.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Thư mục Anh Thư

 

Mèo hoang ...

“Như những Mảnh Đời Hoang Dã ...

...hay những mảnh tình cho đi

 mà không cần nhận lại” ...                   

 

Mấy gã và mấy ả mèo hoang, không tên, không tuổi - mỗi ngày đi tìm miếng ăn - thấy người ta nhìn mình, sợ hãi, vội chạy trốn trong lùm cây hay chui vào ống cống, đợi khi nào không thấy ai, bèn bò ra ăn vội những thức ăn thừa... đợi mấy cô chú ăn xong, người cho ăn lấy các dĩa dơ đi rửa – nhưng kỳ diệu thay, các dĩa nylon này ”không dơ”, mà đã được rửa sạch boong bằng những cái liếm kỹ càng, từ những chiếc lưỡi nhỏ xíu  và nhám rát - những “khách lạ” này đến nhà người ta, chẳng bao giờ biết xin phép ai, nhưng sao chúng ngoan ngoãn và dễ thương lạ lùng – vì vậy mà niềm yêu  thương giữa chủ nhà và khách “hoang” từ đó đã bắt đầu “đơm hoa kết trái”.

 

Sau ngày tiễn hai ông anh “hờ” về Pháp, mình trở lại nhà với những chương trình mới.  Tiếp khách phương xa tuy có bận, nhưng sau những ngày dồn dập ăn uống, gặp gỡ ... bây giờ khách đi rồi, trong tâm, sao bỗng nghe có một khoảng trống?.  Tối đến, ngồi đánh máy computer bên song cửa, mở emails: chỉ toàn những junk mails, thôi delete chúng cũng đỡ buồn. Xoá hết những bức điện thơ nhảm nhí, qua cánh cửa, mình bỗng thấy một chú mèo con nhỏ xíu, gầy guộc và lông màu xám xịt đang lảng vảng kiếm ăn dưới mấy tàn cây hoa tím trước nhà.  Mình chạy vội vào bếp, gom mấy miếng thịt gà ăn dở, bỏ vào một dĩa sứ có sẵn và len lén đi ra sân nhà để cách chỗ chú mèo khoảng 5-6m và vào nhà, lén nhìn qua cửa.  Chú mèo (hay cô mèo? - mình không biết) từ từ tiến lại và ăn sạch...

 

Mấy ngày sau liên tiếp mình đều bỏ thức ăn ra và thêm vài ba con khác đến ăn – Sau một tuần thử cho những loại thức ăn khác nhau, loại khoái khẩu nhất cho đám mèo hoang là xương gà luộc, không nêm mắm muối hay bất cứ một thứ bột nêm nếm nào.  Mình chịu khó tìm được một vài hàng chuyên bán gà trong những shopping gần nhà – họ bán những loại xương gà nấu súp, chỉ $1 một ký - đủ cho mèo ăn cho hai ngày.  Thôi thì 50 cents mỗi ngày cũng được – chỉ phải mất công đi mua, đem về luộc lấy nước súp nấu canh cho người, và dùng kéo cắt xương cho nhiễn - bỏ ra là các anh các chị mèo tha hồ ăn. Để khỏi tốn nhiều công, mình chỉ cho ăn mỗi ngày một lần, khi trời sập tối - vì ban ngày, mỗi khi thấy bóng người, các chú/cô mèo cắp đuôi chạy biến – không dám mò tới.

