.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Tình yêu đôi lứa
qua tình tự văn học dân gian

 

  • PSN 28.8.2010 | Trần Đan Hà

Tình yêu đôi lứa là một nhu cầu cần thiết và quan trọng trong sinh hoạt của nhân sinh. Vì trước khi muốn xây dựng hôn nhân, thành lập gia đình thì sự liên hệ tình cảm giữa người nam và nữ cần phải có. Có hiểu nhau mới cảm thông và đưa đến tình yêu thương. Có thương yêu mới xây dựng hôn phối và bảo đảm được hạnh phúc cho nhau sau nầy. Nhờ vậy mới đem đến sự hòa thuận giữa vợ chồng, gia đình đầm ấm, xã hội thái hòa.

Muốn có được sự cảm thông trong việc hôn nhân, trước hết phải có tình yêu thương. Tục ngữ cũng có câu: "Tình có mặn, nghĩa mới nồng" vì thường vợ chồng chung sống với nhau trước tiên bằng tình yêu, đến tuổi về già, con cháu đầy đàn thì lại sống bằng cái nghĩa. Cùng chung làm bổn phận của cha mẹ để nuôi dưỡng và dạy dỗ con cháu thành người. Làm tròn bổn phận nầy là một nghĩa cử cao quý nhất mà xã hội Việt nam chúng ta thường ca tụng. Nhưng muốn làm tròn bổn phận ấy, con người cũng cần đón nhận và duy trì tình yêu thương, vì đây là năng lực cần thiết để hoàn thành ước nguyện.

 

Tình yêu là chất liệu ngọt ngào đã thấm đậm vào lòng người, như cỏ cây thấm nhuần mưa nắng. Con người sinh ra đời ai cũng phải trải qua những giai đoạn tuần tự trong cuộc sống, sự liên kết giữa những giai đoạn để tạo thành và đi trọn cuộc đời. Nếu dòng đời có trôi xuôi êm ả, như sông chở nước về tưới tắm ruộng đồng; hay phải trải qua bao cheo leo gềnh thác, thì cũng còn tùy vào khả năng dung hòa, những nổ lực kiến tạo cho cuộc sống thăng bằng về mặt tinh thần lẫn vật chất. Tuy tình yêu là một ý niệm, là khi sinh ra chúng ta đã cảm nhận, và gắn liền như một phần của thân thể con người. Cho nên khi nam nữ đến tuổi dậy thì, họ đã cảm thấy bâng khuâng trước một cảnh đẹp của thiên nhiên, hay trước một đối tượng nào mà họ đem lòng yêu mến. Một buổi chiều đẹp trời nào đó, khi người con trai hay người con gái ngồi nhìn ra cánh đồng, thấy lúa vàng đang trải thênh thang trước gió chiều phơi phới, nhấp nhô từng dợn sống kéo dài đến mênh mông bất tận, thì nghe lòng như đang ôm ấp những ước mơ. Hay thấy vài cánh chim đang bay vu vơ về đâu đó, mà lòng chợt gợi lên một nỗi buồn không tên. Những nỗi buồn vui lẫn lộn ấy, như báo hiệu một trạng thái tâm lý vừa nẩy mầm trong lòng của những chàng thanh niên, thiếu nữ mới lớn, trạng thái ấy có thể gọi là tình yêu.

 

Tình yêu trai gái là những nhu cầu tự nhiên của con người, lúc tuổi thành niên và nó đến với họ như thời tiết của thiên nhiên mưa nắng, như cần có sự liên hệ theo dòng luân chuyển của vũ trụ. Đối với con người thì sự liên hệ nầy cũng là lẽ đương nhiên của tạo hóa. Cho nên việc định vị tình yêu trong ca dao, không chỉ liên hệ đơn thuần giữa tình yêu nam nữ, mà còn gắn bó mật thiết đối với thân nhân như là một định luật:

 

Anh về em chẳng cho về

Em nắm lấy áo em đề câu thơ

Câu thơ hai chữ rành rành

Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba

Chữ trung thì để phần cha

Chữ hiếu phận mẹ đôi ta chữ tình. (cao dao)

 

Khi lớn lên được giáo huấn bởi lễ giáo qua văn học dân gian, mà sự hiểu biết được gắn liền với sự liên hệ tình cảm giữa những người thân thích, như cha mẹ anh chị em, là một điều đương nhiên. Tuy người dân quê suốt ngày đầu tắt mặt tối với công việc ruộng vườn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng tình cảm thì luôn phong phú:

 

Qua Đình ngã nón trông Đình.

