.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

Phần III : VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN DÂN CHỦ DIÊN HỒNG

Chương 10 :  Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định 
                          Nhận định về Tổng thống chế
                          và Chế độ lập pháp

A.            Chính sự viện (Quốc Hội)

B.           Dân sự viện (Viện Diên Hồng)

C.           Tổng thống

D.           Thủ tướng Chính phủ

E.           Tòa Án Bảo hiến

Lời bạt

 

 

Các điều kiện chính trị, xã hội văn hóa Việt Nam với những nét đặc thù đòi hỏi một cấu trúc chính trị và những định chế hiến pháp có thể khác biệt với các khuôn mẫu dân chủ sẳn có. Hai thể chế thông dụng ở các nước dân chủ tiên tiến là tổng thống chế và đại nghị chế đều có những mặt không thích hợp với điều kiện Việt Nam:

 

I. HAI MẪU HÌNH DÂN CHỦ PHỔ THÔNG :

- Tổng thống chế sở dĩ thành công được ở Hoa Kỳ bởi truyền thống dân chủ lâu đời đã xây dựng được hai khuynh hướng chính trị bổ túc nhau trong qui luật luân phiên chính trị là Cộng Hoà bảo thủ, hữu khuynh; trong lúc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội trong hầu hết các lãnh vực hoạt động của quốc gia và sự hình thành cá nhân công dân. Nhưng tùy thuộc vào bối cảnh chính trị từng giai đoạn, đường lối và chính sách theo đuổi giữa đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa nhiều khi chỉ có những khác biệt về tiểu tiết. Thí dụ điển hình là cựu Tổng thống Clinton trước nhu cầu tranh cử và để đối phó với nguy cơ thâm thủng ngân sách quốc gia có ảnh hưởng tai hại cho tăng trưởng kinh tế đã không ngần ngại từ bỏ truyền thống cứu trợ xã hội của đảng, cắt giảm và giới hạn những chương trình an sinh xã hội. Chủ trương tiết giảm ngân sách, giới hạn người nhập cư kinh tế, phục hồi nhân phẩm Mỹ vẫn là những khẩu hiệu tranh cử chủ lực và là truyền thống của đảng Cộng Hòa.

 

Nhờ hệ thống lưỡng đảng chặc chẽ cùng chia xẽ một hệ thống giá trị đặc biệt Mỹ đó mà thể chế tổng thống Hoa Kỳ khá ổn định kể từ thời lập quốc. Ngoài một hiến pháp xưa cũ, tương đối phù hợp với một xã hội đa chủng mà luật pháp luôn được coi trọng, bên cạnh một tầng lớp luật gia thẩm phán đông đảo có nhiều quyền lực mà các cơ chế dân chủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã trở thành biểu tượng cho nền dân chủ hiện đại.  Trái lại, nơi những quốc gia khác thiếu vắng những điều kiện tiên quyết đó, tổng thống chế hầu như đã trở thành lệch lạc, không cân đối bởi một hành pháp quá mạnh và tập trung đã lấn át hẳn lập pháp. Trước một tổng thống được toàn dân bầu lên bằng thể thức trực tiếp, phổ thông, các quốc hội không thấy mình có đủ trọng lượng để kiểm soát hành pháp; đôi lúc lại biến thành công cụ biểu quyết luật theo ý muốn và nhu cầu hành pháp. Luật pháp dĩ nhiên nằm gọn trong tay Tổng thống biểu tượng cho quyền lực tối thượng và đóng vai trò tối cao trọng tài quốc gia. Tình trạng này nhan nhản trong các chế độ tổng thống ở Nam Mỹ, Nga, Trung, Ðông Âu và rõ rệt nhất là ở VNCH cũ với các tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu...

 

- Chế độ Lập pháp (représentatif) cũng thế, không còn là mẫu mực chuẩn của các nền dân chủ Tây Âu nữa bởi các hiện tượng sau đây :

 

- Các cử tri có khuynh hướng bầu khác nhau qua các cuộc bầu cử. Các cuộc điều tra cho thấy số cử tri xác nhận tư cách chính trị của mình lệ thuộc vào một đảng phái ngày càng ít đi.

 

- Những khác biệt giữa các khuynh hướng hoặc quan điểm về các vấn đề xã hội trở thành giả tạo. Thí dụ trước cuộc khủng hoảng của qũi an sinh xã hội Pháp, những chính phủ kế tiếp của những liên minh RPR-UDF (Cánh Hữu), đảng Xã Hội (Cánh Tả), và ngày nay, cánh hữu UMP, chưa cho thấy quan điểm rõ rệt nào khác cho những giải pháp hữu hiệu (ngọai trừ trường hợp Tổng thống Sarkozy mới đắc cử đang theo đuổi một chính sách kinh tế tự do hòan tòan nghiêng về khuynh hướng tăng cường tăng trưởng dù ngân sách thêm thâm thủng trầm kha và quyền lợi và mãi lực dân nghèo bị hy sinh, trong lúc lời hứa tranh cử và những diễn văn đều hứa hẹn những giải pháp xã hội mị dân).

 

- Chiến dịch tranh cử dựa trên sự tạo dựng những hình ảnh khá mơ hồ, trong đó tư cách cá nhân người lãnh đạo chiếm vai trò ưu thế hơn những hứa hẹn từ chính sách chủ trương của đảng mang lại.

 

- Hình ảnh các chính khách được xây dựng từ những cá nhân phụ thuộc vào môi trường sinh hoạt của những câu lạc bộ đặc biệt do tính chất nghề nghiệp, văn hóa, lối sống... khác hẳn và cách biệt với quảng đại quần chúng.

