.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

 

Phần II : VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ
                CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ

Chương 5 :  Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá

A.            Từ « Mùa Xuân Prague 68 » đến «Cách Mạng Nhung tháng 11.89»

B.           Từ « CM Nhung Tiệp Khắc » đến phong trào Diễn biến Hoà bình ở VN

                                        * Phụ chú :  về thân thế, sự nghiệp của Havel Vaclav

 * Phụ lục 2 :  Tuyên ngôn Hiến chương 77 (TG dịch từ texte "Manifeste de  la charte 77" in « Les  Droits de l'Homme - Anthologie composée » par Christian Biet - Nxb Imprimerie Nationale)

 

 

Cũng trong bối cảnh tan rã hệ thống Xã hội chủ nghĩa, hai chế độ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trụ được một phần do thế địa lý chính trị xa cách với các trung tâm quyền lực phương Tây và La Mã, phần khác là các khung cảnh văn hoá đặc thù "Á Ðông - Khổng giáo" thuận lợi hơn cho các chế độ toàn trị núp bóng "đổi mới" để thực hiện một bước lùi chiến lược. Phân tích lại một bước chuyển ngoạn mục của "người anh em Tiệp Khắc", ta sẽ nhận chân được vai trò quan trọng của khiá cạnh văn hoá chính trị trong các quá trình chuyển đổi có lợi cho tiến bộ xã hội, dân tộc và dân chủ.

 

A. Từ "Mùa Xuân Prague 1968" 
đến "Cách Mạng Nhung tháng 11.1989" :

 

Cuộc Cách Mạng xảy ra mùa thu năm 1989 ở Liên Bang Tchécoslovaquie chấm dứt nền độc đảng toàn trị, và từ đó chế độ cộng sản, là một tiếp nối mang tính lô gích của lịch sử Tiệp Khắc. Chính xác hơn "Cuộc Cách Mạng Nhung" hoàn tất một quá trình chuyển biến bắt đầu từ "Mùa Xuân Prague" 1968. Những người cộng sản tiến bộ đứng đầu là Bí thư thứ nhất Gustav Dubcek chủ trương một "chế độ cộng sản nhân bản" với những cải cách về kinh tế, văn hóa, xã hội và cả trong lãnh vực chính trị đã làm Liên Sô và khối Ðông Âu Varsovie lo ngại. Xe tăng 5 nước Cộng sản anh em đã càn qua thủ đô Prague, đè bẹp nguyện vọng thay đổi của quần chúng Tiệp. Dubcek bị loại khỏi chức vụ lãnh đạo, Husak thay ông ở chức vụ Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Tiệp. Nhưng những cố gắng "bình thường hoá" đời sống chính trị kinh tế, xã hội của Liên Bang Tchécoslovaquie, chủ trương vừa tiếp tục cải cách vừa thanh lọc cả hàng nửa triệu đảng viên các cấp và lưu đày vô số chính khách, trí thức, nghệ sĩ, nhà báo và cả công dân thường của tân Bí thư đảng đã không thực hiện được. Nhiều khuynh hướng chính trị, ý thức hệ khác nhau nảy sinh sau "Mùa Xuân Tiệp Khắc" đã làm cho đảng Cộng sản chia rẽ, yếu đi; bên cạnh sự hiện diện nhức nhối của hai ý niệm dân tộc Tchèque và Slovaque. Husak phải từ chức nhường chỗ cho Milos Jakes là người chủ trương phải "bình thường hoá đảng Cộng sản Tiệp". Gọng kìm càng siết lại, đời sống càng khó khăn, quần chúng càng phẩn nộ. Ngày 1.1.1977, 243 nhân sĩ đã ký tuyên ngôn đòi nhân quyền và cải tiến bộ mặt xã hội Tiệp. Một cao trào bộc phát từ trong lòng quần chúng thầm lặng lớn lên, không có khẩu hiệu náo nhiệt, nhưng rất thuyết phục. Tuy không phải là một phong trào chính trị theo đúng nghĩa của nó, Hiến Chương 77 đòi phục hồi nhân quyền và quyền sống, hiện thực chúng từ những chương điều ẩm mốc của hiến pháp là một thể hiện hùng hồn niềm tự hào và ước vọng của một dân tộc tha thiết được sống một cách có nhân phẩm, được tự do tham gia vào mọi công cuộc xây dựng lại một quốc gia đã từng đạt đến vị thế hàng đầu trong số những nước phát triển nhất châu Âu và thế giới giữa hai cuộc thế chiến. Những người cộng sản cải cách của "Mùa Xuân Prague" trở lại sân khấu chính trị, sát cánh với Havel Vaclav cùng những nhân vật đầu não của Hiến chương 77 mà đa số thuộc thế hệ mới, đã dựng nên cao trào đối lập, đòi dân chủ hoá đời sống Tiệp, làm cuộc "Cách Mạng Nhung" cuối tháng 11.1989, đẩy đảng Cộng sản đến chỗ phải chịu thương thuyết, bỏ vai trò đảng độc tôn, để tự tan rã dần và cuối cùng rời khỏi quyền lực.

 

Không giống như các nước láng giềng Ba Lan, Hung Gia Lợi, Ðông Ðức và cả Liên Sô trong quá trình tan rả hệ thống xã hội chủ nghĩa, Tiệp Khắc đã chuyển hẳn từ chế độ chuyên chính toàn trị qua chế độ cộng hoà với cuộc tuyển cử tổ chức ngay vào cuối tháng 12.1989 trong đó Gustav Dubcek được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Havel Vaclav ở cương vị Tổng thống Cộng Hoà Liên Bang Tchécoslovaquie; không phải kinh qua thời kỳ "hậu Cộng sản" với một đảng và nhà nước Cộng sản chuyển tiếp.