Đình bao nhiêu ngói dạ thương mình bấy nhiêu (ca dao)

 

Con người khi đến tuổi trưởng thành, chắc chắn ai cũng phải nghĩ đến chuyện tình cảm đôi lứa, như một cuộc hành trình luân lưu của tạo hoá, sự hoà hợp của thiên nhiên. Hình như tình tự ấy đã có sẳn trong huyết quản của chúng ta, nó đã tiềm tàng từ kiếp xa xưa nào. Nên khi tuổi mới lớn, nam nữ gặp nhau đã cãm thấy e ấp, thẹn thùng. Những trạng thái tâm lý ấy được phát xuất một cách tự nhiên, không phải học ở người nào, không phải tìm ở đâu xa, phải chăng đó là manh nha của tình yêu ?

Như tâm sự của Nữ sỉ Thu Hồng :

 

Chỉ biết hôm xưa một buổi chiều.

Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu.

Người đi tôi thấy sao thương nhớ.

Và cảm quanh mình nổi tịch liêu !

 

Đơn sơ chỉ có vậy, một buổi chiều nào đó, gặp một người nào chưa quen, với một đôi câu chuyện trò mà đã cảm thấy nhớ nhung! Từ giây phút ấy, khiến cho lòng thi nhân rung lên thành nhạc, kết lại thành thơ thả theo những bâng khuâng diệu vợi. Để rồi một buổi chiều nào đó, thấy một người đang đi trên đường, đã hình dung ra bóng dáng người thương, đang còn đâu đây thấp thoáng và ước mong được gặp gỡ:

 

Đứng xa xa cách ba hàng liễu

Ai đi yểu điệu dáng dạng người thương

Phải người thương thì dợm gót bên đường

Để cho anh đây phân câu trò chuyện

Kẻo ni náu mai nương dọi nàng. (Ca dao)

 

(những tiếng địa phương như: dợm gót = dừng chân - ni = bửa nay - náu nương : ôm ấp, đùm bọc - dọi = trông ngóng, mong chờ). Hay trên sóng nước trường giang, bóng thuyền ai đang xuôi chèo về đâu đó, cũng khiến cho chàng trai kia cất lên tiếng hát thật thiết tha:

 

Thuyền ai trôi trước, đợi bước tôi cùng

Chiều về trời đất mông lung.

Phải duyên thì xích lại

cho đỡ nảo nùng tuyết sương. (Cao dao).

 

Hình ảnh người thương ấy có thể là :

 

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

ba thương má lúm đồng tiền... (ca dao ).

 

Chỉ một vài nét đơn sơ của đối tượng, đôi câu trò chuyện vu vơ, hay những buổi hẹn hò vụng trộm.Tất cả những thứ ấy đã để lại trong lòng người những yêu mến dạt dào, những băn khuăn mỗi khi nghĩ đến. Thế cho nên người ta thường tạo ra những lý do nào đó, để thăm dò ý trung nhân :

 

Hôm qua tát nước đầu Đình.

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Em được thì cho anh xin.

Hay là em để làm tin trong nhà?...(ca dao).

 

Lời lẽ tuy bóng gió, nhưng tình ý thì tha thiết vô cùng. Vì hoài vọng thì luôn thầm kín đến nỗi không dám nhìn vào thực tế của ước mơ :

 

Thấy anh như thấy mặt trời.

Chói chang khó ngó trao lời khó trao.

 

Hay là :

 

Thèm trầu mà chẳng dám xin.

Thương em mà chẳng dám nhìn mặt em (ca dao).

