.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


TƯ TƯỞNG

BIÊN TẬP

Bùi Giáng | Nhất Hạnh | Trí Hải - TNPK | Phạm Trọng Luật | Tuệ Sỹ | Trần Đức Thảo | Lê Mạnh Thát | Phạm Công Thiện | Nguyễn Ước | Hạnh Viên | Cùng nhiều Tác giả khác ...
 
 


Về một

NỀN DÂN CHỦ

PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Lê Minh Văn

 

 

Phần I : QUAN ÐIỂM

 

Chương 2 : Nhân quyền, nhân phẩm và những tương quan chính tri-xã hội :

 

A. Khái niệm lịch sử

1. Nguồn gốc của Nhân quyền

2. Các đạo luật và tuyên ngôn nhân quyền căn bản

*Ðạo luật Habeas Corpus

*Tuyên ngôn Virginie 1776

*Ðạo luật Nhân quyền Bill of Rights

*Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1789

*Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền LHQ

3. Các vấn đề thường đặt ra

*Quan niệm và các sắc thái nhân quyền

*Hiệu năng tương đối

4. Hội đồng Nhân quyền LHQ

 

B. Nhân quyền dưới nhản quan phương Ðông

1. Nhân quyền ở Ðông Á

2. Nhân quyền ở VN

 

C. Về một quan điển Nhân quyền Việt Nam trong khung cảnh Ðông Á và thế giới hiện tại

1. Nhân quyền và phong hoá VN

*Những quyền tự nhiên

*Những quyền công dân

*Những quyền xã hội

2. Con Người Thăng Hoa: điểm gặp gở giữa Ðông và Tây ?

 

Phụ lục  Công ước quốc tế LHQ về các quyền dân sự, chính trị ( TG dịch từ texte "pacte   internationnal relatif aux droits civils et politiques" in Guide mondial des droits de l'Homme -Nxb Editions Buchet /Chastel.

 

 

A.   KHÁI NIỆM LỊCH SỬ :

A1. Nguồn gốc của nhân quyền:

Trong những xã hội nguyên thủy con người thuộc về những nhóm sắc tộc khác nhau có những quyền lợi cách biệt và bị phân biệt đối xử. Xã hội Hy Lạp cổ quan niệm một sự khác biệt có bản chất tự nhiên giữa người Hy chính thống và các sắc dân man dã, giữa các công dân và  những người không có tư cách này. Do quan điểm đó mà một số triết gia như Aristote đã biện minh cho chế độ nô lệ.

Ðến xã hội Trung cổ Thiên Chúa giáo vẫn tồn tại những qui chế pháp lý khác biệt cho con người. Trong một thời gian dài của lịch sử giáo hội, người Do Thái và dị giáo thường bị đối xử bạo ngược. Tòa án dị giáo xử dụng những nhục hình vi phạm đến nhân quyền vẫn còn tồn tại cho dầu Thánh Saint Paul khẳng định "không có người Do Thái, người Hy Lạp, cũng không còn người nô lệ, người tự do và sự phân biệt nam nữ; bởi vì tất cả chúng ta chỉ là một trong Chúa Jésus Christ". Tuy nhiên nguyên lý cách mạng này chỉ thành hiệu với những triết gia của thế kỹ ánh sáng châu Âu như Hobbes, Locke, Jean Jacques Rousseau... Quan niệm phổ quát và trừu tượng về con người hàm chứa trong thông điệp nhân bản này phải ấp ủ đến 18 thế kỹ mới được làm sáng tỏ.

Nguồn gốc của ý niệm nhân quyền khởi phát từ thảm kịch Sophocle Antigone, nữ thi hào Hy Lạp vào thế kỹ thứ 5 trước Công Nguyên. Trong cuộc tranh đấu với vua Thèbes, nhà thơ đòi hỏi quyền được chôn cất tử tế thi hài người em trai Polynice là tội phạm của triều đình. Antigone đã viện dẩn một luật tối thượng bao trùm trên luật của con người để biện minh cho quyền cá nhân phản kháng lại vương quyền trong trường hợp cần thiết.  Dù vua Créon đã giận dữ ban lệnh chôn sống nhà thơ, nhưng thảm kịch đặt vấn đề xung đột giữa quyền con người và quyền lực nhà nước bóp chẹt nó.

Loạn giác đấu vào năm 73 trước Tây lịch lại đặt vấn đề thân phận của những người nô lệ. Ý thức được nhất định một ngày phải chìa cổ cho người La Mã chặt trong trò chơi giác đấu dã man,  Spartacus đã chiêu mộ nhưng đồng bạn nô lệ và nông dân nghèo đói khánh tận nổi loạn đòi bình đẳng về quyền lợi và của cải. Ðạo quân Spartacus lớn mạnh nhanh chóng trong bối cảnh nước Ý có đến 2 triệu nô lệ bị đối xử tệ hại. Nhưng cuối cùng Spartacus đã ngã gục.  Năm ngàn đồng bọn bị giết chết, sáu ngàn khác dù đã đầu hàng vẫn phải bị đóng đinh thập tự giá trở thành thảm kịch quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ (1).

Châu Âu bước dần vào thế kỹ ánh sáng với hai cuộc cách mạng Anh vào những năm 1640 và 1688 đòi vương quyền công nhận những quyền tự nhiên triệt để cho con người.  Chính vào khoảng cuối thế kỹ thứ 17 Locke đã diễn đạt khá sắc sảo ý niệm về những quyền tự nhiên khởi từ Thượng Ðế như quyền sống, quyền được tự do, quyền sở hữu tài sản; nhưng ngược lại con người cũng phải có bổn phận tự nhiên là tôn trọng đời sống, tài sản và tự do của người khác. Ðồng thời trong khuôn khổ luật thiên nhiên của các tương tranh, con người còn phải chuyển nhượng một phần quyền của mình cho một quyền lực chung là chính quyền nhằm bảo vệ hòa bình. Xã hội chính trị hình thành từ đó. Nhưng cũng theo Locke, làm như vậy không phải là con người đã từ bỏ những quyền tự nhiên của mình về đời sống, tự do và tư hữu mà trái lại cộng đồng phải có bổn phận bảo vệ tốt hơn những quyền này. Chúng bất khả hủy diệt vì ba lẽ:

     + Khi con người hành xử những quyền bình đẳng trong luật thiên nhiên không ai bị lệ thuộc quyền hành của một đệ tam nhân nếu không có sự tự ý thỏa thuận của đương sự.

     + Sự gìn giữ và bảo vệ những quyền tự nhiên là bổn phận hàng đầu của mọi chính quyền.

     + Những quyền tự nhiên từ đó sẽ giới hạn quyền hành của những người cai trị; và hệ qủa tất nhiên là nếu họ vi phạm những quyền ấy người công dân có quyền chính đáng để lật đổ họ (2).

     Những nguyên tắc này sau đó đã được triển khai trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ năm 1776 "mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được Thượng Ðế ban phát  những quyền bất khả hủy diệt như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

     Ở Pháp tuyên ngôn của Rousseau "mọi người sinh ra đời được sống tự do và đều bình đẳng về quyền lợi" đã thể hiện trong điều 1 của "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" năm 1789. Theo Rousseau thì xã hội loài người được thiết lập dựa trên ý nguyện được sống chung, và những cứu cánh chính trị của khắp các cộng đồng nhân loại đều nhằm phục vụ quyền lợi của cá nhân những con người (quyền sống, tự do thân thể, tự do tri thức và sinh hoạt cá thể).  Những quyền chính trị dù thuộc dạng nào chăng nữa cũng chỉ để phục vụ con người. Và cũng chính trong khuôn khổ thế tục mà những triết gia của các thế kỹ 17 và 18 đã triển khai những suy tư chính trị của họ. Nhân quyền không được thiết lập nhân danh thần thánh mà dựa trên những nhu cầu và khuynh hướng phát xuất từ chính bản chất con người. Quan điểm này rất quan trọng, dẩn đến khái niệm xã ước (contrat social) để sau đó khai sinh nền dân chủ phương Tây.  Khái niệm nhân quyền bắt đầu được các chính quyền long trọng xác nhận.(3)

 

A2. Các đạo luật và tuyên ngôn nhân quyền căn bản :      

A2a. Ðạo luật "Habeas Corpus" ban hành năm 1679 (phần tu chính): "Nhận thấy rằng các quận trưởng, giám ngục và nhân viên coi tù thường lơ là quá đáng trong việc thi hành những thủ tục hữu thân  (habeas corpus) đối với các tội phạm hình sự hoặc các đối tượng nghi ngờ phạm pháp (...) và cũng bởi sự khiếm khuyết nhận thức về bổn phận và luật lệ hiện hành, vô số thần dân của vương quyền đã hoặc sẽ bị giam giữ trong tù mà đáng ra họ có thể đóng tiền bảo thân để được tự do... Ðể tiên liệu những trường hợp (...) triều đình hạ lịnh (...) rằng mỗi khi có người đạo đạt một habeas corpus cho quận trưởng hay cai ngục hoặc phụ tá ; hay bất kỳ nhân viên nào khác liên quan đến một cá nhân đang bị giam cầm dưới quyền họ (trừ những người giam cứu về tội phản bội hoặc những tội danh ghi rõ ràng chính xác trong trát tống giam), những viên chức này (...) trong vòng ba ngày sau khi tiếp nhận (...) phải có bổn phận đưa đương sự (thể xác và những phụ vật sở hữu) ra trước quan chưởng ấn, quan giám ngục đương quyền của bộ đại tư pháp hoàng gia Anh hay trước các thẩm phán hoặc các chức việc tòa án đã thảo ra luật này (...) ; đồng thời các viên chức vừa kể cũng phải minh chứng bởi cùng phương cách các lý do chính đáng của việc câu thúc hoặc giam cầm đương sự.

A2b. Tuyên ngôn Virginie 1776:

Ðiều 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và độc lập. Họ có những quyền nhất định, quan trọng và tự nhiên mà không vì bất kỳ khế ước nào có thể tước đoạt hay thủ tiêu.  Ðó là quyền được sống và hưởng tự do với mọi phương tiện tìm kiếm và khả hữu tài sản  nhằm mưu cầu hạnh phúc và an toàn...

Ðiều 2: Tất cả mọi quyền hành đều do dân và vì dân mà có.  Người cai trị chỉ là người thụ ủy, người phục vụ dân và do đó phải có bổn phận với dân.

Ðiều 3: Chính phủ chỉ là một định chế cho công ích, bảo vệ và giữ an toàn cho dân chúng... mang lại hạnh phúc và an ninh cho dân cần được bảo đảm chống lại những hiểm nguy của một nền hành chánh tệ hại...

Ðiều 4: Không ai có quyền đặc biệt hưởng những lợi ích hoặc ưu tiên cá biệt hơn những người khác trong cộng đồng...

Bản tuyên ngôn nhân quyền Virginie khá tiến bộ vì là bản tuyên ngôn về những quyền thuộc về chúng ta, của chúng ta và của phúc lợi chung. Những quyền ấy phải được trân trọng như là nguyên lý và căn bản của chính quyền. Mười tám điều khoản ngoài việc qui định những quyền tự nhiên của con người còn giải thích rõ tinh yếu của luật pháp và các quyền hợp lý của công dân trước các tòa án...

A2c. Ðạo luật Nhân quyền (Bills of Rights) : Ðạo luật nổi tiếng này bao gồm 8 tu chính án đầu tiên được ban hành từ 1789 đến 1891 ở Hoa Kỳ:

Ðiều 1: giới hạn thẩm quyền của Quốc hội, không được làm luật vi phạm đến quyền tôn giáo, truyền thông, tập họp hòa bình, đạo đạt thỉnh nguyện của dân chúng.

Ðiều 2: qui định quyền được mang vũ khí.

Ðiều 3: về sự cư trú của binh sĩ. Không một người lính nào được quyền cư ngụ trong nhà dân ở thời bình, mà không được sự thỏa thuận của sở hữu chủ. Trong thời chiến cũng vậy, nếu không thực hiện các thể lệ được luật pháp qui định.

Ðiều 4: qui định về các thủ tục khám xét cư sở và tịch thu, sai áp các loại giấy tờ và phụ vật.

Ðiều 5: qui định những hình thức kết án, các bước thủ tục qui định và sự trưng thu tài sản tư vì lợi ích công cọng...

Ðiều 6: qui định những thủ tục xét xử tội hình sự và quyền được thông tri, đối chất với nhân chứng buộc tội, xin nhân chứng biện hộ, quyền được phụ trợ bởi một hội đồng biện hộ.

Ðiều 7: qui định quyền phán quyết của tòa án thường tụng phải được tôn trọng theo dân luật.

Ðiều 8: qui định tiền bảo chứng, phạt vạ và hình phạt hợp lý (4).

A2d. Tuyên Ngôn Nhân quyền và  Dân quyền Pháp  26 tháng 8 năm 1789 : Ðại Hội Ðại Biểu Quốc Dân Pháp "quan niệm rằng sự thiếu hiểu biết, quên lãng hay khinh xuất về nhân quyền là nguyên nhân chủ yếu của những bất hạnh chung và tạo điều kiện cho chính phủ tham nhũng, đã long trọng tuyên cáo những quyền tự nhiên bất khả hủy diệt và thiêng liêng của con người qua 17 điều khoản, đồng thời phải nhắc nhở luôn về quyền lợi, bổn phận của họ nhằm kiểm chứng hành vi của những quyền hành pháp và lập pháp với mục tiêu các định chế chính trị là tôn trọng các quyền này; và những khiếu tố của nhân dân được thiết lập trên những nguyên tắc đơn giản mà vĩnh cửu sẽ chuyển hướng có lợi cho việc duy trì bảo vệ hiến pháp và hạnh phúc của toàn thể công chúng".

Phần lớn bản tuyên ngôn nhằm định nghĩa luật pháp, đặt cho nó những nghĩa vụ tinh yếu nhằm bảo vệ, trong khung cảnh hiến pháp của một xã hội ổn định, những quyền tự nhiên của con người như quyền tự do, có tài sản, được hưởng an ninh chống mọi áp bức, còn định nghĩa rõ những quyền công dân như quyền có quan điểm tư tưởng (bao gồm tôn giáo), quyền được tự do phổ biến các quan điểm của mình bằng lời nói, bản viết, ấn phẩm miển là không được lạm dụng trong những trường hợp do luật định; đồng thời tuyên ngôn cũng ấn định những quyền lợi xã hội như quyền kiểm chứng các nhu cầu và nghĩa vụ đóng góp vào ích lợi chung, quyền tự do kết ước, theo dõi, tìm kiếm việc làm, quyền ấn định khối lượng, phần việc,  tiền lương và thời hạn công việc... Bên cạnh đó là nghĩa vụ của người công dân phải tôn trọng quyền tự do của người khác, nghĩa vụ đóng góp tùy theo khả năng vào những chi phí chung về hành chánh... (5)

A2e. Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: Ngày 10.12.1948 đại biểu của 58 quốc gia đã họp tại điện Chaillot ở Paris để thông qua bản tuyên ngôn phổ quát (universelle) về nhân quyền. René Cassin, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, tác giả bản dự thảo, đã vô cùng vất vả để bảo vệ từ universelle dành cho tuyên ngôn vì những quan điểm khác biệt về nhân quyền của những chế độ chính trị khác nhau.  Nếu bà Elanor Roosevelt, vợ góa của cố Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Ủy Ban Soạn Thảo đã hết lòng ca tụng nước Pháp với truyền thống nhân đạo của mình đã đóng góp phần quan trọng trong việc soạn thảo và bảo vệ sáng kiến, biến tuyên ngôn nhân quyền thành một gía trị phổ quát tuyệt đối với từ déclaration universelle thì Vichinski, đại biểu phái đoàn Liên Bang Sô viết lại tuyên bố đây là một sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia. Sau đó là phần biểu quyết bằng bốc thăm. Nước Birmanie (Miến Ðiện) tuyên bố tán thành đầu tiên. Sau đó theo thứ tự mẫu tự, các nước Canada, Chilie, Chine... tất cả 48 phiếu thuận. Tám phiếu trắng là Liên Sô, CHXHCN Biélorussia, CHXHCN Ukraine, Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư, Liên Bang Nam Phi, Ả Rập Séoud. Hai nước Honduras và Yémen vắng mặt.

- Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quan niệm sự thừa nhận phẩm giá tất cả mọi thành phần của gia đình nhân loại cùng những quyền bình đẳng bất khả hủy diệt của họ cấu thành căn bản của tự do,  công lý và hòa bình thế giới.  Sự lơ là, khinh xuất về nhân quyền  đưa đến những hành động dã man làm lương tri nhân loại phẩn nộ. Sự thành đạt của một thế giới trong đó con người được tự do tin tưởng và phát biểu, được giải phóng từ nghèo đói và những nỗi sợ hãi được xem là những thăng tiến phản ánh nguyện vọng cao nhất của con người.

