.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

 

Phần II : VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ
               CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ

Chương 6  :  Nền Dân chủ và vấn đề bảo hiến

A.         Thế chính thống chính trị

B.        Tính chất của Nhà nước Dân chủ Pháp trị

C.         Kiểu mẩu Nhà nước Pháp trị nào thích hợp cho VN ?

1.                Những đặc tính của hệ thống pháp luật phải xây dựng

2.                Vấn đề bảo hiến

3.                Tương quan Nhà nước Pháp trị - Công dân

Phụ lục 3.  Những "quyền căn bản" qui định trong Hiến Pháp Cộng Hòa Liên Bang Ðức (nguyên là "Ðạo luật Cơ bản" ban hành năm 1949 - TG dịch từ chapitre III "les droits fondamentaux"- L'Allemagne: Loi fondamentale du 23 mai 1949 - in "Textes constitutionnels" - Stéphane Rials et Denis Barenger -NXB Presses universitaires de France )

 

 

 

A. THẾ CHÍNH THỐNG CHÍNH TRỊ :

Một cách cụ thể tính chính thống chính trị của một nhà nước nằm trong vấn đề tại sao và làm sao các cá nhân chịu tuân phục  trật tự xã hội do nhà nước ấy áp đặt?

Ở phương Ðông trong thời đại phong kiến các ý niệm "Thiên mệnh" của Khổng Tử hoặc "Thiên ý" của Mặc Ðịch đã định nghĩa tính chính thống của một nhà nước vương triều phù hợp với qui luật vũ trụ, đẹp ý Trời.

Rousseau mở đầu thời đại mới với ý niệm "ý chí chung". Tính chính thống chỉ có khi chế độ thuận lòng người, và chỉ nhằm mục đích phục vụ quần chúng.

Các lý thuyết hiện đại về tính chính thống rộng rãi hơn trong cái nhìn bao quát về các đặc tính ước lệ liên hệ đến nhiều lãnh vực của đời sống mới. Những vấn đề môi sinh, phân phối lao động, phân phối lợi nhuận, những tiện nghi cho đời sống quần chúng... đã thẩm nhập vào đời sống chính trị và đòi hỏi nhà nước chính thống phải giải quyết ổn thỏa; chứ không còn giản đơn là những tương quan cai trị giữa nhà nước ấy và các công dân như trước đây. Các lý thuyết khác còn nhắm vào những tiêu chuẫn tính tình, tâm thức trong một sự đồng thuận với các vấn đề của đời sống xã hội. Tính đồng thuận của các tầng lớp dân chúng đối với vấn đề chính thống do đó rộng mở nhưng luôn thích nghi tương xứng. Những nhà bảo thủ thì thường có khuynh hướng biện minh cho các giới hạn của chế độ dân chủ tư bản dựa trên hiến pháp, do nhu cầu tự nhiên. Phe tự do lại có khuynh hướng phân biệt tính chính thống chính trị và tính chính thống kinh tế vốn là hai lãnh vực có những tác động hổ tương trong nền kinh tế thị trường tư bản. Các nhà bảo căn lại cố gắng ôm đồm một tổng thể những qui ước biểu kiến  tương ứng với sự đồng thuận của toàn dân. Nhưng quan điểm này trong đời sống mới phức tạp của toàn cầu hoá đang tỏ rõ tính không tưởng của nó (theo dictionnaire de la politique - Légitimité - Hartier)

Chúng ta có thể rút ra một kết luận tổng hợp xuyên qua các quan điểm này. Một nhà nước chính thống phải thể hiện ý chí chung của quần chúng. Sự đồng thuận hiện diện nơi đa số đã bầu ra họ trong những cuộc bầu cử dân chủ; và cả nơi quần chúng thiểu số vì các quan điểm của họ được nhà nước và phe đa số tôn trọng theo tinh thần đa nguyên.

- Trong lịch sử Việt Nam, nhà Nguyễn thật sự từ bỏ tính chính thống khi Bảo Ðại trao ấn tín cho đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu năm 1945. Nhưng theo GS Nguyễn Thế Anh trong "Monarchie et fait colonial au VN - L'Harmattan"  vua Khải Ðịnh đã tỏ ra bất xứng trong nhiệm vụ với Trời với Dân khi tự mình thu nhỏ trong chiếc bóng của Tổng Khâm Sứ Pasquier. Ông luôn miệng nói thương dân nhưng lại bỏ mặc quần chúng rên xiết vì sưu cao thuế nặng. Tệ hơn nữa là vua cha đã tước bỏ tính chính thống của Thái tử Vĩnh Thụy khi trối trăn cho nhà nước bảo hộ Pháp coi sóc bảo trì tôn miếu sau khi ông chết. Theo tác giả Nguyễn Thế Anh  khi một linh ước (contrat spirituel) với Trời với Dân đã thật sự bị đoạn tuyệt, vương triều ấy không biểu tượng tính chính thống nữa.

Việt Minh tiếp nhận tính chính thống khi giương cao được ngọn cờ dành độc lập dân tộc từ 1945 đến 1954. Nhưng với Hiệp Ðịnh Genève, tính chính thống đó chỉ còn một nữa khi tuyên bố áp đặt chũ nghĩa xã hội lên miền Bắc, và để lộ bộ mặt người lính xung kích của Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế. Ðể rồi sau khi cưỡng chiếm miền Nam và thống nhất đất nước, tính chính thống đó càng mờ nhạt hơn khi chọn quốc hiệu CH/XHCNVN, biến tổ quốc thành tổ quốc xã hội chũ nghĩa, tự phong cho đảng CS nhiệm vụ lịch sử và tính độc tôn chính trị. Do đó, theo lô gích, khi phong trào quốc tế xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tính chính thống của Nhà nước XHCNVN cũng không còn tồn tại nữa. Trong thực tế, từ khi áp đặt chủ nghĩa xã hội CS trên toàn cả nước, nhà nước XHCN ngày càng thoái hóa, không thích ứng được với một thế giới đã đổi thay toàn bộ và phát triển với một tốc độ chóng mặt. Cái chủ nghĩa xã hội mơ hồ mà đảng CS cố tình không buông bỏ nói cho cùng chỉ  là một trò chơi chữ. Tính chính thống và công lao dành độc lập nhân danh một cuộc kháng chiến toàn dân đã bị xét lại với những lầm lỗi chính trị nghiêm trọng đã từng đưa đất nước tụt hậu xuống hàng những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Tư cách của nhà nước CH/XHCNVN bị thế giới xem thường bởi quốc nạn tham nhũng bao trùm mọi cơ cấu  đảng, chính quyền, và phổ quát trên mọi sinh hoạt của đời sống quốc gia. Uy tín chính trị của chế độ bị sứt mẻ vì những đàn áp tư tưởng và tôn giáo. Phẩm chất dân tộc VN bị xuống cấp trong chính sách ngu dân (obscurantisme), hủy hoại văn hoá và đạo đức con người.

Ðảng CS/VN đang đứng giữa ngả ba đường mà một chọn lựa đúng và dứt khoát sẽ là một quyết định lịch sử. Nhưng buồn thay, một tân Tổng Bí thư được bầu ra trong Ðại Hội 10 Ðảng CSVN giữa một bối cảnh quyết liệt vẫn chọn con đường bảo thủ giáo điều để củng cố quyền lực cá nhân và bè nhóm, mà chẳng hề đá động đến vấn đề sinh tử là dân chủ hoá để sớm hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa hiện tại. 

Nhằm phục vụ mục tiêu "đổi mới" hay sát nghĩa hơn, một sự cởi trói kinh tế nhằm cứu nguy chế độ, đảng CSVN và những nhà lãnh đạo đương quyền đã đề cập đến việc xây dựng một "Nhà nước pháp quyền" như một mục đích tuyên truyền, bao gồm một lối chơi chữ sở trường  để trấn an những nhà đầu tư ngoại quốc vẫn còn rất e dè một nhà nước không có luật pháp, để hóa giải sức tranh đấu của các phong trào đòi dân chủ, để ve vuốt nổi chán chường tuyệt vọng của quần chúng trước một guồng máy hành chánh tệ hại vừa mang tính công an trị của chuyên chính cực quyền, vừa nhũng lạm thối nát  trong số những nền hành chánh hủ lậu lạc loài giữa thế giới tiến bộ của những nhà nước pháp trị mới.

Ðiều 4 Hiến Pháp dành vai trò độc tôn cho đảng CSVN đã mặc nhiên phủ nhận những ý niệm mới về Nhà nước Pháp trị dân chủ trong nghĩa đơn sơ nhất  nhằm đối kháng với một Nhà nước Cảnh sát trong đó chính phủ và hệ thống hành chánh có thể hành động một cách tùy tiện; hoặc có thói quen xử dụng một loại công an chính trị can thiệp trắng trợn vào đời sống chính trị bất chấp luật lệ. Ngày 16.04.97 chính quyền CS đã ban hành một nghị định cho phép công an có quyền tạm giam vô hạn định đối với các nghi can, hoặc đặt trong tình trạng quản chế trong vòng hai năm các công dân bị coi là nguy hiểm cho "an ninh quốc gia" mà không cần tòa án. Những người bị bắt trong tình trạng quản chế sẽ không được rời khu vực mình đang cư ngụ và sẽ phải theo các khóa cải tạo.

Với hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11.06 có sự tham dự của Tổng thống Bush, và có thể để ghi dấu việc gia nhập «Tổ chức Thương Mãi Thế Giới WTO » ngày 07.11.06, chính quyền Hà Nội đã làm một cử chỉ cải đổi biểu tượng là rút lại Nghị định 31-CP nói trên.

