.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

Phần I : QUAN ÐIỂM

 

Chương 1: Nền văn hoá chính trị Việt Nam - Khổng Giáo và Trung Quốc

 

A.     Khi nước Tàu thức giấc

A1. Khổng giáo, nghệ thuật cai trị

A2. Cách mạng Trung Hoa và nước Tàu hai mặt, hai tốc độ

A3. Chủ nghiã xã hội với màu sắc truyền thống TH

 

B. Khẳng lập một nền văn hoá chính trị mới cho VN

B1. Cấu trúc xã hội và con người VN

B2. Sắc thái tôn giáo-văn hoá-xã hội đặc thù VN

B3. Ðịnh hướng sinh tồn cho VN

B4. Văn hoá chính trị Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc và Khổng Giáo

 

C.    Xây dựng một nền giáo dục thích hợp cho dân chủ hoá

 

 

B. KHẲNG LẬP MỘT NỀN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Trong bối cảnh suy đồi đến chao đảo của nền văn hoá truyền thống, nhu cầu này thật cấp bách cho thế tự tồn của Việt Nam trong tương quan khó khăn với tính chất Khổng giáo của khu vực thống thuộc Trung Quốc. Những đặc tính  văn hóa và chính trị chòng chéo lẫn nhau đã tạo nên những nét đặc thù chi phối các xã hội Ðông Á trong tương quan khu vực cũng như trên tổng thể bình diện toàn cầu hóa.

 

Nền văn hoá Việt Nam cổ và cận đại  mang đậm nét ảnh hưởng Trung Hoa, nhưng nhờ một dân tộc tính đặc thù, với truyền thống tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão) đã hấp thụ có chọn lọc những giòng tư tưởng ngoại lai và biến cải phù hợp  với cấu trúc xã hội tạo thành một thứ "hồn dân tộc Việt" tuy chưa hệ thống hoá như "hồn Khổng giáo Trung Hoa" hay tinh thần "Samourai Nhật Bản", nhưng bàng bạc mà đậm tình, nhẹ nhàng mà dũng mãnh, tỉnh mà năng động đã giúp dân tộc trường tồn qua những biến thiên khắc nghiệt của lịch sử.

 

B1. Cấu trúc xã hội và con người Việt Nam :

Suốt giòng lịch sử bị Tàu xâm lăng, Khổng giáo và một phần tập tục Trung Hoa đã du nhập và bám rễ trong xã hội Việt Nam. Nhờ một nền văn hóa truyền đời vững mạnh  bao gồm cả những nét đặc thù có phần kỳ bí, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Giản dị là dân tộc ấy đã biết khẳng định cho mình một lý lịch :

 

B1a. Tộc Việt vẫn luôn tự hào với nguồn gốc Tiên, Rồng của mình. Truyền thống lập quốc ấy xem ra "có văn hóa" hơn hẳn những dân tộc khác. Lịch sử tiếp nối với truyền thống chiến đấu ở thành Cổ Loa với lối kiến trúc độc đáo và chiếc nỏ thần biểu tượng cho sức mạnh  trí tuệ dân tộc. Bên cạnh đó truyền sử những vua Hùng với những sự tích bánh chưng bánh dầy... khai phá những nét văn hoá riêng biệt làm khởi phát tình yêu, sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với nhau, giữa vua tôi, giữa uy quyền thế tục và thần linh... Tập tục và truyền thống Việt Nam đã hun đúc trong tình tự ấy chứ không hề lệ thuộc truyền sử Tam Hoàng, Ngũ Ðế Trung Hoa.

 

B1b. Tộc Việt đã bành trướng đất Giao Châu từ trung điểm dân cư đồng bằng sông Hồng. Cuộc chiến đấu dai dẳng với thiên nhiên khắc nghiệt đã phát huy nghệ thuật trị thủy dẫn đến nền văn minh nông nghiệp Việt Nam.

 

B1c. Làng Việt Nam, đơn vị căn bản của xã hội mang đặc tính của một tập thể thôn dân kết chặc với nhau bởi những tập tục, lối nghĩ riêng biệt với các làng khác trong cái nét chung của tình tương thân tương ái qua những dịp giổ tết, tang ma, hội làng... Số phận của tổng thể cư dân ấy hầu như cũng gắn liền chung với nhau, chung quanh ngôi đình làng và chiếc bài vị "Thành Hoàng", vị nhân thần biểu tượng cho truyền thống hoặc tinh thần của làng trong một bối cảnh đặc biệt. Thành Hoàng do Vua sắc phong nếu là một vị anh hùng có công nghiệp đặc sắc với làng, với nước. Nhưng ở nhiều nơi ở miền Bắc, Thành Hoàng đôi khi không hội đủ những tiêu chuẩn đạo đức "nho phong", nhưng lại có một tư cách, một sở đắc đặc biệt chống đỡ thiên nhiên, tai ương, hoặc tạo nên được những huyền thọai lạ, những mẫu chuyện kỳ thú. Làng Việt Nam trong những nét lịch sử và văn hóa riêng biệt ấy đã khích lệ được những tình tự phóng khoáng, đa nguyên, trong toàn cảnh nông thôn chung sức chung lòng dựng làng lập ấp; và đoàn kết nhau gây dựng ý chí chung chống lại mọi hình thái xâm lăng và tai ương đến từ bên ngoài.

 

LàngThôn cùng mang chung nghĩa. Nhưng "làng" theo ngôn ngữ truyền thống thường ám chỉ một quần thể  gia đình tập hợp trên một địa bàn riêng, thường được bao bọc bởi lũy tre xanh như ở Bắc và Trung hoặc nối kết nhau trên một trục giao thông thuận lợi bên bờ những kinh rạch trong Nam. "Làng Việt Nam" cũng còn mang ý nghĩa tập hợp của một nhóm cư dân có đời sống gắn liền nhau trên mãnh đất do chính tổ tiên họ khai phá hoặc được vua và triều đình ban cấp. Do đó họ có chung niềm tự hào về danh xưng, cùng chia xẻ một lịch sử hoặc truyền tích, cùng tôn trọng những giá trị riêng biệt, trong khung cảnh một ý chí chung từ truyền thống,  được bảo trì qua các cuộc tế Thành Hoàng hằng năm hoặc các hội làng diễn lại các tích xưa. Theo giáo sư Nguyễn Văn Ký thì "thôn"  là "tên chữ" mang ý nghĩa hành chánh, nhất là khi "làng" là một trong các đơn vị cấu thành Xã (6).

 

Có lẽ làng Việt Nam là một định chế độc lập xuất phát từ lâu đời trong truyền thống lịch sử dân tộc. Làng đóng vai trò một đơn vị cơ sở  về mặt hành chánh cũng như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự. Chính định chế độc lập này đã rèn đúc ý chí tự chủ, tự tồn trong cuộc đề kháng gian lao với ý đồ ngoại xâm và các cố gắng đồng hoá của nền đô hộ Bắc phương. Mỗi lũy tre xanh của làng hình thành một chiến hào, mà bên trong thôn dân đã chiến đấu trong niềm tự hào thiết thân với truyền thống giữ làng, giữ nước. Cũng bởi tính chiến lược quan trọng đó mà qui chế tự quản, tự trị của làng đã được chấp nhận và tôn trọng. "Phép vua thua lệ làng" là nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam.

 

Làng Xã Trung Hoa và Việt Nam mang những sắc thái gần giống nhau bởi lẽ giản dị là chính các Sĩ Nhiếp, Triệu Ðà đã tổ chức nền đô hộ và hệ thống cai trị, hình thành những quận huyện. Nhưng định chế Xã đã không được nhắc nhở đến trong thời kỳ này, cho đến cuộc kiểm tra suất đinh đầu tiên năm 1282 dưới thời vua Trần Thái Tông mới nói đến hai bậc chánh Xã (đại tư xã và tiểu tư xã). Nhưng rõ ràng là làng Việt Nam đã hiện diện từ thời lập quốc qua các huyền thoại Thành Hoàng (riêng vùng châu thổ sông Hồng học giả Pierre Gourou đã tính được hơn 7000 Thành Hoàng trong số 9697 làng kiểm tra  theo L'annuaire général de l'Indochine de 1919. Riêng  ở tỉnh Bắc Ninh, học giả Nguyễn Văn Huyên đã biết đến 770 vị. Ðặc biệt ở Làng La thuộc huyện Từ Liêm ở ngoại thành Hà Nội, hàng năm vẫn giữ lệ tế Thành Hoàng của họ và hội đồng kỳ mục vẫn cho diễn lại thân thế kỳ lạ và công nghiệp trị hỗ rực rở của Dương Cảnh Công - tên tục là Nguyễn Dương Cảnh sống dưới thời vua Hùng Vương thứ 18, khoảng thế kỹ thứ III trước Tây lịch - cũng theo Nguyễn văn Ký- sách đã dẫn).

 

B1d. Làng Việt Nam có một sắc thái đặc biệt khác hẳn làng Trung Hoa trước hết bởi cấu trúc đình Việt Nam ở Bắc bộ thường được xây dựng theo kiểu nhà sàn giống như kiểu kiến trúc dân gian nguyên thủy của người Giao Chỉ. Ðình làng Việt Nam cũng là trung tâm điểm chính trị và văn hoá. Các cuộc tiếp rước sắc phong hoặc các cuộc đón tiếp chức sắc Tỉnh và Trung ương thường đươc tổ chức ở đình. Các cuộc xử án cũng xẩy ra ở đây. Hội Ðồng Kỳ Mục cũng lấy đình làng làm nơi nhóm họp. Và dĩ nhiên các lễ tiết chính thức của làng phải được tổ chức ở đình.

 

Về tổ chức, nền hành chánh làng Việt Nam đã biểu hiện một sự phân quyền truyền thống giữa hai định chế là "Hội Ðồng Kỳ Mục" bao gồm các già làng, trí thức, thân hào nhân sĩ... đặt dưới quyền chủ toạ của vị "Tiên Chỉ" có "Thứ Chỉ" phụ tá. Tất cả các kết ước hành chánh phải thông qua nhân vật tối cao này của làng. Tiên Chỉ và Hội Ðồng Kỳ Mục cử chức Lý Trưởng trên danh nghĩa đặc trách hành chánh và là đại diện chính thức của chính quyền trung ương. Các cọng tác viên của Lý Trưởng gồm có "Thầy Từ" thường là người thông thái đặc trách nghi lễ, tế tự. "Thầy Thông Giản" có nhiệm vụ soạn thảo và giải thích các quyết định hành chánh. "Thủ Bộ" phụ trách suất  đinh và điền thổ. "Lang Cai" phụ trách tất cả các dịch vụ mua bán, sang nhượng của làng. "Thầy Sa Nam" phụ trách lễ tiết và sau chót là "Ông Từ", người coi giữ đình làng.

 

Bên trong lũy tre làng cuộc sống của thôn dân rất cởi mở, liên hệ làng thôn rất thân thiết, chặt chẽ. Cửa nhà hầu như không bao giờ khóa. Dẫu có hàng dậu che, nhưng tình hàng xóm luôn luôn thiết thân như trong cùng một đại gia đình. Chính nét đặc thù đó đã nảy sinh ra định chế "Giáp" ở các làng miền Bắc và một phần ở bắc Trung Bộ (đơn vị tập hợp những tráng đinh phái nam khi đến tuổi thành niên). Nhiệm vụ chính của tổ chức Giáp mang tính chất tương trợ như kiểu vần công đổi công dưới thời xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhưng tổ chức Giáp thật sư mang tính chất không chính thức của một tổ chức hành chánh nhằm phục vụ lợi ích của chính quyền. Thông qua Giáp, Hội Ðồng Kỳ Mục chuyển lệnh đến người "bị trị", cũng như thông qua định chế hào mục của Thôn mà chính quyền Tỉnh, hoặc Trung Ương, Triều Ðình thi hành chính sách chung (7) Tính chất tự trị của làng Việt Nam do đó không mang chất tuyệt đối mà thường dung hòa quyền lợi của "làng" với "nước" mà gạch nối chính là "nhà nước làng" bao gồm Hội Ðồng Kỳ Mục và Ban Trị Sự Thôn.

