.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

 

Phần II : VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ
                CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ

Chương 4  :  Hiện tình chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu

A.         Ðảng Cộng sản VN :  những ưu tư

B.        Những đề nghị chuyển đổi

1. Diễn tiến hoà bình trong cơ chế đảng

2. Những dự phóng về thời kỳ chuyển tiếp

 

            

Sau kỷ nguyên chiến tranh lạnh, sự phá sản của lý thuyết Mác-Lênin trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa tư bản làm nỗi rõ vai trò quyết định của kinh tế. Hệ thống thị trường đã thắng trong việc xây dựng những nền kinh tế phồn vinh. Những bất công trong tái phân lợi tức -điểm yếu của nó- đã được đền bù nhờ sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đem lại lợi tức quốc gia tính trên đầu người vượt cao hơn rất nhiều lợi tức Xã hội chủ nghĩa mà trên lý thuyết bảo đảm được công bình xã hội. Sức tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng quốc nội thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và khoa học đem lại những thành tựu kỹ thuật bao gồm cả quân sự đã quyết định vấn đề "ai thắng ai?". Chương trình chiến tranh các vì sao của Tổng thống Reagan đã là một trong những tác nhân quan trọng làm tan vỡ Liên Bang Sô Viết và hệ thống XHCN. Chủ nghĩa Cộng Sản đã mất ưu thế bạo lực trong lúc hệ thống kinh tế bất động và tàn lụi.

 

 

A. ÐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM :
    BỐI CẢNH NHỮNG ƯU TƯ

Trong bài "Ai thắng cuộc chiến tranh?" đăng trên tờ tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông, Frank Ching khi nhận định về tình hình Ðông Nam Á sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã xác nhận rằng quân cờ domino không đổ. Với nổ lực và hàng tỉ đô la bơm vào những nền kinh tế trong khu vực Ðông Nam Á, Hoa Kỳ đã hà hơi tiếp sức cho các quốc gia này tự củng cố sức mạnh để phát triển. Trong lúc các nước Cộng Sản  Ðông Dương rơi vào nghèo đói sau chiến tranh, nền kinh tế kiệt quệ do áp dụng một thứ chủ nghĩa Mác man dã nhất, trong lúc các quốc gia Ðông Nam Á không Cộng Sản sống động bước vào một kỷ nguyên phát triển rầm rộ và an hưởng ổn định chính trị. Ân sủng này phần lớn do Mỹ đã đổ xương máu và tài sản vào chiến tranh Việt Nam. Tóm lại, người Mỹ đã không thua cuộc chiến Việt Nam; mà đúng ra chỉ cần một khoảng thời gian không dài sau đó để xác định thật sự ai là kẻ chiến thắng".

 

Sự phát triển đầy hứa hẹn của Ðông Nam Á không tách rời quyền lợi và tương lai của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng sớm nhận ra vị trí kinh tế, chiến lược của Vùng  trong trật tự thế giới mới của thế kỷ 21 nên cố tìm mọi cách áp đặt lên các quốc gia trong vùng luật kẻ mạnh của họ. Trong thế cờ toàn cuộc đó, quyết định xin gia nhập Hiệp Hội Các Nước Ðông Nam Á là một việc làm sáng suốt và can đảm của những người lãnh đạo đảng Cộng SảnViệt Nam. Con đường đã chọn có rất nhiều khả năng mở ra một viễn cảnh rõ ràng về một vùng thịnh vượng có những quyền lợi gắn bó nhau trong thế cạnh tranh với các khối kinh tế Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Nhưng quan trọng hơn vẫn là thế chính trị nhằm cân bằng hai thế lực siêu cường Mỹ và Trung Hoa trên vũ đài  Ðông Á. Tuy nhiên thái độ của các nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn Hà Nội chọn khuynh hướng ngã theo Trung Quốc bằng tăng cường chuyên chính vô sản để cân bằng với cởi mở kinh tế tránh cho chế độ khỏi sụp đổ đã làm thất vọng mọi giới. Thế cờ nhùng nhằng đó chẳng có lợi gì cho dân tộc Việt Nam khi những nhu cầu tối yếu của quốc gia đòi hỏi một sự hội nhập hẳn vào thế sống chết của Vùng trong khung cảnh kinh tế toàn cầu hóa bị xem nhẹ.

 

A1. Nguyên tắc kinh tế thị trường tự  nó đã là một sự lựa chọn. Các chế độ độc tài hoặc toàn trị Á châu ngoài Miến Điện (và Bắc Hàn) bao gồm Thái lan, Việt Nam, Lào, Căm bốt, Trung hoa và Mã lai Á vốn là những tác nhân chủ yếu của kinh tế thị trường, dù cố tránh né cũng sẽ không thoát khỏi tiến trình dân chủ hóa, vì thị trường cần đến tự do di chuyển và tư tưởng là những yếu tố mà chỉ có dân chủ mới đáp ứng được; và nền dân chủ một khi đã xác lập, chính nó sẽ tự thực hiện những tiến bộ và triển vọng (Jacques Attali - l’Exprress N° 2935 du 04 Oct.07).

 

Sự thật không thể bưng bít mãi ở Việt Nam. Những bế tắc toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục bao gồm những bế tắc về chính trị, ý thức hệ và giáo điều trong lòng đảng đương quyền buộc đảng ấy phải mở cửa kinh tế theo hướng thị trường. Những vấn đề phải đặt ra trong khắp các cơ chế đã làm bừng sáng một lối thoát, từ đó thúc đẩy sự tỉnh thức lương tri và tính lương thiện chính trị nơi tầng lớp trung gian của đảng và chế độ. Nhưng mô thức hoang dã lại làm nảy sinh một tầng lớp tư bản đỏ thâu góp hầu hết thành quả phát triển làm của riêng trong lúc đại bộ phận dân chúng nghèo đi trước cuộc sống ngày càng đắt đỏ, nhiều nhu cầu mới. Tầng lớp công nhân và bộ phận dân chúng sống ở nông thôn đặc biệt bị tác hại, càng nghèo đi, khả năng tiêu thụ càng yếu kém do họ bị đào thải hẳn ra bên lề các khu vực phát triển nhờ đầu tư ngoại quốc hoặc du khách đến tiêu pha.

 

Giữa hai đối cực đó, một tầng lớp trung lưu tiểu tư sản dần hình thành qua sản xuất cá thể nhỏ và thương mãi dịch vụ. Tiến trình đó có tính qui luật khách quan trong mọi cơ chế thị trường. Vì một khi guồng máy thị trường đã chuyển động, sự tăng trưởng đã xuất phát, sản xuất vọt lên thì phát triển chỉ làm tăng phát triển và mở rộng xã hội phục vụ trở lại cho những nhu cầu phát triển và sản xuất. Do đó, mọi hình thái chuyên chính chính trị cố gắng can thiệp vào quá trình kinh tế đang hình thành đó sẽ bị chính động lực phát triển của nó đẩy ra, vô hiệu hóa. Với mức tăng trưởng bình quân chung quanh xuất số 8% một năm, qua năm 2000, hơn 10 năm sau mở cửa, tầng lớp trung lưu tiểu tư sản đã tự nó hoàn tất "quá trình tự cải tạo" như lối nói của những người Cộng Sản, và sẽ dần chiếm lĩnh toàn bộ xã hội. Khoảng 200.000 doanh nhân hoạt động hiện nay đang góp phần tích cực vào việc tăng trưởng nền kinh tế quốc gia tự nó đã là một trọng lượng đáng kể trong cán cân quyền lực xã hội. Tầng lớp trung lưu mới năng động này ngày càng đông đảo thêm nhiều trong lòng nền kinh tế thị trường với sự gia nhập “Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO” sẽ là một lực lượng tiên phong hé mở một cách tất nhiên cánh cửa dân chủ; vì  “thị trường” và “dân chủ” là hai thực thể cộng sinh không thể tách rời nhau được. Ðến lúc đó thì những dạng hình chuyên chính sẽ bất lực trong mọi cố gắng cấm cản dân chủ.

 

Thực tế ở các nước láng giềng Mã Lai Á, Thái Lan trước cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1977 với  những điều kiện khởi phát tương tự Việt Nam cho thấy tầng lớp trung lưu là tác nhân quan trọng nhất đóng góp cho sự thịnh vượng xã hội. Tầng lớp đó ngày càng dày lên, đông đảo hơn, tỏa rộng, bám sâu trong mọi ngành hoạt động kinh tế và mọi lãnh vực xã hội. Sản xuất nông nghiệp giảm thiểu, biến tướng dưới dạng công nghệ phẩm, nhờ đó những người nông dân nghèo được hữu sản hóa và gia nhập hàng ngũ này, trong đà cuốn hút của sản xuất công kỹ nghệ và dịch vụ.

 

Các thành quả kinh tế xuất hiện rõ ràng là cùng một tốc độ phát triển tương đương với Mã Lai Á trong thời kỳ sung mãn của cả hai nước, tổng trị giá xuất cảng của Việt Nam năm 1994 chỉ đạt 3,5 tỉ US$ so với 54,5 tỉ US$ của Mã Lai; trong lúc Việt Nam nhập cảng 3,9 tỉ US$ - thặng chi 400 triệu US$ trong cán cân thương mãi, so với mức nhập cảng 51,7 tỉ US$ của Mã Lai - thặng thu 2,7 tỉ US$ (tài liệu Guide Mondial 96- Hubert de Leclerk- Editeur Beaufort).

