Về một
NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
Lê Minh Văn
Phần I : QUAN ÐIỂM
Chương 1: Nền văn hoá chính trị Việt Nam - Khổng Giáo và
Trung Quốc
A.
Khi nước Tàu thức giấc
A1. Khổng giáo, nghệ thuật cai trị
A2. Cách mạng Trung Hoa và nước Tàu hai mặt, hai
tốc độ
A3. Chủ nghiã xã hội với màu sắc truyền thống TH
B. Khẳng lập một nền văn hoá chính trị mới cho VN
B1. Cấu trúc xã hội và con người VN
B2. Sắc thái tôn giáo-văn hoá-xã hội đặc thù VN
B3. Ðịnh hướng sinh tồn cho VN
B4. Văn hoá chính trị Việt Nam trong tương quan
với Trung Quốc và Khổng Giáo
C.
Xây dựng một nền giáo dục thích hợp cho dân chủ hoá
C. XÂY DỰNG MỘT NỀN GIÁO DỤC THÍCH HỢP CHO DÂN CHỦ
HÓA :
Con người Việt Nam trước hết phải có ý thức
về nhân quyền, từ đó có thể nảy sinh ý thức cá nhân hoá về quyền
tư tưởng và phát biểu. Một cộng đồng công dân hiểu biết và ý
thức được vai trò chính trị của mình luôn là nền móng căn bản
của nền dân chủ.
Nơi một nền dân chủ phôi thai, vai trò giáo
dục trở thành quan trọng. Giáo dục học đường, giáo dục công dân
sẽ làm xuất hiện những con người mẫu mực làm hạt nhân phát triển
ý thức dân chủ, từ đó củng cố, kiện toàn dần những kiến trúc
dân chủ ở phần trên.
Trong khung cảnh văn hoá VN những giá trị đặc
thù có thể phát huy khả năng điều hướng; giữa nhu cầu xã hội của
con người tiêu thụ do phát triển kinh tế thị trường mang lại, và
phiá khác trách nhiệm công dân của con người chính trị.
Dưới chủ nghĩa duy vật, con người đã bị đẩy
xuống tận cùng những giá trị tâm linh để chỉ còn tồn tại trong
một cổ máy cần thiết cho động cơ sản xuất. Ðời sống cuả nó bị
thu hẹp dưới sự thôi thúc bao tử và mệnh lệnh của thèm muốn.
Tương quan „con người xã hội chủ nghĩa“ cụ thể hoá dưới dạng
khẩu hiệu "mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người"
thực tế chỉ bần cùng hoá một tương quan tranh sống gay gắt. Giá
trị xã hội chỉ còn có đồng tiền mà sự "săn đuổi đã trở thành một
môn thể thao có tầm cở quốc gia". Những tương quan giữa người và
người trở thành lừa đảo nghi kỵ. Xã hội đã lưu manh hoá ở tâm
thức nhìn chung.
Ðời sống ở thành thị hay nông thôn đều phơi
bày những mặt tiêu cực trầm trọng. Cho nên chẳng lấy gì làm lạ ở
sự kiện con người chưa từng là công dân đã mặc nhiên từ chối
quyền công dân của mình. Con người phi chính trị hoá
-dépolitisé- xa lánh và chán chê chính trị là dấu hiệu khủng
hoảng nghiêm trọng nhất của xã hội VN hiện tại. Nó cũng là trở
lực không thể vượt trên con đường dân chủ hoá nếu không có những
biện pháp giáo dục thích đáng. Như một hệ quả trực tiếp của chế
độ chuyên chính, con người phi chính trị hoá sẽ mất hết ý niệm
về dân tộc (nation hiểu theo nghĩa một quần thể cư dân sống trên
một lãnh thổ nhất định). Khi sự chênh lệch trong cán cân nhà
nước (état) và dân tộc (nation) nghiêng hẳn về thành tố thứ nhất
cũng có nghĩa là xã hội dân sự chưa định hình, hệ thống pháp
quyền chưa có và dân chủ vẫn còn là một hành trình lâu dài phải
tìm kiếm.