 

Cũng có khi sự dè dặt của người con gái chỉ vì còn nghĩ đến danh dự của gia đình, khi chưa hiểu được lòng người con trai, mà lại vội vàng thì sợ xóm làng dị nghị:

 

Thưa rằng bác mẹ tôi răn.

Làm thân con gái chớ ăn trầu người ! (ca dao).

 

Sự ngại ngùng cũng là hương vị của tình yêu, nó thấm dần mà sâu đậm, cô đọng lại như một chất keo không thể nào tẩy xoá được. Những chất keo ấy, dần dà kết lại thành những kỷ niệm khó quên. Chuyện tình có thơ mộng, thì kỷ niệm mới đẹp. Kỷ niệm đẹp là vốn liếng vô giá trong việc nuôi dưỡng hạnh phúc cho tương lai. Nếp sống giữa trai gái của làng quê dĩ nhiên là mộc mạc, cho nên tâm tình của họ cũng đơn sơ. Có lẽ nhờ vậy mà họ dễ thông cảm nhau, dễ tha thứ cho nhau. Khi cảm thấy mình đang còn khờ khạo, thì cũng sẵn sàng thông cảm những chuyện tầm thường của người bạn của mình. Lòng vị tha là một trong những yếu tố quan trọng để trở thành tình bạn cao thượng. Trong tình yêu đôi lứa cũng vậy, có cảm thông hoàn cảnh và tính tình của nhau thì mới có thể hy sinh cho nhau. Cũng có thể nhờ vậy mới tạo được nét hồn nhiên, làm phong phú thêm cho tình quê hương dân tộc.

 

Tấm lòng đôn hậu nhưng không kém thiết tha ấy, đã trải rộng mơ ước đến thênh thang, với một niềm bao dung rộng lớn để mong chờ. Tình cảm thật thắm thiết biết bao, nỗi ước mơ của trai gái mới lớn thật dễ thương biết mấy. Khi lòng họ đã cảm đến ai, thì họ cũng mong cùng người để tâm sự, mong tạo những cảm thông, mong tìm được người bạn ý hợp tâm đầu để trao duyên kết nghĩa. Nhưng không phải sự ước mong ấy lại đánh mất những phẩm hạnh, làm hại đến gia phong. Trong lúc tâm tình với nhau hầu tạo những cảm thông cần thiết, nghĩ đến việc lâu dài, họ cũng tìm nơi chốn đàng hoàng để gặp gở, để chuyện trò mà không bị người đời dèm pha, dị nghị. Nên mới có những lời khuyên như phân trần, như nhắn nhủ cùng nhau :

 

Đèn hết dầu nên đèn phải tắt

Hương không bay khắp vì hương nhụy hết thơm

Khuyên anh đừng tới đêm hôm

Kẻo thế gian ta đồn thổi : Nam, Nồm gần nhau. (ca dao)

 

(tiếng địa phương : nam, nồm = là gió hướng Nam và gió hướng Đông gặp nhau sẽ tạo thành gió chướng, ý nói : trai gái gần nhau nơi vắng vẻ sẽ bị thất thân (Nam nữ thọ thọ bất thân. quan niệm của Khổng giáo). Nhưng đây chỉ đối với những người họ chưa có đối tượng để tôn thờ, chưa có tình yêu để nâng niu và chưa hiểu đến giá trị thiêng liêng và cao quý của tình yêu, cho nên mới có những hoài nghi. Chứ khi đã hiểu được lòng nhau rồi, hai tâm hồn đã hoà hợp với nhau trong sự cảm thông đích thực, thì đương nhiên họ đã tôn trọng lẫn nhau để tạo nên một tình yêu cao thượng và thánh thiện. Tình yêu ấy mới bền chặt khi đi đến hôn nhân sau nầy.

Trong sinh hoạt hàng ngày của trai gái thôn quê, họ vẫn thường gặp nhau trong ngày mùa, khi gánh lúa về trên đường cái quan thơm mùi tóc rạ, hay gặp nhau trong những đêm giả gạo dưới trăng, những lúc hội hè đình đám; họ cũng đã trao nhau những câu hò điệu hát, mà nội dung cũng nói lên được những hoài vọng thầm kín, đôi khi chỉ là những ước mơ khiêm nhường, những băn khoăn trước cuộc đời :

 

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai !

 

hay là :

 

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ao bèo... (cao dao).

 

Đôi khi cũng với những hoài nghi hơi kiêu sa, khi mới gặp lần đầu chưa biết gì về đối tượng :

 

Họa hổ họa bì nan chi họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm

May may chút nữa em lầm

Khoai lang xắt lát tưởng Cao ly sâm bên Tàu !

 

(câu hò dân gian được mượn nội dung hai câu chữ Hán để gợi ý : (Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương- Biết người biết mặt khó biết lòng). Hoài nghi vì chưa quen biết, hay chưa có cơ hội thuận tiện để ngỏ lời:

 

Gởi thư sợ lộ bạn cười.

Gởi lời biết đến tai người mình thương ! (ca dao)

 

(tiếng địa phương : lộ = người khác xem thấy). Tâm tình còn khép kín, hay tính chất vụng về là những biểu tượng chân thành trong tình yêu. Vì tình yêu là sự rung cảm của con tim :

 

 Tôi yêu vì bởi tôi yêu.

 Cầm tay em hỏi ít nhiều làm chi?

 

Vì lý luận là lãnh vực của lý trí. Nói như nhà văn M. Gorki : Ở đâu có lắm lời hoa mỹ, ở đó thiếu tình yêu chân thật. Hay một nhà văn Tây phương khác cũng có nói: Khi con tim lên tiếng thì lý trí phải ngậm câm (Vì con tim có lý lẽ riêng của nó.). Những cặp tình nhân gặp nhau, họ thường nói những câu vu vơ, như mây gió trăng sao. Nhưng trong lòng họ đã dạo lên những khúc nhạc yêu đương thắm thiết, mà họ có thể cảm nhận được ở ngoài ngôn ngữ. Sự thầm kín có lẽ chỉ biểu lộ đối với những người họ đã thật sự yêu nhau, lòng tôn trọng và quý mến lẫn nhau, là những biểu hiện sự chân thành và ngưỡng mộ thầm kín. Nhưng trong những sinh hoạt thường ngày, họ cũng đang mở ra những tấm lòng độ lương để trao gởi tâm tình. Vì thế mà tâm sự của họ đôi khi cũng nở bừng trong những lúc gặp gở :

 

Đêm khuya trăng thanh gió mát

Bớ chị em ơi, hò hát cho văn minh

Để có ai đi ngoài đường chặt đôi lẽ bạn

Người ta buồn sự tình vô chơi.

 

(câu hò miền quê, tiếng địa phương như : chặt đôi = ngăn hai, phân chia). Sự mời mọc thật tế nhị và thâm tình biết bao, cho nên dù cách sông trở đò, người ta cũng lặn lội mong tìm chung vui :

 

Đứng bên ni sông lòng trông vời vợi

Em trông qua cho kịp đò để gặp hội đờn ca

Tử Kỳ lại gặp Bá Nha

Ai có đờn thì lên giây cho đúng bậc

Để sáo em hòa nghe chơi.

 

Cuộc vui chơi cũng thanh cao đó chứ, cũng tình tứ lắm thay. Có lẽ nhờ những tình tự ca dao, nhờ những nếp sống giản dị, cho nên tâm tình người dân quê luôn gắn bó với nhau. Tạo sự quân bình trong gia đình, ngoài xã hội. Mặc dầu thiên nhiên là môi trường để nuôi dưỡng con người, nhưng con người cũng cần tạo nên những cách sống, những nếp sinh hoạt hầu đem lại sự an vui cho cuộc đời, thái hòa cho đất nước. Sống không chỉ cần dinh dưỡng bằng vật chất, mà cũng cần vào lãnh vực tinh thần nữa, có như vậy mới vui sống và cuộc đời thêm phần ý nghĩa.