 

Về sắc thái xã hội, tính phong kiến của làng xã Việt Nam cũng nhẹ  nhàng hơn ở Trung Quốc. Nạn cường hào ác bá nắm trong tay hầu hết đất đai chỉ thấy lác đác vài nơi ở đồng bằng Nam Bộ và Bắc Bộ trước kia. Ở nhiều địa phương chế độ hương ước tồn tại như một nét đặc thù của nông thôn Việt Nam. Ðất công điền công thổ vẫn được phân phối một cách công bằng và hợp lý qua các hội làng. Có thể nói tính dân chủ xã hội đã hiện diện từ lâu đời trong xã hội nông thôn. Chỉ cần những cải cách hành chánh hợp lý hơn và sự chuyển đổi nếp nghĩ trải rộng ra ngoài khung khổ lũy tre làng để vượt thoát những định kiến hẹp hòi là nền dân chủ chính trị có thể bén rễ và nẩy mầm được nơi những người thôn dân chất phát vẫn sống tương ái với cộng đồng thôn làng chung quanh, trong ý chí chung xây dựng làng xã và công ích chính trị, xã hội.

 

B1e. Phật giáo Thiền tông du nhập rất sớm vào Việt Nam  và phát triển cực thịnh các đời Lý Trần, đã cùng tồn tại với Phật giáo và Lão giáo làm thăng hoa những suy nghĩ chung nhất trong một trình tự tôn giáo thanh cao biết sợ sự trừng phạt của đời sau mà hoàn thiện đời sống công dân nơi trần thế hiện tại. Nét đặc biệt dân tộc này khác hẳn với "hồn Trung Hoa" thực dụng, vật chất, và nhẹ tính tôn giáo hơn. Phật giáo đã tồn tại và phát triển ở nước Tàu dưới dạng văn hoá và tập tục hơn là một dạng hình tôn giáo ở nghĩa hẹp của nó. Người Trung Hoa thường ít chú tâm đến điểm lợi, hại của tôn giáo trong ý nghĩa một đời sống khác với những ham muốn hiện tại.

 

B1f. Khổng giáo từ một tôn giáo chính trị Trung Hoa khi du nhập vào Việt Nam đã biến thể. Khổng Tử trong tâm hồn mổi người Việt Nam trở thành một "Ông Hiền" nói điều nhân nghĩa và truyền dạy nghệ thuật làm người. Người quân tử, đối tượng giáo dục của Khổng Tử ở Việt Nam  đã được bình dân hoá, phản ảnh những nét văn hoá trong lối sống nhằm hoàn thiện con người  thành một công dân xứng đáng. "Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu giữ mình" hoặc "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách"... đã trở thành những phương châm phỗ quát trong xã hội Việt Nam trải từ thành thị đến nông thôn, từ giai tầng kẻ sĩ đến người nông dân bần hàn.

 

Trật tự xã hội là trật tự bắt nguồn từ thượng tầng cấu trúc xã hội "thượng bất chính hạ tất loạn" với nghĩa vụ ràng buộc trước tiên tầng lớp cai trị. Thời cận đại với sự thâm nhập không chính thức  luồng gió dân chủ, cái gốc của xã hội là quảng đại quần chúng đã được nhìn nhận: "dân vi qúi".

 

Cái học thánh hiền không được cải đổi gì mấy, cũng "Tứ thư - Ngũ kinh" trên cái nền "tam tự kinh" là biển học của sĩ tử  để trở thành hiền tài giúp nước qua "tam trường". Dĩ nhiên nền thi cử có cải cách cho hợp với phong tục tập quán của người Việt, cơ chế đào tạo sĩ phu vẫn mượn ở Khổng giáo chính thống.

 

Với một đặc tính phong kiến xã hội nhẹ nhàng hơn ở Trung Hoa, cùng một nhân sinh quan hướng thượng và cởi mở hơn, xã hội đẳng cấp Việt Nam không đóng kín cánh cửa thăng tiến  cho một thiểu số danh gia vọng tộc. Ðành rằng "con quan thì lại làm quan" nhưng tầng lớp hiền tài sĩ phu Việt Nam không phải tất cả đều xuất thân từ qúi tộc đô thị và phụ cận. Nông thôn Việt Nam vẫn cống hiến không ít hào kiệt văn cũng như võ làm chiếc gạch nối giữa hai thực thể cách biệt ở Trung Hoa là "nhà nước" và "quảng đại quần chúng bần dân". Con người Việt Nam trước hết được giáo dục để trở thành kẻ sĩ của chính mình trong bất kỳ mọi giai tầng xã hội nào. Do đó con cái nông dân nếu có ý chí sẽ không thiếu cơ hội từ bỏ lũy tre xanh để trở thành sĩ phu giúp nước.

 

Trong thời cận đại với Tây học, một tầng lớp trí thức tư sản đã chiếm giữ những vị trí then chốt trong xã hội; bên cạnh đó một đại bộ phận trí thức bản xứ con cái tầng lớp tiểu công chức và trung nông chiếm lãnh những vị trí trung cấp trong guồng máy quốc gia. Giai tầng "kẻ sĩ" này quan trọng cho vận mệnh đất nước vì chỗ xuất thân khiêm nhường  cho phép họ gần gủi quần chúng  với những nguyện vọng, những vấn đề riêng biệt; từ đó phục vụ hữu hiệu hơn.

 

Từ khi thực dân Pháp áp đặt nền đô hộ, một thành phần kẻ sĩ đã biến chất trở thành cầu an ích kỹ phục vụ cho quyền lợi thống trị. Họ sống theo Tây, đọc sách Tây, nghiền ngẩm những tư tưởng mới. Ðối với họ, tổ quốc Việt Nam hầu như không còn tồn tại nữa.

 

Tư tưởng dân chủ khai phóng chỉ xuất hiện ở đô thị với mức sống tương đối cao. Nông thôn Việt Nam vẫn là cái nôi nghèo khó với lối sống cách biệt hẳn. Tư tưởng bị đóng khung trong tục lệ làng và hệ thống quyền lực kỳ mục. Họ sống với xã hội truyền thống pha trộn với nguyên tắc chỉ hướng của Nho giáo đã biến hình thành bình dân, nhiều khi lệch lạc.

 

Do bế tắc nhà nước Cọng sản Việt Nam phải chủ trương "đổi mới"; nhờ đó tầng lớp trí thức trong nước  đã bừng tỉnh cơn mê và đang đối diện với chính mình cùng những vấn đề thiết thân nan giải nội tại cũng như khách quan. Tầng lớp ấy có thật sự hiện diện hay không, nó bất lực hay vẫn còn những khả năng tiềm ẩn khả dĩ phát khởi được một tâm thức mới cần thiết cho dân tộc đối kháng với một hệ thống cai trị  ngoan cố đang dìm tổ quốc trong ngỏ cụt tiến hoá là một dấu hỏi đặt ra cho mọi người Việt Nam.

 

Dẫu sao thì sự phục hồi niềm tin nơi giai tầng lãnh đạo then chốt này cũng đã chớm thấy với ý thức dân chủ quyết định cho sự chuyển mình tối hậu mà họ đang có trong tay. Ðất nước Việt Nam từ văn minh nông nghiệp sẽ tiến lên văn minh đô thị ; từ một nền kinh tế nông nghiệp phải tiến lên kỹ nghệ hoá. Con đường tất yếu đó dựa trên những nhân tố quyết định của giai cấp trung lưu xã hội và giai tầng kẻ sĩ.

 

Con người Việt Nam nói chung, không quá khép kín và bị dằng kéo về quá khứ huy hoàng như người Trung Hoa, sẽ thong dong trong tâm tình cởi mở truyền thống mà tiếp nhận có chọn lọc những nền văn hoá ngoại lai. Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo và Ky Tô giáo đã nhào trộn trong lòng dân tộc hầu tìm một thế tồn tại vĩnh cửu, từ đó nảy sinh dân tộc tính tương đối đồng nhất trong suy nghĩ Việt Nam sẳn sàng giao tiếp với những luồng tư tưởng mới mà hình thành cái "đạo" - sinh lộ của dân tộc.

 

B2. Sắc thái tôn giáo-văn hóa-xã hội đặc thù Việt Nam:

Tôn giáo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị dân chủ tương lai. Lịch sử cho thấy kể từ thời thu hồi độc lập ở thế kỷ thứ 10 cho đến nay tôn giáo luôn gắn liền sự phát triển của mình với những thịnh suy của dân tộc. Khách quan mà nói, Phật giáo đã là lực lượng trí thức hàng đầu trong các xã hội thời Tiền Lê, Lý, Trần; đóng vai trò động cơ của mọi phát triển xã hội và nền thịnh trị của đất nước. Những Vạn Hạnh, Khuông Việt thiền sư... đã có ảnh hưởng lớn trên chính sách của các vua đời Lý và Trần. Viên Thông quốc sư ngoài kiến thức thông tuệ về Phật pháp còn có cái nhìn rất thông suốt về những quốc kế dân sinh thực tế thuộc Nho giáo như lời tâu vua Lý Thần Tông năm 1113: "Việc trị loạn do ở các quan dùng được người tốt thì trị an, dùng phải người xấu thì nguy loạn... Trời đất nóng lạnh dần từ mùa xuân sang thu, nhân quần cũng từ thiện ác... Các thánh vương đời xưa biết thế nên bắt chước Trời thì chăm tu đức để sửa mình; bắt chước Ðất thì chăm tu đức để yên dân. Sửa mình là cẩn trọng bên trong, run sợ như dày xéo lên lớp băng mỏng. Yên dân là kính cẩn với công chúng, nơm nớp như cầm roi mục giong cương ngựa. Ðược như thế thì không nước nào là không thịnh trị; nếu trái lại thì không nước nào mà không loạn vong."

 

Hoặc như Ngộ Ấn Thiền Sư đã tâu với Lý Nhân Tông về việc dung hòa Phật giáo và Khổng giáo để xây dựng tinh thần tam giáo đồng nguyên: "Học mà không nghĩ thì lầm, nghĩ mà không học thì nguy. Biết tức là làm, biết mà không làm ấy là không biết...”

 

Các minh quân đời Lý đã thấu suốt các nhu cầu vật chất và tinh thần của xã hội đương thời nên bên cạnh việc xây dựng chùa chiền đã cho xây dựng văn miếu (1070-Lý Thánh Tông). Lý Nhân Tông mở đầu khoa thi Minh Kinh Bác Học cập thi Nho Học Tam Trường (1075). Năm sau lập Quốc Tử Giám. Năm 1180 vua xuống chiếu thi “Tam Giáo” thỏa hiệp với tinh thần Phật Lão trong cố gắng đào tạo một tầng lớp trí thức lãnh đạo mới vừa tinh thông nghệ thuật cai trị (Nho gia), vừa tiêm nhiểm một tinh thần đạo đức cởi mở (Phật gia) thể hiện trong con người thanh cao (Lão giáo).

 

Tinh thần tôn giáo nhập thế cởi mở đó đã mở ra con đường thịnh trị cho dân tộc và đất nước. Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục khi khảo sát về vai trò tôn giáo đã có những nhận định chính xác như sau: "Nhìn chung thời Lý giới trí thức lãnh đạo thượng lưu có tinh thần cởi mở, không giam trói vào một hệ thống đóng cửa độc tôn nào mà trái lại còn thông cảm, bổ túc cho nhau thành cái đạo tam giáo đồng nguyên  phong phú. Tuy Phật giáo bành trướng mà tinh thần hiện thực cũng rất mạnh, ý chí chiến đấu tự cường đi đôi với lòng tín ngưỡng nhân từ không có mâu thuẫn. Phật giáo đã thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam biến thái từ một tôn giáo tiêu cực từ bi sang một khoa tâm linh dũng mãnh tích cực tranh đấu, một khí lực hay tinh thần tự lực của thiền học để phụng sự cho mục đích thực tế dân sinh của dân tộc"

 

Trong thực tế lịch sử, những trí thức nổi tiếng thời khởi sinh Nho học Việt Nam như sử gia hàng đầu Lê Văn Hưu, các nhà văn Lê Quát, Trương Hán Siêu... đã không ngưng đả kích Phật giáo hoặc về cung cách hiện hữu của nó, hoặc ở khía cạnh lạm dụng quyền lực để xây dựng quá nhiều chùa chiền, phí phạm sức dân và làm tổn hại công qũi quốc gia. Tuy nhiên, nhìn dưới một góc độ khác, thời kỳ vàng son này của Phật giáo Việt Nam đã để lại cho đến bây giờ những ngôi chùa Lý tráng lệ như chùa Một Cột (Diên Hựu-1041), Chùa Quan Thánh Hà Nội xây dựng năm 1102, Chùa Keo ở Thái Bình... Quốc Tự Viện Lý triều nổi tiếng, một trong 4 kỳ quan đệ nhất nước Nam là chùa Báo Thiên xây cất năm 1050 đả bị phá hủy năm 1886, lấy chỗ xây dựng thánh đường Saint Joseph dưới ảnh hưởng của hoàng hậu Eugénie, vợ vua Napoléon đệ tam, một người sùng đạo Gia Tô quá khích.