Dù sớm hay muộn VN cũng phải có dân chủ thông
qua những cởi mở về hướng thị trường đang được xác định dần. Các
tương quan kinh tế và mậu dịch quốc tế trong khối WTO sẽ thúc
đẩy quá trình dân chủ hoá. Nhưng dân chủ thế nào cho VN tương
lai vẫn còn là một vấn đề phải bàn cải để tìm một định hướng
đúng và thích hợp nhất. Liệu những mô hình mẫu của các cấu trúc
dân chủ tiên tiến của phương Tây hiện tại có thể dung hợp được
với những nét văn hoá truyền thống, những lối nghĩ, cách sống
khác biệt lồng trong một bối cảnh đại đa số nông dân mà cuộc
sống hầu như chỉ là những tất bật kiếm cái ăn cho đầy bao tử,
trong một khung cảnh nông thôn với những tập quán của tục và lệ?
Với xã hội VN hiện tại liệu những cấu trúc dân chủ mẫu có thể
xây dựng được trên cái nền loang lổ trong đó những con người
đang biến chất vì hận thù và sợ hãi để buông trôi nhân cách của
mình về một hướng tiêu cực nguy hiểm là sự hủy thể toàn bộ cá
nhân người công dân trong một bối cảnh suy thoái của đất nước
đang cần đến ý thức dân chủ của mỗi người? Và liệu trong vài ba
năm tới, khi thế giới bên ngoài đang tiến mạnh với những thành
công tráng lệ về khoa học kỹ thuật cũng như mức sống và kiến
thức tăng vọt, con người VN có thể ý thức được đầy đủ về nhu cầu
hồi phục những giá trị truyền thống và mở rộng tầm nhìn trong
hướng hấp thụ những tinh hoa dân chủ của thế giới chung quanh?
Những gì đang diễn ra ở VN làm cho câu trả lời trở thành hụt
hẩng, tiêu cực. Nếu chủ trương "kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa" là một nghịch lý có thể dẫn đến bế tắc,
thì con người VN bị vây hãm trong vòng mâu thuẫn ấy cũng khó tìm
được một lối ra riêng cho mình. Sau nhiều năm tháng bị kềm kẹp,
khuynh hướng tự nhiên khi được cởi trói là nhu cầu tranh thương
kiếm sống và làm giàu. Tinh thần đó khác hẳn tinh thần lợi nhuận
có văn hoá cần thiết cho một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa,
vì mọi sinh hoạt kinh tế thương mãi được điều hướng bởi luật
cung cầu trong tinh thần đa nguyên, được bảo đảm bởi sự vững
mạnh của xã hội dân sự và chiếc khung thích ứng của luật pháp.
Xã hội VN đang phơi bày một thị trường man dã trong đó một tầng
lớp thống trị tự cho mình có toàn quyền bóc lột quần chúng và
liên kết chặc chẽ với tầng lớp tư bản mafia để tranh đoạt và tom
gọn mọi lợi nhuận quốc gia vào hết túi tham của họ. Nhu cầu dân
chủ rõ ràng là một nhu cầu thiết thân cho sự chuyển đổi những
tương quan xã hội có lợi cho những người thấp cổ bé miệng; nhưng
thực tế là họ chẳng còn gì để kỳ vọng khi cuộc sống của họ thoi
thóp từng ngày, khi những người có khả năng tri thức chỉ biết
hùng hục kiếm tiền và ghẻ lạnh với cuộc đấu tranh vì dân chủ xã
hội, khi vấn đề chỉ ý thức được nơi một tầng lớp thật mỏng của
giai tầng trí thức.
Bản thân chế độ rồi cũng phải thay đổi dưới
qui luật tiến hoá trong điều kiện toàn cầu hoá hiện tại, nhưng
đó sẽ là sự chuyển đổi thiếu tự nguyện. Cho nên dù một ngày nào
đó đảng Cộng Sản VN bị bắt buộc biến hình thành đảng Xã hội hoặc
Dân chủ-Xã hội thì cơ chế tự nhiên của nó là sẽ hình thành một
hệ thống vệ tinh bao gồm những đảng phái cơ hội làm loa cho một
thiểu số bất mãn trong quần chúng trì kéo đà dân chủ hoá hoặc
làm biến thái hình thức dân chủ xã hội có lợi cho tham vọng hồi
phục quyền lực của những người thù ghét dân chủ. Những trở lực
tự nhiên của một xã hội hậu CS đã làm chậm lại những xã hội
Trung và Ðông Âu về một hướng thị trường và dân chủ lành mạnh.