    Tuy nhiên theo một vài nhà phân tích thời sự, một “Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chính” ban hành ngày 01.10.2002 hủy bỏ và thay thế ND 31-CP trong thực tế, tinh vi hơn, thẩm quyền áp dụng rộng rãi hơn, và có hiệu quả hơn trong việc đàn áp dân chủ, vẫn tồn tại.

 

B. TÍNH CHẤT CỦA NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ PHÁP TRỊ :

Ðịnh nghĩa ngắn gọn nhưng minh bạch của loại hình nhà nước này là một chính quyền "của dân, do dân và vì dân". Nó được dựng lên bằng sự đồng thuận của quần chúng  theo nguyên tắc "đa số có tôn trọng thiểu số" để phục vụ những nguyện vọng của dân tộc và quần chúng của nó theo tinh thần hiến pháp.

Dân chủ cần có hai điều kiện :

- Những người có trách nhiệm hoặc những cơ quan quản trị một định chế công hoặc tư được sự ủy nhiệm minh thị và chính thức của đa số trở thành những người hành xử quyền hành chính thống. Tính chất "quyền tối thượng của người dân" vẫn là một nguyên tắc tuyệt đối của hiến pháp Mỹ và các nền dân chủ phương Tây.

- Quyền hành ấy được hành xử làm sao cho mọi người đều cảm thấy đã tham dự bao quát vào việc lấy quyết định và nhất trí tán đồng về những phần then chốt của quyết định ấy.

Từ quan điểm dân chủ này, một nhà nước pháp trị phải tôn trọng trước tiên Hiến Pháp như biểu tượng cao nhất trong đó sự phân quyền là yếu tính quyết định của nền dân chủ. Nhà nước ấy cũng phải bảo đảm những quyền căn bản nhất của con người (bao gồm cả những quyền lợi xã hội) và tôn trọng thiểu số trong sinh hoạt dân chủ.

Các cuộc tranh luận năm 1949 ở Ðức đã đưa đến những ý niệm mới rất tiến bộ về nhà nước pháp trị trong đó các nhà soạn thảo "Ðạo Luật Cơ Bản" (nay trở thành Hiếp Pháp CHLB Ðức thống nhất) đã lấy lại những quan điểm khai phóng kiểu Hoa Kỳ về phân quyền, và vị thế tối cao của Hiến Pháp và những quyền căn bản; đồng thời vai trò các thẩm phán cũng được đặt nặng như một bảo đảm cần thiết cho tính tối ưu của hiến pháp. Ðiểm nổi bật thứ hai của ý niệm 1949 nhằm phối hợp nhà nước pháp trị ấy với nền dân chủ. Ðiều này có nghĩa là chính những thẩm phán bảo vệ Nhà nước pháp trị cũng có bổn phận bảo vệ và tôn trọng luật lệ.

Ðạo Luật Cơ bản 1949 đã đưa ra một khuynh hướng mới về hiến pháp ở châu Âu với hai đặc tính nổi bật :

* Nới rộng hệ thống phân quyền thông qua chế độ liên bang; phối hợp với ý niệm phân chia không gian kinh tế và không gian chính trị thể hiện qua tính chất độc lập của ngân hàng trung ương và nêu bật tính ưu tiên của cơ chế kinh tế thị trường xã hội.

* Pháp chế hóa những tương quan chính trị và xã hội: tổng thể những nhân tố chính trị, hành chánh, kinh tế và xã hội đều bị chi phối bởi luật Hiến pháp bao gồm những qui định liên quan đến tiền tệ, kinh tế, tài chánh công và những quyền lợi xã hội (Hugues Potelli- Les régimes politiques Européens- NXB Le Livre de Poche- Références).

 

C. KIỂU MẪU NHÀ NƯỚC
PHÁP TRỊ NÀO THÍCH HỢP CHO VN TƯƠNG LAI ?

Dân chủ là ý niệm tiến bộ nhất trong giòng tư tưởng chính trị của nhân loại. Cho đến bây giờ, dù các nước phương Tây đã xây dựng cho mình những cơ cấu tổ chức dân chủ tương đối ổn định, tính toàn cầu hoá của nó vẫn đang còn ở giai đoạn phát thảo, chưa hoàn chỉnh. Thí dụ hiển nhiên nhất là ở các quốc gia Mỹ Châu La tinh, nhiều thập niên trôi qua vẫn chưa định hình được nền dân chủ phải có, phải xây dựng. Ðể thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến họ đã xây dựng những nền cộng hòa nhằm hiện đại hóa kinh tế. Nhưng những vấn đề xã hội luôn căng thẳng thường kéo những nền cộng hòa son trẻ ấy đi lệch hướng. Hoặc trở lại độc tài quân phiệt, hoặc rơi vào tay những chuyên viên kỷ trị (technocrates). Ðiều nghịch lý là giới kỷ thuật gia không thể một sớm một chiều tự cải biến thành những nhà lãnh đạo chính trị. Và một khi mà những lực lượng chính trị, đảng phái tự ý từ bỏ thiên chức lãnh đạo của mình trong đời sống chính trị quốc gia cũng có nghĩa là Nhà nước ấy đã mất cân bằng, và nền dân chủ trở thành mong manh.

Ở các nước Ðông Á, ngoại trừ Nhật Bản đã xây dựng những mô hình dân chủ theo kiểu Tây phương (nhưng thường bị chỉ đạo bởi những thế lực ngầm), các quốc gia son trẻ đã tiến vào hàng các nước hậu kỹ nghệ như Nam Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba nền dân chủ không tiến kịp những tiến bộ kinh tế. Người dân tuy có thu nhập bình quân tăng cao nhưng những quyền căn bản của con người, ngoài quyền phát triển được hiểu một cách hạn hẹp là quyền kiếm tiền để làm giàu, hầu như không được bảo đảm hoặc bị hạn chế nại cớ ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Nền dân chủ với những đặc tính và điều kiện phổ quát chưa xuất hiện, hoặc nếu có cũng chưa được xác định.

Lý do của các vấn nạn vừa kể nằm trong tính văn hóa của từ dân chủ. Các định chế pháp lý quyết định sự toàn bích của cơ cấu dân chủ. Nhưng nền tảng thiết thân nhất của  dân chủ vẫn là yếu tố con người được hun đúc trong một nền văn hóa bản địa đã tích tụ chậm rãi và tự thăng hoa lâu dài qua nhiều thế hệ. Sự phát triển của một nền dân chủ chỉ thực hiện được nơi một nền văn hóa cấu thành bởi một tổng thể những đức tính luân lý và chính trị chặc chẽ. Nền dân chủ phương Tây là thành qủa của tính khai phóng cá nhân đối kháng với chủ nghĩa phù hợp mang tính thụ động, nơi tinh thần dấn thân dám lấy quyết định và sáng tạo hơn là ngoan ngoãn chờ và nhận lệnh. Trong tương quan xã hội, con người dân chủ phải có quan điểm riêng nhưng đồng thời tôn trọng tinh thần đa nguyên và ý kiến của người khác. Cùng với tinh thần ấy, năng khiếu phê bình làm nảy sinh cái đúng và tiến bộ cũng tỏ ra cần thiết. Tóm lại giáo dục luân lý và trí tuệ, bao gồm cả giáo dục công dân và chính trị phù hợp với những yếu tính của một nền văn hoá sẽ tạo điều kiện nảy sinh cho một cơ chế dân chủ đúng nghĩa có thể xuất hiện và vận hành tốt đẹp.

Vấn đề xây dựng một Nhà Nước Pháp Trị Dân Chủ ở VN do đó là một trình tự lâu dài, và đòi hỏi những điều kiện tiên quyết về giáo dục và dân trí. Ðiều này bao hàm trong các chủ đề sẽ được khảo sát sau đây :

 

C1.  Những đặc tính của hệ thống pháp luật phải xây dựng :

- Xã hội truyền thống VN  là một thực thể đa dạng. Yếu tính đặc thù của văn hóa VN bộc lộ rõ nét nhất ở làng xã với những định chế xã thôn đặc biệt. Nông thôn VN nói chung vừa có nét sinh hoạt dân chủ thể hiện qua hương ước,  hội làng và trong việc phân cấp công điền công thổ nói chung; vừa có sắc thái khép kín với dư luận có phần khắc khe. Tục và lệ trói buộc con người vào một trật tự cứng ngắt. Hệ thống án lệ của luật pháp VN tương lai không thể không lưu tâm đến tập tục và lệ làng.

- Tinh thần tuân trọng luật pháp của người dân VN  nói chung vẫn là một truyền thống nhiều khi thể hiện quá đáng do ảnh hưởng giáo dục bị diễn dịch sai lệch hoặc nhà cầm quyền đã lợi dụng tinh thần "trung quân" hoặc "tôn trọng công ích" để áp đặt tinh thần thụ động có lợi cho nền thống trị hoặc đô hộ của họ. Tinh thần tuân thủ dập theo khuôn mẩu trật tự xã hội Tống Nho phải được xét định và gạn lọc lại, nhằm vất bỏ những tư tưởng lạc hậu và triển khai những chiều hướng tích cực như xây dựng lương tri con người, tinh thần dân vi qúi nơi tầng lớp "đại nhân" của tư tưởng Mạnh Tử, cũng như quan điểm giáo dục tích cực của Tuân Tử; và cả những quan điểm tiến bộ của phái Pháp Gia như tính chất tối yếu của việc phổ biến luật pháp nơi tư tưởng Hàn Phi Tử  «những sắc luật và chỉ thị chỉ trở thành luật khi chúng được niêm yết trong tất cả các cơ quan hành chánh và cho mọi người biết rằng những trừng trị và hình phạt sẽ không chừa bất kỳ một ai. Người được ghi nhận có tinh thần tuân thủ tốt sẽ được khen thưởng, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt » (Marcel Granet- La pensée chinoise- NXB Albin Michel).