 

- Vũ đài chính trị hiện tại bị khống chế hoàn toàn bởi giới ký giả, chuyên viên truyền thông (đặc biệt là TV) và các nhà thăm dò dư luận. Các quyết định bầu cử do đó bị ảnh hưởng nặng nề làm lệch lạc những ý nguyện trung thực của quần chúng cử tri. Cuộc thắng cử Tổng thống Pháp tháng 04.07 vừa qua cho thấy lợi thế áp đảo của ứng cử viên Sarkozy nắm trong tay tòan bộ giới truyền thông đã áp lực rõ rệt trên kết quả cuộc bầu cử.

 

- Cũng qua các phương tiện truyền thông, người thắng cử thường chỉ dựa trên tài ăn nói của họ, những yếu kém về thực tài quản trị đất nước bị che dấu. Sự xa cách giữa chính quyền và xã hội, giữa người dân biểu và quần chúng bầu ra họ do đó lớn dần (theo Bernard Manin -Principes du gouvernement représentatif- Nxb Calman Lévy).

 

Mặc dầu những lệch lạc đã nảy sinh trong bối cảnh một nền văn minh kỷ thuật phát triển nhanh hơn nhiều lần những đáp ứng văn hóa và sự mất cân đối của những xã hội thiên về khuynh hướng thụ hưởng đã đặt ra những vấn đề không nhỏ mà tính hữu hiệu của các cơ chế đại nghị đang bị thử thách, nền dân chủ Tây Âu vẫn thể hiện những sắc thái căn bản nhất trong sinh hoạt dân chủ nghị trường. Vấn đề đặt ra là các đảng hoặc những tập hợp chính trị thường có khuynh hướng dè dặt, ngại chuyển đổi trong bối cảnh kinh tế trì trệ ở cựu lục địa. Một nước Ðức sau thống nhất chẳng hạn. Xã hội đã hoàn toàn đổi thay kể từ ngày sát nhập thêm 5 lander của Ðông Ðức với mức sống, cách sinh hoạt, tâm thức của con người hoàn toàn khác biệt, cọng thêm những cơ chế vận hành kiểu "cộng hòa dân chủ" ở các bang ấy đã làm chao đảo hẳn một nền dân chủ mẫu mực và ổn định nhất của các thể chế phương Tây. Các nhà lãnh đạo Ðức đã tỏ ra quá tự hào về tính chất nhất quán của "Ðạo Luật Cơ Bản" được thảo ra từ 1949, mặc nhiên biến nó thành Hiến Pháp Thống nhất. Họ có lý phần nào khi duy trì chiếc khung mẫu ấy làm vũ môn cho các chú cá rách mướp Ðông Ðức hóa rồng. Nhưng những cố gắng hội nhập trong thực tế đã tỏ ra khó khăn, lâu dài đối vối những xã hội công dân Ðức hạng hai đã làm lung lay những nguyên tắc căn bản nhất về trật tự hiến định của dân chủ tự do, cơ sở xã hội của cơ chế thị trường, nhà nước bảo trợ... Thế nhưng những đổi thay cần thiết cho cấu trúc của các tổ chức và liên minh chính trị hoặc những tu chính hiến pháp cần thiết cho những nhu cầu chuyển đổi  xã hội trong thời đại mới vẫn chưa xảy ra, hoặc rất giới hạn.

 

Ở Pháp cũng thế, người hùng giải phóng đất nước Charles De Gaulle có đủ tư cách chính trị để trở thành một tổng thống lớn, do đó có quyền tập trung trong tay những quyền hành rộng rãi theo qui định của Hiến Pháp Ðệ Ngũ Cộng Hòa mà ông là cha đẻ. Trong khuôn khổ một hiến pháp cho phép Hành Pháp rộng quyền hành động trong lãnh vực kinh tế - tài chánh đã làm cho nước Pháp phồn vinh nhanh chóng trong gần hai thập niên, nhưng sau ông những khoảng trống chính trị đã xuất hiện. Những tổng thống kế vị hoặc đã lạm dụng những quyền hạn quá rộng rãi dành cho tổng thống để củng cố uy thế cá nhân như những hành vi tai tiếng đang còn trong vòng nghi vấn về cựu tổng thống Mitterand; hoặc đã tỏ ra thiếu liêm chính khi áp lực phe đa số cầm quyền của quốc hội biểu quyết thông qua những đạo luật che chở cho cá nhân tổng thống tránh né những thủ tục pháp lý liên quan đến những hành vi thiếu trong sáng đã phạm trong những chức vụ trước khi đắc cử, như trường hợp cựu Tổng thống Chirac (nhưng chỉ 6 tháng sau khi bàn giao quyền hành cho người kế nhiệm ông đang bị xét xử với nhiều tội danh trong đó « tội biển thủ công qủi » trong việc tuyển dụng những công cán ủy viên ma lúc còn là Thị trưởng Paris đã gây xao động chính trường Pháp về một thanh toán chính trị mà tác giả không ai khác hơn là Tổng thống đương nhiệm Sarkozy, một đệ tử cũ do chính Chirac đào tạo, cùng phe cánh hữu).

 

Xã hội chính trị thu hẹp lại trong những lối mòn tư tưởng, thiếu tính chất hấp dẫn của những sáng kiến chính trị. Khả năng lãnh đạo yếu kém đã làm xói mòn uy tín của giới chính khách trong lòng quần chúng. Alain Lancelot đã nhận định rất đúng trong tiểu luận "L'influence du suffrage universel sur la vie politique" in La France présidentielle - Presses de Sciences Po. như sau : "để cho nước Pháp (sẽ) theo tổng thống chế khỏi rơi vào hình ảnh một đấu trường khép kín trong đó những màn thăm dò dư luận hoặc kỷ thuật thuyết phục thông qua tài biện luận của các phe chuẩn tổng thống xâu xé nhau nhưng cùng chia xẻ chung một tham vọng, cần phải mở rộng một không gian dân chủ đủ thoáng đảng cho những tranh luận thật sự về những dự án luân phiên chuyển đổi chính trị. Nhưng khẩn thiết hơn là phải tái huấn luyện tinh thần công dân cho cử tri và cho cả những người dân cử. Chế độ tổng thống của nước Pháp phơi bày rõ rệt ước vọng tối cần đó".