Nếu nói một cách giản lược thị trường chỉ xây
dựng được nhờ có hệ thống doanh nhân thì nếu thiếu vắng những
"thầu khoán chính trị" dám hiến giá để tranh thắng phiếu bầu
cũng sẽ chẳng bao giờ có dân chủ chính trị. Quan trọng hơn để
bảo tồn nền dân chủ ấy, cử tri cũng phải hội đủ một trình độ
chính trị nào đó, biết xử dụng phiếu bầu để chọn người đại diện
xứng đáng. Và để thực hiện bình đẳng và công chính cho người
dân, những định chế và cấu trúc chính quyền trong khung khổ nền
dân chủ pháp trị phải luôn được theo dõi, kiểm soát. Nói chung
là một nền dân chủ chỉ được xây dựng bởi những con người ý thức
được dân chủ. Một định chế dân chủ cũng chỉ vận hành được tốt
đẹp và hữu hiệu nhằm phục vụ con người khi người công dân hiểu
rõ quyền lợi và bổn phận của mình. Vai trò của giáo dục trong
việc đào tạo con người công dân và thăng tiến nền dân chủ do đó
chiếm vị trí hàng đầu và trở thành yếu tố tiên quyết.
Một nền văn hoá chỉ bén rễ và phát triển được
trên mãnh đất được chăm bón màu mở. Một dân tộc chỉ tìm thấy đất
hứa của mình nhờ giáo dục. Giáo dục và văn hoá ngào trộn với
nhau trong quá trình cải thiện và thăng hoa những giá trị dân
tộc. Lịch sử đã chẳng chứng minh những giai đoạn thịnh trị nhất
thường được xây dựng trên một nền văn hoá giáo dục thích nghi?
Ðời nhà Tống ở Trung Hoa đã ghi dấu một thời kỳ phát triển rực
rỡ ổn định nhất trong lịch sử phát triển nước Tàu nhờ sự hồi
phục Khổng giáo (khuynh hướng Mạnh Tử) thành nền Tân học mà quan
trọng nhất là sự định hình và hoàn chỉnh những định chế giáo dục
bao trùm các viện hàn lâm, đại học ở kinh đô và các thành phố
lớn cho đến các tổ chức "hương ước giáo" hàng tổng ở thôn quê.
Thời Lý ở VN nhờ những công trình suy tư của các thiền sư Phật
giáo cũng đã làm phát triển một xã hội thịnh trị nhất trong lịch
sử nước nhà về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã
hội, tư pháp và cả về quân sự. Thời Minh Trị của Nhật cũng được
đánh giá tích cực bằng những cải cách giáo dục xã hội mang tính
dân chủ của triết thuyết Mạnh Tử - Vương Dương Minh trong tinh
thần thực dụng tri-hành hợp nhất. Cho nên ở ngưỡng cửa của thiên
niên kỷ mới, nhu cầu xây dựng một nền giáo dục và văn hoá vững
mạnh, thực tiễn là một nhu cầu cấp bách, quyết định cho nền dân
chủ VN tương lai. Nền giáo dục đó nhắm mục đích sửa sai, định
hướng cho một thế hệ đang lớn, chuẩn bị cho việc xây dựng một
thế hệ hoàn thiện tương lai và từ đó hình thành một hệ thống giá
trị mới tác động cả trên "thế hệ dở dang" đang đóng vai trò
trung gian chuyển tiếp xã hội. Nhu cầu "con người chính trị" của
thời đại chúng ta đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong việc
giáo dục đào tạo công dân ở VN. Căn bản này không xa lắm
với xã hội truyền thống vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý
chính trị Khổng Mạnh và nền giáo dục cổ trong việc đào tạo sĩ
phu và cả trong việc đào tạo hiền tài theo quan niệm giáo dục
tương đối tân tiến hơn của thời cận đại (trước kỷ nguyên Cộng
sản VN), tất cả vẫn xoay quanh trọng tâm giáo dục con người phục
