.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Em không phải là tạo sinh, mà chỉ là biểu hiện (Nhất Hạnh)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

n Học

Diễn Đàn

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

Giữ thân cho mẹ - Giữ nước cho cha

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Văn minh & Văn hóa    

Tâm sự cây đàn Tỳ Bà Việt Nam

  • PSN 16.08.2014 | Trần Văn Khê

 

I. Tổ tiên tôi gốc người Hoa
Cùng chung một số phận với Chị đàn Tranh, mà Chị càng ngày càng được muôn người ưa chuộng, bao nhiêu thiếu nữ xinh đẹp khắp ba miền Bắc Trung Nam nâng niu, chăm sóc, ôm trong tay, để trên đùi, còn tôi chỉ được một số ít nhạc sĩ miền Trung chiếu cố, toàn là những nhạc sư lớn tuổi của dàn Nhã nhạc cung đình ngày xưa còn sống, hay những thầy dạy đàn Tỳ bà, các cụ trang nghiêm có mặt trong dàn ngũ tuyệt của ca Huế. Còn tại miền Bắc, miền Nam ngày nay số người biết sử dụng tôi theo phong cách truyền thống Việt Nam, chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 


Nhạc sư Bửu Lộc đờn tỳ bà            Phạm Thúy Hoan đờn tỳ bà           Hải Phượng đờn tỳ bà  


Tôi nói cùng chung số phận, vì Chị đàn Tranh cũng như tôi lần đầu tiên được nêu danh trong sách sử, khi ông Lê Tắc ghi trong quyển An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần trong đó có Chị đàn Tranh, và tôi cạnh đàn cầm 7 dây và cây “song huyền” đàn hai dây mà không biết rõ là đàn Cò, đàn Nhị hay đàn Nguyệt, đàn Kìm.

Cùng chung số phận vì chúng tôi không được như anh đàn Đáy hay chị đàn Bầu, do người Việt chế tạo, có truyền thuyết ghi lại xuất xứ của mình, sanh đẻ, lớn lên tại nước Việt. Còn chị đàn Tranh và tôi trong gia phả chép rằng tổ tiên chúng tôi từ Trung Quốc sang nước Việt, có thể trước khi ông Lê Tắc nhắc đến chúng tôi, vì khi các thợ chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Vạn Phúc, tại Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh, có chạm tôi giữa hai nhạc công dùng ống sênh, và ống tiêu thổi dọc. Chị đàn Tranh có vóc dáng mà không thấy những con nhạn căng dây, đứng giữa hai nhạc công thổi ống sênh và ống sáo ngang.
 


Chạm khắc dàn nhạc tại chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích – Bắc Ninh
 

Lúc đó là dưới triều đại Nhà Lý. Các nhà khảo cổ cho rằng Chùa Phật Tích được xây vào thế kỷ thứ 10. Như vậy là Chị đàn Tranh và tôi đã được du nhập vào nước Việt, được dân Việt cho nhập tịch và sử dụng, rồi truyền lại cho con cháu, từ đời nầy sang đời khác. Chúng tôi đã chịu thử thách của thời gian, hơn ngàn năm, đã nói được trung thực tiếng nhạc của dân Việt, chúng tôi mới sống sót đến ngày nay. Không phải như anh đàn “Cầm”, cùng có mặt trong dàn tiểu nhạc do Lê Tắc ghi lại, sau nổi danh một thời dưới nhà Trần, nhờ có sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép lại sự kiện có Nhạc sư Trần Cụ, thông thạo đàn Cầm và đã dạy cho Thái tử biết đàn Cầm và đá cầu. Nhưng rồi, có lẽ không nói được rõ ràng tiếng nói âm nhạc Việt, đàn Cầm bị chìm trong quên lãng. Ngày nay, không còn thấy ai biết đàn Cầm nữa.

 


Nhạc công đờn Tỳ Bà (bên trái) chạm ở chân cột chùa Phật Tích
 

II. Cuộc đời lận đận lao đao
Suốt đời nhà Trần, không nghe ai nhắc đến hai chị em tôi. Chúng tôi an phận trong dàn Tiểu nhạc dùng trong dân gian.

Qua đời nhà Lê, khi Lương Đăng qui định nhạc cung đình theo mẫu của Nhạc nhà Minh, tôi còn có mặt trong dàn Đường Hạ chi nhạc. Hỏi thăm tìm chị đàn Tranh, thì nghe nói Chị không còn ở trong dàn nhạc nào cả. Tôi rất buồn. Nhưng qui định của Lương Đăng không được ai tán thành cả. Cụ Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với Vua vì sao Người đã từ chức không ở trong Ban lo việc qui định Nhạc Triều Đình, nêu những cái sai của Lương Đăng. Những đại thần am hiểu âm nhạc như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, đều không tán thành những qui chế do Lương Đăng bày ra. Tôi ở trong dàn Đường Hạ chi nhạc mà có được ra mắt triều thần đâu.

