.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

Phần III : VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN DÂN CHỦ DIÊN HỒNG

Chương 9 :  Mẩu hình chuyển tiếp -Nhìn lại một quá trình-

A.      Thời kỳ tiền dân chủ

B.     Thời kỳ dân chủ chuyển tiếp

1.                        Tổng thống

2.                        Quốc hội lưởng viện: Hạ nghị viện và Hội đồng Thượng viện

3.                        Thủ tướng Chính phủ

4.                        Hội đồng Bảo hiến: Tòa án Bảo hiến và Tòa Phá án

 

 

Nhìn lại một quá trình :

Bức tường Bá Linh bị phá sập và khối Liên Sô - Ðông Âu tan rã đã mang lại một niềm hy vọng không cùng cho một phần lớn nhân loại chưa hề biết đến tự do. Nhưng những chuyển biến dân chủ đã không tỏ ra thuận lợi như mong đợi. Các quốc gia cựu cộng sản phần lớn đã phải trải qua một thời kỳ chuyển tiếp dài và khó khăn. Những yếu tố tiêu cực thường được kể như sau:

 

- Sự chuyển đổi toàn diện một cơ chế vận hành về các phương diện kinh tế xã hội.

 

- Yếu tố con người chưa thích nghi với thị trường và những điều kiện căn bản cần phải có để hồi phục nhân phẩm và xác định các giá trị nhân quyền.

 

- Những lãnh tụ chính trị thiếu tầm vóc về kinh nghiệm dân chủ đã dồn những xã hội chuyển tiếp vào bế tắc. Những liên minh cơ hội lỏng lẻo đã được trắc nghiệm bởi tính chất đặc thù của thể chế mới. Không phải những mô thức dân chủ  được biết đến từ trước đến giờ có thể thích nghi được với mọi người, kể cả tầng lớp lãnh đạo mới ở các quốc gia hậu cộng sản.

 

- Một hậu phương dân chủ thiếu tin cậy vì các quốc gia phát triển phương Tây phần lớn tỏ ra bất xứng với những nguyên tắc dân chủ và những giá trị phổ cập của nhân quyền mà họ rao giảng. Trường hợp duy trì chế độ Elsine ở Nga trong tình trạng khủng hoảng toàn bộ xã hội và những áp phe bất chính của cựu Tổng thống Nga và băng đảng cầm quyền trong vụ nhũng lạm khủng khiếp qũi viện trợ FMI mà không hề bị kiểm soát; hoặc thái độ thiếu cương quyết của Tổng thống Bush trước một Poutine đang chà đạp dân chủ và hướng nước Nga trở lại con đường toàn trị Sô Viết cũ. Tổng thống Chirac của Pháp còn đi xa hơn nữa, đem tặng cho Poutine huy chương cao qúi nhất nước Pháp là «Bắc Ðẩu Bội Tinh»  hoặc thái độ vồn vập, chiều lụy vì những lợi ích kinh tế cục bộ đối với Tổng bí thư Trung quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào, các tác giả của «biến cố Thiên An Môn» và chủ trương "diệt chủng văn hoá Tây Tạng" đã là một sự sự sỉ nhục đối với truyền thống nhân đạo và nhân quyền của dân tộc Pháp.

 

Trong tương quan với nhà nước Trung quốc giàu có, các « đối trọng » dù Clinton hay Bush, Shroder hay Merkel, Chirac hoặc Sarkozy thảy đều bị hóa giải bởi triết lý thực dụng của người Tàu vốn là bậc thầy của trò chơi tiền bạc. Các lãnh tụ phương Tây thăm viếng Trung quốc bao giờ cũng được tháp tùng bởi đạo quân đông đảo những chủ nhân ông « siêu liên quốc ». Cho nên những bài thuyết giảng về nhân quyền không có giá trị gì hơn những sáo ngữ để gở thể diện trước khi hỷ hã ký những hợp đồng khổng lồ. Hai chục tỷ Euro bán 160 máy bay Airbus và hai lò phản ứng hạt nhân đời thứ ba mà Tổng thống Sarkozy mang về cho nước Pháp sau chuyến viếng thăm 3 ngày 24-27/11/07 vừa qua là một hy sinh lý tưởng nhân quyền vì một chinh sách ngọai giao thực dụng ; khi nước Pháp phải thừa nhận Đài Loan và Tây Tạng là các tỉnh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ?

 

Chính những yếu tố tiêu cực này đã làm cho "diễn trình sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa" ngừng lại ở các nước CS Á Châu, ở vùng đất mà các giá trị phổ cập của nền dân chủ Tây phương chưa được xác tín hoàn toàn. Ngoài bạo lực, các chế độ chuyên chính vô sản dày dặn kinh nghiệm đã áp đặt được một thứ "ổn định chính trị" trong đầu óc người bị trị vốn sợ hãi những xáo trộn. Ðòn phản công tâm lý này đã tỏ ra có hiệu quả ở các nước vẫn có khuynh hướng bài Tây phương do hoàn cảnh lịch sử như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba.

 

Ở Việt Nam, sự trì trệ của tiến trình dân chủ hoá tỏ ra rõ nét ở các khía cạnh:

·         Sự tự hủy của chế độ CS đã giảm tốc. Khuynh hướng dân chủ - cải cách đã tỏ ra yếu thế trước cánh bảo thủ chuyên chính luôn diển dịch tư tưởng Hồ Chí Minh ở các khía cạnh đạo đức, dân tộc và xã hội chũ nghĩa. Trong khuôn khổ ý thức hệ và kế thừa sự nghiệp của lãnh tụ quá cố, phe cải cách thường lúng túng trong phương cách hành động và nửa vời ở chủ trương tư tưởng nên thường bị đánh bại bởi phe bảo thủ chính thống hơn.

·         Các khuôn mặt dân chủ ngoài Ðảng hoặc thuộc chế độ miền Nam cũ  đã bị trấn áp thẳng tay nhằm ngăn chặn những âm mưu nổi dậy của dân chúng miền Nam chống độc tài CS. Những lãnh tụ chính trị như Nguyển Ðình Huy, Phạm Thái; hoặc những khuôn mặt dân chủ thuộc thế hệ mới như bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, giáo sư Ðoàn Viết Hoạt dù đã hy sinh toàn bộ cuộc đời họ - và của cả gia đình họ vì lý tưởng dân chủ hoá đất nước vẫn bị một vài khuynh hướng  cực đoan hiểu lầm hoặc cố tình không hiểu tâm tư và đường lối tranh đấu của họ.