 

... Hai tháng đều đặn cho ăn - thời gian mình phải mất mỗi ngày, ít nhất khoảng 2-4 tiếng cơm nước, để lo cho 5 miệng ăn trong nhà .  Không đi làm vài tháng, sau hơn 30 năm mài miệt kiếm cơm, thỉnh thoảng mình đã bắt đầu cảm thấy thời gian rỗng tuếch.  Nay lịch trình đều đặn cho mèo ăn mỗi ngày (sau khi mặt trời khuất bóng) bỗng làm cuộc sống vui hơn, và từ từ đi vào nề nếp -  Đến độ, mỗi khi phải vắng nhà trong những giờ cho mèo ăn, mình phải thu xếp để thức ăn ra trước, hay nhờ người nhà bỏ ra đúng giờ – “Lại thêm một trách nhiệm!” - Nhưng chỉ có tình yêu mới làm người ta cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà không hề than phiền.  Đã vậy, vì sợ mèo chán ăn xương gà, hay bị xương nhọn cắt vào ruột, mình còn lóc thịt, mua cổ gà (tuy đắt hơn, nhưng nhiều thịt, ít xương), hay thay bữa ăn bằng thịt heo, thịt bò, thịt trừu xay nhỏ, và các thứ thịt trong nhà ăn dư.  Thịt càng tươi, càng ngon thì niềm vui càng tăng cho cả người cho ăn và các chú mèo được ăn vì ăn ngon làm cuộc đời càng thêm hương vị.  Đó có phải là cái thú hoà điệu, khi sự đáp ứng giao cảm đúng tần số của người cho và người nhận?  Khi trời tối khuya, mình ra trước vườn nhà thâu lại những chén dĩa cho mèo đi rửa – Chu choa! nhìn những dĩa đựng sạch bóng, nghĩ đến mấy nàng “mì mi mí” đang nằm phưỡn bụng ăn no đâu đó, mình mỉm cười một mình, sung sướng hát thầm: “Oh! my darlings, I love you so much!”.

 

Một điều khác nhau rõ rệt nhất giữa mèo “hoang” và mèo “nhà” là mèo hoang rất sợ người vì chắc chúng đã có lần trải qua kinh nghiệm về bản chất nghiệt ngã của con người – cho ăn để gài bẫy bắt chúng, xô đuổi, hay đánh đập, v.v...  Nếu đói và muốn được ăn, chúng rất nhanh trong việc đánh hơi tìm ăn.  Với đôi mắt sáng và bốn chân thoăn thoắt - đố ai bắt được mấy ả - còn mấy gã mèo thì, khôn ngoan “vốn sẵn tư trời” – so về trí khôn và khả năng sinh tồn, chưa chắc những con người “bằng cấp” có thể sánh bằng.  Vì vậy, muốn biết “ai là ai? – mèo nào cắn miễu nào? ...” thì phải bỏ thì giờ quan sát, nghiên cứu trí khôn của các bạn “vô danh, vô tuổi và vô lý lịch” này...

 

Cho đến nay, mình biết có ba con mi mi, tạm đặt tên là “mì - mi - mí”, đến ăn cơm tối vào mỗi đêm khuya.  Từ cánh cửa sổ bí mật. mình có thể nhìn thấy bữa ăn của các ả, hay các gã mèo.  Chú mèo gặp đầu tiên, mình gọi là “Mì” – là chú mèo, gầy guộc với bộ lông ngắn màu xám tro” -  Mì được tạm gọi là chú vì chàng không đẹp như những ả mèo lông vàng óng ả, hay ba màu mượt mà  gọi theo cảm tính, mà không cần có chứng minh nào về phái tính của Mì: Mì rất gầy, trông đói ăn, và thuộc loại mèo nhỡ... loại choai choai... thân mình chỉ nhỏ bằng hai nắm tay chụm lại -  duy có đôi mắt sáng trô trố, chứng tỏ một bản tính “nhát gan” nhưng nhanh nhẹn.  Hai bản tính này thể hiện rõ ràng - hễ thấy có ai lảng vảng lại gần là Mì chạy biến, nhanh hơn thỏ đế. 