Có biết sống dung hòa với thiên nhiên, có biết hòa mình vào tình tự của người dân dã, mới tìm thấy được nguồn an nhiên tự tại, mới tìm thấy được hạnh phúc thái bình. Vì người dân quê họ luôn sống thực với lòng mình, sống thực với mọi người. Sự thành thực cũng là một yếu tố cao quý và quan trọng nhất trong việc xữ thế ở đời. Thêm vào đó với một tấm lòng an phận thủ thường, cũng đã bồi đắp thêm vào việc thắt chặt tình cảm lứa đôi, trong tình nghĩa vợ chồng :

 

Khi say chút cặn cũng say

Khi thương đói rách xạc xài cũng thương (ca dao)

 

Khi đã yêu nhau thì đâu cần đến những gì khác ngoài tình yêu? Họ dám hy sinh tất cả để chỉ cần có tình yêu là đủ :

 

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối Mẹ qua cầu gió bay ! (ca dao).

 

Đối với người mình yêu thì họ sẳn sàng cho tất cả, vì khi hai tâm hồn đã hòa hợp với nhau rồi, thì tuy hai mà một cho nên đâu cần gì phải của riêng ai. Tấm lòng cởi mở và bao dung trong tình yêu, lại cũng thêm chất liệu cho việc xậy dựng hạnh phúc mai sau nữa :

 

Giàu như người ta mâm vàng chén bạc

Khó như hai đứa mình bát đá mâm nan

Ăn xong rồi có vui thì rữa, buồn thì gác lên giàn đi chơi.

 

Vui thì làm việc tiếp tục, mà dẫu cảm thấy buồn thì tạm gác đó để đi chơi giải trí, cũng không sao! Miển cho cuộc sống được vui là đủ rồi. Tính chất khôi hài ấy cũng thể hiện một tinh thần vô ưu (không buồn). Hình như trong giây phút nào đó, cảm thấy mình đã đạt đến tính "Vô Ngã" vì thấy ở đời vật chất chỉ là phương tiện. Mà cứu cánh là làm thế nào để tạo cho cuộc sống được hạnh phúc an vui.

Tinh thần an phận trong tình yêu lứa đôi, cũng ghi lại những nét đằm thắm của tâm hồn người dân dã. Họ yêu chuộng sự giản dị của phong tục tuy cổ xưa, nhưng nó đã ghi sâu trong nếp sống của họ:

 

Thầy mẹ đặt gióng sửa triêng

Phải sao chịu vậy chớ trùng triềng mà đau vai. (ca dao)

 

Tuy vậy, không phải phận làm gái phải chịu tất cả cảnh hẩm hiu như vậy đâu. Vì trong việc chọn lựa về hôn nhân, người con gái cũng tham gia tích cực:

 

Thấy anh có nghĩa em chờ

Dẫu đôi ba nơi đón ngõ trao thơ cũng không cầm (ca dao)

 

Đôi khi còn trực tiếp hơn, tích cực hơn trong việc xây dựng hôn nhân. Không phải hoàn toàn nằm trong sự đặt để của cha mẹ, song còn nghĩ đến việc lễ nghi của phong tục nữa:

 

Anh có thương em thì lui về sắm buồng cau cho tốt, hủ rượu cho đầy.

Giờ dần cho đúng tảo, giở mão anh hảy đến đây.

Hai bên su gia ngồi lại, chàng với thiếp sẽ trao tay gởi lời.

 

Theo tục lệ ngày xưa (và hiện nay hình như cũng vẫn còn) thì lễ vật hỏi, cưới quan trọng trước hết là buồng cau, liếp trầu và bầu rượu. Cho nên người con gái nhắc nhỡ người con trai phải làm đầy đủ thủ tục. Lúc ấy mới được nàng chấp nhận.