 

Ở Thái lan, lãnh vực Nông nghiệp chỉ còn chiếm 12,5% GDP năm 1990 sụt xuống 10,7% năm 2006. Mã Lai Á từ 15,2% (1900) xuống 8,7% (2006) trong lúc Việt Nam từ 38,7% năm 1990 còn chiếm đến 20,4% GDP năm 2006; trong lúc Công Kỹ nghệ chiếm 22,7% (1990) lên 41,6% (2006) so với 37,2% - 44,6% của Thái Lan và 42,2% - 49,9% của Mã lai Á cùng thời kỳ. Lãnh vực dịch vụ của Việt Nam từ 38,6% (1990) xuống còn 38,1% (2006) so với Thái lan 50,3% - 44,7% và Mã Lai Á từ 44,2% - 43,5% cùng thời kỳ. Khuynh hướng này cho thấy Việt Nam đang đi vào con đường phát triển (công kỹ nghệ hoá) nhưng còn chậm hơn nhiều so với Thái lan, nhất là với Mã Lai Á, là những quốc gia có cùng trình độ phát triển của miền Nam Việt Nam trước 1975. Về chỉ số tăng trưởng, thì Nông nghiệp Việt Nam tăng 3,4% (Thái lan  tăng 4,4% và Mã lai Á 5,2%) năm 2006; Công kỹ nghệ Việt Nam tăng 10,4% so với Thái Lan 5,9% và Mã lai Á  4,9%(2006); Dịch vụ Việt Nam tăng 8,3% so với Thái Lan 4,2% và Mã Lai Á 7,4%. Những con số này cho thấy đà tăng trưởng của Thái Lan chậm lại sau cuộc khủng hoảng tài chánh 1997, nhưng lại giải quyết tốt hơn các vấn đề nông thôn, với chỉ số tăng trưởng khá cao trong sản xuất nông nghiệp. Mã Lai Á bị tác động tương đối nhẹ hơn, nhưng lãnh vực nông nghiệp phát triển cao hơn công kỹ nghệ đã dần hoàn thiện cấu trúc kinh tế, giới trung lưu chiếm lĩnh xã hội và không còn người cùng khổ (lợi tức đầu người dưới 1US dollar/ ngày - năm 2002 TL - 2004 MLA) trong lúc ở Việt Nam, 8,4% dân số còn sống dưới mức tối thiểu này (trong tổng số người nghèo khổ Việt Nam là 19,5% dân số năm 2004 dù chính phủ Việt Nam công bố đã xoá đói giảm nghèo gần một nửa trong thập niên vừa qua (tỉ lệ người nghèo ở Thái Lan còn 9,8% và Mã lai Á còn 5,1% dân số (theo tài liệu Ngân Hàng Phát triển Á Châu ADB - Key indicators of Developing Asian and Pacific countries).

 

A2.  Bối cảnh tỏ ra hoàn toàn thuận lợi khi những nước Ðông Nam Á cựu thù không thể để "cái túi Ðông Dương nghèo đói" có thể gây biến loạn đã chìa bàn tay hào hiệp vực nó lên, hà hơi tiếp sức cho Việt Nam gượng dậy, khôi phục lại sức mạnh quân sự sở trường hầu giúp họ chống đỡ mộng bá quyền Bắc Kinh. Con đường đi đến thịnh vượng đã xuất hiện trong tầm nhìn; nhưng vì thiếu bản lãnh và bị ràng buộc trong liên minh ý thức hệ không còn lý do để tồn tại nữa, những đầu não Hà Nội đã ngả về một thế liên minh chính trị với kẻ thù truyền đời của dân tộc thay vì đi chung con đường phát triển, chơi luật chơi thị trường chung với các đồng minh khu vực, ngay sau khi thống nhất đất nước.

 

Các phong trào đòi đổi mới suy nghĩ và tư duy dân chủ đã được phát động trước tiên ở bên ngoài chế độ, nhưng chúng đã bị dập tắt dễ dàng bởi thế đứng chính trị chông chênh của những người khởi xướng. Nhưng tiếng nói trung thực của họ đã thấm vào lòng đảng. Trí thức, văn nghệ sĩ cùng lên tiếng về sự chọn lựa. Tư tưởng dân chủ xâm nhập khá ào ạt trong tri thức xã hội song hành với mở cửa kinh tế khiến đường lối chính thống của đảng trở thành lố bịch. Nó mất hết tính trong sáng của tuyên truyền. Ðảng không còn tư cách tiếp tục vai trò độc tôn nữa, vì tính lãnh đạo tất yếu tự phong đã sứt mẻ, mất hết khả năng tiến lên chủ nghĩa xã hội như họ mơ tưởng và rao bán cả mấy thập niên qua.

 

Tuy nhiên, sự hình thành của tầng lớp người đổi mới suy nghĩ theo hướng dân chủ ấy thoạt đầu chỉ muốn đổi mới đảng, đưa đảng thoát khỏi bế tắc; chứ không hề có tham vọng hình thành một đảng đối lập. Xét hình thức, nó chỉ là một phong trào bổ túc cho đảng, và do đó cũng sẽ chỉ là một khuynh hướng mới trong lòng đảng Cộng Sản như quan điểm của nhà lý luận Lữ Phương, lý thuyết gia Phạm Khắc Viện, Phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Phan Đình Diệu (và cả tướng Trần Ðộ). Phần lớn họ ước mong đảng chuyên chính biến thái thành đảng Xã Hội hoặc Xã Hội Dân Chủ hầu có thể còn tồn tại trong một thời thế đã hoàn toàn đổi thay ngoài tầm nhận biết của những cây cổ thụ rường cột của đảng. Trong dự liệu đó tầng lớp đảng viên trung gian này sẽ đóng vai trò xương sống của cánh tả dân chủ trong thế cân bằng với cánh hữu của nền dân chủ đảng phái hoặc dân chủ đại nghị của ngày mai.

 

A3. Sự chuyển đổi êm thắm : Phong trào dân chủ - diễn tiến hòa bình nội bộ này đã từ tốn và êm thắm lớn mạnh dần trong lòng đảng qua hình thái những Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, Câu Lạc Bộ Dân Chủ và cả những Câu Lạc Bộ Quân Nhân... Luồng gió mới cũng đã thu hút quần chúng đang cần đổi mới chính trị để có thể mạnh dạn phát triển sâu rộng hơn những hoạt động kinh tế dưới dạng thị trường. Nó đã thổi vào giới trí thức đang cần bối cảnh thuận lợi để đẩy mạnh những suy nghĩ tìm tòi, thổi vào giới văn nghệ sĩ đẩy mạnh cảm hứng sáng tác, vào các hiệp hội, tổ chức văn hóa, giáo dục khích lệ những nhu cầu hồi phục khẩn cấp một nền văn hóa  đang suy tàn đến mức báo động. Sự hình thành tầng lớp trung lưu xã hội không tách rời ý nghĩa một nhu cầu thiết thân của sự xuất hiện một xã hội công dân và dân sự. Xã hội ấy đang lặng lẽ và khiêm nhượng lớn lên trong lòng xã hội chính trị, bởi sự bất lực của xã hội này trong ý chí và khả năng giải quyết những vấn đề có tính chất đặc thù. Nó không hề mang tính đối kháng sinh tử với giai cấp cầm quyền mà chọn thế cộng sinh. Nhà nước mặc nhiên chấp nhận nó như đứa con tư sinh của cuộc hôn nhân gượng ép “Thị trường - Xã hội chủ nghĩa”. Chế độ tỏ ra bất lực trong những cố gắng tuyệt vọng nhằm chống đỡ những suy tư chính đáng khác xa tư tưởng đảng. Những chuyển đổi đang hình thành trong thế dằn co đầy nghịch lý. Nhưng xã hội dân sự cứ chuyển tải những tư tưởng mở rộng và từ những ưu thế nội tại của nó từ từ phát triển. Hành trình dân chủ hoá đất nước do đó trở thành con đường tất yếu. Dù áp lực nào chăng nữa, đảng Cộng Sản sẽ không còn đường lùi lại nữa. Dân tộc Việt Nam sẽ không còn lối đi nào khác tốt đẹp hơn để tiến nhanh tới giàu mạnh, tạo khả năng sinh tồn hòa bình trước mộng bành trướng Ðại Hán trong một viễn cảnh khá xa, vì Trung Quốc còn cần thời gian để hoàn chỉnh một hệ thống xã hội còn tồn tại rất nhiều vấn đề nan giải trước khi đạt tước hiệu cường quốc thế giới và thực hiện tiếp mộng xâm thực xuống phương Nam.

 

 

B. NHỮNG ÐỀ NGHỊ CHUYỂN ÐỔI :

Các sắc thái diễn biến hòa bình đang xuất hiện giữa những tầng lớp người Việt yêu chuộng dân chủ, tự do, công lý và công bằng tự nó là một hiện tượng chứ không phải là một âm mưu chính trị. Những nhà lãnh đạo chuyên chính đã nhận định sai vấn đề, cho nên họ đã tấn công lầm đối tượng, hao phí sức lực và uy tín vào những mục tiêu vô hình không thể xác định được. Chủ nghĩa xã hội tự nó thể hiện những gì mơ hồ, mâu thuẫn và đối kháng nhất trong trung tâm đầu não của đảng Cộng Sản, vì chẳng mấy ai có thể hiểu được chủ nghĩa xã hội ở nước CHXHCN Việt Nam là cái gì, thể hiện những mục tiêu chính đáng nào trong cố gắng hồi phục đất nước sau chiến tranh, chưa nói tới tranh đua với các quốc gia trong khu vực. Ðối với quảng đại quần chúng, chủ nghĩa xã hội là hiện thân của bi hài, và càng cay đắng hơn trong nghịch lý của các thể chế chính trị từng hiện hữu ở đất nước này, chủ nghĩa xã hội đã thể hiện như một trong những lọai hình chính trị hà khắc, ngột ngạt nhất và cũng cống hiến ít nhất cho lý tưởng công bằng xã hội, lợi ích và an sinh xã hội của tầng lớp quần chúng nghèo khổ chiếm đa số, cho hạnh phúc nói chung của toàn dân mà nó nhân danh, trong cố gắng đóng góp cho tổ quốc một vị trí tương đối xứng đáng dưới ánh mặt trời tranh đua của thế giới ngày hôm nay. Một đảng chính trị từ bản chất đại diện cho một phong trào có tính vô sản thế giới nhưng chẳng đại diện cho bất kỳ ý nguyện chính trị nào trong thực trạng chính trị Việt Nam hiện tại, bất hạnh thay vẫn cứ tồn tại trên bạo lực chuyên chính, đang đẩy đất nước vào một tình thế  mâu thuẫn thường trực. Nó triệt tiêu tất cả mọi cố gắng hợp tác để cùng xây dựng, phá hủy tinh thần đoàn kết truyền thống, san bằng tư cách chính trị của công dân thành một lũ người bị trị ngu muội chỉ biết cúi đầu trước cường quyền và sẳn sàng qùi gối trước những  lợi lộc vì tất cả mục đích thấp hèn sau lưng đồng tiền.