Nhưng đến đời Hồng Đức (1470-1497), ba vị Đại thần nói trên chế ra hai đội Đồng Văn và Nhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình. Tôi được biết Chị đàn Tranh cũng như tôi được tuyển vào trong hai đội ấy. Nhưng các Vị Đại thần không muốn giữ tên “tranh” hay “tỳ bà” là tên Trung quốc, nên đặt cho tôi tên “tứ huyền cầm” (đàn 4 dây) còn Chị đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là “thập ngũ huyền cầm”.

Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578) Hai đội Đồng Văn, Nhã nhạc chỉ còn được dùng trong các lễ lớn như Tế Giao, Tế Miếu, Đại triều. Trong các dịp khác, lần lần Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo phường trong dân gian thay thế. Lúc nầy, tôi bị bỏ quên và chị đàn Tranh may mắn hơn tôi được sung vào Đội Giáo phường, góp mặt với đàn Đáy, đàn Trường Cùng làm bằng cây tre dài 3, 4 thước ta, do một bà lão nghệ nhân gõ để giữ nhịp, có trống yêu cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là Quyển Thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ phách có cả sênh tiền. Khi đờn trong cung điện gọi là đi “hát cửa quyền” thì đội Giáo phường có rất nhiều nhạc công đờn ”cầm”, tức là loại đàn dây, trong đó Chị đàn Tranh 15 dây được gọi trở lại bằng tên tộc của mình là đàn Tranh. Và còn nhiều trống to trống nhỏ, ống địch, hải loa v.v..

Nhưng đến lúc cuối đời nhà Lê, chẳng biết ai đã tổ chức lại dàn nhạc trong cung đình, mà lại có một lần thay đổi lớn: Chị đàn Tranh không còn có mặt trong dàn nhạc triều đình. Mà người ta lại tuyển tôi vào để góp mặt với đàn Nguyệt (lúc đó tôi nghe các nhạc công gọi là “cái đàn song vận”, đàn Tam, đàn Nhị, có hai cái sáo, một trống bản, một tam âm la và một sênh tiền. Chúng tôi được gởi sang Trung Quốc để sung vào loại Cửu tấu của Nhà Thanh. Chúng tôi có gặp mấy nhà sử học của Trung Quốc, đến hỏi thăm chúng tôi về tên các nhạc khí, xem xiêm y chúng tôi và ghi chép rõ ràng. Họ nói họ vâng lịnh triều đình ghi lại nhiều chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh, họ chép vào quyển Khâm định Đại Thanh Hội điển sự lệ, (mà trong nước mình có Giáo sư Trần Văn Khê đọc được và ghi lại Quyển số 538, tờ 3b).
 


GS Trần Văn Khê so dây tỳ bà
 

Đến lúc Vua Quang Trung thắng trận Đống Đa xong, gởi một phái đoàn hữu nghị sang chầu Vua Càn Long, Vua nhà Thanh phong cho Vua Quang Trung tước An Nam quốc vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc chúng tôi là ”An Nam quốc Nhạc”.

Tuy sống xa đất nước, chúng tôi cũng nghe ngóng tin tức nơi nước nhà. Khi biết Chúa Nguyễn Ánh, thống nhứt bình định đất nước lấy tên nước là Việt Nam sau khi Ngài lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, từ năm 1802, chúng tôi hiểu tại sao người Trung Quốc đổi tên chúng tôi lại là “Việt Nam quốc nhạc.”

Tôi có dịp về nước, trong lúc nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình. Lập dàn Đại Nhạc gồm Kèn trống là chánh. Và dàn Nhã nhạc cũng gọi là Tiểu nhạc hay Ti trúc tế nhạc, vì dàn nhạc gồm những nhạc khí mắc dây tơ và cây sáo ngang làm bằng trúc. Tôi vẫn còn được có mặt trong dàn nhạc cung đình còn Chị đàn Tranh lại được trọng dụng trong dân gian và trở thành một nhạc khí quan trọng của nhạc thính phòng. Có khi song tấu đàn Tranh và đàn Nguyệt, tam tấu đàn Tranh, đàn Nguyệt đàn Nhị. Chị đàn Tranh dễ thương vô cùng. Chị yêu cầu tìm tôi và cây đàn Tam để gia nhập với tam tấu của Chị. Chúng tôi thành ban “ngũ tuyệt” của ca nhạc thính phòng Huế.
 