 

Mỗi lần Mì xuất hiện, theo sau thường có một chị mèo trắng vá đen.  “Chị” được đặt tên là “Mi-mi” vì tướng tá khoan thai.  Chị Mi cũng thuộc mèo mới lớn – choai choai, to con hơn chú Mì... trông đàn chị hơn và ... thuỳ mị hơn.  Hai chị em hay rủ nhau đi cùng giờ, chia nhau hai dĩa thức ăn trong cung cách nhường nhịn, ôn hoà.  Khi ăn, chị Mi-Mi cẩn thận nhìn quanh và  giỏng hai tai thám thính, vừa ăn, vừa đảo mắt nhìn tứ bề.  Hễ có động tĩnh gì là nàng phóng đi liền.  Về dung mạo, Mi và Mì khác nhau rất nhiều - nếu là chị em thì cũng ắt phải “cùng mẹ khác cha”. Còn nếu không thì chỉ là bạn bè chứ không thể nào “cùng cha cùng mẹ” - mình ước đoán như vậy. 

 

Một buổi tối trăng sáng – đã quá trễ rồi mà sao chưa thấy hai chị em Mi và Mì tới ăn – mình kéo cánh cửa sổ thật kín và núp sau tấm màn để các cô chú mèo hoang không biết có người rình bên trong.  Trong bóng tối của lùm cây, phản ánh màu trăng bạc lóng lánh, một ông mèo béo phì lủ bước ra.  Ông mèo trông đạo mạo, lông vằn vằn như cọp: rõ ràng tướng tá uy nghi, chững chạc – đoán theo tuổi  chắc phải trên 5 năm - nếu so với tuổi người thì phải khoảng trên 50.  Mình nín thở nép vào song cửa mà mở mắt thật to khi nhìn thấy cổ của “Ông” mèo này có đeo một vòng cổ óng ánh màu đỏ - “Nghĩ tức thật! mình làm thức ăn cho mấy con mèo hoang đói khát, chứ mèo đeo vòng, đeo kiềng đàng hoàng như “vua”, lại phì lủ như “heo” thì công đi chợ, nấu súp, tốn tiền điện nước của mình trôi thành nước cống hết rồi”.  Định chạy ra đuổi “ông mèo” này đi để dành thức ăn cho mèo đói - thì mình lại dằn lòng: “thôi cứ thử chờ xem mọi chuyện tới đâu cái đã?”

 

Tiếp tục quan sát mình thấy ông mèo – (mình đặt tên là “Mí” cho dễ gọi) - bắt đầu hít hà thức ăn trước khi dùng.  Ông Mí có quan cách của một nhà “trưởng giả”, với phong cách quý phái và điềm đạm – ông ăn nhẹ nhàng, liếm láp cũng từ tốn.  Vừa ăn vừa nhìn quanh như tìm kiếm xem có ai đến không - thỉnh thoảng ông ngừng ăn, đưa đôi mắt hiền từ nhìn quanh – như chờ đợi một bóng hình nào khác – Không lâu, một bóng dáng gầy còm xám xịt xuất hiện – mình nín thở rình xem chuyện gì xảy ra: Mì tiến về hai tô đựng thức ăn chưa vơi đi là bao – Ông Mí bèn lùi ra xa, nằm xuống, nhường cho Mì ăn.  Sau đó Mi Mi cũng đến – hai chị em thay nhau ăn, và nhường nhau uống sữa trong lúc ông Mí nằm gần đó, ngắm nghía hai chị em ăn uống no say.  Đôi mắt ông hiền từ và dưới ánh trăng vằng vặc - tình yêu hiện rõ trong đôi mắt tròn vo, trong sáng  của ông – Mình ngắm ba con mèo hoang trước mặt... chạnh nghĩ: chắc chúng cũng phải có liên hệ gia đình (hay biết đâu đó cũng là một gia đình?) – vì nó thể hiện một tình thương gắn bó – chẳng phải chỉ có con người - thú vật cũng có gia đình, có tình thương... chúng đơn giản trong khi con người sống phức tạp hơn vì đa mang thù ghét: thù ghét nhau trong xã hội, thù ghét nhau ngay trong gia đình, hay ngay với cả cái người đang cùng chia chăn sẻ gối với mình.