 

Diễn biến hòa bình trong khung cảnh chính trị xã hội ấy là một nhu cầu tất yếu. Nó có tính chất tự phát, đồng thuận trong những môi trường đa dạng, và kết hợp trong nhiều ý nghĩa khác nhau; nhưng sẽ chung về một mối nơi ước vọng phục hồi những gía trị dân tộc bằng con đường dân chủ hóa đất nước. Tiến trình  hầu như đã được khai thông với sự hình thành của các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước và tỏ ra hiện thực trong những điều kiện chính trị khá chín muồi. Nhưng thực hiện được hay không  ý nguyện chính đáng là công việc của dân tộc chứ  không từ những áp lực quốc tế nào khác. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức, trình độ và khả năng của những người lãnh đạo phong trào, xứng đáng về tư cách, thuyết phục về cung cách kết hợp và những chương trình hành động cụ thể. Một quần chúng đã bị lừa bịp quá nhiều lần luôn nghi ngại vào những lời hứa hẹn. Dân tộc Việt Nam tuy vẫn khao khát tự do bình đẳng nhưng chẳng mấy tin tưởng nơi tính hữu hiệu và trung thực của những nền dân chủ và những con người dân chủ đã xuất hiện trên sân khấu chính trị Việt Nam, từ các chế độ quốc gia, sang cộng hòa, qua cộng sản. Những ý niệm về dân chủ hầu như đã được thể hiện dưới những hình thái lệch lạc, nơi những khía cạnh tiêu cực nhất. Diễn tiến hòa bình đang hình thành cho con đường mà bối cảnh lịch sử đã lựa chọn sẽ tuần tự thực hiện những bước đi êm thắm và ổn định về một tương lai dân chủ nhân bản mang tính dân tộc. Danh xưng có hơi lớn, nhưng tựu trung nó chỉ manh tính chất giản dị của sự hội nhập những ý niệm phổ quát và tích cực nhất của những nền dân chủ tiến bộ vào thực tế và khung cảnh xã hội - chính trị Việt Nam. Tiến trình tất yếu đó có thể cụ thể hoá qua những diễn tiến và hướng đi như sau :

 

B1. Diễn tiến hòa bình trong các cơ cấu đảng Cộng Sản ở trung ương vẫn quan trọng nhất và là nhân tố quyết định cho mọi sự đổi thay có thể có. Nỗi bất bình cao độ trong toàn cơ cấu đảng về tính vô lý của khuynh hướng cứng rắn muốn theo đuổi tư tưởng Lênin nắm ưu thế quyền lực đang làm cho đảng ấy phân hóa trầm trọng. Bộ chính trị, trung ương đảng chia làm hai bè đối chọi nhau như nước với lửa, giữa phe cánh bảo thủ giáo điều phần lớn gốc miền Bắc và cải cách, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường đại diện bởi những lãnh đạo gốc miền Nam. Cuộc đấu đá ngầm đang xảy ra gay gắt và tương đối ngang ngửa hứa hẹn những biến cố quan trọng trong thời gian không xa.

 

Cùng với mở cửa kinh tế và từ đó một phần cởi mở chính trị, mạng lưới truyền thông qua truyền thanh truyền hình, Internet và sự giao lưu của Việt kiều đã cho quần chúng trong nước cơ hội tiếp xúc với thế giới tiến bộ bên ngoài, làm thay đổi hẳn những suy nghĩ về thân phận và đời sống xã hội. Các thành phần xã hội sau đây đã hình thành trong nước :

 

a) Những người Cộng Sản cực đoan bảo thủ đang nắm những chức vụ quan trọng ở trung ương và địa phương. Tầng lớp này ngày càng teo lại, bị cô lập.

 

b) Những người Cộng Sản bán cực đoan, ít bảo thủ chiếm đa số trong đảng.

 

c) Những người trí thức tiến bộ vẫn đang tham gia chính quyền Cộng Sản.

 

d) Những trí thức Cộng Sản đã tự ý ly khai hoặc bị khai trừ khỏi đảng và chính quyền.

 

e) Những trí thức tiến bộ không thuộc đảng Cộng Sản hoặc chế độ.

 

f) Những người có khuynh hướng chống đối cực đoan.

 

Các nhóm (b), (c), (d) dù những vị thế chính trị khác nhau vẫn có khuynh hướng đồng thuận về những nét lớn của tự do dân chủ. Nhưng nhà nước chuyên chính có thái độ đối phó khác nhau. Ðối với những người thuộc chế độ hay đã ly khai đảng, nhà nước đương quyền thường có khuynh hướng níu kéo mua chuộc (nhưng sau đó đã cứng rắn đàn áp do nguy cơ lan rộng qua các vụ án Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Trung Thành, Hà Sĩ Phu,...). Ðối với các thành phần (e) và (f) họ triệt hạ không khoan nhượng.

 

- Sự hồi hương của những đội ngũ công nhân viên từ Ðức và các nước Trung, Ðông Âu khác về Việt Nam dù ít ỏi cũng đem lại những luồng gió thức tỉnh và những tiếng nói có trọng lượng do họ có liên hệ gia đình và đảng tịch với các thành phần ưu thế của đảng. Họ cũng là nhân chứng sống của sự vượt trội của các cơ chế dân chủ tư bản để bịt miệng những con người ngoan cố còn  tin vào định đề xưa cũ “ai thắng ai?” Lực lượng này do tính giai cấp, trong việc làm từng tiếp xúc với các hoạt động nghiệp đoàn sẽ có nhiều hy vọng trở thành hạt nhân của những công đoàn tương lai kiểu Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, hay Diễn Ðàn Công Nhân Hung Gia Lợi đã từng hiện hữu một cách "chính thống" trong lòng giai cấp vô sản. Từ bước khởi đầu đó, những phong trào công nhân sẽ chiếm vị trí phải có của nó trong Liên Minh Dân Chủ cánh tả tương lai. Những cuộc đình công rầm rộ vừa qua ở Việt Nam cho thấy một điều là bộ máy nhà nước công an luôn đứng về phiá các chủ nhân tư bản ngoại quốc để đàn áp phong trào công nhân. Sự thành lập “Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam” do nhà ly khai Nguyễn Khắc Toàn đại diện cuối tháng 10.2006 tại Hà Nội nhằm mục đích bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam và nâng cao tình đoàn kết tương trợ của giai cấp công nhân đánh dấu một bước trưởng thành đáng kể của xã hội dân sự với tham vọng thay thế vai trò của “Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam” là một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng đã tỏ ra hoàn toàn bất lực; hoặc dưới một góc nhìn khác, bỏ mặc số phận hẩm hiu của người công nhân Việt Nam trong khu vực kinh tế tư nhân.

 

- Ðể có thể đối kháng được với sức phản công tương đối bạo ngược của đảng Cộng Sản với những nhóm diễn tiến hòa bình, các lực lượng dân chủ còn trong đảng hoặc đã ly khai chế độ, những người lao động xã hội chủ nghĩa đã hoặc sẽ hồi hương sẽ thấy có nhu cầu kết hợp chặt chẽ hơn với những người dân chủ của miền Nam cũ hiện sống trong hay ngoài nước. Nhưng vấn đề thực hiện không phải dể dàng vì sự kết hợp trong nước cho thấy những khó khăn do đàn áp một phần nhưng quan trọng hơn là những người dứt khoát đối đầu với chế độ không nhiều và không mạnh. Ða số ủng hộ dân chủ, nhưng vì an toàn bản thân và vị thế xã hội  họ còn chờ kết qủa cuộc đấu đá quyết định giữa hai thế lực cải cách và bảo thủ trong lòng Ðảng Cộng Sản.

 

- Các phong trào tôn giáo cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các thế cờ. Môi trường thuận tiện cho những hoạt động rộng lớn này sẽ cung cấp phương tiện nhân vật lực, chổ dựa cho các phong trào dân chủ. Bỏ qua yếu tố này các lực lượng dân chủ sẽ không thể nào hội đủ sức mạnh có thể khả dĩ đương đầu với thế lực chính trị bao trùm của đảng Cộng Sản đương quyền. Do đó, khi tình thế khá chín tới cho những khả năng chuyển đổi, thế liên kết chính trị - tôn giáo thực hiện qua phong trào dân chủ hoặc mặt trận dân chủ nói chung sẽ là hướng tiên liệu để có thể đánh bại các liên minh Cộng Sản hay Xã hội biến hình trong giai đoạn chuyển tiếp. Một khi tình thế đã ngả ngũ, tôn giáo nên rút dần áp lực của mình khỏi đời sống chính trị, nhường lãnh vực này lại cho những đảng phái và tổ chức chính trị thuần túy. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó vẫn hiện diện gián tiếp qua các tín đồ đảng viên hoặc dưới sắc thái các hội đoàn thiện nguyện, xã hội nhưng có ảnh hưởng chính trị của các nhóm áp lực.