 

Sự suy thoái tư cách công dân đang làm lệch hướng tất cả các mục đích tốt đẹp của các thể chế dân chủ nói chung. Vấn đề mang tính chất thời đại, phát sinh từ cơ chế vận hành của nền dân chủ phải chuyển đổi cho phù hợp với những thăng tiến chóng mặt của kỷ thuật và tăng trưởng kinh tế, đã bỏ lại đằng sau một nền văn hóa èo uột đầy thương tích. Lancelot cho rằng nền dân chủ Pháp phải làm những nổ lực cần thiết, khởi từ những điểm chuẩn hiện tại tìm kiếm về cội nguồn của mình. Phải tái tạo lại tinh thần công dân. Mỗi lứa tuổi có một tư cách công dân riêng, đòi hỏi một nền công dân giáo dục thích ứng.

 

II. VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN DÂN CHỦ DIÊN HỒNG ?

Từ tiêu điểm này, người viết đã tập trung những suy luận về nền tảng của mọi định hướng phát triển dân chủ Việt Nam dựa trên giáo dục học đường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội và giáo dục chính trị.

Trong tầm nhìn dài hạn, một khi giai đoạn chuyển tiếp hoàn thành, những nhu cầu dân chủ cấp bách đã giải quyết, những hạ tầng cơ sở cho sự  khởi phát một nền dân chủ xứng đáng đã chuẩn bị được, VN bắt buộc phải gia tốc phát triển, bù lại khoảng thời gian lãng phí của những trể hẹn lịch sử trong quá khứ, nhằm đuổi kịp những tiến bộ cần thiết để đất nước có thể hội nhập trọn vẹn vào một thế giới mới toàn cầu hoá. Những viễn tượng đó chỉ có thể đạt được bằng những bước thực hiện tương đối táo bạo, những suy nghĩ dám vượt những khuôn mẫu, ước lệ có sẳn. Một kỷ nguyên VN mới sẽ chỉ mở ra được với sự trưởng thành song đôi của hai xã hội chính trị và dân sự, bảo đảm cùng lúc những kỹ thuật phát triển và lý tưởng công bằng xã hội trong đó nhân quyền và nhân phẩm của người dân được bảo đảm, quyền lợi và nghĩa vụ công dân được dung hòa.

 

Tương quan xã hội giữa các con người có những tư tưởng khác nhau sẽ được xác lập trên tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân. Giữa hai thực thể nhà nước và công dân, tính phân công mặc thị chính trị - xã hội phải tuần tự xuất hiện giữa một xã hội chính trị chuyên trách mặt nhà nước và xã hội dân sự đóng vai trò áp lực, phán xét, thúc đẩy các tác động phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.

 

Những điều kiện này sẽ tạo dựng môi trường đồng thuận dân tộc để mọi sắc thái chính trị, văn hóa và tôn giáo có thể ngồi lại với nhau, bàn thảo cùng xây dựng đất nước như mong ước tác giả đã trình bày trong phân đoạn 2/B chương 1 về "sắc thái tôn giáo-xã hội đặc biệt VN". Với những triển vọng như thế, mô hình đề nghị về một cơ chế dân chủ dựa trên sự phối hợp hài hòa hai không gian chính trị và dân sự dù cần điều kiện, nhưng không phải là bất khả thi.

 

Ở các nước dân chủ non trẻ, nhìn chung chính phủ đại nghị (parlementarisme) dễ tạo khung cảnh thể hiện tinh thần dân chủ hơn, và cũng ứng hợp với cơ chế thị trường hơn là một chế độ tổng thống  với các vấn nạn thường thấy.

 

Thể chế bán tổng thống - bán đại nghị đã được đề nghị cho giai đoạn chuyển tiếp dân chủ nhằm đáp ứng nhanh những nhu cầu khẩn thiết và tự phát của giai đoạn này, đồng thời chuẩn bị những thói quen dân chủ trong sinh hoạt bầu cử của cử tri và hoạt động nghị trường của các đại biểu quốc hội.

 

Qua một thời gian tương đối đủ dài cho các thay đổi căn bản về luật pháp, dân sinh dân trí, sinh hoạt chính trị, hoạt động hiệp hội ngành nghề... các dự án tu chính hiến pháp có thể dự phóng một thể chế Quốc hội độc viện về phương diện chính trị, bên cạnh một  viện Diên hồng (Dân sự viện) vừa có tính cách đối trọng trong một chừng mực nào đó, vừa đóng chức năng bổ túc cho Chính sự viện và tư vấn cho Hành pháp, thăng bằng và cân đối hóa đời sống chính trị quốc gia với sự hiện diện cần thiết của xã hội dân sự trong các định chế nhà nước, đặc biệt là các hội đồng tham vấn:

 

A. Chính Sự Viện (Quốc Hội): 

Tập hợp mọi khuynh hướng chính trị đủ tư cách đại diện. Các dân biểu sẽ được bầu theo hai thể thức :

 

- Bảy mươi lăm phần trăm (thay vì 1/2 của giai đoạn chuyển tiếp) trong tổng số dân biểu qui định cho Chính Sự Viện sẽ được bầu theo thể thức đơn danh ở các đơn vị mà luật bầu cử đã qui định. Mỗi Liên Minh chỉ có quyền đưa ra một ứng cử viên chính thức và một dự khuyết ở mỗi đơn vị bầu cử.

