vốn được Ðặng Tiểu Bình lựa chọn nhưng lại trưởng thành dưới chiếc bóng chính trị của ông. Giang đã lui về giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương; và từ vị thế mạnh đó Giang vẫn còn ảnh hưởng, chi phối sinh hoạt của nhà nước và chính phủ trong một thời gian khá dài... Rất tiếc tự thâm tâm Giang không muốn có những cải tổ sâu rộng (và thực tế cho thấy Giang không có tầm nhìn lớn và sự táo bạo chính trị của Ðặng Tiểu Bình) Hơn nữa, vì phần lớn nỗ lực nhằm vào tập trung quyền lực trong lúc cánh bảo thủ giáo điều chính trị còn rất mạnh trong đảng, nên không những Giang mà cả Hồ Cẩm Ðào với phong cách lãnh đạo mới cũng sẽ không dám đi xa hơn những cải cách kinh tế và xã hội. Chủ nghĩa xã hội (Cọng sản) mà thật tâm Ðào muốn vất bỏ cũng sẽ còn đó một cách không chính danh, nhưng vẫn thể hiện trong đường lối toàn trị của Ðảng. 

Dẫu sao, những cố gắng của Giang Trạch Dân để chuyển đổi một hệ thống chính trị khép kín và toàn trị sang một chiều hướng dân chủ hóa đã là một sáng kiến đáng khen ngợi. Ông ta  đi vào lịch sử Trung Quốc không phải với tư cách một người cầm lái vĩ đại cho những tín điều hoặc truyền thống Trung Hoa; nhưng là một người khai sáng nền “dân chủ mới” cho nước Tàu hay ít ra soi dọi được một chiều hướng suy nghĩ và hành động trong sáng kiểu "glasnost" của Gorbachev. Tự do tư tưởng với những diễn đạt quan điểm công khai, và nhất là những đề nghị dân chủ hóa các định chế chính trị - kinh tế - xã hội, cùng những phương hướng đưa nước Tàu tiến mạnh vào thiên niên kỷ thứ III sẽ làm nảy sinh một chiều hướng suy nghĩ và tâm thức mới cần thiết cho nước Tàu truyền thống trên đường hội nhập vào toàn cầu hóa; vì địa vị siêu cường tài chánh và kinh tế vẫn là điều mà Ban lãnh đạo Trung Nam Hải hằng mơ tưởng, đặc biệt là nhà "cải cách chính trị" Giang Trạch Dân và "chiếc chìa khóa kinh tế" Chu Dung Cơ đã khai mở để ê kíp mới và trẻ trung Hồ Cẩm Ðào - Ôn Gia Bảo sẽ từ tốn đạt đến.

 

A3. Chủ nghĩa xã hội với màu sắc truyền thống :

Mao Trạch Ðông đã đưa chủ nghĩa xã hội vào Trung Hoa nhưng bắt nó phải hội nhập vào hồn dân tộc ông thành một thứ "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa". Ðặng Tiểu Bình kế vị ông, đổi phương hướng cải cách và làm cuộc "hiện đại hoá" với nguyên tắc "nắm bắt mọi cơ hội để phát triển nhanh trong lúc vẫn duy trì vững chắc chủ nghĩa xã hội dựa trên 4 nét lớn" :

  • Ðịnh hướng XH/CN

  • Chuyên chính của nền Dân chủ Nhân dân

  • Quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản

  • Trung thành với Mác - Lênin và tư tưởng Mao

Ðại hội lần thứ XIV từ 12 đến 18.10.92 đã khẳng định khuynh hướng cải cách của Ðặng “kinh tế xã hội chủ nghĩa có thị trường” và "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa" cho đến nay vẫn là kim chỉ nam cho sự phát triển độc lập của Trung Quốc.