 

Hiện tại một lối thoát toàn vẹn cho đất nước hầu như vẫn bế tắc do thái độ cứng rắn của nhà cầm quyền trước các đề nghị chuyển đổi, hoặc còn tỏ ra ngoan cố chặn bít tất cả các cánh cửa đối thoại có thể mở ra. Những khả năng phát triển ổn định và lâu dài cho đến nay vẫn chưa khẳng định được, dù trước và sau đại hội 10 của đảng Cộng Sản các tranh cải về một đường hướng mở rộng dân chủ có phần khích lệ, nhưng khuynh hướng đóng chặt cánh cửa chính trị vẫn còn đang tạm thời thắng thế. Nền kinh tế đã có những dấu hiệu suy thoái với tiềm năng đầu tư không nhiều như mơ tưởng bởi khả năng bấp bênh còn lớn. Những nhà đầu tư bỏ đi hoặc bỏ dở kế hoạch sẽ có tác động tức thời làm sản xuất ngưng trệ, mức phát triển chậm lại. Dù mức tăng trưởng vẫn còn duy trì ở mức trên 7% và việc gia nhập WTO đã trở thành hiện thực vào ngày 17.11.2006,  xã hội Việt Nam vẫn còn bấp bênh không phải vì không có những khả năng nắm bắt cơ hội, mà đến từ một nền bạo chính không có những khả năng suy nghĩ chính đáng để tự cải thiện lề lối cai trị, và chấp nhận đi vào cuộc chơi toàn cầu về thị trường và dân chủ. Việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương Mãi Thế Giới làm cho những nhà lãnh đạo Việt Nam vừa mừng vừa lo. Bên cạnh những cái lợi là nguồn lợi tức do xuất nhập khẩu mang lại, nguồn đầu tư cũng sẽ ào ạt  đổ vào do Việt Nam vốn có lực lượng công nhân đông đảo, tay nghề vững vàng, giá rẻ. Chính quyền nhờ đó tăng thu ngân sách do thuế lợi tức và xuất nhập khẩu mang lại, đời sống kinh tế, văn hoá và xã hội của dân chúng sẽ nâng cao, dân trí sẽ  mở mang do tiếp xúc và cạnh tranh quốc tế. Ðiểm yếu kém là nền kinh tế Việt Nam còn non trẻ, quản trị kém, nhất là các xí nghiệp quốc doanh năng suất thấp, sẽ khó lòng đương đầu nỗi với các xí nghiệp quốc tế giàu mạnh. Chính quyền Việt Nam cũng chưa sẳn sàng và đủ trưởng thành trong tầm nhìn và những nhận thức về các sách lược kinh tế để bảo vệ hữu hiệu nền kinh tế phôi thai phải phát triển trong cạnh tranh ở thế yếu do sinh sau đẻ muộn. Mặc khác tâm thức ăn trên ngồi trước, quen thói bóc lột và tham nhũng, lệnh lạc giáo điều; bên cạnh một hệ thống pháp chế còn xa mức hoàn chỉnh sẽ là những trở ngại không nhỏ cho Việt Nam trên con đường phát triển trong lòng toàn cầu hoá...

 

B2.- Quá trình những dự phóng chuyển biến: Trong hơn một thập niên qua những khuynh hướng cải đổi xuất phát trong lòng đảng đương quyền vẫn chỉ nhắm một tầm chuyển đổi giới hạn trong khung khổ truyền thống đảng. Ðại diện cho khuynh hướng cải cách guồng máy đảng cho phù hợp với nhu cầu của tình thế và thời đại mới là tiến sĩ Phan Đình Diệu. Ông cho rằng Ðảng Cọng Sản vẫn có thể và vẫn phải được giữ với tư cách là "đại diện cho nguyện vọng giàu mạnh của đất nước" (?). Nhưng vẫn có thể từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội không thích hợp đó một cách bình thường. Tất nhiên đảng không loại bỏ chủ nghĩa Mác. Ta vẫn tiếp tục học tập nó với tư cách một học thuyết khoa học chứ không phải coi nó là tín điều để tự trói buộc mình và trói buộc cả dân tộc... Với quá trình như hiện nay đảng chỉ cần đi một bước nữa là trở thành một đảng xã hội dân chủ không những có một uy tín lớn trong dân tộc mà còn tìm được chổ dựa trong tổ chức quốc tế xã hội lành mạnh.

Các bước đi cụ thể được đề nghị như  sau :

  • Tăng cường tính chất pháp trị của một xã hội công dân (tăng cường pháp luật là quan trọng).
  • Mạnh dạn cải tổ bộ máy nhà nước.
  • Tách pháp luật ra khỏi chính trị, không được cai quản đất nước bằng nghị quyết được xem như kẻ hở cho mọi sự tùy tiện, lạm quyền; đồng thời làm nỗi rõ vai trò của đảng và nhà nước (đảng phải nằm trong nhà nước mà thực hành quyền lãnh đạo chứ không được đứng trên nhà nước).
  • Mở rộng dần các quyền tự do dân chủ khác (ngoài tự do chính trị còn có tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí, tự do bầu cử, lập hội...).Tất cả những quyền tự do đó phải đi kèm với những qui định về trách nhiệm... (Diễn Ðàn - Các bước đi đến dân chủ trong sự ổn định).

 

Về bài phát biểu "dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ" này, các nhà ly khai Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự ở  Ðà Lạt và Lý An Sinh, Nguyễn Thu (?) ở Sài Gòn đã tỏ ý nghi ngờ vai trò cò mồi sau khi Phan Đình Diệu tham dự Mặt Trận Tổ Quốc mở rộng với một vài tên tuổi của chế độ miền Nam cũ (?).

 

- Nguyễn Hộ  một nhà ly khai nỗi tiếng cùng với Ðổ Trung Hiếu  đã chủ trương một sự lột xác hoàn toàn :

·         Ðổi tên đảng.

·         Từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, xã hội chủ nghĩa.

·         Từ bỏ lãnh đạo độc quyền của đảng và chuyên chính vô sản, chuyên chế độc tài phản dân chủ.

·         Thực hiện: - Kinh tế thị trường, - Chính trị đa nguyên và dân chủ đa đảng, - Hòa hợp và hòa giải dân tộc, chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa bình như ở Căm Pu Chia.

Ở trung tâm công tác hòa giải hòa hợp dân tộc, ông đề nghị tiến hành những bước :

·         Thành lập ban vận động hòa giải, hòa hợp dân tộc: -Tiếp xúc giữa những đối tượng có liên quan, - Mở hội thảo hòa giải hòa hợp dân tộc, - Mở Ðại Hội Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc.

·         Thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân : - Tự do ngôn luận, - Tự do báo chí, - Tự do hội họp, hội thảo, meeting, -Tự do tổ chức, tự do lập hội.

·         Thành lập Ủy ban HG/HHDT có nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia thông qua bộ máy nhà nước hiện hành (bước quá độ).

·         Xây dựng dự thảo cương lĩnh HG/HHDT.

·         Tổ chức bầu cử tự do trong cả nước (bầu quốc hội mới) có sự giám sát của LHQ (điều này tỏ ra không thực tế khi Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, không hiện diện những khủng hoảng nghiêm trọng hoặc chiến tranh - TG).

·         Xây dựng dự thảo HP mới hòa giải, hòa hợp dân tộc (Thông luận số 84 - tháng 7,8/95).

Ông còn đi xa hơn trong khẳng định những quan điểm dân chủ triệt để của mình và kêu gọi thành lập một Mặt Trận Thống Nhất tranh đấu cho dân chủ hoá Việt Nam.

 

Dự án HG/HHDT này không khác mấy lập trường Hòa giải và hòa hợp dân tộc mà nhóm Thông Luận ở Pháp chủ trương, đã gây ra nhiều tranh cải gay gắt (và cả những kết án làm tay sai cho Cộng Sản) trong một vài giới Việt kiều hải ngoại thông qua lộ trình thiết lập dân chủ mà ông Nguyễn Gia Kiểng đại diện :

·         Khởi đầu giai đoạn 1 :  đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức chấp nhận đa nguyên chính trị - các chính đảng tự do hoạt động. Sáu tháng sau, đảng Cộng Sản tự ý lựa chọn những người đối thoại.

·         Giai đoạn 2 : Thành lập chính phủ HG/HHDT : - ban hành hiến ước lâm thời - thảo luận dự án HP mới - đưa dự thảo đạo luật HG/HHDT ra trưng cầu dân ý - qui định thể thức bầu cử QH Lập Hiến.

·         Giai đoạn 3 : bầu QH Lập Hiến. Các chính đảng gia nhập phải cam kết tôn trọng đạo luật HG/HHDT. Thành lập hội đồng bầu cử có nhiều thẩm quyền để kiểm soát tính lương thiện của cuộc bầu cử.

·         Giai đoạn 4 : hình thành dân chủ qua việc: - QH/LH thay đổi chính phủ - chọn dự án HP, thành lập các định chế - Sau đó tự giải tán hoặc biến thành QH Lập Pháp.

 

- Kế hoạch dân chủ hoá của  Tiến sĩ Stephan B. Young  gồm 6 bước :

·         Những người Việt Nam không Cộng Sản chấp nhận một chính sách khoan hồng đối lại sự đối thoại với Bộ Chính Trị của đảng Cộng SảnViệt Nam.