 

Tiếc thay, kể từ cuộc khởi loạn của Mạc Ðăng Dung năm 1527, hậu bán triều Lê đã đánh dấu thời kỳ suy thoái, khi Nho học phát triển mạnh dập khuôn Nho giáo triều Minh với tư tưởng luân lý thực tiển, đã phát sinh khuynh hướng thiên chấp độc tôn trong cảnh Phật giáo không còn hưng thịnh và xa lánh dần xã hội. Tinh thần đồng nguyên bị phá vỡ đã mở đầu cho những giai đoạn dài kế tiếp nhau suy tàn dẫn đến nội chiến giữa các họ Mạc và Trịnh, từ đó mất nước vào tay quân Minh, rồi sau khi thu hồi độc lập lại nội chiến giữa hai họ Trịnh-Nguyễn, tiếp đến Tây Sơn và nhà Nguyễn. Vua Gia Long thống nhất sơn hà năm 1802, nhưng vua quan nhà Nguyễn mù quáng  trước một thế giới đã đổi thay tận gốc rễ với cuộc cách mạng kỹ thuật và khuynh hướng thuộc địa của phương Tây, vẫn ra lệnh bế quan tỏa cảng, cấm đạo và bách hại Gia Tô giáo, tạo cớ cho quân Pháp xâm chiếm đất nước. Tiếp đến những  tương tranh ý thức hệ (vay mượn và rất xa lạ với trình tự dân tộc) trong công cuộc dành lại độc lập đã dẫn đến những hậu quả khốc hại kéo dài cho đến bây giờ...

 

Bài học lịch sử đó khá đủ để những nhà lãnh đạo các phong trào Phật giáo (và cả những tôn giáo khác đặc biệt là Thiên Chúa giáo) suy nghĩ về phong cách nhập thế của mình trong thời cận đại; vì khi xuất hiện trong những bối cảnh quan trọng của lịch sử, tôn giáo lớn này đã không hội đủ uy tín và những khả năng trí thức để tổ chức và vận động quần chúng đông đảo của mình vào những mục đích cứu nước hoặc phục vụ dân tộc. Cái tinh thần nhập thế dũng mãnh của thời thịnh trị Lý Trần và khả năng dung hợp tạo đồng nguyên dân tộc vẫn còn vì dù suy tàn chăng nữa, Phật giáo vẫn còn quần chúng và trong một ý nghĩa nào đó đồng hóa với quần chúng.

 

Trong khung cảnh đa nguyên tư tưởng và tôn giáo phân tán hiện tại, tinh thần đồng nguyên về những mục đích dân tộc là điều quan trọng nhất trong những tiền đề cho đất nước có thể hưng thịnh trở lại. Luận điểm này thoạt nhìn không được thực tế lắm trong những điều kiện toàn cầu hóa, khi mà lý lịch và truyền thống dân tộc thường lu mờ và phải nhường bước trước ảnh hưởng của những khối văn hóa-tôn giáo khổng lồ. Tuy nhiên nó vẫn hiện diện sâu kín trong trình tự từng biên cương dân tộc; mà nếu có định hướng vững chãi, đất nước vẫn có thể tiếp tục con đường phải đi về chốn vinh quang. Các nhà tư tưởng thời Lý vẫn chủ trương được “tam giáo đồng nguyên” bất chấp sự phản bác của nhà Tống giữa thời cực thịnh của triết học Trung Hoa. Các nhà quân sự lỗi lạc Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo vẫn tự tin vào những chiến lược riêng biệt của mình, đã vào sâu đất Tàu vây hảm những châu Ung (Quảng Ðông), châu Khiêm (Quảng Tây) của họ (đời Lý) hoặc đánh tan tành đạo quân bách chiến bách thắng Nguyên-Mông mà dưới vó ngựa của nó cỏ đã không có thể mọc được cả trên hai lục địa Âu Á (đời Trần) Phải chăng đó là ý thức truyền thống trong mỗi con người Việt Nam, từ vua quan đến thứ dân đã làm xuôi chảy mãi một dòng lịch sử? Hãy lắng nghe một đoạn Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (chú thích a) ta sẽ hiểu rõ về tinh thần ấy: "tháng 12 Trần Phủ từ Nguyên trở về tâu rằng vua Nguyên (ch/tb) sai bọn Thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta".

 

Thượng Hoàng (vua Trần Thánh Tông) triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như cùng bật ra từ một cửa miệng. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã bình luận sự kiện trọng đại này như sau:

 

"Giặc Hồ vào cướp nước ta là nạn lớn của đất nước. Hai vua (Vua Trần Nhân Tông (ch/tc) và vua cha Thượng Hoàng Trần Thánh Tông) hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cũng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Ðó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người gìa để xin lời hay vậy".

 

Xem thế để biết rằng xã hội rất cần "đạo" làm gốc. Vương đạo của Nho gia, Tào của Lão giáo, đạo công bình-bác ái của Công giáo, đạo bi-trí-dũng của nhà Phật... tất cả chỉ để chăm lo xây dựng nền đạo đức của xã hội. Khi tư tưởng chuyên chở trên nhiều con đường cùng nhắm một hướng đời tốt đẹp để cùng nhau xây dựng, tinh thần Diên Hồng  sẽ nảy sinh. Ngược lại khi tầng lớp tăng lữ chỉ nhìn độc một nhu cầu cục bộ, tư tưởng quá khích sẽ biến giáo hội thành những pháo đài. Nền đạo đức xã hội sẽ bị lạm dụng thành phương tiện bành trướng tôn giáo hơn là nhằm phục vụ dân tộc.

 

Tôn giáo ở Việt Nam có một sắc thái đa nguyên đặc biệt. Kể từ khi nền cựu học bị bãi bỏ để chuyển sang Tây học, Nho giáo không còn tồn tại một cách chính thức nữa, nhưng tinh thần của nó vẫn hiện diện tiềm tàng trong đời sống dân tộc dưới khiá cạnh tập tục và văn hóa.

 

Phật giáo từ hậu bán nhà hậu Lê đã mất chỗ đứng quyết định trong đời sống chính trị xã hội nhưng cũng do yếu tố bình dân hoá, mất dần tính chính thống mà Phật giáo đã lan rộng cùng khắp, hòa vào đại chúng và bám rễ trong sinh hoạt văn hoá truyền thống, đặc biệt ở địa bàn nông thôn.

 

Nảy sinh từ những nhu cầu chính trị kháng Pháp trong công cuộc dành lại độc lập, Phật giáo một phần đã biến thể thành Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây, mang tính chất dung hợp của tập tục thờ cúng ông bà, ghi nhớ công ơn cửu huyền thất tổ và tinh thần hiếu thảo của Nho giáo; qua đó đã thu hút khá đông đảo quần chúng nông thôn Hậu Giang và có một ảnh hưởng chính trị đáng kể tại đây.

 

Cao Ðài với khuynh hướng dung hợp Công giáo và Phật giáo trong việc thờ phụng Jésus và Thích Ca, bên cạnh Tứ Bất Tử là các Thánh Gióng, Tản Viên, Chữ Ðồng Tử, Hồng Ðức Lê Thánh Tông - chủ soái Tao Ðàn Nhị Thập Bát Tú; cùng các nhà tư tưởng văn hóa chính trị lớn Ðông Tây như Victor Hugo, Jeanne d'Arc, Tôn Dật Tiên... lại phát triển mạnh ở miền Ðông Nam Phần và vài tỉnh miền Trung.

 

Công giáo ngược lại có địa bàn hoạt động chặc chẽ ở các đô thị. Dưới ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican và truyền thống phát triển trong các xã hội văn minh Âu Mỹ, mặc dầu chỉ chiếm khoảng 8% - 10% dân số, tôn giáo này đã cung ứng cho xã hội nhiều đóng góp quan trọng về phương diện cán bộ lãnh đạo cũng như các hình thái tổ chức khoa học hiện diện trong khắp các lãnh vực của xã hội dân sự. Vì quá trình sinh trưởng ngắn ngủi, Công giáo chưa có thể bám rễ sâu rộng vào đời sống mang tính truyền thống, nhưng những quan điểm rất mới, ôn hòa và có tính dân tộc đã thay đổi dần hướng đi của Giáo hội sau kinh nghiệm dấn thân quá sâu vào các lãnh vực chính trị bởi vài phần tử lủng đoạn nhân danh Giáo hội suốt trong giai đoạn cầm quyền của chế độ Ngô Ðình Diệm.

 

Nhu cầu hòa giải và đoàn kết các tôn giáo, đặc biệt giữa Công giáo và Phật giáo cũng được đặt ra không kém khẩn cấp, để đồng thuận Diên Hồng cần thiết cho sự tái sinh nền đạo đức xã hội và tinh thần công dân mới vừa mang nét văn hóa đặc thù của dân tộc, vừa thích ứng được một cách vững chãi với thời đại mới.  Ðoàn kết quốc gia được xem như điều kiện tiên quyết của thịnh trị như các thời Lý, Trần và nửa thời kỳ đầu nhà Hậu Lê. Ðặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông, xã hội Việt Nam đã được tổ chức khá hoàn hảo nhờ bộ luật Hồng Ðức được nhiều nhà nghiên cứu luật học Việt Nam đánh giá rất cao, với những điều khoản tiến bộ đi trước phương Tây rất lâu về việc bảo vệ tù nhân (Chiêm Thành) và vài quyền cơ bản của con người, bảo vệ trẻ em và giải phóng phụ nữ ngay từ thế kỹ thứ 15, giữa thời đại toàn trị của Khổng giáo!

 

Trong bối cảnh lịch sử vô cùng phức tạp tiền bán thế kỷ thứ 20, sắc thái tôn giáo và địa phương đã hiện diện dưới nhiều màu sắc chính trị, đối kháng đến tàn hại nhau đã để lại những hận thù, xâu xé, chia rẻ nhức nhối và sẽ còn kéo dài rất lâu. Dân tộc Việt Nam, từ mọi hướng, mọi phía, mọi tôn giáo bắt buộc phải làm những cố gắng tối đa để tự chiêm nghiệm, bắt tay nhau mà hàn gắn và xây dựng lại, nếu không muốn tổ quốc vĩnh viễn lạc lõng trong tăm tối, bên lề những tiến hóa của vùng và thế giới.

 

Qua thực tế lịch sử, các tôn giáo lớn ở Việt Nam là Phật giáo, Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo đều tỏ ra có khuynh hướng nhập thế và đã có những đóng góp đáng kể trong cố gắng thu hồi độc lập hoặc xây dựng đất nước, dân tộc. Tự ngàn xưa, Phật giáo đã biết biến cải các lý thuyết khá yếm thế, bi quan thành sức mạnh trí tuệ, tự lực, tự cường. Phật giáo Việt Nam, sản sinh từ truyền thống dân tộc, do các nhà sư có tư tưởng mạnh về sự tồn vong của đất nước, đã ý thức rõ ràng về mối liên hệ sinh tử của phát triển tôn giáo với những thịnh suy của quốc gia. Dầu suy thoái so với Nho giáo kể từ thế kỹ thứ 16, và yếu thế so với Công giáo ngày nay, trong ngẫu cảnh hiện tại của lịch sử, khi Nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn quyết tâm đàn áp, triệt tiêu Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nhằm nuôi dưởng Giáo hội Phật Giáo Quốc Doanh cho mục đích toàn trị của họ, lực lượng Phật giáo vô hình chung đã bị đặt ở vị trí tuyến đầu của đối lập, trong lúc các lực lượng chính trị đối kháng với chuyên chính toàn trị quá yếu, quá mỏng và thiếu đoàn kết.

 

Ngoài Cao Ðài, Hoà Hảo và Tin Lành vẫn ngấm ngầm tổ chức các lực lượng đề kháng, Giáo Hội Công giáo Việt Nam lại chọn một chiến lược hòa hoản nhất thời để phát triển và hiện diện sâu rộng hơn ở hạ tầng xã hội. Nhà nước Cọng sản tạm thời yên tâm về lực lượng đối lập đáng gờm này, nhưng sớm muộn gì thì nhu cầu chuyển đổi xã hội cũng phải đặt ra; và Giáo Hội Công giáo sẽ phải nhận lãnh vai trò tiên phong của mình, như lịch sử đã chứng tỏ tính cộng sinh của tinh thần Ki Tô và nền tảng dân chủ ở các nước Tây phương. Viễn ảnh ấy không còn xa vời nữa  khi người cộng sản trên vị thế cầm quyền đã đánh mất gần hết uy tín và thế chính thống chính trị bởi sự tụt hậu quá đáng của đất nước trong khu vực, vùng và thế giới; và phần khác bởi những vấn nạn về tư cách lãnh đạo và lề lối quản trị đất nước của một đảng độc tôn và toàn trị trong khung cảnh phát triển toàn cầu hóa hiện tại. 