 

B. Từ "Cách Mạng Nhung" ở Tiệp Khắc 1989 đến "Phong Trào Diễn Biến Hòa Bình" ở Việt Nam :    

 

Phân tích những yếu tố lịch sử, văn hoá và con người Tiệp Khắc nói chung trong giai đoạn 1968-1989, ta dể dàng nhận ra những điểm tương đồng với bối cảnh chính trị của Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ thời điểm thống nhất hai miền Nam Bắc 1975 đến nay:

 

B1.  Hai dân tộc Tiệp và Việt Nam cùng chia xẻ một niềm tự hào dân tộc đã từng hùng cường ở phía Tiệp hoặc đã từng làm nên những kỳ tích lịch sử, bẻ gảy tất cả ý đồ thôn tính của các đế chế Bắc phương ở Việt Nam. Chế độ cộng sản áp đặt bởi những người Liên Sô chiến thắng ở Tiệp kể từ 1945 và ở Việt Nam bởi Nga, Tàu trong đó ảnh hưởng của Mao Trạch Ðông mạnh nhất kể từ 1954 đã đặt ra không ít vấn đề gay gắt trong tương quan ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản và dân tộc. Người Tiệp vẫn coi thường Liên Sô bao gồm những dân tộc thiếu chiều dày lịch sử và chậm tiến hơn họ. Cũng như người Việt Nam vẫn chán ghét những áp đặt của mô thức Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, qua những thể hiện lạ lùng trong nét văn hoá kiểu Mao. Ðặc biệt kể từ ngày miền Bắc xã hội chủ nghĩa thắng miền Nam cộng hoà và áp đặt một chế độ chuyên chính vô sản cực kỳ khắc nghiệt với các chính sách cải tạo ác độc nhằm trả thù những người từng đối kháng họ, lập vùng kinh tế mới và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh để cướp tài sản của những người có máu mặt ở miền Nam mà họ coi như kẻ thù, đối xử phân biệt với người dân miền Nam nói chung như những công dân hạng hai trong cung cách những người chiếm đóng đã dấy lên phong trào "vượt biên" của hàng triệu người lén bỏ nước ra đi, bên cạnh những tổ chức bán chính thức của đảng để vơ vét vàng cho đầy túi tham của những quan chức "đô hộ" mới và cho qũi đảng. Sự thống nhất của đất nước ở bề mặt không che dấu được nổi thất vọng cùng tột của tuyệt đại đa số nhân dân miền Nam -với sự thông cảm của những người miền Bắc có những liên hệ họ hàng ruột thịt- về sự cách biệt giữa hai mức độ phát triển kinh tế, xã hội, hai mức sống cao thấp khác hẳn nhau. Quan trọng nhất là vấn đề dị biệt văn hoá của dân chúng hai miền, không khác mấy trong chế độ liên bang Tchecoslovaquie, đa số quần chúng Slovaque tỏ ra nhiệt tình với ý niệm cộng sinh liên bang trong lúc người Tchèque thường lạnh lùng coi họ như một gánh nặng.

 

B2. Chế độ Cộng sản từ chỗ đối kháng với những ý niệm dân tộc, đã tỏ ra thiếu hữu hiệu trong những cố gắng hàn gắn và phát triển quốc gia. Ở Tiệp Khắc, sự áp đặt chủ nghĩa Cộng sản đã đưa cường quốc kinh tế xếp hàng thứ 8 thế giới trước chiến tranh thế giới thứ hai thành một quốc gia kém phát triển, đời sống dân chúng tuột dốc thê thảm so với các quốc gia Tây Âu trước đây ngang hàng hoặc thua kém họ. Mức độ khả tín của đảng lãnh đạo là tảng băng rã lặng lẽ trong lòng quần chúng Tiệp. Bên cạnh đó, dù hiến pháp liên bang có xác lập những định chế chung, nhưng những khuynh hướng sắc tộc vẫn hiện diện sâu kín trong lòng những lãnh đạo gốc Thèque hoặc Slovaque.

 

Ở Việt Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị giải thể trước cuộc xâm lăng từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Một tân quốc gia thống nhất gọi là Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập sau biến cố 30.4.75; nhưng những ý niệm phức tạp và hiện thực vẫn là những con sóng ngầm âm ỉ dưới bề mặt thống nhất như Quốc - Cộng, Chính - Ngụy, Cũ - Mới,  Nam - Bắc. Trong lòng đảng những cán bộ gốc Nam bị kỳ thị thấy rõ, không được coi là vô sản chính thống; trầm trọng nhất là việc gạt bỏ những người lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau chiến thắng 75. Về phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội, người dân Việt Nam ở cả hai miền đã chứng kiến được một sự phá sản thê thảm của chế độ Xã hội chủ nghĩa về mọi phương diện. Rõ nét nhất khi so sánh với các quốc gia láng giềng Thái Lan hoặc Mã Lai Á chẳng hạn, sự tụt hậu quá đáng về phát triển và mức sống của Việt Nam đã là một bản án không chối cải được đối với đảng Cộng sản độc tôn vẫn muốn xây dựng "chủ nghiã xã hội" và khi đất nước gần sụp đổ toàn bộ lại đổi mới theo hướng "thị trường xã hội chủ nghĩa"; trong khi trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam đã có mức phát triển tương đồng và về một hai phương diện còn cao hơn hai nước này. Việc bám víu vào Trung Quốc như thành trì Xã hội chủ nghĩa cho sự tồn tại của chế độ Cộng sản cũng đặt ra biết bao nhiêu vấn đề phải bàn cải; bởi Việt Nam có những điều kiện thuận lợi hơn về văn hoá, lịch sử, cách tiếp cận với phương Tây, cộng đồng hải ngoại có những liên hệ thiết thân với tổ quốc... để dân chủ hoá, củng cố nền kinh tế, đưa đất nước hội nhập vào đà phát triển toàn cầu hoá hơn là cứ nhất nhất cóp nhặt, lẽo đẻo chạy theo mô thức Trung Hoa.