·         Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ được thành lập và tự coi như người đối thoại ưu tiên của Bộ Chính Trị.

·         Bước 3 bao gồm : - Tổ chức những hội thảo về những trở ngại kinh tế và xã hội Việt Nam. Tất cả người Việt ôn hòa được quyền tham gia - Thành lập những tổ chức tôn giáo phi chính trị. - Thành lập các Câu Lạc Bộ gồm những khuynh hướng chính trị ôn hòa. Những Câu Lạc Bộ không là chính đảng.

·         Bước 4 : - Bầu cử chính quyền xã ấp; ứng cử viên là thành viên của PTTNDT & XD DC và các Câu Lạc Bộ do Mặt Trận Tổ Quốc đỡ đầu - Viên chức công an rút khỏi đảng Cộng Sản - Một phần tư nội các dành cho những người không Cộng Sản - Các cơ sở quốc doanh được tư hữu hoá.

·         Bước 5 : - Bầu cử QH với ứng cử viên là thành viên của PTTNDT & XD DC và các Câu Lạc Bộ do MTTQ đỡ đầu - Tất cả sĩ quan quân đội và thẩm phán rút khỏi Ðảng - Tự do tôn giáo và báo chí ngoại trừ những vi phạm đến an ninh QG và kết hợp xã hội - Cung cấp hưu bổng cho những người đã chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh vì độc lập QG. Tất cả những người này rút khỏi Ðảng và Chính Phủ.

·         Bước 6 : - Sửa đổi HP để thực hiện đa nguyên chính trị, đặc biệt là việc bỏ nền độc đảng. Phong trào THDT & XD DC và các Câu Lạc Bộ trở thành những chính đảng - Các ứng cử viên không còn phải do MTTQ giới thiệu - Những vụ án về chính trị do công an đảm trách được xem lại bởi hệ thống pháp lý.

 

Vấn nạn vẫn còn được đặt ra là công cuộc hòa giải có thể xúc tiến được không? Ông Nguyển Gia Kiểng đòi hỏi trong giai đoạn khởi đầu tiến trình "các chính đảng được tự do hoạt động công khai" và ông Nguyễn Hộ "hòa giải trên cơ sở dân chủ, bình đẳng" sẽ được một văn kiện pháp lý qui định (ông Kiểng : một đạo luật được trưng cầu dân ý / Ông Hộ : một cương lĩnh). Ông Young lại chủ trương một thái độ khoan hồng của người Việt Nam không Cộng Sản đối lại sự đối thoại của đảng Cộng Sản...

 

Dự án thiếu xác thực của giáo sư trường Luật Havard với những tiêu mốc thời gian qui đinh đã bị thực tế vượt qua, nhưng vụ án PTTNDT&XD DC với nạn nhân là các nhân vật khả kính Nguyễn Ðình Huy, Phạm Thái, Ðồng Tuy... đã gây xôn xao dư luận một thời và đặt lại căn bản về vấn đề hòa giải và hợp tác với người Cộng Sản khi họ còn nắm quyền với chủ trương chuyên chính vô sản, chống diễn tiến hòa bình. Sự tráo trở chính trị của họ một lần nữa đã phơi bày thực chất của người Cộng Sản, do đó hầu như đã chặn bít mọi con đường đối thoại và các cánh cửa có thể mở ra con đường dân chủ hoá. Tuy vậy những cố gắng của các lực lượng dân chủ vẫn kiên trì.

 

Luật sư Tạ Quang Trung trong bài "Suy nghĩ về chính phủ Việt Nam đầu thời kỳ hậu Cộng Sản" đăng trong “tuyển tập Tham luận Việt Nam : một số góp ý cho tương lai” do Tổng hội cựu SV/QGHC chủ trương cho rằng tác dụng có thể làm thay đổi thể chế chính trị chỉ thông qua thế liên minh của những người Cộng Sản ly khai hợp tác với những người quốc gia yêu nước ở quốc nội và quốc ngoại là có khả năng hiện thực. Người Cộng Sản ly khai sẽ vận động để Quốc Hội Việt Nam tu chính hiến pháp 1992 hủy bỏ điều 4  thuộc chương I cùng các điều khỏan liên hệ đến chuyên chính vô sản. Chỉ như thế các lực lượng đối lập mới có cơ hội tham gia sinh hoạt chính trị quốc gia. Khi ấy thành phần chính phủ sẽ thay đổi. Những người Cộng Sản, đối lập và Cộng Sản ly khai sẽ thương thảo và thành lập một Chính Phủ Lâm Thời trong thời kỳ hậu Cộng Sản. Quốc Hội hiện hữu sẽ tấn phong Chính Phủ Lâm Thời  rồi tự động giải tán, trao quyền lập pháp cho Chính Phủ Lâm Thời.

 

Quan điểm này phù hợp với phát biểu của Giáo sư Nguyễn Văn Canh  thuộc Viện Nghiên Cứu Hoover về chính trị, cách mạng và hòa bình.

- Theo GS Canh, giai đoạn 1 nên thiết lập một "Cơ Quan hổn hợp" - không định danh xưng, phụ trách vạch kế hoạch, giúp thực thi công tác chuyển tiếp. Cơ quan này có thẩm quyền cho ngưng thi hành hiến pháp hiện hữu và ban hành một văn kiện với các qui tắc căn bản làm nền tảng cho một thể chế thực sự tự do dân chủ cho quốc dân (Hiến Chương Lâm Thời). Cơ quan cũng có quyền hạn thiết lập các định chế công quyền lâm thời điều hành guồng máy hành chánh và duy trì sự liên tục của quốc gia.

·         Thiết lập một cơ quan có quyền lập pháp gọi là Hội Ðồng (HĐ) Lập Pháp Lâm Thời với các đại diện đại biểu cho các lực lượng chính trị, xã hội của quốc dân. HÐ xét lại các điều khoản luật pháp hiện hành; đình chỉ thay thế các điều khoản trái với tự do dân chủ.

·         Cơ chế ấy cũng gồm một Chính Phủ Lâm Thời bảo đảm tính liên tục quốc gia và thi hành chính sách, duy trì an ninh trật tự, phát triển phúc lợi dân chúng và bảo vệ bờ cõi.

·         Một cơ quan Tư Pháp lâm thời bảo đảm trật tự pháp luật.

·         Một số Ủy Hội có tính chất chuyên môn như Kinh tế - Tài chánh, Pháp chế, Văn hóa, Y tế và Xã hội, Hành chánh, Khoa học và Kỹ thuật... được thiết lập.

 

- Giai đoạn 2 : HÐ Lập Pháp với sự góp sức của Ủy Hội Pháp Chế làm ra một đạo luật bầu cử QH Lập Hiến.

- Giai đoạn 3 : QH Lập Hiến ban hành HP mới thiết lập chính thể Cộng hòa bảo đảm các quyền căn bản của công dân, các cơ chế mới bảo đảm mọi quyền tự do dân chủ, lo phúc lợi và mưu cầu thịnh vượng dân tộc (Tuyển tập Tham luận 1995 của TH/Cộng Sản/QGHC đã dẩn).

 

Ðề nghị này có vẻ thực tế trong dự trù các mặt phải giải quyết trong thời kỳ chuyển tiếp và chuẩn bị cho dân chủ; nhưng quên đề cập tới giai đoạn chuyển từ hậu Cộng Sản sang tiền dân chủ. Giai đoạn ấy lại là cái mắc xích quan trọng và rắc rối nhất. Những đối thoại phải diễn tiến thế nào, thiện chí của những nhà đương quyền Cộng Sản và thực lực của các liên minh dân chủ để có thể đi đến cái mà GS Canh cho một khái niệm chung chung là Cơ Quan Hổn Hợp?

 

-  Về tướng hồi hưu Trần Ðộ, cựu Ủy viên Trung ương, Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng Cộng Sản/Việt Nam, bài viết tháng 12.97 "Ðảng, một tầng lớp thống trị mới mà lợi ích đối lập với lợi ích của nhân dân" của ông đã làm xôn xao dư luận quốc tế, cũng như các cộng đồng người Việt hải ngoại (ở trong nước không mấy ai được đọc tài liệu này). Ông chủ trương cải tổ chính trị, bải bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa để "lấy lợi ích đất nước chứ không phải lấy lợi ích của đảng làm đầu". Tuy nhiên với tư cách đảng viên kỳ cựu ông không chống đảng, vẫn "tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Ðảng" mà ông cho là cần thiết; nhưng "lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Ðảng lãnh đạo không phải là đảng trị". Chính ở quan điểm thiếu minh bạch này mà dự án "dân chủ hoá" của ông với sáng kiến "bầu cử nhiều vòng" có tính cách nửa vời và không hoàn toàn thuyết phục những người dân chủ ở hải ngoại. Tuy nhiên tâm tư và hoài bảo thống thiết của tướng Trần Ðộ về tương lai đất nước, đặc biệt với "Thiên Bút Ký thổ lộ nỗi niềm" viết vào cuối tháng 9.1998 đã làm cho tiếng nói của ông có một trọng lượng và uy thế đặc biệt; nhưng có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt, mãi cho đến khi lìa đời, ông chưa đưa ra được những đề nghị cụ thể cho các quá trình chuyển hoá về dân chủ.