 

Sự phân hoá của những người dân chủ hải ngoại đã làm cho lực lượng đối kháng với chế độ mỏng ra, yếu đi. Những mủi tấn công do đó không làm nao núng một chế độ đã hầu như mất hết lý lịch và lý do tồn tại, nhưng lại rất nhất trí trong việc bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của một tầng lớp lãnh đạo đảng chuyên chính.

 

Tình trạng phân hoá này cũng không tránh được trong phạm trù tôn giáo, nơi những trung tâm của niềm tin và bảo tồn đạo đức. Biến cố những chữ ký của "Bản Tuyên Bố Ðòi Tự Do Tôn Giáo ở VN" là điều vô cùng đáng tiếc cho một đại cuộc. Những người dân chủ VN nói chung đang nổ lực tối đa để vực dậy một khí thế đòi dân chủ ở một lãnh vực nhạy cảm và thiêng liêng đối với mọi người VN dù thuộc bất kỳ tôn giáo nào. Các bản lên tiếng ủng hộ tuyên cáo của 4 tôn giáo lớn ở VN đã hội tụ lại một niềm tin tưởng tương đối  ở mọi khuynh hướng chính trị, sắc thái xã hội và tuổi tác.

 

- Niềm tin dân chủ hoá đang được hâm nóng lại với «Tuyên Ngôn Dân Chủ 8406» và sự ra đời của «Liên Minh Các Lực Lượng Dân chủ và Nhân Quyền VN» vào tháng 10.2006. Ðổi thay một hệ thống giá trị cho một kỷ nguyên mới có thể xuất hiện, hoặc dân tộc sẽ phải mãi mãi đứng bên lề lịch sử tiến hoá của nhân loại sẽ là một lựa chọn lịch sử.

 

Thiển nghĩ như người xưa, "mọi sự đến chổ cùng sẽ biến", tác giả vẫn có một niềm lạc quan về tương lai mở cửa của các «pháo đài xã hội chủ nghĩa» Trung Quốc và Việt Nam. Niềm lạc quan đó đã được củng cố bằng một dấu hiệu đồng thuận rất rõ nét sau "sự cố" chữ ký của các vị lãnh đạo tinh thần đòi tự do tôn giáo cho VN, trong thực tế đã dẩn đến một Liên Minh Dân Chủ kết hợp được khá nhiều tiếng nói trong và ngoài nước. Niềm lạc quan đó sẽ còn được củng cố hơn nếu những người đối lập dân chủ chứng tỏ được một khả năng suy nghĩ và viễn kiến chính xác về những cơ chế, mô hình, phương thức dân chủ hoá và phát triển đất nước.

 

Quan niệm như thế, người viết đã không ngại kiến thức nông cạn của mình để góp ý kiến triển khai một thể chế dân chủ đa nguyên trong những thao thức về một mẫu dân chủ Việt Nam tương lai mà tướng Trần Ðộ hoặc Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và những nhà tranh đấu cho dân chủ ở trong nước vẫn canh cánh trong lòng.

 

Dù quyết tâm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (CS) của Ban lãnh đạo đảng CSVN hiện tại, các biến đổi lớn và quyết liệt của một thế giới mới toàn cầu  đầu thiên niên kỷ thứ ba sẽ đồng nhất hoá một mô hình phát triển chung cho mọi quốc gia muốn xuôi giòng lịch sử. Một tiền đề như vậy sẽ đòi hỏi một dự phóng tốt nhất cho hướng tiến của đất nước ngày mai. Vấn đề đặt ra không phải là không cấp bách. Hai hướng phát triển của quá trình dân chủ hoá VN phải được tiên liệu:

 

1. Vì mục đích hóa giải chế độ CS toàn trị, tập thể người dân chủ thuộc "thế hệ dở dang" dù có những lý lịch chính trị và màu sắc tôn giáo khác nhau vẫn phải kết hợp thành những xu hướng đối kháng với thế lực chính trị còn mù quáng bám giữ độc quyền chính trị và chế độ tòan trị. Những liên minh giai đoạn sẽ còn ổn vững khi còn nhu cầu đối đầu với  những gánh nặng chuyển tiếp khó khăn. Nhưng chúng sẽ rệu rã dần trong sinh hoạt chính trị tự do của thể chế dân chủ mới, trong lúc các tổ chức áp lực sẽ chiếm lĩnh dần những không gian chính trị then chốt vì họ có những điều kiện thuận lợi để bén rể sâu trong quần chúng do tính chất ngành nghề hoặc màu sắc xã hội riêng biệt. Các tổ chức tôn giáo, xã hội, nghiệp đoàn có khuynh hướng chính trị sẽ làm cho những liên minh ấy tan rã nhanh hơn, ảnh hưởng nặng trên tiến trình xây dựng những cấu trúc dân chủ chưa vững vàng. Những định chế chuyển tiếp do đó phải dự liệu những hướng ổn định tình hình trong ngắn hạn mà quan trọng nhất vẫn là một chế độ chính trị lâm thời hữu hiệu với hành pháp mạnh được ủy quyền rộng rãi, trong thế liên kết chặt chẽ với một nền tư pháp sinh động nhằm thực hiện cho kỳ được việc ổn định tình hình trong thời hạn nhanh chóng nhất. Các hoạt động lập pháp cũng phải thiết lập cho được chiếc khung mẫu của nhà nước pháp trị, cung ứng những qui chế rõ rệt cho những tổ chức đảng phái, hiệp hội chính trị phát triển đúng hướng.

 

2. Cái khó của Nhà nước chuyển tiếp là phải thực hiện được những liệu chứng pháp  có công hiệu tức thời, nhưng cũng nhắm đặt những căn bản khởi phát  một hành trình dân chủ lâu dài. Những viễn kiến chính trị có thể vừa đáp ứng nhu cầu giải quyết cấp thời các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội; vừa điều chỉnh những cơ chế trong dự phóng tu chỉnh hiến pháp, mở đường cho một giai đoạn mới ổn định dân chủ và phát triển kinh tế song hành với công bằng xã hội.