- Phần chủ yếu các quyền con người sẽ được bảo vệ thông qua các chế độ pháp trị tránh cho con người không phải bị đẩy tới chổ phải nổi loạn. Ðó là biện pháp tối hậu nhằm chống lại nền bạo chính, áp bức.

- Sự phát triển tương quan hữu nghị giữa các quốc gia được nhiệt liệt khích lệ.

- Theo Hiến Chương LHQ, các quốc gia lập lại tuyên cáo về những quyền căn bản, tôn trọng nhân phẩm và thể gía cá nhân mổi con người trong bình đẳng về quyền nam-nữ. Họ cũng quyết tâm tuyên bố hỗ trợ cho tiến bộ xã hội và thiết lập những điều kiện sống tối hảo trong tự do tối đa.

- Các quốc gia hội viên cam kết hợp tác với tổ chức LHQ nhắm bảo đảm sự tôn trọng các giá trị phổ quát và tổng thể nhân quyền cùng các quyền tự do căn bản.

Cuối cùng, tuyên ngôn quan niệm rằng một khái niệm chung về các quyền này là phần chủ yếu để thực hiện các cam kết.

Về nội dung, tuyên ngôn QTNQ chia làm 4 phần rõ rệt:

1) Từ điều 1 đến điều 17: Những quyền căn bản của con người.

2) Từ điều 18 đến điều 21: qui định những quyền công dân như quyền tự do tư tưởng, tôn giáo tự do quan điểm và phát biểu, tự do hội họp, lập hội, quyền bầu cử, ứng cử và tham dự vào việc điều hành guồng máy hành chánh quốc gia.

3) Từ điều 22 đến 28: qui định những quyền lợi xã hội của con người như quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền kinh tế xã hội văn hóa để phát triển nhân cách; quyền được làm việc chọn lựa công ăn việc làm và được bảo vệ trong những điều kiện ổn định nhất chống lại thất nghiệp; quyền được hưởng lương bình đẳng với việc làm bình đẳng để cá nhân, viên chức và gia đình đều được hưởng mọi tiện nghi an sinh xã hội.

Các quyền lợi lý tưởng khác cũng được qui định như quyền có một mức sống tối thiểu để hưởng các tiện nghi, sức khỏe, phúc lợi cá nhân và gia đình, quyền được giáo dục miển phí (giáo dục tiểu học bắt buộc, và giáo dục hoàn thiện sẽ tăng cường sự hiểu biết thông cảm và hữu nghị giữa các nhóm xã hội-tôn giáo; và cao hơn, giữa các quốc gia).

Con người cũng được bảo đảm việc tham gia vào đời sống văn hóa, nghệ thuật khoa học của cộng đồng, được bảo vệ quyền tác giả.

4) Các điều 29 và 30: Qui định những nghĩa vụ phải chấp nhận những hạn chế theo luật định nhằm bảo đảm quyền tự do của người khác và cung ứng những nhu cầu đạo đức, trật tự, công ích của một xã hội dân chủ...

Nếu những điều khoản qui định trong hai phần đầu nhằm bảo đảm những quyền tự do căn bản thiêng liêng nhất của con người trong một xã hội dân chủ tối thiểu là lý tưởng phổ quát của toàn thể cộng đồng nhân loại; từ đó đặt ra những nghĩa vụ phải có ở phần 4 thì những điều khoản từ 22 đến 28 qui định về các quyền lợi xã hội thật sự chỉ là những mơ ước cho một phần lớn nhân loại đang sống trong cảnh nghèo đói, bị áp bức. Do đó ở một góc nhìn hạn hẹp nó không mang tính phổ quát như ở các xã hội dân chủ phát triển phương Tây.

Theo triết gia R. Aron trong "Pensées sociologiques et Droits de l'Homme (Gallimard)" thì so với bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền  Pháp 1789, tuyên ngôn QTNQ/LHQ năm 1948 có phần đặt nhẹ quyền tư hữu, nhưng  tiến bộ hơn ở quyền xã hội và đã dành trọn một chương cho các quyền này. Tuyên ngôn LHQ cũng chính xác hơn trong định nghĩa dân chủ và các quyền bầu cử tự do. Nếu Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Pháp muốn giới hạn vai trò nhà nước để giải phóng cá nhân thì Tuyên ngôn 1948 LHQ lại dành cho nhà nước nhiều quyền hạn hơn để bảo đảm an sinh xã hội và mức sống của tất cả mọi người.

Quyền Phát triển : các nhà xã hội học và chuyên viên nghiên cứu về nhân quyền xem như một quyền mới thuộc thế hệ thứ ba sau hai đời nhân quyền về các quyền dân sự chính trị và quyền kinh tế xã hội.

Tác giả Henry de Decker trong bài tiểu luận Droits de l'Homme et Droits de Developpement: Concurrence ou Complémentarité?  in "Droits de l'Homme en Afrique Central- Ucac-Karthala" lại cho rằng ý niệm về quyền phát triển có nguồn gốc châu Phi. Lần đầu tiên từ này được nói đến trong hội nghị kinh tế "77" ở Alger năm 67. Mười năm sau ý niệm này đã thẩm nhập trong "Hiến chương Phi Châu về quyền con người và quyền các dân tộc" và long trọng xác nhận lại những quyền tự nhiên của con người, phẩm giá của nó, và quyền được tương trợ để phát triển của các dân tộc châu Phi hầu như toàn bộ vẫn còn sống bên lề "Tuyên Ngôn phổ quát về Quyền Con Người" của Liên Hiệp Quốc. Ngày 4.12.86 Hiến Chương được công nhận ở Ðại Hội Ðồng LHQ với nghị quyết 41/128 như một quyền bất khả huỷ diệt của cá nhân con người và của tất cả các dân tộc (hiểu ngầm Phi Châu và thế giới thứ ba).

Hai trọng điểm của quyền phát triển là:

·        Sự bình đẳng về nhân phẩm cấu thành bởi tính tự lập của cá nhân trong tương quan nhân bản với người khác, và trước Ðấng Tối Cao.

·        Quyền các dân tộc được phát triển đặt ra :

- Nguyên tắc tương trợ toàn cầu trong tương quan bình đẳng đối thoại giữa các quốc gia.

- Nguyên tắc bình đẳng về sự chiếm dụng các tài sản (đất đai) và những sản phẩm của thiên nhiên dẩn đến các giao dịch thương mãi và dịch vụ.

- Cuối cùng và quan trọng hơn hết là nguyên tắc tự quyết của các dân tộc về các định chế chính trị và phát triển kinh tế-xã hội được tự do lựa chọn.

Do đó quan điểm về  một thể loại quyền thuộc đời thứ ba chỉ đúng một phần trong thứ tự thời gian. Những  quyền thuộc về con người hoặc dành cho con người luôn luôn có tính liên hệ hổ tương và không tách rời nhau. Trong một biên cương quốc gia nếu những quyền căn bản nhất của con người không được tôn trọng thì làm gì có những quyền xã hội? Và trong một tương quan nhân qủa, những quyền dân sự chính trị cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có sự thỏa mãn tối thiểu cho con người được hưởng những tiện nghi kinh tế-xã hội. Các chương trình công ích định hướng một chế độ chính trị trong mục đích thi hành những thành quả phát triển cho lợi ích công dân và quốc gia.

Người viết cho rằng quyền phát triển nhằm định nghĩa lại một căn bản có tính triết lý về con người và mục đích hiện sinh của nó giữa cộng đồng nhân loại đã cùng tồn tại qua gần hết hai thiên niên của lịch sử văn minh, được khai triển để biện minh và bổ sung cho tính phổ quát của một tuyên ngôn mang tính chất quốc tế.

 

A3. Các vấn đề đặt ra :

Xét tổng quát, những quyền được gọi là quyền con người được xếp theo 6 thứ tự:

·        Quyền được sống (không bị ám sát, xâm phạm thân thể, được bảo vệ, nuôi dưỡng tối thiểu, được chăm sóc về sức khỏe)

·        Quyền tự do nói cách tổng quát hay đặc biệt (quyền tự do phát biểu tư tưởng, tôn giáo hay hiệp hội)

·        Quyền tư hữu được đánh giá là một trong những quyền căn bản nhất của các tuyên ngôn, hiến pháp cũ. Dần dà với ý niệm công chính, quyền này đã bị hạn chế nhường chổ cho tính công ích trong việc thi hành những chương trình công cọng.

·        Quyền công dân về quốc tịch, bầu cử, ứng cử, quyền chính trị...

·        Quyền được bảo vệ: buộc các chính phủ phải có bổn phận bảo vệ hiến pháp, thượng tôn luật pháp, duy trì công lý cho mọi người; không bắt bớ trái phép bừa bải, quyền được xét xử công bằng...

·        Quyền xã hội-kinh tế và văn hoá như đã qui định trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chỉ mới chớm bén rể trong tư tưởng nhân loại kể từ thế kỹ thứ XX với những thành tựu của nền khoa học kỹ thuật và những thăng tiến xã hội như hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng kỹ thuật. Nó đặt ra vấn đề công bằng xã hội là lý tưởng của loài người. Nhưng ý niệm này khá mơ hồ ở các góc nhìn khác nhau. Các quốc gia thuộc thế giới thứ ba chưa sở đắc được những phương tiện cần thiết nhằm cung ứng đầy đủ những phúc lợi và an sinh xã hội hoặc vì nhu cầu phát triển (quốc gia) thường có khuynh hướng xem nhẹ những quyền này. Các dân tộc trong những điều kiện sống dị biệt với những bối cảnh văn hoá tương phản cũng không thể có những khái niệm giống nhau về công ích và những tiện nghi xã hội. Tùy hoàn cảnh địa lý chính trị, các quốc gia phải lựa chọn những phương cách phát triển khác nhau; do đó cung ứng cho dân chúng của họ những cơ hội và quyền lợi khác hẳn nhau.

A3a. Quan niệm và các sắc thái nhân quyền : Trước kia, nhân quyền mang một ý nghĩa gộp nơi những quyền tự nhiên sở hữu bởi mọi người bởi lẽ giản dị họ được sinh ra làm con người. Tuy vậy nhiều nền văn minh đã không hề đề cập tới  và công nhận những quyền này. Chúng không hề được pháp lý công nhận và tôn trọng trong các xã hội cổ Hy La; hoặc trong nền văn minh phong kiến Trung Hoa với trật tự xã hội khắc nghiệt trong đó ý niệm "thiên mệnh" trở thành tuyệt đối cho những quyền lực thiên tử. Không nói đến thân phận người dân mong manh như bèo bọt trước các hình thái cường quyền, mà hàng kẻ sĩ quan lại cũng chỉ là những nô lệ của vương triều, trong bàn tay sinh sát của một cá nhân có quyền hạn tuyệt đối là con ông Trời!

Ở phương Tây, mãi  đến đầu thế kỹ thứ 17  lý thuyết về quyền tự nhiên mới được triển khai với sự xuất hiện các trường phái, đặc biệt Hobbes. Ông cho rằng con người có những quyền lý thuyết vô giới hạn. Nhưng với sự hình thành của xã hội dân sự, một số quyền tự nhiên đã bị hạn chế hoặc bị vất bỏ. Con người đã biết dung hoà những quyền tự nhiên của mình với việc bảo vệ quyền lực tuyệt đối của nhà nước.

Các lý thuyết gia khác thêm rằng dù con người có từ bỏ một phần quyền tự nhiên của mình nhằm giúp chính quyền duy trì  hòa bình xã hội thì trong trường hợp cần thiết, họ vẫn có quyền đòi lại khi chính quyền trở thành công cụ đàn áp. Ý nghĩa này của nhân quyền đã ảnh hưởng không ít trên tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776.

Nơi những tuyên ngôn cổ điển, dù xuất hiện trong một bản văn riêng biệt, hoặc gói ghém trong phần mở đầu hay được lồng trong những điều khoản hiến pháp, nhân quyền thường mang ý nghĩa từ nguyên về sự hiện hữu của một lãnh vực dành riêng  cho lợi ích cá nhân đối kháng với nhà nước. Ý niệm về một tuyên ngôn cho quyền con người đã xuất hiện  sớm trong tuyên ngôn Virginie 1776 nhưng chỉ trở thành chính thống với bản hiến pháp Massachussets 15.06.1780.

Bản Tuyên Ngôn về Nhân Quyền và Dân Quyền đặt trên phần đầu bản Hiến Pháp 03.09.1791 của Pháp lại khẳng định một quan điểm có tính nguyên tắc về một triết lý dân chủ cá nhân, bình đẳng và tự do. Ðến bản Hiến Pháp chỉ đạo ngày 05 Tructidor An III (Pháp) khuynh hướng đã chuyển đổi, dành một phần tương đối quan trọng cho tuyên ngôn những bổn phận. Thí dụ trong tiết II về "thân trạng chính trị của công dân", điều 8 qui định "mọi người sinh ra và cư ngụ trên đất Pháp tròn 21 tuổi phải ghi danh vào sổ bộ công dân hàng tổng. Những người đã cư ngụ quá một năm trên lãnh thổ cộng hòa và những người đã trả phần thuế trực tiếp, thuế thổ trạch hay thuế thân được gọi là công dân Pháp » Hoặc ở điều 16 "thanh niên không được ghi tên vào sổ bộ công dân nếu họ không chứng minh rằng mình biết đọc, biết viết hoặc có một nghề nghiệp cơ khí » (bao gồm cả những nghề tay chân trong lãnh vực nông nghiệp thời ấy) (5)

Sau đệ nhất thế chiến với sự hình thành hoặc canh tân của một số quốc gia châu Âu, các điều khoản ấn định những căn bản về chính trị và xã hội cho những chế độ mới được ghi rõ ràng trong Hiến Pháp. Do sự thăng tiến của đời sống xã hội, những dân quyền xuất hiện, đặt nhà nước ở vào một vị thế mới đối với cá nhân con người. Nhà nước không những phải có bổn phận bảo vệ sự độc lập pháp lý của cá nhân mà còn phải tạo những điều kiện thuận lợi cần thiết cho sự xác định tính độc lập xã hội của họ. Chủ nghĩa cá nhân bị giới hạn một phần nơi sự bổ túc những can thiệp hợp pháp của nhà nước do sự nảy sinh những tương quan xã hội mới.  Từ đó buộc người công dân vào những nghĩa vụ, đặt cho họ ý thức về những bổn phận đối với xã hội và sự ổn định của một trật tự mới về dân chủ tự do (Ðạo Luật Cơ Bản của Cộng Hòa Liên Bang Ðức ngày 23.05.1949 có thể xem là một bản hiến pháp mẫu mực ghi rõ ràng, chi tiết về những quyền tự nhiên, quyền công dân và xã hội cùng những giới hạn cần thiết; đồng thời những cam kết về bổn phận công dân đối với xã hội và trật tự hiến định như điều 18 ghi rõ "bất cứ ai lạm dụng tự do diễn đạt quan điểm, nhất là tự do báo chí (đ.5 đoạn 1), tự do giảng dạy (đ.5 đoạn 3), tự do hiệp hội (đ.9), bí mật thư tín (đ.14) hoặc quyền cư trú (đ.16a) để chống lại trật tự hiến định và tự do dân chủ sẽ bị tước quyền căn bản. Sự bãi miển và thời hiệu do Tòa Án Bảo Hiến Liên Bang tuyên bố".

Xuất hiện trước đó không lâu, bản tuyên ngôn QTNQ (10.12.1948) lại đi quá xa trong niềm lạc quan với mơ ước đầy nhân đạo tính về một thế giới mới an lạc, hòa bình, tương trợ và hữu nghị. Những điều khoản về quyền xã hội có tính cách định chuẩn nhiều hơn là thực tiển. Không hề có một căn bản pháp lý nào hoặc những điều khoản phụ trợ cho tính phổ quát về sự thực thi các quyền này cho các nhân loại ở khắp địa cầu phải sống trong những biên cương riêng biệt, độc lập của đủ loại thể chế chính trị. Các quốc gia kết ước thừa nhận những gía trị đó của phương Tây nhưng không hề công nhận tính áp đặt của chúng. Ðó là nguyên do của những vi phạm nhân quyền nhiều khi  trầm trọng vẫn còn xảy ra nhan nhản ở Trung Hoa, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Miến Ðiện, Iraq... trong các chế độ sắt máu còn nhân danh sự thống trị của giai cấp để bóp nghẹt đại bộ phận quần chúng còn lại; hoặc tất cả cho quyền lợi của băng đảng cầm quyền nơi các chế độ độc tài quân phiệt. Quyền con người cũng không hề được tôn trọng nhân danh Thượng Ðế nơi chế độ tôn giáo trị như Iran, hoặc các phong trào tôn giáo đang xử dụng những phương tiện tranh đấu đẫm máu cho việc thực thi luật Islam trên luật đời như ở các nước Ả Rập, Iran, Afghanistan... Những can thiệp mang tính nhân đạo của cơ cấu quyền lực "đa quốc gia" đã tỏ ra thảm hại như ở Somalie, Ruwanda; và nhiều khi trở thành bi hài như trong cuộc thanh lọc chủng tộc của cựu Nam Tư. Nhân quyền ở các điểm nóng này hiển nhiên đang mang những tiếng kêu bi thiết trước lương tri của một nhân loại tiến bộ đang sống trong thế kỹ thứ 21. Chúng vẫn còn tiếp tục xảy ra, khi mà nhiều chế độ chính trị vẫn còn nhân danh và lợi dụng những nền văn hoá khác biệt để đối kháng với sự áp đặt tư tưởng của nền văn minh Thiên Chúa giáo và dân chủ khoa học kỹ thuật phương Tây; hoặc để biện minh cho những ý đồ chính trị, tôn giáo muốn chia lại thế giới trong một trật tự mới mà định chế Liên Hiệp Quốc đã mong manh đến nổi sự tồn tại hữu cơ của bản thân các tổ chức thống thuộc chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ chưa nói đế uy tín và sự hữu hiệu của các quyết định, tuyên ngôn...