 

- Hai mươi lăm phần trăm tổng số dân biểu bổ túc sẽ được chọn theo phương thức tỉ lệ, chia cho tất cả các đảng phái hoặc liên minh tham dự bầu cử có số ghế do các ứng cử viên đại diện đảng đạt được trong vòng bầu cử đơn danh hơn 5% tổng số ghế qui định, hoặc số phiếu đảng đạt  được hơn 5% trên tổng số cử tri, theo nguyên tắc và cách tính đã trình bày trong chương 9 - dự phóng dân chủ 1.

 

Ở giai đoạn ổn định này các danh sách đảng hoặc liên minh chính trị tham dự bầu cử sẽ lập cho qui mô toàn quốc, chung cho tất cả các đơn vị bầu cử của cả nước thay vì danh sách Vùng, và bầu theo đơn vị vùng như trước đây. Mỗi cử tri trong cuộc bầu cử dân biểu khi vào phòng phiếu cũng phải làm lần lượt hai động tác :

 

* Chọn dân biểu đơn danh trong số các ứng cử viên của đơn vị.

* Chọn đảng phái, tổ chức hay liên minh chính trị tham gia ứng cử trên toàn quốc (trên phiếu bầu in sẳn danh sách các ứng cử viên do đảng hay liên minh lập theo thứ tự).

 

Tùy phân số tỉ lệ của kết quả đơn danh, các tổ chức đảng phái hay liên minh chính trị vượt được cấp số 5%  sẽ được chia bổ túc thêm số dân biểu tương ứng chọn trong  các ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất theo thứ tự  (thí dụ sau cuộc khui phiếu Liên Minh XY dành được 90 ghế trên 420 ghế đơn danh (tỉ lệ 21,43%) Luật tổ chức bầu cử hiện hành chọn phương pháp tính số ghế bổ túc theo phương pháp "số dư trung bình cao nhất" theo khuynh hướng tăng cường các tập hợp lớn, Liên Minh này được chia thêm 31 ghế bổ túc trong tổng số 150 ghế còn lại chọn trong những người cao phiếu nhất từ 1 đến 31 trên danh sách liên minh).

 

- Nhiệm kỳ của dân biểu là 4 năm như thường thấy ở các nền dân chủ tiến bộ. Tư cách dân biểu bất khả kiêm nhiệm với các chức vụ công cử và dân cử khác.

 

- Quyền lợi và nhiệm vụ của dân biểu không thay đổi.

 

B- Dân Sự Viện:

Ðịnh chế đóng vai trò giám sát và tham vấn, bao gồm số thượng nghị sĩ bằng 1/3 dân biểu Chính sự viện, được bầu theo những thể thức như sau :

 

* Hai phần ba số thượng nghị sĩ được bầu ở đơn vị Vùng theo danh sách do người  thụ ủy liên danh lập. Như tên gọi của định chế, tính cách đại diện cho những sắc thái dân sự vùng như tôn giáo, sắc tộc, hoạt động chuyên biệt hay uy tín cá nhân của các nhân sĩ  địa phương là then chốt. Do đó thời gian cư ngụ liên tục ở địa phương ứng cử bắt buộc ít nhất là 5 năm. (Các đảng phái chính trị không được quyền tham gia vận động bầu cử. Các ứng cử viên gốc chính trị có uy tín ở địa phương tham dự liên danh phải từ nhiệm tư cách đảng viên)

 

* Cử tri đoàn bao gồm các đại cử tri đã đề cập ở chương 9 - Hội đồng Thượng viện.

 

* Một phần ba còn lại sẽ chia tỉ lệ cho các tổ chức quyền lợi áp lực ngành nghề (các tổng công đoàn lao động, tổng công đoàn chủ nhân, các luật sư đoàn, thẩm phán đoàn, bác sĩ đoàn, phòng thương mãi, kỹ nghệ…) và các hội đoàn xã hội, văn hoá, văn nghệ...có tầm cở quốc gia. Một biên chế pháp (loi organique) sẽ qui định những điều kiện liên quan đến tổ chức, nhân số, qui mô hoạt động  của các hiệp hội phong trào có tư cách cử đại diện vào Dân sự viện theo những điều khoản qui định bởi Hiến pháp.

 

* Nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ Vùng là 4 năm. Các thượng nghị sĩ do các hội đoàn cử nhiệm là 2 năm. Những thay đổi, bổ sung nếu có về tư cách đại diện của các tổ chức, hội đoàn chiếu theo luật sẽ do Dân Sự Viện biểu quyết chuyển qua Tổng Thống xét duyệt ít nhất 3 tháng trước khi các thượng nghị sĩ dân sự mãn nhiệm.

 

* Thượng nghị sĩ không thể kiêm nhiệm các chức vụ công cử, dân cử, và chức vụ gốc ở các tổ chức, hội đoàn cử nhiệm họ.

 

* Dân Sự Viện tư vấn hành pháp trong các vấn đề chiến tranh hay hòa bình, ký kết các công ước quốc tế, cử nhiệm đại sứ tại ngoại quốc.

 

* Dân sự viện đóng vai trò của một Viện Giám Sát trong việc theo dõi các tranh tụng hành chánh của cá nhân các công dân cũng như của các hội đoàn tổ chức dân sự với chính quyền hành chánh (nhiệm vụ này cũng hàm chứa mặc thị vai trò điều giải - médiateur của các thượng nghị sĩ).      

