.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ,

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

 

Phần I : QUAN ÐIỂM

Chương 3 :  Về một chế độ Dân chủ Xã hội

 

A.           Nền dân chủ xã hội

1.            Lịch sử các khuynh hướng xã hội

* Khuynh hướng xã hội không tưởng

* Các khuynh hướng Xã hội cách tân và Dân chủ-Xã hội

2.            Chủ thuyết Dân chủ - Xã hội

 

B.           Các chế độ Dân chủ - Xã hội ở châu Âu

1.            Tuyên ngôn quốc tế xã hội Franfort năm 1951

2.            Những mô hình tiêu biểu

3.            Nền kinh tế toàn cầu đối kháng với những nhu cầu xã hội quốc gia

 

C.          Vai trò các Công đoàn trong cơ chế Dân chủ Xã hội

1.            Mô hình công đoàn đặc biệt Anh

2.            Công đoàn cách tân Ðức : đồng quản trị

3.              Công đoàn Pháp: một chủ nghĩa nghiệp đoàn nhắm mục tiêu chính trị

4.            Công đoàn Ðan Mạch trong hệ thống tương thuận xã hội

 

D.          Khuynh hướng Dân chủ - Xã hội của ngày mai

1.            Những hệ thống Kinh tế-Xã hội, Y tế, Giáo dục

2.            Một mô hình mẩu Bắc Âu - Scandanive?

* Lãnh vực công hữu hiệu

* Ðồng thuận về cải cách hưu bổng

* Chính sách an sinh mềm dẻo

* Hệ thống bảo hiểm sức khoẻ - y tế thực tiển và hữu hiệu

* Chủ nghĩa Xã hội nào cho Việt Nam ?

 

 

Dân chủ là định chế chính trị tiến bộ nhất mà con người đã tìm được trong suy tư lâu dài của những triết gia và các nhà họạt động xã hội vẫn ưu tư cho hạnh phúc và ổn định của con người sống quây quần và chung cùng trong những cộng đồng.

 

Tự bản chất, chế độ chính trị này hoàn toàn khác biệt với những vương quyền phong kiến, đế chế hay những chế độ quân phiệt, toàn trị cũ và mới ; trong đó vua chúa, hoàng đế,  thống soái tướng lãnh, chủ tịch; thảng hoặc dưới một danh xưng gì đi nữa, nhưng bản chất  của uy quyền vẫn là sự tập trung không ủy nhiệm trong tay một người, một gia đình, một giòng họ, một nhóm người, một tập thể hay một đảng phái chuyên quyền xử dụng bạo lực trấn áp mà duy trì quyền hành, tận diệt những người không cùng chính kiến hay thuộc một giai cấp xã hội khác, họặc nhân danh những quyền lợi tập thể để tập trung quyền sinh sát trong tay một nhúm người ở chóp bu quyền lực như các đảng Cộng Sản của thế kỷ 20.

 

Chủ nghĩa Cộng Sản thóat thai trong bối cảnh xã hội của nhân lọai đã tiến một bước dài đến những tương quan sản xuất tân tiến tạo ra sự phồn thịnh vật chất vượt bực, nhưng đồng thời cũng gây ra những bùng nổ xã hội liên quan đến vấn đề công bằng xã hội trong lao động, trong việc tái phân lợi tức và của cải xã hội làm ra, trong mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người công dân thuộc những đẳng cấp xã hội khác biệt. Nhưng cũng chính một chủ nghĩa nhân danh con người để chiếm chính quyền đã xử dụng quyền hành vô tận để phủ bóng tối lên thân phận một nửa nhân lọai.

 

A. CÁC KHUYNH HƯỚNG XÃ HỘI TRONG CHẾ ÐỘ DÂN CHỦ:

A1. Lịch sử các tư tưởng :

Ý niệm xã hội (socialisme) nói chung là một tổng thể những giòng tư tưởng bắt đầu nảy sinh từ thế kỷ 19 nhằm chống lại  «cá nhân chủ nghĩa -individualisme-», bảo vệ những giá trị bình đẳng là công bình và liên đới xã hội. Khuynh hướng xã hội bao gồm một dự phóng tổng thể những ý niệm kinh tế (tập thể hóa, tự quản và một nền kinh tế hổn hợp), xã hội (công bình) và chính trị (xây dựng trên căn bản dân chủ, được xem như cội nguồn của an sinh và hạnh phúc tòan xã hội). Trên bình diện lịch sử, có thể tổng tắt những giòng chính của tư tưởng xã hội qua hai giai đọan :

 

A1a. Khuynh hướng xã hội không tưởng :  những nhà tư tưởng chủ yếu như Proudhon, Saint Simon, Fourrier… đã suy tư về những bất bình đẳng nhan nhản trong các xã hội và trăn trở về những giải pháp cho một xã hội lý tưởng trong đó tương quan giữa người và người tốt đẹp hơn, đã làm nảy sinh ra ý niệm tiên khởi về một chủ nghĩa xã hội (socialisme).

Saint Simon chủ trương những biến cải xã hội là cấp thiết để xây dựng thành một xã hội lý tưởng kiểu những phalandres (mang đầy tính chất ảo tưởng theo quan điểm những nhà phê phán) dựa trên sự phồn thịnh và công bằng xã hội. Suy tư này tiếp tục được triển khai trong các đệ tử của ông, phân thành hai khuynh hướng: Enfantin chủ trương một «chủ nghĩa xã hội khai phóng»  và Armand Bazard về phía khác đã suy tư trên một «chủ nghĩa xã hội khoa học», được xem như là một trong những người tiên phong gợi ý cho chủ nghĩa Mác.

 

Tiếp đó, những phong trào khác nhau, nhưng hết thảy đều mang tính xã hội  trong khung cảnh cuộc cách mạng kỷ nghệ thế kỷ 19 đã cùng tìm thấy một địa bàn tranh đấu có liên hệ mật thiết với ý niệm về một xã hội tân tiến của giai cấp đối kháng với trật tự xã hội của những người cho lệnh (nhà nước)  Phong trào xã hội lại chia làm hai: một cho rằng Nhà Nước tự bản chất của nó là kẻ thù tệ hại cần phải hủy diệt. Khuynh hướng thứ hai thì cho rằng  Nhà Nước tuy nguy hiểm nhưng cần thiết; miễn sao phải kiểm soát được nó.

 

Về vai trò của Nhà nước xã hội,  ta có thể nhận dạng được ba chủ trương chính yếu:

·        Những người Cộng sản Mác xít, kể từ đầu thế kỷ 20 chủ trương phải làm tan biến Nhà Nước trong dài hạn và tôn vinh một giai cấp vô sản có tổ chức, chấp nhận bạo lực nếu cần để thiết lập cho được một nền chuyên chính vô sản (khuynh hướng đệ tam quốc tế).

·        Khuynh hướng xã hội cách tân (đối kháng với cách mạng nhưng vẫn nằm trong khung khổ Mác xít) chủ trương sự chuyển đổi xã hội dựa trên Nhà Nước, không chấp nhận bạo lực.  Giòng tư tưởng hòa bình này đã sản sinh ra những đảng xã hội tiến đến chính quyền thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Nền Dân Chủ Xã Hội tồn tại cho đến nay đã hơn trăm năm, dưới nhiều danh xưng khác nhau tùy theo truyền thống quốc gia như «Ðảng Xã Hội», «Ðảng Lao Ðộng» hoặc «Ðảng Dân Chủ Xã Hội» (sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, biến thành Quốc Tế Xã Hội và là lực lượng cánh tả chủ yếu ở Quốc Hội Châu Âu hiện nay).

·        Khuynh hướng cực đoan muốn xóa bỏ tức khắc vai trò Nhà Nước do nhóm thiểu số tự do của phe cộng sản muốn bảo vệ tính chất liên hiệp của những người lao động thông qua chủ nghĩa nghiệp đoàn. Tuy nhiên chủ trương này chưa bao giờ trở thành hiện thực và ngày nay sinh họat trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia, dưới sự tài trợ của những nhà nước tư sản mà họ chủ trương phải xóa bỏ cấp kỳ!

 

A1b. Các khuynh hướng «xã hội cách tân» và «dân chủ xã hội» : Những giòng tư tưởng tiến bộ này  đã chuyển biến và hình thành được những xã hội công bằng và tốt đẹp ở các nước Bắc Âu, Đức, và trong một chừng mực nào đó ở Anh và Pháp. Ngày nay dù đang phải đối đầu với những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu hóa kinh tế, mô hình này đã và đang biến thể trong hướng dung hợp với «tư bản»  để tìm một lối thóat cho những bế tắc xã hội trầm kha của những quốc gia dân chủ và phát triển hàng đầu; đồng thời cũng xuất hiện như một mô hình lý tưởng cho những quốc gia đang phát triển, kể cả những con rồng con cọp Đông Á, và con voi dân chủ Ấn Độ đang chuyển mình tiến lên hàng cường quốc.

 

Tưởng cũng nên xác định ngay ở đây là sự tan vỡ «thành trì xã hội chủ nghĩa» của Liên Bang Sô Viết và sự tiếp chuyển vô cùng khó khăn qua các cơ chế dân chủ của các thành viên cũ của hệ thống này vẫn còn mang máng những dấu ấn tòan trị; cũng như các quốc gia đồng minh khác của hệ thống Sô Viết vẫn tiếp tục đi theo đường lối chuyên chính như Cộng Hòa Cuba, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tất cả các quốc gia này đều khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa; nhưng rõ ràng chiếc áo không làm nên ông thầy tu. Những chế độ độc đảng này còn tệ hại hơn bất kỳ những hình thức độc tài nào khác ở chổ chúng dựa trên một «Ðảng Cách Mạng»  nhân danh giai cấp vô sản đấu tranh đòi công bằng, hạnh phúc xã hội để thống lãnh toàn bộ các định chế nhà nước, chỉ với một mục đích phục vụ quyền lợi của một nhóm người lãnh đạo, tập trung toàn bộ tài nguyên quốc gia trong tay một giai cấp «tư bản xã hội chủ nghĩa» của một cơ chế «thị trường rừng rú». Quần chúng mà họ nhân danh bị bóc lột và phản bội trắng trợn về phương diện công bằng xã hội và công bằng tái phân lợi tức. Những chế độ chính trị Mác xít - Lênin nít rơi rớt giữa khung cảnh toàn cầu hóa hiện nay rõ ràng ngụy danh «xã hội» vì tòan bộ cấu trúc chính trị và xã hội của họ không đáp ứng được những chuẩn mực của một chủ nghĩa xã hội đích thực.