Sự rà soát lại những ảnh hưởng sâu đậm của tinh thần cựu học nhằm hai tác động:

* Bảo tồn những suy nghĩ truyền thống đã trở thành hồn của văn hóa dân tộc.

* Khai thác những mặt tiến bộ và tích cực nơi tinh thần ấy để chuyển dẫn những tư tưởng mới hơn của phương Tây hội nhập vào xã hội truyền thống mà không gây ra những va chạm đáng tiếc. Căn bản của vấn đề vẫn là những nền tảng giáo dục con người xã hội và con người công dân nhìn dưới khía cạnh tích cực giữa Ðông và Tây không có mấy khác biệt. Phải chăng nét phát thảo dân chủ cần có cho VN là công trình hấp thụ những sắc thái dân chủ có tính khoa học để sẽ hội nhập và phát triển trên nền văn hóa nhân bản truyền thống VN?

- Xây dựng một hệ thống dân chủ pháp trị  trong hoàn cảnh rất phức tạp về chính trị và văn hóa VN hiện tại cần thời gian, trong một tính toán có hệ thống và phù hợp nhất với những giai đoạn chuyển biến lớn của tiến trình dân chủ hóa. Tinh thần hiến pháp và các pháp chế phải uyển chuyển, có dự liệu những tu chính, điều chỉnh hợp lý cần thiết.

- Ðiều quan trọng nhất phải khẳng định là tinh thần và tinh yếu của luật pháp không phải để "tóm dân vào lưới" nhằm phục vụ bất kỳ một tham vọng tập quyền toàn trị chính trị nào; hoặc để thực hiện chuyên chính tư pháp. Tinh túy và yếu tính của luật pháp luôn luôn nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của người cai trị (dù nằm trong khuôn khổ pháp trị dân chủ chăng nữa), hướng guồng máy công quyền đi đúng con đường thi hành công ích cho người dân, bảo vệ họ cũng như bảo vệ cho chính bản thân của chế độ dân chủ. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tư pháp chiếm một vị thế áp đảo so với hành pháp và lập pháp nhằm thể hiện tinh thần pháp trị này. Giới luật gia Mỹ thâu tóm trong tay những quyền hành rộng lớn, nhưng một "chính phủ tư pháp" chưa bao giờ kết hợp được và sự lạm quyền của giới thẩm phán rất ít xảy ra. Giản dị chỉ vì  nguyên tắc "dân là tối thượng" đã thành nếp trong sinh hoạt dân chủ, mọi công dân Hoa Kỳ đều hiểu luật trong nghĩa đôi vừa để bảo vệ mình, vừa tuân thủ và tuân trọng luật pháp và tôn trọng quyền lợi người khác. Ðó là điểm đặc sắc nhất của nền dân chủ Mỹ quốc.

- Việc xây dựng một hệ thống pháp chế thích nghi với những điều kiện xã hội VN  là điều cần thiết trong chiều hướng triển khai những định hướng lớn của luật Hiến pháp nhằm ổn cố và phát triển xã hội dân sự cả về vật chất (kinh tế)  lẫn tinh thần cá nhân trong chiều hướng chính trị hóa con người, phát huy giáo dục dân chủ để đào tạo những công dân biết tư tưởng, biết phát biểu nhằm đóng góp vào công ích xã hội và trật tự dân chủ

Giáo dục về luật pháp là một ngành chuyên biệt quan trọng trong chiều hướng giáo dục mới vừa kể nhằm mục đích đào tạo một thế hệ luật gia và thẩm phán mới trưởng thành trong khuôn khổ dân chủ quốc gia và thích nghi với những điều kiện văn hóa nội tại của xã hội. Một hệ thống thẩm phán xử án gốc nông dân không có trình độ văn hóa tối thiểu, không cả những kiến thức sơ cấp về luật pháp là điều tối thậm vô lý mà xã hội VN bất hạnh đã trải qua. Vấn đề là liệu những nhà cầm quyền đương thời có nhận thức được một cách chân thật rằng để có thể xây dựng một một hệ thống pháp quyền đúng nghĩa, có liên hệ thiết thân với "đổi mới", đảng CS phải tách khỏi chính quyền và chịu sự chi phối của pháp luật quốc gia chứ không phải đứng trên hiến pháp và chỉ đạo nhà nước như hiện tại. Luật pháp phải được tôn vinh qua việc khôi phục một cách đầy đủ và có hệ thống các trường đại học luật khoa Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Cần Thơ; giảng dạy theo một chương trình hướng về tương lai và do các giáo sư và luật gia có thực tài đảm nhận. Một nhà nước pháp trị thiếu những thẩm phán có tư cách và những luật gia có kiến thức, có kinh nghiệm trong tất cả các ngành chuyên biệt chỉ là một chiếc vỏ rổng tuếch mang tính bịp bợm.

 

C2. Vấn đề bảo hiến :

Xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ đã khó. Duy trì và bảo vệ cho nhà nước ấy tránh lạc hướng, lạm quyền lại càng khó hơn. Lịch sử dân chủ vẫn ghi nhận rằng nền dân chủ Hoa Kỳ vẫn được xem như  thành trì thể hiện những tư tưởng dân chủ Tây phương, thông qua những cơ chế vận hành đặc thù thích hợp với lịch sử lập quốc và những đặc tính cá biệt của người Mỹ. Nền tư pháp chiếm ưu thế trong tam quyền phân lập. Hành pháp tuy mạnh do Tổng Thống được dân bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu; nhưng guồng máy công quyền lại xây dựng trên tính chất chuyên viên của các cấp lãnh đạo hành chánh, không chuyên nghiệp như ở Pháp. Các công chức Hoa Kỳ khi phạm luật sẽ bị các thẩm phán thường tụng xét xử. Các thẩm phán còn có quyền phán đoán tính hợp hiến hay không của một đạo luật nhân những vụ tranh tụng pháp lý. Luật sư đoàn và thẩm phán đoàn do đó cấu thành một hệ thống quyền lực mạnh trong nền dân chủ Mỹ và đóng vai trò đối trọng của cấu trúc dân chủ ấy (Tocqueville- De la démocratie- NXB Folis).

Ở Anh, vai trò tài phán tối cao được giao cho các thẩm phán đặc biệt chọn lựa giữa những nhân tài luật học có khả năng xây dựng hệ thống án lệ nhằm bảo đảm cho những quyền căn bản. Tính độc lập tuyệt đối của các thẩm phán tối cao này vượt trên các khuôn khổ giám hộ về chính trị và hành chánh bảo đảm tính liên tục của các quan điểm bảo hiến.

Các nhà nghiên cứu về luật hiến pháp hầu như nhất trí với nhau rằng các cha đẻ " Ðạo luật Cơ  Bản Ðức 1949 " đã đóng góp những nét thực tiễn và tiến bộ trong các quan điểm bảo hiến và bảo vệ nền dân chủ hiến định. Ðịnh chế "Toà Án Bảo Hiến Karlsruhe" về các vụ tranh tụng và giải thích về tính chất hợp hiến hay không của các hành vi, đạo luật; cũng như tổ chức các Tòa án Hành chánh Liên bang cho các vụ tranh tụng hành chánh; đồng thời với việc tín nhiệm giới công bộc ở vai trò then chốt thi hành và bảo vệ trật tự dân chủ hiến định là những nét đặc sắc. Tương quan hai chiều giữa nhà nước pháp trị và công dân được đặt ra một cách rõ ràng nhằm hình thành một nền "dân chủ có kiểm soát" cung cấp một ý niệm hữu ích cho những quốc gia sắp sửa xây dựng dân chủ như VN. Những định chế kiểm soát được dự liệu rất thực tế nơi các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời và các điều khoản minh bạch về quyền lợi đi kèm bổn phận công dân  Ðức rất được tán thưởng và nghiên cứu học hỏi.

 

-   Tòa Án Bảo Hiến Karlsruhe: Sau thế chiến thứ hai, nổi ưu tư về sự trở lại của các chế độ phát xít vẫn ám ảnh nặng nề những nhà làm luật hiến pháp Ðức quốc. Nhằm bảo vệ những quyền căn bản của con người như một nhiệm vụ tối thượng, Tòa Án Bảo Hiến đã được dự liệu như một định chế tối cao vừa bảo vệ hiến pháp chống lại những đạo luật vi hiến; vừa giải thích, triển khai những tinh yếu của hiến pháp nhân những vụ tranh tụng. Các ý niệm về phân quyền, và vai trò các thẩm phán thường tụng trong việc phán xét tính chất bất hợp hiến của một đạo luật nơi hiến pháp Hoa Kỳ được các nhà lập hiến Ðức lập lại; nhưng cơ cấu tổ chức và điều hành của Tòa Án Bảo Hiến Karlsruhe khác với Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ :

* Về cấu trúc, Tòa Án Bảo Hiến có hai Viện. Mỗi viện có 8 thành viên bao gồm 3 thẩm phán xử án tối cao liên bang và 5 thẩm phán thuộc thẩm phán đoàn. Tất cả 16 thành viên của Tòa Án Bảo Hiến Karlsruhe không bị trói buộc bởi pháp chế và các định chế chính trị; độc lập hoàn toàn với các đảng phái tiến cử họ và với tất cả các quyết nghị liên hệ trong suốt nhiệm kỳ 12 năm không gia hạn.