 

* Dân Sự Viện cứu xét sơ khởi tính hợp hiến hay không của các phán quyết do các Tòa án thường tụng ban hành gây tranh tụng. Nhiệm vụ này chỉ thu gọn trong việc thu nhận hồ sơ từ các văn phòng thượng nghị sĩ, chuyển đến Ủy ban chuyên trách của Viện cứu xét tính chất chính đáng hay không của các khiếu nại hoặc tranh tụng sau đó chuyển đến các Tòa Án Hành Chánh liên hệ xét xử, hoặc chuyển lên Tòa Án Bảo Hiến cứu xét tùy trường hợp.

 

* Mỗi cuối năm Dân Sự Viện đúc kết một bản nhận xét về các hoạt động của chính phủ và những khuyến cáo nếu có, chuyển qua Chính Sự Viện và lên Tổng Thống xét duyệt.

 

* Dân Sự Viện họp chung với Chính Sự Viện trong các khoá họp khoáng đại 6 tháng một lần nhân các buổi điều trần và chịu chất vấn về các chính sách quốc gia của Hành Pháp.

 

* Dân Sự Viện cũng được Chính Sự Viện mời biểu quyết trong các phiên họp bất thường đặt vấn đề tín nhiệm hay không chính phủ đương nhiệm và trong những trường hợp đặc biệt quan trọng khác liên quan đến trưng cầu dân ý hoặc những vấn đề liên quan đến quyền lợi tối thượng của quốc gia.

 

* Dân Sự Viện cử nhiệm các đại diện tham gia các Toà Án Bảo Hiến, Hội Ðồng Phát Triển Quốc gia và Tòa Án Ðặc Biệt theo luật lệ qui định.

 

* Thượng nghị sĩ không được trả lương hàng tháng, nhưng được hưởng một khỏan trợ cấp khóan cho văn phòng điều hành. Những di chuyển, chi phí ăn ở trong các kỳ họp thường niên hoặc bất thường được bồi hòan ; đồng thời một bồi khỏan đặc biệt cho các kỳ họp.

 

* Về tổ chức, ngòai Văn phòng Tổng Quản trị phụ trách các vấn đề hành chánh, Dân sự viện được điều hành bởi một Văn phòng thường trực và thường vụ các Ủy ban chuyên trách (các Thượng nghị sĩ thường trực được hưởng lương  như đã đề cập ở chương 9). Ở thời kỳ này các vấn đề chuyên biệt về Văn hóa, Lao động-Xã hội, Tài chánh, Khoa học-Kỷ thuật nổi trội bên cạnh các Ủy ban Ngọai giao là chức năng tham vấn chủ chốt của Dân sự viện và Ủy ban Tư pháp-Định chế là một lãnh vực nhạy cảm và bận rộn nhất trong tương quan dân sự-công dân với Nhà nước hành chánh-chính trị.

 

 

C. Tổng Thống :

Ðảm trách chức vụ Quốc trưởng, trọng tài quốc gia, theo dõi việc thực thi hiến pháp, thi hành luật pháp và các vấn đề an ninh quốc gia.

 

- Tổng Thống là Cố vấn tối cao Hội đồng An ninh Quốc gia.

 

- Tổng Thống ban hành luật pháp sau khi đã được Chính Sự Viện biểu quyết thông qua .

 

- Tổng Thống có quyền ký sắc luật và dụ có tính chất tương đương với luật trong những trường hợp do hiến pháp qui định. Thủ Tướng Chính phủ phải ký phó thự trên các văn kiện này.

 

- Tổng Thống bổ nhiệm các trưởng nhiệm sở ngoại giao sau khi được Dân Sự Viện thông qua, tiếp nhận đại sứ và ủy nhiệm thư, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế (trong trường hợp liên quan đến chiến tranh hay hòa bình phải được thông qua Dân Sự Viện ).

 

- Tổng Thống ra quyết định tổ chức trưng cầu dân ý chiếu đề nghị của Thủ Tướng Chính phủ; hoặc của Chính Sự Viện kèm theo sự đồng ý của Thủ Tướng.

 

- Tổng Thống giải tán Quốc Hội theo đề nghị hoặc với sự đồng ý của Thủ Tướng Chính phủ.

 

- Nhiệm kỳ của Tổng Thống là 4 năm, không tái cử.

 

*Các ứng cử viên chức vụ Tổng thống do Chính Sự Viện đề cử giữa các dân biểu tân nhiệm. Nếu số ứng cử viên trên 2 người, Chính sự viện tổ chức bầu nội bộ chọn 2 ứng cử viên cao phiếu nhất, để cuộc bầu cử vòng 2 được tổ chức một tuần lể sau. Ðoàn cử tri tham dự bầu cử chức vụ Tổng Thống bao gồm các dân biểu, thượng nghị sĩ, nghị viên các hội đồng Vùng, Tỉnh, Xã.

 

* Chức vụ Tổng Thống không kiêm nhiệm với tư cách dân biểu. Nhiệm kỳ Tổng Thống là 4 năm tính từ ngày nhậm chức.

 

* Trong trường hợp Tổng Thống bị bãi nhiệm trước nhiệm kỳ, vì lý do bất xứng trong công vụ, phản bội tổ quõc, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi quốc gia; hoặc vì lý do sức khỏe không thể hành xử chức vụ... Thủ Tướng Chính phủ kiêm nhiệm chức vụ này trong lúc chờ Chính Sự Viện tổ chức bầu cử lại tân Tổng Thống.

 

D. Thủ Tướng Chính Phủ :

- Ðược đảng đa số hoặc liên minh đa số trong Chính Sự Viện tín nhiệm đề cử. Tổng Thống bổ nhiệm và bãi chức Thủ Tướng Chính Phủ theo đề nghị của Chính Sự Viện trong những trường hợp do luật qui định.

 

- Thủ Tướng đảm trách Hành Pháp, chịu trách nhiệm trước Chính Sự Viện. Trong trường hợp bất tín nhiệm, Thủ Tướng đệ đơn từ chức cùng toàn thể nội các trước Tổng Thống.

