.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Thư mục Anh Thư

 

Cánh cửa cuộc đời!!!

Cách đây khoảng 20 năm, vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh, tôi gặp một người nữ thân chủ nơi văn phòng làm việc xã hội của mình...

 

- “Em và anh ấy xa nhau gần hai tháng rồi – em đang tìm nơi ở vì họ đuổi nhà mà em không có việc làm để thuê chỗ khác...” - Người đàn bà trẻ khóc sướt mướt trước mắt tôi – dung nhan chị tiều tụy và đôi tay gân guốc tuy chị không gầy lắm – cái gân guốc ấy biểu thị một sự bươm trải và lao động qua nhiều năm qua. Chị nói trong hơi thở, trong nước mắt và trong tuyệt vọng não nề:

 

- “Em có 3 đứa con còn nhỏ - đứa con trai lớn nhất mới 8 tuổi, đứa thứ hai – con gái 6 tuổi và đứa thứ ba mới 6 tháng. Em nghỉ làm việc khi mang bầu 8 tháng và chồng em bỏ em về Việt Nam cách đây khá lâu để tìm vợ bên đó – anh ấy bỏ đi luôn cách đây hơn hai tháng và mang hết giấy tờ riêng. Bây giờ em không biết anh ấy đi đâu – đoán là đi VN - nhưng em không cần giữ anh ấy - chỉ cần tiền nuôi con vì con em không có sữa uống gần cả tuần – hai đứa lớn đi học, không có đồ ăn trưa vì em hết tiền - trường học cho người đến nhà và cuối cùng họ nhờ nhân viên xã hội đưa em đi xin trợ cấp, rồi họ giới thiệu em đến đây xin nhà...”

 

Tôi làm thủ tục và liên lạc những cơ quan xã hội chuyên giúp các gia đình được các trợ cấp cần thiết để thanh toán những chi phí cần thiết. Ở Úc, và ngay trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, chuyện gia đình gẫy đổ, chồng về VN có vợ mới xảy ra như cơm bữa.

 

Vài tuần sau, người đàn bà kia trở lại... cặp mắt thâm quầng vì những cú đấm và trên thân thể toàn những vết bầm của một trận đòn nhừ tử. Chị cho biết chồng chị mới trở về nhà sáng qua thăm con. Chị cho phép anh ta vào nhà. Thấy đói, chị làm cơm cho ăn. Người chồng hạch sách cơm không nóng, canh không ngọt. Chị nổi giận đuổi hắn ra khỏi nhà trong lúc dọn dẹp chén bát. Người chồng cho là vợ mình “dám” hỗn với chồng nên nhảy lại đấm đá vợ túi bụi... rồi bỏ đi khi ba đứa con chạy hết vào trong nhà òa khóc. Người vợ ôm vết thương, nhận ra là mình đã phạm lỗi vì “nặng lời” với chồng... Chị nói: “Nếu em cứ im lặng như từ xưa đến nay thì chưa chc anh ấy đã đánh em như vậy – chắc tại em nên mọi chuyện mới ra như vậy nên em không muốn trình cảnh sát...”

 

Lương tâm của người làm xã hội không cho phép tôi chấp nhận hành động phạm pháp của người đàn ông – dù chỉ là hành động nóng giận. Sau khi làm những thủ tục báo cáo cần thiết cho Bộ Dịch Vụ Gia Đình, tôi dẫn chị đi bác sĩ lấy y chứng và thuyết phục chị được trong việc trình báo cáo cảnh sát.

 

.... 20 năm trôi qua,

 

Tôi vô tình gặp lại người đàn bà đó trong một nhà hàng ăn nhẩm xà vùng Cabramatta. Chị nhận ra tôi dễ dàng vì tôi không thay đổi nhiều lắm – nhưng tôi hoàn toàn nhận không ra người đàn bà tiều tụy trước đây. Chị đẹp trang trọng và chiếc áo lông xù mùa đông làm mọi người có thể đánh giá cuộc sống sung túc của chị. Chị kéo tôi vào một quán cà phê để cả hai trò chuyện dễ hơn:

 

- “ Chị ơi, gặp lại chị em mừng lắm – sau khi chị đổi việc làm, em có nhiều lần tìm chị mà không biết tìm ở đâu – em vẫn còn mang ơn chị nhiều lắm – sau khi ra toà, chồng em bị án không được tới gần em và các con – anh ấy bỏ đi luôn, không bao giờ tìm em nữa – em ở vậy nuôi con cho đến giờ - thằng con em năm nay mới 28 tuổi mà đã làm Phó Giám đốc một công ty lớn – con gái em cũng đang hành nghề luật sư – còn thằng nhỏ nhất đang học đại học”...