 

Tư tưởng «dân chủ - xã hội»  nảy sinh từ khuynh hướng chủ nghĩa xã hội cách tân (socialisme reforrmiste) đối kháng với những nhà cách mạng (marxiste) chủ trương một giai cấp vô sản tiến chiếm quyền hành bằng bạo lực. Nhóm «dân chủ xã hội» cũng không đồng ý với những người cách tân ở quan điểm phải kinh qua tư bản chủ nghĩa để hòan thành một xã hội xã hội chủ nghĩa và tập thể hóa những phương tiện sản xuất. Chủ nghĩa «dân chủ - xã hội» được nhận dạng trong chế độ dân chủ đại nghị (parlementarisme) thông qua những cuộc bầu cử, dựa trên những nhóm dân biểu có tổ chức  thường đặt trọng tâm sức mạnh ở liên minh trung tả (bao gồm những người dân chủ, tự do và cả xã hội cực tả).

 

Khuynh hướng «dân chủ xã hội » đã ra đời với cuộc thế chiến thứ nhất, tách rời hẳn nhóm Cộng Sản  Ða Số (Bolchevik) trong Ðệ Tam Quốc Tế của Lênin.

 

Quốc Tế Xã Hội hình thành năm 1951 với đại hội Franfort chủ trương một «chủ nghĩa xã hội dân chủ » (socialisme démocratique) đã chiếm ưu thế trong các đảng «Lao Ðộng» Anglo-Saxon, hoặc từ những nhóm thợ thuyền lập đảng và bầu đại biểu vào quốc hội như truyền thống Bắc Âu hoặc Đức. Từ đó danh xưng «dân chủ - xã hội» đã nghiểm nhiên trở thành tên gọi cho khuynh hướng xã hội chủ nghĩa chiếm đa số.

 

Chủ trương xã hội chủ nghĩa dân chủ nhằm thành lập một xã hội dựa trên những lý tưởng dân chủ và sự bình đẳng của mọi công dân.

 

Tự do và bình đẳng liên kết với những quyền cá nhân và những giải pháp tập thể cho sự thực hiện những mục tiêu thích ứng với quyền lợi chung. Lợi ích công cọng làm nảy sinh tính liên đới xã hội và những hành động chung trong sự tôn trọng những nổi ưu tư của những người khác trong cộng đồng. Mỗi công dân, dù là lao động, chức việc hay người tiêu thụ thảy đều có quyền ảnh hưởng lên sự sản xuất và chia thành phẩm, bao gồm lãnh vực tổ chức và ấn định những điều kiện làm việc tốt nhất. Những giá trị dân chủ này bao trùm mọi cấp độ xã hội, không đặt vấn đề cai trị hay thống thuộc, không phân biệt giai cấp, không thành kiến hay kỳ thị  (http://fr.wikipedia.org/wiki/Socialisme)

 

A2. Chủ thuyết Dân Chủ - Xã Hội :

Không tách rời với khái niệm văn hóa chính trị là tính ôn hòa, sự am hiểu chính tình, cùng các cơ cấu tổ chức hữu hiệu để giành thắng lợi trong các cuộc thương lượng, chủ thuyết “dân chủ-xã hội” còn nhắm đến một sự chuyển đổi hướng về những mặt tích cực và mang nhiều tính chất xã hội :

 

- Cần thay đổi tận gốc rễ về các mặt nghèo đói, thất nghiệp, thiếu nhà ở, đói kém, giặc giả... là những vấn nạn kinh niên và trầm kha của nhân lọai suốt trong thế kỷ 20; cọng thêm những tai ương mới như thủy triều đen (dầu loang), sa mạc hóa môi sinh, ô nhiểm, bầu khí quyển bị hâm nóng, bò dại, cúm gà... Vấn đề nằm ở căn nguyên một nhúm thiểu số ở thượng tầng xã hội tập trung trong tay họ hầu hết nguồn tài nguyên sản xuất, để tất cả sẽ chỉ mang lại lợi nhuận cho riêng họ. Phải làm sao xã hội hóa những của cải phương tiện này, trong mục đích phục vụ tòan nhân lọai. Đối với những người  xã hội giấc mơ này không phải là bất khả thi.

 

- Sự chuyển đổi này được thực hiện trong hòa bình. Lịch sử đã chứng kiến bao cảnh đau thương tàn khốc khi con người muốn làm “cách mạng”. Thông thường, để lật đổ những chế độ phong kiến tàn bạo, không có bạo lực không xong. Cuộc cách mạng Nga cũng đi theo xu thế đó. Những tàn sát, thanh trừng, đốt phá đã tạo ra những đổ vỡ xã hội khủng khiếp.

 

Đối với những người  dân chủ xã hội, việc xử dụng bạo lực không những không hữu hiệu, mà còn vô ích. Nhìn trong dài hạn, vấn đề không phải là thiểu số (tư bản) nắm quyền, mà ở đại đa số quần chúng đã dung thứ và quen chấp nhận sự lệ thuộc và bị trị. Nếu họ được hiểu chủ nghĩa xã hội, bạo lực sẽ không còn cần thiết nữa. Vì với ý thức xã hội, họ sẽ rút lại sự ủy nhiệm thụ động, sai lạc. Nhà nước bóc lột sẽ không thể tồn tại được nữa ngọai trừ phương cách xử dụng vũ lực để duy trì quyền hành. Hạ sách này cũng đồng nghĩa với tự sát chính trị.

 

Tiến trình cách mạng của những người dân chủ xã hội không phải là những trận chiến trên đường phố, những rào cản, biển máu và xử tử hàng lọat. Mà là một sự thay đổi mau chóng và tận gốc rễ những căn bản kinh tế (hủy bỏ quyền tư hữu những phương tiện sản xuất) và xã hội (hủy bỏ những phân biệt xã hội thành nhiều giai cấp đối kháng); từ đó thực hiện công hữu và dân chủ xã hội.

     

Tóm lại họ sẽ tiến đến chính quyền thông qua những nguyên tắc dân chủ,  vì rằng ý niệm xã hội bao gồm một xã hội tồn tại trong cung cách dân chủ.

 

- Một sự chuyển đổi có tổ chức : Để hưởng dụng các định chế dân chủ, trước tiên những người lao động, chức việc phải kết hợp lại trong một Ðảng Xã Hội với mục tiêu chủ yếu là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các cơ cấu tổ chức phải được thực hiện ở mọi cấp độ, nhằm bảo đảm tính liên tục của sản xuất và các khung khổ hành chánh của xã hội tương lai.

 

- Một sự chuyển đổi có ý thức : Những người xã hội trước tiên phải có ý thức đầy đủ về xã hội họ đang sống. Họ phải biết nhìn xã hội trong thực chất của nó, chứ không phải bị áp đặt cách nhìn. Vì vậy, một con người xã hội cũng đồng nghĩa với sự hiểu biết về bản chất thật sự của sự tước đọat  những phương tiện hiện hữu trong xã hội để tập trung trong tay một nhóm thiểu số, rằng họ có khả năng chuyển đổi tình thế, rằng họ có khả năng cải cách, nhân đạo hóa xã hội nhắm đến những quyền lợi chung trong ý thức liên kết có tổ chức.   

    

Khi đọan tuyệt với Chủ Nghĩa Cộng Sản và khuynh hướng Cách Mạng bạo lực vào những năm 1900, nền “dân chủ xã hội” tôn vinh nguyên tắc chính trị đa nguyên, tranh đấu cho quyền phổ thông đầu phiếu và nền dân chủ chính trị. Tuy nhiên các đảng dân chủ xã hội còn nhiều ràng buộc với các nghiệp đòan đã  mang dần sắc thái của những hiệp hội tự do mà trung tâm điểm vẫn là những ưu tư về những vấn đề xã hội. Dù chủ trương một nền dân chủ đa nguyên, những yêu sách xã hội luôn được xem là ưu tiên hàng đầu đã dẩn họ đến chổ đối kháng với nền kinh tế thị trường; và vẫn dành cho nhà nước vai trò quan trọng. Nhưng dần dà với thực tế và kinh nghiệm chính trường đòi hỏi những cải cách đường hướng, nguyên tắc kinh tế tự do dần dà dành được vị thế áp đảo. Những năm 1939 với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn chồng chất không giải quyết được đã hủy họai tan tành những đảng xã hội Áo và Đức. Tuy vậy hòan cảnh bế tắc cũng đã làm nảy sinh những lối thóat hữu hiệu cho các Ðảng Dân Chủ Xã Hội Thụy Điển và Na Uy; từ đó làm đà khởi phát cho nền dân chủ xã hội Châu Âu sau thế chiến thứ hai.