 

Thực tế phải thừa nhận là dù những diễn tiến hòa bình đang hình thành một sức ép dân chủ không nhỏ trên đảng Cộng Sản Việt Nam hiện tại, nhưng chừng nào họ còn nắm quyền lực, chừng nào mà Mỹ, Nhật, ASEAN còn thừa nhận vai trò áp đảo của họ ở vị thế lãnh đạo đất nước và làm lực lượng xung kích có khả năng tung những qủa đấm mạnh vào mộng bá quyền của Bắc Kinh trong thế cờ chòng chéo của khu vực thì chính họ vẫn còn là nhân tố chính quyết định con đường dân chủ theo cách này hay cách khác... Cho nên đề nghị của ông Nguyễn Hộ về việc họ phải sám hối và cử đại diện đầy đủ thẩm quyền đến dự Hội Nghị Hòa Giải chỉ là một cách trình bày tư tưởng có tính cường điệu. Những chuyển biến có khả năng xảy ra nhất vẫn là thay đổi những vấn đề nội bộ của họ trong quá trình tranh luận, suy nghĩ, đào sâu không loại trừ khả năng lật đổ. Thế nhưng một quyết định mở đường dân chủ hóa có tính tự nguyện sẽ phát huy được khả năng đổi mới toàn bộ từ đổi mới kinh tế đã chứng tỏ những động lực tích cực của cơ chế thị trường (và dân chủ) trong việc kiến tạo phồn vinh. Mặt Trận Tổ Quốc đúng ra phải sắm một vai tuồng tích cực trong những gợi ý về một tổ quốc thiêng liêng hơn một chủ nghĩa đã bị rẻ rúng, từ đó thúc đẩy Quốc Hội lấy quyết định ban bố một Ðạo Luật về Nhân Quyền Việt Nam (bao trùm hòa giải và hòa hợp dân tộc là những cụm từ mà ít người muốn đề cập đến vì những lý do thật tế nhị) Những bảo đảm về quyền con người nói chung đã mang ý nghĩa rộng rãi những tiền đề dân chủ. Do đó một Ðạo Luật về Nhân Quyền Việt Nam có thể bao hàm những định hướng gốc của một nền dân chủ phải xây dựng cho tương lai, từ đó giúp Chính Phủ Lâm Thời mà nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết những vấn đề tồn đọng và cấp thiết của thời kỳ giao tiếp có thể đảm trách thêm một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác là chuẩn bị Dự Thảo Hiến Ước Lâm Thời, tổ chức một Ủy Ban Pháp Chế chuẩn bị bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào cuối giai đoạn chuyển tiếp... Vấn đề vẫn là tính hữu hiệu của chính phủ phức tạp đó. Nó có kết hợp được bền vững với tính liên đới trách nhiệm vô cùng cần thiết cho sự giải quyết toàn bộ vấn đề chuyển tiếp một cách nhất quán theo đường hướng đã vạch để chuẩn bị một kế sách ổn vững cho dân chủ lâu dài? Có lẽ không mấy ai có đủ lạc quan để tin tưởng rằng một Chính Phủ Liên Hiệp Quốc - Cộng còn đầy dẫy oan trái có thể làm những phép lạ xoay chuyển mọi ánh mắt nghi kị cùng nhìn về một hướng. Cho nên hai quan niệm điều hợp sau đây phải được nghĩ tới :

·         Những Bộ chuyên trách do từng đảng phái đảm nhiệm thể hiện tài năng quản trị, từ đó uy tín chính trị đối với quần chúng trong những cuộc bầu cử tương lai. Do đó Chủ Tịch Hội Ðồng Chính Phủ Lâm Thời nên hạn chế tối đa những can thiệp có tính chính trị và kỹ thuật vào lãnh vực chuyên trách đã phân nhiệm.

·         Những tranh chấp nếu có giữa các Bộ chuyên trách của các đảng phái hoặc giữa một Bộ với Chủ Tịch Hội Ðồng Chính Phủ Lâm Thời sẽ do một Cơ Quan Quyền Lực Lâm Thời Tối Cao xét xử và trọng tài. Cơ cấu nãy có thể là một Ủy Hội Tối Cao bầu ra trong Ðại Hội Ðại Biểu Toàn Quốc bao gồm những sắc thái tôn giáo sắc tộc, địa phương, công đoàn, hiệp hội chính trị hoặc ngành nghề có tầm vóc quốc gia... Ðại Hội trong hoàn cảnh trọng đại này của đất nước sẽ phải cố gắng thể hiện cho được tinh thần Diên Hồng truyền thống. Do đó Ủy Hội mà nó để lại sau tinh thần đoàn kết tìm lại được giữa những người anh em ruột thịt có thể có đủ khả năng và uy tín trọng tài cho Chính Phủ Lâm Thời kết hợp được mà làm nhiệm vụ lịch sử tối quan yếu của nó. Ủy Hội cũng có nhiệm vụ duyệt xét và ban hành bản Hiến Ước Lâm Thời do Hội Ðồng Chính Phủ chuyển lên và sẽ còn lưu nhiệm để giám sát cuộc bầu cử cho đến khi một Quốc Hội Lập Hiến ra đời quyết định mọi định chế hiến định chính thức.

 

Những vụ án Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, LM Nguyễn Văn Lý, và các vụ đàn áp Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương  cùng nhiều nhà ly khai nỗi tiếng khác đã làm dấy lên một cao trào bảo vệ và khởi phát dân chủ đưa đẩy tới  kết hợp của “Khối 8406” và “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam” cuả  118 nhà  ly khai trong nước, được sự ủng hộ mạnh mẽ của những hội đoàn tôn giáo, chính trị và những công dân biết suy tư trong và ngoài nước, đã tiến đến việc thành lập “Liên Minh Các Lực Lượng Dân Chủ - Nhân Quyền Việt Nam” với Tuyên Bố ngày 16.10.2006 đã là một cột mốc đáng kể cho việc hình thành cao trào đối lập sớm muộn cũng phải đến trong những chuyển hướng dần về dân chủ trong lòng kinh tế thị trường của WTO. Sự nở rộ của các “Ðảng Dân chủ XXI”, “Ðảng Thăng Tiến” dĩ nhiên chưa có thực lực; cùng việc lưu hành các báo chui  “Dân Chủ”, “Tổ Quốc”... đang xác định dần một xu thế tất yếu của phong trào dân chủ hoá.

 

C. TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HOÁ

Dân chủ hoá ở các xã hội hậu Cộng Sản hoặc các nước thuộc thế giới thứ ba vừa thoát khỏi nạn độc tài là một công cuộc khó khăn và đòi hỏi một hành trình lâu dài. Ý chí dân chủ của quần chúng thường bị xói mòn bởi những điều kiện nội tại nghiệt ngã không cân xứng, hoặc chưa sẳn sàng cho tiến trình hình thành những giá trị mới làm tiền đề phát khởi dân chủ. Bên cạnh đó, giữa những khó khăn chồng chất của một xã hội đang chuyển mình, những lực phản vẫn còn rất mạnh thường nhân danh những lý cớ ngụy tạo để kềm hãm đà phát triển của dân chủ không có lợi cho chúng.

 

C1.- Các nước phương Tây đã  xây dựng được nền dân chủ thông qua một quá trình khởi phát từ cuộc cách mạng kỹ thuật đã thúc đẩy nền kinh tế của họ phát triển nhanh tạo ra nhu cầu đô thị hóa cấp bách. Thiên Chúa giáo đóng góp ý niệm mỗi cá nhân đều bình đẳng trước Thượng đế, cọng hưởng với những thăng tiến của đời sống kinh tế, xã hội làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân. Con người "kinh tế " của vô vàn những nhóm nhỏ trong xã hội nhường chổ dần cho con người chính trị theo trình tự cá nhân hóa thành công dân với quyền tư tưởng, phát biểu và đồng thời quyền đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ những quyền thiêng liêng của mình được Thượng Ðế  ban phát. Từ đó xã hội dân sự tách rời dần, và đối kháng với xã hội chính trị trong tương quan những "état-nation" của nền dân chủ hiện đại.

 

C2.- Các nước Mỹ Châu La Tinh có những điều kiện tương đối thuận lợi do sự thu hồi độc lập tương đối sớm để có thể theo chân các xã hội phương Tây phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Nhưng bởi những nghịch lý xã hội đặc thù, các nước ấy cứ loay hoay đi tìm một con đường hòa hợp giữa dân chủ và phát triển, hoặc không có khả năng kết hợp hiện đại hóa và công bằng xã hội trong tương quan chòng chéo xã hội - kinh tế. Ðặc tính chung của cuộc khủng hoảng dân chủ Mỹ Châu La Tinh là sự yếu kém của xã hội chính trị và những cấu trúc của nó; từ đó bất lực trong việc ngăn chặn các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền cứ muốn ngoi lên trên luật pháp; hoặc như một hệ qủa thiết thân, nhiều chính phủ trong lòng chính phủ. Do đó khi thoát ra khỏi các chế độ độc tài quân phiệt, các đảng phái và hệ thống áp lực vẫn không xây dựng được một cấu trúc chính trị mới có khả năng thúc đẩy hiện đại hóa kinh tế, vừa bảo đảm công bằng xã hội.

 

C3.- Các nước cựu Cộng Sản Trung và Ðông Âu còn chậm hơn một bước trong việc thanh thỏa các hậu quả vô cùng nặng nề do những tiêu cực của chế độ chuyên chính toàn trị trước đây để lại. Trên những hoang tàn đổ vỡ của một ý thức hệ quá vãng đã hoàn toàn tỏ ra bất lực trong việc giải quyết toàn bộ các vấn đề xã hội kinh tế, các xã hội hậu Cộng Sản đã hao phí thời gian xác định những giá trị mới trong cố gắng hình thành một thang giá trị xã hội để giải quyết những vấn đề nhức nhối tư hữu hóa, tư doanh hoá những những qui trình sản xuất và các công hữu xã hội trước đây. Trong quá trình chuyển tiếp từ chuyên chính vô sản hoạch định sang dân chủ thị trường,  nhu cầu điều chỉnh những tương quan xã hội và tương quan sản xuất cũng đã tỏ ra gay gắt trong bối cảnh xã hội rối loạn và kinh tế suy thoái trầm trọng. Cơ chế hủy diệt của ý niệm chuyên chính vô sản khốc hại đến nỗi sau sự cáo chung của chế độ, sự hồi phục niềm tin, những giá trị và bước chuyển nhập môn thị trường đã tỏ ra khó khăn gấp nhiều lần một xã hội chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ. Do đó nơi các xã hội Ðông và Trung Âu, khuynh hướng dân chủ hoá kiểu Mỹ Châu La Tinh đã trở nên một mẫu mực thực tế, với các nền kinh tế khá sinh động như Ba Tây, Chi Lê, Mể Tây Cơ... dù chính trong lòng dân chủ tại các quốc gia thuộc vùng này các vấn đề xã hội vẫn còn trầm kha chưa giải quyết được.