A3b. Hiệu năng tương đối : Tính mơ hồ của bản Tuyên Ngôn QTNQ hoặc những điều khoản về nhân quyền trong một số bản Hiến Pháp được phân tích qua hai khiá cạnh:

+ Tương quan giữa những quyền căn bản và thực thể nhà nước là một tương quan tiệm tiến có lợi cho sự nảy sinh quyền lực trong những liên hệ hữu cơ nhằm thực hiện các quyền này. Từ nguyên thủy các quyền căn bản được quan niệm là những quyền tự nhiên của con người đã xuất hiện trước khi có nhà nước, do đó có vị trí cao hơn chính quyền theo quan điểm triết lý thuần cá nhân chủ nghĩa. Nhưng từ khi xã hội được tổ chức, nhà nước xuất hiện và lớn mạnh dần, tương quan mật thiết và hỗ tương giữa hai thực thể đã đặt ra khá nhiều vấn đề.

Nếu tách hẳn sang một bên những nguyên tắc chỉ hướng cho việc bảo vệ những quyền căn bản, và bên khác là quyền lực với ý nghĩa chính trị và sức mạnh vật chất để thi hành những nguyên tắc ấy thì nhà nước sẽ chỉ còn là cổ máy thừa hành lạnh lùng, vô tri, mất hết cả ý niệm pháp trị; và nhân quyền chỉ còn ý nghĩa những quyền chủ thể ích kỹ, một chiều. Từ khuyết tật đó của ý niệm nhân quyền, vấn đề xã hội hóa quyền con người đã được nảy sinh để bổ túc cho quan điểm tự do nguyên thủy. Quan điểm mới tạo những điều kiện cần thiết và khả thi nhằm bảo đảm nhân quyền bao gồm các quyền lợi xã hội đã đẩy ý niệm nhân quyền đến  khái niệm biện minh cho những can thiệp của quyền lực vào một số lãnh vực ngày trước vẫn được xem như là những quyền bất khả xâm phạm. Ranh giới của những phạm trù thiên nhiên và thực định đã thay đổi theo đà tiến bộ của xã hội và tâm thức nhân loại.

+ Về tính chất pháp lý của các tuyên ngôn nhân quyền, những tranh cãi đã không thiếu. Có những quan điểm cho rằng những tuyên cáo về nhân quyền chỉ bày tỏ những thực tế triết lý có tính gợi ý cho những nhà lập pháp mà không áp đặt được cho những thẩm phán theo dõi và xét xử việc thi hành các điều khoản. Các quan điểm đối kháng lại cho rằng từ nguồn gốc hiến định những quyền này đã có gía trị pháp lý, do đó sẽ bị chế tài nếu có vi phạm.

Trong thực tế, những điều khoản của các tuyên ngôn về quyền con người bao gồm hai lãnh vực:,

·        Những điều khoản có tính chất những quyền tích cực : Thí dụ các điều 10 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền 1789 của Pháp "không có gì phải lo sợ về những quan điểm của mình "Nul ne doit être inquiété à raison de ses opinions", hay ở điều 17 về quyền đòi được bồi thường đúng mức và tiên khởi  trong trường hợp bị truất hữu tài sản -exigence d'une indemnité juste et préalable en cas de privatisation de propriété-

·        Những điều khoản có tính cách chỉ hướng :  cho các nhà lập pháp nhằm đạt đến mục tiêu cao nhất qui định trong các định chế chính quyền không có tính chất pháp lý tích cực. Thí dụ về quyền lao động không phải là quyền bắt buộc mang tính chất khả thi tức khắc.  Do đó không thể bị chế tài về phương diện pháp lý nếu không được thực hiện.

Ở Pháp những hành vi hành chánh bị khiếu nại vi phạm tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân 1789 đã đặt Hội Ðồng Nhà Nước trước những khó khăn từ đó có khuynh hướng chọn lựa giữa hai quyết định:

- Hoặc từ chối những hành vi bị khiếu tố hà lạm hành chánh, do đó không cần qui chiếu rõ những điều khoản liên hệ thật ra chỉ là những nguyên tắc chung chung về quyền lợi.

- Hoặc bác khước tính chính đáng của những khiếu nại, có giải thích rõ ràng rằng vài điều khoản của tuyên ngôn chỉ hài ra nguyên tắc mà không ghi rõ tính lập pháp hoặc lập qui ấn định việc thi hành; bởi thế không thể viện dẫn cho một tranh tụng pháp lý đòi bồi thường thiệt hại như trường hợp một công ty Pháp vẫn tiếp tục hoạt động ở Việt Nam sau hiệp định Genève 54 bị chính quyền CS Hà Nội tịch biên tài sản. Công ty này đã hài "nghĩa vụ tương trợ của tất cả các công dân Pháp chia xẻ gánh nặng gây ra do những tai ương có tính cách quốc gia" ghi trong phần mở đầu của Hiến Pháp ban hành ngày 27.10.1946 (6)

 

A3. Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ

Đã được thành lập vào tháng 04.2006 nhằm thay thế và tăng cường tính can thiệp hữu hiệu hơn « Ủy ban Nhân quyền LHQ » đã gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát việc thực thi những công ước LHQ về những quyền dân sự và chính trị, kinh tế và xã hội. Hội Ðồng bao gồm 47 quốc gia được chọn bầu: LB Nam Phi, Algérie, Ðức, Arabie Séoudite, Á Căn Ðình, Azerbaidjan, Bahrein, Bangladesh, Ba Tây, Cameroun, Gia Nã Ðại, CHND Trung Hoa, Nam Hàn, Cuba, Djibouti, Equateur, Phần Lan, Pháp, Gabon, Ghana, Guatemama, Ấn Ðộ, Indonésie, Nhật Bản, Jordanie, Mã Lai Á, Mali, Maroc, Mễ Tây Cơ, Nigérie, Hoà Lan, Pakistan, Pérou, Phi Luật Tân, Ba Lan, Tiệp Khắc, Anh, Roumanie, Nga, Sénégal, Sri Lanca, Thụy Sĩ, Tunisie, Ukraine, Uruguay và Zambia.

       Michel Monette trên diễn đàn AgoraVox (Diễn Ðàn Công Dân) ngày 10.05.06 đã có một cái nhìn châm biếm và rất mực bi quan về tính đứng đắn và hữu hiệu với việc nước CHND Trung Hoa, quán quân về những vi phạm nhân quyền trầm trọng lại được ông Kofi Annan, cựu TTK / LHQ mời vào HÐNQ cùng với 6 thành viên tai tiếng khác như Algérie, Arabie Séoudite, Azerbaidjan, Cuba, Liên Bang Nga và Tunisie.

      Nếu khảo sát một cách nghiêm chỉnh ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng các quốc gia thường không tôn trọng các cam kết về nhân quyền cũng có mặt : Bahrein, Cameroun, Djibouti, Equateur, Gabon, Guatemala, Ghana, Mã Lai Á, Mali, Maroc, Maurice, Nigéria, Pakistan, Pérou, Phi Luật Tân, Sénégal, Sri Lanka, Zambie.

      Tính tổng cọng đã là 26 quốc gia vi phạm nhân quyền lại được mời vào HÐNQ/ LHQ. Tự nó sẽ nói lên tính công chính trong việc biểu quyết những biện pháp trừng phạt một quốc gia vi phạm nhân quyền hoặc trục xuất một quốc gia thành viên khỏi chiếc ghế HÐ (với túc số 2/3 như đề nghị của ông Kofi Annan) chứ chưa nói đến việc bầu bán thường bị chi phối bởi các toan tính thương mãi và chính trị; hệt như việc CHND Trung Hoa đã mua các thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền LHQ trong phiên họp cuối cùng, hoặc áp lực kinh tế, chính trị để các thành viên khác vắng mặt và cuối cùng đạt được nghị quyết «không vi phạm nhân quyền» với túc số 22 phiếu thuận trên 18 phiếu chống và 12 vắng mặt !

 

B. NHÂN QUYỀN DƯỚI NHÃN QUAN PHƯƠNG ÐÔNG:

Về tính tương đối của từ tuyên ngôn phổ quát (universelle) sau khi được thông qua, René Cassin đã nhận xét "Bản Tuyên Ngôn LHQ không nhằm tu chính hiến chương mà khai triển sự bổ sung đã thẩm nhập trong công pháp quốc tế hiện hành. Ðược thông qua bởi một nghị quyết của đại hội đồng, bản tuyên ngôn không sở đắc quyền lực đáng kể như một cam kết có tính chất pháp lý khả thi. Ðiều đó giải thích tại sao việc thi hành trong thực tế và những bảo đảm quốc tế cho những quyền tự do được ấn định phải cần đến một nguyên tắc áp đặt trên thỏa ước chung, và được bổ túc bởi nhiều công ước quốc tế đặc biệt khác về những vấn đề đa dạng như nạn diệt chủng, vấn đề ly hương, quyền tự do thông tri, các vấn nạn về lao động, giáo dục» (7).

- Dưới nhãn quan một ý thức hệ đối kháng, phái đoàn Liên Bang Sô Viết đã phản đối những nhà soạn thảo bản tuyên ngôn đã "nhân danh tự do để giết chết tự do". Về lãnh vực nhân quyền, Liên Sô đã luôn bày tỏ những quan điểm thiếu tin cậy  vào những qui chế hòa giải những tranh tụng về nhân quyền được gởi đến LHQ, và đặc biệt chống đối đề nghị của Úc Ðại Lợi về việc thiết lập một Toà Án Quốc Tế Nhân Quyền.

Ðiều đó dễ hiểu trong một thế giới đối kháng giữa hai ý thức hệ tư bản-tự do và cộng sản-xã hội chủ nghĩa ở bên khác. Dù một đa số ở đại HÐ/LHQ sự thông qua từ déclaration-universelle-tuyên ngôn phổ quát có tính quốc tế không áp đặt được một ý nghĩa tuyệt đối mang tính chân lý cho một phần nhân loại bất hạnh bị kềm kẹp dưới một chủ nghĩa cổ súy hận thù và bạo lực giữa những con người.  Nếu sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân và quyền tư hữu đã được gạn lọc qua một quá trình làm việc lâu dài và cặn kẽ của tất cả các định chế đại diện quần chúng để thông qua bản tuyên ngôn Massachusetts nổi tiếng làm nền tảng cho Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ 04.7.1776 và nền dân chủ pháp trị hiện đại (8) thì ở bên kia bức màn sắt cũ những quyền lợi ấy lai bị gán cho tính bóc lột theo màu sắc giai cấp và cho phép người vô sản có quyền (và có bổn phận) tiêu diệt chúng nhân danh công bằng xã hội.

 

B1- Nhân quyền ở Ðông Á :

B1a. Dù đang phát triển theo cùng một mô hình tư bản với cơ chế kinh tế thị trường, các nước Ðông Á lại có một quan điểm về nhân quyền khác với quan điểm thuần lý của nền văn minh phương Tây. Ngoài một nước Phi Luật Tân mà đại đa số dân chúng theo Thiên Chúa giáo có phong thái dân chủ Tây phương trong sinh hoạt xã hội, các quốc gia khác chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo lớn Ðông phương. Phật giáo hầu như bao trùm đời sống tinh thần ở Thái Lan, Miến Ðiện, Lào, Campuchia và một phần quan trọng trong đại bộ phận quần chúng ở VN,  Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên. Ðặc biệt là Phật giáo đã cùng tồn tại với Khổng giáo ở 4 nước này. Nho giáo tuy được diễn dịch khác nhau cho phù hợp với từng dân tộc tính, nhưng nói chung tinh thần Tu, Tề, Trị, Bình (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) vẫn là những tôn chỉ mẫu mực cho sự dấn thân của tầng lớp kẻ sĩ, trí thức nhằm thăng tiến cá nhân trong mục tiêu cao hơn là phụng sự đất nước, dân tộc. Tính công ích bao trùm trên các quyền lợi cá nhân được xem là gốc rễ của nền an lạc quốc gia và chiếm vị thế tuyệt đối trong thang bậc các hệ thống giá trị.

Trong qúa khứ lịch sử, những luồng tư tưởng lớn của các tôn giáo thẩm nhập vào nền văn hóa bản điạ khác biệt đã tạo ra không ít những xung đột gay gắt. Ðặc biệt là các quốc gia văn hiến phương Ðông chịu ảnh hưởng Tam giáo (Nho, Phật, Lão) đã bị nền văn minh kỹ thuật phương Tây lăng nhục qua các phong trào thuộc địa. Nhưng mặt khác kinh nghiệm giao tiếp này cũng đã đào sâu những suy nghĩ về một hệ thống gía trị khác, thực dụng, tiến bộ và cần thiết cho việc gây dựng nền thịnh vương quốc gia, phục vụ hữu hiệu cho những nhu cầu thực tiển của con người. Hầu hết các quốc gia chậm tiến đều phải học hỏi những kinh nghiệm và kỹ thuật phương Tây để hiện đại hóa đất nước họ về phương diện vật chất, kinh tế. Nhưng bên trong sự hưng vượng đó vấn đề con người của những hệ thống giá trị khác nhau đã phải đặt ra. Truyền thống văn hóa được quan niệm như lý do tồn tại của các dân tộc thường có khuynh hướng bảo thủ để tránh bị tổn hại đến mức tối đa. Sự khác biệt văn hoá luôn đặt ra những hàng rào cản và nghi kỵ.

Khuynh hướng đối kháng ấy còn nổi rõ hơn nơi những lãnh tụ của nền sinh động mới là Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba với tư tưởng vì công ích Tân Khổng giáo và Mahathir Mohamad của Mã Lai Á với chủ trương hòa hợp các sắc thái Hồi giáo ôn hòa với nguồn tư bản dồi dào của Hoa kiều bản địa. Những khác biệt sâu sắc về quan điểm và đề nghị xét lại bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền  của 6 nước thành viên hiệp hội Ðông Nam Á (ngoại trừ Indonésie) trong hội nghị thường niên lần thứ 30 nhóm ở Mã Lai tháng 7.97 đã ghi nhận một cuộc chạm trán nẩy lửa giữa Thủ Tướng Mahathir cho rằng "bản TN/QT về Nhân Quyền  do các cường quốc nặn ra đã chẳng hiểu gì hết về nhu cầu của những nước nghèo" và bên kia là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Madeleine Albright và phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nicholas Burns vẫn giữ vững lập trường cho rằng "bản tuyên ngôn quốc tế này là một văn kiện toàn hảo, khỏi cần đặt vấn đề thay đổi" (Theo Far Eastern Economic Rewiev 28.08.97- Is UN Declaration universal?- Frank Ching).

Cũng cần nhắc lại rằng quan điểm của Lý Quang Diệu  về sự phát huy những động lực phát triển từ chiếc nền truyền thống văn hóa  phương Ðông dựa trên những thành quả phát triển rực rỡ một thời đã trở thành mẫu mực cho những nhà lãnh đạo Bắc Kinh mặc nhiên xem ông ta là người thừa kế xuất sắc của truyền thống Trung Hoa và Khổng Tử. Chế độ Hà Nội cũng xem ông ta là bậc thầy và được mời làm cố vấn về những lý thuyết phát triển mới. Ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo các con rồng châu Á đối với thế giới phương Tây đang lâm cuộc khủng hoảng vì nền "dân chủ cá nhân chủ nghĩa" không phải là không có. Theo Michel Gurfinkial trong Grandes enquêtes-Entretien avec Ekward Luttwak- nhà chiến lược của đảng Cộng Hòa, và tác giả nổi tiếng của Le Rêve Américain en danger (tạp chí Valeurs actuelles N° 3042) những Robert Dole, Newt Gingrich (cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện) của đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ đi tìm lại xã hội truyền thống Mỹ để thoát ra cơn khủng hoảng tinh thần cá nhân chủ nghĩa vị kỉ và tội ác đang có nguy cơ làm tan rã xã hội ấy. Tinh thần công ích mà các nhà kiến trúc sư cộng hòa tìm kiếm phảng phất mô hình Nhật Bản và theo Luttwak thể hiện tinh thần Khổng gíao về tính áp đảo của lợi ích chung.