vụ công ích. Nền giáo dục phương Tây nhằm mục đích khai phóng
hoàn toàn con người bắt đầu từ một đứa bé trong việc cung cấp
cho nó những điều kiện sống hoàn toàn thuận lợi để lớn lên vô
tư, tiếp xúc với môi trường trong sáng chung quanh nó và thiết
lập quan điểm cá nhân trong tinh thần hấp thụ và tổng hợp hoàn
toàn tự do, từ đó tiến tới khẳng lập con người chính trị và vị
trí của nó trong xã hội. Ở VN trái lại giáo dục thường có tính
điều hướng về cái tốt, cái thiện và những nghĩa vụ tương lai
dưới ảnh hưởng Khổng giáo nhằm đào tạo con người chính trị là sĩ
phu an dân trị quốc. Ảnh hưởng này vẫn còn tồn tại mãi trong
trình tự dân tộc, và sâu đậm đến nỗi dù các luồng tư tưởng mới
của phương Tây đã thâm nhập dưới triều Nguyễn, cho đến thời cận
đại hệ thống giáo dục và những giá trị mới của nó vẫn chưa đủ
tầm vóc và khả năng thay chỗ những giá trị truyền thống. Hầu như
không một người VN nào chủ trương một sự thay đổi dứt khoát vì
ai cũng hãnh diện về truyền thống bốn ngàn năm văn hiến của văn
hoá dân tộc, cho dù ở một khía cạnh nào đó, những biểu hiện cực
đoan của niềm tự hào có cơ kềm hãm sự thăng tiến của văn hoá
theo chiều hướng mới. Hướng giáo dục cần thiết trong tương lai
vì vậy là hướng phối hợp thông minh, nhuần nhuyễn các giá trị
dân chủ của các xã hội phương Tây với những giá trị muôn đời
của Khổng giáo đã được hấp thụ một cách sâu sắc và tinh tế đặc
thù dân tộc.
Chữ Nhân vẫn đứng hàng đầu trong thang giá
trị người quân tử là kẻ sĩ. Nhân-Nghĩa kết hợp với tinh thần
thực dụng "tri-hành hợp nhất" sẽ sáng tạo con người mới vừa có
óc thực tiễn khoa học, vừa có tinh thần công ích dám đem những
thành quả cá nhân cống hiến rộng rãi cho xã hội, từ đó nảy sinh
vương đạo. Tính nhân bản trong tư tưởng Mạnh Tử không khác mấy
với tư tưởng Rousseau của Tây phương thế kỷ thứ 18. Nhưng dĩ
nhiên hai thiên niên kỷ trước nhà tư tưởng lớn phương Tây, Mạnh
Tử không thể triển khai xa hơn ý niệm dân vi qúi của ông. Tuy
nhiên hướng giáo dục trong tương lai VN phải chăng có thể xuất
phát từ nhu cầu phối hợp tính khai phóng cá nhân trong trình tự
cá nhân hoá triệt để của phương Tây trong ý niệm con người vươn
lên giành lại cho mình quyền tự do suy nghĩ, tư tưởng, phát
biểu, hội họp, hội đoàn và bầu cử, ứng cử. Quyền tự do cá nhân
của con người được hoàn toàn tôn trọng trong xã hội dân sự ở các
nước dân chủ tiến bộ có nền kinh tế phát triển cao lại đang biến
thành chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa thừa hưởng triệt để những
thành quả dân chủ mà nó đã góp phần tích cực. Chủ nghĩa hưởng
thụ bái vật phi chính trị hoá đang đặt những vấn đề nghiêm trọng
cho tương lai dân chủ phương Tây. Trong hướng giáo dục tương
lai ở VN, tinh thần tự do cá nhân, thực dụng và khai phóng
phương Tây nên kết hợp (với) và kềm chế (bởi) tinh thần công ích
của những giá trị truyền thống. Nếu được thực hiện khéo léo
nền giáo dục ấy sẽ đạt được căn bản con người dân chủ VN (và
Ðông Á) với các đặc tính khai phóng phương Tây tổng hợp với
những giá trị phổ quát nhân, nghĩa, liêm, chính phương Ðông.