   

Căn bản của lý thuyết dân chủ xã hội tiên tiến cũng thay đổi. Vấn đề quốc hữu hóa những phương tiện sản xuất và trao đổi mậu dịch không còn cần thiết nữa. Lý thuyết của Keynes phối hợp sáng kiến tư nhân và sự can thiệp của nhà nước trong khuôn khổ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa  đã là kim chỉ nam cho khuynh hướng dân chủ xã hội trong suốt thế kỷ thứ 20. Nhà nước phải theo đuổi những chính sách kinh tế hữu hiệu, nhưng đồng thời phải bảo đảm bình đẳng kinh tế và xã hội. Các chính phủ có thể thi hành những chính sách “chống khủng hoảng định kỳ” thường thấy trong cơ chế tư bản để kềm chế những thả nổi của thị trường, định hướng đầu tư, phát triển bảo hiểm xã hội, nâng cao trình độ giáo dục... Keynes đã giúp hình thành một chủ nghĩa kinh tế cho nền dân chủ xã hội. Khu vực công phát triển tùy theo tình hình từng quốc gia. Vai trò của nhà nước cũng khác nhau, rất mạnh ở Áo và Pháp, đóng vai trò quan trọng ở Anh, lại rất yếu ở Thụy Điển và Đức. Nhưng khắp nơi những xí nghiệp công đã họat động chặt chẽ với thị trường.

    

Mặt khác, chủ nghĩa dân chủ xã hội đặt trọng tâm trên căn bản đa nguyên chính trị và đa nguyên xã hội. Nó quan niệm rằng dù luôn có tranh chấp giữa phe chủ nhân và các nghiệp đòan, nhưng phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề nằm ở mức độ hiểu biết của đôi bên, thông qua những cuộc thương lượng.

 

B. CÁC CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ-XÃ HỘI Ở CHÂU ÂU :

B1. Tuyên ngôn QuốcTế Xã Hội Franfort năm 1951 :

Thời điểm này đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc hình thành một hệ thống xã hội tòan cầu hóa, và khẳng định một hướng đi khác nhằm phát triển các quốc gia và nâng cao đời sống dân chúng trong thịnh vựợng và hòa bình. Ngòai việc khẳng định lại những giá trị dân chủ và xã hội đối kháng với mọi hình thức áp bức và bóc lột của người đối với người, của một nhúm tư bản làm giàu và hưởng lợi trên sự khốn khó của tầng lớp lao động thấp cổ bé miệng, cũng như những hình thức trấn lột của cường hào, thực dân trong những xã hội còn chậm tiến; Quốc Tế Xã Hội triển dương một hệ thống giá trị mới và sáng tạo nhằm tạo lập một trật tự xã hội mới, bảo đảm sự tự do trên cấp độ quốc gia và một mức sống ngày càng cao hơn.

 

Quốc Tế Xã Hội Franfort (QTXH) khẳng định một đường hướng phát triển mới và đối kháng với kiểu mẩu sắt máu của Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản:

 

- QTXH nhận định rằng ”trong lúc chủ nghĩa xã hội tiến triển tốt đẹp trên tòan cầu, những thế lực mới đang lên đã và đang đe dọa sự thăng tiến đến công bình xã hội và tự do. Kể từ cách mạng bôn sê vích ở nước Nga nổ ra, chủ nghĩa cộng sản đã làm khựng lại cả hàng chục năm việc thực hiện chủ nghĩa xã hội trên nhiều quốc gia.

 

- “Chủ Nghĩa Cộng Sản” đã hòan tòan sai lạc khi mạo danh những truyền thống xã hội; trong thực tế họ đã bóp méo chủ nghĩa xã hội thành một hình thái dị dạng. Chủ Nghĩa Cộng Sản xây dựng trên một giáo điều cứng ngắt, không tương hợp với tính phê phán của chủ nghĩa Mác.

   

- Trong lúc mà những người xã hội muốn bảo đảm tự do và công lý thông qua sự phế bỏ những giai cấp trong xã hội cùng chế độ tư bản, thì chủ nghĩa cộng sản lại làm nghiêm trọng hơn vấn đề những thống khổ của giai cấp, với mục đích duy nhất nhằm tăng cường tính độc tài của một đảng duy nhất.

   

- Phong Trào Quốc Tế Cộng Sản là công cụ của một chủ nghĩa đế quốc mới. Khắp mọi nơi mà chúng chiếm được quyền hành, chủ nghĩa này đã hủy diệt tự do và mọi cơ may để đạt đến các giá trị xã hội. Chủ Nghĩa Cộng Sản dựa trên một guồng máy quân sự và cảnh sát mang tính khủng bố. Trong lúc tạo dựng những hố cách ngăn giàu nghèo và những ưu đãi, vô hình chung chủ nghĩa cộng sản đã làm nảy sinh một xã hội khác với nhiều giai cấp khác biệt  nhau. Tính “lao động cưỡng bách” là một nhân tố quan trọng của nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa.”

·        Về quan điểm “dân chủ chính trị”, những người dân chủ xã hội tranh đấu để xây dựng một xã hội mới trong tự do; vì tự do và dân chủ là một tương quan hỗ tương thiết yếu làm nảy sinh chủ nghĩa xã hội.  Nền dân chủ là một tất yếu của một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Nền dân chủ ấy phải bảo đảm những giá trị nhân quyền, đa nguyên và quyền đối lập chính trị. Những người dân chủ xã hội cũng tuyên bố đòan kết với mọi dân tộc đang chịu ách độc tài áp bức, dù là của các chế độ phát xít hay cộng sản.

·        Về quan điểm “dân chủ kinh tế”, Quốc Tế Franfort khẳng định một nền kinh tế xã hội trong đó những quyền lợi tập thể phải được đặt nặng hơn việc theo đuổi lợi nhuận tư riêng. Họ chủ trương một nền kinh tế kế họach hóa trong đó khu vực kinh tế công đóng vai trò chủ chốt thông qua việc quốc hữu hóa các tập đòan kinh tế tư nhân. Vai trò của các nghiệp đòan hay tổ chức sản xuất không được biến tướng thành những công cụ hành chánh tập quyền hay dưới hình thức một hệ thống ngành nghề có tính cục bộ. Ngược lại những quyền lực kinh tế phải được tản quyền rộng rãi ứng hợp với những mục tiêu kế họach hóa.

·        Về nền “dân chủ  xã hội và tiến bộ văn hóa”, trong việc thỏa mản những nhu cầu của con người, chủ nghĩa xã hội bảo vệ những quyền kinh tế và xã hội của các công dân, và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt về pháp lý, xã hội, kinh tế và chính trị; nhằm giải phóng con người khỏi mọi nỗi sợ hãi, âu lo, và thăng tiến lên một trình độ văn hóa cao.

·        Về nền “dân chủ thế giới”, Quốc Tế Xã Hội chủ trương giải phóng nhân loại khỏi mọi hình thái tôi mọi về kinh tế, tinh thần và chính trị. Một trật tự thế giới mới do người dân chủ xã hội chủ trương nhằm phát triển tòan diện trong hòa bình những sự hợp tác hòan tòan tự nguyện giữa các dân tộc.

 

Lý tưởng dân chủ xã hội vì vậy mang đặc trưng của một dạng văn hóa chính trị, chứ không phải chính trị thuần túy, đặt căn bản trên đa nguyên xã hội và tôn vinh sự điều tiết chính trị, chứ không phải chú tâm vào những cuộc đối đầu như thường thấy ở các đảng xã hội Nam Âu và Pháp. Trong các định chế chính trị Bắc Âu, khuynh hướng dân chủ xã hội rất khác biệt với khuynh hướng Mác xít. Ba thập niên 1950-1970 đánh dấu thời kỳ vàng son của những xã hội bình ổn, công bằng và thịnh vượng của các nước này. Trong những năm 1997-1998, Liên Hiệp Châu Âu bao gồm 11 trên 15 chính quyền dân chủ xã hội đã hình thành một “Châu Âu Hồng”. Bắt đầu từ 2002, nền dân chủ xã hội Châu Âu thóai trào, rơi vào thế phòng ngự. (www.democratie-socialiste.net)

 

B2. Những mô hình tiêu biểu :

Sau đệ nhị thế chiến, xã hội châu Âu đã tìm được một mô hình tương đối quân bình, và nói chung cân bằng được những đòi hỏi cá nhân và trách nhiệm tập thể. Đặc tính rõ nét là mô hình Dân Chủ - Xã Hội Châu Âu nghiêng nặng về mặt bảo đảm phúc lợi xã hội, so với các phần đất khác của thế giới.

 

Bốn dạng mô hình châu Âu có thể được phân biệt khá rõ rệt như sau:

 

B2a. Mô hình Bắc Âu : Bao gồm các nước Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và  Hòa Lan có khuynh hướng chi tiêu tối đa cho việc bảo đảm phúc lợi xã hội của dân chúng và bảo hiểm xã hội cho toàn thể. Thị trường lao động tuy không được điều tiết, nhưng các chính phủ liên hệ theo đuổi những chính sách giải quyết công ăn việc làm rất tích cực. Bên cạnh đó những công đòan rất mạnh đă giúp thực hiện được mục tiêu công bằng trong lao động. Nhờ đó đă huy động được nhiều công ăn việc làm và xóa bỏ được nghèo đói.

 

B2b. Mô hình “Anglo-saxon” của hai  nước Anh và Ái Nhỉ Lan lại hướng đến việc giúp đỡ tận tình cho những giới xã hội thấp kém thiệt thòi nhất. Tuy nhiên đa số các dịch vụ nhắm chủ yếu đến những người trong độ tuổi lao động. Hệ thống công đòan yếu và thị trường lao động ít được điều chỉnh hữu hiệu.

 

B2c. Mô hình “Rhénan” bao gồm Áo, Bỉ, Pháp, Đức và Lục Xâm Bảo chú tâm đến bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp hưu bổng. Hệ thống này mang đặc tính bảo vệ công ăn việc làm cho giới lao động cao hơn các nước Bắc Âu. Các công đòan rất có thế lực, và đựợc những định chế pháp lý hổ trợ, thường thắng lợi trong những cuộc đình công và thương lượng nhân các tương tranh lao động và xã hội.