* Về cơ cấu điều hành, ngoài nhiệm vụ theo dõi luật pháp hiện hành, quyết định chấp nhận cứu xét hay không của một đạo luật hoặc hành vi bị khiếu nại vi hiến, Tòa Án Karlsruhe còn có những thẩm quyền khác bao trùm đời sống hành chánh, chính trị, tư pháp Ðức.

* Hành vi kiểm soát cụ thể về tính hợp hiến có thể phát khởi từ một thẩm phán thường khi đương sự nhận định một đạo luật hiện hành trái với tinh thần hiến pháp. Vị thẩm phán này có quyền ngưng thi hành đạo luật như ở Hoa Kỳ, nhưng phải chuyển tính chất bất hợp hiến khác thường này lên Tòa Án Bảo Hiến Liên Bang hoặc Tòa Án Bảo Hiến Bang cứu xét theo luật định.

b) Thủ tục tố tụng trực tiếp về tính hợp hiến đã được chấp thuận cho các công dân Ðức kể từ năm 1969 khi cảm thấy những quyền căn bản dành cho họ bị trực tiếp thương tổn, và sau khi đã xử dụng mọi thủ tục tố tụng khác vẫn chưa được giải quyết. Những khiếu nại thuộc loại này chiếm đến 95% những vụ tranh tụng về tính hợp hiến hay không của một hành vi hoặc đạo luật. Do đó để bảo đảm tính khả chấp của những tranh tụng từ công dân, một Ủy Ban Ðặc Biệt Tiền Cứu Xét có nhiệm vụ xem xét trước các đơn khiếu nại.  Kết qủa là chỉ khoảng 85% các tranh tụng được đưa lên Tòa Án Bảo Hiến thẩm xét. (Ở Pháp, Hiến Pháp Ðệ V Cộng Hòa qui định quyền tranh tụng giới hạn cho Tổng Thống, Thủ Tướng, các Chủ Tịch Quốc Hội và Thượng Viện. Kể từ Tu Chính Hiến Pháp 29.10.74 quyền tranh tụng được nới rộng cho 60 dân biểu hay thượng nghị sĩ trở lên).

Tòa  Án Bảo Hiến Karlsruhe ngoài thẩm quyền kiểm soát và xét xử tính hợp hiến của các đạo luật còn có quyền diển dịch với tính cách xây dựng nhằm hoàn chỉnh luật pháp, cho các chỉ thị giải thích việc áp dụng hay sửa đổi các đạo luật có hà tì.

c) Tòa Án Bảo Hiến còn có những thẩm quyền lớn hơn tác động trên sự điều hành những cơ quan quyền lực tối cao, làm trọng tài cho những tranh tụng giữa hai cơ quan hiến định, theo dõi qui chế các dân biểu và các nhóm trong quốc hội; xem xét cả việc tài trợ các đảng phái chính trị. Trong lãnh vực lập pháp, Tòa Án Karlsruhe đặc biệt theo dõi tính hợp hiến của các dự luật sửa đổi hiến pháp nhằm bảo vệ sự tôn trọng những quyền căn bản và phẩm giá con người (điều 79.3).

d) Cũng qua việc can thiệp vào các lãnh vực lập pháp và lập qui, Tòa Án Bảo Hiến còn có khả năng chi phối cả đời sống chính trị quốc gia. Quyết định ngày 28.5.93 của Tòa Án về việc xúc phạm đến phẩm giá con người của dự luật phá thai, đồng thời cho phép Bundestag biểu quyết một đạo luật tu chính Hiến pháp về đề tài này đã dẫn đến một sự chuyển nhượng quyền hành chính trị vì phe cầm quyền biết rõ không có khả năng hội đủ 2/3 tổng số dân biểu để thông qua việc tu chính hiến pháp.

e) Thẩm quyền cứu xét các hiệp ước quốc tế cũng ảnh hưởng không ít trên chính sách đối ngoại của chính phủ Ðức (phán quyết ngày 23.3.93 về Hiệp Ước Maastrich đã áp đặt trên chính quyền Ðức một quan điểm thiếu tin cậy vào Liên Hiệp Châu Âu).

f) Các đảng phái vì vậy thường cầu cạnh Tòa Án Bảo Hiến Karlsruhe để thi hành chính sách đối ngoại của mình chống lại các đối thủ chính trị. Ví dụ đảng FDP (Tự Do Dân Chủ)  đã nhờ Tòa Án xác định quyền các bộ trưởng có thể mặc nhiên gởi quân đội Ðức ra nước ngoài chống lại đảng CDU (Liên Hiệp Dân Chủ Thiên Chúa giáo). Lợi dụng cơ hội này, đảng SPD (Dân Chủ Xã Hội) cũng mượn tay Tòa Án Bảo Hiến làm câm miệng luận điệu vi hiến của chính các phần tử hòa bình và cực tả trong đảng chống lại sự hiện diện của các chiến hạm Ðức trong vùng biển Adriatique (Anne Marie La Gloanec- L'état de l'Allemagne- NXB La Découverte).

Ở đây ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản của hai cơ chế dân chủ Pháp và Ðức. Hiến Pháp 04.10.58 của Ðệ Ngủ Cộng Hòa Pháp chỉ trao quyền giám sát canh chừng cho Hội Ðồng Bảo Hiến (điều 58 quyền theo dõi tính hợp lệ của các cuộc bầu cử tổng thống Pháp; đ.59 về tính hợp lệ của các cuộc bầu cử dân biểu, thượng nghị sĩ trong trường hợp có tranh tụng; đ.60 theo dõi và tuyên bố kết quả trưng cầu dân ý, đ.61 tuyên bố tính hợp hiến của các đạo luật lập pháp và lập qui trước khi được ban hành...) Tổng Thống Pháp trong thực tế đảm trách nhiệm vụ của Tòa Án Bảo Hiến Ðức trong nhiệm vụ theo dõi hiến pháp (đ.5) và bảo đảm tính độc lập của quyền tư pháp qua việc chủ tọa Thượng Hội Ðồng Thẩm Phán  như điều 64 qui định.

Ở Ðức những thẩm quyền tối hậu nằm trong tay 16 thành viên ưu tú và thông thái của Tòa Án Bảo Hiến Karlsruhe đã làm cho nền dân chủ Ðức (trước thống nhất) trở thành một trong những nền dân chủ ổn định nhất của phương Tây. Trong lúc đó sự mất quân bình giữa một hành pháp quá mạnh tập trung trong tay một tổng thống được dân bầu trực tiếp đã chi phối hoàn toàn quốc hội (trong trường hợp cùng phe đa số), bên cạnh quyền tư pháp quá yếu đã làm nền dân chủ Pháp mất ổn định. Cuộc khủng hoảng chính trị đưa đến chế độ cọng sinh chính trị lần thứ ba của Ðệ Ngủ CH giữa Tổng Thống RPR Jacques Chirac (hữu) và Thủ Tướng Lionel Jospin của đảng Xã Hội (tả) xuất phát từ hành động giải tán quốc hội khó hiểu của Tổng Thống Chirac ngày 17.5.97 đặt một vấn đề khá nghiêm trọng cho vai trò bảo hiến của Hiến Pháp Ðệ Ngũ CH và nền dân chủ Pháp.

Ðối với những nước sắp sửa xây dựng dân chủ như VN, việc mô phỏng mô hình Ðức là điều cần thiết cho lá chắn ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực chính quyền hành pháp thường thấy nơi các quốc gia chậm tiến. Nhưng việc áp dụng nó trong thực tế không phải dễ dàng nơi một nền dân chủ chưa chín tới, trong một khung cảnh văn hóa dân chủ chưa được xác lập và nhất là với trình độ các thẩm phán tối cao VN chắc chắn còn lâu vẫn chưa thể vượt lên được những phạm trù xã hội, tôn giáo, màu sắc chính trị cục bộ. Một mô hình bảo hiến dung hợp một tổng thống chịu trách nhiệm tối cao về nền tự do dân chủ quốc gia trong chế độ đại nghị -bán tổng thống (mà tổng thống được bầu bởi các định chế dân cử) xét ra dễ áp dụng hơn với những thăng bằng quyền lực trong bối cảnh tam quyền phân lập bổ túc bởi chế độ địa phương phân quyền.

- Ðiều 33.4 của Hiến Pháp Ðức đặt nặng vai trò bảo vệ nền dân chủ và tự do hiến định là một sáng kiến quan trọng cho việc soạn thảo Hiến Pháp VN trong tương lai. Nền hành chánh công quyền VN trải qua những chế độ phong kiến, thực dân rồi cộng sản  đã hủ hóa và vô hiệu đến tận cùng. Việc tái tạo khả năng chuyên môn của giới công bộc để có thể đảm đương nhiệm vụ thi hành các chương trình công ích phục vụ dân chúng là nhiệm vụ tối yếu cho một nhà nước pháp trị mới. Việc phục hồi hình ảnh người công bộc trong lòng dân chúng bởi tư cách, ý thức phục vụ và phẩm giá cũng cấp bách không kém. Trang bị cho họ một lương tâm mới và một ý thức dấn thân tiến bộ về nhiệm vụ bảo vệ nền tự do dân chủ, những quyền lợi cơ bản của con người và quyền công dân phải chăng là công tác hàng đầu cho công cuộc cải tổ hành chánh dọn đường cho nền dân chủ pháp trị xuất hiện? (Olivier Duhamel- Les démocraties- NXB Seuil).

 

-  Kiểm soát các hành vi hành chánh Trong các chế độ dân chủ pháp trị đã thành nếp, ngoài các định chế hiến định như Tòa án, Hội đồng bảo hiến và các Tòa án hành chánh, ý thức công dân về các quyền lợi và trách nhiệm, hiểu luật đã giúp giảm thiểu các hà lạm hành chánh.