 

Tiến trình tranh đấu chống chuyên chính cho một nền dân chủ mới xuất hiện nhìn chung đang có khả năng kết hợp nhiều tổ chức đa dạng. Các tôn giáo sẽ có những ảnh hưởng trực diện trong giai đoạn khởi phát dân chủ và còn ảnh hưởng lâu dài đáng kể đàng sau hậu trường các tổ chức, phong trào chính trị, xã hội, văn hóa thối thân trong sinh hoạt quốc gia tương lai.  Ngoại trừ một vài khuynh hướng tôn giáo triệt để, các sắc thái nhìn chung có khả năng cung ứng những mãnh đất thuận hòa phát xuất các lực lượng chính trị mang ít nhiều màu sắc xã hội.

 

Viễn ảnh có thể hình dung được là trong một hai thập niên tới, khu vực Ðông Nam Á và vùng Ðông Á sẽ nằm gọn dưới ảnh hưởng siêu cường Trung Quốc. Việt Nam sẽ phải theo đuổi một chính lược rất tế nhị. Vì với tư cách thành viên khối Ðông Nam Á, Việt Nam phải cộng tác chặc chẽ với Mã Lai Á sẽ là nước đầu đàn kinh tế khu vực, cùng lúc sát cánh với Indonésie về phương diện quân sự (hai quốc gia mà đa số dân chúng theo đạo Hồi), nhằm tạo một chiếc đập chắn ý đồ bành trướng của đàn anh "Tân Khổng Giáo" Bắc Kinh vẫn không ngừng mộng xâm thực xuống phương Nam. Về phương diện ý hệ, tình hình phân cực thế giới bắt buộc Việt Nam phải sắp hàng trong khối "Văn hóa Khổng giáo" với Nhật Bản, Ðại Hàn (có thể cả Bắc Triều Tiên), Ðài Loan và Tân Gia Ba dưới cái ô Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Với nền kinh tế èo uột, non nớt của mình so với các quốc gia lân bang  trong khu vực và vùng, nếu Việt Nam không gây dựng lại được trong ngắn hạn một lý lịch dân tộc vững chãi tạm gọi là điều kiện tất yếu để tồn tại (chứ chưa dám mơ đến thịnh trị thuở Lý-Trần) thì rõ ràng Việt Nam sẽ rất khó duy trì nền độc lập của mình dưới sức nặng chính trị của siêu cường Trung Quốc, bên cạnh các cường quốc kinh tế Nhật Bản, Ðại Hàn, Mã Lai Á, Ðài Loan, Tân Gia Ba, trong viễn cảnh một cộng đồng kinh tế Ðông Á.

 

Trong tình hình mới ở tương lai, các thế lực chuyên chính của quân đội và công an ở cực tả và các kết hợp ở cực hữu những đảng phái cách mạng có màu sắc quốc gia cũ và vài bộ phận triệt để của tôn giáo vẫn tồn tại trong thời kỳ chuyển tiếp dân chủ, bên cạnh một lực lượng trung hữu hoặc trung tả của khối chính trị ôn hoà mang tính đồng thuận dân tộc. Nhu cầu đạo đức chính trị trong tinh thần văn hóa Ðông phương (tam giáo đồng nguyên và tam túc thiên thời, địa lợi, nhân hòa) cùng sự thúc bách của các nhu cầu hồi phục lại bản sắc truyền thống và lý lịch quốc gia sẽ thúc đẩy Khối Trung (dân tộc) lớn mạnh, đóng vai trò quyết định cho sự hình thành những cấu trúc căn bản chính trị tương lai, chuẩn bị cho những bước đi lâu dài trong ổn định để có thể dân chủ hoá đất nước.

 

B3.  Ðịnh hướng sinh tồn cho Việt Nam :

Trong một giai đoạn tương đối dài của lịch sử dân tộc, giai tầng kẻ sĩ đã từ bỏ vai trò ưu thắng của mình. Những bất bình xã hội trút lên sự bất lực của họ như những đại diện cuối mùa còn rơi rớt lại của một học thuyết không còn hợp thời nữa. Nhiều người đã kết án Khổng giáo như một lực phản trì kéo đà tiến bộ của xã hội. Thật vậy, Khổng giáo nguyên thủy ở một vài quan điểm giáo dục và hành động đã bị bỏ lại  với quá khứ của lịch sử phong kiến, trong đó đức "vâng lời" và sự "tùng phục" của con với cha, của vợ với chồng, của người dưới với người trên, của người yếu với kẻ mạnh... nhân danh trật tự và công ích xã hội là những trói buộc không còn được chấp nhận nữa. Quyền uy tuyệt đối của người cha hay huynh trưởng trong gia đình, sự lệ thuộc và phận dưới của người vợ hay phụ nữ đối với chồng và nam giới cũng như tinh thần "trung thần bất sự nhị quân" là những giá trị nhất thời của buổi tao loạn "Xuân Thu Chiến Quốc". Ở thời đại ông, Khổng Tử đã bị Án Tử của phái Pháp gia phê phán nặng nề nhưng không phải là không xác đáng ở một vài khiá cạnh "bọn nhà Nho thảy đều ngụy biện, không thể lấy làm khuôn mẫu; kiêu ngạo và bảo thủ không thể lấy làm lãnh đạo; quá coi trọng lễ tang họ chỉ chuốc sầu não và hao tài tốn của. Là những nhà biện thuyết, hết cầu cạnh từ chỗ này đến chỗ khác, không thể trông cậy vào họ mà trị quốc... Khổng Tử chỉ chăm chút hình thức và hào nhoáng bên ngoài cứ làm cho lễ nghi ngày càng phức tạp..."

 

Ở quan niệm hiếu thảo của Khổng giáo, Hàn Phi Tử cũng nhận xét "vị Thượng thư nhà Chu ấy đã lầm lẫn tai hại khi đã dám kết án người đã dám làm chứng tội trộm cừu của cha mình như là đứa con bất hiếu. Còn tồi tệ hơn nữa khi Khổng Tử ngợi khen  sự che dấu của người con, khi người cha lại tái phạm, chỉ vì cái cớ tội phạm ấy  đang phải phụng dưỡng cha già"

 

Khổng Tử sinh không đúng thời, nhưng học thuyết của ông chuyên chở những giá trị vô song. Nó đã được triển khai và hoàn thiện dần với thời gian để trở thành một trong những giá trị tư tưởng quan trọng nhất của nước Trung Hoa và  Ðông Á. Mạnh Tử là một trong những người kế tục xuất sắc nhất của Nho giáo. Ông chủ trương con người tính bổn thiện, song bản chất của nó như nước thường chảy xuống chỗ trủng. Muốn giữ cho trái tim luôn trong trắng phải chế dục và sống giản dị. Căn bản của con người là lương tâm. Nhưng không có tính bẩm sinh mà là kết qủa của một hạt mầm được gieo đúng mùa và trong đất tốt. Với Mạnh Tử không phải Trời ban cho con người những đức tính tốt xấu phân biệt; nhưng nhờ thực hành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí mà thiên hạ an lạc. Cũng từ tư chất riêng mà con người sẽ trở thành bậc đại nhân hay kẻ tiểu tử. Bậc quân vương cũng thế, không phải sinh ra đã là Thiên tử-Thánh nhân. Cho nên bổn phận bậc đại nhân là phải khuyên bảo Quân vương, vực ông ta dậy từ cái xấu mà phục vụ dân. Làm việc bằng tâm, bậc đại nhân có quyền thừa hưởng thành qủa lao động của người làm việc tay chân và cai trị họ. Nguyên lý của cai trị là lòng Nhân để làm nảy sinh sự thăng hoá lương tâm nơi người bần dân, thông qua giáo dục và trên nguyên tắc tự nguyện. Lương tâm tùy thuộc giáo dục. Và giáo dục tùy thuộc những điều kiện sống. Mạnh Tử giữ đạo "trung dung". Ông cực lực chống phá thuyết "cá nhân vị kỉ" của Dương Chu và cũng không đồng ý lòng Nhân không phân biệt của Mặc Ðịch. Kẻ sĩ đại nhân nắm giữ chính quyền của Mạnh Tử có một giá trị độc lập hẳn với các bậc vua chúa, đứng trung dung giữa Vua và Dân trong thứ tự "Dân vi qúi, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh". Từ tư tưởng này ông đã "giải hoặc" hệ thống tư tưởng ở Trung Hoa và tấn công đặc tính phong kiến cố hữu của xã hội ấy. Từ thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, Mạnh Tử đã cực lực chống đối nền bạo chính với ý niệm "luật như phương tiện tóm dân vào lưới" của phái Pháp gia và sự tập quyền chuyên chính của Nhà nước. Nhưng dĩ nhiên, ở thời đại ông Mạnh Tử không thể tiếp tục triển khai thêm ý niệm dân chủ mà chỉ giới hạn nó ở vai trò kẻ sĩ có học (đại nhân) trong một nhà nước biết lo cho dân. Với ông, giáo dục nhằm thăng tiến xã hội, hạn chế sự suy thoái của lương tâm để con người khỏi rơi vào điều ác và bạo lực thường có khuynh hướng nảy sinh trong những năm loạn lạc, mất mùa, đói kém. Ông đã gặp Mặc Ðịch ở tư tưởng "trật tự xã hội" với ý nghĩa khít khao, xác thực nhất là sợ hãi sự nghèo đói. Mạnh Tử cũng gặp Tuân Tử  khi định nghĩa xã hội không hạn chế ở phân công lao động, mà cả ở ý niệm chia phần tài sản, địa vị, công ăn việc làm và  nhân phẩm. Quan điểm xã hội này dẫn Tuân Tử đến Lễ như yếu tố duy nhất làm nảy sinh "đại lý" (nghĩa và công lý). Chính là Lễ sinh ra Nghĩa, và Nghĩa sinh ra lòng Nhân. Do đó Tuân Tử chủ trương cai trị là giáo dục thông qua Lễ vì "cái Thiện trong con người vốn có bản chất Ác chỉ nảy sinh từ sự áp đặt của một xã hội cũng đang hoàn thiện về vật chất  lẫn đạo đức, luân lý..."

 

Văn hoá Trung Hoa đã thẩm nhập cả ba luồng tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo và Mặc Ðịch vào Việt Nam. Nhưng nếu chủ nghĩa "phù hợp" đã đóng khung suy nghĩ của người Trung Hoa trong một trường phái, một chủ thuyết, một thánh nhân - những khuôn mẫu Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ của cổ thư trong nghệ thuật cai trị; hoặc Quản Trọng, Bá Di, Thúc Tề, Hứa Do, Tử Thôi, Khuất Nguyên... như khuôn mẫu hành động của người quân tử, thì ở Việt Nam, qua sự gạn lọc của dân tộc tính, đã giản đơn hoá thành những giá trị văn hoá "thuận lòng Trời, hợp lòng Người". Những khuôn mẫu xã hội và giá trị cứng ngắt đã kềm hảm người Trung Hoa ngủ quên với quá khứ và bằng lòng với tính giáo dục chỉ nhằm vào văn hoá mà bỏ quên thực nghiệm. Cho nên dù không thiếu nhân tài, người Tàu vẫn bị thế giới phương Tây bỏ xa sau lưng nền văn minh kỹ thuật.

 

Tính văn hoá của nhà Nho Việt Nam lại khác. Họ thấy không cần thiết phải tự trói buộc, hoặc khẳng định mình vào một trường phái Nho giáo nào, mà có khuynh hướng định hình những hành động theo tri thức hấp thụ, không phân biệt đó là tư tưởng của Mạnh Tử, Tuân Tử, Ðổng Trọng Thư, hoặc Vương An Thạch... Nguyễn Trãi là một điển hình. Nơi ông ngào trộn tính "Khiêm Ái" của Mặc Ðịch, và "Vô Vi" của Lão Trang khi ông ở ẩn ở Côn Sơn. Ðịnh hướng hành động của ông  lại kết hợp tinh thần Mạnh Tử trong tương quan quyền lực giữa quân vương với kẻ sĩ  "đối với kẻ sĩ nhà Nho, nhiệm vụ bảo vệ người bần dân vẫn không làm quên bổn phận hàng đầu của họ là tuân lệnh Thiên tử"; và giữa Quân vương với Thiên tử và Thần dân theo quan điểm "Thiên Ý" của Mặc Ðịch trong lời dạy hoàng thái tử (Lê Thái Tông về sau)  "Quần chúng ái mộ kẻ thi hành vương đạo thể như đại dương dung dưỡng con thuyền; nhưng biển có thể nhận chìm thuyền, họ cũng có thể bảo vệ hay lật đổ ngai vàng. Ðành rằng Trời giúp bậc minh quân, nhưng Thiên Ý khó đoán và có thể thay đổi bất kỳ khi bậc Quân vương không còn xứng đáng nữa..."