 

Thoát thai từ một chế độ chuyên chính toàn trị đã kềm hãm đất nước trong nhiều thập niên, con đường dân chủ hoá VN sẽ khó nhận dạng và khó đi. Bối cảnh chính trị xã hội  phức tạp  kéo dài sẽ ảnh hưởng không ít  vào niềm tin và ý chí thực hiện dân chủ hóa. Thừa hưởng gia tài rách nát của những giá trị truyền thống đã hầu như tan vỡ trong những bối cảnh thực dân rồi cộng sản, con người Việt Nam đã phân hoá, chia rẽ, nghi kị nhau đến một mức độ đáng ngại. Những giá trị đa nguyên rất khó xác định. Người trong nước có những lý do khá chính đáng xuất phát từ sự biến thái của nền dân chủ Tây phương để nghi ngại nó, dù trong thâm sâu họ vẫn  mơ ước sự giải phóng và tự do. Người Việt hải ngoại đang sống trong những môi trường đa nguyên thuận lợi lại không chứng tỏ được sức thuyết phục của lý tưởng này trong  thực tế hành động của họ. Sự thể hiện đa nguyên giữa những con người tự nhận là dân chủ với nhau khá tiêu cực. Ða nguyên chỉ có nghĩa là sự khác biệt về những quyền lợi bản vị manh mún. Xã hội VN truyền thống đã đánh mất trong quá trình suy thoái của nó tính đồng nguyên về những quyền lợi tối thượng của dân tộc nói chung, cao hơn bản sắc cục bộ của tôn giáo hay sắc tộc. Con đường dân chủ hoá của  Việt Nam trong tương lai có thể là sự hội tụ khó khăn những đa nguyên quyền lợi chi phối mạnh những xã hội công dân riêng lẽ. Một giá trị đồng thuận có khả năng  kết hợp được những khác biệt mới là chiếc chìa khóa mở cánh cửa dân chủ thật sự. Những  bước đi vững chắc phải được thực hiện tuần tự tương ứng với từng giai đoạn xã hội với những bối cảnh riêng. Tuyệt đối tránh ảo tưởng phổ quát của nền dân chủ chưa hòan chỉnh của phương Tây, hoặc sự cóp nhặt thiếu suy nghĩ về những mô hình có sẳn. Một nền dân chủ đích thực cho một đất nước chỉ xuất hiện từ những hiện thực rất khách quan của mỗi dân tộc.

 

Hai giai đoạn lớn của tiến trình xây dựng ấy có thể được phân tích như sau :

 

A. THỜI KỲ TIỀN DÂN CHỦ:

Vào thời điểm này, các khuynh hướng chính trị, kinh tế và xã hội sẽ nở rộ dưới nhiều hình thức và sắc thái khác nhau, nhưng đa số chưa định hình được một hướng đi rõ rệt vì những chương trình hành động chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn xuất phát từ những quyền lợi nhất thời và mục đích tranh thắng phiếu bầu. Phía cử tri lại chưa quen với dân chủ và các thể lệ bầu cử, thường sợ sệt trước những áp lực hù dọa hoặc bị rỉ tai tuyên truyền lệch lạc. Trong bối cảnh đó, một Quốc Hội Lập Hiến chỉ có thể mang tính chất đại diện tương đối cho những khuynh hướng chính trị nổi bật hoặc các đặc tính tôn giáo, sắc tộc, văn hoá đặc thù của các địa phương mà thôi. Việc tổ chức bầu cử cũng nên giản dị để dể dàng hoá việc kiểm soát, bảo đảm tính trong sạch của cuộc bầu cử. Thể thức thích hợp nhất là bầu theo "danh sách đóng", cử tri phải chọn toàn bộ một danh sách. Ðơn vị bầu cử là cấp Tỉnh trên căn bản 200000 dân chọn một dân biểu, vì nền hành chánh tỉnh thường được tổ chức chặt chẽ (truyền thống hành chánh thời VN Cộng Hòa cũng như dưới chế độ Cộng Hòa XHCNVN đều lấy Tỉnh làm đơn vị căn bản của nền hành chánh địa phương, vì những đặc trưng mạnh về truyền thống thường tập trung trong phạm trù một tỉnh).

·         Tỉnh nhỏ nhất có 230000 dân chẳng hạn sẽ được bầu một dân biểu. Trường hợp này mỗi đảng hoặc liên minh chỉ cử một ứng cử viên chính thức và một dự khuyết.

·         Các tỉnh có 2 ghế trở lên  được bầu theo "danh sách đóng"; nghĩa là cử tri chỉ có quyền chọn danh sách A, B hoặc D hoặc E của các đảng, tổ chức hay liên minh chính trị. Danh sách này đã ghi sẳn tên số ứng viên chính thức tương đương với số ghế được chia +1 ứng cử viên dự khuyết nếu đơn vị bầu cử dưới 3 ghế và +2 nếu đơn vị bầu cử có từ 4 ghế trở lên.

·         Các thành phố lớn dân số đông như Sài Gòn - Chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng có thể chia thành nhiều đơn vị bầu cử.

Thể thức bầu cử này vừa tương đối giản dị vừa mang tính tranh đua quyết liệt vì chỉ có độc nhất một danh sách được chọn. Do đó các khuynh hướng chính trị hoặc đảng nhỏ sẽ tìm cách liên minh với nhau, đặc biệt với những khuynh hướng tôn giáo hoặc sắc tộc để hy vọng tranh thắng với các đảng hoặc tổ chức chính trị có tầm vóc lớn và ảnh hưởng mạnh tại địa phương.

 

Nhiệm vụ chính yếu của Quốc Hội Lập Hiến như tên gọi là soạn thảo một bản hiến pháp đúng đắn, xác hợp với tình hình quốc gia, đáp ứng được thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; đồng thời phải dự phóng được một tương lai phát triển song hành với sự hoàn thiện dân chủ. Việc dự liệu một thể chế chính trị cho tương lai cũng như những định chế tổ chức nhà nước và nền hành chánh công quyền, đặc biệt là công tác chỉnh trang lãnh thổ và phân vùng phù hợp với nhu cầu phát triển phải được tiên liệu đầy đủ.