Những dự phóng đó còn mới mẻ. Cái nhìn của người phương Tây bình thường về sự trổi dậy của phương Ðông vẫn đầy rẩy những nghi ngờ về những giá trị văn hoá không giống họ. Vấn đề nhân quyền thường được nói tới như những thước đo sức trưởng thành và định tuổi cho các nền văn minh phương Ðông. Cả một vài chuyên gia về Trung Hoa cũng tỏ ý nghi ngờ tính xác tín  và những giá trị tư tưởng  Ðông phương. Bài phóng sự điều tra của đặc phái viên René Backmann đăng trên tờ Le Nouvel Observateur số 1536 "Tân Gia Ba hay cái giá của sự xuất chúng" thể hiện tinh thần ấy. Tác giả thừa nhận những thành tựu đến chóng mặt về kỹ thuật không ô nhiểm, những dịch vụ ngân hàng ưu hạng, thương cảng bậc nhất thế giới và những tiện nghi vĩ đại của phi cảng quốc tế Changi.  Nhưng phăng lần vào chiều sâu xã hội, tác giả đã sững sốt về mặt trái của sự tuyệt hảo và cái giá của người Tân Gia Ba phải trả bằng nhân quyền như những phạt vạ nặng nề những vi phạm trật tự công cọng, những hình phạt đòn roi, và đặc biệt tội tử hình cho những người buôn thuốc phiện. Câu tuyên bố của một thành viên chính phủ Tân Gia Ba "nếu chúng tôi đã chiến đấu thành công với tội phạm là ở chổ chúng tôi không ngần ngại hủy diệt thân thể của phạm nhân" đối với tác giả và cả với người đọc thể hiện  tính pháp gia của một thời đại đã quá xa đối với nền văn minh phương Tây hiện đại. Tác giả cũng tấn công về tự do tư hữu, về quyền công dân thể hiện qua tính bí mật của các kết quả các cuộc bầu cử, về tự do học tập, suy nghĩ và sự kiểm duyệt báo chí đến từ phương Tây. Ðiều lạ lùng đối với tác giả là người Tân Gia Ba lại hài lòng với sự mất nhân quyền của họ. Và cũng như Lý Quang Diệu, họ đã và sẽ không ngớt chỉ trích sự sa đoạ tinh thần của các xã hội phương Tây.

Có thể người Tây phương có lý khi cho rằng những con tiểu long, tiểu hổ Ðông Á đã xây dựng được những huyền thoại phát triển kinh tế nhờ ở sự bắt chước tinh xảo toàn bộ các kỹ thuật phương Tây chứ không phải dựa trên một  hệ thống giá trị tư tưởng vững chắc? Cơn lốc khủng hoảng châu Á năm 1997 chứng tỏ sự trục trặc của những mô thức Tây phương được vận hành bởi kiểu mẫu độc tài chính trị phương Ðông.

B1b. Ở nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tình trạng càng nhập nhằng hơn. Hiến Pháp 04.12.1982 ghi rõ ràng nơi tiết B về những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như điều 35 về tự do phát biểu, báo chí, hiệp hội, hội họp, diểu hành và biểu tình, điều 36 về tự do tôn giáo, điều 37 về tự do cá nhân của công dân nước CHND Trung Hoa là "bất khả xâm phạm", điều 41 cho phép công dân có quyền chỉ trích và gợi ý các cơ quan và nhân viên nhà nước, đạo đạt thỉnh nguyện; và được quyền kiện hay tố cáo các nhân viên, cơ quan nhà nước vi phạm luật hay khiếm khuyết bổn phận...(9)

Trong thực tế những quyền này không hề được hành xử vì chẳng ai dám tin chắc rằng mình sẽ được bảo vệ khi mà một thiểu số vẫn gom trong tay tất cả mọi quyền sinh sát nhân danh giai cấp, cho dù trong xã hội Trung Hoa hiện nay, tư tưởng xã hội chủ nghĩa kiểu Mác và Mao thực tế đã bị quẳng vào sọt rát từ lâu.  Nền chuyên chính bạo lực đó được ngụy danh là dân chủ của giai cấp hoặc mỉa mai hơn "dân chủ tập trung" như điều 1 xác định "CHND Trung Hoa là quốc gia XHCN với nền chuyên chính dân chủ nhân dân được giai cấp công nhân liên minh với nông dân lãnh đạo...Chế độ XHCN cấm tất cả các tổ chức hoặc cá nhân làm tổn hại nó". Lời cảnh cáo này nhằm hù dọa những thành phần dân chúng không tán đồng đường lối XHCN (CS), nhưng đồng thời cũng thực thi với cả hai giai cấp nông dân và công nhân của Liên Minh lãnh đạo như đã thấy qua các cuộc nổi loạn  của nông dân chống hiện đại hoá và không ít công nhân đã tham gia các phong trào dân chủ của "Muà Xuân Bắc Kinh". Bất kỳ ai chống lại quyền lực đương thời đều bị trấn áp thẳng tay nhân danh chế độ XHCN và nền dân chủ tập trung của nó. Do đó chẳng có ai lấy làm lạ là thành viên thường trực này của LHQ đã đạt chức quán quân về những vi phạm trầm trọng quyền con người, quyền phụ nữ, đã là tác giả của những tội ác kinh khiếp về quyền sống của trẻ em (gái) trong chính sách hạn chế sinh đẻ "mỗi gia đình một đứa con";  bên cạnh những đàn áp đẫm máu Thiên An Môn và các vụ phản kháng khác, đã tra tấn dã man những người biểu tình, tù đày những người ly khai đòi hỏi dân chủ và quyền phát biểu. Việc tước đoạt ruộng đất của nông dân để xây nhà máy kỹ nghệ hoặc các công trình công ích khác đã làm bùng nổ sự phẩn nộ của những người dân khốn khó sống bên lề đà phát triển chóng mặt về kinh tế của Trung Quốc.

Gần đây nhất luật sư Gao Zhishing thường được mệnh danh là “lương tri nước Tàu”, chuyên viên về các vấn đề nhân quyền, đã bị bắt giam vào tháng 8.2006 ở tỉnh Sơn Ðông, bị qui kết tội danh “phá hoại nền an ninh quốc gia” có thể lãnh một bản án nặng nhất đang là một thách thức nghiêm trọng đối với các định chế nhân quyền quốc tế.

Việc bạc đãi, hành hạ các tù nhân Giáo Phái Pháp Luân Công (khoảng 41000 người); và đặc biệt việc khai thác các bộ phận cơ thể để ghép cho các bệnh nhân trong các trung tâm giam cầm ở Trung Quốc đang làm thế giới văn minh kinh hãi. CHNH/ TH đã bán 135 bộ phận năm 1998; đến năm 2005 con số này tăng lên 4000 với giá 20000 US $ cho người trong nước và 80000 US $ cho người ngoại quốc (theo GS Allison, Giám đốc Chương trình Nhân quyền và Y tế của Trường Ðại học Minesota) Phần lớn những bộ phận này được lấy trên thân thể các tù nhân Pháp Luân Công mà không được thuận tình của họ lúc sinh tiền, như một nữ ký giả đối lập đã tố cáo đích danh bệnh viện Sujiatum. Vợ của một nhà giải phẫu Trung Hoa bị giam giữ vì tội “Pháp Luân Công” đã làm chứng trong phiên họp của Ủy ban NQ/ LHQ rằng chồng bà đã tiết lộ đã bị ép buộc phải tước đoạt võng mạc trên mắt những tù nhân (đa số Pháp Luân Công) đang còn sống để đem bán trên thị trường!

Các cựu Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và cựu Thủ Tướng Chu Dung Cơ  chủ trương cởi mở hơn về hướng thị trường kéo theo một số cải cách chính trị thể hiện qua việc nới lỏng tự do phát biểu tư tưởng, và thậm chí vài địa phương đã tiếp nhận đơn xin đăng ký đảng Dân Chủ đối lập; đảng Cộng Sản Trung Hoa trong thực tế vẫn nắm trong tay toàn bộ độc quyền chính trị. Những vụ bắt bớ các nhà đối lập vẫn tiếp tục xảy ra. Vài ngày trước khi Trung Quốc ký thừa nhận Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự Chính Trị, 5 nhà ly khai Ding Zilin, Lin Mu, Jiang Qisheng, Jiang Peikun, và Wei Xiatao đã ký tuyên cáo về quyền tự do và các quyền dân sự tố cáo:

·        Quyền tư hữu cá nhân không được luật pháp bảo vệ.

·        Chính phủ và quân đội bị lệ thuộc vào một đảng chính trị không đại diện được cho toàn bộ lợi ích và ý nguyện quần chúng.

·        Một ý thức hệ duy nhất được thừa nhận, tin tức không được phổ biến tự do.

·        Những cuộc bầu cử bị chính quyền thao túng.

·        Hệ thống pháp luật là công cụ nằm trong tay chính quyền.

·        Quyền tự do phát biểu, in ấn, hội họp, lập hội, biểu tình luôn bị áp chế.

·        Việc đàn áp tự do tôn giáo và thể hiện lòng tin vẫn tiếp diễn.

·        Việc kiểm duyệt tri thức và nghệ thuật còn tồn tại.

(5 nhà ly khai này cũng đã phổ biến một tuyên cáo khác về công bằng xã hội và quyền dân sự ở Trung Quốc - Courrier international số 415 ngày 21.10.98).

Theo báo cáo của Amnesty international, năm 2002, những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vẫn còn tiếp diễn ở TQ. Hàng chục ngàn người đã bị bỏ tù vì đã biểu dương trong hòa bình những đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo hoặc hiệp hội. Chiến dịch "trấn áp quyết liệt" phát động vào tháng 04.01 đã kéo dài suốt năm 2002, kết án tử hình 1921 người, trong đó 1060 trường hợp đã bị xử tử. Chiến dịch này chủ yếu  nhắm vào các phong trào sắc tộc đòi ly khai, tự trị, những tên "khủng bố'" người Uy Mô Nhỉ hay "cực đoan tôn giáo" Pháp Luân Công. Những thể lệ mới nhằm kiểm soát mạng internet cũng đã được ban hành và Nhà nước Trung Quốc đã áp lực, mua chuộc những cơ quan truyền thông internet truy cập hoặc ngăn chặn những thông tin của các internautes Trung hoa, thậm chí cọng tác với bộ Tư Pháp Trung Quốc bắt bớ, kết tội những nhà ly khai dân chủ Trung Hoa đã dùng mạng lưới này để nhận và chuyển tải  tư tưởng của họ!

Những phong trào phản đối của công nhân đã bị đàn áp thô bạo. Ở Tây Tạng, quyền tự do phát biểu và tự do tôn giáo bị hạn chế gắt gao. Vào tháng 8.2003, Cao ủy LHQ về Nhân Quyền khi đi điều tra về các vấn đề đàn áp các sắc dân thiểu số, các thủ tục xét xử và số phận tù chính trị cũng đã bị nhà cầm quyền TQ làm khó dễ. Bên cạnh đó, các quốc gia hội viên Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, hoặc vì sợ hoặc vì áp lực của TQ đã vắng mặt trong phiên họp vào tháng 04.2002 giải quyết những vi phạm nhân quyền ở CHND Trung Hoa!

Manfred Nowak, đặc phái viên của LHQ đã khẳng định trong một báo cáo trước Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ ngày 20.09.2006 rằng “dù cho sự tra tấn tàn bạo có giảm, đặc biệt trong các vùng đô thị, nhưng “một hệ thống đối xử bất nhân, sa đọa, và một hệ thống tra tấn dã man vẫn còn khá phổ biến khắp nơi trên lãnh thổ CHND/TH”

 

B2- Vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam :  

Ðể kỹ niệm 200 năm nhân quyền kể từ ngày ban hành bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Pháp 1789, Charles Humana đã thực hiện một bản vấn đề lục (questionnaire) điều tra về mức độ tôn trọng nhân quyền trong số 73  quốc gia đã ký kết hai bản Công ước quốc tế về các "Quyền Dân sự - Chính trị" và "các quyền Kinh tế - Xã hội" (cho đến năm 1983). Kết qủa cho thấy có 40 quốc gia chỉ tôn trọng từ 12% đến 59% trong đó có Việt Nam (thi hành 25% các điều khoản NQ ghi trong Tuyên ngôn QT Nhân quyền LHQ và các Công ước QT về các quyền DS/CT và KT/XH) (10)

Nhìn hình thức, bản Hiến Pháp ban hành ngày 15.02.1992 của nước CHXHCN Việt Nam chỉ là một bản tổng tắc các nghị quyết của các kỳ Ðại hội đảng.

- Lời nói đầu vẫn là phần quan trọng nhất áp đặt ngữ nghĩa cho các chương điều kế tiếp nhằm xây dựng chế độ XHCN với đảng CS lãnh đạo.

Từ nhân dân trong cụm từ lưỡi gổ "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ"  trong thực tế chỉ là thiểu số lãnh đạo với mọi đặc quyền, đặc lợi nhân danh giai cấp; trong lúc đại bộ phận quần chúng vô sản đang sống bên lề của xã hội với cơ chế thị trường man dã. Do đó các quyền của chương V qui định quyền và nghĩa vụ công dân bao gồm mọi quyền cơ bản của con người, quyền công dân và những quyền xã hội, y tế, văn hóa theo lý tưởng nhân quyền LHQ thực tế không hề hiện diện trong nghịch lý của cởi mở kinh tế bên cạnh chuyên chính về chính trị. Do đó các điều khoản qui định quyền lao động (đ55), quyền sở hữu và thừa kế (đ58), quyền xây dựng nhà ở  (đ62), quyền tự do kinh doanh (đ57) đã bị thu gọn,  đặt dưới kế hoạch nhà nước và được pháp luật qui định. Danh từ pháp luật ở VN bao gồm trước tiên các nghị quyết của Ðảng và sau đó các quyết định hành chánh bao trùm khắp các lãnh vực từ chương I (chế độ chính trị) qua chương II (chế độ kinh tế), chương III (văn hoá giáo dục khoa học công nghệ) đến chương IV (bảo vệ tổ quốc XHCN)...

Một cơ cấu tư pháp và giám sát hành chánh như thế không hề mang ý nghĩa pháp trị thực sự bảo đảm công lý cho mọi tầng lớp dân chúng. Hiến Pháp 15.02.1992 không hề qui định một điều khoản nào về thẩm quyền xét xử các lãnh đạo quốc gia trong guồng máy đảng CS (Bộ Chính trị, Ban Bí thư), Hội đồng Nhà nước và Chính phủ như các hiến pháp dân chủ pháp trị. Ở chương X về Tòa Án Nhân dân và Viện Kiểm Sát Nhân dân,  vai trò các định chế "bảo vệ pháp chế XHCN,  bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân" (?) rõ ràng chỉ có sứ mệnh bảo vệ đảng lãnh đạo và giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.  

Về thẩm quyền bảo hiến, điều 84 giao cho “Quốc hội  thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội” (mục 2) và "bải bỏ các văn kiện của Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trái với HP, luật và nghị quyết của QH". Trong thực tế ai cũng biết Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ là con bù nhìn vì thẩm quyền nằm gọn trong tay Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội  thường do các bí thư trung ương đảng CS nắm giữ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn quyền của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Ðảng.

- Vấn đề nhân quyền trong cơ chế chính trị và hiến pháp ấy là hệ quả tất nhiên. Những vi phạm nhân quyền xảy ra thường xuyên và nhiều lúc đã trở nên thô bạo vì chủ trương chống diễn tiến hòa bình do đảng CS chỉ đạo kể từ khi  vì nhu cầu tự cứu VN buộc phải thực hiện "đổi mới", cởi mở về kinh tế nhưng vẫn đóng chặt cửa chính trị theo mô thức Trung Hoa "thị trường XHCN". Nền kinh tế thị trường trong giao lưu với thế giới bên ngoài đã làm bộc phát nguyện vọng dân chủ, từ đó nhen nhúm phong trào tranh đấu cho một nền dân chủ pháp trị bao gồm việc bảo đảm những quyền lợi căn bản của con người mà chủ yếu  là quyền được luật pháp bảo vệ, quyền phát biểu tư tưởng và hiệp hội, quyền tự do tín ngưỡng, quyền bầu cử và ứng cử, quyền tự do chính trị...