 

C. Quá trình những diễn biến ở Việt Nam :

Một khuynh hướng cải cách  đã hình thành trong lòng đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu với cựu Ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách, sau đó được công khai hoá với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, và rõ nét nhất với Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng những đồng chí gốc miền Nam của ông. Khuynh hướng bảo thủ miền Bắc tạm thời thắng thế; nhưng những nhân tố phát triển ưu thắng của miền Nam nói chung vẫn là một yếu tố quyết liệt trong cán cân quyền lực và đường lối phải chọn lựa. Thế dằng co của đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại tỏ ra khó hiểu hơn nhiều so với thế ưu thắng hiển nhiên của phe cộng sản cải cách Tiệp hơn 30 năm trước, tiền "Mùa Xuân Prague"! Lịch sử Việt Nam có chậm sang trang, nhưng những qui luật khách quan của "diễn tiến hòa bình" sớm muộn cũng sẽ sản sinh những đứa con ưu tú cở Dubcek, Havel Vaclav, Jian Patocka, Komarek, hoặc Dlouhy...

 

Sự khác biệt giữa Tiệp Khắc và Việt Nam nằm trong mức độ văn minh của hai dân tộc và khác biệt văn hoá nơi những con người. Trong niềm tự hào dân tộc là nét chung, những đặc tính lịch sử và địa lý chính trị Tiệp đã hun đúc cho quần chúng họ một tinh thần công dân cao độ  (thể hiện cả trong guồng máy đảng Cộng sản cầm quyền), đặc biệt nổi bật trong giới trí thức, văn nghệ sĩ (nòng cốt của Hiến Chương 77) và sinh viên là nòng cốt của Diễn Ðàn Công Dân - Forum Civique đã làm nên cuộc Cách Mạng Nhung. Người Tiệp và cả Slovaque đã kết hợp tuyệt diệu vì quyền lợi chung của tổ quốc không hề chia rẽ, tị hiềm. Nền văn minh thực tiễn cũng tạo cho họ một nguyên tắc kỹ luật chặt chẽ trong những cuộc đình công, biểu tình hòa bình chống lại bạo quyền. Tinh thần văn nghệ của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ đã thi vị hoá những hành động chính trị, biến hí trường làm nơi đối thoại với quần chúng, mượn những cuộc du ca để nói với người dân về những vấn đề đất nước; hoặc hát và ngâm thơ trong những cuộc thịnh diễn dân chủ. Nụ cười cũng luôn luôn thể hiện một cách ấm áp, duyên dáng nhưng mang đầy sức mạnh tinh thần dân tộc Tiệp. Ví như những biểu ngữ "một diễn đàn cho chính phủ độc đảng!", "mọi gánh hát đều đình công, ngoại trừ Ủy Ban Trung Ương Ðảng"... hoặc để diểu cợt những bài diễn văn rất kêu của lãnh đạo hoặc những chương nhân quyền chỉ có trên giấy tờ, những người biểu tình đáp lại với khẩu hiệu "đồng ý với tự do đọc diễn văn; nhưng cũng phải có cái gì sau diễn văn chứ!"...

 

Không phải bởi bạo lực, nhưng là một tinh thần kỹ luật cao độ, thể hiện qua tổ chức khéo léo của những người lãnh đạo, tính công dân biết tự chế của mọi người tham dự, cùng tinh thần hòa hợp và hoà bình của người dân không phân biệt Tchèque hay Slovaque, các thế hệ trẻ già sát cánh bên nhau, những người bỏ đảng và cả đảng viên ưu tú như Komarek, Dlouhy tranh đấu bên cạnh những lãnh đạo đối lập của các đảng phái khác như Dân chủ thiên chúa giáo hoặc đảng Xã hội, những người tự do văn nghệ sĩ sinh viên, những phong trào bảo vệ nhân quyền, những khuynh hướng chính trị xã hội khác nhau đã kết hợp lại, không phân biệt, tị hiềm hoặc thù hận. Cũng  không phải đơn thuần sự trở lại sân khấu chính trị của cá nhân Dubcek và những lãnh đạo của cánh Cộng sản Cải cách của "Mùa Xuân Tiệp Khắc 68" hay uy tín cá nhân trên chính trường quốc nội và quốc tế của người chiến sĩ nhân quyền Havel Vaclav đã quyết định sự thành công của “Cách Mạng Mùa Thu 89” đưa đất nước Tiệp ra khỏi ách cộng sản trì trệ; mà là sự kết hợp mẫu mực của mọi khuynh hướng chính trị, quần chúng trong một thời điểm cần thiết cần đối đầu với kẻ thù chung là nền độc tài đảng trị đã làm nên cuộc "Cách Mạng Nhung" tháng 11.1989 ở Liên Bang Tchécoslovaquie.