 

Ngưi đàn bà có cặp mắt sâu và vành môi son đậm nét, trước mặt tôi bây giờ là một phụ nữ đứng tuổi - duyên dáng – khác biệt hoàn toàn với người đàn bà gặp tôi cách đây 20 năm - Chị hớp một chút cà phê trầm tư:

 

- “Lúc đó, chị khuyên em khai tất cả sự thực cho cảnh sát để họ làm giấy đưa anh ấy ra toà – em không muốn người ta bắt anh ấy – nhưng chị bảo: “luật pháp bảo vệ mình... còn chuyện vợ chồng cho dù yêu thương hay giận hờn nhau, thì người chồng cũng phải hiểu việc đánh đập làm khổ vợ con của họ là phạm luật”.... nhưng em chưa hiểu gì về luật bên Úc - Việt Nam mình đánh vợ là thường. Em còn ngần ngừ, thì chị hỏi em có muốn anh ấy trở về sống chung không - em lắc đầu quầy quậy – “Không, em không thể chịu đựng được bản tính ích kỷ và thiếu trách nhiệm của anh ấy. Em có ba đứa con mà mỗi lần ăn cơm xong, anh ấy không hề đứng lên dọn dùm một cái chén. Anh ấy có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ xem TV, nhưng không buồn trả lời một câu hỏi ngắn của các con – Anh ấy đi đâu cũng được – đúng là “vua” trong nhà – còn em, tay bế tay bồng - xoay trở ngược xuôi - làm tất cả mọi việc như một người đầy tớ không lương...

 

Trầm ngâm vài phút, chị tiếp: “ em nhớ hoài câu chị nói: quá khứ là quá khứ - mình phài sống cho hôm nay – can đảm mà sống thì mới vượt qua mọi khó khăn của hòan cảnh” – và em từ đó đã sống bằng sự can đảm - gặp ông chồng lười biếng và thiếu trách nhiệm như vậy, em nghĩ có cố gắng cách mấy để sống chung cũng chỉ là thừa – em phải sống cho em và cho các con – “Can đảm và dám sống cho chính mình thì con người mới thắng được hoàn cảnh”... và nhờ câu nói đó của chị, em đã thắng được hoàn cảnh cay nghiệt, phũ phàng nhất...”

 

- “Em trải nghiệm cuộc sống lầm than với tất cả cố gắng, nhẫn nhịn và chịu đựng qua gần 10 năm chung sống” – chị nhắc lại : “nhưng tất cả chịu đựng, quả thực cũng bằng thừa. Em phải cố gắng quên anh ấy để lo cho các con, và sống cho chính mình nữa - từ đó, em coi như anh ấy đã chết và không bao giờ muốn cho các con em gặp cha...”

 

Chia tay, người đàn bà và tôi trao đổi số điện thoại để có dịp sẽ còn gặp nhau. Câu chuyện cũng tưởng như thế là xong nhưng một hôm tôi nhận được một lời nhắn trong máy mobile phone của người đàn bà này. Tôi trả lời và sau đó nhận lời đến thăm tư gia của chị trong một ngày cuối tuần...

 

Dừng xe trước một căn nhà to lớn, như một dinh thự, tôi phải móc tờ giấy ghi địa chỉ xem lại để biết mình có lầm nhà không. Sau khi xem đi xem lại, biết là đúng, tôi bấm chuông. Một người đàn bà tuổi chừng 60 ra mở cửa. Tôi hỏi có phải nhà chị Nhung không, người đàn bà gật đầu: “Dạ đúng! bà chủ dang chờ cô vào đó”. Tôi chợt biết người đàn bà lớn tuổi này là người phụ việc - tự nhủ: “Ở xứ Úc này, khác Việt Nam, thuê người làm trong nhà đâu dễ”...