Ở Thụy Ðiển chẳng hạn, theo truyền thống một viên chức cao cấp của vương quyền đặc trách thu nhận các khiếu tố gởi lên Vua, liên quan đến các vấn đề lạm dụng quyền hạn hay các hành vi hành chánh tồi tệ. Ðến năm 1809 nhân cuộc tu chính hiến pháp, thẩm quyền lập pháp là « Ständerna » được giao trách nhiệm cử nhiệm viên chức này. Từ đó có tên gọi là « Ombudsman » (médiateur-Người điều giải của Quốc hội). Do vị thế độc lập hẳn với Vua, với chính phủ, nền hành chánh công quyền và với chính Quốc hội đã bầu ra mình, Ombudsman có thẩm quyền và tính độc lập cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn của mình, đứng bên cạnh quần chúng chống lại những áp bức hà lạm công quyền.

Cũng trong năm 1809 này, một Ombudsman tiên tiến cho nền tư pháp cũng đã ra đời.

Ðịnh chế tiến bộ này đã vượt biên giới Thụy Ðiển vào thế kỷ 20, thẩm nhập vào đời sống hiến định các quốc gia Bắc  Âu khác như Phần Lan năm 1919, Ðan Mạch năm 1955 và na Uy năm 1962. Thập niên 1960 đã đánh dấu sự thành công của định chế « Ombudsman », được áp dụng rộng rãi trong các quốc gia thuộc khối « Thịnh vượng chung » và Âu châu, như ở Tân Tây Lan năm  1962, ở Anh và phần lớn các tỉnh của Gia Nã Ðại năm 1967, Tanzanie năm 1968, Do Thái năm 1971, Porto Rico, Áo và Úc năm 1977, Pháp năm  1973, Bồ Ðào Nha năm 1975,

Tây Ban Nha và Hòa Lan năm 19881 (theo http://fr.wikipedia.org/).

Cũng theo từ điển này, các Ombudsmans là người cưu mang « những than thở » của công dân, người hưởng dụng các dịch vụ và cả những người tiêu thụ. Ombudsman thường chú tâm vào tính dai dẳng của một khiếu kiện. Thông thường thì « Người điều giải »  chuyển đạt hồ sơ và yêu cầu nha sở liên hệ giải quyết. Trong bản tường trình hàng năm, Ombudsman đưa ra các đề nghị cải thiện chất lượng các dịch vụ hay giải pháp và cả chất lượng các tương quan giữa cơ quan bị khiếu kiện và người khiếu kiện.

Dĩ nhiên Ombudsman phải thông hiểu rành rẽ các kiến thức và thủ tục, thông lệ hành chánh hầu có thể biết đích xác và nhanh chóng ai là người có thẩm quyền nhất phải nói chuyện. Trong trường hợp Ombudsman nhận khiếu nại nhưng cần thời gian nghiên cứu hồ sơ, một bản tường trình về các nghiên cứu và đề nghị những giải pháp cho vụ tranh tụng phải được công bố. Khi hành vi khiếu tố đã thành hiệu, Ombudsman chờ và theo dõi giải pháp thích ứng của cơ quan liên hệ nội vụ khiếu kiện.

Ở Phần Lan, Ombudsman của Quốc hội kiểm soát tính chất hợp pháp của các hành vi công vụ nói chung. Tính kiểm soát này có hiệu lực ở bất kỳ định chế nào quản lý các công vụ.

Quốc hội Phần Lan cử nhiệm « Người Ðiều giải quốc hội » và hai phụ tá, tất cả có nhiệm kỳ 4 năm. Những viên chức này hành xử quyền hành ở vị thế trung dung và độc lập hẳn với Quốc hội. Tuy nhiên Ombudsman phải gởi phúc trình hàng năm về hoạt động của họ, và nếu cần các bản tường trình đặc biệt cho Quốc hội đã bầu ra họ (www.oikeusasiamies.fi/)

Ở Pháp, một định chế gọi là « Médiateur de la République- Người Ðiều giải Quốc gia » được ấn định nhằm cải thiện tương quan giữa Nhà nước Pháp và công dân. Với nhiệm kỳ 6 năm liên tục, không bãi miễn, Ðiều giải viên Quốc gia khảo sát từng trường hợp một tính bất cập của những văn bản, thủ tục hoặc những hành vi bất xứng. Mediateur đề nghị những giải pháp cho mỗi trường hợp và những cải cách sâu rộng về cách thức giải quyết các vấn đề liên hệ.

Những trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của các Ðiều giải viên :

* các tranh tụng giữa tư nhân với nhau

* các tranh tụng giữa các cơ quan hành chánh và các nhân viên đương cuộc thuộc quyền

* các can thiệp trực tiếp nơi một quan tòa nhằm chuyển hướng một thủ tục đương hành hoặc

  ảnh hưởng đến quyết định của toà án. (www.mediateur-republique.fr/)

Cũng như các quốc gia khác, việc nhờ các médiateur giải quyết các khiếu nại tranh tụng đều miễn phí. Ngày nay định chế người điều giải hiện diện trong khắp các chuyên ngành và cả trong các cơ sở công quyền.

Hành pháp nói chung và người công chức mọi ngành thuộc hệ thống công quyền của một nhà nước mới phải tuân thủ  những nguyên tắc chung là tính thượng tôn luật pháp (cho quốc trưởng, thủ tướng và các thành viên nội các) và tinh thần tuân trọng luật pháp  cho mọi viên chức công quyền (phải hiểu rõ luật và tuân thủ mọi điều khoản)

Ngoài ra các nguyên tắc hành xử sau đây phải được áp dụng:

a. Các hà tì hành chánh như lạm quyền, uổng dụng quyền thế, không lý do chính đáng... phải được  thu hồi và bồi thường thiệt hại.

b. Bước thủ tục qui định phải được tôn trọng. Ví dụ việc lấy khẩu cung bằng tra tấn sẽ vô hiệu trước pháp đình; hoặc nếu không thông báo trước nghi can có quyền im lặng (áp dụng ở Mỹ).

c. Việc câu thúc thân thể phải tuân theo các thủ tục luật pháp qui định.

d) Ðiều khoản vô luật, vô tội xác định nếu không có luật thì không thể lấy tư kiến của nhà cầm quyền để giam giữ.

e) Một khi nghi can được xem là vô tội  cho đến khi bị kết án, có quyền được tại ngoại hầu tra  (GS Ðổ Qúi Sáng -CS/VN không thể tạo dựng được một hệ thống pháp quyền- Tập san Hoài Bão Quê  Hương 13).

Dự Luật Cải Tổ Hành Chánh của Tổng Thống Alfonsín ở Á Căn Ðình thập niên 80 cũng cho ta một vài gợi ý hữu ích. Nhóm nghiên cứu Roulet (cựu sinh viên QGHC- ENA của Pháp) phối hợp với Học Viện QGHC Công quyền Á Căn Ðình  đã soạn thảo dự án cải biến nền hành chánh nước này thành dạng chuyên nghiệp ở cung cách điều hành, tuyển dụng, huấn luyện, lượng giá...Về tranh tụng hành chánh, ngoài những thanh tra nội bộ thường xuyên, một định chế "người bảo vệ quần chúng" chống những hà lạm hành chánh được nghiên cứu đề nghị theo hình ảnh các "Ombudsman" của Thụy Ðiển.

Thành phố Buenos Airès đã chấp nhận định chế này. Nhiệm vụ của Ombudsman là kiểm tra tính nghiêm trọng và xác thực của những vấn đề bị tranh tụng, đề nghị cơ quan hữu trách có thẩm quyền thực hiện những sửa đổi thích nghi. Ðịnh chế "người bảo vệ quần chúng" hoạt động độc lập với các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp nhằm tăng cường tính hữu hiệu của nó. Nhưng hàng năm một bản tường trình phải được đệ nạp ở Quốc hội.

Lý thuyết tuy tốt đẹp, nhưng dự án không thi hành được do truyền thống độc tài và bất công vẫn ngự trị một cách ngạo nghễ và thường trực ở xã hội Á Căn Ðình, bên cạnh những ngột ngạt về kinh tế. Nhưng dẫu sao đây cũng là một trăn trở có tính chất gợi ý về tính trì trệ của nền hành chánh công ở các nước chậm tiến. "Ðệ tứ quyền" của Alfonsín không mới, nhưng thể hiện rõ nét dân chủ và nhằm bảo vệ quần chúng công dân chống lại những áp bức và hà lạm công quyền rộng rãi hơn ý niệm bài trừ tham nhũng nặng tính hành chánh đã được nghiên cứu theo khuôn mẩu Ðài Loan và đưa vào Hiến Pháp Ðệ II Cọng Hòa VN dưới định chế gọi là Giám Sát Viện.

Trong một nước chậm tiến như VN vấn đề kiểm soát và giải quyết các khiếu tố hành chánh trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu. Viện Kiểm Sát Nhân dân của CHXHCNVN hiện tại còn thiếu hữu hiệu hơn vì chính định chế kiểm soát tối cao này cũng đã tham nhũng theo trào lưu và nhất là thực chất của nó chỉ là công cụ của Ðảng toàn trị khi vị chủ tịch tân cử không thuộc hàng thẩm phán tối cao hoặc nhân tài luật học, mà là một tướng công an.