 

Cứ thế mà tối nào lũ mèo cũng đến ăn – sáng ra lấy dĩa mèo đi rửa, dĩa sạch boong như đã được rửa sạch từ trước rồi – mình hài lòng.  Cách đây vài hôm mình và cô bạn tên Lan rủ nhau đi lên city cho một vụ ra tòa về vấn đề tranh cãi việc làm và sa thải nhân viên – ngày hôm đó nóng 40°C, có khi còn hơn thế nữa.  TV nói năm 2009 là năm nóng nhất từ xưa đến nay tại Úc: Trong hai ngày qua Úc đã có trên 200 đám cháy quanh tiểu bang NSW và Queensland và một máy bay chữa lửa bị đâm vào đám cháy khiến 2 nhân viên chữa lửa bị thiệt mạng.  Lâu ngày được lên city, mình và cô bạn ghé ăn McDonalds và ngồi uống cà phê gần Circular Quay. 

 

Trên đường về, mải mê nói chuyện, hai đứa đi lạc xe lửa lên tuốt Glenfield, rồi phải vòng về Canley Heights lấy xe.  Lan nói: “Mỗi lần đi lạc, mình lại được dịp đi chơi thêm - cuộc đời cứ vui đi, không phải lúc nào cũng phải như đi làm: đi đúng giờ, về đúng giấc” ... mình vỗ tay tán đồng: “That’s right! Đi để mà đi - chứ không phải đi để mà đến! À há, cứ vui là tốt rồi”...

 

Ngồi trên xe mình chợt nghĩ đến mấy con mèo không còn thức ăn hôm nay – Nếu không kịp mua gà trước 5 giờ chiều thì cho mấy mi mi ăn gì.  Lòng mình bắt đầu xốn xang và ưu lo.  Có ai bắt mình làm những chuyện này đâu? – tại sao, tại sao và tại sao? mai mốt vắng mình, ai lo cho lũ mèo hoang? ... rồi những ngày holiday tới, đi xa thì sao?
 


Căn nhà được mèo hoang viếng thăm 

Và quả thực những ngày đi nghỉ hè ỏ Canberra và Melbourne xập tới – mình để dành thức ăn cho lũ mèo chỉ được vài hôm.  Những ngày không có người cho ăn, mấy con mèo ăn gì?, mình thắc mắc dù biết chúng không chết  vì “vắng mợ chợ vẫn đông”... NHƯNG ... Đi xem penguines ở Phillip Island, mình nhớ mèo nhà – xem Gấu mèo Koala ở Melbourne, mình nhớ mèo hoang ở Sydney ... đi ăn bánh cuốn, bánh xèo ở nhà hàng Thanh Hà ở Richmond, mình nhớ “Mì” ở Casula - lạ quá – Có bạn bè, có cả ông xã bên cạnh – vui chơi mà sao mình vẫn không quên được  chú mèo nhỏ bé -  có phải vì “yêu” mà nhớ, có phải vì nhớ ... mà thổn thức... mà muốn bệnh không kià? ....

 

Sau holiday, về lại Sydney, mình rủ ngay bà chị đi Cabramatta mua xương gà để lóc thịt mỡ cho mèo ăn - chờ trời bắt đầu sập tối mình ra trước sân nhà kêu lớn: “Mi Mi ơi ra ăn đi nè”... trong lúc mình âu yếm gọi – Ôi chu cha !!! chú mèo xám xịt tức thì xuất hiện – đúng là “Mì, my darling!” rồi.... Mì nhìn mình bằng hai con mắt tròn như hai hòn bi – Mì không bỏ chạy như những lần khác – Tim mình đập mạnh như gặp lại người tình muôn thưở - bốn con mắt giao nhau trong niềm hạnh phúc vô biên... mình muốn được ôm Mì để vuốt ve âu yếm - nhưng biết chú mèo hoang sẽ sợ hãi chạy mất -  nên ... chỉ đành gởi một nụ hôn gió cho Mì rồi rút vào trong nhà sau khi bỏ dĩa thức ăn thơm phức trên sân.   Nhìn từ trong cửa sổ ra, thấy Mì ăn ngon lành, tâm hồn mình tràn đầy hạnh phúc.