Theo bản báo cáo hàng năm 2003 của LHQ về vi phạm nhân quyền, Amnesty International nhận xét rằng ở VN, tình trạng nhân quyền đã xấu đi trong năm 2002. Nhà nước VN đã tổ chức những phiên tòa xử những nhân vật ly khai tố cáo tham nhũng hoặc đưa thỉnh nguyện thư về sự thiếu vắng dân chủ tự do ở VN, hoặc bàn về các vấn đề nhân quyền, dân chủ  trên mạng internet. Những bản án thật nặng nề  được ban hành, dưới những tội danh ngụy tạo đã làm giới quan sát sửng sốt. Những tu sĩ thuộc các tổ chức, hoặc giáo hội không được Nhà nước công nhận luôn luôn bị ngược đãi, sách nhiểu, đàn áp. Tội tử hình vẫn còn áp dụng, 34 án tử hình trên 48 đã  đươc thi hành (thực tế còn cao hơn nhiều số liệu này của Nhà Nước). Ðặc biệt là phong trào đòi lại đất đai canh tác và các quyền sống, quyền tự do tôn giáo của đồng bào Thượng ở Tây nguyên đã bị đàn áp dữ dội. Các ký giả Tây phương và cả nhân viên Cao ủy Nhân quyền LHQ đã bị ngăn cản, làm khó dể, không cho lên vùng nàỵ. Năm 2002 cũng đánh dấu thất bại của hiệp ước 3 bên ký kết giữa Cao Ủy LHQ và các Chính phủ Căm Pu Chia và Việt Nam về việc hồi hương những người Thượng chạy lánh nạn sang Căm Pu Chia từ năm 2001.

Ðể bảo vệ quyền lợi cá nhân và bè nhóm nhân danh đảng của giai cấp, tầng lớp lãnh đạo đảng CS và Nhà nước chuyên chính XHCN đã  đàn áp có hệ thống phong trào tranh đấu cho dân chủ và những tiến bộ xã hội dưới các hình thức:

B2a. Ðàn áp nội bộ trong lòng nền "dân chủ tập trung" :  trấn áp các khuynh hướng xét lại, đổi mới và dân chủ hóa đảng. Ðó là trường hợp cựu ủy viên bộ chính trị Trần Xuân Bách, các đảng viên cao cấp Hoàng Minh Chính, Ðổ Trung Hiếu, Lê Hồng Hà liên quan đến vụ án xét lại, Nguyễn Hộ của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ, Trung Tướng Trần Ðộ, cựu Phó Chủ Tịch Quốc Hội và Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương  Ðảng, Phạm Quế Dương, cựu đại tá...

- Trí thức ly khai có những phê phán gay gắt đường lối đảng và nhà nước như trường hợp nhà văn  Dương Thu Hương đã bị bắt giam, Hà Sỉ Phu hô hào một sự chia tay ý thức hệ đã bị xử tù. Những trí thức trẻ khác chủ trương khuynh hướng đổi mới đảng, thay đổi chính sách đã bị khai trừ khỏi đảng, bị quản chế hành chánh như Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Minh Thảo, Bùi Minh Quốc;  hoặc bị đe dọa thường trực như trường hợp các trí thức dân chủ Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến. Gần đây, Nhà nước chuyên chính không ngần ngại xử tù những nhà trí thức dân chủ trẻ dưới cớ làm gián điệp hoặc phá hoại an ninh quốc gia, chỉ vì đã giám phổ biến trên mạng internet những bài viết về dân chủ, tự do như trường hợp Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn...

- Những trí thức khác không thuộc giai cấp hoặc xuất thân từ chế độ miền Nam cũ đã bị đàn áp bằng những bản án nặng nề của bạo lực chuyên chính vô sản. Ðó là trường hợp các Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, các chí hữu của họ và các nhà lãnh đạo Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ như trường hợp các ông Nguyễn Ðình Huy,  Phạm Thái,  Ðồng Tuy... hoặc các trường hợp chống đối đơn lẻ khác như giáo sư Hoàng Ngọc Biên, phi công Lý Tống...

B2b. Ðàn áp tôn giáo  trong hai lãnh vực lãnh đạo quần chúng và xã hội dân sự : Ðối tương quan trọng và nguy hiểm nhất của chế độ CS vẫn là Phật giáo vì tôn giáo lớn này có quần chúng, bắt rễ trong dân tộc,  không chấp nhận Mác-Lênin và nguyên tắc bạo lực. Các vụ bắt bớ, giam cầm các Ðại đức Tuệ Sĩ, Mạnh Thát, Thượng tọa Quảng Ðộ, quản thúc Thượng toạ Huyền Quang, tịch thu chùa Thiên Mụ ở Huế làm "di tích lịch sử", đuổi các sư trụ trì về nguyên quán là những vụ điển hình. Các lãnh đạo khác của Cao Ðài, Hòa Hảo cũng bị ngấm ngầm triệt hạ. Ðặc biệt đạo TinlLành đang bị trấn áp tàn bạo và công khai ở Tây nguyên và vùng Việt Bắc. Các nhà hoạt động Công giáo đã bị bách hại hoặc giam cầm như vụ Vinh Sơn, LM Nguyễn Ðình Thủ dòng Ðồng Công hoặc quản chế các LM trí thức như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, xử tù LM Nguyễn Văn Lý và cô lập các linh mục trẻ ủng hộ ông...

B2c. Ðàn áp truyền thông : Ở VN chỉ duy nhất những cơ quan ngôn luận của đảng CS, nhà nước, quân đội, công an và các cơ quan trực thuộc được phép hoạt động. Các tờ báo ngành hoặc của địa phương nếu đi chệch đường lối chính sách của đảng, nhà nước các chủ nhiệm bị cách chức và báo bị đình bản. Chế độ kiểm duyệt được thi hành chặc chẻ ở VN.

Chủ trương kiểm soát triệt để mạng thông tin internet để ngăn chặn những tri thức dân chủ và truy bức những người xử dụng phương tiện này trong việc nhận và phổ biến những tư tưởng dân chủ trong thế giới toàn cầu hoá kinh tế và thông tin đã làm cho các định chế quốc tế phẩn nộ và lên án. Quốc Hội Châu Âu đã không ngần ngại tố cáo đích danh Việt Nam bên cạnh 15 quốc gia truy bức mạng internet là Arabie Séoudite, Bélarus, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Lybie, Maldives, Miến Ðiện, Népal, Ouzebekistan, Syrie, Tunisie, Turménistan. Amnesty International đã trình bày rõ ràng chi tiết việc nhà cầm quyền VN tăng cường các biện pháp kiểm soát trong những năm gần đây. Những cơ quan cung cấp mạng Internet buộc phải thông báo thông tin về người xử dụng; những chủ quán cybercafés phải theo dõi khách hàng và cung cấp tin tức về họ. Cả những người xử dụng internet cũng phải tố cáo lẩn nhau, khi có những thông tin chống đối nhà nước. Những luật lệ chính thức cấm cản những người xử dụng mạng không được phát tán những nguồn thông tin “làm nguy hại đến an ninh quốc gia hoặc trật tự xã hội”. Cũng theo báo cáo của Amnesty International, việc lọc và ngăn  chận các website càng ngày càng lộng hành hơn. Nhà cầm quyền VN khẳng định chính thức rằng việc sàng lọc này nhằm “bảo vệ” các người xử dụng tránh các “web con heo”, nhưng gần đây, một báo cáo của OpenNet Initiative đã kết luận rằng các website bậy bạ này không hề bị ngăn chặn, mà trái lại trong thực tế các trang web của những người chống đối nổi tiếng tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền VN đã bị kiểm soát, sàn lọc, ngăn chặn, như trường hợp Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, và gần đây Nguyễn Quốc Huy đã bị bắt giam với những tội danh nặng nề về an ninh và phá hoại quốc gia. Amnesty đã xây dựng một site gọi là irrepressible info thu thập được 42000 chữ ký yêu cầu nhà cầm quyền VN bải bỏ lệnh truy bức mạng lưới truyền thông (web.amnesty.org/library/inde ngày 22.10.06)

Các vấn đề nhân quyền VN tích tụ trong lòng sự hình thành và tồn tại của chế độ CS đương quyền. Tính chính thống của nhà nước ấy đang được chứng nghiệm một cách rất tiêu cực. Quảng đại quần chúng trở thành nạn nhân của nền bạo chính khi chế độ đang hành xử mọi thứ quyền lực trái với những gì mà nó nhân danh. Bạo lực chính trị bao trùm mọi sinh hoạt quốc gia,  xem xã hội dân sự là đối tượng cần phải trấn áp. Các tôn giáo và những tổ chức xã hội thống thuộc do đó trở thành mục tiêu chính của các cố gắng triệt hạ nhằm kéo dài sự tồn tại của bạo quyền.

Giữa thế giới đang chuyển mình đầu thiên niên kỷ thứ ba, những đòi hỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ hoá của dân tộc VN đáng lẽ phải nhận được một sức hậuthuẫn quốc tế mạnh mẻ và có hiệu qủa. Tiếc thay các cường quốc phương Tây chỉ đặt vấn đề một cách  môi mép trong các diễn văn, qua các cuộc thăm viếng ngoại giao mà chẳng hề đi kèm các biện pháp tích cực liên quan các hình thái viện trợ, trao đổi thương mãi, thông qua các định chế kinh tế tài chánh quốc tế. Thậm chí trong cung cách hành động và những thể hiện ngoại giao một vài lãnh đạo hàng đầu của các cường quốc phương Tây  cho thấy khuynh hướng quyền lợi kinh tế quốc gia cục bộ đã hạ đo ván lý tưởng nhân quyền. Một vài tuyên bố ngoại giao lại khẳng định một xu thế đáng buồn là hầu như nhân quyền chỉ đặc biệt dành riêng cho những dân tộc văn minh da trắng. Trong thế giới toàn cầu hoá, những quyền lợi kinh tế của giới tài phiệt vẫn có tính quyết định ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao. Cái giá lợi nhuận tuyệt đối cao hơn các hệ thống giá trị khác. Cho nên dù Mùa Xuân đẫm máu Thiên An Môn đã xảy ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục được hưởng quyền lợi tối huệ quốc của M ; còn các cường quốc phương Tây khác Pháp, Ðức vẫn thực hiện những cuộc thăm viếng "hữu nghị" vì những hợp đồng thương mãi béo bở (nghị quyết lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền do Ðan Mạch đề xướng với sự tán đồng của Anh, Hòa Lan, Áo, Bỉ, Hoa Kỳ... đã bị phá vỡ do những quyền lợi riêng của vài quốc gia phương Tây; các nước Pháp, Ðức, Ý đã binh vực Trung Quốc trong phiên họp của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc nhóm tại Genève từ 10.3 đến 18.4.97. Ðầu năm 2004, nhân cuộc thăm viếng chính thức của Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, nước Pháp của Tổng Thống Chirac "đã trải thảm đỏ và cúi rạp mình trước một tên độc tài (giàu có)"- nói theo kiểu Jacques Lang thuộc đảng Xã hội, nhà văn hóa và là cựu bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Pháp). Ðặc biệt với VN, Hoa kỳ đã đáp ứng tương đối dễ dàng những cầu cạnh ngoại giao của kẻ cựu thù, bải bỏ cấm vận  và sau đó thiết lập bang giao mà chẳng hề đặt những điều kiện tiên quyết về dân chủ và nhân quyền mà hơn ai hết cường quốc số 1 thế giới này phải tự thấy trói buộc với lý tưởng dân chủ là truyền thống của họ và cũng là xu thế tiến hóa của thời đại sau sự cáo chung của chủ nghĩa CS.

Những vấn đề nhân quyền VN trong bối cảnh ấy trở thành phức tạp. Sự bùng nổ kinh tế của đất nước sau những năm dài đè nén đang tạo một sức sinh động bề mặt. Nhưng sức phát triển hỗn loạn ấy cũng đang đặt những vấn đề xã hội, văn hoá gay gắt bên cạnh vấn đề nhân quyền do hệ quả ý thức hệ chuyên chính. Những nghịch lý kinh tế-xã hội và chính trị-văn hóa do sự áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin trong một xã hội vẫn có truyền thống tôn trọng các giá trị đạo đức đang làm đất nước chao đảo, phá hại tính đồng thuận bởi sự chia rẽ từ ý niệm giai cấp, khuyến khích sự nghi kỵ giữa những con người. Khi một đất nước đang bị ngự trị bởi một nền chuyên chính tồn tại trên bạo lực mà tất cả điều ác đều có thể biện giải như phương tiện thì cứu cánh tồn tại của dân tộc ấy phải là dân chủ hóa thực hiện bằng con đường hòa bình. Một nền dân chủ phải được quan niệm trước tiên là một chế độ chính trị biết tôn trọng con người và những quyền thiêng liêng của nó. Các quyền tự do cơ bản cũng như các quyền dân sự chính trị khác chỉ tồn tại được trong chế độ dân chủ, vì nhân quyền và dân chủ là hai mặt của một vấn đề.

Nhằm xây dựng một nền dân chủ pháp trị VN hữu hiệu, các công trình nghiên cứu phải chú trọng đến bối cảnh lịch sử, quan điểm dân tộc tính khách quan, các khía cạnh văn hóa xã hội tương đối phức tạp nhằm tránh tối đa những dự án viễn vông. Xu thế tranh đấu cho nền dân chủ sớm xuất hiện ở VN phải vạch rõ ra được các mục tiêu tranh đấu về:

- Sự thiết lập một cơ cấu nhà nước có khả năng và tư cách điều hành công cuộc phát triển ổn định và liên tục song hành với những tiến bộ xã hội.

- Một xã hội dân sự cũng phát triển trong khuôn khổ dân tộc nhằm bảo trì và hoàn thiện nền dân chủ. Xã hội ấy chỉ thực sự cần thiết chừng nào  tư tưởng công ích vì thịnh vượng chung còn cân bằng được với những lợi ích cá thể.

- Một "Tuyên Ngôn về các vấn đề nhân quyền VN” vẫn là vấn đề quan trọng bậc nhất, vì nhân quyền vẫn là tiền đề và đồng thời hệ quả của dân chủ. Một nền nhân quyền mang sắc thái Việt Nam cần phải được khảo sát thiết thực tránh sao chép những quan điểm phương Tây mang tính chất đặc thù của những xã hội đã đi trước ta cả hàng thế kỷ tiến bộ. Ngược lại cũng phải tránh tối đa những quan điểm bảo thủ về xã hội truyền thống hoặc sự dị biệt về văn hoá Ðông - Tây nhằm biện minh cho những chế độ độc tài. Căn bản của một Hiến Chương Nhân Quyền VN vẫn là những quyền lợi  đi kèm với nghĩa vụ công dân. Những quyền dân sự chính trị qui định trong công ước LHQ rõ ràng mang tính phổ quát cho con người dù bất cứ trong không gian chính trị và giai đoạn tiến hoá nào. Chế độ dân chủ sẽ xây dựng hàm chứa trong nó những hướng tiệm tiến bảo đảm những quyền kinh tế xã hội ứng hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội, văn hóa VN trong tương lai. Một dự án cương lĩnh như thế sẽ có khả năng thu hút những tiếng nói giá trị và các áp lực quốc tế nhằm thực hiện dân chủ hoá VN. Nhưng vấn đề tiên quyết vẫn là sự đồng thuận của người Việt nhằm tái tạo tinh thần Diên Hồng như một căn bản của các giá trị truyền thống đã giúp dân tộc tồn tại và phát triển, để có thể đấu tranh hữu hiệu với một thiểu số cầm quyền của một chế độ vẫn muốn đàn áp để kềm hãm nhân quyền-dân chủ-tiến bộ xã hội ở VN. Hoà hợp dân tộc giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng chung mục tiêu dân chủ sẽ đoàn kết người Việt đã chia rẽ nhau bởi hận thù dai dẳng và phân hóa chưa từng thấy, nhằm nâng sự kết hợp lên hàng cao trào dân chủ hoá.

Nếu quan niệm dân chủ hoá toàn bộ một đất nước đã chìm đắm  trong cơ chế toàn trị và chuyên chính trong những thập niên dài là công trình xây dựng tương quan xác hợp Quyền con người - Nhà nước pháp trị với tinh thần trách nhiệm và công ích  làm mối giây liên kết ở giữa  thì định hướng của cuộc đấu tranh này phải nhằm đồng lúc hai mục tiêu:

·        chuyển đổi trong thời gian có lợi nhất một Nhà nước chuyên chính sang pháp trị mà chức năng chủ yếu của nó là điều hợp thịnh vương quốc gia và tiến bộ, hạnh phúc của quần chúng công dân.

·        Bên cạnh đó là những nỗ lực xây dựng con người mang tính chất liên tục và lâu dài. Những công dân có nhân phẩm và tư cách hành xử các quyền con người trong tinh thần trách nhiệm và công ích là những yếu tố then chốt cho nhân quyền nảy nở và được bảo vệ đúng mức. Cố  gắng này phải lưu tâm đến các yếu tố con người trong bối cảnh những nền văn hoá mà nó phát sinh.