 

- Về thủ tục tố tụng hành chánh, Các quốc gia dân chủ phương Tây tùy truyền thống riêng có những cách áp dụng khác nhau. Ở Hoa Kỳ tất cả mọi người công dân đều có quyền truy tố các công chức của hệ thống công quyền trước các tòa án thường tụng; và các thẩm phán các tòa này có quyền kết án các nhân viên hành pháp khi họ vi phạm luật. Thủ tục của Pháp dè dặt hơn khi qui định mọi công chức nhà nước  ngoại trừ hàng Tổng, Bộ Trưởng có thể bị truy tố trước các tòa án thường sau khi có quyết định của Hội Ðồng Nhà Nước (Conseil d'Etat ). Hệ thống Ðệ Ngũ CH Pháp cũng dự liệu một hệ thống xử án kép đối với các tranh tụng hành chánh. Tòa án Tư pháp giải quyết những tranh tụng giữa những cá thể (cá nhân và hội đoàn) ở khía cạnh hình luật; trong lúc Tòa Án Hành Chánh  thường có thói quen xử những tranh tụng  của các cá thể chống lại chính quyền hoặc giữa những cơ quan công quyền với nhau (J.L. Quermonne- Les régimes politiques Occidenteaux- NXB Essais)

 

C3. Tương quan Nhà nước pháp trị - Công dân :

Trong các chế độ dân chủ nói chung, Nhà nước có bổn phận bảo vệ những quyền căn bản thiêng liêng của con người. Ngược lại người công dân cũng phải có bổn phận tôn trọng hiến pháp; và hành xử quyền tự do của mình trong sự tôn trọng người khác. Ðạo Luật Cơ Bản 1949 Ðức diễn dịch rõ hơn tương quan này trong liệt kê cụ thể các quyền căn bản của con người công dân từ các điều 2 về quyền sống cho đến điều 17 qui định quyền thỉnh nguyện, thưa gởi.

Thoạt nhìn, những quyền này không những  giới hạn "thẩm quyền tối thượng của quần chúng" nói chung, còn hạn chế cả những quyền cá nhân. Thí dụ điều 4  về quyền tín ngưỡng  có dự liệu những bảo đảm không bị phân biệt đối xử trong khi thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do luân lý hay tôn giáo trong thời chiến. Ðiều 5 giới hạn tự do phát biểu trong mục đích bảo vệ giới trẻ và danh dự cá nhân, điều 9 tự do lập hội trong ổn cố hiến định, điều 10 về tự do bí mật thư tín nếu không phương hại tự do dân chủ, điều 11 về tự do lưu thông cũng thế....

Tóm lại,  một công dân có thể bị tước bỏ những quyền căn bản  nếu lạm dụng những quyền này hoặc khi có hành động chống lại trật tự qui định. Ðiều 18 qui định rạch ròi tính « kiểm soát »  này của nền dân chủ pháp trị Ðức (xem thêm phụ lục 3).

Thế giới phương Tây đang bước vào giai đoạn hậu tiên tiến với những suy thoái rất dễ nhận thấy nơi cuộc khủng hoảng dân chủ  đã chớm bắt đầu với sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ... Ðặt ra một vài hạn chế hợp lý cho những quyền tự do cá nhân có thể bị lạm dụng và sự lạm dụng thường thấy đó có thể trở thành nguy hiểm cho sự ổn định của tự do dân chủ, những cha đẻ Hiến Pháp Ðức năm 1949 đã tiên liệu những nút chặn, và đã phát thảo khá chính xác những ý niệm dân chủ phải có ở ngày mai.

Trong khung cảnh một xã hội VN Hậu Cộng Sản đã suy thoái đến tận cùng trong đó hầu như mọi hệ thống giá trị đều bị hủy hoại, những tương quan con người về đạo đức, kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị đều phải được phục hồi hầu có thể phát khởi tiến trình dân chủ hóa. Luật Hiến Pháp Ðức trong một chừng mực nào đó phải chăng có thể cung cấp những nguyên tắc và định hướng căn bản cho những nhà soạn thảo bản hiến pháp VN tương lai ?

 

Phụ lục 3 : 

NHỮNG QUYỀN CĂN BẢN ghi trong Ðạo Luật Cơ bản ban hành ngày 23.05.1949 của CHLB Ðức

Mở đầu : Ý thức trách nhiệm của mình trước Thượng Ðế và Con Người, và cũng khởi từ ý nguyện phục vụ cho hòa bình thế giới với tư cách thành viên của Châu Âu thống nhất, dân tộc Ðức quốc tán đồng Ðạo Luật Cơ Bản hiện hành, chấp nhận Ðạo Luật xuất phát từ những thẩm quyền hiến định...

Ðiều 1 (Nhân phẩm, đặc tính phải có của những quyền căn bản trước công quyền ):

a) 1. Phẩm giá con người toàn vẹn.  2. Mọi cơ quan quyền lực có bổn phận tôn trọng và bảo vệ nó.

b) Từ hệ quả này, dân tộc Ðức thừa nhận con người có những quyền bất khả xâm phạm và bất khả hủy hoại, như là căn bản của mọi cộng đồng nhân loại và hoà bình công lý trên trái đất.

c) Những quyền căn bản kể sau ràng buộc những thẩm quyền Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp  phải tôn trọng như những quyền trực tiếp khả thi.

Ðiều 2 (quyền tự do hành động, quyền tự do cá nhân):

a) Mọi người đều có quyền tự do phát triển nhân cách của mình miễn là không xâm phạm đến quyền lợi của người khác, không làm trở ngại trật tự hiến định, hoặc những nguyên tắc đạo đức.

b) 1. Mọi người đều có quyền sống và quyền bảo vệ toàn vẹn thân thể. 2. Tự do cá nhân là bất khả xâm phạm. 3. Chỉ có luật pháp mới có thể động chạm đến các quyền này

Ðiều 3 (bình đẳng trước pháp luật):

a) Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

b) 1. Ðàn ông và phụ nữ  bình quyền. 2. Nhà nước cam kết thực hiện sự bình đẳng về quyền lợi giữa đàn ông và đàn bà, và sẽ phải can thiệp nhằm hủy bỏ những bất bình đẳng còn tồn tại.

c) 1 Mọi phân biệt hay đặc quyền đặc lợi theo giới tính, gốc gác, chủng tộc, ngôn ngữ, tổ quốc gốc, tín ngưỡng, quan điểm tôn giáo hay chính trị  đều vô hiệu. 2 Người tật nguyền cũng không bị phân biệt đối xử.

Ðiều 4 (tự do về tín ngưỡng, hành đạo và thể hiện lòng tin):

a) Tự do về tín ngưỡng, hành đạo và tự do thể hiện lòng tin tôn giáo hoặc chính trị, triết lý đều bất khả xâm phạm.

b) Tự do thờ phượng được bảo đảm.

c) 1. Không ai có quyền làm khó dể hay trì chiết một cá nhân vì lý do tín ngưỡng trong khi thi hành nghĩa vụ quân sự trong thời chiến. 2. Một đạo luật liên bang sẽ qui định mọi điều khoản thi hành.

Ðiều 5 (tự do quan điểm):

a) 1. Mọi người đều có quyền phát biểu và tự do phổ biến quan điểm của mình bằng lời nói, bút tự  và hình ảnh; có quyền sưu tầm mọi nguồn tin tức dành cho tất cả mọi người. 2. Tự do báo chí và tự do truyền thông qua đài phát thanh, truyền hình và phim ảnh được bảo đảm. 3. Không có kiểm duyệt.

b) Những đạo luật tổng quát sẽ qui định những giới hạn quyền này liên quan đến việc bảo vệ trẻ thơ và tôn trọng danh dự cá nhân.

c) 1. Nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu và giảng dạy đều được tự do. 2. Tự do giảng dạy phải trung thành với tinh thần hiến pháp.

Ðiều 6 (hôn nhân và gia đình, con ngoại hôn):

a) Hôn nhân và gia đình được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của nhà nước.

b) 1. Nuôi dạy con trẻ là quyền tự nhiên của các bậc cha mẹ và  là một nghĩa vụ ưu tiên. 2. Nhà nước theo dõi cung cách hành xử những nhiệm vụ này.

c) Không thể nhân danh luật để buộc con cái phải phân ly với gia đình trái với ý muốn của cha mẹ, hoặc các bậc thẩm quyền được ủy nhiệm của cha mẹ trong trường hợp những người này thiếu bổn phận; hay khi vì những lý do nào khác khiến những đứa trẻ có thể bị bỏ rơi.

d) Mọi bà mẹ đều được cộng đồng bảo vệ và trợ giúp.

e) Quyền Lập pháp phải bảo đảm cho con ngoại hôn  những điều kiện bình đẳng với con chính thức trong các lãnh vực phát triển vật chất, tinh thần và các thân trạng xã hội.

Ðiều 7 (giáo dục học đường):

a) Toàn thể nền giáo dục đều được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

b) Những người được ủy nhiệm từ các thẩm quyền cha mẹ có quyền quyết định cho con cái mình tham dự vào việc học giáo lý.

c) 1. Giáo dục về tôn giáo là một tiết mục giảng dạy định kỳ ở trường công ngoại trừ những trường không thừa nhận tín lý. 2. Giáo dục tôn giáo được miễn trừ một cách thích hợp với các nguyên tắc điều hành của những cộng đồng tôn giáo, nhưng không làm phương hại quyền kiểm soát của nhà nước. 3. Không một nhà giáo nào có thể bị ép buộc phải miễn trừ việc giảng dạy tôn giáo ngược với ý muốn của họ.

d) 1. Quyền lập trường tư được bảo vệ. 2. Những trường hợp trường tư bỗ trợ cho trường công lập phải được Nhà nước thỏa hiệp cho phép và chịu sự chi phối của luật các Lander. 3. Sự thỏa hiệp phải được chấp nhận khi trường tư có trình độ ngang với trường công về các chương trình giảng dạy, cơ sở và kiến thức khoa học của các nhân viên giảng dạy; và không làm lợi cho sự tách biệt của những học sinh có cha mẹ giàu có. 4. Sự thỏa hiệp này có thể bị từ chối và không thành hiệu nếu tình trạng kinh tế hay pháp lý của nhân viên giảng dạy không đủ bảo đảm.

e) Một trường tiểu học tư chỉ được cho phép nếu các thẩm quyền thẩm tra công quyền thừa nhận một ích lợi đặc biệt  về sư phạm hoặc khi những pháp nhân đại diện cha mẹ yêu cầu thiết lập  một trường bá nghệ, đạo giáo hay triết lý vì không có những trường công lập loại này trong xã.

f) Những trường dự bị chuyển tiếp còn hiện hữu phải bị xóa bỏ.