Một dàn Nhã nhạc đang tập dượt trong Hoàng cung Huế. Ảnh chụp vào thập niên 1910. Ảnh tư liệu của Nhà nghiên cứu Phan Thuận An.
 


Đàn tranh thời xưa
 

Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng lúc nầy. Trong triều đình các ông hoàng, bà chúa không ngại ôm tôi vào lòng. Tôi vừa có mặt trong dân gian, vừa được tham gia dàn Nhã nhạc trong Đại nội. Nhưng Chị đàn Tranh được nhiều người ưa chuộng hơn tôi. Các thiếu nữ, con nhà trâm anh thế phiệt đua nhau học đàn Tranh. Mừng cho Chị và cũng lo cho mình.

Tại Huế tôi được nhiều nhạc sư, nhạc sĩ truyền dạy cho các nhạc sĩ trẻ. Các hoàng thân Bửu Lộc, Vĩnh Trân, Vĩnh Phan, đều nổi tiếng danh cầm và biết đàn nhiều cây kể cả đàn Tỳ bà, cũng như nhạc sư nổi tiếng: Cụ Lữ Hữu Thi, Cụ Nguyễn Kế. Tôi được Ông Cả Soạn chăm sóc, truyền nghề cho nhiều nhạc công trẻ tuổi. Ông Cả Soạn đặt tên Binh, Thơ, Đồ, Trận cho 4 dây Đài, Thứ đài, Trung, Tiếu.
 


Từ trái qua phải :
Ưng Dung, Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Ngô Phò, Trần Quang Soạn, Hoàng Yến
 


Hai ông Bửu Lộc và Vĩnh Trân, thuộc hoàng phái
danh cầm về mọi thứ đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nguyệt…
 

Tôi có theo Cụ Trần Quang Thọ, từ Trung di cư vào Nam, sanh con là Trần Quang Diệm, nổi tiếng là Ông Năm Diệm, cũng chuyên đàn Tỳ bà. Ông Năm đặt tên 4 dây của tôi là Tòng, Lan, Mai, Trúc, đúng theo giọng Hò Xang, Xê, Líu.

Hậu duệ của ông Năm là Trần Văn Khê, còn giữ cách đàn của Ông, qua những buổi dạy truyền ngón của Bà Ba Viện, con gái của Ông Năm. Một hôm Trần Văn Khê đàn Tỳ bà và nói chuyện 4 tên Tòng Lan Mai Trúc cho Mộng Trung nghe. Cô em họ cùng một đầu ông cố với Trần Văn Khê, xúc động đã viết ra mấy vần thơ:
 


Trần Văn Khê (đờn tỳ bà) & Mộng Trung (đờn tranh)
 

Bốn dây Tỳ bà
Tùng trong giá buốt vẫn xanh tình
Lan dãi phong trần, áo vẫn trinh
Mai đón ngành xuân, lòng ngát trắng
Trúc noi quân tử chẳng cầu vinh.
Tình xanh, lòng trắng áo trinh,
Gấm hoa chẳng thiết, lợi danh chẳng màng
Tơ mòn thương ấp phím loan,
Đầy vơi tâm sự gởi sang lòng đàn.

                                           Mộng Trung
 

Ngày nay, trong Nhạc viện Hà Nội, và tại Huế, còn có những lớp dạy đàn Tỳ bà. Nhưng dạy theo phong cách đàn mới của Trung Quốc ngày nay. Nhạc khí cũng thay đổi. Những mảnh “tượng” bằng ngà trên đàn xưa để trang trí, nay biến thành phím.
 


Bốn mảnh “tượng” bằng ngà (trên đàn tỳ bà phong cách truyền thống)
 


Đờn tỳ bà phong cách truyền thống (có 4 tượng)
 

Tiếng đàn phi, hưởng, chầy của đàn Tỳ bà xưa, nay ít người còn dùng mà thay vào đó có những kỹ thuật trì tục thay đổi, đánh hai dây ba dây một lượt, có hợp âm, có chạy chữ. kỹ thuật rất cao. Mà kỹ thuật còn dùng để “biểu dương kỹ thuật”. Tôi còn chờ đợi các nhạc sĩ trẻ đem kỹ thuật phụng sự nghệ thuật.
 


Nghệ sĩ Hoàng Cơ Thụy đờn tỳ bà theo phong cách truyền thống Việt Nam
 

Tôi rất vui mừng khi biết rằng Unesco trong năm 2003 đã ghi Nhã nhạc tức Nhạc cung đình Huế vào danh sách các “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Và tôi rất mong rằng người Việt hữu trách ngày nay, biết giữ gìn cái hay cái đẹp của thời xưa và “phát huy” không có nghĩa là đổi mới bằng cách chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài của nhạc phương Tây mà quên cái tế nhị thầm kín bên trong của nhạc cổ Việt Nam.