 

Sau khi Hiến Pháp được ban hành, Quốc Hội này có thể được lưu nhiệm tùy hoàn cảnh, biến thành một Quốc Hội Lập Pháp trong một thời gian vừa đủ để có thể ban hành những luật căn bản, những biên chế pháp (loi organique) hiện thực hoá những đường hướng lớn do Quốc Hội Lập Hiến là tiền thân của nó đã vạch ra.

 

B. THỜI KỲ DÂN CHỦ CHUYỂN TIẾP :

Dựa vào kinh nghiệm dân chủ hoá ở các quốc gia Nam Mỹ, Ðông Âu và Nga, tác giả cho rằng thể chế chính trị xét ra thích hợp nhất cho giai đoạn phức tạp xuất phát từ những chuyển đổi xã hội sâu sắc là chế độ bán tổng thống - bán đại nghị trong đó vị Nguyên Thủ Quốc Gia được toàn dân  trực tiếp bầu ra sẽ đại diện cho sự thống nhất dân tộc. Với vai trò trọng tài, vị Tổng thống dân cử sẽ có đủ tất cả uy tín và quyền hành cần thiết để  đối phó hữu hiệu với những đột biến của tình hình.

 

Bên cạnh đó một Quốc Hội cũng do dân bầu trực tiếp từ hầu hết các khuynh hướng chính trị quốc gia sẽ đại diện trực tiếp cho ý chí chung của quần chúng trong các hoạt động lập pháp xây dựng chế độ dân chủ pháp trị nói chung và đưa ra những đường hướng chính tổ chức lại nền hành chánh quốc gia xác hợp với những con đường đi đúng và hữu hiệu nhất  sớm đưa quốc gia đến chổ giàu mạnh. Cũng do cơ chế bán đại nghị này, lãnh tụ của đảng đa số hoặc liên minh đa số trong Quốc hội sẽ trở thành Thủ tướng Chính Phủ, thi hành đường lối chính sách của Quốc Hội. Dù trên nguyên tắc vị Thủ tướng phụ tá hành pháp được Tổng thống bổ nhiệm và bải chức, nhưng các hành động này phải tuân theo những qui định chặt chẽ của hiến pháp. Trong cơ chế đại ngh Thủ tướng là người có thực quyền hành chánh, và cả chính trị. Nếu Tổng thống chịu trách nhiệm Hành Pháp trước toàn dân để chủ tọa Hội Ðồng Nội Các thì Thủ tướng là người thực thi ý nguyện quần chúng thông qua những đường hướng lớn của Quốc Hội. Thủ tướng do đó là người thực sự cai quản đất nước và chịu trách nhiệm trước Quốc Hội.

      

Một bản hiến pháp khả thi và khả dụng ngoài tính chất trong sáng, chính xác còn phải thích hợp với những điều kiện hiện hữu của đời sống chính trị và bối cảnh xã hội của một quốc gia, được soạn thảo trong tinh thần đồng thuận của những nhà lập hiến có khả năng viễn kiến. Hiến pháp đó trước tiên bảo đảm cho dân chúng những quyền căn bản nhất về nhân phẩm, tự do, phát triển. Nó cũng phải tạo cơ hội cho những người con ưu tú của dân tộc dấn thân phục vụ đất nước và dân chủ. Nó phải có đủ những liệu pháp để ngăn chặn những khuynh hướng độc tài cá nhân hoặc đảng phái; đồng thời khai mở dần hướng đi về trật tự dân chủ tự do.

      

Trong tinh thần đó, những định chế căn bản cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị VN có thể dự liệu như sau:

 

B1. Tổng thống :

Trên danh nghĩa Quốc trưởng, Tổng thống đại diện cho sự thống nhất đất nước với thẩm quyền toàn vẹn lãnh thổ. Tổng thống đóng vai trò trọng tài quốc gia và chịu trách nhiệm trước toàn dân đã trực tiếp bầu ra mình.

 

- Tổng thống có quyền gởi thông điệp đến Quốc Hội dân cử về những tình trạng đặc biệt của đất nước. Tổng thống cũng có quyền triệu tập các cuộc trưng cầu dân ý trong các trường hợp khủng hoảng chính trị hoặc bất đồng ý kiến với Quốc Hội về những vấn đề hoặc đường hướng lớn của quốc gia.

 

- Tổng thống ban hành Luật pháp. Ở cương vị hành pháp Tổng thống cho phép Chính Phủ đệ nạp những dự án luật trước Quốc Hội. Trong trường hợp cần thiết qui định bởi hiến pháp, Tổng thống có quyền ra Sắc Luật hoặc Dụ có giá trị như Luật.

 

- Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng Chính Phủ trong phe đa số ở Quốc Hội và qua nhân vật này, bổ nhiệm các bộ trưởng. Tổng thống cũng có quyền bãi chức Thủ tướng và từ đó giải nhiệm Nội Các trong những trường hợp và điều kiện do hiến pháp qui định.

 

- Tổng thống bổ nhiệm các trưởng nhiệm sở ngoại giao, tiếp nhận các đại sứ và ủy nhiệm thư; có quyền ký kết và phê chuẩn các hiệp ước quốc tế.

 

- Tổng thống bổ nhiệm và bãi chức các chức việc cao cấp hành chánh và quân đội chiếu đề nghị của Thủ tướng Chính Phủ.

 

- Tổng thống chủ tọa Hội Ðồng Nội Các và trách nhiệm các đường lối đối ngoại. Về những vấn đề quốc nội, Tổng thống vạch ra những đường hướng chính cho Thủ tướng thỏa hiệp với Quốc hội thi hành.

 

- Tổng thống là Tổng Tư Lệnh Quân đội, chủ toạ Hội Ðồng An ninh-Quốc phòng.

 

- Tổng thống có quyền giải tán Quốc Hội với sự đồng ý của Thủ tướng và ý kiến thuận của các Chủ tịch Hội Ðồng Thượng Viện và Hạ Viện, trong những trường hợp và thủ tục do luật pháp qui định.

 

- Nhằm tăng cường một hành pháp mạnh và đồng nhất, các sắc luật, dụ và sắc lệnh chỉ có giá trị nếu được Thủ tướng Chính phủ phó thự.