 

C. VỀ MỘT QUAN ÐIỂM NHÂN QUYỀN VIỆT NAM :

Những nhà lãnh đạo các quốc gia đang góp một phần quan trọng trong nền phát triển sinh động ở Ðông Á thường phủ nhận tính áp đặt của những giá trị nhân quyền phương Tây nhân danh sự khác biệt của những bối cảnh văn hóa để đối kháng lại nền dân chủ cá nhân chủ nghĩa của phương Tây. Bên cạnh vài phát biểu có tính chất quá khích, những quan điểm tổng tắc của Lý Quang Diệu hoặc Mahathir Mohamad không phải là không có lý. Các khuyết tật trong sự phát triển ào ạt các nền dân chủ phương Tây đã đặt ra không ít vấn đề cho những mô thức chính trị một thời được xem như toàn hảo và là lý tưởng tuyệt đối của các loại hình chế độ chính trị. Nền dân chủ thực sự vẫn còn là sự tìm kiếm và rà soát thực tế để điều chỉnh những mặt tiêu cực, lệch lạc. Dân chủ Thiên Chúa giáo đóng góp một phần không nhỏ cho con đường đó với nguyên tắc đạo đức làm cội rễ của nền dân chủ. Mục tiêu của họ vẫn là tính ưu thắng của những hệ thống giá trị dẩn đạo hành động chính trị. Nhân phẩm con người, tính tương trợ, ý nghĩa đa nguyên trong đó tư tưởng công ích chiếm phần quan trọng trong đời sống quốc gia cũng như quốc tế. Sự hoàn thiện xã hội dân sự được quan niệm như mục tiêu then chốt của sự hình thành ổn định của một chế độ dân chủ. Cuộc hội thảo quan trọng của Quốc tế Dân chủ Thiên Chúa giáo ngày 20.11.1948 ở Bruxelles đã đặt một cột mốc lớn cho sự hình thành một tư tưởng Thiên Chúa giáo về dân chủ dựa trên "nguyên tắc trách nhiệm". Ðiều đó giải thích tại sao nền dân chủ Thiên Chúa giáo đã biến thái thành nền dân chủ đại chúng  đối kháng với nền dân chủ cá nhân chũ nghiã. Quần chúng tập họp thành  những cộng đồng tự nhiên là gia đình, làng xã, hiệp hội, tỉnh, thành có những quyền lợi thiết thân là nguyên nhân và căn bản của nền dân chủ do họ thiết lập (11). Do đó Nhà nước phải dung hòa hai nhiệm vụ chủ yếu không ít mâuthuẫn nhau là một mặt  phát huy sự nảy nở của tinh thần công ích,  đồng thời bảo đảm cho những quyền lợi cá nhân không đối kháng với những lợi ích chung cũa xã hội. Tính hoành tráng của những ý niệm tự do, công lý và huynh đệ của Thiên Chúa giáo có thể kết hợp với những giá trị phương Ðông dựa trên tinh thần công ích và cấu thành một hệ thống giá trị tổng hợp có khả năng phát huy nhân phẩm của con người làm cho nó xứng đáng hưởng dụng tất cả các thể loại nhân quyền, dân quyền, và quyền kinh tế xã hội trong tương quan tốt đẹp giữa những con người biết tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng sự ổn định và thịnh vượng xã hội.

 

C1- Nhân quyền và phong hóa Việt nam:   

Mơ ước về một nền dân chủ đích thực, ứng hợp với hoàn cảnh điạ lý chính trị và văn hóa xã hội VN vẫn là mẫu số chung cho mọi người Việt Nam còn biết nghĩ đến tương lai đất nước, nhưng vẫn chưa được quan tâm và thảo luận đầy đủ. Bối cảnh chính trị-xã hội VN vẫn còn chất chứa những mâu thuẫn gay gắt trong tương quan phức tạp vùng và thế giới đã hạn chế không ít những dự phóng tương lai cho một hướng dân chủ hóa đất nước. Không ít người nghĩ rằng vấn đề trước mắt vẫn là vấn đề đẩy lùi chuyên chính, giải thể chế độ cộng sản; rồi tình thế sẽ làm xuất hiện những kiểu mẫu dân chủ thích hợp. Nhưng mặt khác, những viễn kiến chính trị vẫn rất cần thiết cho một tương lai ổn định, tạo niềm tin tưởng và phấn khởi để cuốn hút đa số vào cuộc đấu tranh cho sự thực hiện những ước vọng đẹp đẻ chính đáng của dân chủ ứng hợp với thực trạng tiến hoá của xã hội truyền thống:

- VN vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng giáo, lấy quan điểm Nhân làm gốc. Con người nhân bản quyết định  mọi an lạc và thăng tiến xã hội. Người kẻ sĩ quân tử với các đức tính Nhân, Nghiã, Lể, Trí, Tín  là hình ảnh lý tưởng cho mọi cố gắng phục vụ công ích.

- Khổng giáo du nhập VN đã được đại chúng hoá. Nếu ở Trung Hoa, người quân tử thuộc tầng lớp ưu tú bắt buộc phải ưu tiên phục vụ lợi ích của quân vương, thứ đến là lợi ích chung của quần chúng; thì ở VN, Nho giáo đã trở thành phương châm cho những cố gắng hoàn thiện con người công dân. Nhân, Nghiã, Lể, Trí, Tín của người quân tử đã biến thể, cô đọng thành những giá trị phổ quát cho mọi người là Cần (chuyên cần trong công việc), Kiệm (tiết kiệm cho phúc lợi cá nhân, gia đình và xã hội), Liêm (trong sạch, tự trọng, trông cậy vào mình mà không ỷ lại, tơ hào đến công sức và của cải của người khác), Chính (ngay thẳng,công bình). Bốn đức tính này kết hợp thành một giá trị đặc thù, làm nên nhân phẩm Việt Nam. Nó vừa bao hàm những nghĩa vụ công dân trong tương quan con người với xã hội và cộng đồng; đồng thời những đặc tính của con người chính trị đóng góp công sức cho đất nước và khi tham gia vào chính quyền phải đặt cho chính mình trách nhiệm bảo vệ những quyền lợi căn bản của quần chúng. Nếu nhà cầm quyền không xao nhãng ý thức phục vụ, thanh liêm không tơ hào đến hối lộ nhũng lạm; ngay thẳng chính chuyên trong xét đoán, cầm cân nảy mực cho luật pháp... ắt hẵn xã hội ấy sẽ thịnh trị, người dân sẽ có hạnh phúc, khỏi phải chịu đựng những hình thái sách nhiễu, đàn áp?

Từ nét đặc thù nhân phẩm VN này, ta có thể qui chiếu cho một hệ thống gía trị  nhằm nêu rõ cái gốc đạo đức của những quyền căn bản nói riêng và cấu trúc của một nền dân chủ pháp trị nói chung cho Việt Nam tương lai:

- Ý thức công ích sẽ thể hiện trong đời sống xã hội như một thăng hoa tự nhiên từ nhân phẩm bao gồm cả quyền lợi, đồng thời nghiã vụ cá nhân người công dân. Ý thức này cũng ràng buộc luôn cả những cơ cấu quyền lực là tinh hoa của tổng thể những nhân phẩm với  tinh thần trách nhiệm về lý do tồn tại của nhà nước nhằm phục vụ những quyền lợi tối thượng của những người mà nó đại diện, tạo sự ổn cố xã hội làm khung cho sự phát triển và thăng tiến các cá nhân. Cái mầm ý thức đó đã ấp ủ trong cấu trúc xã hội VN truyền thống, nhưng hoạ hoằn lắm chỉ đâm chồi nẩy lộc ở một vài triều đại thịnh trị vương đạo như Lý Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Hồng Ðức (Lê Thánh Tông)...Kể từ hậu bán nhà hậu Lê, khi Nho giáo nguyên thủy độc tôn các giá trị, phá vỡ tinh thần tam giáo đồng nguyên thì Nhà nước đã tự cô lập với truyền thống đoàn kết, hợp quần làm căn bản cho những nền thịnh trị, phá vỡ mọi gắn bó cá nhân-nhà nước vì lợi ích chung. Một chuỗi suy vong lịch sử khá dài đã phô bày rõ những phân hóa xã hội và sự cách biệt giữa các định chế cai trị và người bị trị.

Một nền dân chủ nhân bản chỉ xây dựng được khi có sự kết hợp tương ứng giữa các cá nhân có nhân phẩm ràng buộc thiết thân với Nhà nước đại diện cho quyền lợi của họ bởi tinh thần công ích. Nền dân chủ đó khác xa nền dân chủ giai cấp hiện tại chỉ cốt nhằm phục vụ chế độ XHCN mà những giá trị đích thực của nó chưa bao giờ được thể hiện và lý do tồn tại của nó thì mơ hồ và hoàn toàn mâu thuẫn. Phát triển kinh tế trong cơ chế thị trường VN sẽ không nhằm xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa thuần túy mà là sự phát triển cọng hưởng với công bằng xã hội. Mô thức xã hội-kinh tế ấy sẽ đáp ứng được tính công bằng trong phân phối lợi nhuận, trong thừa hưởng những thành quả kinh tế, xã hội, văn hóa tỉ lệ thuận với những đóng góp công sức và của cải vật chất của người công dân vào phúc lợi chung của xã hội.

Do đó, những mục tiêu thực tiển cuả cuộc tranh đấu cho nhân quyền VN phải được xác định bằng một  nhãn quan Việt Nam trong những tương quan chính trị, kinh tế, xã hội hiện hữu. Thiết tưởng cần phân biệt hai lãnh vực:

C1a. Những quyền tự nhiên :

Quyền sống và an toàn bản thân, quyền được bảo vệ trước công lý.

·        Quyền tư hữu chính đáng tạo ra bằng cần, kiệm, liêm, chính.

C1b. Những quyền công dân :  như tự do tư tưởng, tôn giáo được quan niệm như những giá trị làm thăng hoa tính thiện và nhân phẩm con người. Những phát biểu quan điểm chính đáng không chỉ nhằm thăng tiến các giá trị dân tộc mà còn đóng góp tích cực cho những tiến bộ của cộng đồng nhân loại.

Mặc dầu cuộc khủng hoảng tài chánh bắt nguồn từ sự mất cân đối giữa các mô hình phát triển phương Tây và quan điểm độc tài chính trị phương Ðông, vùng Ðông Á có thể vẫn là trung tâm nền thịnh vượng thế giới ở thế kỷ tới, nhờ ở những cố gắng vượt bực của những con người "tu thân" đang tìm lại chổ đứng của mình trong những cơ cấu kinh tế-chính trị mới. Những giá trị phổ quát về con người và công ích diễn dịch theo quan điểm Ðông phương, trong đó có Khổng giáo, đang tiến đúng vào  giao điểm tiến hoá của lịch sử nhân loại khi mà nền văn minh kỹ thuật phương Tây đã phát triển đến mức hủy diệt con người và đang có nhu cầu tìm kiếm trở lại các giá trị truyền thống.

Các xã hội Ðông Á chiụ ảnh hưởng của tư tưởng "đại thuận" Khổng giáo phô bày rõ rệt những sắc thái yếu kém trong sự tôn trọng những quyền công dân. Chiếc khung mẫu mực của những suy nghĩ nhân danh một trật tự vũ trụ áp đặt  trên xã hội một thứ ổn định bất di dịch. Các chế độ phong kiến tự phong cho mình sứ mệnh tuyệt đối để thâu tóm mọi quyền hành chính trị trong lúc quần chúng chỉ là một tập hợp những công dân cam chiụ bị trị. Chế độ thực dân đến thay phong kiến đã lột trần trụi những con người vốn đã thiếu nhân phẩm với chút ý thức đối kháng mong manh. Ở VN nền chuyên chính toàn trị XHCN còn tàn tệ hơn trong cố gắng biến quần chúng thành lũ người máy hoàn toàn lệ thuộc Nhà nước. Tất cả chỉ có mệnh lệnh. Chúng bao gồm những thôi thúc của bản năng con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất với tâm thức tê liệt,  thụ động trước quyền lực điều khiển, sai bảo nó. Khi những con người máy ấy chưa hoàn toàn ý thức được những quyền cơ bản có tính tự nhiên của nó thì tư cách công dân chưa thể đề cập tới. Từ ngày mở cửa, người dân VN đã có cơ hội nhìn thấy rõ thân phận mình. Tầng lớp trí thức trong lòng xã hội dân sự và một bộ phận của giai cấp cầm quyền cũng như đảng viên có ý thức đã và đang lên tiếng đòi hỏi  những quyền tự do sinh hoạt chính trị, quyền bầu cử ứng cử. Những quyền công dân căn bản là bước khởi đầu của dân chủ hoá và đồng thời cũng là những chiếc lá chắn vững chắc cho những quyền tự nhiên của con người, để sau đó những quyền kinh tế, xã hội, văn hoá có thể xuất hiện.

C1c. Những quyền xã hội : Quyền lợi xã hội của quần chúng vừa là nguyên nhân của sự hình thành những hình thái chính quyền vừa thể hiện tính hữu hiệu  và thực dụng của các chính quyền ấy. Trong một thể chế dân chủ đúng nghĩa, trình độ phán xét và kiểm soát của xã hội dân sự sẽ bảo đảm tính hữu hiệu của việc thực thi những quyền lợi xã hội như việc làm, phúc lợi xã hội, kinh tế, văn hóa... Chính mức độ tổ chức dân chủ của một thể chế, và trình độ dân chủ của quần chúng sẽ định hình những quyền lợi xã hội riêng biệt. Chúng cũng còn tùy thuộc các khung cảnh điạ lý chính trị, bối cảnh xã hội và văn hóa đặc thù; và không hề mang tính phổ quát như nhãn quan phương Tây thường có cái nhìn về vấn đề thế giới và con người theo cách suy nghĩ và quan điểm của họ.

Trong khung cảnh nền văn minh Ðông Á,  Nhân Quyền Việt Nam nên được khảo sát ở bình diện văn hoá trong đó con người vừa chịu chi phối bởi những qui luật phổ quát của vạn vật; đồng thời những cố gắng hoàn thiện cá nhân, hội nhập vào cộng đồng, thăng tiến xã hội. Quan điểm Tu, Tề, Trị, Bình tổng hợp những tư tưởng cổ Ðông phương trong việc:

- Tu thân: hoàn thiện nhân phẩm để trở thành con người xứng đáng. Xã hội phải bảo đảm quyền được học tập và phát triển công dân.

- Tề gia: gia đình hàm chứa một tập hợp xã hội có tính căn bản. Không phải chỉ riêng người gia trưởng mà mọi thành viên đều có bổn phận xây dựng và phát triển gia đình, đóng góp công sức để chia xẻ lợi lộc và chung hưởng hạnh phúc.

- Trị quốc: từ một căn bản gia đình ổn vững, con người hoàn thiện sẽ tiếp tục sứ mạng chính trị của mình, đem tài năng và sở đắc riêng phục vụ đại chúng, tìm kiếm hạnh phúc an lạc cho tập thể. Ngược lại xã hội phải bảo đảm những quyền dành cho người dân được tham dự vào guồng máy chính quyền và bàn thảo về các định chế chính trị (trị quốc trong khung cảnh xã hội Trung Hoa cổ phải hiểu là tham gia các cơ cấu chính quyền tiểu quốc của các giòng họ).

- Bình thiên hạ: trong thế giới mới, sự dấn thân của các nhân tố ưu việt mang ý nghĩa đóng góp mọi công nghiệp đặc sắc cần cho sự thăng tiến những gía trị có tính nhân loại, phổ quát. Ngược lại xã hội cũng bảo đảm cho cá nhân những điệu kiện để có thể phát huy cao nhất những sáng kiến tài năng (thiên hạ ở nghĩa cổ là đế quốc Trung Hoa).

Nhân sinh quan Ðông phương về Tu, Tề, Trị, Bình trên  phương diện khách quan bao hàm những ý nghĩa về quyền con người:

1) Cá nhân  cần những quyền tự do cơ bản để học tập, phát triển và củng cố nhân phẩm.

2) Xã hội bảo đảm cho những cố gắng riêng nhằm tìm kiếm phúc lợi bảo đảm hạnh phúc cá nhân và gia đình, làm thăng hoa những tương quan con người của đời sống hợp quần nhằm phục vụ những lợi ích cao hơn lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Quốc gia là chiếc nôi của một tổ quốc trong đó tổng thể những con người cùng chung một nền văn hóa kết hợp và chia xẻ sự thịnh vượng chung.  Quyền tư tưởng chính trị biểu hiện cho thiện chí phục vụ, nhận lãnh trách nhiệm, chịu phê bình và phán xét hơn là rút tỉa ở đó những quyền lợi riêng tư cho bản thân từ địa vị đã có.

3) Những con người ưu tú và khao khát sự vĩ đại sẽ từ căn bản đó vượt biên giới quốc gia, đem sở đắc đặc biệt của mình đóng góp cho sự thăng tiến của nhân quần xã hội,  tăng cường sự tương trợ,  đóng góp của mỗi quốc gia vào sự ổn định và thịnh vượng của nhân loại.