 

Tương quan văn hoá giữa Trung Hoa và Việt Nam khá phức tạp. Chúng không tách rời nhau nhưng chất chứa nghi kỵ và cảnh giác. Từ đó nảy sinh tinh thần yêu nước của người Việt. Tuy cùng nguồn gốc văn hoá Trung Hoa, nhưng đặc tính "đồng hoá bằng dân tộc tính Việt Nam" đã làm cho nền văn hoá Việt Nam trở thành khác biệt  và có đôi khi đối kháng với nền văn hoá Trung Quốc.

 

Trên bình diện chính trị, sự khác biệt của thẩm nhập tư tưởng Khổng giáo giữa Việt Nam và Trung Hoa rất dễ nhận thấy ở nghệ thuật cai trị. Nếu các hoàng đế Trung Hoa trị dân trên nguyên tắc "thuận hòa phỗ quát" thì các vua Nam "trị dân trên từng làng xã". Cũng từ căn bản ấy mà người Việt Nam đã chiến đấu giữ từng tất đất của làng xã quê hương để bảo vệ đất nước và những tập quán, phong tục riêng biệt của mình.

 

Hiện tại, nếu chế độ đương quyền ở Việt Nam thi hành xã hội chủ nghĩa với định hướng thị trường mang màu sắc Trung Hoa của Ðặng Tiểu Bình và Trung Nam Hải thì tự bản chất của nó, chỉ là một chế độ xã hội mang màu sắc Khổng giáo  như đa số những nhà nghiên cứu về Trung Hoa khẳng định thì định chế "Thị trường Xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam vẫn còn là một hướng đi nửa vời, phân vân. Bản chất đảng Cộng Sản tồn tại trên những qui luật chặc chẽ. Quốc tế vô sản bao trùm những phong trào Cọng sản khu vực cũng có những qui luật của nó. Ðảng Cọng sản Việt Nam hình thành với những ý niệm trừu tượng của một ông Các Mác, Lênin nào đó; nhưng được tổ chức, điều hành theo khuôn mẫu Trung Hoa. Cho nên trong cơn địa chấn của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, đảng Cọng sản Việt Nam phải bám víu vào thành trì Cộng Sản Trung Quốc mà tồn tại. Mặc dầu một vài đặc tính độc lập của các đảng Cọng sản châu Á đã được công nhận, sự lệ thuộc và tùng phục của đảng Cọng sản Việt Nam vào Trung Quốc là một điều dễ thấy. Biến cố Hoàng Sa, một cuộc thôn tính không hề mang ý nghĩa kinh tế trong tương quan nước Tàu năm 1974, mà nằm trong một ý đồ bành trướng bá quyền trong việc cho vẻ lại bản đồ Trung Quốc bao gồm cả khu vực biển Ðông như những lãnh thổ ngoại vi. Hà Nội kẹt thế đàn em dưới chiếc ô che của Trung Quốc không dám lên tiếng phản đối. Mãi cho đến khi Trung Quốc vươn tay đến Trường Sa với ý đồ không che dấu về  một thế cân bằng chiến lược khu vực tương lai, CHXHCH/Việt Nam mới có phản ứng chừng mực cùng với sự nhập cuộc tranh chấp của các nước hội viên Ðông Nam Á như Brunei, Phi Luật Tân, Indonésia và Ðài Loan. Các cuộc thương thảo về chủ quyền cũng chỉ mới bắt đầu. Tương lai còn nhiều khó khăn. Sự bảo toàn lãnh thổ Trường Sa cũng như những phần đất khác của đất nước có làm được hay không tùy thuộc  vào tương quan lực lượng và hướng đi  của Việt Nam trong thập niên tới.

 

Việt Nam mở cửa cho thị trường gần 10 năm sau Trung Quốc, chưa lường được hội chứng của  mâu thuẫn thị trường - xã hội chủ nghĩa (Cọng sản) mà nước này đang phát hiện và tìm cách điều chỉnh. Ðể đưa nước Tàu thoát ra khỏi thời kỳ hậu Mao, chắc hẳn Ðặng Tiểu Bình đã nghiền ngẩm nguyên lý của Dịch "mọi vật đến chỗ cùng sẽ biến chuyển. Chuyển biến rồi sẽ thông. Thông chảy sẽ lâu bền". Ðặng đã mượn Khổng giáo để làm bước chuyển biến sinh tử. Ký giả Ursula Gauthier của tờ Le Nouvel Observateur đã viết "chủ nghĩa Cọng sản ngày hôm nay thuộc về Khổng giáo. Giai đoạn cáo chung của nó cũng thế. Dù bất kỳ định hướng nào, nước Trung Hoa đang theo dấu Khổng Phu Tử". Trong thực tế không phải chữ "Nhân" đang ngự trị trên lục địa mênh mông ấy. Mà trái lại là đằng khác. Những giá trị thánh hiền đã mất dấu, xã hội chỉ còn có đồng tiền. Lòng tận tụy với tập thể và công ích cũng bị xem nhẹ. Về tầng lớp quan lại mới, không những phe cải cách tham nhũng, hối mại quyền thế mà cả gia đình những con người bảo thủ Trần Vân, Ðặng Lệ Quần cũng đã nhúng tay vào những vụ tai tiếng... Phải chăng Ðặng Tiểu Bình trong giai đoạn cuối đời ông đã muốn hồi phục đạo "trung dung" của người quân tử để giáo dục tầng lớp cán bộ của ông trong lúc vẫn nhập nhằng  đồng hoá "đạo" với những nguyên tắc lãnh đạo bất di dịch của đảng Cọng sản và của chính ông ta, người thi hành thiên mệnh của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới?  "Người quân tử chỉ cần chuyển động đã định hướng cho đời; bằng hành động đã đặt nguyên tắc cho nhiều thế hệ kế tiếp; bằng lời nói đã vạch ra khuôn vàng thước ngọc cho tất cả".  Ðường lối, nguyên tắc, mẫu mực đó  tóm lại là " bốn hiện đại hoá" của Ðặng?

 

Nhà nước Cọng sản Trung Hoa đang khuyến khích dân chúng làm giàu. Khổng Phu Tử không hề dạy điều đó. Xã hội Trung Hoa đang tiến theo bước chân nào của bậc Thầy chỉ rao giảng đạo thương người mà lơ là lợi lộc? Thật giản dị. Khổng Phu Tử đang trở thành tác giả của những tôn chỉ lớn về thương mãi "Khổng tử viết: Con người trên tất cả mọi sự. Chúng tôi (doanh nhân) nói khách hàng trên tất cả. Với những ai muốn làm giàu, Khổng giáo tốt lắm. Lễ là tính nhã nhặn của thương buôn. Nghĩa nằm trong sự phân phối công bằng các lợi nhuận; và Nhân chính là sự tận tụy khả tín trong các áp phe"  Ðứng đắn hơn một nhà thông thái  Khổng giáo đã khẳng định "giải pháp Khổng Tử là điều duy nhất đúng. Khổng Phu Tử cũng chính là nước Tàu. Thứ nhất: thực dụng. Thứ hai: thực dụng. Thứ ba: cũng thực dụng". Lý do  của khẳng định đó: "dù cải cách hay bảo thủ, những lãnh tụ tứ tuần đang tạo ảnh hưởng chung quanh những cây cổ thụ của đảng đều thuộc Khổng giáo".

 

Việt Nam nằm giữa những giao điểm của các đường hàng hải quốc tế; cũng như những giòng tư tưởng đến từ nền văn minh Trung Hoa với Khổng giáo, Ấn Ðộ với Phật giáo và văn minh Thiên Chúa giáo phương Tây. Cân bằng được ba nét văn hoá lớn đó trong viễn cảnh thế giới phân vùng ảnh hưởng văn hoá của thế kỷ tới (theo GS Samuel P. Huntigton của trường đại học Havard), Việt Nam sẽ hy vọng tìm được  hướng đi độc lập, trường tồn giữa tham vọng đồng hoá của người láng giềng bá quyền phương Bắc và nanh vuốt của các thế lực tư bản phương Tây đang phô bày rõ dần tính hủy diệt con người của nền văn minh kỹ thuật.

 

Người Trung Hoa bị sỉ nhục đang nung nấu một ý chí quốc gia qúa khích. Ham muốn học hỏi kỹ thuật để vươn lên  khống chế thế giới là điều dễ nhận thấy. Tham vọng bành trướng của họ trong trật tự chiến lược thế kỷ tới cũng đã rõ ràng. Trước nguy cơ nổ bùng những vấn đề dân tộc như cựu Nam Tư cũ, khuynh hướng "đại Hán"  có cơ sở trở thành một chủ nghĩa quốc gia quá khích vô cùng nguy hiểm cho khu vực Ðông Á và Việt Nam. Trong bối cảnh một nước Tàu siêu cường đáng sợ đó của thế kỹ 21, thế tồn tại của Việt Nam sẽ không ngớt bị đe dọa. Ðộc lập được với đế quốc ngàn năm đó không phải dễ. Nhưng từ đây đến đó, những chạm trán về ý thức hệ cũng như quyền lợi phe nhóm dân tộc có thể dẫn đến những hỗn loạn trong qui luật "luân phiên thay đổi" của lịch sử Tàu. Cứ sau những năm thăng tiến lại tiếp đến một cuộc khủng hoảng nội bộ mới, những cuộc cải đổi chính sách trở thành bắt buộc. Sau "trăm hoa đua nở" đến "cách mạng văn hoá vô sản"; sau "đại nhảy vọt" đến "hiện đại hoá". Sau tăng trưởng nóng bỏng sẽ tiếp đến thời kỳ điều chỉnh, hãm phanh... Cho nên sau cái chết của Ðặng, hiện đại hoá tuy vẫn được Giang Trạch Dân - Chu Dung Cơ  và Hồ Cẩm Ðào - Ôn Gia Bảo đẩy mạnh; nhưng chính những mâu thuẫn trầm kha trong cơ chế đảng và trong chính tâm thức của xã hội Trung Hoa có thể xé nát nước Tàu ra nhiều mãnh quyền lực và chia đại lục ra nhiều ô phát triển có những màu sắc văn hoá, kinh tế và xã hội khác biệt nhau.

 

Trong viễn tượng đó, những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện tại phải cân nhắc chín chắn và suy tư về một hướng đi không lệ thuộc quá đáng vào khuôn mẫu Trung Quốc, mà nhằm tương hợp nét văn hoá dân tộc với những nguyên tắc dân chủ phương Tây làm nền cho một sự cất cánh vững mạnh và đồng bộ. Có như thế con đường phát triển của Việt Nam sẽ bột phát nhanh và chắc chắn hầu có thể đối tác tương đối bình đẳng với Trung Quốc trong thế hợp tác khu vực chứ không phải lệ thuộc về lâu về dài, vì Việt Nam sẽ có một thế đứng vững mạnh và thăng bằng trong tương quan kinh tế lẩn chính trị, ngoại giao với Nhật Bản và các nước trong Hiệp Hội Ðông Nam Á mà Việt Nam là thành viên. Hướng hợp tác chặc chẽ và hữu nghị với Ấn Ðộ cũng sẽ mang lại cho Việt Nam vô khối điều lợi về các mặt an ninh quân sự và kinh tế kỹ thuật. Sự chọn lựa về một thế sắp hàng trong bàn cờ kinh tế-chiến lược mà vùng Ðông Á đang hoàn thành là một sự chọn lựa khá tế nhị nhưng không thể không bắt buộc giữa ảnh hưởng Trung Quốc như một thực thể và một thế giới khác sinh động hơn làm đối trọng. Việc cải cách các cơ chế kinh tế thi trường (chứ không phải là thị trường xã hội chủ nghĩa) cho phù hợp với nhu cầu phát triển vùng để hội nhập toàn vẹn vào đà phát triển của các nước thuộc Hiệp Hội Ðông Nam Á, và tương lai có thể là cộng đồng Ðông Á là con đường tiên quyết phải chọn để phát triển. Sau đó hướng đi chiến lược sinh tử sẽ là làm sao cân bằng được hai thế lực siêu cường Mỹ - Trung Quốc  trong vũ đài Ðông Á và toàn cầu trong tương lai.