Giáo dục công dân vì thế cần được đặt nặng trong
hệ thống giáo dục quốc gia bao trùm các cấp tiểu học và trung
học nhằm uốn nắn một thế hệ tương lai trên căn bản "đức dục".
Tính công dân nói ở đây sẽ bao gồm các giá trị phổ quát của con
người toàn diện và những hướng phát triển công dân qua kiến thức
về tinh yếu lịch sử phát triển các tư tưởng chính trị, đặc biệt
là tư tưởng dân chủ nhìn dưới nhãn quan văn hoá VN, và những nét
thực tiễn nhất về các quyền lợi và bổn phận công dân như nhân
quyền bao gồm quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân kết
hợp với nhu cầu xây dựng một chỗ đứng xứng đáng của tổ quốc giữa
cộng đồng nhân loại. Từ tính công dân này sẽ nảy sinh những
nguyên tắc tham dự vào nghĩa vụ quân sự, tham gia bầu cử, bảo vệ
hiến pháp... góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện một cấu
trúc chính trị vững vàng bên cạnh ý thức cảnh giác dân chủ trong
việc thẩm định và kiểm soát người công bộc quốc gia thi hành
những chương trình công ích, bảo đảm tính liên tục hành chánh
trong hệ thống pháp trị; đồng thời theo dõi thường trực tư cách
đại diện của dân biểu...
Hệ thống giáo dục tương lai cũng nên thiết
lập những định chế riêng biệt cho nền giáo dục nông thôn trong
mục đích đào tạo những cán bộ hữu hiệu hỗ trợ nền kinh tế nông
nghiệp mà trong một thời gian khá dài nữa nó vẫn còn là yếu
tố căn bản của phát triển kinh tế. Nó cũng nhằm mục đích đẩy
mạnh quá trình đô thị hoá vẫn được xem như là điều kiện tối cần
trong quá trình dân chủ hoá. Chương trình giáo dục nông thôn vì
vậy nên đặt nặng, ngoài chương trình giáo dục tổng quát, những
kiến thức thực tiễn về các vấn đề nông nghiệp, chen lẩn những
thời kỳ tập sự để học sinh và sinh viên hòa mình hẳn và nắm bắt
những vấn đề thực tế của nông thôn.
Tính chất "điều hướng" của giáo dục công dân
chấm dứt cuối chương trình trung học. Người sinh viên mới đã
được trang bị hành trang tinh thần công dân và dân tộc sẽ
mạnh dạn tự tìm hướng đi riêng cho mình ở giai đoạn đại học được
giao nhiệm vụ đào tạo "trí dục" - những kỹ năng kỹ thuật.
Giáo dục tương lai nên mở toang cửa đại học cho nhu cầu nắm bắt
những tư tưởng, kỹ thuật mới và tiến bộ. Nó đòi hỏi trình độ
ngoại ngữ trong cung cách tiếp cận có hiệu qủa nhất với con
người và kỹ thuật tiên tiến phương Tây. Trong chiều hướng đó,
nếu cần có thể dùng các ngoại ngữ có liên hệ đến những ngành
khoa học tiến bộ nhất làm chuyển ngữ. Giới trí thức tương lai sẽ
được đào tạo trên cái nền văn hoá dân tộc, thấm nhuần tinh thần
công dân; đồng thời khai mở một khả năng giao tiếp, chọn lọc và
tổng hợp. Tầng lớp ấy càng dày với thời gian, song hành với
những tiến bộ và phát triển của đất nước, nền dân chủ VN sẽ được
khẳng lập và thăng tiến.
