.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 


Phần II : VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ
                CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ

Chương 8:  Cấu trúc chính trị Dân chủ: đảng phái và bầu cử

     A.            Các định chế về đảng phái

     1.            Các đảng được định chế hoá và các đảng bất qui tắc

     2.            Ðảng có tổ chức và đảng phong trào

     3.            Những đảng cách mạng và đảng bầu cử

     4.            Ðảng đồng nhất và đảng phân tán

 

     B.           Các hệ thống chính trị

     1.            Hệ thống lưởng đảng hoặc lưởng cực

     2.            Hệ thống lưởng đảng hay lưởng cực không toàn vẹn

     3.            Hệ thống đa đảng

     4.            Hệ thống đảng liên minh thiểu số

 

     C.           Vai trò các thể thức đầu phiếu trong chế độ dân chủ

     1.            Thể thức bầu theo đa số

     2.            Cách bầu dân biểu theo tỉ lệ

     3.            Hệ thống bầu cử hổn hợp

 

     D.           Tác dụng chính trị của các thể thức bầu cử

     1.            Ðối với các đảng phái

     2.            Ðối với cấu trúc các chế độ chính trị

 

E.   Về tương lai cấu trúc chính trị VN

 

 

Dân chủ trước hết là sự thể hiện thẩm quyền tối thượng của quần chúng qua những định chế đại diện cho họ ở các cấp nhà nước được chỉ định qua các cuộc bầu cử. Những tổ chức chính trị do đó được thành lập thể hiện một quan điểm biểu tượng cho một nền văn hóa chính trị riêng biệt. Ðể tranh thủ được phiếu bầu tối đa, thể thức kết hợp và tổ chức là vấn đề ưu tiên nhằm thu hút hậu thuẫn của quần chúng. Vì tính chất đa dạng của các loại hình tổ chức chính trị, các nhà xã hội và chính trị học đã có nhiều định nghĩa khác nhau về các đảng phái chính trị.

 

- Constant: "đảng phái là một tập hợp những người cùng thi hành chung một lý thuyết chính trị".

- Edmund Burke rõ ràng hơn : "đảng phái là một cơ cấu nhân sự tập họp nhau để dồn mọi nổ lực chung phụng sự cho quyền lợi quốc gia trên căn bản một nguyên tắc theo đó mọi người đồng ý gia nhập".

- Marx lại có định nghĩa riêng theo lý thuyết chính trị của ông : "đảng là một tổ chức bao gồm những thành tố có ý thức nhất về giai cấp xã hội".

 

Dù định nghĩa thế nào chăng nữa thì bốn yếu tố căn bản nhất của một đảng phái chính trị bao gồm:

- Trật tự ý thức hệ xuất xứ từ một dạng văn hoá chính trị.

- Ðảng phái là một định chế có tổ chức tương đối ổn vững ở nhiều cấp độ khác nhau : trung ương, vùng, địa phương.

- Nhìn chung các đảng được thành lập với mục đích tranh thủ quyền hành. Nhưng trong một chế độ đa nguyên, rất hiếm trường hợp một đảng phái riêng lẽ có thể tranh đoạt  được quyền lực tuyệt đối. Mục tiêu này trở thành chia xẻ quyền hành.

- Cuối cùng một đảng phái phải tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng thể hiện qua các lọai hình tích cực như chiến hữu, tương đối như cảm tình viên và khái quát hơn hết là ủng hộ viên qua lá phiếu.

 

 

A. CÁC ĐỊNH CHẾ VỀ ĐẢNG PHÁI :

 

Rất khó mà xếp loại đảng phái thuộc nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Nhưng nói chung có thể phân biệt chúng trên các tiêu chuẩn sau đây :

 

A1. Các đảng được định chế hoá và các đảng bất qui tắc:

Có nhiều đảng được tổ chức theo những nguyên tắc rất chặt chẽ, tiên tiến. Ðể tranh thủ chính quyền, chúng đặt nặng vấn đề chủ nghĩa (thường là ôn hòa để dể lấy phiếu) Từ đó định những chương trình hành động và tổ chức nội bộ khá chặt chẽ dựa trên những tiếng nói có trọng lượng của các dân biểu và dân cử nói chung.

 

Ngược lại có những tổ chức không quan tâm đến cung cách hành động chính trị (thí dụ những tổ chức chống đối khuynh đảo) hay bất cần những qui luật về tổ chức hay truyền bá ý thức hệ, chẳng hạn các đảng môi sinh. Ðảng Xã Hội chẳng hạn nguyên thủy là đảng bất qui tắc đã trở thành đảng có định chế.