 

Trước tham vọng bá quyền đại Hán, chọn lựa hoàn hảo của Việt Nam đòi hỏi trước tiên sự đồng thuận của trí tuệ dân tộc. Hướng tìm kiếm dĩ nhiên không phải là hướng tiến "xã hội chủ nghĩa" dựa trên đối trọng Trung Hoa để cân bằng với ảnh hưởng phương Tây như hiện thời. Con đường chênh vênh đó chỉ dẫn dân tộc đến nguy cơ diệt vong. Một khi người Trung Hoa xem chủ nghĩa xã hội là một du nhập ngoại lai độc hại thì tình liên kết "đồng chí" hiện tại cũng sẽ được vất bỏ không thương tiếc. Hiện tình Việt Nam cho thấy bao tử kinh tế Việt Nam do người Hoa nắm (dù họ là Hoa kiều hải ngoại), hồn lãnh đạo Việt Nam do Trung Nam Hải giữ. Nguy cơ diệt vong chỉ có thể là vấn đề thời gian. Sự tỉnh thức về một hướng đi dân tộc vô cùng cấp bách.

 

Nằm trong khối Ðông Á, Việt Nam không thể tách rời ảnh hưởng Khổng giáo (qua đó ảnh hưởng Trung Quốc)  nhưng lịch sử đã chứng tỏ lúc nào Việt Nam có một thể chế mạnh thì đất nước được độc lập. Ngược lại trong thời kỳ xáo trộn hoặc tương tranh, người Tàu sẽ mượn cớ để đô hộ nước ta.

 

Khổng giáo có những mặt tích cực và xây dựng như đã đề cập. Hoàn thiện và hệ thống hoá nó thành tư tưởng Việt Nam nhằm hai mục đích:

B3a.  Tăng cường tương quan văn hoá hỗ trợ cho thế cọng sinh trong thịnh vượng Ðông Á. Khu vực này dù đang lâm thời khủng hoảng sẽ hồi phục sức mạnh của nó và sẽ đóng vai trò trung tâm thế giới trong thế kỷ tới.

 

B3b.  Chuyển dẫn những tư tưởng dân chủ phương Tây hoà nhập vào tư tưởng hoàn thiện con người của phương Ðông vẫn dựa trên hai yếu tố cần thiết là tính nhân bản và tinh thần công ích. Việt Nam rất cần một nền dân chủ pháp trị với cấu trúc Nhà nước hiện đại kiểu Tây phương dựa trên nền tảng Con người thăng hoa Ðông phương trong đó những ý niệm cá nhân - tập thể, nhà nước - dân tộc cân bằng được với nhau trong thế hỗ tương và hoà hợp. Cụ thể hơn, cấu trúc chính trị-xã hội ấy có thể dự phóng như sau:

·         Ở thời kỳ chuyển tiếp khởi phát dân chủ, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng bệ rạc xã hội, con người phân hoá, đảng phái và hội đoàn bột phát trong khung cảnh một nền kinh tế thị trường hoang dã đang đi tìm thế ổn định.

 

Thời gian này đất nước cần một nhà nước mạnh và một nền tư pháp hữu hiệu, năng động nhằm lãnh đạo khít khao và can thiệp đúng lúc. Quyền Hành pháp và Lập pháp sẽ đại diện cho một "xã hội chính trị" đang tìm thế kết liên với một "xã hội dân sự" đang phát triển nhanh. Việc xây dựng một tầng lớp trí thức có tinh thần "kẻ sĩ" rất cấp thiết trong nhiệm vụ vận hành tốt đẹp các cơ chế dân chủ theo hướng nhân bản. Quan điểm nhân lồng trong tinh thần hoàn thiện xã hội có tính chất "Pháp gia" của Tuân Tử có thể là một gợi ý nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục chính trị nhằm cải tiến tri thức quần chúng về quyền lợi cá nhân và lợi ích chung, đặc biệt về ý thức chính trị của người công dân trong một xã hội công bằng và dân chủ. Nhưng tính chất nghiêm minh của luật pháp ở thời kỳ này không phải để buộc dân chúng phục vụ ý đồ tập quyền toàn trị của nhà nước trung ương mà chỉ nhằm hỗ trợ cho tính công chính của nhà nước ấy ở mọi cấp. Trật tự xã hội ở giai đoạn này là điều cần thiết cho tinh thần công ích nảy nở; bên cạnh sự tôn  trọng cá nhân và con người từ phía tầng lớp nắm quyền cai trị.

·        Qua thời kỳ chuyển tiếp này, tinh thần công dân phần nào đã ổn định, đời sống văn hoá hồi phục, kinh tế phát triển đúng hướng... Tất cả sẽ cung cấp những dữ kiện lành mạnh cho việc xây dựng một cấu trúc dân chủ vững mạnh với các định chế thích hợp nhằm phát huy dân tộc tính Việt Nam trong sự thăng tiến của toàn xã hội. Luật pháp ở thời kỳ này chỉ còn là chiếc khung gìn giữ cho bức tranh xã hội luôn tươi đẹp; và xã hội dân sự đã đủ khả năng tổng hợp những công trình tri - hành cá nhân thành sự nghiệp chung của dân chủ và thịnh vượng.

 

B4. Văn hoá chính trị Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc và Khổng giáo:

Xã hội Trung Hoa hiện đang chao đảo giữa hai giá trị cũ và mới, đang khoét rộng những mâu thuẫn giữa nông thôn và thành thị, giữa nước Tàu cổ và mới, giữa nhẫn nhục cam chịu và lòe loẹt điên cuồng của văn minh vật chất, giữa hồn Trung Hoa muôn đời và mùi tanh tưởi của đồng đô la, giữa Khổng Tử thánh hiền và chủ nghĩa thực dụng bái vật, giữa Yin và Yang. Vào thập niên 80 ở Trung Hoa, ý niệm Mác- Lênin đã chết, nhưng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nơi một vài khiá cạnh của đời sống Trung Hoa vẫn tồn tại nhờ màu sắc Trung Hoa của chủ nghĩa cộng sản quốc gia; từ đó làm chỗ dựa tư tưởng cho các chế độ Hà Nội và Bình Nhưỡng tồn tại. Tuy nhiên định hướng Trung Nam Hải đã bị lung lay tận gốc rễ bởi khuynh hướng muốn hồi phục những giá trị truyền thống ngày càng lan rộng. Những phong trào dân chủ khác nhau của những năm 76, 86, 89 dù thất bại và bị đàn áp tàn bạo; và hiện nay đang đối kháng mãnh liệt với mô thức toàn trị ở Bắc Kinh, đã thành công ở chỗ báo hiệu một thế giới mới năng động vẫn hiện diện bên ngoài biên giới nước Tàu bảo thủ. Cũng nhờ màu sắc Trung Hoa mà chế độ Cọng sản Tàu còn tồn tại tới ngày nay, những trung tâm quyền lực vẫn được bảo vệ chặt chẽ ở trung ương và đầu não các tỉnh. Sự thịnh vượng của Trung Hoa vẫn xây dựng tên sự kiểm soát, điều hướng  của nhà nước trung ương và các địa phương. Ðóng góp của các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở kinh tế do quân đội khai thác vẫn còn lớn và quan trọng. Dù chính phủ Chu Dung Cơ đã lấy quyết định phát triển theo cơ chế thị trường trong cố gắng nới rộng dân chủ chính trị; nhưng động lực phát triển và trật tự Trung Hoa hiện tại vẫn nằm gọn trong cơ chế "kiểm soát từ xa" thông qua các hội đoàn doanh nhân mà hầu như tất cả các chủ xí nghiệp đều được "khuyên bảo phải gia nhập". Nghệ thuật "để mắt tới những gì không thể phóng tay lãnh đạo được" cũng mô phỏng theo những truyền thống Trung Hoa xưa cổ! Cho nên có thể nói là "sự thịnh vượng của Trung Hoa ngày nay chẳng cần đến dân chủ" (Jean Louis, sách đã dẫn ở 5). Theo tác giả này, nếu dự phóng "dân chủ" theo mô thức phương Tây thì xã hội Trung Hoa hiện tại không hội đủ ba điều kiện then chốt của một tiến trình mà những xã hội phương Tây đã kinh qua để có dân chủ là:

   - Nhu cầu đô thị hoá cấp bách.

   - Cá nhân hoá triệt để

   - Ý niệm Nhà nước-Dân tộc.

 

Xét về đại thể thì Việt Nam đang đi theo con đường Trung Quốc. Cởi trói nền kinh tế thành đa thành phần, nhà nước vẫn xử dụng bàn tay vô hình qua hướng điều tiết của các xí nghiệp quốc doanh và tập thể để bảo đảm cho những kế hoạch. Nhưng bởi tham nhũng cửa quyền, và nhất là cú sốc tâm lý choáng ngợp trước bầu trời đột ngột rộng mở, các nguyên tắc cứng ngắc đã trở thành vô hiệu, các xí nghiệp quốc doanh đã phô bày hết những trì trệ yếu kém của nền kinh tế chỉ huy kiểu Xã hội chủ nghĩa. Ðiều nghịch lý là trong lúc chính phủ của Thủ Tướng Chu Dung Cơ dám triển khai mạnh mẻ quyết định táo bạo của Giang Trạch Dân làm cuộc cải đổi cơ chế kinh tế Trung Hoa trong cố gắng giải tư các xí nghiệp quốc doanh thì các nhà lãnh đạo Hà Nội lại lấn cấn vì tính độc quyền chính trị của Ðảng liên hệ chặt chẽ với quyền lợi cá nhân của tầng lớp lãnh đạo chính trị - tư bản đỏ lại chọn khuynh hướng tăng cường các xí nghiệp quốc doanh Việt Nam. Nhà nước Xã hội chủ nghĩa vẫn bảo thủ những tư tưởng quá thời về tính ưu thắng xã hội chủ nghĩa để can thiệp một cách lệch lạc vào các kế hoạch và sinh hoạt kinh tế kiểu xây dựng đường dây cao thế tải điện từ Bắc vào Nam hoặc xa lộ Trường Sơn, hoặc nhà máy lọc dầu Dung Quất. Những tiêu phí phi kinh tế như thế chỉ nhắm những mục đích chính trị hoặc cục bộ là nắm lấy năng lượng sản xuất để điều tiết và chỉ đạo miền Nam trong giáo điều cũ kỹ "điện khí hoá là khâu then chốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội"; hoặc để nhắc nhở đến công lao "chống Mỹ cứu nước" hòng bảo tồn tính "chính thống" của họ.

 

Xã hội miền Nam sau 75 đã bị "cải tạo Xã hội chủ nghĩa" nhưng vẫn không mất lý lịch; mà ngược lại còn biểu lộ tính đối kháng tích cực của một nền dân chủ thỊ trường dù còn phôi thai trước những nguyên tắc chỉ hướng Xã hội chủ nghĩa. Dù mục tiêu xoá đói giảm nghèo đã đạt được những thành qủa đáng kể với đà tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, đại dịch cúm gia cầm đã được giải quyết ổn thỏa, nhà cầm quyền Cọng sản Việt Nam đã tỏ ra bất lực trong nổ lực giải quyết những vấn đề tham nhũng có hệ thống, nền giáo dục chậm tiến và lạc hậu, những ta thán về hệ thống y tế và chăm lo sức khỏe của người dân, nhân công trong lãnh vực tư bị bỏ rơi, quần chúng nghèo khổ, thấp cổ bé miệng bị đàn áp, bóc lột hoặc bị đối xử bất công...

 

Tình trạng rạn vỡ trong khâu lãnh đạo ở Trung Quốc cũng tương tự như ở Việt Nam chủ yếu nằm trong "qui luật hủy thể các cơ chế xã hội chủ nghĩa". Nhưng nếu tính phong kiến đang làm cho nhà nước trung ương ở Trung Quốc yếu hẳn so với các địa phương nhất là các tỉnh duyên hải Ðông Nam thì ở Việt Nam, tình trạng một "nhà nước mạnh" ở miền Nam lại là hệ quả của hai chế độ chính trị đối kháng nhau trong qúa khứ. Từ những cơ sở vật chất dồi dào và tinh thần làm ăn kiểu tư bản chủ nghĩa cọng thêm những kiến thức hiện đại hơn, chỉ riêng khu vực chung quanh thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm đến 70% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước và đóng góp phần quan trọng của tổng sản lượng quốc gia, vấn đề "ai thắng ai" đã phân định rõ ràng; nhưng những nhà lãnh đạo của đảng Cọng sản Việt Nam không phải vì mù quáng và cố chấp ý thức hệ, mà trong một cố gắng tuyệt vọng bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của đảng và cá nhân, gia đình, bè nhóm vẫn trơ tráo dối gạt quần chúng về vai trò lãnh đạo không thể thay thế được của đảng họ. Ai cũng biết rằng chính xu thế dân chủ hoá mới "không thể đảo ngược được". Tiến trình dân chủ hóa đất nước chỉ còn là thời gian.