 

C4.- Các nước Á Châu lại có một hoàn cảnh khác với các quốc gia Nam Mỹ hoặc Ðông - Trung Âu trong tiến trình thực hiện dân chủ hoá theo khuôn mẫu phương Tây. Vấn đề tìm kiếm một mô thức dân chủ kiểu Á châu vẫn còn tiếp tục được bàn cải vì nhiều ý kiến cho rằng tại vùng đất có một quá trình văn minh xưa cũ nhất hành tinh, những giá trị truyền thống nhiều khi khác biệt hẳn với hệ thống giá trị phương Tây vẫn còn tồn tại tiềm tàng có thể có khả năng biến cải những hiện thực dân chủ ngày nay thành những kiểu mẫu dân chủ khác. Ngoại trừ Nhật Bản đang phát triển nền dân chủ của mình với mô thức kinh tế thị trường, các xã hội Á châu khác đang có khuynh hướng bảo vệ những giá trị truyền thống chống lại những hiện tượng tiêu cực xã hội mà sự phát triển tự do không kềm hãm được đang làm chao đảo các xã hội ấy. Khuynh hướng chung của các con rồng châu Á là theo đuổi phát triển theo những mô hình kinh tế kỹ thuật phương Tây, nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò điều hướng hoặc chỉ đạo quan trọng để đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng theo kế hoạch, trong lúc vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống theo những quan điểm nhân quyền và công ích xã hội đặc thù. Hiện còn quá sớm để có thể phán đoán về một mô hình mẫu của nền dân chủ tương lai của phương Ðông. Giữa bốn con rồng Tân Gia Ba, Hồng Kông, Ðài Loan, Nam Hàn và chú tiểu hổ kinh tế Mã Lai Á hầu như không có sự khác biệt nhiều lắm trong quan điểm dân chủ, dù Hồng Kông và Ðài Loan có khuynh hướng chấp nhận những giá trị phương Tây bên cạnh việc duy trì vài bản sắc riêng; trong lúc Tân Gia Ba và Mã Lai Á bài bác hẳn các giá trị ấy và tận dụng mọi khuynh hướng truyền thống nhằm biện minh cho tính cứng rắn chính trị của mình. Nam Hàn chịu ảnh hưởng nhiều của những nhà đầu tư Nhật Bản có khuynh hướng dồn mọi nổ lực quốc gia vào việc phát triển kinh tế theo kiểu Nhật hơn là tranh cải về những lý thuyết chính trị hoặc tìm kiếm những ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

 

Tiến trình dân chủ hoá Việt Nam trong bối cảnh đó còn khó khăn hơn. Vì ngoài sự tồn tại khá ngoan cố của khuynh hướng chính trị Mác-Lênin cứng rắn trong đầu não lãnh đạo đất nước, việc mở cửa kinh tế theo mô thức Trung Hoa tạo ra một sự phát triển hoang dã đang mang lại lợi lộc tuyệt đối cho một thiểu số người có quyền uy và điạ vị sẳn sàng liên kết với mọi thế lực tài phiệt quốc tế duy trì nguyên trạng cùng có lợi cho cả đôi bên. Dù đã gia nhập Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á và giao lưu trên hệ thống thị trường, bên trong lãnh thổ, một đạo quân công an chìm nỗi khổng lồ vẫn sẳn sàng bóp chết trong trứng nước những âm mưu diễn tiến hòa bình. Nhân quyền chưa hề được thừa nhận trong cảnh hổn mang của luật pháp chỉ nhắm phục vụ chế độ bạo chính với đủ mọi hình thái tệ hại quan liêu, hống hách, cửa quyền, nhũng lạm... Những hệ quả đó dĩ nhiên không phải do Mỹ Ngụy để lại từ một cuộc nội chiến chấm dứt từ lâu lắm; mà là kết quả thê thãm của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nó nhân danh, từ những con người và những thế hệ lãnh đạo độc ác, tham lam kế tiếp nhau lũng đoạn đất nước. Một chế độ thù ghét dân chủ như hiện thân của công lý, công bình và lẽ phải không thể nhân danh một lý tưởng nào khác để kéo dài sự tồn tại của nó được.

 

Nhưng vấn đề của chúng ta là ở giả định trong một tương lai không xa chính quyền Cộng Sản Việt Nam có thể cởi mở chấp nhận đa nguyên đa đảng và những nguyên tắc tối thiểu của dân chủ về bầu cử ứng cử, khả năng của những người dân chủ có thể tiếp nhận được thời cơ và cải thiện dần tình trạng chuyển tiếp? Câu trả lời thật sự phức tạp khi khảo sát tình hình hậu Cộng Sản chuyển qua dân chủ thị trường ở các nước Ðông và Trung Âu, về thực lực chính trị của những phong trào dân chủ Việt Nam hiện tại bao gồm những đảng phái quốc gia cũ và những lực lượng dân chủ mới thành hình gần đây ở trong và ngoài nước. Một cái nhìn khách quan, thấu suốt, xuyên thủng những màn khói ngụy tạo của bối cảnh chính trị mập mờ sẽ cho thấy tiến trình dân chủ hoá không phải dễ dàng, khi những điều kiện xã hội tự nó đã là những lực cản từ bên trong và nền kinh tế toàn cầu hóa đang kéo phăng đi những lý tưởng mong manh của những ý niệm quốc gia và quyền phát triển vì nhân phẩm con người và công bình xã hội, sự tương trợ giữa các dân tộc, chủ quyền của những đất nước nghèo khó, lạc hậu... Thật sự bản chất của những nền dân chủ kiểu cũ ở phương Tây đã biến thái đến một mức độ đáng ngại lúc mà những tiến bộ và phát minh kỹ thuật cực nhanh đã làm đảo lộn hết mọi quan điểm giáo khoa về chính trị học, đã can thiệp mạnh mẽ vào những nguyên tắc dân chủ, vô hiệu hoá dể dàng những phương thức cổ điển dành phiếu bầu của các đảng phái chính trị trong sinh hoạt đại nghị. Các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, thăm dò dư luận và mạng lưới xa lộ thông tin Internet dễ dàng thao túng các kết quả bầu cử. Ý chí chung và thẩm quyền được gọi là tối thượng của quần chúng ở thời đại mới thường được đại diện bởi những thế lực tài phiệt kiểm soát được những phương tiện quyết định này.

 

Trong cơn lốc kỹ thuật đó của những nền dân chủ tiên tiến, các nước nghèo,  lạc hậu bởi sự thao túng của những băng đảng quân phiệt cũ và những lãnh chúa kiểu mới ở Mỹ Châu La Tinh cứ phải loay hoay mãi với những thể chế dân chủ chưa bao giờ được định hình. Các nước cựu Cộng Sản Ðông và Trung Âu từ những nền kinh tế hầu như sụp đổ toàn bộ vì cơ chế chuyên chính tập trung cũ đang hội nhập khó khăn vào nền kinh tế thị trường, trừ một vài trường hợp riêng lẽ như Ba Lan, Tiệp Khắc nhờ những giao lưu quan trọng với phương Tây dù trong thời kỳ Cộng Sản, hoặc trước 1945 đã có một nền kinh tế tự do phát triển vững mạnh. Trong bối cảnh những tổ hợp kỹ nghệ quân sự cũ liên kết với mafia mới đang lũng đoạn mọi hoạt động kinh tế tài chánh ở Cộng Hòa Liên Bang Nga, một hiến pháp dân chủ hào nhoáng mượn từ những ý niệm phương Tây hầu như trở thành lố bịch khi đại đa số quần chúng bị bỏ quên bên lề xã hội, nghèo đói và hứng chịu mọi sự bất công vì các đảng dân chủ mới chỉ đại diện cho những quyền lợi thiểu số, manh mún và không chuyên chở được bao nhiêu những đổi thay cần thiết cho xã hội. Ðảng Cộng Sản Nga vẫn còn đông đảo đảng viên trung thành, chiếm đa số ghế ở quốc hội nhưng chương trình hành động của họ vẫn là lối mị dân nhằm đánh vào tâm lý hoài niệm về thời kỳ cường quốc quân sự cũ hơn là những cái nhìn sáng suốt về thực tế và tương lai đất nước. Cung cách hằn học trong những cố gắng hồi phục quyền hành đã làm cho họ càng tách rời đông đảo quần chúng biết suy nghĩ về tương lai của dân tộc họ.