 

 

B2. Quốc Hội lưởng viện :

B2a. Hạ Nghị Viện: Bao gồm một  tổng số khoảng 560 dân biểu trên căn bản 150 000 dân có quyền cử một người đại diện. Ðơn vị bầu cử lấy các đơn vị liên xã làm căn bản. Số dân còn lại  của tỉnh nếu vượt quá bán (75 000) sẽ có thêm một dân biểu.

 

Phân nửa tổng số dân biểu được bầu theo thể thức trực tiếp đơn danh. Nửa còn lại chia cho các đảng phái tham dự theo tỉ lệ nếu có số phiếu đạt được trên 5% tổng số phiếu bầu hợp lệ trên toàn quốc (do các ứng cử viên đại diện cho đảng dành được, hoặc tổng số phiếu bầu cho đảng).

      

Nguyên tắc bầu cử kép như sau: Khi vào phòng phiếu cử tri sẽ chọn ứng cử viên đơn danh bỏ vào phong bì. Sau đó chọn tiếp phiếu bầu cho một đảng phái hoặc liên minh chính trị (có in sẳn danh sách nhiều ứng cử viên đảng thuộc vùng theo thứ tự) bỏ vào một phong bì thứ hai khác màu.

    

Thí dụ: Trong vòng bầu cử đơn danh, đảng C dành được 12 trên 280 ghế trên toàn quốc (4,29%), nhưng số phiếu bầu cho đảng đạt 5,02%. Trong vòng hai (bổ túc) ở Vùng Tây Nguyên đảng C thu được 230000 phiếu bầu (trong lúc Liên Minh A được 390000 phiếu, Liên Minh B thu 250000 phiếu, Ðảng D được 70000 phiếu và Danh Sách E về chót với 60000 phiếu bầu).

       

Ðể tính số ghế chia cho các Ðảng và Liên Minh, trước hết phải định thương số tuyển cử, lấy tổng số phiếu bầu chia cho số ghế qui định (1000000:10=100000). Tiếp đó lấy số phiếu các liên minh, đảng phái thu đươc chia cho thương số này, ta sẽ có số ghế cho từng danh sách. Nhưng thông thường số ghế không chia hết vì luôn có số phiếu dư không tính. Nếu muốn nâng đở các đảng nhỏ ta dùng phương pháp "số dư lớn nhất", kết quả sẽ là : L/M A: 3+1 ghế (dư 90000 ph.), L/M B: 2 ghế (dư 50000 ph), Ðảng C: 2 ghế (dư 30000 ph), Ðảng D: 0+1 ghế (dư 70000 ph), D/S E: 0+1 ghế (dư 60000 ph).

     

Nhưng nếu muốn tăng cường các đảng hay tập hợp lớn, ta có thể dùng phương pháp chia ghế dư theo phương pháp "số dư trung bình cao nhất" (cách tính rất phức tạp), hoặc phương pháp D'Hondt (thường được dùng trong các cuộc bầu cử theo danh sách ở Bỉ, Ý và Tây Ban Nha) để tìm số ghế chia cho các danh sách ở vùng Tây Nguyên như sau:

 

B2a1.-  lấy số phiếu đạt được của từng danh sách lần lược chia cho 1,2,3,...

         L/M A       L/M B         Ðảng C        Ðảng D        D/Sách E

1       390000     250000         230000        70000            60000

2       195000     125000        115000         35000            30000

3       130000       83330         76660          23330            20000

4         97500       62500         57500          17500            15000

5         78000       50000         46000          14000            12000

 

B2a2.-  do số ghế bổ túc là 10 ta lần lượt xếp các con số từ 390000 (cao nhất) xuống 250000, 230000, 195000, 130000, 125000, 115000, 97500, 83330 và 78000. Thương số thứ mười này (78000) được gọi là số phân phối  dùng để tính số ghế chia cho các Ðảng và Liên Minh ở vòng bổ túc.

 

Kết qủa sẽ như sau:

- Liên Minh A     390000 : 78000     =      5 ghế      

- Liên Minh B     250000  : 78000    =      3 ghế      

- Ðảng C            230000  : 78000    =      2 ghế      

- Ðảng D              70000  : 78000    =      0 ghế      

- Danh Sách E      60000  : 78000   =      0 ghế      

      

Phương thức bầu bổ túc theo tỉ lệ này sẽ hợp lý hoá sự hiện hữu của các tổ chức đảng phái, phong trào, tổ chức chính trị (thường chỉ mạnh ở một địa phương nào đó trong thời kỳ đầu mới thành lập) giúp họ có tiếng nói đồng đều ở Quốc Hội. Ngoài ra, để có thể có hy vọng dành được một vài ghế biểu tượng, các đảng và tổ chức nhỏ sẽ có khuynh hướng liên minh, tập hợp tiếng nói và các phương tiện tranh cử với các đảng phái lớn hơn; làm dể dàng khuynh hướng tự đào thải các đảng manh mún, quá nhỏ, cục bộ trong thời kỳ đầu chuyển tiếp dân chủ.

 

Về phương diện tổ chức, cuộc bầu cử các dân biểu quốc hội gồm 2 cấp:

 

Ủy Ban Bầu cử Trung ương:

- Soạn thảo và ban hành kế hoạch bầu cử, phân phân phối số ghế đơn danh và số ghế bổ túc cho các Vùng, theo tỉ lệ cử tri vùng so với tổng số cử tri toàn quốc.

 

- Bổ nhiệm ban bầu cử Vùng, đôn đốc và kiểm soát tiến trình và kết quả bầu cử.

 

- Giải quyết các khiếu nại tại các đơn vị bầu cử căn cứ trên biên bản của ban bầu cử vùng.

 

- Trong trường hợp sự việc gian lận, thiếu vô tư hoặc tổ chức bầu cử thiếu sót tại đơn vị được kiểm chứng, cuộc bầu cử liên hệ sẽ được hủy bỏ, và sẽ được tổ chức lại trong thời hạn sớm nhất  (việc chia ghế bổ túc cho các  Ðảng phái và Liên Minh do đó phải chờ kết quả của đơn vị bầu lại mới quyết định được).

 

- Tuyên bố kết quả bầu cử trên toàn quốc.

 

Ban Bầu cử Vùng : do Hội Ðồng Vùng đề nghị trong khuôn khổ luật lệ bầu cử do Trung Ương ban hành; có nhiệm vụ giúp tổ chức, theo dõi và kiểm soát các cuộc bầu cử tại các đơn vị bầu cử nằm trong hoạt vực Vùng.