Ðiều 8 (quyền hội họp):

a) Tất cả mọi người Ðức đều có quyền hội họp hoà bình, không vũ khí, khỏi cần phải tuyên bố hoặc xin phép trước.

b) Nếu hội họp ngoài trời, quyền này có thể bị giới hạn bởi một đạo luật hoặc sắc luật.

Ðiều 9 (tự do lập hội):

a) Tất cả mọi công dân Ðức đều có quyền tự do lập hội hoặc hiệp hội.

b) Những hiệp hội mà mục đích hay hoạt động trái với hình luật  hoặc chống lại trật tự hiến định  hay lý tưởng hoà hợp giữa các sắc tộc đều bị cấm.

c) 1. Quyền lập hiệp hội để bảo vệ hoặc nhằm thăng hoa  những điều kiện lao động và kinh tế được bảo đảm cho mọi người và cho mọi nghề nghiệp. 2. Những qui ước nhằm hạn chế  hay có khuynh hướng ngăn trở quyền này  đều vô hiệu và tất cả các biện pháp qui định trong chiều hướng này  đều bất hợp pháp. 3. Những biện pháp xuất phát từ các điều 12a, đ.35 đoạn (b) và (c), đ.87 a đoạn 4  và điều 91 không được xử dụng chống các tương tranh lao động do các hiệp hội phát động theo đúng nghiã câu đầu  đoạn này nhằm bảo vệ và thăng tiến những điều kiện lao động và kinh tế.

Ðiều 10 (bí mật thư tín, về bưu điện, viển thông):

a) Bí mật thư tín cũng như bí mật bưu điện, viển thông đều bất khả xâm phạm.

b) 1. Những hạn chế phải do sắc luật qui định. 2. Nếu sự hạn chế có mục đích bảo vệ  trật tự hiến định vì tự do dân chủ, hoặc vì sự tồn tại và an ninh liên bang hay lander, luật có thể qui định rằng đương sự sẽ không được thông tri về các lý do này, và kháng cáo tư pháp sẽ được thay thế bởi sự kiểm tra của các cơ quan (chính thức) hay bổ trợ do cơ cấu đại diện dân chúng chỉ định.

Ðiều 11 (tự do lưu thông, cư trú):

a) Tất cả mọi công dân Ðức đều được hưởng quyền tự do lưu thông và cư trú trên toàn lãnh thổ liên bang.

b) Quyền này chỉ bị giới hạn bởi đạo luật hay sắc luật, và chỉ trong  trường hợp độc nhất khi cá nhân không có những điều kiện sống tối thiểu khiến địa phương phải gánh thêm những  phí tổn đặc biệt; cũng như trong các trường hợp cần thiết để tránh nguy hại đe dọa đến sự tồn tại  trật tự hiến định về tự do dân chủ cuả Lander hay Liên bang; hoặc để chống lại các  nguy cơ bệnh dịch, các tai ương thiên nhiên hoặc thảm họa đặc biệt nghiêm trọng; hoặc để bảo vệ con trẻ khỏi nguy cơ bị bỏ rơi hoặc để tiên báo những hành động phạm pháp.

Ðiều 12 (tự do nghề nghiệp, cấm lao động khổ sai):

a) 1. Mọi công dân đều có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và trường học nghề. 2. Việc hành nghề có thể do một đạo luật hoặc sắc luật qui định.

b) Mọi việc làm khó dể hay áp đặt vào một việc làm chỉ định đều vô hiệu  nếu không nằm trong khuôn khổ những nghĩa vụ công cọng liên quan đến việc đóng góp những dịch vụ có tính chất truyền thống, tổng quát và bình đẳng đối với tất cả mọi người.

c) Lao động khổ sai chỉ được phép trong khuôn khổ một hình phạt khi cá nhân bị tước đoạt quyền tự do do tòa án qui định.

Ðiều 12a (nghĩa vụ quân sự và dân sự cưỡng bách):

a) Mọi người kể từ tuổi 18 có thể bị bắt buộc phục vụ trong các lực lượng quân sự, trong các cơ quan liên bang bảo vệ biên giới hay trong các nhóm dân phòng.

b) Bất kỳ ai từ chối hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong thời chiến, bởi lý do tín ngưỡng, có thể bị buộc phải hoàn tất một nghĩa vụ bổ trợ khác. Thời hạn của nghĩa vụ này không thể kéo dài hơn nghĩa vụ quân sự. Cách thức thi hành được qui định bởi đạo luật  không thể làm tác hại đến tự do quyết định tùy theo tín ngưỡng của họ; đồng thời cũng phải tiên liệu khả năng thi hành một nghĩa vụ phụ không  liên hệ gì đến các đơn vị quân đội và các đơn vị bảo vệ biên giới của Liên bang.

c) 1. Trong thời kỳ phòng hộ, những người thi hành nghĩa vụ quân sự và cả những người không bị triệu tập thi hành những nghĩa vụ nói ở đoạn  (a) hoặc (b) có thể bị trói buộc bởi đạo luật hay sắc luật để phải cung ứng những dịch vụ thuần túy dân sự nhưng lại có mục đích quốc phòng, kể cả những dịch vụ dân phòng tương ứng với công việc làm của mình; những sự bổ nhiệm trong lãnh vực công luật  nhằm bảo đảm những nhu cầu cảnh sát hay các sứ mạng hành chánh của bộ máy quyền lực nhà nước phải hội đủ những tiêu chulẫn liên hệ đến chế độ công luật. 2. Những tương quan nghề nghiệp như đã dự liệu trong câu (1) cũng có thể thực hành trong các lực lượng quân sự, trong lãnh vực cai quản, cũng như trong lãnh vực hành chánh công quyền. Riêng trong lãnh vực tiếp liệu của dân phòng điều này chỉ được phép thực hiện khi có những nhu cầu sinh tử hay để bảo đảm phòng thủ.

d) 1. Trong thời kỳ phòng hộ, nếu những nhu cầu về cung ứng dịch vụ dân sự  không được bảo đảm bởi các đợt tự nguyện trong các  cơ quan y tế và bịnh viện dân sự cũng như những quân y viện cố định, một đạo luật hay sắc luật có thể triệu dụng những phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 cung ứng những dịch vụ vừa kể. 2. Những phụ nữ này không thể bị buộc thi hành nghĩa vụ quân sự.

e) 1. Trong suốt thời gian trước khi ban bố tình trạng phòng hộ, những nghĩa vụ qui định ở đoạn (c) chỉ có thể thiết lập trong các điều kiện của điều 80 a, đoạn thứ nhất.  2.  Ðể chulẫn bị cho những nhu cầu cung ứng dịch vụ nói ở đoạn (c), nếu những điều kiện về trình độ am tường hoặc kiến thức đòi hỏi, một đạo luật hay sắc luật có thể qui định những khoá huấn luyện bắt buộc. 3. Trong trường hợp này, câu thứ nhất của đoạn này không áp dụng.

f) 1. Nếu trong tình trạng phòngn hộ, nhu cầu nhân công tỏ ra cần thiết cho những lãnh vực nêu ở  đoạn (c),  câu 2 chỉ có thể bảo đảm bởi những đợt tự nguyện, quyền tự do của công dân Ðức thôi hành xử một nghề nghiệp hay thôi giữ một chức vụ chỉ có thể bị hạn chế bởi luật hay sắc luật nhằm bảo đảm những nhu cầu ấy. 2. Ðoạn (e) câu 1 cũng có hiệu lực bởi tính tương đồng trước khi xuất hiện tình trạng phòng hộ.