 

B2d. Mô hình “Địa Trung Hải-Nam Âu” bao gồm các nước Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đa số các chi tiêu công ích đều nhắm đến  bảo đảm trợ cấp hưu bổng cho người gìa. Những luật lệ nghiêm ngặt bảo đảm công ăn việc làm có hậu quả tương phản là giảm thiểu những việc làm mới. Các nhà nước có khuynh hướng tài trợ rộng rãi cho những người về hưu non, chỉ với mục đích giảm thiểu con số thất nghiệp.

 

Các chính sách nhân dụng ở Châu Âu nhắm đạt cho kỳ được hai mục tiêu chủ yếu:

 

- Tạo công ăn việc làm đầy đủ : Hai mô hình Bắc Âu và Anglo-Saxon đạt được những kết quả rất tốt, trong lúc ở hai mô hình kia (Rhénan và Nam Âu) tương đối chậm tiến hơn.

 

- Nâng cao mức sống của người lao động: Hai mô hình “Rhénan” và Bắc Âu lại tỏ ra hữu hiệu hơn hai mô hình kia.

    

Một kết luận tạm thời là mô hình Bắc Âu tỏ ra là mô hình tương đối lý tưởng cho nền dân chủ xã hội của ngày mai; ngược lại với mô hình Nam Âu kém hữu hiệu về cả hai mặt bảo đảm công ăn việc làm và mức sống tối thiểu của công nhân.

    

Kinh tế gia người Bỉ André Sapir là tác giả bản phân tích so sánh tổng tắt này cũng ghi nhận là nơi mô hình Anglo-Saxon, mục tiêu giảm nghèo đã không đạt được không phả vì hệ thống tái phân lợi tức không có, mà hậu quả là ở nền giáo dục thiếu hữu hiệu (http://forum.lixium.fr/cgi-bin/v.eur?7889869).

    

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở những phần sau khi phân tích so sánh các hệ thống xã hội-kinh tế; và các mặt tích cực, hữu hiệu nơi các hệ thống Bắc Âu về y tế, giáo dục, thất nghiệp và bảo hiểm xã hội, lao động và công ăn việc làm...

 

B3. Nền kinh tế toàn cầu đối kháng với những nhu cầu xã hội quốc gia?

Suốt trong 3 thập niên sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc, khuynh hướng dân chủ xã hội Châu Âu (chính xác hơn là Bắc Âu) đã thành công rực rỡ, với những thắng lợi liên tiếp qua các cuộc bầu cử và nắm chính quyền liên tục. Tính ưu thắng của dạng hình chính trị này so với khuynh hướng bảo thủ và khối dân chủ Thiên Chúa giáo đã dần biến thái các yếu tố tổ chức và cương lĩnh, đưa đến một tổ chức chính trị có tính  đại chúng, họat động chặc liên hệ với các công đòan thu hút phiếu bầu của  đại đa số thợ thuyền; đồng thời với sự lớn mạnh của đông đảo cử tri trung lưu, đã nâng khuynh hướng “dân chủ xã hội” lên hàng tổ chức chính trị có vị thế và vai trò áp đảo trong lòng khối tả, đạt đến qui chế “đảng đương quyền". Nó cũng hội nhập được dễ dàng vào các nguyên tắc và triết thuyết  “tư bản tự do” là nền dân chủ đại nghị, đa nguyên chính trị, chấp nhận nguyên tắc kinh tế thị trường được điều hướng bởi các định chế nhà nước. Nét  đặc sắc của thời kỳ phồn thịnh này là sự  hình thành một Nhà Nước Bảo Trợ Phúc Lợi (Welfare State- l’Etat Providence) chịu trách nhiệm và bao cấp mọi sinh họat xã hội căn bản về sức khỏe quần chúng, giáo dục, chuyên chở, năng lượng, viển thông... cùng lúc theo đuổi những mục tiêu công bằng xã hội thông qua một chính sách ôn hòa nhưng đầy cải cách, dựa trên sự tương thuận hiểu biết của ba thành phần chủ nhân, công đòan và nhà nước. Có thể nói trong lịch sử nhân lọai chưa hề có một mô hình nào tương đối vẹn toàn như vậy (trong suốt ba chục năm vinh quang của nền dân chủ xã hội, hệ thống xã hội của các nước Nam Âu là Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý khác biệt với mô hình dân chủ xã hội thuần túy này)

    

Kể từ những năm bảy mươi, bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973, tiếp đó là khủng hoảng kinh tế, mô hình dân chủ xã hội đã ghi nhận từ chính trong lòng nó những thoái trào:

 

- Sự xói mòn của lá phiếu công nhân song hành với sự thoái bộ của quần chúng công nhân, và phía khác là sự thiếu vắng tiếng nói của những đảng dân chủ xã hội trong giới công nhân,  đã đánh mất một phần quan trọng các phiếu bầu của giới thợ thuyền. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng xã hội đã dần khẳng định vai trò ưu thế của giới trung lưu nằm trong khối viên chức của khu vực công và các ngành nghề trí thức, đặc biệt là giới giáo chức. Giới này với trình độ hiểu biết và văn hóa cao đã rất nhạy bén với những ý tưởng và giá trị của nền tự do khai phóng văn hóa hay hậu duy vật (môi sinh, an toàn thực phẩm, tự do luyến ái, bình đẳng nam nữ). Giới thợ thuyền thường áp lực trên vấn đề công bằng xã hội và bình đẳng kinh tế mất dần ưu thế trong những tương quan xã hội mới đã đổi thay nhiều. Sự đối kháng giữa hai khối cử tri bắt đầu xuất hiện. Các ưu tiên về kinh tế, xã hội, lý tưởng và văn hóa của truyền thống dân chủ xã hội cũng đã nhường bước trước các lãnh vực thuần chính trị. Khối thợ thuyền yếu đi, mong manh, và lệ thuộc nhiều hơn vào các thành quả của chính sách đảng đem ra thi hành; từ đó  những cảm tính tương thuộc vào truyền thống cũng giảm đi nhiều so với trước kia. Những lao động thợ thuyền mất thế đứng ưu thế, dần dà bỏ khuynh hướng dân chủ xã hội và ngã sang cực tả, các đảng tân cộng sản, đảng xanh hoặc các khuynh hướng bình dân.. Rõ nét nhất là sự thất bại của đảng SPD với thủ tướng Schroder trước liên minh CDU-CSD (Dân Chủ Thiên Chúa giáo) và FD (Tự Do) của bà Merkel trong cuộc bầu cử dân biểu trước kỳ hạn ngày 18.09.2005. Chính sách “tân tự do” của Thủ Tướng Schroder nhằm cứu vãn nền kinh tế suy thóai của Đức, bao gồm những biện pháp táo bạo cắt giảm trợ cấp thất nghiệp và xã hội đã làm một số lớn giới công nhân ngã sang “Linkspartei” của Oskar Fontaine liên kết với đảng “Tân Cộng Sản SPS” (le modèle social-démocrate en question- ww.democrate-socialisme.org)

 

- Nguyên nhân kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự thóai trào của khuynh hướng dân chủ xã hội. Những khó khăn bắt đầu xuất hiện trong các chính sách hiện hành: gánh nặng công qũi đè nặng trên những chương trình xã hội, thất nghiệp tăng cao trong những thập niên 80-90, bên cạnh đó những chính sách thuế khóa cũng không còn hữu hiệu nữa, các chính sách thẩm định lợi nhuận gặp khó khăn...

    

Tuy nhiên những khó khăn chủ yếu đến từ bên ngòai với “toàn cầu hóa”. Tính tự trị hóa của các thị trường tài chánh, sự hội nhập vào khối truyền thông, những cạnh tranh kinh tế thế giới gia tăng... tất cả đã làm đảo lộn những dữ kiện “đồng thuận quốc gia” của thời kỳ ổn định cũ.

    

Những vũ khí sắc bén của chủ thuyết Keynes  về chính sách tiền tệ với chủ bài phá giá và chính sách ngân sách khi có những thâm thủng trầm trọng không còn mấy hiệu qủa nữa. Hầu hết các đảng dân chủ xã hội châu Âu đã xét lại các chương trình của mình, thu gọn chúng lại trong khung khổ kinh tế quốc gia và cuối cùng phải chọn mô thức châu Âu thống nhất để tăng trọng trong cán cân tòan cầu hóa.

    

Những nguyên nhân này đã đưa đến chủ trương phải hội nhập “những thỏa hiệp dân chủ xã hội” vào một chu kỳ mới của chủ nghĩa tư bản. Đó là trường hợp đảng “Tân Lao Ðộng” của Tony Blair ở Anh dưới dạng hình “xã hội-tự do” hay “xã hội-khai phóng”. Khuynh hướng này đề nghị một hợp đề mới với chủ nghĩa tự do, nhưng vẫn trung thành với trật tự và khuynh hướng của giới bình dân đại chúng. Ở Pháp, Lionel Jospin và chính phủ của ông trong suốt 5 năm cầm quyền đã cố gắng áp đặt một khuynh hướng “tân xã hội” biểu tượng một chính sách Keynes mới, nhắm cách tân mà không chối bỏ nền dân chủ xã hội châu Âu.