Mọi người đều thấy rõ nhu cầu dân chủ hoá đất
nước hiện tại là hướng duy nhất để thoát ra khỏi thời kỳ hậu
cộng sản -thời kỳ chao đảo, nhiểu nhương, phân hoá- trong cố
gắng đoạn tuyệt với cái cũ, tinh thần đập phá và cái mới tuy
đẹp, quyến rũ nhưng không dễ hội nhập trong những điều kiện xã
hội và con người chưa xác định được khả năng dung hợp. Trường
hợp VN còn khó khăn hơn, vì là một nước xã hội chủ nghĩa được
lãnh đạo trong nhiều thập niên bởi một tầng lớp lãnh đạo hẹp
hòi, cố chấp , không hiểu rỏ chũ nghĩa Mác; đồng thời canh cánh
những bức bách của thế lệ thuộc đàn em đối với thành trì xã hội
chủ nghĩa Trung Quốc để tồn tại. Trong liên hệ văn hoá vốn có từ
ngàn xưa với Trung Quốc qua những thời kỳ lệ thuộc lâu dài và
trong thế liên kết đang hình thành ở khu vực, VN bị buộc phải đi
tìm thế trường tồn trong độc lập chính trị đối với siêu cường
nguy hiểm đó của ngày mai. Xác định cho mình một lý lịch vững
vàng trong thế mạnh kinh tế là định hướng tất yếu và có thể thực
hiện được do VN đang có những điều kiện thuận lợi hơn TQ:
·
VN có những điều kiện,
cơ hội và khả năng hội nhập những tư tưởng dân chủ tiến bộ
phương Tây vào hẳn đời sống văn hoá của dân tộc trong thế thăng
hoa những tương quan chính trị- dân sự, kinh tế- xã hội.
·
VN may mắn có một kho
báu chất xám và kỹ thuật đang hiện diện trong khắp các ngành kỹ
thuật tiên tiến nhất của hầu hết các quốc gia phát triển.
Khả năng đồng hoá trong ý nghĩa tiếp thu có
chọn lọc đã giúp nền văn hoá VN thăng hoa những nét đặc thù của
mình. Tư tưởng Khổng giáo nói chung trong quá khứ và cả đến hiện
tại vẫn là một du nhập quan trọng, và vẫn còn tồn tại những giá
trị quan trọng trong đời sống tinh thần và văn hoá của con người
Việt Nam. Tinh thần nhân bản của học thuyết Mạnh Tử được phổ
biến rộng rãi với Tam Tự Kinh của Vương Xương Linh; được cô đọng
và hoàn thiện ở khái niệm tri hành hợp nhất có lẽ đã ảnh hưởng
không ít lên tư tưởng của thế kỷ ánh sáng châu Âu, đặc biệt ở
Rousseau với khái niệm "con người sinh ra tính vốn thiện, xã hội
làm nó xấu đi", giúp tư tưởng dân chủ phương Tây tiến một bước
dài. Ở Nhật Bản, triều đại Minh Trị cũng khai thác triệt để học
thuyết Mạnh Tử - Vương Dương Minh mà canh tân đất nước, đưa nước
Nhật tiến vào hàng cường quốc; nhưng quan trọng hơn sự du nhập
tích cực đó đã hoàn thiện nền văn hoá Phù Tang. Với tiến bộ khoa
học kỹ thuật nền văn hoá đặc thù đó đang khẳng định thế đứng
ngang hàng với văn hoá Khổng giáo trong thế kỷ tới.
VN đã du nhập những tinh hoa văn hoá Trung
Hoa và dân tộc hoá nó. Nhưng vì những điều kiện nghiệt ngã của
lịch sử, chưa tiêu hoá và hệ thống hoá những tinh hoa ấy khả dĩ
đưa đất nước tiến lên kịp với người Ðại Hàn, người Nhật vốn cùng
chia xẻ nền văn hoá Khổng giáo Trung Hoa.
Nền văn hoa vô sản của thời kỳ Cộng sản VN đã
tàn phá không ít những giá trị tâm linh và truyền thống văn hoá
dân tộc. Nhưng phải chăng đó cũng là cơ may để xây dựng lại toàn
bộ, một cách có hệ thống trong định hướng lâu dài một tư tưởng
văn hoá chính trị VN chặc chẽ, xác hợp với con người và cơ chế
xã hội VN? Ở vị trí trời cho nơi trung điểm Ðông Á, VN sẽ có thể
khai thác được những ưu thế của mình mà tìm thấy thế đứng vinh
quang ở ngày mai? Một định hướng tư tưởng chính trị mang tính
chất cụ thể, hợp lý và tiến bộ là nhu cầu khẩn thiết nhất cho
một đất nước VN mới; và sẽ là yếu tố dẫn đạo cho tất cả mọi phát
triển và ổn định của đất nước ngày mai. Cũng từ chiếc nền tri
thức ấy, con người Việt Nam sẽ không đóng kín mà sẽ tìm cách cởi
trói cho chính mình trong chiều hướng cởi trói cho toàn bộ xã
hội mà giao tiếp với bầu trời rộng mở bên ngoài.