 

- Thủ Tướng thi hành chính sách đường lối do Chính Sự Viện vạch ra, phải điều trần và chịu chất vấn trước hai viện trong những khóa họp định kỳ.

 

  - Thủ Tướng chịu trách nhiệm về những dự luật của các Bộ chuyển sang Chính Sự Viện biểu quyết. Nếu cần góp ý kiến, Chính Sự Viện sẽ mời Thủ Tướng hoặc Bộ trưởng liên hệ ra giải thích. Trong vòng hai tuần lể Chính Sự Viện phải chuyển hoàn dự luật thỏa hiệp để Thủ Tướng chuyển lên Tổng Thống ban hành. Trường hợp dự luật chuyển hoàn có ghi thêm ý kiến bổ sung mới, Thủ Tướng có quyền từ chối.

 

- Thủ tướng cử nhiệm các viên chức cao cấp hành chánh, quân đội, Viện trưởng các Viện đại học…

 

- Thủ Tướng chủ tọa Hội Ðồng Nội Các.

 

- Thủ tướng chủ tọa Hội đồng An ninh Quốc gia.

 

- Thủ Tướng chủ tọa Hội Ðồng Phát Triển Quốc Gia, đôn đốc, kiểm soát các công tác phát triển Vùng trong khuôn khổ phát triển quốc gia về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

- Thủ Tướng là công chức cao cấp nhất chịu trách nhiệm chính quyền hành chánh trung ương và tính hữu hiệu của guồng máy công quyền trong việc thi hành các chương trình công ích và bảo đảm trật tự tự do, dân chủ hiến định.

 

- Mỗi đầu năm Thủ Tướng  đọc thông điệp trước Ðại Hội Ðồng Dân Sự Viện có sự tham dự của các đại biểu các Hội Ðồng Vùng và Tỉnh.

 

E. Toà Án Bảo hiến :

Gồm 12 thành viên thông thái do Chính Sự Viện và Dân Sự Viện cử nhiệm (4 thành viên mỗi định chế). Tổng Thống cử nhiệm 4 thành viên chọn lựa trong số thẩm phán xử án cao cấp (2) và thẩm phán công tố (2). Vị Tổng Thống vừa mãn nhiệm là thành viên tự nhiên theo luật định, nhưng không qúa hai nhiệm kỳ của Hội đồng. Chức Chủ Tịch Tòa Án được chọn giữa số 12 thành viên tân cử theo thể thức đề cử và bầu phiếu kín cho đến khi đạt đa số tuyệt đối. Sau 3 vòng bầu, nếu không đạt kết quả, hai ứng viên cao phiếu nhất sẽ tranh vòng chung kết. Nếu  vẫn ngang phiếu bầu, lá phiếu của cựu Tổng thống vừa mãn nhiệm có tính quyết định.

 

-  Trong việc lấy phán quyết của Toà Án Bảo Hiến, khi số phiếu biểu quyết ngang nhau, lá phiếu của Chủ Tịch có giá trị chung quyết.

 

-  Nhiệm kỳ của các thành viên Toà Án Bảo Hiến là 8 năm, tính từ ngày nhậm chức.

 

- Tính chất bất khả kiêm nhiệm với bất kỳ chức vụ công cử, dân cử hay trách nhiệm nào khác phải được tuyệt đối tôn trọng, nhằm bảo vệ tính vô tư chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của các thành viên.

 

-  Cũng trong mục đích này họ được hưởng những qui chế đặc biệt đã nói trong chương 9.

 

-  Nhiệm vụ của Toà Án Bảo Hiến là bảo vệ Hiến Pháp và trật tự hiến định, giải thích luật pháp như Toà Án Bảo Hiến Karlsruhe của Cộng Hoà Liên Bang Ðức đã  đề  cập trong chương 5. Trong giai đoạn ổn định này Toà Phá Án được chuyển trả về hệ thống Tư Pháp.

 

*Uy tín của Chủ Tịch Toà Án Bảo Hiến có thể bảo đảm toàn vẹn nhất chức Chánh Án Tòa Án Tối Cao Ðặc Biệt trong trường hợp xét xử các cấp lãnh đạo quốc gia đương quyền như Tổng Thống, Thủ Tướng, các Chủ Tịch Chính Sự Viện và Dân Sự Viện. Tùy trường hợp phản quốc, có hành vi nguy hại đến quyền lợi tối thượng của quốc gia, hoặc phạm pháp nghiêm trọng, Chính Sự Viện và Dân Sự Viện cử nhiệm thêm những chuyên gia tham dự các phiên tòa theo biên chế pháp qui định.

 

Ý niệm tổ chức các định chế đầu nảo của Nhà Nước dựa trên sự phân nhiệm và phối hợp giữa hai lãnh vực dân sự và chính trị có những lợi điểm sau đây :

 

- Phát huy một nền dân chủ pháp trị ở trình độ cao, xây dựng trên sự quân bình của một nhà nước đại diện cho những khuynh hướng đa số của xã hội chính trị, bên cạnh sự hợp tác rất cần thiết ở tư cách tư vấn và kiểm soát của xã hội dân sự.

 

- Một sự tập hợp đầy đủ đại diện các tầng lớp quần chúng từ tất cả các khuynh hướng địa phương, sắc tộc, trào lưu tư tưởng tôn giáo, ngành nghề... trong một định chế tối cao hiện hữu bên cạnh Nhà nước thể hiện một tập hợp có tính nhất quán của tinh thần công dân với trách nhiệm cao độ.

 

- Các định chế chính trị và dân sự sát cánh trong mọi lãnh vực hoạt động quốc gia thể hiện lý tưởng đoàn kết truyền thống. Tinh thần Diên Hồng  vẫn là biểu tượng tồn tại và hưng thịnh quốc gia.