 

Nhung đon đả mởi tôi ngồi chờ trong phòng khách mà kêu người giúp việc rót nước trà mời khách. Tôi hơi chột dạ vì trước mắt tôi là một người đàn bà giàu có, đài các, và nhung lụa – đâu còn chút gì hình ảnh của người mẹ trẻ lếch thếch dẫn ba đứa con nhỏ đi xin tiền trợ cấp cách đây 20 năm.

 

“Nhà đẹp quá!” – Tôi buột miệng khen – “ Thế... Nhung dọn vào đây lâu chưa?” –

 

Nhung cười tươi như đóa hoa hồng mới nở sớm mai: “Cũng chưa được 10 năm - chị biết không, ông xã thứ hai của em mua căn nhà này – ông ấy người Hoà Lan, qua Úc lâu lắm rồi - gặp em vài lần, ông ấy thương đòi lấy liền và lo cho cả ba con em như con ruột – Ông ấy tên David, là thương gia giàu có - em thấy mình sao may mắn quá – nhưng...” Nhung ngần ngừ, gương mặt chuyển qua nét buồn man mác..:“ ông ấy mới mất cách đây 3 năm vì bệnh ung thư. Em khóc hết nước mắt - của cải ông ấy để lại cho em phân nửa, còn phân nửa chia cho hai con gái bên Anh. Hai cô con gái có về thăm ông ấy nhiều lần và rất quý mến em, và các con của em.

 

Tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi biết người đàn bà bất hạnh trước đây bỗng trở thành người may mắn nhất mà tôi gặp trong cuộc sống trầm luân này. Cuộc sống chưa biết khổ lụy tới đâu, nhưng nội căn nhà khang trang lộng lẫy cũng đủ làm ánh mắt người chủ nhà óng ánh những vì sao hạnh phúc, và hãnh diện...

 

Nhung lấy cuốn album gia đình cho tôi xem hình của những người thân trong gia đình. Khi giở đến trang gần cuối, Nhung chợt định lấy tay che một tấm hình nhưng chưa kịp – tôi đoán là chồng cũ của Nhung, cuối cùng chị nhận... và cho phép tôi nhìn kỹ mặt. Đôi mắt tôi hoa lên..., lòng tôi trùng xuống, tim tôi đập cuồng loạn khi thấy gương mặt quen thuộc của người đàn ông trong hình... Tôi phải bụm miệng để không thốt ra câu: “Trời ơi, chồng Nhung hay... chồng tôi?”... quả đất tròn nên người ta có thể gặp nhau bất cứ ở một nơi nào trên thế giới này... nhưng sao quả đất chưa quay đủ vòng tròn mà hai người đàn bà này đã gặp nhau trên cùng một vĩ tuyến, một tỉnh, và trong cùng một cộng đồng tỵ nạn nhỏ bé...

 

Tôi bưng miệng, không thốt nên lời. Nhung nhìn tôi, hỏi dồn:

 

-   “Bộ chị quen anh ấy hả?...”

 

Tôi không biết nên trả lời sao, cuối cùng phải đánh trống lãng:

 

- “À... không - anh ấy trông giống một người quen nên chị nhìn lầm!”...

 

Trên đường về, lòng tôi mang nặng những thê lương – Nghĩ đến người chồng, đã từng là một người đàn ông tệ bạc đối với một người đàn bà có ba đứa con – người đàn ông ấy đã nói dối tôi là cả vợ và ba con đã hoàn toàn bị mất tích khi vượt biên – nay, hắn lại là chồng của mình - và đã sống chăn gối với mình gần 20 năm.

 

Hai mươi năm chung sống, tuy người đàn ông kia vẫn là người “đàn ông” theo tinh thần Việt Nam – có nghĩa là vẫn để cho vợ bưng cơm hầu nước mỗi ngày – ở Úc – tuy được đi làm và học theo cách sống bình đẳng trong quan hệ vợ chồng – nhưng tôi vẫn là tôi: một người vợ hoàn toàn Việt Nam. Anh không bao giờ nặng lời và chưa từng bao giờ đánh tôi – hay là, có lẽ nhờ những án lệnh ADVO (viết tắt của Apprehended Domestic Violence Order) - một án lệnh bắt buộc người chồng không được gần vợ nếu bị cáo giác về tội “bạo hành” trong gia đình – mà đa số đàn ông hiểu luật đều tránh đánh vợ. Chúng tôi yêu nhau, lấy nhau và có tình có nghĩa với nhau. Đối với tôi, anh là người phải lẽ, trọng sự thật và đàn ông tính. Niềm hãnh diện vì có một gia đình êm ấm qua bao năm, nay bỗng dưng bị đông cứng. Hạnh phúc của tôi chênh vênh bên bờ vực thẳm.