 

Sau ba tháng, cô nàng Mi Mi lớn hẳn ra, nàng trổ mã và trông đẹp gái ra phết – Chú Mì cũng lớn hơn trưóc, nhưng vẫn còn “dẫu dẫu” – mình ước gì Mì cứ như vậy mãi – đôi mắt tròn xoe của Mì ngơ ngác và ngây thơ – nhưng trông đầy vẻ tinh anh, ngổ ngáo, mà dịu dàng ngoan ngoãn – Mì nhìn thấy những người trong nhà: Mì biết từ cái ông nho nhỏ tròn tròn hay đeo mắt kiếng, hay ngồi đánh máy computer bên cửa sổ đến anh chàng tây lai cao nhòng – cũng đeo mắt kiếng, và một ông cao cao khác hay lái chiếc xe van trước nhà –  Mì biết tất cả những người sống ở số 2 Arwon Ave này, và dĩ nhiên, quen thuộc nhất là  “bà chủ nhà” hay cho Mì ăn – “mà sao lạ, chỉ có một mình “bà” ấy cho Mì ăn?” – Mì thắc mắc!!! – nhưng điều  ấy không quan trọng bằng chuyện bây giờ Mì được yên tâm là đêm nào cũng có một dĩa thức ăn và một chén sữa tươi để sẵn - cuộc đời Mì, hạnh phúc giản dị, chỉ có nhiêu đó... và hạnh phúc đó – không ngờ - cũng là hạnh phúc cho người thương mến Mì ...

 

Đêm qua trăng sáng quá, mình nhìn qua cửa kính - chờ đợi cả tiếng - thức ăn ngon để sẵn mà cả tiếng rồi không thấy Mì đến ăn -  Chị mèo Mi-Mi trắng đen ghé qua ăn gần hết rồi mà sao Mì vẫn chưa đến? – mình vào nhà lấy thêm sữa và thức ăn, lòng hoang mang tự hỏi: “Đêm nay, liệu Mì có đến?” ....  Trăng sáng vằng vặc nhưng lòng mình sao nghe như có một vầng mây đen bao phủ?

 

Gần 2 giờ sáng, mình mở cánh cửa sổ nhìn ra - dưới vầng trăng lung linh, mình thấy Mì đang liếm từng giọt sữa trắng đục – nhai ngon lành những miếng xương gà cắt vụn và những miếng thịt gà thơm ngon gần cạn - niềm vui dâng lên, mình vào giường đắp mền, nhắm mắt ... nằm thật yên, nghe tình yêu vỗ về ... để đi dần vào giấc mơ huyền thoại của thời thơ ấu xa xưa ........

 

Anh Thư

6/1/2010

(Mùa Giáng Sinh 2009 & Tết tây 2010)

 


 

… Sáu tháng trôi đi,

 


Mì-Mi-Mí

Nỗi buồn trong mùa Phục Sinh 2010 ...

 

Thế là sáu tháng trôi qua ... bây giờ đâu còn những buổi tối lũ mèo hoang kéo nhau đến góc vườn của căn nhà đối diện Casula Mall Shopping Centre... để ăn tiệc.

 

Nhớ lai thưở ấy ... Đêm nào mèo cũng đến đây - chủ nhà chịu khó mua thêm đèn loại thu ánh sáng mặt trời ban ngày để cắm xung quanh vườn trước, cho những buổi tiệc mèo ban đêm sáng trưng, thêm phần tưng bừng náo nhiệt...

 

Lũ mèo ... xám có, đen trắng có, mèo vằn như cọp, mèo bạc silver, mèo nâu nâu, mèo trắng toát, và mèo vàng ginger kéo nhau đến ăn mặc sức - bàn tiệc có sữa tươi, có xương gà cắt nhỏ, cổ gà, xúc xích, thịt bò xay nhỏ, và có cả cá hộp sardines thơm phưng phức... 