 

- Dân biểu có nhiệm kỳ ba năm. Tư cách dân biểu bất khả kiêm nhiệm với các nhiệm vụ công cử hoặc dân cử khác, ngoại trừ trường hợp đại diện Quốc Hội tham gia Hội Ðồng Phát triển Quốc gia. Trong trường hợp được chọn tham gia Chính phủ hoặc giữ những nhiệm vụ quan trọng khác trong các cơ cấu hành pháp hoặc tư pháp, dân biểu dự khuyết sẽ thay chổ.

 

- Dân biểu được hưởng tư cách bất khả xâm phạm, không bị truy nã, bắt bớ, giam giữ hay xét xử vì quan điểm phát biểu hoặc quyết định bỏ phiếu trong khi hành xử nhiệm vụ dân biểu của họ. Suốt trong thời gian khoá họp quốc hội, dân biểu chỉ bị truy nã bắt giữ với sự cho phép của Quốc Hội do vi phạm các tội đại hình hoặc tiểu hình, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp. Ngoài  khoá họp, một dân biểu chỉ bị bắt giử với sự đồng ý của Văn phòng Thường trực Quốc Hội nếu không ở trường hợp quả tang phạm pháp, bị án truy nã hay án chung thẩm.

 

- Ngoài các khoá họp thường kỳ và bất thường dự liệu bởi biên chế pháp, Thủ tướng Chính Phủ  hoặc đa số quá bán tổng số dân biểu có quyền yêu cầu triệu tập những phiên họp đặc biệt trong những điều kiện và thời hạn do luật qui định.

 

- Trong trường hợp bất đồng ý kiến với Tổng thống về các dự án luật đi đến chổ bế tắc, hoặc có tranh cải về các vấn đề cai trị, Quốc Hội với sự thỏa thuận của Hội Ðồng Thượng Viện có thể đưa vấn đề ra trước Hội Ðồng Bảo Hiến cứu xét khiá cạnh hợp hiến hay không của dự luật hay hành vi tranh cải.

 

- Trong trường hợp bội phản của Tổng thống hoặc do hành vi công hoặc tư vụ gây phương hại nghiêm trọng cho quyền lợi quốc gia, Quốc Hội với túc số 3/4 có thể đề nghị Hội Ðồng Thượng Viện thông qua (với túc số quá bán) quyết định truy tố Tổng thống trước Toà Án Ðặc Biệt thiết lập ở lưởng viện Quốc Hội với thể thức và tổ chức qui định bởi hiến pháp. Án quyết có tội mặc nhiên đưa đến sự bãi chức Tổng thống và cuộc bầu cử bổ túc phải được tổ chức trong vòng hai tháng sau khi có án quyết.

    

Trong trường hợp bất khả thi hành nhiệm vụ Tổng thống vì lý do tai nạn, bệnh tật Quốc Hội lưởng viện phải triệu tập khoáng đại hội nghị và thông qua quyết định miễn nhiệm của Tổng thống nếu hội đủ túc số 3/4. Thủ tục bầu cử bổ túc như trường hợp bãi nhiệm nói trên.

 

B2b. Hội đồng Thượng Viện : Danh xưng “Hội đồng” mang một ý nghĩa đặc biệt của giai đọan chuyển tiếp khi định chế lớn này còn đóng vai trò cần thiết của một “Viện trên” của cơ chế lập pháp hổ trợ cho Hạ nghị viện làm luật phù hợp với ý nguyện của quần chúng; đồng thời tư vấn cho Hành pháp trên các vấn đề đối ngọai phù hợp với truyền thống, thực trạng dân tộc và giám sát nền hành chánh công trong các vấn đề nội trị để quần chúng có thể được phục vụ hữu hiệu nhất.

    

Hội đồng bao gồm những thượng nghị sĩ đại diện cho các Vùng. Ðơn vị bầu cử là vùng, theo thể thức liên danh của tất cả các khuynh hướng chính trị, tôn giáo, sắc tộc, hội đoàn, thân hào nhân sĩ có tổ chức cơ sở và họat  động trong Vùng.

   

Các thượng nghị sĩ được bầu bởi cử tri đòan bao gồm các nghị viên Hội đồng Vùng, Tỉnh, Xã, các nhân viên trong biên chế của các Ủy ban Hành chánh liên hệ, Ban trị sự Ấp (thôn, làng) và 2 thân hào nhân sĩ đại diện cho cử tri ở mỗi ấp, do Trưởng ấp thỏa hiệp với thôn dân đề nghị vào danh sách đòan đại cử tri.

·         Hội Ðồng Thượng Viện có tổng số thượng nghị sĩ bằng 1/3 tổng số dân biểu Hạ nghị viện (khoảng 188 vị) chia đều cho các vùng theo tỉ lệ dân số.

·         Nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ là 4 năm.

·         Hội Ðồng Thượng Viện họp các phiên thường lệ 3 tháng một lần. Các khoá họp không kéo dài quá 10 ngày. Hội Ðồng có thể được triệu tập bất thường bởi Chủ tịch Thượng Viện theo đề nghị của Tổng thống, Chủ tịch Hạ Nghị Viện hay quá bán tổng số thượng nghị sĩ đề nghị.

·         Các thượng nghị sĩ không hưởng lương ngoại trừ Văn phòng thường trực Thượng Viện, bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch Thượng Viện và các Chủ tịch và ủy viên thường vụ các Ủy ban Ngọai giao, Tư Pháp- Định chế, Sắc tộc, Văn hóa-Giáo dục-Xã hội-Lao động, Quốc phòng-Nội vụ, Kinh tế-Tài chánh và Khoa học-Kỷ thuật... Tuy nhiên các Thượng nghị sĩ  được hưởng khỏan thù lao đặc biệt suốt trong các khóa họp thường lệ và bất thường cọng thêm các quyền lợi về di chuyển, cư trú khác qui định bởi biên chế pháp. Một bồi khỏan cho Văn phòng điều hành của Thượng nghị sĩ ở địa phương do Vùng đài thọ.