 

Yếu tố tối hậu này Việt Nam chưa có. Trong nước nhiều tiếng nói, bài viết đòi nhân quyền và dân chủ đã xuất hiện một cách can đảm. Nhưng cũng chỉ là những phát biểu cá nhân riêng lẽ của một Nguyễn Ðan Quế từ chế độ miền Nam cũ; hoặc từ trong lòng đảng như nhóm Ðà Lạt của những Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc; Nguyễn Hộ, Ðổ Trung Hiếu, của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ; các nhà khoa học Phan Ðình Diệu, Nguyễn Thanh Giang; các nhà văn Lữ Phương, Dương Thu Hương, Hoàng Tiến; và đặc biệt Tướng hồi hưu Trần Ðộ, nhà văn nhân bản đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy đảng và quốc hội đặt vấn đề đổi mới đảng, dân chủ hoá chế độ, hoặc mươi đảng viên lão thành và vài chuyên viên trẻ chất vấn chính phủ về vấn đề tham nhũng và cải tổ guồng máy hành chánh...

 

Ở hải ngoại từ lâu những nhà ly khai như Bùi Tín, người đại diện phe chiến thắng tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người tù của lương tâm nhân loại, nhà văn Vũ Thư Hiên, nạn nhân của "đêm giữa ban ngày" cũng đã dấn thân như những người dân chủ. Ðặc biệt là nhà "ly khai" Ðoàn Viết Hoạt, một chiến sĩ dân chủ nổi tiếng quốc tế đã được phóng thích từ nhà tù cộng sản và bị tống xuất thẳng sang Mỹ. Sau thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và hàm dưỡng tinh thần, ông đã quyết định dấn thân vào con đường tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam. GS Ðoàn Viết Hoạt đã tiếp xúc với  các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, chu du Gia Nã Ðại, Pháp, Anh, Ðức, Hoà Lan nói chuyện với quần chúng, làm việc với các giới văn hoá chính trị Việt Nam và quốc tế để vạch một đường lối chung. Những bài diễn văn của người chiến sĩ nhân quyền mẫu mực này khá chính xác, sâu sắc, thể hiện đúng suy nghĩ của những người Việt Nam hải ngoại vẫn luôn hướng về tổ quốc với những nguyện vọng không khác mấy những người Việt ưu tư về vận mệnh dân tộc còn sống ở trong nước. Nhưng vấn nạn lớn nhất hầu như vẫn chưa được khai thông. Tín hiệu hoà hợp từ những lấn cấn chia rẽ là căn bệnh trầm kha của người Việt chưa được rõ ràng lắm. Bước đi cụ thể đầu tiên của sự kết hợp thông qua một nhận định chung về tình hình chính trị Việt Nam và những nét phát thảo về nhân quyền Việt Nam chưa đạt được. Bao giờ những người dân chủ hải ngoại có thể ngồi lại được với nhau, tích cực hỗ trợ cho những nhà ly khai, những người dân chủ ở trong nước xây dựng cao trào dân chủ hoá? Ðến bao giờ thì sự kết hợp mong đợi ấy có thể dẫn đến một Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam thực tế và công hiệu cở “Tuyên Ngôn Hiến Chương 77 Tiệp Khắc” đã ra đời ba mươi năm trước? Hy vọng những dấu hỏi sẽ không còn mãi mãi là những dấu hỏi. Sự kết hợp sẽ là hiện thực của tinh thần đồng thuận trước nguy cơ, chứ không còn là những diễn văn, bài nói, phát biểu...

 

Sự hình thành một “Tổng Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam” của Nguyễn Khắc Toàn theo mô thức “Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan” hay một “Liên Minh Dân Chủ-Nhân Quyền Việt Nam” của những nhà ly khai mới là kỹ sư Ðổ Nam Hải, GS Nguyễn Chính Kết, cựu sĩ quan quân đội nhân dân Trần Anh Kim, chuyên viên Nguyễn Phong trong Ban điều hành cùng sự nhất trí, ủng hộ về mục đích thành lập của Hòa thượng Quảng Ðộ cuả Phật giáo Việt Nam Thống nhất và sự góp mặt trong phong trào của các đại diện tôn giáo như cụ Lê Quang Liêm Hội trưởng Phật giáo Hòa hảo (thuần túy), Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế của Cao trào nhân bản, Các LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Chân Tín, các mục sư Nguyễn Hồng Quang, Ngô Hoài Nở; cùng một số nhà ly khai nổi tiếng như Nguyễn Hộ, cựu Chủ tịch Tổng Công Ðoàn Việt Nam, các giáo sư Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Chính Kết, các cựu sĩ quan quân độ Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận... bên cạnh sự ủng hộ nồng nhiệt của các nhà dân chủ, nhân sĩ và hội đoàn hải ngoại cho phép ta tin tưởng một điều rằng ý thức công dân trước viễn tượng tương lai đất nước Việt Nam đã chín tới. Tuy nhiên vấn đề vẫn là tinh thần tự chế, biết hy sinh cá nhân cho một đồng thuận của lý tưởng dân chủ hoá, khả năng lý luận và tổ chức, cung cách hành động và triển khai về dân chủ để tạo phấn kích trong quần chúng, nhất là giới trẻ, để nuôi dưỡng và phát triển niềm tin rộng khắp về một viễn tượng mới ổn định, phúc lợi, công bằng xã hội và phát triển bền vững hơn vẫn còn là những vấn đề nan giải phải đặt ra cho những khả năng kết hợp thành công; chưa nói đến kỹ thuật luồn lách, chia rẽ và phá vỡ tinh vi của chính quyền và công an Việt Nam. Những thông báo, thông cáo, xác minh của một vài đầu não phong trào 8406 làm cho những nhà dân chủ chân chính e ngại về sự trưởng thành của tư tưởng dân chủ trong hiện tình đất nước, bên cạnh sự đề kháng và đánh phá quyết liệt của chính quyền, so với những gì các chính khách, nhân sĩ và nhà hoạt động Tiệp của Phong Trào “Hiến Chương Tuyên Ngôn 77 “ mà Tiệp Khắc  đã làm được ba thập niên trước.