Ðặng lên nắm chính quyền vẫn trung thành với tư tưởng Mao vì có lẽ trong thâm tâm ông vẫn phục Mao ở tinh thần Trung Hoa cực đoan lồng trong ý thức hệ chủ nghĩa Cọng sản quốc gia. Khác với Mao Trạch Ðông gốc nông dân và bảo thủ quá khích, Ðặng đã từng xuất ngoại và làm việc ở phương Tây, biết rõ sức mạnh của nền văn minh kỹ thuật. Muốn phát triển đất nước Trung Hoa Ðặng phải tạm mượn kỹ thuật của họ trong lúc vẫn chối bỏ căn bản của nền văn minh đã sản sinh ra nó. Tham vọng của ông cũng như của mọi người Trung Hoa là những con người vẫn tự hào mù quáng về nền văn hoá của họ hơn bất kỳ một dân tộc nào khác; nhưng vẫn biết tạm thời còn thua kém xa phương Tây về phương diện kỹ thuật. Cho nên Ðặng phải vừa vay mượn kỹ thuật, vừa cố công khôi phục những giá trị truyền thống, hy vọng thăng hoa chúng theo món võ công "gậy ông đập lưng ông" để chế ngự phương Tây.

Không những phe cải cách mà cả cánh bảo thủ trong lòng đảng Cọng sản Trung Quốc đều mơ ước một mô hình phát triển trong trật tự "Tân Khổng giáo” như Đặng Tiểu Bình ngày trước đã từng tôn vinh Tân Gia Ba - Lý Quang Diệu. Sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc về kinh tế trong khung cảnh độc tài chính trị - xã hội nguỵ trang dưới màu sắc trật tự tân Khổng giáo dĩ nhiên là mô thức canh tân lý tưởng đối với Trung Nam Hải bởi những lý do :

A3a. Ðối kháng hữu hiệu với sức ép dân chủ : Ðối kháng hữu hiệu với sức ép dân chủ hoá toàn cầu theo mô hình dân chủ Tây phương; với lý do các chế độ mẫu này còn nhiều mặt hạn chế và không thích hợp với truyền thống văn hóa và cấu trúc xã hội Á châu.

A3b. Đường hướng Tân Khổng giáo : Ðảng Cọng sản Trung Hoa tập hợp những công thần tương đối ít học đối với truyền thống lãnh đạo Trung Hoa. Tệ nạn cửa quyền, tham nhũng gay gắt cũng từ chỗ ít được "giáo dục" và chẳng hề được tuyển lựa qua các kỳ thi như xã hội cũ. Giáo dục theo đường hướng Tân Khổng giáo do đó cần thiết để nâng cao phẩm chất của lớp "quan quyền mới" nhằm hồi phục lòng tin và sự kính trọng, vì qua hơn ba mươi năm thống trị nền "văn hoá vô sản" rõ ràng đã bị dân chúng rẻ rúng, khinh thị.

A3c. Dân chủ Trung Hoa truyền thống : Trước sự bất lực của đảng Cọng sản và giai cấp thống trị mới, Ðặng thèm muốn tính "hoành tráng chính trị cổ Trung Hoa" để thoát khỏi thời "hậu Mao". Khổng giáo đã dày công xây dựng nghệ thuật trị quốc trên sự tuân phục của quần chúng vì lợi ích công và trật tự xã hội. Người bị trị bắt buộc phải tự đặt mình vào khuôn phép, kỹ cương do chính quyền áp đặt dưới hình thức này hoặc hình thức khác, nhân danh những mục tiêu cao đẹp; nhưng thật sự chỉ phụng sự lợi ích vương quyền, và làm dể dàng nhiệm vụ của tầng lớp cai trị. Những quyền lợi cá nhân chủ yếu của con người bị xem nhẹ, hoặc bị tước bỏ nhân danh công ích. Đảng Cọng sản Trung Quốc vẫn công khai lý luận rằng tính đoàn kết dân tộc và nền thống nhất của đất nước Trung Hoa chỉ được duy trì bằng chuyên chính cọng với sự tuân phục tự nguyện của tuyệt đại bộ phận đối với giai cấp công - nông lãnh đạo. Ðối với quốc tế đảng Cọng sản Trung Quốc vẫn rêu rao tính hoành tráng chính trị đó là nét đặc thù của kiểu mẫu “dân chủ Trung Hoa truyền thống” để chống đỡ sức ép bên ngoài và những đòi hỏi dân chủ, nhân quyền thật sự của phong trào trí thức, sinh viên.