 

Cảm thấy mình đã bị đánh lừa gần 20 năm qua làm tôi nhớ lại, chúng tôi tuy làm đám cưới theo mọi thủ tục văn hóa Việt Nam, nhưng vẫn chưa làm giá thú vì chồng tôi vẫn khăng khăng nói: “giá thú đối với anh chỉ là tờ giấy lộn – có cũng bằng thừa - hạnh phúc mới là chính”... và “đã có cưới hỏi như vậy là đã chính thức với mọi người rồi” - nhưng... trong thời gian chung sống, ngoài những chuyện cãi vã bình thường – chúng tôi thực sự yêu nhau và có hạnh phúc.

 

Cả tuần thắc mắc, bồn chồn, khắc khoải... tôi tự hỏi:

 

- “Tại sao anh ấy lại đánh lừa người khác - nhất là vợ mình?”.

 

Hơn tuần lễ day dứt, tôi quyết định hỏi thẳng cho chồng tôi biết về chuyện này. Nếu anh ấy chối... hay dù nhận lỗi, tôi sẽ cấp tốc xin ly dị vì sự tổn thương của người bị đánh lừa quá lớn đối với tôi. Đêm ấy cuối tuần mưa rất to, cả hai vợ chồng thức khuya và tôi đem mọi chuyện nói hết cho chồng tôi nghe. Anh có lúc tái mặt, nhưng có lúc bình tĩnh – sau khi để tôi nói hết, khóc lóc và giận dữ đến điên cuồng, anh phân giải:

 

- “Anh thực sự đã có vợ và ba con. Tất cả vợ con anh đều bị mất tích trong chuyến đi vượt biên cách đây hơn 25 năm. Khi mới qua đây, gặp người đàn bà cũng có 3 con, anh trót yêu và thường xuyên thăm viếng, cho tiền và săn sóc người ấy. Người đàn bà đó yêu anh, đêm nào cũng chờ anh về ăn cơm sau khi anh đi làm vất vả - anh có lúc ở lại đêm, có lúc về nhà riêng...

 

Có lúc, anh đã định sẽ dọn về ở chung và nuôi cả ba đứa nhỏ như con mình. Không ngờ có một hôm anh bị đau nên phải xin phép sở về sớm... buổi sáng 11 giờ, anh tạt qua nhà người anh yêu mà không kịp gọi điện thoại - cửa nhà không gài khoá, anh đi thẳng vào phòng ngủ thì bắt gặp cô ấy đang ăn nằm với một người đàn ông khác. Anh lợm giọng bỏ đi – anh còn nhớ buổi sáng hôm ấy anh điên cuồng lái xe đi thẳng ra bãi biển đến mãi chiều tối mới về. Tối đó, anh còn can đảm đến gặp mặt cô ta để hỏi cho ra mọi chuyện. Khi đến nơi, cô ấy tiếp anh ở phòng khách với đầy vết bầm tím trên mặt và trên hai cánh tay. Được biết người đàn ông kia là chồng cũ của cô ấy trở về, ông ta giận dữ khi biết cô ả có tình nhân, hắn đánh cô tàn nhẫn. Mặc cho cô ta khóc lóc, van xin và khẩn khoãn, anh thẳng thắn báo cho cô ấy biết là anh phải chấm dứt mọi quan hệ tình cảm vì anh không thể quên được hình ảnh người anh yêu đang nằm trong tay kẻ khác.