   

Sự phá sản của “mô hình Đức” hậu bán thập kỷ 1990 cũng là sự thúc thủ của mô hình “nhà nước phúc lợi” ở châu Âu nói chung. Các nhà lãnh đạo kinh tế vẫn tiếp tục bàn cải để xác định khả năng của  những chính phủ châu Âu có thể ổn định những nền kinh tế quốc gia bằng định hướng Keynes, theo dõi và lượng giá hiệu qủa của những phương thức cùng chính sách đem ra thi hành; nhưng cuối cùng đa số các chính phủ và những nhà kinh tế học buộc phải quyết định từ bỏ lý thuyết Keynes vào những năm 80. Điển hình là những thử thách của chính phủ Moroy dưới thời Tổng Thống Mitterand ở Pháp nhằm cố gắng hâm nóng lại nền kinh tế theo kinh điển Keynes đã tõ ra hòan tòan bất lực, và đã  phải nhận rằng tính tương thuộc vào những nền kinh tế khác (ở châu Âu và nói rộng ra là toàn cầu hóa) đã mạnh đến nổi những hệ quả tiêu cực của chính sách  nhà nước thi hành trên bình diện quốc tế, đã đè nặng trở lại trên tăng trưởng quốc nội. Từ đó không một chính phủ nào còn dám theo đuổi một chính sách kinh tế đi ngược lại xu thế áp đảo.

    

Kết luận chủ yếu rút ra được là hầu như không còn một đường hướng khả thi nào để bảo vệ hữu hiệu những nền kinh tế quốc gia đối kháng với những hệ quả của thị trường toàn cầu. Vài biện pháp bảo hộ có chọn lọc, hay những quá trình điều chỉnh có thể tạm thời có những tác dụng chính trị, kinh tế đáng khích lệ; nhưng trong trung hoặc dài hạn, những chính sách ấy sẽ quá tốn kém, và chỉ làm trầm kha thêm những vấn đề hội nhập (vào tư bản chủ nghĩa). Các chính phủ Âu châu do đó phải chấp nhận xu thế mới, mặc sự bất bình của giới cử tri đã tín nhiệm họ. Tuy nhiên, một biệt lệ đáng nhắc nhở ở đây là trường hợp nước Đức. Khác với những biểu hiện yếu kém nơi các quốc gia Châu Âu, nền kinh tế Đức dựa trên nguyên tắc thỏa hiệp ba thành phần chủ nhân, công đoàn và nhà nước đã lấy định hướng “thành phẩm có chất lượng” trong một mô hình sản xuất lương cao, thành phẩm cao, lợi nhuận cao... đã đưa sản phẩm Đức lên một ngôi vị ưu thế trên thị trường; từ đó có thể duy trì cho đến những năm 80 một mô hình “bảo vệ giới tiêu thụ” đồng thời với “bảo đảm phúc lợi xã hội”. Mô hình này hoàn toàn tương phản với mô hình bảo thủ Anh của Thatcher là giảm giá thành trong hướng hiện đại hóa sản xuất, mà không lý tới những tổn hại xã hội; và chỉ với mục đích có thể đương đầu được về phương diện giá cả với những nước kỷ nghệ tiên tiến. (le modèle allemand, l’Europe et la globalisation - http://multitudes.samizdat.net/article.php33id_article=894)

    

Sự thành công đặc biệt này của Đức trong bối cảnh toàn cầu hóa nằm trong các định chế công đòan. Ở Đức, các công đoàn đã ẩn nhẩn duy trì được chính sách «hợp tác xã hội» và «đồng quản trị với giới chủ nhân» trong lúc ở Pháp và Ý thời kỳ này những tương tranh xã hội đã bùng nổ dữ dội khi các chính phủ liên hệ chuyển qua kinh tế tự do.

 

C. VAI TRÒ CÁC CÔNG ĐOÀN
TRONG CƠ CHẾ DÂN CHỦ XÃ HỘI :

Những tổ chức công đoàn nói chung biểu hiện cho họat động của những phong trào công nhân, nhằm mục đích thắt chặt hàng ngũ của những người lao động nhằm đối kháng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhìn chung, tiếng nói của các công đoàn trên phương diện ý hệ cũng như chính trị thường mạnh trong các chế độ xã hội chủ nghĩa.

    

Các công đoàn thường có những hình thái tổ chức và họat động theo những mô thức, cũng như theo đuổi những mục đích tranh đấu khác nhau tùy theo chế độ chính trị và các sắc thái văn hóa xã hội đặc thù của từng quốc gia. Nhưng nhìn chung ta có thể tổng tắt trong bốn mô hình chính :

 

C1. Mô hình công đoàn đặc biệt Anh :

Cuộc cách mạng kỷ nghệ xảy ra ở Anh sớm nhất, vào khỏang những năm 1760. Tuy nhiên mãi đến những năm 1880, những mầm mống tổ chức công đoàn đầu tiên mới xuất hiện dưới hình thái những «kết hợp ngành nghề họat động». Tuy gặp phải những trấn áp khá tàn bạo của chính phủ, giới công nhân đã thành công bước đầu, năm 1882, đạt được những bước tiến lớn về mặt xã hội như «Qui chế các Liên hiệp Nghiệp đòan- législation de trade-union», quyền đình công…Những họat động công đòan Anh vẫn duy trì khuynh hướng xã hội ôn hòa của Robert Owen. Cho đến năm 1834 «Đại Liên Hiệp Tương Trợ Quốc gia các ngành nghề» được thành lập, kết hợp trong lòng nó khoảng 500 000 hội viên với tham vọng thay thế chủ nghĩa tư bản Anh bằng một hệ thống hợp tác xã dưới quyền kiểm soát của công nhân. Tuy nhiên về phương diện chính trị, những họat động chủ yếu cũng chỉ nhắm đòi hỏi một chế độ phổ thông đầu phiếu với lực lượng chủ yếu là khối lao động bình dân. Các nghiệp đòan còn vắng bóng. Những năm từ 1850 đến 1880, khuynh hướng liên hiệp nghiệp đoàn biến thành «Công đoàn Kỷ nghệ» trong khung khổ những tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Năm 1886 Hội Công Nhân Luân Ðôn (London Working Men’ Association) ra đời, nhưng đến năm 1970 đổi tên là «Tổng Hội Ðại Diện Lao Ðộng ». Cũng năm này «Luật Công Ðoàn- Trade union Act» ra đời, cho phép công nhân chính thức được tham gia vào các họat động đấu tranh công đoàn, làm áp lực cho việc hình thành «Luật Bầu cử», từ đó công đoàn có thể tham gia vào đời sống chính trị, đưa đại diện ra ứng cử hạ viện. Bên cạnh đó, sự liên kết các công đoàn hình thành. «Hiệp Hội Công Ðoàn - Trades Union congress, TUC» thành lập năm 1969 đánh dấu sự nở rộ của các công đoàn dấn thân vào chính trị, hình thành Đảng «Lao Ðộng Ðộc Lập» với Keir Hardie, chủ trương liên hiệp với phe tả của đảng Tự Do; đến năm 1900 thành lập Đảng Lao Ðộng Anh. Năm 1906 đánh dấu thắng lợi của «Ủy Ban Ðại Diện Lao Ðộng» (TUC liên kết với các khuynh hướng xã hội khác) đưa được các đại biểu công nhân vào Hạ viện. Từ đó «Luật Tương Tranh Xã Hội - Trade disputes Act» cho phép các công đoàn không phải bồi thường các thiệt hại do các cuộc đình công gây ra.

    

Chủ nghĩa xã hội Anh luôn đi đôi với lịch sử các công đoàn mang đặc tính cởi mở và cách tân, không cục bộ ngành nghề. Các nghiệp đoàn Anh cũng khác với các công đoàn ở lục địa châu Âu, chỉ nhằm tranh đấu cho quyền lợi công nhân và những điều kiện làm việc tốt đẹp hơn, chứ không nghĩ đến việc cải tạo xã hội.

 

C2. Công đoàn cách tân Đức - đồng quản trị :

Sinh sau đẻ muộn so với các công đoàn Anh vì những điều kiện đặc biệt, trong đó công đoàn thường bị các chính quyền Đức đàn áp. Đến năm 1869, họ mới đạt được quyền đình công và được phép chính thức tổ chức công đoàn. Đế quốc Phổ xác nhận những văn kiện hợp pháp vào năm 1871. Những liên hiệp công đoàn được thành lập chung quanh ba trục ý thức hệ : Những người thuộc cánh Lassalle, một người xã hội, thành lập «Hiệp Hội các Công đòan Đức» năm 1868, những người  «tự do» lại muốn một chủ nghĩa nghiệp đoàn theo kiểu Anh. Khuynh hướng thứ ba là của những người cộng sản Mác xít. Tuy nhiên vì đặc tính người Đức không thích đình công, cuộc chiến Pháp - Đức những năm 70-71, khủng hoảng kinh tế 73-74 và đặc biệt chính sách đàn áp của Bismarck với những luật  biệt lệ chống chủ nghĩa xã hội trong những năm 1878-1881, nhiều công đòan phải giải tán hoặc tàn lụi; những công đoàn còn lại thu mình vào những công tác cứu trợ. Bên cạnh những thành công của Bismarck trong việc phát triển kinh tế, đô thị hóa  và tăng trưởng vượt bực dân số, các công đoàn non trẻ cũng dần tìm được chổ đứng của mình bên cạnh nền dân chủ xã hội đã đủ mạnh để nhắm đến việc thay đổi xã hội với hậu thuẩn hổ tương nằm trong các công đoàn. Đến cuối thế kỷ thứ 19, với sự tham gia đông đảo của giới công nhân, «Tổng Ủy Ban Công Ðòan» đã được thành lập và được điều khiển bởi những quản trị gia chứ không phải những nhà cách mạng, có khuynh hướng hội đòan và tách dần đảng Dân Chủ Xã Hội. Tương quan lá phiếu có lợi dần cho Tổng Ủy Công Ðòan so với đảng Dân Chủ Xã Hội, từ 1/8 trong cuộc bầu cử 1893 xuống còn 1/3 năm 1903 ; và đến 1907 Tổng Ủy Công Ðoàn Đức thu được 2 530 000 cử tri so với 4 250 000 của đảng. Có thể nói bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, Công đoàn Đức trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc thương thảo, và là một trong những nhân tố chính trị hàng đầu.