 

A2. Ðảng có tổ chức và đảng  phong trào: 

Khác biệt nhau ở điểm tổ chức chặt chẽ hay không về phương diện trụ sở hành chánh và các mạng lưới nhân viên phụ trách bầu cử. Ngược lại  các phong trào chính trị có một tổ chức gọn nhẹ nhưng ý thức hệ mạnh mẽ hơn. Những phong trào này thường tập hợp chung quanh một lãnh đạo nổi bật và khai thác những đề tài thời sự xã hội nóng bỏng. Ứng cử viên độc lập Ross Perrot của Mỹ là một thí dụ về mẫu mực một leader hiểu theo nghĩa Hoa Kỳ. Phong trào Forza Italia của Silvio Berlusconi ở Ý là một điển hình khác của loại hình đảng - phong trào, nhưng lại là một ngoại lệ trong lịch sử chính trị vì chỉ tập hợp vài tuần trước, phong trào đã thắng lớn cuộc bầu cử quốc hội Ý năm 1994 bất ngờ đưa Berlusconi là một con người vô danh trong giới chính trị lên ghế Thủ Tướng (ngoại lệ này có thể mở đường cho nền dân chủ ngày mai của phương Tây với một người hùng của giới tài phiệt truyền thông nắm trong tay những phương tiện tài chánh, marketing dồi dào đã làm lệch những ý định bầu cử đứng đắn trong những xã hội mà các giá trị tinh thần đang lâm cơn khủng hoảng trầm trọng).

 

A3. Những đảng cách mạng và đảng bầu cử:

đảng cách mạng thường có ý thức phản kháng xã hội, và tập hợp chung quanh nó một tầng lớp quần chúng nhất định, hành động đồng nhất thông qua những mục tiêu chung. Các đảng này xử dụng những mạng lưới tương trợ, có trong tay những nhân sự cần thiết  đảm trách những chức vụ then chốt.

 

Loại đảng thứ hai chỉ giản dị là một guồng máy bầu cử, có mục đích khuyến dụ cử tri để đạt được phiếu bầu cao nhất. Có những đảng có chiến hữu, có văn phòng nhưng không hội đủ tiêu chuẩn định chế đã trở thành những đảng bầu cử có tính chất cơ hội.

 

A4. Ðảng đồng nhất và đảng phân tán:

đồng nhất ở đây có nghĩa là đảng tập hợp chung quanh một ý thức hệ chính thống hay một lãnh đạo có uy tín cao bởi tính chất tổ chức chặt chẻ về phương diện chính trị và pháp lý của đảng. Ngược lại khi một đảng phân tán bởi nhiều khuynh hướng tranh đấu cho nhiều mục tiêu, chia thành những phân bộ tập hợp chung quanh nhiều lãnh tụ khác nhau sẽ được gọi là đảng phân tán (ví dụ Phong trào Xã hội Pháp là một đảng tập hợp  trong lòng nó nhiều khuynh hướng xã hội khác nhau).

 

 

B. CÁC HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ :

 

Một cách tổng quát, các hệ thống chính trị ở những nước dân chủ tiên tiến có thể được tóm tắt vào các cơ cấu như sau:

 

B1. Hệ thống lưỡng đảng hoặc lưỡng cực :

Hệ thống lưỡng đảng thể hiện ở hai hệ tư tưởng của hai đảng chính trị đối chọi nhau (thí dụ đảng Cộng Hòa với khuynh hướng bảo thủ và đảng Dân Chủ thường có khuynh hướng tiến bộ ở Hoa Kỳ; hoặc đảng Bảo Thủ và đảng Lao Ðộng ở Anh)  Chế độ lưỡng đảng phổ biến  trong các quốc gia thực thi chế độ bầu cử theo đa số tương đối một vòng, bảo đảm  sự luân phiên chính trị giữa hai đảng có uy thế áp đảo. Một trong hai đảng sẽ đạt được đa số tuyệt đối các ghế ở Quốc hội qua thể thức bầu phổ thông trực tiếp. Ða số này khá ổn định nhằm bảo đảm một chính phủ đại nghị cũng ổn định. Tuy nhiên lợi thế này chỉ có với điều kiện là cả hai đảng đạt được tổng cọng số phiếu bầu đơn danh từ 80% đến 90% mới có thể bảo đảm một đa số tuyệt đối ghế quốc hội. Tính liên tục này đã được bảo đảm ở Anh trong thời kỳ ổn định kéo dài từ 1945 đến 1974.

 

Lưỡng cực cũng có thể thể hiện qua các liên minh chính trị trong đó có một đảng mạnh (thường phải chiếm trên 30% phiếu bầu) tập hợp chung quanh nó những đảng phụ thuộc nhỏ hơn để lập những liên minh đa số làm hậu thuẫn cho chính phủ do đảng đa số tương đối nắm giữ.

 

Ở Pháp kể từ năm 1962 dưới ảnh hưởng lưỡng cực do các cuộc bầu cử tổng thống gây ra, cuộc đụng đầu giữa hai cánh tả và hữu  đã bắt buộc các đảng nhỏ trung gian phải xếp hàng vào một trong hai cực trong các cuộc bầu cử  quốc hội. Ở Ý cũng thế, cuộc bầu cử quốc hội năm 1994 với thể thức tương đối một vòng cho 75% số ghế QH, và các đơn vị bầu cử  với một ghế duy nhất đã đảo lộn hết hệ thống đảng phái. Các đảng nhỏ đã biến mất, đảng cánh trung phải tái phối trí để hình thành hai liên minh tả-hữu.