 

Một điều kiện duy nhất quyết định sự thành công hay thất bại của thể chế chính trị đề nghị nằm ở vấn đề văn hóa. Con người Việt Nam vào thời điểm chính trị ấy đã sẵn sàng hay chưa ? Ở đây là Con Người viết hoa của một truyền thống dấn thân vì công ích, với đầy đủ trách nhiệm về quyền lợi và bổn phận của một người công dân đúng nghĩa, giữa một thời đại mà Nhà Nước đã khá trưởng thành để có thể tạo những điều kiện xứng đáng cho họ đóng góp.

 

*Vấn đề đặt ra cho cho mô hình này là 25% dân biểu bầu theo tỉ lệ có thể hình thành một đa số lỏng lẽo ở Chính sự viện, đưa đến một chính phủ thiếu ổn định, không nhất

 

*Tùy thực tế chính trị vào cuối giai đoạn này, một tu chính hiến pháp có thể dự liệu "bầu cử đơn danh đa số" cho toàn thể dân biểu Chính Sự Viện:

 

*Mỗi tổ chức hay đảng phái chính trị chỉ được quyền đề cử một ứng viên duy nhất cho mỗi  đơn vị bầu cử (chọn 1 ghế dân biểu).

 

*Qua vòng đầu nếu không có ứng cử viên nào đạt đa số tuyệt đối (>50%), vòng 2 sẽ diễn ra một tuần lể sau giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất.

 

Thể thức bầu cử này có thể hình thành lưỡng cực chính trị và sự luân phiên cầm quyền. Một đa số tương đối đồng nhất ở Chính Sự Viện sẽ thiết lập được một chính phủ hữu hiệu trong việc thi hành các chính sách quốc gia.

 

Khi Nhà Nước Pháp Trị đã định hình rõ rệt những định chế quốc gia, xã hội đa nguyên cũng phát triển và vận hành hòa hợp, tốt đẹp song hành. Vào thời điểm mà ý thức công dân đã thành nếp trong thói quen tuân trọng và tuân thủ luật pháp, cấu trúc thượng tầng của một thể chế chính trị sẽ chỉ còn là vấn đề chọn lựa tùy thực tế chính trị và khung cảnh phát triển. Chế độ đại nghị như đã đề cập thể hiện tinh thần "Diên Hồng" của truyền thống lịch sử. Tong lúc đó mô hình "tổng thống chế" kiểu Mỹ với sự phân quyền rõ rệt giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp lại thể hiện một tổ chức xã hội ở trình độ cao trong đó các "thẩm quyền dân sự" đã hội nhập trở lại  trong lòng xã hội thông qua các thế lực mạnh của các nhóm quyền lợi (khoảng 850000 đủ các khuynh hướng công quyền bên cạnh các khuynh hướng tư nhân, kinh tế và có tầm cở quốc tế như Ủy Ban Công Vụ Israel ở Hoa Kỳ hoặc Hiệp Hội Quốc Gia Mỹ của Người Ả Rập...) và vô số các tổ chức áp lực của nghiệp đoàn, tôn giáo và hiệp hội tư.

 

Dĩ nhiên thực tế có thể sẽ biến đổi khác với những suy nghĩ bây giờ. Một phát thảo cho tương lai cần kíp trước mắt, trong lúc hiện thực trì trệ của đất nước có thể tiêu phí cả vài ba chục năm nữa là một dự phóng khó bảo đảm tính chính xác. Nhưng không phải là một việc làm vô ích. Cũng không phải là quá sớm.

 

LỜI BẠT (thay đọan Kết)

Một tư tưởng chính trị đúng đắn cần cho  người cầm quyền đưa đất nước đến giàu mạnh. Một nền văn hóa chính trị cũng thế, cần cho một tổ quốc đặt chân mà đi tới.

 

Trong thời đại dân chủ hóa mang tính toàn cầu ngày hôm nay, nhiều người ngại nói đến những nguyên tắc định hướng. Nhưng nghĩ cho rộng và cho cùng, những điều này không hề trái với tinh thần đa nguyên chính trị.Vì mục đích cuối cùng của đa nguyên vẫn là tinh thần đồng thuận, đúng hướng. Nét tương hợp  của một nguyên tắc chung sẽ đưa tới gần những giá trị phổ cập nhằm xây dựng một truyền thống chính trị.

 

Một quốc gia sẽ tồn tại trong thịnh trị bằng nền cai trị đúng đắn với những nguyên tắc quản trị thích hợp. Một dân tộc sẽ đi tới bằng những mơ ước chính trị không phải là thầm kín mà được phát biểu rộng khắp. Thiếu những tưởng tượng phong phú về những đường hướng, mô hình, những viễn kiến chính trị sẽ tàn lụi, đất nước sẽ dẩm chân trên những giáo điều bảo thủ, trì trệ. Kẻ sĩ, trí thức, người cầm bút  có bổn phận vẻ nên ước vọng về những chân trời mới.

 

Thực trạng Việt Nam qua di sản thê thảm của 80 năm đô hộ thực dân và nửa thế kỷ cộng sản đã tàn phá khủng khiếp nền văn hóa dân tộc, trong đó văn hóa chính trị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính khách, người làm chính trị, những nhà hoạt động xã hội và lớp trung lưu trưởng gỉa, nhà kinh doanh... không còn viễn kiến mà chỉ có những quyền lợi ngắn hạn, cá nhân hạn hẹp. Tiêu biểu nhất là những người cầm quyền đang nắm vận mạng dân tộc. Họ chỉ là những nhân vật rất tầm thường, miệng nói cách mạng nhưng bụng đầy tư lợi, hô hào dân giàu nước mạnh mà chẳng hề có chút ý thức quốc gia, tảng lờ hoặc bất chấp mọi nguyện vọng  tha thiết của quần chúng... Những người làm chính trị đối lập thì ngoại trừ một thiểu số đáng kính  bất chấp đe dọa, tù tội, dám đem những ngày cuối đời của mình trang trải những đam mê chính trị là nguyện vọng dân chủ, phần  lớn chống cộng và chủ nghĩa xã hội CS vì quán tính, khi những quyền lợi và thói quen mất đi. Họ cũng viện dẫn dân chủ làm mục tiêu, nhưng bản thân và cung cách hoạt động của họ không hề phản ảnh những nguyên tắc dân chủ.