 

Đặc tính của chủ nghĩa nghiệp đoàn Đức là tôn vinh đối thọai để tìm đồng thuận, xem ra còn tiến bộ hơn cả các công đoàn Anh.

    

Một cách chính thức, các công đoàn Đức thương thảo với «Arbeitsgeberrverrband » (Hiệp Hội Chủ Nhân Các Xí Nghiệp cùng ngành họat động) của mỗi Vùng. Những cuộc thảo luận thường xảy ra trong những vùng kỷ nghệ như Nordwwurttemberg và Stuggart. Trên cơ sở các thỏa hiệp đầu tiên này, đề tài thương thảo sau đó được tiếp tục ở những vùng kỷ nghệ yếu hơn, trong từng ngành riêng biệt. Những đại biểu nghiệp đoàn sẽ không cần hiệu lực hóa thỏa thuận nữa, nếu vấn đề đã tìm thấy giải pháp trong một bang quan trọng hơn.

   

Ở Đức, công đoàn thường mạnh và đòan kết chứ không phân tán và cục bộ như ở Pháp.

   

Ba tổ chức mạnh nhất là :

·        Hiệp Hội Các Công Ðoàn Đức (DGB) bao gồm 17 nghiệp đòan chuyên ngành như luyện kim, hóa học, chuyên chở…

·        Các Công Ðoàn Lao Ðộng Đức (DAG) có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi những người lao động.

·        Liên Hiệp Các Nghiệp Ðoàn Công giáo (CGB) : họat động riêng rẻ theo ngành nghề, thí dụ Nghiệp Ðòan Công giáo ngành Luyện Kim.

 

Ở mức độ xí nghiệp, các công đoàn không thật sự hiện diện. Có chăng là khi các ủy viên của Ủy Ban Xí Nghiệp (Comité d’entreprrise) là người của nghiệp đoàn. Những người này có đầy đủ hiểu biết và kiến thức chuyên môn để có thể bảo vệ một cách nghiêm chỉnh các đồng sự lao động. Ở Đức, công đoàn là những tổ chức ngọai vi, không có những quyền hạn gì đặc biệt trong lòng xí nghiệp. Họ chỉ có nhiêm vụ bảo vệ những người lao động mà thôi.

    

Một xí nghiệp không bắt buộc phải có sự hiện diện của một Hội Ðồng Xí Nghiệp (Conseil d’entreprise). Tuy nhiên hầu hết đều có ủy ban xí nghiệp do nhân viên bầu ra., và thêm một ủy ban xí nghiệp trung ương nếu xí nghiệp bao gồm nhiều cơ sở sản xuất. Nơi những xí nghiệp có hơn 300 công nhân, 2 ủy viên sẽ được trả lương toàn thời gian để thi hành nhiệm vụ của ủy ban. Các ủy ban xí nghiệp không có nhiệm vụ xã hội, mà chỉ thuần kinh tế.

    

 Hội Ðồng Xí Nghiệp (CE)  ngược lại là cơ cấu hòa giải và cùng quản trị, trong đó các chủ xí nghiệp thường đến thông báo các tin tức liên quan đến xí nghiệp và cho ý kiến về việc quản trị thuộc mọi lãnh vực kinh tế, tài chánh, nghiệp vụ… Nhiệm vụ của nó rất khác biệt với các CE của Pháp :

 

a) CE Đức có thể thương thảo các qui ước tập thể (conventions collectives)  nhằm hoàn thiện nó. Thí dụ khi Nghiệp Ðoàn Chủ Nhân thỏa thuận tăng lương các CE có thể  thương lượng tăng nhiều hơn, nhưng chỉ riêng cho xí nghiệp mà thôi.

 

b) CE đồng quản trị xí nghiệp. Ý kiến của CE có tính chất bắt buộc trong trong nhiều lãnh vực; vì nếu không có sự đồng ý của  CE, quyết định trở thành vô hiệu. Rõ nét nhất là trong việc tuyển dụng nhân viên.

 

Vì những nhiệm vụ này các CE Đức có nhiều quyền hạn trong việc đựơc thông tri, được hỏi ý kiến, được quyền đề nghị  những giải pháp, được quyền đồng quản trị với chủ xí nghiệp; vì  các quyết định của chủ nhân chỉ thành hiệu nếu có sự thỏa thuận của CE.

   

Những quyền hạn khác thuộc lãnh vực tuyển bổ và thuyên chuyển, quyền tán trợ sự sát nhập xí nghiệp, hoặc cho xí nghiệp ngưng họat động. Ngoài ra CE cũng có quyền có ý kiến trong việc ngưng chức một chủ xí nghiệp kém khả năng, đề nghị những giải pháp trong việc quản trị nhân viên, gởi đi huấn luyện nghiệp vụ …

    

Tuy tổ chức công đoàn Đức chặt chẻ và có kỷ luật như vậy, những ngọai lệ cũng đã xảy ra. Thí dụ dưới thời Thủ Tướng Hemut Kohl với quyết định cắt giảm 20% lương trong trường hợp nhân viên nghỉ bệnh. Không một chủ xí nghiệp nào có thể lường được phản ứng của các công đoàn. Các xí nghiệp luyện kim nghĩ rằng có thể áp dụng quyết định mà không cần hủy bỏ những thỏa thuận  hiện hành về lương bổng. Công Ðoàn Luyện Kim chỉ chờ có chừng đó. Phẩn nộ vì luật lệ bị vi phạm trắng trợn, công nhân huy động đình công, biểu tình phản đối. Ngành luyện kim và hóa học phải nhượng bộ  sau một tháng đình công cảnh cáo. Ở hảng xe hơi Opel, bộ phận sản xuất ống bô nhả khói đe dọa toàn thể xí nghiệp sản xuất Opel ở khắp châu Âu. Ngày 24/10/69, 400 000 công nhân ngưng việc, không một thỏi thép nào xuất lò ở Rhur…

    

Với nguyên tắc làm việc nhiều, thương thảo thành thật, phân phối lợi nhuận công bằng là tất cả những gì tốt đẹp nhất tìm thấy nơi chủ nghĩa nghiệp đoàn Đức sau chương trình Bad Godéberg  theo đó đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (SPD) nhắm «thuần hóa» chủ nghĩa tư bản hiện thực (chứ không phải qúa thời như tuyên truyền của chủ nghĩa Cộng Sản). Những Hội Ðồng Xí Nghiệp CE cùng quản trị, thương thảo về thời gian làm việc, lương bổng và hưu trí. Chính vì quyền hạn lớn như vậy mà trong cánh tả đã có những phê bình chỉ trích các công đoàn «làm mưa làm gió» và «chỉ chú trọng đến quyền lợi của các đối tác công nhân». Nhưng cũng chính ở ý muốn hội nhập một cách xây dựng vào chủ nghĩa tư bản hiện thực và do tinh thần trách nhiệm cho quyền lợi những đối tác xã hội mà phong trào công đoàn Đức ngày hôm nay đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm trong cố gắng chính trị hóa những họat động của mình  (le model allemand bat de l’aile - le Monde diplomatique - tháng 12/1966)

    

Đầu năm 2003, những nghiệp đoàn Đức đắm chìm trong một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, suy giảm  nặng nề ảnh hưởng chính trị vốn có. Mô thức truyền thống «nghiệp đòan, chủ nhân và những đảng chính trị quan trọng» - dù là Đảng Dân Chủ Xã Hội hay Dân Chủ Thiên Chúa Giáo- ghi dấu một sự rạn vỡ. Nguyên tắc «thỏa hiệp» là vũ khí căn bản của mô hình Đức không còn tốt đẹp nửa. Tính «thỏa hiệp» này dựa trên ba trụ chính là :

·        «Nhà Nước Phúc Lợi» do Otto Von Bismarck thiết lập thế kỷ thứ 19- sau đó được đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo triển khai vào những năm 1950.

·        «Tính tự trị tập thể» là một hệ thống thương nghị tập thể ở mức độ ngành nghề họat động được hình thành đầu thế kỷ 20. Sau thế chiến II, Nhà nước Đức đã  long trọng công nhận định chế này.

·        «Hệ thống đồng quyết định» trong các công sở và xí nghiệp, do các chính phủ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thừa nhận vào những năm 50 và sau đó các chính phủ Dân Chủ Xã Hội làm vững mạnh hơn trong những năm 1970.

 

Ngày nay cột trụ thứ nhất đã bị giới chủ nhân kích bác, tấn công quyết liệt bắt đầu từ thời chính phủ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, tiếp đến dưới thời Schroder của đảng Dân Chủ Xã Hội khi tuyên bố hẳn hòi về sự chuyển đổi cần thiết và sâu sắc các hệ thống xã hội vào năm 2003. Trước bầu cử, Schroder đã long trọng hứa hẹn với cử tri Đức sẽ hủy bỏ luật giảm thiểu những bồi hòan bệnh tật cũng như hưu bổng của thời Helmut Kohl; nhưng sau đó ông ta đổi hướng, và cải cách chế độ hưu bổng theo kiểu tư bản. Phong trào công đoàn rốt cùng cũng phải chấp nhận với lý luận rằng nguyên tắc «chia phần» đã được bảo vệ và rằng những quĩ hưu bổng bổ trợ sẽ mở được một hướng mới cho những cuộc thương lượng. Sự nhượng bộ này thật ra nhằm đánh đổi một luật cải cách các «Hội Ðồng Xí Nghiệp» nhằm dể dải hóa tính chất đại diện của công nhân. Trong khung khổ của «Hiệp thương về công ăn việc làm» năm 1998, những công đòan Đức đã chấp nhận thêm những điểm khác, rõ nét nhất là «chính sách về lương bổng tương đối trong trung hạn» vào tháng giêng năm 2000, dẩn đến một hệ quả tai hại là lương giảm mà không tạo được công ăn việc làm mới  đến nổi cuối cùng công đoàn IG Luyện Kim phải quyết định «ngưng chính sách lương tương đối» và yêu sách trả lại lương cũ, nhưng kết qủa cũng chỉ thắng lợi được một phần.