 

Khác với các điều kiện địa lý, xã hội, văn hoá, con người Trung Hoa khó thích nghi với dân chủ, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi hơn nhiều để dân chủ hoá đất nước:

 

B4a. Ðô thị hoá nông thôn vẫn là một nhu cầu và có thể thực hiện không mấy khó khăn do đất nước Việt Nam trải dài trên 2500 cây số dọc biển Ðông và đại đa số quần chúng cùng tài nguyên vật lực tập trung ở các tỉnh thành và đô thị duyên hải.

 

Hải sản và hải vận vẫn là thế mạnh quyết định trong phát triển kinh tế Việt Nam tương lai, sẽ đẩy mạnh quá trình đô thị hoá.

 

B4b. Ý niệm nhà nước - dân tộc biểu hiện một tương quan xác hợp của nền dân chủ hiện đại, trong đó quyền lực hành chánh của nhà nước bao trùm một lãnh thổ nhất định trong đó một hoặc nhiều chủng tộc cùng chia xẻ một nền văn hoá lịch sử thống nhất gói ghém trong ý niệm dân tộc. Quyền lực đó không mang tính chất tuyệt đối mà sẽ bị kiểm soát và chế tài bởi những đối lực nội tại và khách quan. Thực tế là ở Việt Nam tộc Việt và các chủng tộc ít người khác đã từng kết hợp trong qúa khứ sẽ xây dựng được một ý chí chung dân chủ hoá đất nước vì nến thịnh vượng chung. Những yếu tố sắc tộc dù hiện hữu nhưng không sâu đậm khả dĩ đào được những hố ngăn cách; sự phân chia Nam Trung Bắc chỉ có tính chất hành chánh thuộc địa, không nguy hại lắm cho tính đồng nhất văn hóa và chủ quyền nhà nước.

 

B4c. Riêng về yếu tố cá nhân hoá triệt để như biểu hiện đặc thù của văn hoá phương Tây, trên một quan điểm nào đó phải xét lại. Sự giải phóng hoàn toàn con người là yếu tính cần thiết trong việc xây dựng tính công dân và con người chính trị, ý thức dân chủ. Cơ chế thị trường cũng luôn cần một tầng lớp doanh nhân mới với tinh thần lợi nhuận xác đáng. Dân chủ và thị trường sẽ làm xuất hiện những con người nhân bản nhưng thực dụng. Ðiều này vẫn còn xa lạ với xã hội Việt Nam vì tâm thức con người chưa khai mở với những nền bạo chính triền miên. Nếu cá nhân hoá con người cũng là một thuộc tính phỗ quát của dân chủ, thì trong không khí bạo phát của cởi trói, một chiếc thắng văn hoá luôn cần thiết để ngăn chặn một kiểu cá nhân vị kỷ đua đòi lố bịch.

 

Một kiểu mẫu "dân chủ Á châu" vẫn gây tranh luận và là đối tượng tìm kiếm trong khung cảnh phát triển chóng mặt rồi khủng hoảng bất chợt. Hầu như dư luận phương Tây đã kết luận một mô thức phát triển mất quân bình vì thiếu dân chủ ở Á Châu. Ðúng hơn là nguyên nhân cách biệt văn hoá trong hai yếu tố con người và phương thức phát triển. Một mô hình dân chủ hoá toàn bộ các xã hội Á châu do đó là một công trình nghiên cứu cặn kẽ mang tính khách quan và phù hợp với thực tế các dân tộc chứ không thể nào là những mô thức vay mượn. Nhưng dù bất kỳ dạng thức nào, một cơ cấu dân chủ phải được xây dựng trên hai yếu tố không thể thiếu:

 

- Thượng tầng kiến trúc bao gồm hiến pháp và các định chế tổ chức chính quyền được sự ủy nhiệm của dân chúng để hành xử nhiệm vụ quốc gia và bảo vệ cử tri mà họ đại diện.

- Thượng tầng đó chỉ tồn tại hữu hiệu  trên ý thức chính trị và cảnh giác dân chủ của quần chúng. Vì nếu đa số cử tri không còn ý thức đủ về nhiệm vụ công dân của mình nữa, thượng tầng cấu trúc dân chủ sẽ có khuynh hướng lạm quyền.

 

Tình trạng bế tắc lâu ngày dưới chế độ chuyên chính toàn trị đang báo hiệu một thực tế chính trị đáng sợ cho tương lai dân chủ Việt Nam. Ðó là ý thức quốc gia đã trở thành mờ nhạt và suy yếu bên cạnh vấn  đề cơm áo. Thực vậy, mọi nổ lực cá nhân dành hết cho cuộc chạy đua với đồng tiền và học đòi xa hoa; không mấy người còn nghĩ đến nghĩa vụ công dân nữa. Mọi việc phó mặc cho nhà nước, cường quyền mặc sức thao túng; từ đó nảy sinh khuynh hướng coi thường dân chúng và ý nguyện dân chủ của họ. Thức tỉnh quần chúng đang say ngủ và xây dựng một tầng lớp trí thức dấn thân do đó không đơn giản và quá trình dân chủ hoá không phải là công cuộc có thể làm được trong một sớm một chiều.

 

Từ hệ luận này người viết vẫn cho rằng trung tâm các vấn nạn của dân tộc vẫn là vấn đề văn hoá, giáo dục chính trị nhằm gây dựng tâm thức mới cho một thế hệ mới. Có con người sẽ có tất cả. Không một ai phủ nhận rằng nền văn hóa vô sản đã lột sạch hết những tinh túy dân tộc, làm cháy rụi hết hoa lá của cây văn hóa truyền thống. Xua sạch bầu không khí độc hại, thay đất và chăm tưới cho nền văn hoá dân tộc hồi sinh là công cuộc vận động to lớn của mọi người, đặc biệt là những nhà làm chính trị, những tư tưởng gia, những người làm văn hoá văn nghệ. Một khi con người thật sự mới xuất hiện và tự khẳng định sau thời kỳ hậu cộng sản, những phát triển kinh tế chính trị sẽ đến  như những hậu quả tất nhiên. Con người mới đó sẽ được hình dung như mẫu người khai phóng của phương Tây với những đặc tính cởi mở, hòa bình, có tinh thần khoa học, thích cầu tiến (và dĩ nhiên tinh thần thực dụng với lợi nhuận nơi tầng lớp doanh gia) nhưng vẫn biết tôn trọng những nét đặc sắc trong văn hóa cổ truyền dân tộc.

 

Về tư tưởng chính trị, chủ nghĩa ái quốc Việt Nam đã được xây dựng trên truyền thống dân tộc, đồng thời có pha trộn những tinh hoa văn hóa Khổng giáo Trung Hoa. Hệ tư tưởng này bắt đầu va chạm nảy lửa với bên văn minh kỹ thuật phương Tây ở thế kỹ thứ 19. Nhà Nho Công giáo Nguyễn Trường Tộ đã sớm ý thức được sự yếu kém của Ðông phương so với khoa học thực nghiệm phương Tây nên đã dâng sớ "Tế cấp bát điều" (8 biện pháp cứu vản khẩn cấp), cũng như Nguyễn Lộ Trạch, người ẩn sĩ nhìn xa trông rộng đã nhiều lần dâng "Thời vụ sách" và viết "Thiên hạ đại thế luận" nhằm canh tân xứ sở nhưng đều không được vua Tự Ðức chú ý. Những đề nghị cải cách sáng suốt của hai học giả này tuy không được vua quan lắng nghe nhưng cũng đã làm nảy sinh phong trào chỉnh đốn những vay mượn văn hóa trong chiều hướng tổng hợp Ðông Tây về sau, bên cạnh ảnh hưởng tư tưởng của những nhà cải cách Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... Hướng điều chỉnh của họ dựa trên những phân tích và so sánh những khác biệt giữa khoa học Tây phương có khả năng tạo ra của cải vật chất dồi dào và cái học Ðông phương nhằm đào tạo mẫu người quân tử. Phong trào đó làm nảy sinh ở Việt Nam không ít tranh luận trong giao tiếp với văn hóa phương Tây... Một số nhà Nho bị quyến rủ bởi sự hào nhoáng của những luồng tư tưởng mới đã quay lại phụ họa đã kích gay gắt Nho giáo, cho đến đầu thập niên 30 mới chấm dứt với sự ra đời của cuốn Nho giáo của nhà Nho Tây học Trần Trọng Kim, đồng thời với sự xuất hiện của phong trào cộng sản trong sự xung đột tư tưởng giữa những người ái quốc Việt Nam. Thời kỳ cộng sản đã làm đứt quảng tiến trình xét lại những giá trị Tống Nho phù hợp với dân tộc tính và có khả năng chuyển dẫn những tư tưởng mới có tính chất thiết thân với một xã hội đang chuyển mình sang dân chủ. Sự tiếp nối đó xét ra cần thiết dưới góc nhìn sau đây:

 

B4d. Trong viễn tượng dân chủ hoá trong tương lai, quá trình khảo sát sẽ bao gồm một qui mô bao quát mọi vấn đề của đời sống quốc gia nhằm định hình một tư tưởng văn hoá chính trị Việt Nam trong lâu dài. Sự xét lại Nho giáo Việt Nam không nhằm khía cạnh triết lý của từ chương học, nghĩa lý học mà giành những chú tâm vào khía cạnh xã hội-chính trị của học thuyết ấy đã bắt rễ tương đối sâu đậm trong suy nghĩ dân tộc. Căn bản của vấn đề là những tinh hoa Tống Nho đã thâm nhập, đã được hấp thụ, đã được đồng hoá thành một dạng văn hoá tiềm ẩn trong tư tưởng và đời sống dân tộc.

 

B4e. Một cuộc cách mạng văn hóa trong tương lai xét ra cần thiết cho quá trình đó. Tính suy đồi văn hoá đến tận gốc rễ của xã hội hiện tại sẽ thúc đẩy phong trào chấn hưng đạo đức trong lòng xã hội dân sự. Vai trò của chính quyền dân chủ tương lai sẽ là vai trò điều hướng, phối hợp với xã hội ấy của ngày mai để gạn lọc những đặc tính tốt đẹp của xã hội truyền thống, đồng thời loại bỏ cái xấu và hủ tục trong phương hướng giáo dục tích cực nhằm hoàn thiện con người công dân:

 

B4e1. Củng cố những phong tục hay của lễ tết truyền thống với hội đình, hội bài chòi, hội đánh bòng, đá cầu, hội hát quan họ, hội chùa Hương, hội võ Tây sơn... thể hiện rõ nét tình tự dân tộc; đồng thời loại bỏ bớt hủ tục trong lễ tiết, cưới hỏi, tang ma, mê tín dị đoan trong cúng bái, tà phái tôn giáo...

 

B4e2. Con người Việt Nam đậm đà tình yêu đất nước và quê hương, tình nghĩa trong liên hệ tương quan hàng xóm làng xã, quan hôn tang tế, có tinh thần tôn trọng công ích, sẳn sàng hy sinh cho nghĩa lớn, đồng thời tinh thần dân chủ xã hội ở xóm làng... Nhưng nhìn chung thì tương đối khép kín và thụ động trước những áp đặt của "nhà nước làng". Tính khép kín của những "tiểu xã hội" với hệ thống quyền lực riêng, của thành kiến, dư luận hẹp hòi làm con người chậm phát triển, bảo thủ với những quan điểm nhiều khi lầm lạc.

 

B4e3. Biểu tượng dân tộc tính mạnh nhất là lòng yêu nước trong tinh thần vì đại nghĩa và công ích. Nhưng biểu hiện tự khép mình vào một thứ kỹ luật thái quá của chủ nghĩa "đại thuận" Nho giáo đã hủy diệt chủ nghĩa cá nhân vì trong đó con người trở thành một đơn vị hữu cơ chi phối bởi trật tự vũ trụ, xã hội và ngôn từ (tri mệnh, tri lễ, tri ngôn).

 

B4e4. Trật tự xã hội đó được xây dựng và củng cố chung quanh những sức mạnh chính thống của thiên tử hoặc minh quân. Tinh thần "trung quân" đó cần thiết trong đấu tranh giữ nước hoặc dành lại độc lập, nhưng sẽ kềm hảm sức phát triển dân tộc và con người của thời bình.