Với ý nghĩa đó, ý chí tu thân, hoàn thiện con người làm cho nó hữu ích đối với gia đình và nhân quần xã hội đã bao hàm trong đó một tương quan xã hội gắn bó nhau bởi sự tương kính và cùng chia xẻ những giá trị chung. Tuyên ngôn ngày 05 Fructidor An III (1795) của Pháp cũng đã khẳng định những bổn phận của con người như sau: “sẽ không có những công dân tốt nếu không có đứa con ngoan, người cha gương mẫu, người anh, người em, bạn bè tốt và người chồng người vợ mẫu mực”.  Ðiều 9 ghi rạch ròi về công ích và bổn phận "tất cả mọi công dân phải hiến dâng công sức mình cho tổ quốc, và cũng phải phụng sự cho sự bảo tồn tự do, công lý và phúc lợi chung bất cứ khi nào Tổ quốc cần đến, và luật pháp kêu gọi y ta"(12)

 

 C2- Con Người Thăng Hoa - điểm gặp gở giữa Ðông và Tây?

Cùng đắm chìm trong bóng tối lâu dài của tư tưởng phong kiến, các xã hội phương Tây đã nhờ những tư tưởng hiện thực và phương pháp luận khoa học tiến dần tới Thế kỷ Ánh Sáng để làm cuộc cách mạng triệt để về nhân quyền và dân chủ, trong lúc phương Ðông vẫn say ngủ trong ý niệm "thiên mệnh" và trật tự phong kiến bất di dịch.  Phương Tây đã giải phóng con người. Nhưng những cơ chế xã hội cũng đã dành cho nó quá nhiều tự do để trở thành tha hóa.  Cá nhân chủ nghĩa vị kỉ nô lệ hóa con người với chính mình và làm đánh mất tính nhân bản trong tương quan giữa con người với con người. Cái nhìn thấu suốt của người phương Tây cũng không khác mấy quan điểm Ðông phương về con người thăng hoa. Tác giả Hannoun trong tuyển tập "Les Droits de l'Homme en question-La Documentation Française" khi khảo sát về khía cạnh quyền con người với tính tương thuộc và tương trợ đã định nghĩa ngắn gọn là nhân quyền chỉ có bởi sự tổng hợp của hai yếu tố Nhân phẩm và tinh thần Trách nhiệm:

- Nhân phẩm chỉ xuất hiện khi con người được đối xử như một cứu cánh chứ không phải là phương tiện; như một con người có tư cách chứ không phải một thành tố cá thể của một cổ máy.

- Sự bảo đảm chắc chắn nhất cho quyền của tha nhân là sự trói buộc của những bổn phận (nghĩa vụ) mà mỗi cá nhân phải tự đặt cho mình, cọng với ý thức rõ ràng về những nghĩa vụ hổ tương. Không có những điều kiện đó, sẽ không bao giờ có sự đoàn kết đúng nghĩa.

Hai ý niệm căn bản này sẽ xây dựng một xã hội dân sự sinh động. Con người có nhân phẩm và ý thức được tinh thần trách nhiệm sẽ đóng góp những tài nguyên qúi báu cho sự thăng tiến của xã hội đó, ngược hẵn ý niệm công bằng cứng ngắc chỉ thôi thúc họ đòi hỏi, thay vì đóng góp. Tinh thần trách nhiệm ở chính con người thành viên sẽ khuyến khích khuynh hướng tự phát những cơ cấu tương thân tương ái trong xã hội, làm nảy nở những sáng kiến tư nhân,  đặt căn bản cho sự  phát triển xã hội từ gốc đi lên.

Nhà tư tưởng chính trị Marcel Gauchet trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Le Point (số 1220 tháng 02.96) cũng đã phát biểu là chính xã hội chúng ta đang sống đã ý thức trở lại sự cần thiết của một nền đạo đức. Nhưng phải là một thứ đạo đức mới thiết lập bởi sự đồng thuận của các cá nhân và chỉ do tính chất kết ước mà có. Quan điểm đó trùng hợp với vấn nạn mà Luc Ferry đặt  ra  “đạo đức công dân có tồn tại chăng” trong khung cảnh triết lý cá nhân lạnh lùng, khắc nghiệt của nền Cộng hoà "mày phải" (đóng góp),  do đó “mày có thể” (đòi hỏi) Ý nghĩa của công ích đã từ lâu nhường bước trước lô gích cá nhân chủ nghĩa, cái ta và sự ngự trị của những quyền lợi cá thể trên quyền lợi chung. Nền đạo đức công dân đó cũng hoàn toàn bị lu mờ giữa muôn vàn những vấn đề trầm kha khác của xã hội như sự xuống dốc các giá trị chính trị-kinh tế, vấn đề kỳ thị màu da, hủy hoại môi sinh,  nạo thai,  những nhiễu loạn của các mạng lưới truyền thông, cuộc chiến đấu để bảo vệ những khuynh hướng thiểu số của xã hội...

Bên cạnh những tiện nghi vật chất của nền văn minh kỹ thuật, các cơ chế dân chủ phát triển cũng biến thái, trở thành mong manh trước mọi đòi hỏi cá nhân hoặc đủ thứ những áp lực nhân danh quyền lợi đa nguyên. Nghiêm trọng nhất là nền dân chủ ấy không còn đại diện hữu hiệu cho quyền lợi tổng thể của cả một xã hội đang có những vấn đề lớn phải giải quyết như Marceau Felden đã viết trong cuốn “La Démocratie au 21è siècle-JC” Latès-Bibliothèque du Futur "nếu gọi nền văn minh là một tổng thể quần chúng cùng chia xẻ một mớ lý thuyết về triết học, tinh thần, trí tuệ và văn hóa được xây dựng tập thể trên những cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị thuần nhất... ta sẽ có một tập hợp những gía trị chung một phạm trù  đại diện bởi các nhà tư tưởng, khoa học, văn nghệ sĩ; thì có thể nói mà không sợ lầm là xã hội kỹ thuật phương Tây không mang tính chất của một nền văn minh. Xã hội đó không chia xẻ những dự kiến, lý tưởng,  những tham vọng lớn; không cả những hành động có tầm cở, mà chỉ là một tập hợp những quyền lợi riêng lẽ, nhỏ nhặt. Tóm lại, xã hội ấy thiếu năng động, không kết hợp vì nó thiếu khả năng đề đạt những mục tiêu có thể kích thích những thế hệ trẻ".

Nền văn minh phương Ðông lại xây dựng trên một qui luật chi phối vũ trụ và con người trong những liên hệ hữu cơ về cấu trúc và vận hành. Tính ưu thắng của công ích trên quyền lợi cá nhân nằm trong trật tự đó và mang tính qui luật khách quan. Nhưng sự ổn định theo nguyên tắc ấy lại được diễn dịch theo những chiều hướng không giống nhau. Qua lịch sử các dân tộc Ðông phương, tổ chức xã hội tuy có khác nhau theo tính địa lý nhân văn, và các hình thái chính quyền luôn có những điều chỉnh cho phù hợp với các thời đại, những thay đổi lớn ít xảy ra. Nhìn chung những tư tưởng chính trị tuy có khác biệt, có tranh luận giữa các trường phái, các khuynh hướng, nhưng hầu như vẫn quanh quẩn trong cái khung trật tự hữu cơ  và nền ổn định phong kiến. Khổng giáo đã áp đặt được kể từ  Ðổng Trọng Thư đời Hán ở thế kỹ thứ 2 trước Công Nguyên một cái khung lãnh đạo chính thống.  Phật giáo tuy phát triển mạnh ở Trung Hoa kể từ thế kỷ thứ 6 sau CN nhưng ảnh hưởng của nó cũng chỉ thuần tôn giáo-văn hóa và luôn tự giới hạn trong lãnh vực phần hồn của quần chúng. Triết thuyết cao diệu của Lão giáo cũng chỉ dành riêng cho một thiểu số ở tầng trên của xã hội. Lão Tử và Trang Chu chối bỏ những hình thái kết hợp và tổ chức xã hội trong tương quan quyền lực, và chỉ nhắm cá nhân con người làm trọng điểm trong cố gắng đạt đến Ðạo và Ðức.

Nhìn chung, ba tôn giáo lớn này cùng tồn tại ở Trung Hoa (và các xã hội Ðông Á khác) như  một phân nhiệm mặc thị có tính chất hữu cơ: Khổng giáo chăm lo chính quyền và mặt cai trị. Phật giáo trách nhiệm phần hồn và đời sau của quần chúng. Lão giáo đối lập với các hình thái động của các tổ chức xã hội-quyền lực, và chỉ nhắm cổ vũ, xây dựng nhân phẩm con người. Nhưng Lão giáo cao siêu quá  nên mất tính đại chúng.

Tương quan trật tự ấy vô hình chung vẫn tồn tại cho đến thời cận đại đã không cho phép những cuộc cách mạng lớn về tư tưởng và khoa học bùng nổ. Xã hội chính trị và nhà nước nói riêng vẫn nằm trong tay Khổng giáo. Xã hội dân sự kết hợp Phật giáo và Lão giáo vẫn bất động, nhân quyền  vẫn tiếp tục bị tước đoạt (ngoại trừ ở Việt Nam thời Lý, Trần sắc thái Phật giáo tổng hợp  đem đạo đức nhập thế đã cân bằng được tương quan chính quyền-quần chúng-đạo đức làm cho các xã hội ấy thịnh trị).

Phân tích như thế để thấy rằng những thực tế xã hội Ðông-Tây qua biến thiên lịch sử không tách rời nhau mà đang có khuynh hướng đi gần lại con người nhân phẩm  như yếu tố quyết định của xã hội. Nó hầu như đang lấy lại chổ đứng của mình từ con người mắt xích của xã hội kỹ thuật. Rút tỉa ra từ kinh nghiệm ấy, nhân quyền VN cũng sẽ là những dự kiến  về con người đi tìm lại nhân cách của chính mình như các xã hội kỹ thuật phương Tây đang cổ vũ:

·        Xây dựng phẩm chất con người qua những căn bản tốt và vững chắc của gia đình.

·        Giáo dục bảo đảm sự phát triển nhân cách phù hợp với hướng tiến và sự hoàn thiện xã hội.

·        Từ gia đình và giáo dục học đường, con người tự suy nghĩ, tự hoàn thiện.

·        Ðạo đức công dân tiếp nối hướng phát triển đạo đức nhân sinh đã nảy mầm từ quá trình hoàn thiện nói trên để khẳng định cho người công dân những bổn phận cho chính mình và đối với người khác.

Khi thực sự đã trở thành thành viên của xã hội, người công dân hoàn thiện đó đã sẳn sàng với trách nhiệm. Một kết ước xã hội mặc nhiên được hình thành với các thành viên khác của xã hội và với cả xã hội. Con người công dân sẽ đóng góp những nghĩa vụ cần thiết với chính mình, gia đình, cộng đồng, và tổ quốc. Mặt khác, nó cũng có quyền đòi hỏi nhà nước và xã hội tôn trọng những quyền tự nhiên, công dân và xã hội của chính mình.

Không ai có thể phủ nhận  được tính năng động  của nền công ích được khẳng định trên nguyên tắc cá nhân có nghĩa vụ đóng góp cho ích lợi xã hội chung ở các nước Ðông Á. Nhưng cũng không thiếu những chỉ trích về nhân quyền, vì con người trong những xã hội đó phần lớn còn bị nhân danh, bị bóc lột. Nguyên nhân chính là phần đông các Nhà nước Ðông Á chưa sắm được chức năng trọn vẹn của nó. Chúng đang đóng vai trò những Nhà nước lâm thời, chuyển tiếp trong tiến trình phát triển dân chủ. Trình độ non trẻ chưa cho phép họ xác lập những hệ thống giá trị tổng hợp bao gồm tính tích cực của tư tưởng truyền thống và những thành tựu của các nền văn minh khác trên căn bản một nền đạo đức mới. Chính những sai biệt đó đã làm bùng nổ những khủng hoảng. Tuy nhiên tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo đã bắt đầu ý thức rõ về quyền con người - tư cách công dân, những yếu kém lãnh đạo đang được điều chỉnh, hướng phát triển thị trường liên kết với hoàn thiện dân chủ đang được khẳng lập, cuộc khủng hoảng đang được chế ngự và sự hồi phục chớm hiện ở các nước Thái Lan,  Ðại Hàn. Yếu tố con người đã xuất hiện. Phần còn lại là vấn đề cơ chế. Các nhà nước hiện tại phải trải qua thời kỳ lột xác, dân chủ hoá đúng mức để có thể đảm nhiệm chức năng thiêng liêng của mình đối với quyền lợi chung của quần chúng.  Thế cộng sinh hỗ tương giữa nhân phẩm Công dân (vì công ích), và Trách nhiệm của Nhà nước (phát huy những ích lợi công cọng để phục vụ trở lại cho người  dân) là phương trình của một thế phát triển ổn vững.

Nhiệm vụ của nhà nước vì vậy nằm gọn trong hai mục tiêu rõ rệt:

·        Tạo những điều kiện thuận lợi để thăng tiến và hoàn thiện con người bằng các chính sách văn hóa, giáo dục cởi mở và có tính khoa học thích nghi với xã hội.

·        Ðiều chỉnh dần những cấu trúc chính trị-kinh tế làm sao cho công bằng xã hội có thể xuất hiện song hành với phát triển.  Sau những bảo đảm dân chủ cho những quyền tự nhiên và công dân, cơ chế xã hội từ tính chất năng động tự phát của nó sẽ mang lại cho quần chúng công dân những quyền lợi xã hội thiết thực.

Ðây sẽ là bước cuối cùng trong tiến trình chuyển hóa của Nhà nước để đi đến một nền dân chủ đích thực. Suy tư ấy sẽ không dễ dàng cảm nhận nơi một tầng lớp kẻ sĩ Ðông Á sẳn sàng  dấn thân nhưng tâm thức còn mang  nặng những ước lệ cổ của tương quan quyền lực. Tuy nhiên, khi mà các tư tưởng tự do sẽ được thẩm nhập thích đáng vào các xã hội có kỹ cương, thiên niên kỷ thứ 3 có lẽ sẽ chào đón các nước Ðông Á như những tân quốc gia có đầy  đủ tư cách của mọi sự tiến bộ.

------------------------------------------------

CHÚ THÍCH:

     (1) José Feron- Les Droits de l'Homme- NXB Hachette.

     (2) Dictionnaire de La Pensée politique- NXB Hachette.

     (3) Stéphane Rials - Déclaration des Droits de l'homme et du Citoyen - NXB Pluriel.

     (4) Stéphane Rials et Denis Baranger- Textes Constitutionnels Etrangers -NXB PUF.

     (5) Stéphane Rials- Textes constitutionnels Français- NXB PUF.

     (6) Theo Georges Burdeau- Droits Constitutionnels et Institutions politiques- 17ème édition- Librairie Générale de Droit et de Jurisprudence.

     (7) René Cassin- Déclaration de Droit de L'Homme- Le Monde 14.Dec.48 in Les Droits de L'Homme- Anthologie par Christian Biet- NXB Imprimerie Nationale

    (8) Theo David Boorstin- Histoire des Américains- Tome 2 (Naissance d'une Nation)- NXB Armand Colin.

    (9) Textes constitutionnels étrangers đã dẩn ở (4)

   (10) Buchet /Chastel- Guide mondiale des Droits de L'Homme (Bicentenaire de la  Déclaration des Droits de l'Homme et du Citoyen 1789-1989)

  Về VN, theo cuộc điều tra tại chổ thì nhân quyền không được tôn trọng, nhiều khi trầm trọng trong các lãnh vực:

     - Những quyền căn bản: quyền tự do đi lại và cư trú kể cả ra khỏi nước -quyền chống lại mọi giam giử trái phép- quyền bảo vệ khỏi sự tra tấn trong trường hợp bị giam cứu và quyền biện hộ- quyền được dẩn độ xét xử nhanh chóng trước các tòa án- quyền được xét xử vô tư trước các tòa án độc lập- quyền từ chối những lục soát không có trát tòa cho phép- quyền khiếu nại các ức hiếp hà lạm hành chánh- quyền tư hữu chính đáng.

     - Các quyền dân sự chính trị càng bị cấm đoán tệ hại hơn :

    - quyền được tìm hiểu, tiếp nhận, phổ biến tin tức và truyền đạt tư tưởng- không bị kiểm duyệt (thư tín, báo chí, tư tưởng chính trị, quyền ấn loát xuất bản tự do, quyền độc lập của các cơ quan truyền thông TV, Radio)- quyền tự do tôn giáo (tin tưởng và hành đạo-chống lại sự áp đặt một tôn giáo hoặc ý thức hệ ở trường học-quyền chính trị-đối lập, tự do lập hội, đảng phái chính trị-tự do ứng cử, bầu cử).