    

Thủ Tướng Schroder cũng đã yêu cầu giới thất nghiệp phải thắt lưng buộc bụng nhằm giúp  Sở Lao Ðộng Liên Bang  áp dụng những biện pháp cần thiết để cứu vãn thị trường lao động. Sau khi tái đắc cử, Thủ Tướng Schroder lại đệ trình trước quốc hội một dự án lớn nhằm cải cách «Nhà Nước Phúc Lợi» gọi là  «Agenda 2010». Trái với những hứa hẹn tranh cử, dự án này cắt giảm bảo hiểm thất nghiệp, bệnh tật và trợ cấp già, cũng như co dản hóa (flexilité) các luật lao động, sa thải dể dàng công nhân trong các xí nghiệp nhỏ, mục đích sau đó sẽ nới rộng việc áp dụng đến các qui ước tập thể các ngành nghề. Dự án này nhằm thỏa mản yêu sách của giới chủ nhân, nhưng mặt khác cũng nhằm thỏa mản giới truyền thông thường than phiền về « tiếng nói nghiệp đòan » được coi như là một trở ngại cho việc cải tạo «Nhà nước phúc lợi» là một công trình thiết thực nhằm phục hồi tính cạnh tranh của nền kinh tế Đức vẫn được xem như tiền đề cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm mới.

    

Những tấn công này đã làm suy yếu hẳn các công đoàn Đức. Từ con số 12 triệu đoàn viên năm 1991, những công đoàn thống thuộc «Liên Hiệp Công Ðòan DGB» chỉ còn 7,7 triệu năm 2002 (la défaite programmé des syndicats allemands- Le Monde diplomatique Fév.2004)

 

C3.  Công đoàn Pháp -  một chủ nghĩa nghiệp đoàn nhắm mục tiêu chính trị :

Khác biệt hẳn với hai mô hình công đoàn Anh và Đức, các nghiệp đoàn Pháp từ những nghịch cảnh phát sinh đã mang nặng những dấu ấn chính trị. Trong lịch sử Pháp, luật Le Chapelire năm 1791 luôn lên án mọi hình thức hội đoàn dù là chủ hay thợ. Chính quyền theo dõi sát sao mọi họat động nhóm hội và đôi khi đàn áp đẫm máu những cuộc đình công và biểu tình thường không được tổ chức chặc chẽ. Cuộc nổi lọan của cánh Canut ở Lyon đã làm 600 người chết, 200 thợ bị giết và  sau đó là cuộc thảm sát ở đường Transnonain tiếp theo sau luật cấm hội đoàn. Những cuộc đình công Ricamerie năm 1869 cũng đã kết thúc trong biển máu. Nhưng rõ ràng nhất là những cuộc khủng bố chính trị thường nhắm đến giai cấp thợ thuyền vốn là chiếc nôi  của những cuộc cách mạng ở thế kỷ thứ 19. Những cuộc Cách Mạng 1830, 1848 có thể nói là những cuộc nổi dậy của giới công nhân, họ thường chiếm đến 2/3 những người tham dự. Dưới Ðệ Nhị Ðế Chế của Napoléon IIII, dù có cởi mở hơn, những «tổ chức» thợ thuyền luôn được theo dõi sát sao, bị chính quyền lẫn giới chủ nhân nghi ngại. Cuộc Cách Mạng 1870 mở ra một chương mới trong lịch sử công nhân với «Công Xã 1871» trong đó 33 trên 80 thành viên Hội Ðồng thuộc giới công nhân. Sau thất bại của «công xã» phong trào công nhân đã chịu những sự trấn áp nặng nề, nhưng từ đó cũng làm nảy sinh ý thức nghiệp đoàn. Mọi sự đã thay đổi với sự thắng lợi của những người «cộng hòa». Sự trở lại của các khuôn mặt «công xã» năm 1880 đã làm nảy sinh trong lòng các hội đoàn thợ thuyền những khuynh hướng cách mạng đấu tranh. Luật ngày 21 tháng 3 năm 1884 cuối cùng đã chấp nhận cho các nghiệp đoàn một qui chế pháp lý. Trong vòng một thập niên, con số các nghiệp đoàn đã tăng gấp ba, nhưng cũng phát sinh ra nhiều chống đối giữa các nghiệp đoàn với nhau.

    

Một điểm quan trọng đáng chú ý là ở Pháp,  trong lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, khía cạnh ý thức hệ đóng một vai trò cơ bản trong chủ nghĩa nghiệp đoàn, không phân biệt ranh giới rõ ràng với các đảng phái chính trị thiết lập bởi các chính khách thuộc nghiệp đoàn. Thí dụ Jules Guesde thành lập đảng  «Công Nhân Pháp», những người thuộc phái Blanquie thành lập «Ủy Ban Trung Ương Cách Mạng» năm 1881. Thời kỳ 70-80 đánh dấu những sự chống đối kịch liệt giữa các hệ phái, cho đến khi thành lập «Tổng Công Ðoàn Lao Ðộng- CGT» năm 1895 mới chấm dứt. Chính ở điểm phức tạp và kém thống nhất của các hệ phái công đoàn Pháp, hệ quả của những cuộc đàn áp và tinh thần Mác xít  hoặc vô chính phủ đã làm cho giới công nhân Pháp vừa là những tác nhân vừa là nạn nhân của Cách Mạng và  đàn áp. Định mệnh này trói chặt với chính tình Pháp đã làm cho nền chính trị kinh tế và xã hội  chao đảo trong hơn một thập niên qua. Những cố gắng hồi phục kinh tế, cải cách hưu bổng, an sinh, việc làm nhằm cứu vãn thâm thủng ngân sách, giảm thất nghiệp đã lên đến mức báo động… đều vấp phải sự chống đối quyết liệt của giới công đoàn, một phần bởi nguyên tắc bảo vệ tối đa người lao động (nghèo khó), nhưng phần khác cũng do tinh thần cục bộ, manh mún nơi các nghiệp đoàn. Quan trọng hơn là sự vụng về của các chính phủ cánh hữu thường chịu áp lực giới chủ nhân và luôn dành những thuận lợi cho họ, vô hình chung đã đào sâu thêm hố cách biệt giữa hai xã hội ưu đãi và những người khốn khó.

    

Cũng do yếu tố cục bộ của chủ nghĩa nghiệp đoàn Pháp, nền dân chủ xã hội đã không được thiết lập. Năm 1906, «Tổng Công Ðoàn Lao Ðộng» Pháp họp đại hội ở Amiens tiếp sau thất bại tổng đình công vào ngày 01.05 (quốc tế lao động)  «Hiến Chương Amiens» thảo vội vàng bởi vài lãnh tụ công đoàn được chấp thuận với số phiếu 830 (8 phiếu chống) đã xác định lại tính chất độc lập của nghiệp đoàn với các đảng phái chính trị. Các thành viên được yêu cầu « đừng bao giờ mang vào công đoàn những chính kiến phát biểu từ bên ngoài » và đóng khung CGT như một nhân tố «cuộc giải phóng tòan diện chỉ thực hiện được với sự giải tư của chủ nghĩa tư bản». Phương tiện hành động duy nhất là «tổng đình công». Mục tiêu của những nhà lãnh đạo công đoàn thời ấy nhằm làm thất bại chủ nghĩa Jules Guesde, lãnh tụ đảng Xã Hội, muốn sát nhập hệ thống công đoàn vào đảng, về cả hai phương diện chính trị và tài chánh (dù trong tiền đại hội, khuynh hướng tách rời chính trị của Victor Renard, tổng thư ký CGT đã được biểu quyết với 724 phiếu thuận  so với 34 chống và 37 phiếu trắng; nhưng chẳng bao lâu sau, giữa hai cuộc thế chiến, Tổng Công Ðoàn Lao Ðộng CGT lại sát nhập vào đảng Cộng Sản và trở thành trục chuyển động của đảng này. Chính khuynh hướng hành động trực tiếp - kiểu chủ nghĩa nghiệp đoàn vô chính phủ hay là  nghiệp đoàn mang tính cách mạng - đã đẩy CGT vào tay đảng Cộng sản thay vì hợp tác với đảng Xã Hội như ở Đức hoặc các nước Bắc Âu  để thiết lập nền dân chủ xã hội.

    

Điểm quan trọng là Hiến Chương Amiens báo hiệu những khó khăn chồng chất trong điều kiện Pháp, nhằm thiết lập một nền dân chủ xã hội vận hành trong liên hệ chặc chẽ giữa một đảng Xă Hội nắm quyền và một hệ thống công đoàn hợp nhất làm hậu thuẩn. Tương quan này mang tính hổ tương, chứ không phải thống thuộc, vì công đoàn không thể là công cụ đơn giản của  đảng. Chính ở chổ từ chối thẳng thừng việc hợp tác với đảng «Quốc Tế Lao Ðộng Pháp- SIFO », Ðại Hội Amiens đã từ chối luôn việc hợp tác trong cuộc tranh đấu chính trị  trong lòng một đảng và cả cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội  trong lòng một tổ chức công đòan.