 

Một cách thật chính xác, công cuộc dân chủ hóa tương lai  đất nước nằm trong một cao trào nhằm tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện xóa tan nếp nghĩ trì trệ, và tâm thức thụ động để thay đổi một nền hành chánh thư lại, chai cứng đang kềm kẹp tất cả mọi khuynh hướng sinh động nhằm đưa dân tộc cất bước, chuyển đổi toàn bộ cấu trúc và tổ chức chính trị hiện tại chỉ nhằm mục đích duy nhất là duy trì những đặc quyền đặc lợi núp dưới chiêu bài chủ nghĩa xã hội (?)

 

Chính những người dân chủ sẽ đảm đương vai tuồng nặng nề đó. Họ phải chỉ rõ những nguyên tắc sai lạc đang kềm hảm dân tộc trong những lối mòn suy nghĩ, cục bộ, đóng khung trong một ổn định đầy nghi hoặc. Phải đòi hỏi quyền sống, quyền con người, quyền công dân và một nhà nước bởi dân, do dân và vì dân. Phải xây dựng cho được một tư tưởng làm nền cho tương quan những con người mới và tiến bộ, đặc biệt là những nhân tố mới trong khung cảnh một nền dân chủ pháp trị, nhằm xây dựng thịnh vượng quốc gia, bên cạnh những bảo đảm xã hội cho an sinh, phúc lợi con người và những cơ hội đồng đều cho mọi công dân.

 

Những dự kiến về các định chế dân chủ chẳng mới mẻ gì trong các xã hội dân chủ phát triển phương Tây; nhưng với tri thức chính trị Việt Nam hiện tại, cách đặt vấn đề ở đây có thể còn xa lạ, và dự phóng về một mô hình cho giai đoạn ổn định có lẽ phải chờ thêm một thế hệ nữa cũng nên. Nhưng qui luật khách quan của thế giới phát triển toàn cầu hoá hiện nay đã chỉ dấu rõ ràng một con đường dân chủ, có khác nhau chăng là nơi những sắc thái văn hoá - xã hội đặc thù của mỗi dân tộc ứng hợp với những mô hình thích nghi.

 

Những lý luận cũng có thể thiếu chính xác khi còn là dự phóng, hoặc chủ quan khi tình thế chính trị của  đất nước chưa hé lộ một lối thoát; hoặc giả tư tưởng phát biểu có mang tính khai phóng chăng nữa thì những ý kiến đề đạt của những người dân chủ nói chung vẫn vô cùng cần thiết cho cuộc đấu tranh. Bởi 3 lẽ:

1.  Sức tưởng tượng phong phú là tiền đề cho những phát hiện về cái mới, cái hay, sự tiến bộ. Những đụng chạm sẽ chỉ giúp cho chân lý đến gần hơn, bằng rà soát  những định hướng dò dẩm và soi sáng con đường phải chọn.

 

2. Nhiệt tình đó so ra còn trong sáng và đáng trân trọng hơn nhiều những nguyên tắc chỉ hướng đầy tính giáo điều chai cứng, bất động, trì trệ của chế độ hiện tại. Người dân sẽ có cơ hội để nhận định, so sánh và lựa chọn một thái độ chính trị.

 

3.  Ngòi bút của họ sẽ gom góp từng chút lửa hâm nóng lại nhiệt tình chính trị và những ước mơ về tương lai dân tộc từ lâu hờ hửng, nguội lạnh vì những bịp bợm dối trá của nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau làm băng hoại đất nước...

 

Thôi thúc vì tinh thần công dân trước tổ quốc và vận nước, tác giả đã bạo dạn đóng góp phát biểu về một lãnh vực không thuộc chuyên môn. Mong được những bậc thức giả chỉ bảo, trên một đồng thuận về sự dấn thân và nhắm đến một kết luận cụ thể về công cuộc dân chủ hoá đất nước.

 

Trong thời đại mà sự tha hóa chính trị nảy sinh từ sự đổ nát của một ý thức hệ vẫn còn ngự trị trong bóng tối của lương tri đảng lãnh đạo, tiếng nói của những người cầm bút  dấn thân sẽ là tiếng nói phụng sự sự thật. Họ sẽ được hưởng ứng trong quảng đại quần chúng đang khao khát những đổi thay cần thiết.

 

Tập tiểu luận này là một tổng hợp những tham luận, góp ý mà một phần đã được đăng rải rác trên các báo ở Pháp, Hoa Kỳ  và tuyển tập «Những góp ý cho nước VN tương lai» do Tổng hội Cựu Sinh viên QGHC chủ trương (1995), được sửa chửa lại một phần cho hợp với những diễn tiến và sử kiện mới. Những hiệu đính này tuy chưa được tòan vẹn nhưng thiển nghĩ những phần viết cũ và mới  cũng đóng góp được phần nào cho những gợi ý về tương lai đất nước.  Mong được dư luận đón nhận và bổ túc cho những cái thiếu và những điểm sai sót.    

 

Trân trọng.

Lê Minh Văn

 

 

- HẾT -

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.