 

B2. Hệ thống lưỡng đảng

hay lưỡng cực không toàn vẹn (hai đảng rưởi):

Hệ thống này xuất hiện khi hai đảng chính không mạnh lắm, và một đảng thứ ba xuất hiện tạo liên minh đa số hậu thuẫn cho chính phủ. Ở Ðức, các cuộc tỉ thí thường diễn ra giữa hai đảng lớn (CDU-CSU và SPD) và vài lực lượng chính trị nhỏ như đảng Tự Do FDP, đảng Xanh (môi sinh) và mới đây hậu thân của đảng CS Ðông  Ðức DKP. Từ 1957 đến 1961 Liên Minh CDU-CSU Thiên Chúa giáo độc quyền, nhưng kể từ 1962 đến 1966 phải liên minh thêm với FDP để có đa số trong Bundestag và từ 1969 đến 1982 chuyển qua liên minh với SPD - Xã hội - để rồi trở lại với FDP sau năm 1982.

 

B3. Hệ thống đa đảng : 

Trong trường hợp không một đảng nào tự nó có khả năng chiếm được đa số tuyệt đối ở QH, một hệ thống 3 đảng, 4 đảng hay có thể nhiều hơn sẽ xuất hiện. Liên Minh cầm quyền thường yếu và chia rẽ vì các đảng đều có chương trình hành động riêng. Chính phủ liên hiệp được ví như cổ xe nhà nước do nhiều con ngựa kéo, mỗi con đi về một hướng. Các đảng cũng không phải chịu trách nhiệm riêng trước dư luận về các quyết định họ đã lấy.

 

Trong các quốc gia thực hiện thể thức bầu phiếu tỉ lệ, thể chế đa cực nảy sinh với một trong hai khả năng sau đây :

 

- Thứ nhất là sự xuất hiện của Liên hiệp cánh giữa như ở các nước Benelux. Ðặc biệt ở Ý những năm từ 1947 đến 1993, đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo (trung tâm) tùy nhu cầu chính trị có thể kết hợp với cánh tả (Xã Hội) hoặc với sang cánh hữu liên kết với những người Tự Do trong cố gắng ngăn chặn đảng CS thường được dư luận Ý xem như một đảng bất qui tắc có thể tiến đến vị thế chính quyền... Nhưng thời thế đã đổi thay. Thể thức bầu cử tỉ lệ được thay thế bằng đơn danh đa số năm 1993 có thể sẽ dẫn đến tu chính hiến pháp theo mô thức bán tổng thống của Pháp, đưa cấu trúc chính trị Ý đến thế lưỡng cực và sự luân phiên cầm quyền, chấm dứt tình trạng bất ổn của nghị trường với sự thao túng của các đảng phái.

 

- Thứ hai là thế lưỡng cực trong đó những liên minh thường kết hợp chung quanh một cực tả hoặc hữu. Ðây là trường hợp thường thấy ở các nước scandinaves nơi mà đảng Xã Hội Dân Chủ từ lâu (như Na Uy hằng nửa thế kỷ) vẫn chiếm đa số tuyệt đối các ghế ở quốc hội, nhưng để tạo một chính phủ thật ổn định họ thường mời đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo "cộng tác" như thường thấy ở mô thức Thụy Ðiển.

 

B4. Hệ thống đảng liên minh thiểu số : 

Ðây là trường hợp của những liên minh chính trị trong đó không có sự hiện diện của một đảng đa số, cũng không có đảng mạnh có tư thế áp đảo mà chỉ đơn giản là sự kết hợp của những đảng phái có tầm vóc tương đương trung bình nhằm 2 mục đích :

 

- Xây dựng một liên minh cầm quyền như trường hợp "Ða số 3 đảng" ở Pháp sau giải phóng đến 1947 tập hợp 3 đảng có tầm vóc tương đương nhau là đảng Cộng Sản chiếm 28,2% phiếu bầu trong cuộc bầu cử QH 1846, đảng Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân 25,9%, và đảng Xã Hội SFIO 17,8%.

 

- Hoặc để hình thành một  "Lực Lượng Thứ Ba" trong bối cảnh những trung tâm chính trị khác nhau. Ðó là trường hợp Liên Minh sau cuộc bầu cử 1951 ở Pháp giữa các đảng tầm trung là "Xã Hội"-SFIO được 14,6%, "Phong Trào CH Bình Dân MRP" 12,6%, «Tập Hợp Cánh Tả Cộng Hòa »-RGR 10%. Liên Minh đa số này đã tỏ ra mong manh trước một đảng CS chiếm 26,9% phiếu bầu và một đảng "Tập Hợp Vì Nền Cộng Hòa"- RPR 21,6%.

 

 

C. VAI TRÒ CÁC THỂ THỨC ĐẦU PHIẾU
TRONG CẤU TRÚC CHÍNH TRỊ DÂN CHỦ:

 

Những nền dân chủ bao gồm những định chế chính trị xây dựng toàn bộ trên nguyên tắc bầu cử hoàn toàn tự do nhằm thể hiện ý nguyện của người dân trong quyết định lựa chọn những người đại diện xứng đáng vào các cơ cấu nhà nước. Vấn đề đặt ra là những thể thức bầu cử phải được qui định thế nào để những ý định bầu của cử tri được thể hiện và thành hiệu nhiều nhất nhằm xây dựng một thể chế đại diện toàn vẹn. Việc bầu cử rất quan trọng vì nó thể hiện 3 chức năng chủ yếu là chỉ định những người cai trị (chính phủ), biến những khuynh hướng chính trị thành hiện thực và sau cùng là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm tính chính đáng của nhà  cầm quyền đương cuộc. Kể từ đầu thế kỷ với thể thức đầu phiếu trực tiếp phổ thông, các đảng phái mới tạm gọi là "đảng phái của quần chúng" đã xuất hiện.