   

Nguyên nhân thất bại này cũng nằm ở phía SIFO không hội đủ những điều kiện  thuận lợi cho sự nảy sinh một tinh thần dân chủ xã hội. Thiết lập được nền cộng hòa, tái lập nền dân chủ, phổ thông đầu phiếu, chế độ đại nghị… không nằm trong chương trình hành động chung của SIFO. Các khuynh hướng xã hội Pháp thành viên của SIFO thời ấy có những chủ trương tản mạn, đôi khi không tán thành nền cộng hòa, ít nghiêng về nền dân chủ đại nghị, dằng co giữa những giải pháp đại nghị và những giải pháp cách mạng… Đến thời Jean Jaurès cũng không làm gì được tốt hơn khi đảng ông chỉ vỏn vẹn có 40000 thành viên vào năm 1906, không có cơ sở thợ thuyền vững mạnh, biểu tượng cho một «đối trọng xã hội của lực lượng lao động» (theo Michel Wieviorka, nhà xã hội học - CGT và Đảng Xã Hội: trăm năm cô đơn- Libération 22/03/06).

 

C4.  Công đoàn Đan Mạch trong hệ thống tương thuận xã hội:

Mô hình xã hội Đan Mạch được nói đến nhiều ở Pháp hiện nay, vì công đoàn là một tác nhân chủ yếu trong «ba thành tố» của mô thức «an ninh lao động mềm dẻo» giúp Đan Mạch từ một tỉ số thất nghiệp 12% giữa thập niên 90 xuống còn 5,6% ngày hôm nay. Chính sự hợp tác trong tinh thần thỏa hiệp tìm đồng thuận với giới chủ và chính phủ trong khung cảnh tòan cầu hóa đã giúp cho Đan Mạch giải quyết tốt đẹp tình trạng công ăn việc làm của dân chúng. Bên cạnh sự sa thải dể dàng của giới chủ với số tiền bồi thường nhỏ nhoi tùy theo thâm niên việc làm đã giúp tạo nên những việc làm mới,  người nghỉ việc được hưởng tiền thất nghiệp cao đến 90% lương trong vòng 4 năm để có thể theo đuổi việc tái huấn luyện hoặc chuyển ngành với hy vọng tối đa tìm được một việc làm khác, trung bình trong vòng 6 tháng. Thị trường lao động Đan Mạch nhờ vậy trở nên sinh động, đa năng với một tỉ lệ 30% người lao động đổi ngành nghề họat động.

    

Những nghiệp đoàn Đan Mạch đầu tiên xuất hiện đầu những năm 1890 và phát triển rất nhanh. Năm này cũng đánh dấu những tương tranh xã hội nghiêm trọng. Các công nhân đã thỏa hiệp một chiến thuật tranh đấu hữu hiệu là đình công tiên khởi chống lại một xí nghiiệp trong vùng, sau đó lan ra một xí nghiệp khác cùng một vùng với mục tiêu đạt đến một thỏa hiệp tập thể. Đồng thời, giới chủ cũng muốn bảo vệ những chỉ hướng điều hành, và đáp lại các cuộc đình công bằng các biện pháp trao quyền giải quyết cho vùng có đình công. Cuộc tương tranh kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9/1899 mới kết thúc bằng một thỏa hiệp gọi là «Tương Thuận Tháng 9» công nhận tính độc lập của đôi bên tương tranh vì không bên nào có đủ khả năng hủy diệt phe đối kháng.

    

Phe chủ nhân đạt được quyền điều khiển và phân phối lao động, cùng quyền tuyển dụng những tay nghề thủ công mà họ cho là thích hợp với sản xuất.

    

Một hệ thống thương lượng tập thể được thiết lập ở cấp trung ương với nghĩa vụ tôn trọng hòa bình xã hội (cấm đình công trong thời gian áp dụng thỏa hiệp) Giới lao động đạt được quyền tổ chức, hội họp và đình công trong giai đọan thương thảo.

    

Ở Đan Mạch tỉ lệ công nhân tham gia công đòan cao đến 82% lực lượng lao động. Hệ thống công đoàn Đan Mạch khá giản đơn với hai «Tổng Công Ðoàn Trung Ương Các Chủ Nhân» và «Tổng Công Ðoàn Những Người Lao Ðộng - LO».

    

Về phía những người công nhân lao động, ngòai LO còn có hai tổ chức đại diện khác là FTF Liên Hiệp Công Ðoàn Các Công Bộc Quốc Gia (khỏang 350000 hội viên) và AC là «Tổ Chức Công Ðoàn Của Những Người «Cổ Trắng» thuộc cấp chỉ huy, lương cao (khác với LO cổ xanh).

    

Những qui ước tập thể (conventions collectives)  cấu thành Luật Lao Ðộng Đan Mạch. Những qui ước này được ký kết do một thỏa thuận chung giữa một bên là các đối tác Chủ nhân (DA) và bên kia là các đối tác Nghiệp đòan (LO), qui định những điều kiện làm việc áp dụng chung cho tất cả các khế ước lao động.

    

Các tổ chức công đoàn có quyền giải thích những điều lệ của qui ước. Để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến việc giải thích các điều lệ, nhà nước thiết lập hai định chế là «Người Hòa Giải» và «Tòa Án Lao Ðộng».

    

Vai trò « Người Hòa Giải - Mediateur » nhằm giúp đở đôi bên đi đến tương thuận trong việc ký kết một qui ước mới.

 

 «Tòa Án Lao Ðộng» phán xử những tương tranh liên hệ đến những vi phạm các qui ước.

 

LO không tham dự trực tiếp vào thỏa hiệp của qui ước tập thể ở mức độ địa phương và ngành nghề thuộc thẩm quyền của các nghiệp đoàn liên hệ. LO chỉ đóng vai trò phối hợp.

 

Tuy nhiên LO tham gia vào các cuộc thương lượng các qui ước mẩu ở mức độ toàn quốc hay liên hiệp các ngành nghề với tổng công đoàn các chủ nhân.

 

Các thỏa hiệp địa phương cho các ngành nghề được ký kết, sau đó Mediateur gộp lại tất cả trong một dự án thỏa hiệp chung quốc gia được toàn thể công nhân cũng như chủ nhân biểu quyết bằng phiếu bầu.

 

Nếu dự án thỏa hiệp này được chấp thuận, tân qui ước tập thể sẽ được đem ra thi hành trong thời hạn được ấn định trong nội dung bản hòa giải. Nếu không, cuộc tương tranh sẽ nhanh chóng nổ ra. Thông thường những tương tranh như vậy làm tê liệt đất nước, bắt buộc chính quyền phải can thiệp. Quốc hội  vì không muốn dính líu vào cuộc, theo nguyên tắc chung thường chấp thuận biểu quyết qui chế luật cho giải pháp hòa giải không thành.

    

Những thỏa hiệp thường được kết ước trong một thời hạn  nhất định, và được gia hạn chung trên toàn quốc.

     

Đối với những xí nghiệp độc lập, các chủ nhân không gia nhập công đoàn thường có khuynh hướng «hội nhập» các qui ước đuợc biểu quyết cho ngành nghề của họ.

   

Nhà nước Đan Mạch thường ít can thiệp vào công việc nội bộ của các đối tác xã hội, đặc biệt trong các qui tắc điều hành những điều kiện lao động. Quốc hội trong thực tế cũng không biểu quyết nhiều luật lệ liên quan đến việc công nhận hay điều chỉnh những tương quan giữa các đối tác xã hội trong thị trường lao động Đan Mạch.

   

Sau khi đoạn tuyệt với đảng Dân Chủ Xã Hội, LO biểu quyết một hiến chương mới về các hệ thống giá trị, độc lập với những mục tiêu của đảng. Ý thức hệ độc lập ấy có thể tổng tắt như sau :

 

- Cá nhân mỗi con ngừời có thể hành động riêng lẽ, nhưng hợp quần lại chúng ta có thể làm được nhiều hơn.

 

- Mọi con người trong cỏi nhân sinh đều có một giá trị đồng đẳng.

 

- Thị trường lao động phải được rộng mở cho khắp mọi người.

 

- Công ăn việc làm phải luôn được phát triển.

 

- Xã hội phúc lợi làm nảy sinh an ninh và cơ hội

 

- Liên đới xã hội là tổng thể.

(theo www.fsa.ulaval.ca/péonnel/vernag/syndicat/Dumortier_Danemark.htm)

    

Sau thắng lợi của đảng Tự Do vào đầu thiên niên kỷ, Thủ tướng Rasmussen của Liên Minh Tự Do và đảng Bảo Thủ được đảng Bình Dân hậu thuẩn  tái đắc cử năm 2005, vẫn luôn theo đuổi định hướng dân chủ xã hội truyền thống trong liên kết chặc chẽ với các công đòan nhắm mục tiêu đưa Vương Quốc Đan Mạch tiến lên hàng những nước phát triển nhanh; đặc biệt trong lãnh vực an sinh hưu bổng và giải quyết nạn thất nghiệp, hầu như đã khẳng định một mô hình ổn định được các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp nghiên cứu học hỏi. Nhưng thành công hay không trong những điều kiện văn hóa chính trị và xã hội khác biệt lại là một vấn đề khác. Cuộc thất cử của Schroder ở Đức tháng 09 năm 2005 và nước Pháp hiện tại đang còn chao đảo sau những cuộc xuống đường hừng hực lửa phẩn nộ của hàng triệu người lao động thuộc nhiều công đoàn khác nhau, bao gồm những tổ chức sinh viên học sinh làm nòng cốt đẩy chính phủ De Villepin và cánh hữu vào chân tường, buộc phải cho yểu tử chương trình CPE (contrat de première embauche - hợp đồng tuyển dụng tiên khởi), cốp theo mô thức an ninh việc làm co dản (flexisécurité) của Đan Mạch.

 

- Hết Chương III –

 

Xem tiếp Chương IV :

Hiện tình chính trị Việt Nam

Sự chuyển hóa như một quá trình tất yếu

 

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.