 

Dập dìu trong bóng đêm... có lúc mấy chú /cô mèo đến từng cặp, có lúc đến cả bày ... nhưng có khi, chỉ có riêng một chú mèo nhỏ đi lẻ, đến sớm một mình để được chọn món nào ngon, thì ăn trước ...

 

Khoảng giữa tháng ba, sau vài hôm vắng chủ nhà - lũ mèo ban đêm đến tìm ăn mà chả thấy có gì... nghe nói ông bà chủ đã đi Gold Coast chơi với khách từ Canada ... chẳng ai cho mèo ăn hết

Buồn tình, chúng kéo nhau tìm nơi khác, ... kiếm ăn...

 

10 ngày qua, sau khi từ Gold Coast về - lũ mèo tự nhiên vắng bóng và khu vườn trống vắng ... những buổi tiệc tràn đầy thức ăn, nhưng không có thực khách... chỉ còn duy nhất một con mèo già sót lại, ngơ ngác tìm bạn.

 

Nỗi đau buồn kéo đến và tuyệt vọng dâng đầy trong tim của người chủ nhà - thôi chắc cả đám mèo hoang này bị "ai" bắt mất rồi - nếu không, ít nhất cũng còn một vài con lui tới để kiếm ăn chứ...

 

Nước mắt rơi và nỗi buồn thương nhớ quyện trong sương đêm, ,,, từng đêm, khi người cho ăn thì còn mà kẻ đi tìm thức ăn thì biến mất - thao thức, mong đợi qua mười đêm ngơ ngẩn... "chờ hoài mà chả thấy tăm hơi - mi mi ơi!!!"......

 

Tiệc hoa đăng bỗng thành vô duyên, đèn hoa trơ trẽn, thức ăn lạnh lẽo - suơng đêm quyện lá thu phong... và những con gián tung hoành bu thức ăn, không biết sợ ai......tiệc mèo nay biến thành tiệc gián...

 

Chủ nhà từ đó buồn như sương phụ trong những chuyện xa xưa - mỏi mòn ôm con, đợi chờ người yêu biệt xứ

 

Nước mắt rơi ,, khi nói chuyện với bạn bè - họ cười, mình khóc ... người ta đoán có lẽ "Council" đã cho người đi bẫy hết đám mèo rồi, họ làm vì muốn bảo vệ môi sinh ... vì mấy lũ mèo hoang hay phá làng phá xóm...

 

Nhưng "council" chỉ biết làm phận sự của họ - Họ đâu biết lũ mèo hoang này ngoan lắm - hiền lắm ... và chúng chỉ là mèo hoang ... kiếm ăn xong là biến mình trong bóng đêm - chúng có làm phiền ai, có phá ai bao giờ đâu...

 

....

 

Lũ mèo đi rồi, mỗi đêm, khu vườn chỉ còn ánh đèn lung linh … và rưng rưng nước mắt của một người vừa mất đi một mùa Phục Sinh ...

 

Anhthư

 


AnhThư:  2/01/2007 Colum Beach, Queensland

ANH THƯ

ANH THƯ hay MÂY HẠ là bút hiệu của một Nữ sĩ hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. Giới thiệu MÂY HẠ là Nữ sĩ, không phải vì Bà là cựu sinh viên Văn Khoa Sài-gòn và tốt nghiệp MA ở Đại Học Sydney, mà đúng hơn, vì Bà là người tha thiết yêu Văn học Việt nam, nhứt là thơ và văn.

Về thơ, MÂY HẠ có được một tuyển tập hơn mươi bài thơ tình cảm vô cùng đạc sắc. Về truyện, Bà còn giữ được một số ít. Thơ và truyện, MÂY HẠ viết để cho chính mình nên chưa phổ biến. MÂY HẠ viết là để sống với văn thơ mà không nghĩ để trở thành nhà thơ hay nhà văn.

Trong đời sống hằng ngày, MÂY HẠ là một viên chức của Bộ Xã Hội tiểu bang NSWcủa Úc.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.