Tôi còn có mặt trong dàn Nhã nhạc và chẳng biết trong tương lai, các bạn trẻ sẽ cho tôi nói tiếng nhạc gì?

Tại Nhạc viện Hà Nội có nữ nghệ sĩ Mai Phương sang Trung Quốc học đàn Tỳ bà trở về nước, được Nhạc Viện Hà Nội bổ nhiệm làm Giảng viên Trưởng khoa đàn Tỳ bà. Nhưng nghệ sĩ Mai Phương biết kỹ thuật đàn Tỳ bà theo phong cách Trung Quốc rất rành, nên trong lúc truyền nghề dạy cho học sinh thì từ tư thế ngồi đàn cho đến kỹ thuật hai bàn tay (khảy và nhấn) đều giống cách đàn của Trung Quốc. Cô cũng có ý tìm hiểu truyền thống cây đàn Tỳ bà theo phong cách Việt Nam, nhưng có lẽ chưa gặp được Thầy thuyết phục cô. Dầu sao, cô cũng đã tạo được một thế hệ trẻ biết đàn Tỳ bà và sau này trở nên những Giảng viên về Khoa Tỳ bà cho các Nhạc Viện TP. HCM và Huế.

Trong số môn sinh của Nhạc sĩ Mai Phương, có Phạm Thị Huệ là người có tiếng đàn hay nhất. Nhạc sĩ Mai Phương đã dạy Phạm Thị Huệ từ lúc còn nhỏ mới vào Nhạc viện và vì Huệ mồ côi mẹ, cô nhận bé Huệ làm con, đặt tên Phạm Thị Huệ thành Mai Huệ.
 


Nghệ sĩ đờn tỳ bà Phạm Thị Huệ
 

Sau khi ra trường Mai Huệ đỗ cao được giới thiệu làm Giảng viên đàn Tỳ bà cho Nhạc viện Hà Nội.
Tôi rất vui khi biết Giảng viên Mai Huệ có ý tìm học nhạc Việt cổ truyền theo phong cách xưa nhờ gặp được những người Thầy như Bùi Trọng Hiền, Nghệ nhân Kim Sinh, Nghệ nhân Ba Tu.

Tôi bắt đầu nói được tiếng nói âm nhạc Việt Nam theo phong cách Huế (bài “Lưu thủy”, “Kim tiền”) và tiếng nói của đàn Tỳ bà Miền Nam (bài “Dạ cổ”, “Lý con sáo”). Tôi rất vui vì nhờ có nghệ sĩ Mai Phương và Nhạc viện Hà Nội mà trong mấy năm sau này tôi được nằm trong vòng tay của nhiều nữ nhạc sĩ trẻ, đẹp và có tài. Đến khi Mai Huệ soạn Luận văn Thạc sĩ mà tôi là đề tài chính, tôi theo dõi công việc làm của cô và thấy rằng khi so sánh tôi và những nhạc khí cùng loại thì tại Việt Nam tôi có mặt sau những cây đàn Pipa (Trung Quốc và Triều Tiên); Piwa (Nhựt Bổn); kể cả những đàn khác như Barbat (Ba Tư)…

Tôi rất vui vi lần đầu tiên mới có một nhạc sĩ trẻ Việt Nam nghiên cứu về tôi một cách sâu sắc, toàn diện. Nhận xét của cô giống như bài Giáo sư Trần Văn Khê đã viết về tôi gần 10 năm trước và phù hợp với những điều tôi đã biết được khi tôi đi Trung Quốc để tìm nguồn gốc của tôi.
 


Thầy trò GS Trần Văn Khê (trống) & Phạm Thị Huệ (tỳ bà) ứng tác ứng tấu
tại tư gia GS Trần Văn Khê trong đêm sinh hoạt âm nhạc cổ truyền
 

Các bạn ơi! Hôm nay tôi thổ lộ đôi điều tâm sự, nhắc lại những lúc tôi vừa “nhập tịch” âm nhạc Việt Nam.
Nhưng tôi đã có lần đến Trung Quốc, và đã đi ngược dòng lịch sử để tìm nguồn gốc xa xưa của tổ tiên tôi. Chuyến đi tìm nguồn cội đó rất thú vị, dẫn tôi đi viếng các Động Đôn Hoàng (Trung Quốc) và đi dài theo “Con đường tơ lụa”. Và tôi đã ngạc nhiên vì người ta tưởng tôi gốc ở Trung Hoa. Nhưng bạn có biết tổ tiên tôi sanh ra tại nước nào chăng ?

Lần sau, tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe chuyến đi tìm cội nguồn của tôi.

Trần Văn Khê
09/12/2003
 

VĂN MINH VĂN HÓA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.