·         Hội đồng Thượng viện biểu quyết các dự luật (projet de loi) của chính phủ đã được Hạ Nghị viện thông qua và các dự thảo luật - proposition de loi của các dân biểu (Ở Pháp, các thượng nghị sĩ cũng có quyền đưa ra sáng kiến dự thảo luật, nhưng thực tế không nhiều). Về các vấn đề liên quan đặc biệt đến đời sống và sự phát triển bền vững của xã hội dân sự, nếu cần các Ủy ban chuyên trách có thể xúc tiến các cuộc nghiên cứu, điều tra sâu rộng để hoặc đề nghị tu chính hoặc đồng ý thông qua. Trong trường hợp biểu quyết của Thượng viện khác với Hạ viện, một Ủy ban hổn hợp gồm số Thượng nghị sĩ và dân biểu ngang nhau sẽ thảo luận tìm một thỏa hiệp tương thuận. Nếu không đồng ý, dự luật sẽ chuyển hòan lại Hạ nghị viện thảo luận và biểu quyết thành luật.

·         Hội Ðồng Thượng Viện tham vấn cho Hành Pháp về các vấn đề lớn của quốc gia, các hiệp ước quốc tế, đề nghị chiến tranh hay hoà bình, tình trạng khẩn trương...

·         Ủy ban Tư pháp-Định chế trách nhiệm cứu xét tiên khởi các khiếu nại về những phán quyết của Tòa án thường tụng bị nghi ngờ không hợp hiến, kết luận về tính chính đáng hay không của khiếu nại để quyết định hoặc chuyển lên Tòa Án Bảo hiến hoặc bác khước và chuyển hòan khiếu nại. Về các khiếu tố liên quan đến các hành vi hành chánh của các cơ quan công quyền, Ủy ban nghiên cứu chuyển hồ sơ đến các Toà Án Hành Chánh liên hệ xét xử.

·         Mỗi cuối năm Hội Ðồng Thượng Viện thông qua bản đúc kết về tình trạng thi hành dân chủ, nhân quyền và công vụ của các cơ quan nhà nước, đề nghị những biện pháp cải thiện.

·         Chủ tịch Hội dồng Thượng viện xử lý chức vụ Tổng thống trong trường hợp vắng mặt của viên chức này trong trường hợp công du, bệnh tật, hoặc bị bãi nhiệm hay bãi miễn chờ tổ chức bầu Tổng thống mới.

 

B3.- Thủ tướng Chính Phủ :

Là  lãnh tụ của phe đa số ở Quốc Hội, nhân vật này thể hiện đường lối chính trị của Ðảng đa số trong việc quản trị đất nước.

 

Trong giai đoạn chuyển tiếp, các đảng phái chưa được xây dựng và tổ chức đúng mức để có thể đảm đương nhiệm vụ điều khiển quốc gia, thường phải tìm kiếm một thế liên minh với các đảng phái khác thành lập phe đa số ở Quốc Hội. Liên Minh này chắc chắn có tính chất hời hợt, giai đoạn. Theo đó uy thế của Thủ tướng cũng trở thành trôi nổi, không ổn định. Vì thế sống còn của chính phủ, vị thủ lãnh chính trị đa số phải tìm kiếm thêm những nguồn yểm trợ khác từ các giáo hội, thủ lãnh nghiệp đoàn, các hội đoàn áp lực chính trị... để có thể thi hành chính sách của mình. Một chính phủ thiếu ổn vững hoặc vị Thủ tướng không đủ mạnh không do tính nguyên tắc của cơ chế đại nghị mà đến từ vấn đề thực lực các đảng phái chính trị đã suy yếu đi vì nguyên tắc tổ chức không đáp ứng được nhu cầu chính trị ngày càng phức tạp trong thời đại mới. Trong khung cảnh chuyển tiếp, thế lực các nhóm quyền lợi và áp lực luôn luôn mạnh hơn các đảng phái. Do đó, Nội Các và Thủ tướng thuộc đảng lớn nhất có thể trở thành mong manh về phương diện chính trị trước những khuynh hướng luôn chuyển đổi ở Quốc Hội theo những đề tài thời sự, hoặc theo quyền lợi nhất thời của các thành viên Liên Minh hoặc Liên Hiệp. Tùy khả năng cá nhân, người trách nhiệm chính phủ có thể tìm kiếm thêm sự hậu thuẩn của các nhóm quyền lợi và áp lực đại diện cho xã hội dân sự vì nhu cầu ổn định cần thiết. Tuy nhiên những thỏa hiệp đó phải nhằm mục đích phục vụ cho công ích của quần chúng xã hội nhiều hơn là quyền lợi riêng tư phe nhóm. Thực tế chính trị vẫn cho thấy là hầu hết các đối tác chính trị - xã hội thường đặt nặng quyền lợi cục bộ trên những nghĩa vụ đối với quốc gia và lợi ích công cọng của xã hội.

    

Vai trò của Thủ tướng rất quan trọng trong giai đoạn này. Một mặt Thủ tướng hiện thực hoá những quyền hành hiến định của cơ chế đại nghị, đồng thời biểu dương tư cách lãnh đạo của mình từ những thực lực chính trị kết hợp được. Tuy nhiên quyền hành xử của vị Thủ tướng thường rất tế nhị trước một Tổng thống dân cử trực tiếp.

·         Với vai trò Chủ tịch Hội Ðồng Phát Triển Quốc Gia, Thủ tướng chịu trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành nền hành chánh công quyền ở đầu nảo Trung Ương trong các chính sách hợp tác chặt chẽ với các Vùng nhằm phát triển toàn bộ quốc gia trong mọi lãnh vực, định đường lối giúp đở các Vùng phát triển đồng đều trong tinh thần tương trợ đoàn kết quốc gia.

·         Thủ tướng cũng sẽ là người đóng vai trò điều hợp quan trọng nhất  trong việc thực hiện các quốc sách thông qua những đạo luật chuyển qua Quốc Hội từ các Bộ chuyên môn. Các vấn đề cấp bách của xã hội chuyển tiếp có được giải quyết hữu hiệu và kịp thời hay không nằm ở vấn đề then chốt là các thủ tục lập pháp có được quyết định thỏa đáng, có bổ túc hoàn thiện trong thời hạn thảo luận và được biểu quyết trong những điều kiện tốt đẹp nhất?

·         Ở vai trò trung tâm của các tương quan quyền lực giữa Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, Thủ tướng Chính Phủ sẽ là người trách nhiệm cao nhất về sự thành công hay thất bại của các định chế chuyển tiếp.