 

Sự thật vẫn là giai tầng trí thức, lãnh đạo và quần chúng Việt Nam, trong bối cảnh nhiểu loạn của hằng thế kỷ dài suy thoái đã đánh mất không ít tinh thần công dân. Nền văn hoá chính trị không định hướng đang đổ dốc chưa cung ứng được một chiếc nền đủ dày, đủ chắc cho những nhân tố chính trị xây dựng cao trào dân chủ. Viễn cảnh nguy hại nhất là một thế hệ trẻ lớn lên không có đủ hiểu biết về lịch sử đất nước, bị ru ngủ bởi những giá trị vật chất nhất thời, thiếu niềm tự hào chính đáng về những công trình chống ngoại xâm và dựng nước của cha ông mình. Một sự kết hợp mẫu mực của những người "lớn" nhằm đánh thức niềm tin nơi tầng lớp sinh viên học sinh "trẻ" vẫn là công thức sinh tử cho lối ra và tương lai của dân tộc. Có lẽ mọi người Việt Nam chúng ta không nên quên điều đó.

 

 

Phụ Lục 1 :

Về thân thế và sự nghiệp của nhà văn, kịch tác gia Havel Vaclav :

Tổng thống Liên Bang Tchecoslovaquie từ tháng 12.1989 đến tháng 7.1992 và sau đó được tái tín nhiệm ở chức vụ Tổng thống Cộng Hoà Tiệp sau khi Slovaquie tách ra khỏi liên bang và thu hồi chủ quyền riêng : 

  • Cuối năm 76: Chuẩn bị Tuyên Ngôn 77 mà ông là phát ngôn nhân (cùng với GS Jian Patocka).
  • 21.5.77: ngay sau khi được phóng thích, Vaclav từ chức Phát Ngôn Viên.
  • 27.4.78: ông lập Ủy ban VONS (Ủy Ban Bảo Vệ những người bị truy bức bất công).
  • Tháng 8.78 gia nhập PEN club, Văn Bút Thụy Ðiển.
  • Tháng 11.78: trở lại chức vụ Phát Ngôn Viên nhóm Hiến Chương 77.
  • 17.12.78: Husak bị thay thế ở chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp, nhường chỗ cho Milos Jakes. Tân lãnh đạo đảng đánh giá thấp các "phong trào diễn tiến hòa bình" đòi nhân quyền. Thấy các cuộc xuống đường lúc đầu không qui tụ được nhiều người, Jakes ra lệnh bắt giam Havel Vaclav, linh hồn nhóm Hiến Chương 77 và xử tù các nhà ly khai khác như Otakar Vevrerka, hội viên của "Câu Lạc Bộ Hoà Bình John Lennon" (12 năm tù giam), Jana Petrova của "Hiệp Hội Hòa Bình Ðộc Lập" (6 tháng tù giam), Sasa Vondra, phát ngôn viên HC 77 (2 tháng tù giam), David Nemec, người ký HC 77, cùng lúc hội viên các nhóm đối lập khác (6 tháng tù treo), Stanislav Penc thuộc "Câu Lạc Bộ Lennnon" (2 tháng tù treo), Petr Placak, sáng lập viên "Những Người Con Của Tổ Quốc Boheme" (2 tháng tù treo), Jana Sternova, cựu Phát Ngôn Nhân nhóm HC 77 (4 tháng tù treo). Tổng bí thư Jakes đã phạm lầm lỗi chính trị nghiêm trọng nhất. Phạm đến Vaclav cùng những nhà ly khai khác, đảng Cộng sản Tiệp đã phải đương đầu với làn sóng phản đối và phẩn nộ của các tầng lớp dân chúng và tôn giáo (Ðức Hồng Y Tomacek, 90 tuổi, Tổng Giám Mục Prague đã biên thư can thiệp với chính phủ). Cả dư luận quốc tế cũng chú ý đến vụ án. Ngay trong đầu não các chính quyền Cộng sản như ở Varsovie - Ba Lan, Nhà nước đã cho diễn các vỡ kịch của Vaclav có sự tham dự của Thủ tướng. Những cuộc du lịch của các thành viên chính phủ dự trù trước cũng bị hủy bỏ...
  • 21.11.89: Vaclav bị toà kết án 9 tháng tù ở với tội danh "xúi dục dân chúng tụ tập bất hợp pháp" và "chống lại nhân viên công lực" (sau khi kháng án, Toà rút xuống còn 8 tháng tù ở).
  • 17.5.89: được tạm thả có điều kiện.
  • 17.11.89: nhân dịp lễ tưởng niệm một sinh viên Tiệp tên Jan Optelel bị phát xít Ðức sát hại năm 1939, một cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức ở Prague. Cảnh sát đàn áp thô bạo, đã làm dấy lên làn sóng biểu tình liên tục. Ðó là thời kỳ Tiền Cách Mạng Nhung.
  • Cuối tháng 11.89 Vaclav và Dubcek biểu tình sát cánh với những nhà ly khai ở các quảng trường Vencelas và Letuá.
  • Dưới áp lực của những Ủy ban Diễn đàn Công dân - Forum Civique và Phân Ban Slovaque mang tên “Quần Chúng Chống Bạo Lực” quyền lực đảng độc tôn tan vỡ. Husak từ chức chủ tịch nước.
  • 28.12.89: Dubcek được bầu làm Chủ Tịch Quốc Hội.
  • 29.12.89: Vaclav được bầu làm Tổng thống Cộng Hòa Tchslovaquie.