 

Hai thể thức đầu phiếu thông dụng nhất là:

 

C1. Thể thức bầu theo đa số : 

Cách bầu này giản dị và lựa chọn một cách dễ dàng mà chính xác những người cai trị. Tuy nhiên bầu theo thể thức đa số một vòng hoặc hai vòng lại  có những kết quả khác biệt nhau.

 

C1a.  Bầu cử đa số một vòng: Ứng cử viên đơn danh hoặc danh sách nhiều ứng cử viên có số phiếu nhiều nhất được tuyên bố đắc cử. Ðiểm bất lợi là cách thức bầu cử này dựa trên đơn vị bầu cử thường được chia cắt thiếu chính xác hoặc do tính cách sinh hoạt bất định của dân chúng trở thành không cân xứng. Ðối với một đơn vị ở nông thôn thưa dân tính chất đại diện của dân biểu cũng hoàn toàn khác với một đơn vị ở thị xã hay thành phố trong đó số dân trưởng thành trên 25 tuổi chiếm phần quan trọng. Thể thức bầu cử theo danh sách chỉ áp dụng khi nhiều ghế được chia cho một đơn vị bầu cử. Thông thường thực hiện qua ba thể thức:

- Bầu  theo “danh sách nhất định” trong đó  cử tri chỉ có quyền chọn một danh sách (toàn bộ) mà thôi.

- Bầu theo các "danh sách mở" trong đó cử tri có quyền chọn lựa các ứng cử viên theo sở thích.

- Bầu theo hệ thống tương thuộc (système des apparentements) được áp dụng ở Pháp trong những năm 1951 và 1956. Nếu trường hợp một danh sách không hội đủ đa số tuyệt  đối trong cuộc bầu cử theo đa số một vòng thì những danh sách đã tuyên bố có liên hệ kết hợp trước cuộc bầu cử có thể cọng phiếu bầu để có đa số tuyệt đối.

 

C1b. Bầu cử đa số hai vòng :  Ðây là thể thức áp dụng ở Pháp trong các cuộc bầu cử quốc hội. Ứng cử viên nếu đạt được đa số tuyệt đối phiếu bầu ngay vòng đầu sẽ được tuyên bố thắng cử. Trong trường hợp không có ứng cử viên (hoặc danh sách ứng cử viên) nào được đa số tuyệt đối, vòng hai sẽ được tổ chức một tuần lể sau giữa các ứng cử viên hoặc danh sách đã đạt được số phiếu trên mức qui định (ở Pháp hiện áp dụng tỉ lệ 12,5% số cử tri ghi danh, tương đương khoảng 15 đến 16% phiếu bầu). Trong vòng hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất được tuyên bố đắc cử.

 

C2. Cách bầu dân biểu theo tỉ lệ :  

Thể thức bầu cử đơn danh theo đơn vị thường bị chỉ trích thiếu công bằng trên quan điểm một số phiếu bầu quan trọng trở thành vô ích và ý nguyện của cử tri không được thể hiện ở người đại diện trong nhà nước. Thí dụ một đơn vị bầu cử có 750000 cử tri ghi danh được bầu 5 dân biểu chẳng hạn trong đó danh sách A được 380000 phiếu bầu và danh sách B được 350000 phiếu (200000 cử tri vắng mặt) Nếu áp dụng thể thức bầu đa số một vòng danh sách A sẽ thắng cử và sẽ có 5 dân biểu đại diện cho khu vực. Trong trường hợp đó họ miển cưỡng đại diện luôn cho 350000 ý định bầu không tín nhiệm họ. Tính đại diện này không chính xác do ý nghĩa 350000 phiếu bầu đã trở thành vô ích. Cho nên thể thức bầu cử tỉ lệ đã được tiên liệu. Với kết quả bỏ phiếu như vừa kể, liên danh A sẽ chỉ được 3 người đại diện, 2 ghế còn lại phải thuộc liên danh B.

 

C2a- Ðại diện theo tỉ lệ tổng thể: Ðơn vị bầu cử duy nhất bao trùm lãnh thổ quốc gia. Cách bầu này được áp dụng ở Pháp kể từ 1979 để chọn đại biểu cho Nghị Viện Châu Âu. Thể thức này cũng được áp dụng ở Ý để bổ túc thêm số dân biểu đơn danh chọn trong các danh sách lập cho tòan quốc.

 

C2b- Ðại diện theo tỉ lệ gần: Ðược áp dụng ở Pháp dưới thời Ðệ IV Cộng Hòa,  đơn vị bầu cử là tỉnh. Trước tiên phải lập một thương số bầu cử (quotient électoral) giữa số phiếu ghi nhận và số ghế. Sau đó lấy tổng số phiếu các danh sách đạt được chia cho thương số này để định số dân biểu đắc cử cho mỗi danh sách. Ðiểm phiền phức là số ghế dự liệu ít khi được chia hết và một số phiếu dư không xử dụng. Số ghế còn lại sẽ được chia cho số phiếu chưa tính của danh sách mạnh nhất hoặc theo tỉ lệ số phiếu dư trung bình khít khao nhất tùy theo luật bầu cử.