------------------------------------------
CHÚ THÍCH:
1a, 1b - Khái lược về Khổng giáo và những
trích dẫn xuất xứ từ:
* Nho giáo của Trần Trọng Kim - Nxb Tân Việt.
* La pensée chinoise của Marcel Granet - Nxb
Albin Michel.
* Confucius et l'humanisme chinoise của
Pierre Do Dinh - Nxb Maîtres Spirituels.
* Dix milles Printemps (Vạn Xuân) của Yveline
Ferray - Nxb Juliard.
* Vietnam du Confucianisme au Communisme của
Trịnh Văn Thảo - Nxb l'Harmattan.
* Le Nouvel Observateur, spécial Chine.
2- Quand la Chine s'éveillera...le monde
trembla của Alai Peyrefitte- Nxb Le livre de poche.
3- La Chine của Lucien Bianco - Nxb
Dominos/ Flamarion.
4- Une vie pour la Chine của Jacques
Guillermaz- Nxb Pluriel.
5- Communisme d'Asie: Mort ou métamorphe?-
Nxb Éditions complexes.
6,7- La société vietnamienne face à
modernité của GS Nguyễn văn Ký- Nxb L'Harmattan.
8- Le Vietnam au XX siècle của Pierre
Richard Ferrey.
(a) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư bao gồm 30 chương
kể từ thời Triệu Ðà thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên cho đến hết
đời nhà Lý năm 1225. Những biên niên đời Trần được sử thần Ngô
Sỉ Liên bổ túc phiên soạn năm 1458.
(b) Vua Nguyên Kubilay Khan (1212-1294).
Sau khi thống nhất Mông Cổ, lập thành đế chế
năm 1206 và với sự trợ thủ đắc lực của các con, Gengis Khan
(Thành Cát Tư Hản) chinh phục miền Hoa Bắc, tàn phá toàn bộ
thành Bắc Kinh, chiếm Afganistan, Kharezm, Azerbaidjan và phần
phía Nam nước Nga. Kế tiếp, cháu nội ông là Batu và 3 người con
trai Djaghotai, Ogoday và Toluy xâm chiếm Cao Ly, Bắc Nga,
Ukraine, Hung Gia Lợi. Ðến năm 1258 Hulaga là con của Toluy xâm
chiếm Iran, Irak và Syrie. Năm 1260, đại đế Kubilay (Hốt Tất
Liệt), em của Hulaga và là cháu nội của Thành Cát Tư Hản hoàn
tất cuộc chinh phạt đất Trung Nguyên của Hán tộc, chính thức
thống trị đất Trung Hoa và khai sáng nhà Nguyên (Yuan- với sự
giúp đở của Marco Polo về việc triều chính). Ðại Hản Kubilay
tiếp tục mở rộng đế quốc Nguyên-Mông về phương Nam, chiếm vương
quốc Ðại Lý (Vân Nam), Ðại Việt (tên gọi nước ta bấy giờ) và
nước Chiêm Thành; mở ra một đế quốc mênh mông chưa từng có trong
lịch sử thế giới. Nhưng cũng vì chuộng xa hoa, học văn minh,
trọng văn hoá và tôn giáo ở đế thành lộng lẩy Khanbalik (Bắc
Kinh ngày nay), Ðại Hản Kubilay đã run tay, dừng mộng chinh phục
đẩm máu của tổ tiên; quên lời dặn về lõi sõng giản dị và những
nguyên tắc chinh phạt của tổ phụ Gengis Khan. Ðế quốc
Nguyên-Mông bắt đầu rệu rả, để cuối cùng cháu chắt ông đã bị Chu
Nguyên Chương, thánh tổ nhà Minh đánh đuổi ra khỏi đất Trung
Nguyên năm 1368.
-
Hết Chương I -
Xem tiếp Chương 2 :
Nhân quyền, nhân phẩm
và những tương quan chính tri - xã hội
|