 

Tài liệu tham khảo :

* Bài nói chuyện của GS Ðoàn Viết Hoạt ở Paris ngày 31.1.99.

* La révolution de velours - Yves Barelli - Éditions de l'aube.

* Histoires des pays Tcheques et Slovaques - Antoine Marès - NXB Hatier.

* Histoires des pays Tcheques - Sous la direction de Pavel Belina, Petr Tornej et Jiri Pokorny -NXB Ponts- Histoire.

* Petite histoire des pays Tcheques - Otto Urban - Traduit du Tchèque par Milena Braud - NXB Institut d'Études Slaves.

                          

 

Phụ lục 2 :

Tuyên Ngôn Hiến Chương 77

(TG dịch từ texte "Manifeste de la charte 77"
in « Les  Droits de l'Homme - Anthologie composée » par Christian Biet - Nxb Imprimerie Nationale).

 

Ngày 23 tháng 10 năm 1976 Văn khố các đạo luật của nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc đã đăng dưới số thứ tự 120 các Công Ước Quốc Tế về các "Quyền Dân Sự và Chính Trị", và về «các quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hoá » mà nước Cộng Hòa chúng ta đã ký năm 1968, sau đó được phê chuẩn ở Helsinski năm 1975, và bắt đầu có hiệu lực ở nước ta kể từ 23.03.1976. Kể từ ngày ấy, các công dân trên nguyên tắc đã có quyền, và Nhà nước phải có những bổn phận như các công ước qui định.

 

Những quyền tự do và quyền con người bảo đảm bởi hai công ước này thể hiện những giá trị văn minh quan trọng mà qua giòng lịch sử, vô số những lực lượng tiến bộ đã cố công thực hiện; việc công bố những giá trị đó đã góp phần có ý nghĩa vào sự phát triển con người ở xã hội chúng ta.

 

Ðó là lý do tại sao chúng tôi đã hoan nghênh sự tham gia của nước CH/Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc vào hai công ước ấy.

 

Thế mà đồng lúc với việc phổ biến các công ước, chúng tôi nhận ra rằng trước khi một trật tự mới có thể xuất hiện, việc thực thi một số quyền công dân căn bản thực tế chỉ có trên giấy tờ.

 

Thí dụ điều 19 của Công Ước thứ nhất bảo đảm quyền tự do phát biểu trong lúc ở đây hoàn toàn là ảo tưởng:

 

Hàng chục ngàn công dân đã bị cấm làm việc trong ngành chuyên môn của họ cũng chỉ vì đã dám ủng hộ những quan điểm khác biệt với quan điểm chính thức của  nhà cầm quyền. Ðồng thời họ cũng thường là đối tượng của những phân biệt đối xử và bị chính quyền cùng các tổ chức xã hội chụp mũ. Hoàn toàn không có khả năng đề kháng, rõ ràng họ đã trở thành nạn nhân của nạn kỳ thị và phân biệt đối xử.

 

Hàng trăm ngàn công dân khác bị phủ nhận quyền được "giải phóng mọi nổi sợ hải" (ghi trong phần mở đấu công ước thứ nhất) bởi vì họ bị buộc phải sống thường trực trong nguy cơ sẽ bị mất công ăn việc làm nếu họ dám bày tỏ quan điểm.

 

Trái ngược với điều 13 của công ước thứ hai nhằm bảo đảm cho mọi người quyền được học hành, ở đây người ta lại cấm cản vô số thanh niên theo đuổi học vấn cũng chỉ vì chính họ, và  cha mẹ của họ đã dám phát biểu. Vì thế vô vàn công dân Tiệp đã sống trong nổi lo sợ rằng chính họ hoặc con cái họ sẽ bị tước đoạt quyền được học hành nếu họ phát biểu tư tưởng hoặc quan điểm riêng.

 

Sự đòi hỏi quyền "được nghiên cứu, nhận và phổ biến tin tức cũng như mọi thể loại quan điểm, từ mọi biên cương khác nhau hoặc bằng khẩu thuyết, bằng bút tự hoặc thông qua báo chí"  hoặc qua cả "trung gian tiếng nói của nghệ thuật" (đoạn 2 điều 13 của công ước thứ nhất) thường dẫn đến những truy bức bất chấp luật pháp hoặc bị lôi ra tòa ngụy danh tội hình sự (như vụ án hiện hành trù dập những nhạc sĩ trẻ trong số những vụ án khác chứng minh rõ ràng điều này).

 

Quyền tự do phát biểu trước công chúng đã bị khuynh loát vì những phương tiện truyền thông, mọi cơ cấu văn hoá và in ấn đều tập quyền về trung ương. Không một quan điểm triết học, chính trị, hay khoa học, cũng như không một khuynh hướng nghệ thuật nào được xuất bản nếu chúng chỉ hơi đi trệch một chút những khuôn khổ ý thức hệ chật hẹp hoặc không phù hợp với quan điểm chính thức về thẫm Mỹ. Mọi phê phán về các bế tắc xã hội không có, mọi khả năng biện hộ công khai chống lại những những  tấn công thô bạo và dối trá của bộ máy tuyên truyền nhà nước bị tước đoạt (bởi vì sự bảo vệ pháp lý chống lại những xúc phạm danh dự và thanh danh được bảo đảm bởi điều 17 của công ước thứ nhất trong thực tế không hiện diện ở đây). Người ta không thể nào bác khước được những lời cáo buộc giả dối, mọi trông cậy vào công lý để bổ khuyết hoặc điều chỉnh những sai lầm đều vô vọng. Trong lãnh vực phát minh khoa học và sáng tạo văn hoá, mọi tranh luận công khai đều bị cấm chỉ. Bằng chứng là vô số những nhà khoa học và văn hoá, cũng như nhiều công dân khác trước đây đã cho xuất bản hợp pháp và tranh luận công khai những quan điểm của họ lại bị nhà nước hiện hành kết án.