 

C3. Hệ thống bầu cử hổn hợp :  

Nhắm phối hợp cách bầu theo đa số với thể thức chọn thêm người đại diện theo tỉ lệ. Công thức trung hòa này được áp dụng rất thành công ở Ðức dưới hình thái bầu tỉ lệ theo nhân cách. Mỗi cử tri phải đánh hai ô chéo trong mỗi phiếu bầu. Ô thứ nhất cho ứng cử viên đơn danh. Ô thứ hai bầu cho một đảng. Lãnh thổ CHLB được chia thành nhiều đơn vị bầu cử trong đó chỉ duy nhất một ứng cử viên đơn danh đắc cử dân biểu theo đa số tương đối. Các dân biểu khác thuộc thành phần bổ túc (phân nửa tổng số Bundestag) được quyết định bởi danh sách các đảng phái lập trong từng Lander (bang). Tỉ lệ số phiếu mà đảng đạt được (trên 5%) sẽ quyết định số ghế của đảng ở quốc hội trong đó số dân biểu bổ túc theo danh sách sẽ là hiệu số của X ghế trừ đi số dân biểu đắc cử theo đơn danh của đảng.

 

   

D. TÁC DỤNG CHÍNH TRỊ CỦA CÁC THỂ THỨC BẦU CỬ:

 

Một cách tổng tắc, các thể thức bầu cử áp dụng trong từng quốc gia sẽ tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đối với các định chế chính trị liên hệ:

 

D1. Ðối với các đảng phái :

- Thể thức bầu cử trực tiếp một vòng có khuynh hướng thiết lập hệ thống lưỡng đảng, dành ưu thế cho những đảng có tổ chức mạnh. Cử tri cũng sẽ có khuynh hướng "bầu hiệu quả" cho những đảng có khả năng nắm quyền và hờ hững với những đảng nhỏ. Toan tính bầu cho một cực của cử tri thể hiện rõ ràng. Cách bầu này cũng tạo điều kiện cho đảng củng cố quyền lực thật sự của mình trên các ứng cử viên trực thuộc vì tương lai chính trị của họ tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của bộ máy đảng trong vận động bầu cử.

- Thể thức bầu cử trực tiếp hai vòng có khuynh hướng dẫn đến một hệ thống đa đảng yếu và lệ thuộc chặt chẻ vào nhau. Thể thức bầu cử này của chế độ  Ðệ V Cộng Hòa cho thấy một tác dụng kép là tạo ra hai khuynh hướng chính trị  và đồng thời trong lòng mổi khuynh hướng  các đảng phái ngầm đối chọi nhau.

- Thể thức bầu cử theo tỉ lệ ngược lại có lợi cho một hệ thống đa đảng độc lập với nhau và sự kết hợp thường xuất phát từ những đảng có cấu trúc mạnh. Ở Ðức tỉ lệ qui định tối thiểu 5% để có đại diện đã làm biến mất những đảng nhỏ nhằm hình thành một hệ thống đa đảng giới hạn gồm hai đảng lớn và 2 đảng nhỏ phụ thuộc (sau thống nhất thêm đảng CS Ðông Ðức cũ cải danh)

 

D2. Ðối với cấu trúc các chế độ chính trị,

Những hậu quả của các thể thức bầu cử thường thể hiện như sau:

 

- Trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ kỷ luật bầu cử của đảng ít được đặt ra bởi khuynh hướng lưỡng đảng mềm dẻo nhưng chặt chẽ chi phối một cách tự nhiên khuynh hướng bầu của cử tri. Từ đó sự ổn định chính trị cũng rõ rệt.

 

- Nhưng ngược lại trong hệ thống bán tổng thống hoặc đại nghị, nơi mà đa số ở quốc hội quyết định việc hình thành và tính chất hữu hiệu của chính phủ, chế độ chính trị hầu như chỉ ổn định được với một đa số tương đối đồng nhất và được kết hợp khá chặt chẽ. Thể thức bầu theo đa số đáp ứng được những điều kiện này. Nhưng bên cạnh đó, tính khắc nghiệt của nó cũng hình thành những khuynh hướng giáo điều chính trị, tạo những phe phái và kềm hãm không khí chính trị trong vòng tù túng, các "chuyên viên chính trị" ngày càng già cỗi, mất những khả năng chính trị năng động.

 

Thể thức bầu tỉ lệ có thể hạn chế được những mặt tiêu cực này. Nhưng những nhược điểm của nó như đã phân tích, là tạo một tình trạng đa đảng nhiều khi không có lợi lắm cho đời sống chính trị. Với mục đích  thu hút phiếu bầu, các đảng thường lập danh sách bao gồm các tầng lớp khác nhau trong xã hội, hơn là chất lượng chính trị của ứng cử viên.