 

Sau khi bỏ đi, vài hôm sau anh nhận được một giấy báo phải ra toà về việc bạo hành. Anh phải báo cáo tất cả mọi sự thực xảy ra cho cảnh sát biết nhưng toà vẫn không tin báo cáo của cảnh sát – ban đầu, toà tưởng anh mới chính là người đánh cô ấy - Mọi chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng của anh... dĩ nhiên, anh phải tốn tiền luật sư để cãi cho mình ở toà – sau cùng toà hủy bỏ AVO và cho biết là cảnh sát bị hiểu lầm do lời khai loanh quanh, không rõ của người đàn bà – Lời khai thay đổi nhiều lần của người không dám khai tất cả sự thật đã làm thông dịch viên dịch hoang mang, làm cành sát đánh máy báo cáo report sai lên sai xuống, và tòa cũng nhức đầu....

 

.... Rồi từ đó, anh chán đời bỏ đi và không bao giờ gặp lại người đàn bà đó nữa! Anh gặp em một năm sau vụ ra tòa và đâu ngờ, chuyện xưa trở lại”.

 

Tôi há hốc miệng sau khi nghe anh nói – hình ảnh tôi dẫn người đàn bà ra toà - cái ngày trước khi tôi gặp chồng tôi chừng một năm – hiện ra như chuyện ngày hôm qua - hoá ra hai câu chuyện nay thành một. Nhưng câu truyện của chị Nhung khác hẳn câu truyện mà chồng tôi kể - tôi chưa tin, vặn hỏi:

 

- “Thế anh có từng bao giờ là chồng của cô ấy không?”

 

Chồng tôi nhún vai:

 

- “Dĩ nhiên là không - Nếu không xảy ra chuyện ấy thì có lẽ bây giờ anh cũng thành cha của ba đứa nhỏ, con của người đàn bà đó rồi.

 

Nói xong, chồng tôi đưa tôi xem lá thơ của Cao Ủy mà anh đã giấu đi tự bao giờ:

 

- “Anh đã làm mất tất cả giấy tờ hồ sơ khai báo mất tích của vợ con anh – nhưng chỉ còn giữ duy nhất lá thơ Cao Ủy Tỵ Nạn cho biết là vợ con anh hoàn toàn bị thất tung trong danh sách của Cao Ủy”...

 

Tôi ngồi yên thẫn thờ - Những day dứt tan biến – trước mắt, một cầu vòng bảy màu đảo lộn... và một vòng tay ấm kéo tôi vào một khoảng không gian mờ tối... bây giờ tôi đã thoát qua một cơn ác mộng - một cơn ác mộng king hoàng kéo dài suốt 7 ngày qua - như bảy thế kỷ đau thương. Trong áng mây mờ nhạt, sự thực đã bất ngờ bị khai phá – như chiếc kim đang ngủ yên trong áo gối - bỗng nhú ra, đâm nghiến vào da thịt của một người vô tội như tôi.

 

Tôi chìm vào giấc ngủ trong chăn êm nệm ấm, còn nghe văng vẳng tiếng nói thì thầm âu yếm của chồng mình bên tai: “Cuộc đời có nhiều cánh cửa!!! bên này có những cánh bị đóng, thì bên kia, vẫn những cánh cửa đang hé mở đón chờ ”...

 

Bên ngoài, mưa vẫn mưa, bầu trời đêm vẫn phủ dầy mưa sa và gió lạnh.....

 

Anh Thư

12/3/2010


AnhThư:  2/01/2007 Colum Beach, Queensland

ANH THƯ

ANH THƯ hay MÂY HẠ là bút hiệu của một Nữ sĩ hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. Giới thiệu MÂY HẠ là Nữ sĩ, không phải vì Bà là cựu sinh viên Văn Khoa Sài-gòn và tốt nghiệp MA ở Đại Học Sydney, mà đúng hơn, vì Bà là người tha thiết yêu Văn học Việt nam, nhứt là thơ và văn.

Về thơ, MÂY HẠ có được một tuyển tập hơn mươi bài thơ tình cảm vô cùng đạc sắc. Về truyện, Bà còn giữ được một số ít. Thơ và truyện, MÂY HẠ viết để cho chính mình nên chưa phổ biến. MÂY HẠ viết là để sống với văn thơ mà không nghĩ để trở thành nhà thơ hay nhà văn.

Trong đời sống hằng ngày, MÂY HẠ là một viên chức của Bộ Xã Hội tiểu bang NSWcủa Úc.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.