A3d. Sức mạnh của 50 triệu Hoa kiều hải ngoại : Ðảng Cọng sản Trung Quốc thấy rõ sức mạnh của 50 triệu Hoa kiều hải ngoại sống rải rác trên khắp các lục địa mà quan trọng nhất là Ðài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam... Họ nắm trong tay một khối tư bản khổng lồ lên đến khoảng 2000 tỉ US$. Một màu sắc Trung Hoa mượn ở Khổng giáo để trang trí cho chế độ ở Hoa lục  sẽ thu hút vốn đầu tư và hợp tác kỹ thuật qúi báu. Thực tế chứng minh là Hoa kiều Ðài Loan, Hồng Kông chiếm một tỷ số quyết định trong khối đầu tư ngoại quốc khổng lồ đổ vào khai thác Hoa lục. Trung Nam Hải có thể yên chí với sự thẩm nhập quan trọng ấy của tư bản và kỹ thuật  "từ bên ngoài" ấy mà không sợ bị kèm theo điều kiện dân chủ hoá các cơ chế theo kiểu mẫu phương Tây.

Tương lai nước Tàu ở thế kỷ 21 vẫn là một vấn đề lớn của thế cân bằng thế giới và thời đại mới. Không một nhà nghiên cứu về Trung Hoa nào có thể phủ nhận tính "thống nhất" của dân tộc Trung Hoa gắn bó với nhau bởi truyền thống văn hoá cổ và chữ viết phổ thông. Hiện tại nỗi lo sợ về sự tan vỡ thành từng mảnh dân tộc kiểu cựu Nam Tư hình như không còn cơ sở nữa vì người kế vị Ðặng là Giang Trạch Dân đã từ tốn bắt đầu củng cố quyền uy dưới chiếc bóng và gia tài cải cách của Ðặng cùng sự thành công kinh tế của Chu Dung Cơ để loại phe bảo thủ của Kiều Thạch và Lý Bằng ra khỏi vũ đài tranh chấp quyền bính. Phe quân đội vì có rất nhiều quyền lợi kinh tế gắn với cải cách nên mặc nhiên đã ủng hộ Giang. Nước Trung Hoa dù dưới bất kỳ mẫu hình và đặc tính kinh tế chính trị nào cũng sẽ trở thành siêu cường ở thế kỷ 21 trên một tương quan phức tạp với thế giới bên ngoài. Có lẽ Guillermaz nhận định đúng khi ông cho là chủ nghĩa Cọng sản sẽ duy trì dưới chiếc vỏ Khổng giáo thêm một thế hệ nữa trước khi Trung Hoa có thể chuyển đổi sang một hệ tư tưởng chính trị khác (4). Bianco thì lại nghĩ rằng dù tương lai các dân tộc thiểu số Tây Tạng, Tân Cương, và có thể Mông Cổ, Mãn Châu hiện vẫn chưa biết được hướng chuyển động; thì 92% tổng dân số là nòi Hán thuần chủng vẫn "thống nhất" được trên truyền thống cổ đầy tự hào của họ.

Từ một nền kinh tế xếp hạng 4 thế giới với một PNB lên đến 2263,8 tỉ US$ và lợi tức trung bình tính trên đầu người là 1736 US$ năm 2005 (so với 946 US$ năm 2002), tham vọng của giới lãnh đạo Bắc Kinh đến năm 2025 sẽ vượt Mỹ để trở thành siêu cường bậc nhất xem ra khó thực hiện được vì nông thôn và nông nghiệp, cái nôi quyết định sự phát triển bền vững của nước Tàu  không được ổn định lắm vì bất công xã hội, lợi tức thu được trong nông nghiệp không tương ứng với khu vực kỹ nghệ hay dịch vụ ở thành thị. Sức tăng trưởng kinh tế nhiều khi chóng mặt là ngọn và bề ngoài của một mô thức phát triển lệch lạc, không cân đối. Từ 1995 đến 2001  đã có thêm 18 triệu người nghèo. Nước Trung Hoa nhân mản vẫn thiếu một cách trầm trọng nguồn nguyên liệu - năng lượng cần thiết và một hạ tầng cơ sở đủ vững chắc cho một cấu trúc kỹ nghệ hoá bền vững.