Ðiều  13 (sự bất khả xâm phạm của cư sở):

a) Cư sở không thể bị xâm phạm.

b)  Những lục soát phải do quan tòa cho lệnh; cũng như khi có tổn thất trong cư sở, phải do các cơ quan khác cho lệnh  theo luật qui định, và thực hiện theo các khuôn khổ qui định.

c) Khi có những yếu tố đánh tan được nghi ngờ một đương can hình sự đặc biệt nghiêm trọng do Luật  dự kiến, những kỹ thuật nghe lén cư sở trong đó nghi can hình sự lẫn trốn có thể được xử dụng nhằm trấn áp sự phạm pháp, trên căn bản một trát tòa trong trường hợp mà mà sự thẩm tra bằng các phương tiện khác tỏ ra khó khăn hơn nhiều biện pháp này hoặc đã chứng tỏ là không hiệu qủa. Biện pháp này chỉ có tính chất lâm thời. Trát lệnh phải do 3 quan tòa quyết định. Nếu có tổn thất trong cư sở, biện pháp này cũng có thể chỉ do một quan tòa quyết định.

d) Nhằm thanh thỏa những hiểm nguy nghiêm trọng cho an ninh chung nhất là nguy cơ công cọng, hoặc nhằm khống chế một tổn thất nhân mạng, những biện pháp kỹ thuật theo dõi cư sở chỉ được thi hành trên cơ sở một án lệnh của tòa án. Nếu có tổn thất trong cư sở, biện pháp này có thể do một thẩm quyền khác cho phép theo luật định; phán quyết có thể can thiệp vô kỳ hạn.

e) Khi những phương tiện kỹ thuật được đặc biệt dự kiến nhằm bảo vệ các cá nhân phải can thiệp trong các cư sở, biện pháp thi hành có thể do một cơ quan luật định ra lệnh. Việc khai thác các kiến thức cũng như phương cách hành xử nhằm một mục tiêu khác chỉ được cho phép vì một mục đích duy nhất là truy nã tội phạm hình sự hay để dự phòng một nguy cơ, và chỉ với điều kiện là phương án thi hành đã được quan tòa khán nghiệm; nếu có tổn thất trong cư sở, phán quyết phải can thiệp vô thời hạn.

f) Chính phủ Liên bang phải thông tri cho Quốc hội hàng năm những xử dụng kỹ thuật xử dụng trong khuôn khổ đoạn (c), và liên quan đến những vụ việc của Liên bang, phải nằm trong khuôn khổ điều (d) cũng như điều (f) khi quan toà phải thực hiện một kiểm sát tư pháp. Một viện do Quốc hội bầu ra sẽ thực hiện thẩm quyền kiểm sát hiến chế trên căn bản thông tri này. Các Bang cũng phải thực thi những kiểm sát hiến chế tương tự.

g) Các tước đoạt hay hạn chế khác liên quan đến tính bất khả xâm phạm cư sở chỉ được tiến hành nếu có một nguy cơ tập thể, nhằm tránh những thiệt hại đe dọa nhân quần, hoặc là nhân danh luật, nhằm tiên báo tình trạng an ninh và trật tự công cọng đang bị đe nghiêm trọng; đặc biệt là để tu sữa lại những hư hại của chổ ở, nhằm chống dịch họa, hoặc nhằm bảo vệ con trẻ đang ở trong tình trạng hiểm nghèo.

Ðiều 14 (tài sản, quyền thừa kế và truất hữu):

a) 1. Tài sản và quyền thừa kế được bảo đảm. 2. Nội dung và những hạn chế đều do đạo luật qui định.

b) 1. Quyền tư sản là bắt buộc. 2. Sự hành xử quyền này đồng thời cũng phải phù hợp với lợi ích chung

c) 1. Sự truất hữu tài sản chỉ được cho phép vì quyền lợi tập thể. 2. Nó chỉ được thực hiện bởi một đạo luật hoặc sắc luật có qui định về phương cách và biện pháp bồi thường. 3. Tiền bồi thường phải được qui định công bằng, hợp lý các quyền lợi đôi bên giữa tập thể và các đương sự. 4. Trong trường hợp tranh tụng liên quan đến khoản tiền bồi thường, những tòa án thường tụng là cơ quan có thẩm quyền.

Ðiều 15 (hiệp hội):

a) 1. Vì mục đích lập hội, những đất đai, tài sản thiên nhiên, và những phương tiện sản xuất có thể được đặt dưới chế độ công hữu hoặc dưới một hình thức quản trị chung; một đạo luật sẽ ấn định cách thức và những biện pháp bồi thường. 2. Ðiều 14 đoạn (c), các câu 3 và 4 cũng áp dụng bởi tính tương đồng như trường hợp bồi thường.

Ðiều 16 (quốc tịch, trục xuất):

a) 1. Quốc tịch Ðức không thể bị thu hồi. 2. Sự mất quốc tịch chỉ có thể khởi từ một sắc luật, và không mang tính cưỡng chế đối với một đương sự trong trường hợp mất quốc tịch vì ly hương.

b) Không một công dân Ðức nào có thể bị trục xuất ra nước ngoài.

Ðiều 16a (quyền tị nạn):

a) 1. Những người bị ngược đãi về chính trị có quyền xin tị nạn.

b) 1. Ðoạn (a) này không thể được viện dẫn cho trường hợp người nhập cư vào lãnh thổ Ðức từ một nước thành viên Cộng đồng châu Âu hoặc từ một quốc gia trong đó Công ước liên quan đến qui chế tị nạn và Công ước bảo vệ quyền con ngưòi được bảo đảm áp dụng.

2. Những quốc gia không phải là thành viên Cộng đồng châu Âu hội đủ những điều kiện của câu (1) sẽ do một đạo luật có sự thỏa thuận của Bundesrat ấn định.

3. Trong các trường hợp tiên liệu ở đoạn (a) những biện pháp chấm dứt tình trạng cư trú có thể được thi hành riêng, không dính dáng gì đến những khoản cam kết ngược lại những biện pháp này.

c) 1. Một đạo luật có sự chấp thuận của Bundesrat có thể ấn định danh sách các quốc gia  thi hành luật pháp và chính sách chính trị chung theo chiều hướng bảo đảm nhà nước pháp trị, không có bạo hành chính trị, không có những hình phạt và đối xử vô nhân đạo, hoặc không đúng mức. 2. Một người ngoại quốc gốc gác ở một quốc gia nào đó có thể không được xem như là bị đối xử bạo ngược chừng nào y ta không trưng được những sự kiện cấu thành giả thiết  bị bạo hành chính trị.

d) 1. Trong trường hợp dự liệu ở đoạn (c) và trong trường hợp những thỉnh nguyện khác được xem như không có cơ sở hoặc bị nhận xét như thế này hoặc như thế khác, tòa án chỉ được tuyên bố hoản thi hành các biện pháp chấm dứt tình trạng cư trú khi có những nghi ngờ nghiêm trọng về các biện pháp giải quyết; trong trường hợp này cường độ kiểm soát có thể thu hẹp và những biện pháp tối hậu  có thể được miển trừ. 2. Các cách thức thi hành do một đạo luật ấn định.

e) Những đoạn (a) và (d) không làm trở ngại gì cho các hiệp ước quốc tế ký kết giữa các thành viên của Cộng đồng châu Âu hoặc với các quốc gia đệ tam có qui định những nguyên tắc thẩm quyền trong việc cứu xét đơn xin tị nạn, bao gồm cả sự thừa nhận hổ tương các quyết định của nhau liên quan đến vấn đề tị nạn, tất cả nhằm tôn trọng các nghĩa vụ liên quan đến công ước về qui chế tị nạn và công ước bảo vệ quyền Con người và quyền Tự do căn bản, mà sự thi hành phải được bảo đảm trong các quốc gia thành viên kết ước.

Ðiều 17 (quyền thỉnh nguyện) :

Tất cả mọi người đều có quyền viết thỉnh nguyện hoặc kháng cáo, có tính cách cá nhân hoặc liên kết tập thể với những người khác, gởi lên các chức quyền hữu trách và các dân biểu.

Ðiều 17a (những hạn chế trên một vài quyền căn bản do các đạo luật mang lại liên quan đến quốc phòng và các nghiã vụ bổ trợ) :

Những đạo luật liên quan đến nghĩa vụ quân sự hay các nghĩa vụ bổ trợ có thể dự liệu  những hạn chế đối với người liên hệ suốt trong thời gian nghiã vụ của họ về những quyền căn bản như phát biểu hay thông đạt một cách tự do các quan điểm của họ hoặc bằng lời nói, bút tự hay hình ảnh (điều 5 đoạn (a), phần 1 của câu 1), quyền tự do hội họp (điều 8), và quyền thỉnh nguyện (điều 17), nếu đương sự hành xử quyền đạo đạt thỉnh nguyện tập thể liên kết với các kẻ khác.

b) Những đạo luật liên quan đến phòng vệ kể cả dân phòng có thể dự liệu những hạn chế về quyền căn bản của tự do lưu thông và cư trú (điều 11), và cư sở bất khả xâm phạm (điều 13).

Ðiều 18 (việc tước bỏ những quyền căn bản):

1. Bất kỳ ai lạm dụng quyền tự do phát biểu quan điểm, đặc biệt là quyền tự do báo chí (điều 5 đoạn a), tự do giảng dạy (điều 5 đoạn c), tự do hội họp (điều 8), tự do lập hội (điều 9), bí mật  bưu tín (điều 10), tự do tài sản (điều 14), hay quyền tị nạn (điều 16a) để chống lại trật tự hiến định về tự do và dân chủ sẽ bị tước quyền tự do căn bản.

2 Việc tước quyền và mức độ truất quyền do Tòa Án Bảo Hiến tuyên bố.

Ðiều 19 (những hạn chế của các quyền căn bản):

a) 1. Theo Ðạo Luật Cơ Bản, khi một quyền căn bản bị giới hạn bởi một đạo luật hoặc sắc luật, đạo luật này phải có hiệu lực tổng quát chứ không phải chỉ cho một trường hợp đặc biệt. 2. Ngoài ra đạo luật phải hài rõ quyền căn bản, chỉ danh rõ ràng điều khoản liên hệ.

b) Trong tất cả mọi trường hợp đạo luật này không được làm tổn hại đến tinh yếu của quyền căn bản.

c) Những quyền căn bản được áp dụng đồng đều cho mọi pháp nhân cấp quốc gia nếu bản chất pháp lý cho phép.

d) 1. Bất kỳ ai bị các cơ quan công quyền làm tổn hại các quyền của mình đều có thể kháng tố trước pháp đình.

2. Nếu không một cơ quan tài phán nào đủ thẩm quyền, việc kháng tố có thể thực hiện trước pháp chế thường tụng.

3. Ðiều 10, đoạn (b) câu 2 không có hiệu lực trong đoạn này.

 

- Hết Chương VI -

 

Xem tiếp chương VII :

Tản quyền hành chánh và Phát triển bền vững

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.