 

B4. Hội Ðồng Bảo Hiến :

Là cơ quan tối cao bảo vệ nền dân chủ tự do non trẻ, củng cố những thể chế hiến định; cùng  lúc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật thể hiện được những nguyên tắc của nền dân chủ pháp trị, Hội Ðồng Bảo Hiến phải hội đủ những tư cách độc lập hẳn với các tổ chức chính trị, với hành pháp và lập pháp.

·         Hội Ðồng có thể bao gồm 14 thành viên trong đó 3 vị do Tổng thống chỉ định, 3 do Hạ Nghị Viện và 3 do Hội Ðồng Thượng Viện đề cử. Năm vị còn lại do Hội Ðồng Thẩm phán tối cao chọn lựa chiếu đề nghị của thẩm phán đoàn (2 thẩm phán xử án, 2 thẩm phán công tố) và luật sư đoàn (1 vị). Các thành viên chỉ định hay đề cử bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng về luật hiến pháp và công luật, xuất thân từ các giáo sư, thẩm phán cao cấp hay luật sư dày kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu hoặc dân cử đã đóng góp thành tích rực rỡ cho các hoạt động lập hiến và lập pháp.

·         Ðể bảo đảm tính chất trung thực và độc lập với các định chế đã bầu ra hay các tổ chức chính trị mà họ trực thuộc, các thành viên của Hội Ðồng Bảo Hiến được hưởng những qui chế đặc biệt về lương bổng và các tiện nghi phụ thuộc, đứng ngoài luật pháp (chỉ chịu sự xét xử của Toà Án Tối cao Ðặc biệt như Tổng thống, Thủ tướng và các Chủ tịch Hạ Viện và H Ð Thượng Viện trong trường hợp vi phạm luật pháp vì công vụ hay hành vi cá nhân). Nhiệm kỳ của họ được ấn định là 8 năm không gia hạn. Trường hợp mệnh một hoặc bị truất quyền, định chế chỉ định hay đề cử hội viên liên hệ có nhiệm vụ cử người thay thế. Các tân hội viên này mãn nhiệm đồng thời với Hội Ðồng. Chủ tịch Hội Ðồng được bầu trong phiên họp đầu tiên. Chủ tịch đề nghị Hội đồng cử nhiệm các Chánh Nhất và Phụ Thẩm các Tòa Án Bảo Hiến và Tòa Phá Án trong số hội viên của Hội đồng.

 

B4a. Tòa Án Bảo Hiến  xét xử những tranh tụng về tính chất hợp hiến hay không của  của các phán quyết, luật lệ, quyết định hành chánh... theo các trường hợp sau đây :

·         Cá nhân các công dân có thể tranh tụng về tính chất hợp hiến của một phán quyết do một toà án thường tụng tuyên bố, theo thể thức do luật pháp qui định thông qua Ủy Ban tiền cứu xét của HÐ Thượng Viện. Chỉ có những tranh tụng hợp lệ và chính đáng mới được chuyển lên Toà Án Bảo Hiến xét xử.

·         Các tổ chức chính trị, hiệp hội, nghiệp đoàn có tầm vóc quốc gia có quyền khiếu tố thẳng lên Tòa Án Bảo hiến những đạo luật, quyết định được xem là vi hiến.

·         Tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Dân biểu, Thượng nghị sĩ và các thành viên khác của Hội Ðồng Thẩm phán Tối cao với tư cách cá nhân có thể khiếu tố thẳng lên Tòa Án Bảo hiến về tính chất bất hợp hiến phát hiện được trong lúc thừa hành nhiệm vụ.

·         Trong trường hợp có tranh chấp hay bất đồng ý về tính chất hợp hiến hay không của các đường lối chính sách quốc gia giữa các cơ chế hiến định, Hành Pháp và Lập Pháp; hoặc giữa Tổng thống và Thủ tướng trên phương diện thực hiện những quốc sách chẳng hạn, Hội Ðồng Bảo Hiến sẽ triệu tập những phiên họp khoáng đại cứu xét. Trong trường hợp Hội đồng tuyên bố vô thẩm quyền, sẽ đề nghị Tổng thống tổ chức trưng cầu dân ý.

·         Với tư cách là định chế tối cao bảo vệ và phát triển dân chủ, Hội Ðồng Bảo Hiến ngoài thẩm quyền xét xử còn có nhiệm vụ giải thích hiến pháp ở những điều khoản không được rõ ràng, minh bạch.

 

B4b. Tòa Phá Án  có nhiệm vụ ban hành những án lệ với mục đích hoàn thiện luật pháp quốc gia.

·         Toà Phá Án xử chung thẩm, trong một lần duy nhất các kháng án do các Tòa Thượng Thẩm chuyển lên. Nhằm mục đích làm sáng tỏ luật pháp, các phán quyết của Tòa Phá Án phải giải thích rõ ràng những lý do chấp thuận hay bác khước các quyết định của Tòa Thượng Thẩm. Trong những trường hợp đặc biệt và có tính chất điển hình của vụ án, Toà Phá Án ban hành những án lệ bổ túc các pháp chế liên hệ.

·         Trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị còn tồn tại những vấn đề pháp luật tế nhị, khi mà những thay đổi đến tận gốc rể xã hội với vô vàn những vấn đề mới nảy sinh, Tòa Phá Án còn có nhiệm vụ theo dõi sự vận hành nhanh chóng đúng qui lệ của các tòa án và các thủ tục pháp lý nói chung.

·         Việc thống thuộc Hội Ðồng Bảo hiến và những thẩm quyền đặc biệt tạm thời này của Tòa Phá Án nhắm mục đích xét xử kịp thời những tội phạm và những tệ nạn tiêu cực nảy sinh trong lúc giao thời. Tính răn đe, ngăn chặn này phải đi kèm với mục đích tinh yếu khác của luật pháp là giáo dục, phổ biến luật pháp sâu rộng trong quần chúng, gây dựng tinh thần trọng pháp. Khi mọi người đều hiểu luật và biết rõ cái giá của những trừng phạt, tệ nạn xã hội và những tội phạm sẽ giảm bớt.

 

 

- Hết Chương IX –

 

Xem tiếp Chương X :

Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.