Nước Tàu phát triển đến chóng mặt từ 9 đến 10% mỗi năm, bắt đầu từ 2003 đã phải đối mặt với những vấn đề của một nền kinh tế quá nóng không kềm hãm được. Mức lạm phát chính thức vào tháng tư 2003 là 3,8% (thực tế gấp đôi), trong lúc giá cả thực phẩm tăng đến 10%, giá nguyên liệu đặc biệt là sắt thép tăng vọt. Chính quyền Bắc Kinh quyết định đóng băng giá cả và giới hạn tín dụng trong một vài khu vực đặc biệt gây tạo những căng thẳng như ngành luyện kim, xe hơi, sản xuất xi măng và bất động sản, sau đó lan tới cả những ngành kỹ nghệ kim loại (ngoài sắt), máy móc, vật liệu xây cất, công nghiệp hoá dầu, vải vóc, dược phẩm và in ấn. Nguyên do của ngột ngạt kinh tế còn có hậu quả từ những đầu tư to lớn của nguồn tư bản cố định - cầu, đường, xưởng máy... (26,1% tức 704 tỉ US$ năm 2005) Nguyên nhân phần lớn do thiếu hệ thống bảo đảm thất nghiệp, người Trung Hoa bắt buộc phải tiết kiệm, trung bình khoảng phân nửa số thu nhập của họ để phòng khi đau ốm, bất trắc. Số tiết kiệm này sẽ được đổi ra đồng đô la để tích trữ, nhưng phần quan trọng hơn được đem đầu tư trong các xí nghiệp, đường sá, bến cảng... Một hiện tượng thường thấy là nhiều xa lộ ở Trung Quốc không có nhiều xe cộ lưu thông hoặc trong vài lãnh vực sản xuất như thép chẳng hạn, số đầu tư qúa dồi dào đã dẫn đến sản lượng 190 triệu tấn, trong lúc nhu cầu thép chỉ có 115 triệu tấn mà thôi. Tình trạng càng khó khăn hơn bởi lẽ các chính quyền tỉnh do nhu cầu phát triển cục bộ và để sung dụng tối đa việc làm đã không chịu giảm đầu tư theo khuyến cáo của trung ương. Trong lúc đó lợi tức của nông dân ngày càng giảm sút so với đà phát triển công, kỹ nghệ. Nhà nước Trung Hoa thấy rõ nhu cầu tái định hướng, cân bằng sức phát triển bằng các biện pháp tài trợ cho nông dân, tăng cường vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho các hợp tác xã viên, trợ cấp giáo dục. Nhưng vấn đề thực tế là ngân sách thực hiện không có.

Về môi sinh, bầu khí quyển vùng Bắc Kinh và duyên hải miền Ðông đang bị những cột khói ozone đe dọa nặng nề là hậu quả trực tiếp của sức tăng trưởng không kềm hãm này. Các sông ngòi bị nhiễm độc do chất thải bừa bãi của các nhà máy đe dọa nghiêm trọng đời sống dân chúng hai bên lưu vực, nặng nề nhất là vụ sông Tùng Hoa hứng trọn chất độc benzen do nhà máy bị nỗ đổ tuôn xuống, chảy lan sang cả sông Áp Lục của Nga. Trong lãnh vực hầm mỏ, dù chính quyền đã đóng cửa  2652 mỏ than nhỏ thiếu an ninh và tổng số mỏ dự trù đóng cửa năm 2007 là 4861 thì vẫn còn khoảng 17000 mỏ đang hoạt động trong những điều kiện an ninh tồi tệ và vẫn còn gây ra 1824 tai nạn trong 8 tháng đầu năm 2006 (giảm 13,6% so với cùng thời kỳ 2005) đã làm 2900 thợ mỏ thiệt mạng (dù đã giảm 25,5% so với 8 tháng đầu năm 2005).