 

Về phương diện chính trường, hệ thống bầu tỉ lệ thường cho thấy khuynh hướng áp đảo của những đảng có khả năng nắm quyền trong việc lập liên minh trước bầu cử. Tương quan  giữa các đảng phái không dựa trên thực lực riêng mà tùy thuộc vị thế của đảng trong trục chính trị dẫn đạo bởi đảng mạnh. Nhận xét này cho thấy những khuynh hướng liên minh ở quốc hội do đó thường tập trung vào cánh giữa.

 

Cũng do bản chất những liên minh bầu cử như vậy mà khi thành lập chính phủ, các bộ thường được phân bố tùy theo trọng lượng lần lượt của các đảng phái thành viên của Liên minh. Do đó khả năng tìm kiếm những bộ trưởng chuyên viên giỏi của Chính phủ Liên minh đã bị giới hạn đến tối đa.

 

 

E. VỀ TƯƠNG LAI CẤU TRÚC CHÍNH TRỊ VN :

 

Những dự kiến về một chuyển tiếp chính trị (dân chủ hóa) ở VN đã được đề cập nhiều. Những xu thế dân chủ trong và ngoài nước đang phát triển mạnh, nhưng những yếu tố quyết định cho một cuộc chuyển đổi chính trị hầu như lại nằm trong tay đảng CS đương quyền. Một bộ phận đảng viên đáng kể đã ý thức được rõ ràng rằng một đảng cách mạng kiểu cổ kết hợp một thành phần chiến sĩ quá khích ý thức hệ dù đã từng thu hút một giai tầng đông đảo quần chúng trong một giai đoạn nhất định sẽ chỉ có thể đi tiếp con đường lịch sử của nó nếu được thay đổi toàn bộ về danh xưng, cơ cấu tổ chức vật chất và nhân sự,  đồng thời những định hướng và ý thức hệ chính trị mới mẽ. Phần lớn các đảng viên CS bỏ đảng, tự ý ly khai, hoặc bị khai trừ vì khuynh hướng cải cách chưa cho thấy rõ khả năng chuyển đổi, nhưng sẽ đóng những vai trò chủ chốt của tiến trình dân chủ hóa tương lai. Những nhóm dân chủ ở hải ngoại chưa tập hợp đủ lực lượng khả dĩ tham dự một cách trực tiếp và có hiệu quả vào quá trình chuyển đổi. Vai trò của họ chỉ giới hạn ở chỗ dựa tư tưởng, chi viện vật chất hoặc cung ứng một chiếc khung tổ chức có tính khoa học cần thiết cho những đảng kiểu mới sinh hoạt trong môi trường dân chủ tương lai của đất nước.

 

Thực tế chính trị VN dự kiến cho tương lai là đảng CS cải cách hoặc cải danh vẫn còn là một nhân tố chính trị mạnh thu gồm trong tay họ hầu hết những điều kiện vật chất và nhân sự thuận lợi nhất trong trường hợp có tuyển cử tự do. Ðối lập với họ về phương diện chính trị là một liên minh giai đoạn của những khuynh hướng tư tưởng đa nguyên. Ở trong nước, các phong trào Dân chủ được nhóm lên tùy theo ngẫu cảnh và thời tiết chính trị. Khởi nguồn từ một vài lãnh đạo trong guồng máy đảng ý thức được thời thế bắt buộc phải tạo một sinh khí mới và những mục tiêu mới cho sinh hoạt đảng cộng sản đã kêu gọi cải tổ, từ đó phát khởi những ý thức và trào lưu dân chủ. Vị thế mong manh của họ đã bị guồng máy chuyên chính dập nát từ trong trứng nước. Nhưng những ưu tư chính đáng vẫn có khả năng thu hút được những đảng viên có khả năng suy nghiệm về một sinh lộ khác cho đảng và tương lai đất nước trong bối cảnh nền dân chủ toàn cầu hoá. Phong trào dần lan rộng trong các tầng lớp đảng viên trể trung cấp. Từ “Câu lạc bộ Kháng chiến cũ” của ông Nguyễn Hộ, Ðổ Trung Hiếu đến các nhóm trí thức Ðà lạt của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh... và  “Liên Minh Dân chủ và Nhân quyền” hiện nay của Ðỗ Nam Hải,... cũng như “Tổng Công đoàn độc lập VN” của Nguyễn Khắc Toàn, Câu lạc bộ Dân chủ của Hoàng Minh Chính và vài đảng phái mang khuynh hướng dân chủ như đảng Thăng Tiến, Liên minh Việt Hồng, đảng Dân chủ XXI... đang ở trong giai đoạn sơ sinh và còn tồn tại quá nhiều khó khăn nội bộ bên cạnh những khủng bố, lũng đoạn và đàn áp từ phiá chính quyền cộng sản.