 

Quyền tự do thờ phượng tôn giáo được nghiêm nhặt bảo vệ bởi điều 18 của công ước thứ nhất đã bị cấm cản có hệ thống qua sự bạo hành của  quyền lực : các hoạt động của giới tu sĩ bị cắt tỉa hoặc bị đè nén, chính quyền thường trực đe dọa từ chối cho họ làm nhiệm vụ hoặc rút lại sự thừa nhận quyền hành đạo; những biện pháp chế tài - thông qua những phương tiện hiện hữu và có thể cả những phương cách khác nữa - thường được dành cho những ai biểu tỏ hoặc bằng lời nói hay hành động những tín lý của tôn giáo họ, và mặt khác, hạn chế  việc dạy giáo lý...

 

Những định chế và tổ chức nhà nước có quyền hạn chế hoặc cả thẩm quyền tước bỏ toàn bộ quyền công dân bị đặt dưới sự chỉ đạo chính trị của bộ máy đảng thống trị mà quyền quyết định thường do vài cá nhân riêng lẽ nắm quyền lực then chốt. Không phải là Hiến Pháp Nước CH Tiệp Khắc, cũng không phải là những đạo luật hoặc các qui chế hợp pháp của quốc gia có quyền hành trong việc sáng tạo hay thực hiện những quyết định về cả hình thức lẩn nội dung. Những quyết định ấy đôi khi chỉ là khẩu lệnh, quần chúng không được biết và cũng không kiểm soát được; các tác giả của nó chỉ chịu trách nhiệm bản thân và trước cấp chỉ huy cao hơn trong đẳng cấp đảng mà thôi. Tuy vậy chúng lại mang tính chất áp đảo trong các hoạt động lập pháp và hành pháp của Nhà nước, trên nền hành chánh, tư pháp, những tổ chức xã hội là các công đoàn hoặc các hội đoàn áp lực này khác, trên các đảng phái khác, trên các xí nghiệp, cơ quan, các học viện khoa học, các văn phòng, trường học và các định chế khác, vì lệnh ấy có sức nặng tương đương như một đạo luật. Trong sự diễn đạt về quyền lợi và bổn phận, khi mà các tổ chức và công dân hành xử trái với các chỉ thị, họ chẳng thể tìm ra một cơ chế trọng tài vì các cơ chế như vậy không hề hiện diện. Tất cả điều đó nói lên tính cách nghiêm trọng của việc hạn chế những quyền lợi như điều 22 của Công Ước thứ nhất qui định (quyền hiệp hội và cấm chỉ việc làm ngưng trệ các quyền này dù là dưới hình thức nào), hoặc điều 25 (bình đẳng quyền lợi trong việc tham dự vào việc quản trị những vấn đề quốc gia thuộc lãnh vực công), và cả điều 26 (thủ tiêu mọi hình thức phân biệt trước pháp luật). Những thực tế đó gây trở ngại cho các công nhân và người lao động trên nguyên tắc có quyền tổ chức nghiệp đoàn hay các hình thái khác nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế và xã hội,  quyền tự do đình công (đoạn 1 điều 8 của Công Ước thứ hai).

 

Những quyền công dân khác, bao gồm việc ngăn cấm nghiêm nhặt liên quan đến "tất cả mọi động chạm đến đời tư và gia đình, cư sở và thư tín" (điều 17 của Công Ước thứ nhất) đã bị vi phạm thô bạo do sự kiện bộ trưởng nội vụ kiểm soát bằng nhiều phương cách khác nhau đời tư của công dân: nghe lén điện thoại, đặt máy thâu âm trong nhà,  kiểm soát thư từ, giao dịch, lục soát, mạng lưới săn tin bởi những tên chỉ điểm (thường nhận việc vì bị cưỡng bức đe doạ hoặc vì những hứa hẹn)... Bộ trưởng Nội vụ cũng can thiệp vào quyết định của giới chủ nhân, xen vào nền hành chánh và các tổ chức khác, thực hiện các hành vi trấn áp, áp lực lên các cơ quan tư pháp; và thông qua các phương tiện truyền thông điều khiển các chiến dịch tuyên truyền. Hoạt động này không do một đạo luật nào cho phép: nó hoàn toàn bí mật và người công dân không có bất kỳ một quyền khiếu tố nào để chống lại.

 

Trong các truy tố hình sự nhân danh những lý cớ chính trị, các cơ quan điều tra và tư pháp thường vi phạm những quyền được bảo đảm bởi điều 14 liên quan đến việc phạm tội và quyền bào chửa của Công Ước về quyền dân sự chính trị ; cũng như những người bị kết án thường bị đối xử trái với nhân phẩm con người ở trong các nhà tù, sức khỏe tổn hại và tinh thần bị suy đốn.

 

Theo nguyên tắc chung, đoạn 2 điều 12 của Công Ước thứ nhất nhằm bảo đảm cho công dân quyền được tự do rời bỏ xứ sở cũng bị vi phạm : lấy cớ "bảo vệ an ninh lãnh thổ" (đoạn 3), quyền này đã bị trói buộc với những điều kiện không chấp nhận được. Sự bức chế cũng tương tự trong trường hợp cấp chiếu khán nhập cảnh cho các kiều dân nước ngoài, một số thành phần không được quyền đến viếng Tiệp Khắc chỉ vì một lý do thật giản dị là họ có những liên hệ thân hữu hay liên hệ công tác với các phần tử là đối tượng trấn áp ở nước chúng ta.