Những bất công xã hội đầy dẫy, và sự thiếu vắng một hệ thống an sinh y tế - sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, hưu bổng, cùng một hệ thống giáo dục yếu kém  với đầu tư của nhà nước không quá 2% PIB (Produit Intérieur Brut), bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi sinh trầm trọng đã và đang là những vấn nạn cấp thiết của chính quyền trung ương. Trong những điều kiện tệ hại như vậy, sức phát triển quá nóng như hiện nay thật sự là một mối đe dọa to lớn của nước Tàu trong dài hạn.

Dù Hội nghị Trung Quốc - Châu Phi trong những ngày từ 3 đến 5.11.06 đã thành công rực rỡ với sự có mặt của hầu hết các lãnh tụ nặng ký của lục địa đen và những kết ước quan trọng với tổng số trao đổi mậu dịch Trung Quốc-Phi Châu sẽ lên đến 50 tỉ US$ đưa vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc lên cao so với Tây Phương và Hoa Kỳ; cũng như vài cơ sở truyền thông quốc tế đã viện dẫn những cái nhất của kinh tế Trung Quốc, thí dụ trong lãnh vực sử dụng và sản xuất điện thoại cầm tay (334 triệu người xử dụng và khoảng 500 triệu điện thoại di động sản xuất năm 2005 trong đó có gần 100 triệu xuất cảng) cũng như thông qua những thành tựu kinh tế to lớn như mức xuất cảng tăng hàng 100 tỉ US$ mỗi năm (từ 436 tỉ năm 2003 lên 575 tỉ 2004 và 660 tỉ năm 2005), trữ kim luân chuyển tăng hàng 25 triệu US$ mỗi tháng, tiêu thụ của các hộ tư nhân tăng 12%, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc tăng từ 53 lên 60 tỉ US$ năm 2004 (tài liệu HEC Eurasia Institute - TOPIC tháng 01.2005)... thì bên cạnh đó trên 137 triệu người xử dụng internet (tính đến cuối năm 2006) hoàn toàn không có tự do, bị thẩm nhập và kiểm soát thường xuyên, bị chế tài với các biện pháp thô bạo nếu thông tin trệch hướng đã làm cho thế giới bên ngoài phẩn nộ và quan ngại. Quốc Hội Châu Âu đã ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc cải cách. Trong lãnh vực xa lộ thông tin, Ủy Ban Châu Âu cũng đã tố cáo Trung Quốc làm áp lực và móc ngoặc với các công ty Yahoo, Google, Microsoft truy cập và tố giác những nguồn thông tin dân chủ bất lợi cho chế độ toàn trị Bắc Kinh, cũng như việc công an Trung Quốc yêu cầu xí nghiệp “Cisco Systems” cung cấp những trang thiết bị dùng cho việc theo dõi người xử dụng và phát hiện những người có tư tưởng chống đối chế độ trên mạng internet...

Dẫu sao, về phương diện chính trị, đến thế kỷ 21 Trung Quốc cũng sẽ trở thành siêu cường; nhưng là một siêu cường mang tính chất "đế quốc độc tài dân tộc chủ nghĩa cực hữu" (sách đã dẫn ở 3) mà tương quan căng thẳng với Nhật Bản trong những năm gần đây, hoặc những biện pháp trừng phạt đối với đàn em nguy hiểm Bắc Triều Tiên đang lăm le sản xuất vũ khí nguyên tử đã tỏ rõ. Lạc quan hơn Domenach và Godemet nhận định truyền thống Trung Hoa không đến nỗi bất động, chai cứng; mà là một truyền thống hàm chứa tính sáng tạo, tiến hoá sống động. Cho nên nước Trung Hoa sẽ thay đổi khi thoát ra khỏi thời kỳ "hậu Mao" và sẽ không tránh được những ảnh hưởng ngoại lai mà quan trọng nhất vẫn là tư tưởng dân chủ của Tây Phương (5).

 

Xem tiếp : B. Khẳng lập một nền văn hoá chính trị Việt Nam

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.