 

B4f.  Hệ thống giá trị truyền thống hình như quá nghiêm khắc trong thẩm định và phê phán con người. Dư luận Việt Nam còn thiếu cởi mở về vấn đề giải phóng phụ nữ, chưa cho họ tham gia bình đẳng và tích cực vào đời sống xã hội. Trong gia đình sinh hoạt thường nặng lễ nghi, thiếu cởi mở, thân mật... Nhìn chung khung giá trị ấy chưa đủ để khai phóng con người hầu bắt kịp những tư tưởng mới mà hội nhập vào đà tiến bộ thế giới.

 

B4g. Những khía cạnh tiêu cực của nền văn hoá truyền thống được phân tích qua hai góc độ:

 

B4g1. Trong khách quan lịch sử, sự thẩm nhập tư tưởng Thiên Chúa giáo và nền văn minh kỹ thuật đã vấp phải sự đối kháng quyết liệt của hệ thống quân chủ Ðông phương mẫu mực với những sắc thái phong kiến còn rơi rớt. Sự va chạm của những luồng tư tưởng mới, tiến bộ và hợp lý được thẩm nhập bằng con đường thiếu chính đáng của chủ nghĩa thực dân một bên, và bên kia một hệ thống chính trị với những giá trị lỗi thời lại mang tính chính thống của trình tự dân tộc đã thật sự làm dân tộc Việt Nam chao đảo, phân tán. Sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản như một lực lượng mới trong nhất thời đã dành được thế áp đảo trong lãnh đạo đất nước đánh đuổi thực dân. Họ thành công trong sự thu hút quần chúng lúc đầu, nhưng càng để lộ bộ mặt đệ tam quốc tế, họ càng đào sâu mâu thuẫn, nghi ngại trong trình tự dân tộc, càng chia rẽ các bộ phận quần chúng mà họ gọi là đấu tranh giai cấp. Ðánh đuổi thực dân, họ đập vỡ luôn nhữnh hệ thống giá trị mới của những luồng tư tưởng tiến bộ phương Tây cũng vừa bén rễ. Người Việt Nam thất vọng não nề với nền văn hoá vô sản, hệt như người Trung Hoa bị đẩy vào cùng cực tai họa của cách mạng văn hoá Mao Trạch Ðông.

 

B4g2. Xã hội truyền thống chưa định hình được những giá trị truyền thông. Con người Việt Nam cảm thông nhau qua tập tục, liên hệ hàng xóm như một thói quen khách quan. Những tình cảm sâu kín vẫn ấp ủ trong lòng nhưng không triển khai được qua phát biểu, truyền đạt có phương pháp của nghệ thuật truyền thông. Về mặt này con người Việt Nam tỏ ra còn "man khai" trước những dân tộc phương Tây.

 

- Người Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều của dư luận và khung giá trị chật hẹp của nó nên trở thành khép nép, thiếu phát triển nhân cách. Sự thiếu thốn khả năng truyền thông làm con người trở nên hoang vắng. Có tư tưởng mà không phát biểu được, không thể tự khẳng định mình và tìm thấy một tương quan tốt đẹp giữa người và người, và với xã hội. Từ đó nảy sinh nghi kị, tương tranh, xung đột và hận thù chỉ vì những khác biệt tiểu tiết. Dưới ảnh hưởng hủy hoại văn hoá và con người của chủ nghĩa xã hội, truyền thông lại bị lạm dụng làm công cụ đả phá và truyền bá hận thù. Do đó một trong những mặt cấp bách mà xã hội tương lai phải xây dựng phải chăng là một hệ thống truyền thông thích đáng nhằm tạo lại niềm hòa giải, thông cảm, gây dựng lại tình đoàn kết, hợp quần cố hữu của dân tộc?

 

- Tương quan xã hội dựa trên tính ham danh, khoe khoang lòe loẹt. Ðạo đức công dân chỉ là biểu hiện một thứ lễ phép cầu kỳ có tính khuôn mẫu cho từng lớp tuổi, từng lãnh vực, từng tầng lớp xã hội làm cho tương quan giữa người và người trở thành xã giao môi mép. Trong đời sống chính trị cũng thế, chỉ những tư tưởng hợp khuôn mẫu, đạo đức, truyền thống mới được chấp nhận làm kềm hảm tính nhạy bén thích nghi  với trào lưu mới.

 

Thực tế là tinh thần Nho giáo "kẻ sĩ" vẫn tồn tại trong mỗi con người, từng trí thức Việt Nam nơi chiều sâu của dân tộc tính. Nhu cầu dân chủ hoá của ngày mai không thể phủ nhận những tinh hoa của hệ thống ấy. Marcel Granet đã nhận xét: "trong toàn cỏi Ðông Á hiện nay, không một dân tộc nào, dù suy thoái hoặc ngạo nghể với sức mạnh kinh tế của mình, dám phủ nhận nền văn minh Trung Hoa". Dĩ nhiên chẳng ai dám chối bỏ tư tưởng Mạnh Tử như một trong những nguồn gốc  của tư tưởng dân chủ phương Tây ở thế kỹ thứ 18. Dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần những tư tưởng ấy. Cho nên hàng ngũ Tây học Việt Nam tiền cộng sản, dù vẫn xem như xã hội truyền thống Việt Nam không còn tồn tại nữa và nhận Khổng Tử xuống bùn vẫn sùng bái Mạnh Tử ở tính chính xác của từ ngữ dân chủ "Dân vi qúi". Với họ nếu không có Mạnh Tử, nguyên tắc "dân là tất cả" có lẽ sẽ không được đề cập; và nếu không có Rousseau, ngọn cờ "Ý chí chung của quần chúng" có thể đã không được giương cao trên thế giới này" (8)

 

Những kết luận được rút ra   từ thực tế xã hội, lịch sử và nhu cầu dân chủ hóa của ngày mai sẽ là:

- Hệ thống hoá những giá trị truyền thống của dân tộc bao gồm những tinh hoa Tân học Khổng giáo, triển khai tính tích cực nơi con người kẻ sĩ cũng như ở quảng đại quần chúng.

 

- Phát triển những tinh túy của tinh thần tôn giáo hỗ trợ cho tư tưởng văn hoá chính trị. Ở Phật giáo là tinh thần nhân-trí-dũng, ở Công giáo là đức công bằng-bác ái (Lễ), ở Cao Ðài, Hòa Hảo là tinh hoa Phật giáo trong chiều hướng thờ phụng tổ tiên  và bảo vệ phong hoá dân tộc. Những đặc tính này không hề đối kháng với những giá trị Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín của Nho giáo.

 

- Hấp thụ thêm những luồng tư tưởng mới  sẽ vô cùng cần thiết; đặc biệt khi dân chủ đang toàn cầu hoá trong xu thế tiến hoá của thời đại. Chiếc nền nhân bản của tam giáo đồng nguyên sẽ được kiện toàn bởi chính khoa học phương Tây. Những công trình tri- hành dưới quan điểm thực nghiệm của nền dân chủ mới sẽ dễ dàng tìm thấy những cánh cửa giao thoa nơi xã hội cởi mở Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của hệ tư tưởng Mạnh Tử- Vương Dương Minh- Vương Xương Linh mà bén rễ; từ đó sẽ phát triển hoành tráng  trong sức sống và ước vọng dân chủ của dân tộc.

 

Trong tương lai, dù có sự thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, tương quan Trung Quốc- Việt Nam sẽ còn rất quan trọng  trên bình diện văn hóa do hệ quả  cùng thừa hưởng những giá trị Khổng giáo, dù dưới hình thức này hay sắc thái khác, và những liên hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ có tính sinh tử  trong chiều hướng định hình những khu vực phát triển kinh tế mậu dịch vùng.

 

Những dấu hiệu suy thoái ở các cơ chế dân chủ phương Tây về văn hoá đang đặt ra một số vấn đề chỉnh hướng cho những nền dân chủ phát triển cao. "Cá nhân chủ nghĩa" từ vai trò nhân tố quyết định trong việc xây dựng và phát triển các nền dân chủ hiện đại thể hiện qua tinh thần công dân của các quyền tư tưởng, phát biểu, hội họp, sinh hoạt...trong ý nghĩa mỗi cá nhân đều bình đẳng về nhân quyền và quyền chính trị nay đã trở thành "một đơn vị tiêu thụ" trong bối cảnh xã hội tư bản phát triển mạnh về hướng vật chất; cá nhân do đó mất dần tư cách chính trị. Tinh thần tôn sùng vật chất có nguy cơ trở thành chủ nghĩa bái vật làm cho cá nhân càng hờ hững với chính trị, sẳn sàng từ bỏ ý thức công dân trong thời đại hậu tiên tiến -postmoderne. Ở xã hội Việt Nam bây giờ cũng đang ngự trị những giá trị vật chất thấp kém, nhưng đó chẳng phải là biểu hiện của những xã hội phát triển giàu có cần hưởng thụ;  mà ngược lại, những con người Việt Nam đang mơ vật chất tiêu thụ khi vừa mới ngoi ra khỏi địa ngục thiếu đói.

 

Giáo dục chính trị, giáo dục công dân, giáo dục con người đang đặt ra những cách giải quyết khác nhau. Cũng là điều chỉnh những tương quan kinh tế - xã hội, nhưng ở phương Tây vấn đề là sự tìm kiếm một ý hệ mới khi chủ nghĩa tư bản mất đối trọng chủ nghĩa cộng sản trong lúc ở Việt Nam sự điều chỉnh những tương quan kinh tế - xã hội tương đối dễ dàng hơn có thể làm nảy sinh những tiền đề mới cho công trình xây dựng một nền văn hoá chính trị mới có khả năng giải quyết khá toàn vẹn các tương quan kinh tế - xã hội.

 

Như đã trình bày, Việt Nam có một nền văn hoá đặc thù  uyển chuyển cấu thành bởi sự dung hợp khá chọn lọc các nền văn hoá từ những tư tưởng Ðông phương xưa là Khổng giáo và Phật giáo kết hợp với luồng tư tưởng Thiên Chúa giáo mới du nhập trong thời cận đại. Sự va chạm đã diễn ra khá êm thắm trong tình tự dân tộc. Những điều kiện thuận hoà luôn có sẳn cho sự nảy sinh những con người tổng hợp bao gồm nét trí thức trong cung cách trầm mặc của tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật thực dụng của tinh thần kẻ sĩ Khổng giáo và tinh thần khai phóng cá nhân của nền dân chủ Thiên Chúa giáo. Chế độ cộng sản kiểu Lênin đã áp đặt một giai đoạn nghiệt ngã cho dân tộc mà những hậu quả còn tác hại lâu dài. Các cơ chế duy vật đã cố công hủy diệt con người tôn giáo và con người tư tưởng  cuối cùng đã thất bại; và vô hình chung đã làm phai mờ những khác biệt của tiểu dị giữa người Lương (Phật giáo và Cao Ðài Hòa Hảo nói chung) và người Công giáo vì nhu cầu đấu tranh để bảo tồn niềm tin siêu hình của tôn giáo đã đưa họ nhích lại gần với nhau hơn. Hơn nữa từ trong lâu dài của lịch sử, con người Việt Nam, dù tôn giáo nào cũng đều sống văn hoá như nhau, đặc biệt ở tầng lớp cao thường mang nặng tinh thần "kẻ sĩ" mượn ở tư tưởng chính trị Khổng Mạnh. Không ai phủ nhận những giá trị Khổng giáo đã ngào trộn với những truyền thống văn hoá dân tộc thể hiện tinh thần công dân vì công ích, ái quốc vì đại nghĩa; từ đó đánh bật những khuynh hướng ngoại xâm mà trường tồn. Do đó thời kỳ đứt quảng của văn hoá dân tộc dưới chế độ cộng sản, trong hướng nhìn dài hạn không hủy hoại  nền văn hoá ấy mà  chỉ tạo cơ hội cọ xát, suy gẩm, làm sáng tỏ hơn  các giá trị dân tộc một khi chế độ ấy cáo chung.

 

Chiều hướng  xây dựng văn hoá Việt Nam tương lai  nhằm khai thác tính liên tục đó của lịch sử văn hoá ở những nét đặc sắc nhất của Phật giáo nơi ý nghĩa người lương (hiền,tốt) sẽ cấu thành một đại bộ phận trung dung ôn hoà bổ túc bởi những đặc tính năng động, khoa học kỹ thuật của tinh thần Thiên Chúa giáo. Tất cả những nét đặc thù của con người Việt Nam sẽ hội tụ và triển khai thông qua dân chủ để hình thành một nền văn hoá mới vừa đặc thù vừa tiến bộ.

 

 

Xem tiếp: C. Xây dựng một nền giáo dục thích hợp cho dân chủ hoá

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.