 

Một số các công dân với tư cách riêng đã cảnh giác dư luận về các địa điểm công tác, hoặc tố cáo công khai những vi phạm có hệ thống về nhân quyền và quyền tự do dân chủ thông qua các phương tiện truyền thông ngoại quốc, đồng thời kêu gọi những sự cải thiện tình hình trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên tiếng nói của họ thông thường không được đáp ứng, mà chính họ còn trở thành đối tượng của các truy bức.

 

Dĩ nhiên trách nhiệm thực thi các quyền công dân trong nước thuộc về các thẩm quyền chính trị và Nhà nước. Nhưng không phải chỉ có chính quyền mà thôi. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm về tình hình chung. Muốn thực thi công ước phải phê chuẩn. Không phải chỉ có chính phủ đơn phương  cam kết, mà chính tất cả mọi người công dân cũng phải nhận lấy trách nhiệm thực thi các công ước này.

 

Chính bởi ý thức cùng chia xẻ trách nhiệm, với thiện chí dấn thân của người công dân bằng lòng tin tất thắng, và cũng do nhu cầu chung cùng tìm kiếm một phương cách diễn đạt mới và hiệu quả hơn về ý thức này đã đưa đẩy chúng tôi thỏa thuận với nhau trên Hiến Chương 77  tuyên bố ngày hôm nay.

 

Nhóm Hiến Chương 77  là một cộng đồng tự do, không rập khuôn mẫu nào và mở rộng cho mọi người thuộc về những quan điểm, tin tưởng và nghề nghiệp khác nhau, cùng tập họp lại bởi thiện chí dấn thân, nhân danh cá nhân hay tập thể, tranh đấu cho sự tôn trọng quyền con người và quyền công dân ở đất nước chúng ta cũng như ở mọi nơi trên trái đất - những quyền mà hai công ước quốc tế có giá trị như đạo luật, thông qua Hiệp Ước Chung cuộc của Hội Nghị Helsinski, và bởi vô số những văn bản quốc tế khác chống chiến tranh, chống bạo lực và chống lại mọi ức hiếp xã hội và tinh thần, theo đúng tinh thần Tuyên Ngôn QT Nhân Quyền LHQ.

 

Hiến Chương 77 cũng có tính chất tự phát trong lãnh vực liên đới và hữu nghị giữa những người cùng quan tâm và cùng ưu tư về những lý tưởng chung, đã và vẫn còn ràng buộc với nhau trong đời sống và trong sự nghiệp chung.

 

Hiến Chương 77 không phải là một tổ chức, không có qui chế và cơ quan thường vụ, cũng không có cả những điều kiện dành cho các hội viên muốn gia nhập. Hội viên chính là tất cả mọi người đồng ý với các nguyên tắc căn bản của HC, tham gia công tác và nâng đở, hỗ trợ nó.

 

Hiến Chương 77 cũng không phải là nền tảng của những hoạt động chính trị đối lập. Nó chỉ muốn phụng sự công ích, thông qua vô vàn sáng kiến tương tự mà công dân ở các quốc gia khác nhau từ Tây qua Ðông đã đề đạt. Vì vậy HC không muốn kiến tạo những chương trình cải cách và biến đổi chính trị cũng như xã hội, mà chỉ muốn theo đuổi trong phạm trù sinh hoạt của mình một cuộc đối thoại xây dựng với chính quyền và nhà nước, chú tâm vào những trường hợp cụ thể về những vi phạm về quyền con người và quyền công dân, đồng thời chuẩn bị những tư liệu phù hợp và đề nghị những giải pháp,  trình bày những gợi ý khác nhau một cách tổng quát và dể cảm nhận hơn nhằm khảo sát sâu sắc những quyền lợi và  bảo đảm cần thiết cho những quyền lợi đó, đồng thời cũng hành động như cấp trung gian trong những trường hợp mà sự bất công đã gây ra tranh chấp...

 

Cũng bởi danh tự có tính cách biểu tượng, Hiến Chương 77 nhấn mạnh rằng nó đã được khai sinh trên thềm Năm Mới được mệnh danh là "năm của các tù nhân chính trị" và cũng trong năm này Hội Nghị Belgrade sẽ phải nghiên cứu đến việc thực thi những cam kết đã ký ở Helsinski.

 

Nhân danh những người đã ký vào bản tuyên ngôn này, chúng tôi ủy nhiệm Giáo Sư Jian Patocka, Vaclav Havel và giáo Sư Jiri Hájek là Phát Ngôn Nhân của Nhóm Hiến Chương 77. Những phát ngôn nhân này có toàn quyền đại diện Nhóm trước các cơ quan nhà nước cùng các tổ chức khác; cũng như trước dư luận trong nước và thế giới, và chữ ký của họ trên các tư liệu này có giá trị chính thống. Họ sẽ tìm kiếm giữa nhóm và trong hàng ngũ công dân những cộng sự viên để phụ tá họ trong các cuộc vận động cần thiết, đảm trách những nhiệm vụ riêng và chia xẻ cùng họ toàn thể trách nhiệm chung.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng Hiến Chương 77 sẽ góp phần mang lại cho toàn thể các công dân Tiệp Khắc quyền được làm việc và quyền được sống như những con người có tự do.

Ngày 01 tháng 01 năm 1977.

 

 

- Hết Chương V -

 

Xem tiếp Chương VI :

Nền Dân chủ và vấn đề bảo hiến

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.