 

Để kỷ niệm 90 năm “Cách mạng tháng mười Nga”, một số đảng viên trung và cao cấp vẫn còn ca tụng cuộc cách mạng ấy như cánh cửa mở ra một tương lai tươi đẹp cho nhân loại và khẳng định quyết tâm theo đuổi sách lược Mác-Lênin nhằm xây dựng cho kỳ được chủ nghĩa xã hội CS; trong lúc dư luận vẫn đề cập nhiều đến nguồn tin đảng CSVN đang thăm dò dự định đổi tên thành một đảng Lao động hoặc đảng Nhân dân VN, vì trong thế giới hiện tại danh xưng CS không còn biểu tượng cho bất kỳ một lý tưởng xã hội nào nữa. Đồng ý Cách mạng tháng 10 Nga là một biến cố trọng đại của nhân lọai, nhưng tương lai và vai trò lịch sử của nó đã được chứng nghiệm với sự sụp đổ của khối Liên sô và Trung-Đông Âu. Ai cũng biết những ý kiến hoặc bài lý luận kiểu này đăng trên các cơ quan truyền thông chính thức của đảng, là tiếng nói của những cây cổ thụ theo Tàu. Họ vẫn luôn trông cậy nơi chỗ dựa Trung Nam Hải để tồn tại. Đảng CS Trung quốc đàn anh lại chẳng tốt lành gì. Thâm ý của họ là vẫn muốn kìm hãm dân tộc VN trong vòng trì trệ, lẩn quẩn của “chủ nghĩa xã hội” nhằm chặn bít con đường đi lên của một dân tộc thông minh và dũng cảm mà người Tàu vẫn e dè như một địch thủ đáng gờm trên con đường chinh phục của họ về kinh tế và chính trị xuống vùng thịnh vượng Đông Nam Á.

 

Chính những trở lực này đang chặn bít khuynh hướng chính đáng chuyển đổi qua thể chế dân chủ xã hội mà các quốc gia đang phát triển ở Châu Mỹ la tinh thực hiện, rõ nét nhất là dân tộc Guatemala đã từng chịu đựng các chính quyền độc tài, bóc lột, đã từng làm cách mạng và nội chiến trong 36 năm ròng rã (1960-1996), cuối cùng đã chọn lối thoát dân chủ hóa thông qua các cuộc phổ thông đầu phiếu và mới đây đã dứt khoát chọn Alvaro Colom của đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 05/11/07.

 

Ở hải ngoại, các hệ đảng phái cách mạng cũ như VN Quốc Dân đảng, Ðại Việt Cách Mạng đảng đang cố gắng vượt qua thời kỳ lột xác, tái cấu trúc hầu thích ứng với tình hình mới. Liên Minh Dân Chủ VN được kết hợp ở hải ngoại trong bối cảnh chia rẽ bởi những chính kiến và mục đích khác nhau chưa cho thấy sức thuyết phục về những khả năng đấu tranh dân chủ và vai trò tương lai của họ trong tiến trình dân chủ hóa. Đảng Việt Tân có ý hướng tăng cường họat động của họ ở quốc nội, nhưng sự thẩm nhập trong bối cảnh chính trị hiện tại không dể dàng. Các liên minh, phong trào hay tập hợp dân chủ khác thường sinh hoạt trong phạm trù đối tượng quần chúng hải ngoại hơn là những viễn ảnh chính trị và những thực tế dân chủ trong nước; hoặc giả chỉ thuần túy lý thuyết dân chủ - nhân quyền, chưa có những chương trình hành động cụ thể cho tương lai chính trị VN... Do đó để có đủ thực lực đối đầu với chính quyền CS, những phong trào chính trị đối lập ở VN phải liên kết tìm hậu thuẫn nơi những khối tôn giáo lớn  trong giai đoạn chuyển tiếp để quyết định một hướng đổi thay; nhưng sau đó tôn giáo nên rút vào hậu trường chính trị, nhường chỗ cho những tổ chức, hiệp hội thoái thân có khuynh hướng nhập thế vào đời sống chính trị quốc gia.

 

Những thể chế lựa chọn trong tương lai sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của nền dân chủ VN. Một cơ chế đại nghị, tổng thống hay bán tổng thống phối hợp với những thể thức bầu cử thích hợp sẽ là những chiếc khung quyết định cho sự hình thành và lớn mạnh của những đảng phái hoặc những xu hướng chính trị nói chung. Cái nhìn về tương lai của tác giả như sau:

 

E1. Vào thời kỳ tiền dân chủ,

Với những tín hiệu thay đổi, từ tôn giáo đến các đảng phái, tổ chức đều có chung khuynh hướng thắt chặt lại hàng ngũ của mình để chuẩn bị kết hợp trong một hoặc vài liên minh tham gia vào đời sống chính trị mới, tranh thủ quần chúng, tìm hậu thuẫn, phiếu bầu. Tuy nhiên các hình thái liên minh sẽ không được chặt chẽ. Lợi thế duy nhất của họ là những tư tưởng  chính trị về nhân quyền, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội trong khung cảnh thất bại toàn bộ của đảng CS ở vị thế cầm quyền sẽ có thể mang lại cho họ một số phiếu bầu quan trọng.

 

Trong khung cảnh giao thời, khi mà các đảng phái manh mún chưa định hình hoặc những hiệp hội chính trị chưa khẳng lập được hướng đi dứt khoát, thể thức bầu cử đa số sẽ mang lại những kết quả tiêu cực trong viễn cảnh phần thắng vẫn nằm trong tay đảng CS cũ; để vẫn tiếp tục chính sách rượu cũ bình mới.