      (11) J.D. Aarnaud -l'Europe de la Démocratie Chrétienne- Editions complexes.

(12) D.Bercis -Guide des Droits de l'Homme- la conquête de la Liberté- NXB Hachette.

 

Phụ lục 1: 

CÔNG ƯỚC LHQ VỀ NHỮNG QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

Năm 1948 Bản Tuyên ngôn QT Nhân quyền đã được Ðại Hội Ðồng LHQ thông qua. Tuy nhiên vì không có hiệu lực thi hành như luật, nên năm 1976, Hội Ðồng phải biểu quyết Công Ước Quốc Tế liên quan đến những quyền Dân Sự và Chính Trị nhằm chuyển những nguyên tắc căn bản thành những điều khoản khả thi bảo đảm bằng công ước. Ðiều này đã định chế hoá  những điều khoản pháp lý nơi tất cả các quốc gia ký kết. Ðầu năm 1983, khoảng 76 quốc gia đã ký kết hoặc phê chuẩn công ước này.

 

Chương I

Ðiều 1

1- Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mạng mình. Từ đó, họ tự do định đoạt thể chế chính trị, và tự do bảo đảm sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của mình.
2- Các quốc gia tham dự công ước, kể cả những nước có trách nhiệm quản trị các lãnh thổ không tự trị  và những lãnh thổ giám hộ, được yêu cầu giúp đở việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc, và phải tôn trọng quyền này, phù hợp với các điều khoản của Hiến chương LHQ.

 

Chương II

Ðiều 2

1- Các quốc gia ký kết công ước phải cam kết tôn trọng và bảo đảm cho tất cả cá nhân sống trên lãnh thổ thuộc quyền họ mọi quyền được thừa nhận bởi công ước này, không phân biệt về chủng tộc, sắc da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị và mọi thứ quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, có tài sản giàu hay nghèo, nơi chốn xuất thân, hoặc về bất kỳ thân trạng nào khác.

2- Các quốc gia kết ước phải cam kết thực hiện, trong khuôn khổ những thủ tục hiến định và phù hợp với công ước,  những điều khoản cho phép hội nhập mọi biện pháp dù có tính lập pháp hay không, nhằm hiệu lực hoá những quyền được công ước thừa nhận nhưng có thể chưa được áp dụng.

3- Các quốc gia thành viên của công ước phải cam kết :

a) Bảo đảm rằng mọi người mà nhân quyền và quyền tự do được công ước thừa nhận, trong trường hợp bị ức hiếp, dù là bởi những nhân viên hành xử công vụ, được quyền kêu nài.

b) Bảo đảm rằng các cơ quan thẩm quyền, tư pháp, hành pháp hay lập pháp, hoặc tất cả các cấp thẩm quyền nào khác qui định trong Luật pháp quốc gia, phải ấn định rỏ ràng quyền cá nhân được kêu nài và  khai triển những khả năng khiếu tố trước tòa án của họ.

c) Bảo đảm rằng các cơ quan thẩm quyền phải xúc tiến tốt đẹp mọi khiếu tố một khi đã được công nhận là chính đáng.

Ðiều 3

Các quốc gia thành viên công ước phải cam kết bảo đảm quyền của mọi người, trong bình đẳng nam nữ, được thừa hưởng tất cả mọi quyền dân sự và chính trị công bố trong công ước.

 

Chương III

Ðiều 6

1- Quyền sống gắn chặt với cá nhân con người. Quyền này phải được luật pháp bảo vệ. Không ai có quyền tước đoạt đời sống cá nhân.

2- Trong các quốc gia mà tội tử hình chưa được hủy bỏ, bản án tử hình chỉ được tuyên cho những tội phạm nghiêm trọng nhất, phù hợp với luật pháp hiện hành lúc phạm tội, và không trái với các điều khoản của công ước, cũng như Hiệp ước ngăn ngặn và trừng trị nạn diệt chủng. Tội tử hình chỉ được áp dụng do một phán quyết chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.

3- Khi mà việc tước đoạt quyền sống cấu thành nạn diệt chủng, dĩ nhiên không một điều khoản nào của công ước này lại có quyền cho phép một quốc gia thành viên được quyền ban hành những biệt lệ, bằng bất kỳ hình thức nào, trên những nghĩa vụ qui định bởi những điều khoản của Hiệp ước về việc ngăn chặn và trừng trị nạn diệt chủng.

4- Tất cả mọi người lãnh án tử hình có quyền xin ân xá, ân giảm. Việc đình hoản, ân xá, ân giảm tội tử hình có thể được chấp thuận trong mọi trường hợp.

5- Án tử hình không được tuyên cho những tội phạm dưới 18 tuổi và không thi hành với phụ nử đang mang thai.

6- Không một  khoản nào của điều 6 này có thể được viện dẫn để trì hoản hoặc ngăn cản việc hủy bỏ án tử hình ở các quốc gia thành viên của công ước.

Ðiều 7

Không ai phải chiụ tra tấn, hành hình hoặc đối xử bạo ngược, vô nhân đạo hay bất xứng. Ðặc biệt, tuyệt đối cấm việc áp đặt một cá nhân, mà không có sự ưng thuận của họ, chịu thử nghiệm y khoa hay khoa học.

Ðiều 8

1-Không ai bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và các hình thức đối xử như nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.

2- Không ai bị bắt buộc phải phục dịch người khác.

Ðiều 9

1- Mọi cá nhân đều có quyền tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt bớ và bị cưởng bức giam cầm. Không ai bị tước đoạt quyền tự do, mà không có lý do chính đáng hoặc phù hợp với các thủ tục luật định.

2- Mọi cá nhân khi bị bắt bớ phải được thông tri tức khắc lý do và phải nhận được trong thời hạn nhanh nhất tất cả những luận cứ buộc tội.

3- Mọi cá nhân bị bắt bớ hoặc giam cầm vì vi phạm hình luật phải được dẩn giải trước quan toà hoặc một thẩm quyền được luật pháp thừa nhận chức năng pháp lý, và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý, hoặc cho tự do. Việc giam cứu chờ xét xử không đặt vấn đề nguyên tắc, nhưng việc cho tự do tạm có thể phụ thuộc vào những bảo chứng cần thiết đảm bảo việc đương sự trình tòa, hiện diện trong mọi bước thủ tục qui định khác, và trường hợp cần thiết, để thọ hình.

4- Bất kỳ ai cảm thấy mình bị tước đoạt quyền tự do cá nhân bởi bắt bớ hay giam cầm có quyền khiếu tố trước tòa án để tòa này xác định vô thời hạn tính chính đáng của việc giam giữ và ra lệnh thả tự do nếu việc giam cầm trái phép.

5- Mọi cá nhân bị bắt bớ hoặc giam cầm trái phép phải được bồi thường.

Ðiều 12

1-Bất kỳ ai sống hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia có quyền tự do lưu thông và cư trú.
2- Tất cả mọi người đều có quyền rời bỏ bất kỳ một xứ sở nào, kể cả xứ sở của mình.
3- Tất cả nhửng quyền kể trên chỉ bị hạn chế nếu có dự trù trong luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cọng, an sinh hay đạo đức chung, hoặc vì quyền tự do của người khác phù hợp với các quyền khác ghi trong công ước này.

4- Không ai bị cấm cản một cách trắng trợn  quyền nhập nội vào xứ sở mình.

Ðiều 14

1- Tất cả mọi người đều bình đẳng trước các tòa án tư pháp. Mỗi cá nhân đều có quyền biện hộ công khai và công bằng trước các tòa án có thẩm quyền, độc lập và toàn năng do Luật thiết lập để tòa án này có thể quyết định tính chính đáng và có cơ sở vững chắc của các cáo trạng buộc tội hình sự đối với y hoặc các bác khước  quyền lợi và nghĩa vụ cá nhân  trong lãnh vực dân sự. Phiên tòa xử kín có thể được tuyên bố trong suốt vụ án hoặc một phần vụ án vì lợi ích bảo vệ phong hóa, trật tự công cọng hoặc an ninh quốc gia trong xã hội dân chủ; hoặc  vì yêu cầu giử kín đời tư các đương sự đòi hỏi; hoặc tòa án xét thấy cần thiết, hoặc vì những ngẩu cảnh đặc biệt của vụ việc, tính công khai sẽ làm tổn hại đến công lý. Tuy nhiên, tất cả mọi phán quyết về hình sự  cũng như dân sự phải công khai, ngoại trừ khi quyền lợi của trẻ vị thành niên đòi hỏi phải làm cách khác, hoặc là khi vụ án dính dấp đến những xung đột hôn phối hoặc với chế độ giám hộ trẻ em.

2- Mọi cá nhân bị kết án vì tội hình sự được xem như vô tội cho đến khi tội danh được thiết lập công khai.

3- Mọi cá nhân bị cáo buộc vi phạm tội hình sự đều có quyền ngang nhau được có những bảo đảm tối thiểu như sau:

a) Ðược thông tri trong thời hạn ngắn nhất, qua thứ ngôn ngữ mà đương sự có thể hiểu được với đầy đủ chi tiết về bản chất và lý do cáo buộc.

b) Có đủ thời gian và những tiện nghi cần thiết để chuẩn bị bào chữa, và có thể thông đạt với ban cố vấn mà đương sự chọn.

c) Ðược xét xử không quá trể nải.

d) Ðược hiện diện trong vụ xử và chính mình tự biện hộ hoặc tự do chọn người bào chửa; nếu cá nhân không có ai biện hộ, đương sự phải được thông tri là do lợi ích công lý đòi hỏi, đương sự có quyền có người bào chửa miển phí nếu hắn không có tiền trả.

e) Ðược chất vấn hay nhờ chất vấn các nhân chứng buộc tội và được quyền có nhân chứng bào chửa trong cùng một điều kiện với những nhân chứng buộc tội.

Ðiều 16

Mọi người đều được thừa nhận tư cách pháp nhân.

Ðiều 17

1- Không ai phải chịu những xâm phạm, do cưởng bách hay có tích chất bất hợp pháp, vào đời tư, gia đình, cư sở hay thư tín, cũng không thể bị làm nhục hoặc lăng mạ bất hợp pháp.
2- Cá nhân có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm hoặc thiệt hại như trên.

Ðiều 18

1- Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tri thức và tự do tôn giáo; quyền này bao hàm cả tự do được chọn lựa một tôn giáo hoặc niềm tin, cũng như quyền tự do hành đạo và thể hiện niềm tin, thông qua sự thờ phượng, hành lể, học đạo hay dạy đạo, với tư cách cá nhân hay cộng đồng, ở nơi công cọng hay trong nhà riêng.

2- Không ai phải bị cưởng chế tự do được sống đạo, theo đạo và tự do lựa chọn niềm tin.
3- Quyền tự do hành đạo hay thể hiện niềm tin chỉ phải chịu những hạn chế do luật dự liệu bởi nhu cầu bảo vệ an ninh, trật tự và an sinh công cọng hoặc vì nhu cầu đạo đức, quyền tự do và những quyền cơ bản của kẻ khác.

4- Những quốc gia thành viên công ước phải cam kết tôn trọng tự do của các bậc cha mẹ, và trường hợp cần thiết, những người giám hộ trong việc bảo đảm sự giáo dục tín ngưởng và đạo đức cho con em phù hợp với niềm tin riêng của họ.

Ðiều 19

1- Không ai phải lo sợ về những quan điểm của mình.

2- Mọi người đều được tự do diễn đạt; quyền này bao gồm tự do nghiên cứu, tiếp nhận và phổ biến những tin tức và mọi  thể loại tư tưởng dưới dạng nói, viết, in ấn, hay nghệ thuật hoặc mọi dạng khác tùy thích mà không hề có một ngăn cấm nào.

Ðiều 20

1- Tất cả mọi tuyên truyền làm lợi cho chiến tranh đều bị luật pháp cấm chỉ.

2- Mọi kêu gọi thù hận dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo nhằm khơi dậy sự phân biệt, thù nghịch hay bạo lực đều bị luật pháp cấm chỉ.

Ðiều 21

Quyền tập họp hòa bình được công nhận. Sự thực thi quyền này chỉ bị hạn chế phù hợp với khuôn khổ luật pháp xét thấy cần thiết cho xã hội dân chủ, vì quyền lợi an ninh quốc gia, an toàn, trật tự công cọng hoặc nhằm bảo vệ an sinh, đạo đức chung hay quyền lợi, tự do của kẻ khác.

Ðiều 23

1- Gia đình là thành tố tự nhiên và căn bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ.

2- Quyền kết hôn và xây dựng gia đình được thừa nhận cho đàn ông và đàn bà đến tuổi trưởng thành.
3- Cuộc hôn nhân trở thành vô hiệu nếu không có sự đồng ưng thuận của hai người hôn phối.
4- Các thành viên ký kết công ước phải có những biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và bổn phận của các bên hôn phối trước, trong đám cưới và sau khi bải hôn. Trong trường hợp hủy bỏ cuộc hôn nhân, phải có những điều lệ bảo đảm cho con cái được bảo vệ đúng mức.

Ðiều 24

1- Trẻ con, không phân biệt sắc da, giới tính, ngôn ngử, tôn giáo, quốc tịch gốc, thành phần xuất thân giàu nghèo, đều có quyền được gia đình, xã hội, hay nhà nước bảo vệ những điều kiện sống cần thiết của kẻ vị thành niên.

2- Mọi đứa trẻ được sinh ra đời phải được đăng ký vào sổ bộ và phải được đặt tên.

3- Mọi trẻ thơ đều có quyền có một quốc tịch.

Ðiều 25

Mọi công dân đều có quyền và có khả năng, không phân biệt như đã dự liệu ở điều 2, và không bị những ngăn cấm vô lý trong việc

a)  Dự phần quản lý những công việc chung, hoặc trực tiếp, hoặc qua trung gian những đại diện do chính họ chọn lựa.

b) Ði bầu và được bầu trong các cuộc bầu cử định kỳ có tính phổ thông đầu phiếu bình đẳng, hoặc bầu kín; nhằm bảo đảm quyền tự do chọn lựa của cử tri.

c) Ðược tuyển dụng làm công chức, trong những điều kiện bình đẳng cho mọi người.

Ðiều 26 Tất cả mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật  và được luật pháp bảo vệ ngang nhau không phân biệt. Bởi mục đích này, Luật pháp phải ngăn cấm mọi sự phân biệt và bảo đảm hữu hiệu cho mọi người được ngang nhau chống lại mọi hình thức phân biệt, nhất là về chủng tộc, sắc da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc tất cả các quan điểm khác về quốc gia, xã hội, về tình trạng giàu nghèo, chổ xuất thân hoặc tất cả các thân trạng khác.

Ðiều 27 Trong tất cả các quốc gia có sự hiện hữu những cộng đồng thiểu số về sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, mọi cá nhân trực thuộc các nhóm thiểu số này không thể bị tước đoạt, cùng với các thành viên khác của nhóm, quyền được có một  đời sống văn hóa, nghề nghiệp riêng, quyền được theo đạo hay xử dụng ngôn ngữ riêng của họ.

 

- Hết Chương II -

 

Xem tiếp Chương 3 :

Về một chế độ Dân chủ Xã hội

 


Về một

NỀN DÂN CHỦ
PHÁP TRỊ VIỆT NAM
 

LÊ MINH VĂN

PHẦN I
QUAN ĐIỂM

CHƯƠNG I
Nền văn hoá chính trị Việt Nam
Khổng Giáo và Trung Quốc.

C1A. Khi nước Tàu thức giấc.

C1B. Khẳng lập một nền
Văn Hoá Chính Trị mới cho VN.

C1C. Xây dựng một nền Giáo Dục
thích hợp cho dân chủ hoá.

CHƯƠNG II
Nhân quyền, Nhân phẩm và
những tương quan Chính tri-Xã hội.

CHƯƠNG III
Về một chế độ Dân chủ Xã hội.

PHẦN II
VIỆT NAM VÀ CÁC VẤN ÐỀ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ  PHÁP TRỊ.

CHƯƠNG IV
Hiện tình Chính trị VN - Sự chuyển hoá như một quá trình tất yếu.

CHƯƠNG V
Diễn tiến Hoà bình và Dân chủ hoá.

CHƯƠNG VI
Nền Dân chủ và vấn đề Bảo hiến.

CHƯƠNG VII
Tản quyền hành chánh và
Phát triển bền vững.

CHƯƠNG VIII
Cấu trúc chính trị Dân chủ:
Đảng phái và Bầu cử.

PHẦN III
VIỄN TƯỢNG MỘT NỀN
DÂN CHỦ DIÊN HỒNG.

CHƯƠNG IX
Mẩu hình chuyển tiếp
-Nhìn lại một quá trình-

CHƯƠNG X
Nền dân chủ trong giai đoạn ổn định
Nhận định về Tổng thống chế
 và Chế độ Lập pháp.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.