     

Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại, và xuyên qua kinh nghiệm các nước cựu Cộng Sản Ðông và Trung Âu chuyển tiếp qua dân chủ, các bối cảnh chính trị kinh tế xã hội sau đây có thể xảy ra ở Việt Nam với bất kỳ một biến cố nào đó có thể làm khởi phát quá trình đổi thay :

 

C4.1. Vào thời kỳ đầu chuyển tiếp dân chủ, đà tăng trưởng kinh tế sẽ khựng lại trong nhất thời vì nổ lực quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề bức bách còn tồn đọng được phơi bày dưới ánh sáng công chính. Chuyển tiếp chính trị sẽ làm nảy sinh muôn vàn vấn đề của tương quan xã hội mới như tư doanh hoá những công hữu xã hội, tư hữu hoá ruộng đất, bồi thường trao trả những đất đai tư nhân bị trưng thu hoặc chiếm dụng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong lãnh vực văn hóa tư nhân cũng chiếm hữu dần những hệ thống truyền thông, xuất bản. Về y tế, giáo dục, hệ thống trường tư, các bệnh xá, bệnh viện do tư nhân thành lập và quản lý sẽ tăng trưởng mạnh trong những khu vực bị bỏ quên mà hiện chính quyền mới chưa thể có điều kiện để lưu tâm. Những tranh tụng pháp đình cũng không thiếu do tình trạng bất công của luật pháp cũ gây ra.

 

C4.2. Mãnh đất hoang này sẽ làm mồi cho những bùng nổ xã hội nếu không có sẳn một kế hoạch tiếp thu. Kinh nghiệm Ðông Âu do bước chuyển đột ngột 180 độ đã phơi bày rõ nét những tiêu cực. Việt Nam có may mắn hơn đã làm quen với cơ chế thị trường, xã hội dân sự đã hình thành dưới hình thức này hoặc hình thức khác và đã có cơ hội tiếp xúc với những xã hội dân sự tiến bộ khác để tự chuyển hoá trong đà trưởng thành. Với sự gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới WTO, nguyên tắc kinh tế thị trường phải được củng cố từ đó nảy sinh những định chế kinh tế tài chánh mới. Bên cạnh đó hệ thống luật pháp phải được hoàn thiện về dân sự, hình luật, nông luật... đáp ứng những nhu cầu phát triển của dân chủ và xã hội dân sự.

 

C4.3. Vào thời điểm này những đảng phái chính trị sẽ trăm hoa đua nở cùng các nhóm quyền lợi - áp lực, nhất là các công đoàn. Ðảng Cộng Sản Việt Nam có thể biến hình thành một “đảng Xã Hội” hoặc “Xã Hội Dân Chủ”. Và để cứu vãn quyền lực, một hệ thống đảng, phong trào vệ tinh có thể được cấy vào những môi trường xã hội riêng biệt để lấy tin, hướng dẩn, khích động dư luận với mục đích dành phiếu bầu, hồi phục quyền hành đã mất bằng những phương tiện thiếu chính đáng ngụy danh dưới những hình thức sinh hoạt dân chủ. Khuynh hướng tăng cường quyền lực quân đội và công an trong đầu não lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy một đường hướng rõ rệt “chống âm mưu diễn biến hòa bình” - một cụm từ ngộ nghĩnh bao gồm tất cả những khuynh hướng xét lại, chống độc đảng trong lòng nền dân chủ tập trung cũng như tất cả những sinh hoạt diễn đàn, những phong trào quần chúng cả trong lẫn ngoài nước. Tuy đường lối chính thống luôn cứng rắn, nhưng không ít người nghĩ rằng đảng Cộng Sản đang âm thầm chuẩn bị một khả năng đối đầu với các lực lượng dân chủ kết hợp ở tương lai. Vai trò của công an cũng đè nặng trong Bộ Chính Trị và Chính Phủ. Tướng Công an Nguyễn Tấn Dũng đã từng ở trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đặc trách kinh tế để giám sát phe cải cách (kinh tế) miền Nam của Võ Văn Kiệt, rồi thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, Phó Thủ tướng thứ nhất và nay là Thủ tướng Chính Phủ. Thông qua bàn tay vạn năng của công an, đảng phải thâu tóm trong vòng ảnh hưởng mọi sinh hoạt và tiềm năng kinh tế, nhằm bảo tồn thế lực chính trị trong các cuộc bầu cử, ứng cử dân chủ tương lai.

 

Vai trò của công an đã được tăng cường mạnh mẽ khi phe chính trị lãnh đạo đầu não hầu như đã mất hết uy tín. Công an và quân đội đã củng cố thế lực trong nhiều điạ bàn, vươn tay đến cả hoạt động kinh tế nhằm chuẩn bị một thế chính trị quyết định trong sinh hoạt dân chủ tương lai. Các tướng Lê Ðức Anh cựu Chủ tịch Nước, dù đã rút lui vẫn còn thế lực chìm nơi số đàn em trong Trung Ương Ðảng. Lê Khả Phiêu nhờ ảnh hưởng người chỉ huy cũ này của ông ở Căm Pu Chia đã vào Bộ Chính Trị ở cương vị số 3 của bộ máy quyền lực, rồi lên thay Tổng Bí Thư Ðổ Mười vào Ðại Hội Ðảng tháng 12.1997 đã tăng cường ảnh hưởng của quân đội trong bộ chính trị. Bên cạnh một Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh quá yếu, ảnh hưỏng của Ðổ Mười - Lê Ðức Anh và phe quân đội vẫn còn là lực lượng quyết định trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng. Ðại Hội 10 của đảng Cộng Sản lại tăng cường bộ máy công an trong các cơ cấu nhà nước qua việc thành lập thêm một “Bộ An Ninh” bên cạnh các bộ Quốc Phòng và Nội Vụ. Sự hiện diện của các tướng công an và gốc công an đã cho thấy khuynh hướng đối phó cứng rắn của đảng Cộng Sản với các phong trào diễn biến hòa bình. Giữa những tranh chấp của các phe chủ trương kinh tế và chính trị, cải cách và bảo thủ hoặc giữa đảng chuyên chính và nhà nước đang muốn củng cố vai trò độc lập của mình bằng con đường pháp trị thể hiện qua vai trò quan trọng của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm đổi mới và trong nhiệm kỳ người kế vị cùng khuynh hướng là Thủ tướng Phan Văn Khải. Công an với sự hổ trợ của quân đội ở đằng sau luôn được xử dụng như một chiếc van an toàn, hoặc một lực lượng trọng tài có trong tay tất cả sức mạnh vật chất cần thiết để duy trì các cơ chế xã hội chũ nghĩa Cộng Sản. Khuynh hướng đó sẽ làm cho những chuyển biến trở thành phức tạp rối ren; và cho đến bây giờ, chưa ai có thể biết được công an và quân đội sẽ có thể dấn thân đến một mức độ nào và được “chính trị hoá” đến đâu  để vẫn duy trì hiện trạng toàn trị trong tình thế hoàn toàn mới sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO với các cam kết thị trường, và dân chủ một cách mặc thị dù không được bút mực vẽ ra?

 

Nếu chủ lực chuyên chính công an đã được xử dụng cho đến nay để can thiệp và dập tắt trong bạo lực những “đám cháy dân chủ” trong xứ, thì hệ quả tất yếu của nó là đến một ngày mà những “đám cháy dân chủ và tiến bộ” bùng ra trong chính những cơ cấu đầu não đảng Cộng Sản, các thế lực chuyên chính quân đội và công an cũng sẽ không ngần ngại dập tắt ngọn lửa cùng với tro than trong căn nhà khép kín cửa của những chủ nhân ông toàn trị.

 

Trước viễn tượng đó, những lực lượng dân chủ còn rất mong manh về thực lực và cung cách suy nghĩ, hành động phải làm một nổ lực tối thiểu là kết hợp lại thành một mặt trận hoặc phong trào dân chủ có thực lực; để từ căn bản đó bàn thảo về một con đường đi chung với những phương cách hành động tương xứng những điều kiện chính trị kinh tế xã hội hiện tại ở đất nước. Tiền đề của mọi phương hướng hành động chung vẫn là vấn đề đoàn kết và nhất trí  trong một giai đoạn sinh tử của chuyển biến dân chủ phải được đặt ra và luôn tâm niệm như một trong những giá trị truyền thống hàng đầu của mọi cố gắng tồn tại và phát triển. Thực tế lại rất tiêu cực. Những tổ chức thời cuộc, tự phát đang phơi bày rõ rệt những khả năng chính trị non kém, dễ dàng làm mồi cho những mũi tấn công sắc sảo của thế lực chuyên chính bậc thầy nghệ thuật lủng đoạn, khích bác, chia để trị.

 

Ðáng buồn thay giữa một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn bám víu vào chiếc phao lủng xã hội chủ nghĩa để tồn tại, phớt lờ những góp ý xây dựng đất nưóc và nền dân chủ cần thiết cho một sự phát triển bền vững, lâu dài. Những người Cộng Sản vẫn an nhiên bỏ ngoài tai mọi đề nghị và dự phóng cho thời đại mới,  nhất quyết đi tiếp con đường xã hội chủ nghĩa ở khía cạnh chuyên chính toàn trị của nó. Do đó, một giải pháp duy nhất có thể tiên liệu được cho đến lúc này là những diễn biến hoà bình dưới hình thái một cuộc cách mạng nhung có thể xảy ra trong chính nội bộ đảng Cộng Sản mà thôi, như đã từng xảy ra ở Tiệp Khắc năm 1989, mở đầu bằng “Tuyên Ngôn Hiến Chương 77” và mới đây ở nước Cộng Hoà Géorgie bằng ý thức và niềm tin dân chủ mạnh mẽ của một tầng lớp trí thức lãnh đạo mới và trẻ đã thuyết phục được quần chúng rầm rộ xuống đường lật đổ Tổng thống Chevanatder, một khuôn mặt tiêu biểu của thời kỳ toàn trị Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết cũ còn rơi rớt lại giữa thế giới mới đã hoàn toàn đổi thay.

 

 

- Hết Chương IV –

 

Xem tiếp Chương V :

Những điều kiện của

Diễn biến hòa bình và dân chủ hóa

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.