 

Một kịch bản khác là liên minh đối lập kết hợp các khuynh hướng tôn giáo, đảng phái, xu hướng, phong trào, hiệp hội dân chủ... có thể thắng cử trong tâm lý chán chê của quần chúng về chế độ đương quyền. Nhưng qua được cuộc bầu cử, thế liên minh suy yếu dần trong tranh chấp quyền lực sẽ đưa đến khủng hoảng chính trị. Tương lai gần của dân chủ VN tùy thuộc trước hết vào sự trưởng thành của các phong trào và liên hiệp dân chủ chứ không phải là những đảng phái chính trị đúng nghĩa. Quá trình liên minh sẽ hình thành dần các nhu cầu tổ chức và điều hành của các sắc thái chính trị có tính quần chúng. Viễn cảnh sẽ là một sự kết hợp của các đảng tương đối yếu với các đảng có màu sắc tôn giáo lớn làm nòng cốt ở giữa; bên cạnh hai cực tả (đảng CS biến thái) và hữu là những đảng chống cộng cũ và vài khuynh hướng tôn giáo cực đoan.

 

Thể thức bầu cử hổn hợp ở Ðức cho ta vài gợi ý về một hình thái liên minh vừa mềm dẻo, vừa thực tiễn, lại mang tính chủ động chiến lược. Mỗi cử tri khi vào phòng phiếu phải quyết định hai sự lựa chọn. Trên danh sách thứ nhất họ chọn một ứng cử viên của một đảng phái nào đó; tiếp đến trên danh sách thứ hai họ phải chọn một đảng phái (không nhất thiết phải trùng hợp với lựa chọn thứ nhất)  Do đó, trong cuộc bầu cử 1965, một phần lớn cử tri của đảng "Dân Chủ Xã hội"- SPD đã dồn phiếu thứ hai của họ cho đảng "Thiên Chúa giáo"- CDU-CSU. Lối đầu phiếu này báo hiệu một Liên Minh Chính Trị lớn CDU-CSU-SPD sẽ cầm quyền (trong ổn định) hai năm sau. Kể từ 1976, cử tri Thiên Chúa giáo lại bầu trên danh sách thứ hai cho đảng "Tự Do - FPD” xác định tính liên minh của đảng này, và qua đó báo hiệu một Liên Minh cầm quyền thiết lập bởi đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo với những người Tự Do được hình thành vào năm 1982. Tính chất những liên minh chính trị như thế dĩ nhiên chỉ thực hiện được nơi một nước Ðức có một truyền thống dân chủ lâu đời, một hiến pháp được soạn thảo công phu hoàn hảo, và nhất là một trình độ dân trí cao về dân chủ cùng tinh thần bảo vệ những trật tự hiến định về dân chủ và tự do thể hiện qua những kỷ luật bầu cử chính xác. Ðiểm tinh yếu của thể thức bầu cử này đã cọng sinh với hệ thống chính trị hai đảng 1/2 đưa đến những liên minh cầm quyền ổn định nhất trong lịch sử chính trị dân chủ Tây Âu. Thể thức này có thể được khảo sát cho sự nảy sinh một hệ thống chính trị với những thế liên minh bắt buộc trong thời kỳ khởi phát dân chủ VN.

 

E2. Dần dà với thời gian,

Những thực tế phát triển kinh tế, nguyên tắc thị trường và các nhu cầu xã hội, văn hoá sẽ đặt vấn đề định hình những mô thức phát triển toàn bộ và những cố gắng điều chỉnh những định chế cần thiết bảo đảm cho nhu cầu ổn định bắt buộc phải đặt ra. Lưỡng cực chính trị không còn đặt nặng trên những ý thức hệ xưa cũ là cộng sản hoặc quốc gia nữa mà có thể hình thành hai ý niệm tả và hữu cho những mô thức phát triển nhanh, cân đối và ổn định nhất. Một cơ chế đại nghị xét ra vẫn cần cho VN trên những nguyên tắc ổn cố có hiệu quả cho nền dân chủ tránh quay lại những vết xe độc tài cá nhân, quân phiệt hoặc bè nhóm. Nhưng một sự tập hợp những khuynh hướng chính trị lớn cho một tương lai phát triển lâu dài trên nguyên tắc luân phiên chính trị giữa hai khuynh hướng tả và hữu xét ra cũng cần thiết. Một hệ thống tam cực trong đó có một "lực lượng thứ ba" hoặc rõ ràng hơn bao gồm hai đảng lớn và từ hai đến ba đảng trung bình vừa làm chức năng trái độn, vừa có khả năng kết hợp làm đối trọng trong trường hợp cần thiết có thể cung ứng những điều kiện tương đối cho ổn định chính trị. Ngoài ra  định chế  về một quốc hội cấu thành bởi ba phần tư dân biểu bầu đơn danh và một phần tư còn lại theo phân số tỉ lệ theo danh sách đảng toàn quốc như hiện áp dụng ở Ý có thể cung ứng những môi trường thuận lợi cho việc hình thành hệ thống "tam cực về cấu trúc và lưởng cực trong việc hình thành đa số ở quốc hội" có thể bảo đảm được ổn định chính trị cần thiết cho phát triển, đồng thời cũng có khả năng hòa hợp phát triển và công bằng xã hội.

 

- Hết Chương VIII –

 

Xem tiếp Chương IX :

Mẫu hình chuyển tiếp

 

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.