Ở đời việc giao tiếp cũng cần thiết để đưa đến sự cảm thông, và dĩ nhiên người con trai luôn chủ động trong lúc gặp gỡ:

 

Anh đi ngoài đường thấy trường học lao xao

Ghé chân vô ngó thử thầy nào dạy đây? (ca dao)

 

Đây cũng có thể là cái cớ cho người con trai tạo cơ hội để làm quen. Thế nhưng không phải người con gái lúc nào cũng chỉ đóng vai thụ động. Ngược lại đôi khi trong gặp gỡ người con gái cũng tỏ ra dạn dĩ, trêu chọc con trai trước. Nên khi người con trai muốn tìm cơ hội để làm quen, thế mà nàng đã lên giọng đòi làm chị trước thì có kiêu lắm không? Có lẽ không đâu, vì tuy nói vậy nhưng trong thâm tâm của nàng cũng muốn có người để tâm tình đấy chứ?

 

Tay bên tả em nắm cái roi mây

Tay bên hữu em nắm cuốn sách dày

Có phải anh là người tầm sư học đạo

Em sẽ làm thầy dạy cho. (ca dao)

 

Ở đây chúng ta hảy tìm hiểu tâm tình của những người dân dã, trong tình yêu đôi lứa để từ đó có thêm một đôi chút kinh nghiệm làm phong phú thêm cho đời sống, cũng là một việc không đến nỗi vô ích.

 

Tìm hiểu tâm tình của người dân dã qua ca dao, chúng ta cũng nên ngược dòng để tìm về xuất xứ của ca dao, để có thể cảm nhận một cách sâu sắc những tình ý đã nuôi dưỡng tâm hồn người dân Việt, dù trải qua bao thế hệ vẫn còn tồn tại, vẫn còn thấm đậm lòng người muôn thuở.

 Nước Việt nam chúng ta sinh sống bằng ngành nông nghiệp. Hơn 80% sinh trưởng tại thôn quê, cho nên Văn hóa dân tộc có thể là tình tự văn học dân gian. Trong đó tục ngữ, ca dao và những câu hò điệu hát của dân gian chiếm phần quan trọng và được phổ biến một cách rộng rãi trong dân chúng.

 

Ca dao là thi ca của dân gian, được truyền tụng qua nhiều đời và được xuất phát từ thời tổ tiên chúng ta, từ xa xưa lắm. Vì là loại thi ca truyền khẩu thể hiện một nội dung diễn tả những thế thái nhân tình, nói lên những cảnh thăng trầm của đất nước, hay sự chuyển vận của thiên nhiên, những liên hệ ảnh hưởng đến đời sống của con người. Dĩ nhiên là những bài có tình ý sâu sắc, hàm súc và đầy ý nghĩa, nó đã đem lại một lợi lạc nào. Sự gạn lọc và trau chuốt cho cao dao trở thành những chuổi kim cương, một kiến thức về vốn sống và giá trị tinh thần cho con người, qua tình tự văn học dân gian Việt nam vậy.

 

Cũng từ xa xưa lắm, ở miền Bắc Việt Nam đã có những lối hát Quan Họ, mà nội dung của những câu hát ấy cũng mang tình tự ca dao. Như vậy, thì lịch sử ca dao xuất phát từ miền Bắc rồi dần dần truyền lan vào miền Trung và miền Nam Việt nam, theo trào lưu, mở mang bờ cỏi đàng trong của dân tộc Việt.

 

Có lẽ vì ảnh hưởng địa dư, thời tiết và nếp sống của mỗi miền khác nhau, cho nên tâm tình của người dân mỗi miền cũng có đôi chổ khác, thêm vào đó còn pha trộn một ít tiếng nói của địa phương, để diễn tả đúng với tâm lý của nếp sống. Như ở miền Bắc thì ảnh hưỏng nhiều đến luân lý đạo đức của Khổng Lão. Miền Trung thì ảnh hưởng đến thời tiết, như thiên tai bảo lụt tạo nên một đời sống nghèo khó. Miền Nam thì thiên nhiên phong phú, đất ruộng phì nhiêu, sông ngòi thuận lợi...

 

Nếu ca dao được biến thể theo nhân sinh quan của mỗi miền, thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu những tình ý mà nên bỏ qua chữ nghĩa, và cũng đừng nên phân biệt loại ca dao đó là của miền nào, để từ đó may ra chúng ta mới cảm nhận tình quê, hồn nước một cách chân phương mà thâm thúy, chứa đựng một triết lý sống thật phong phú và lãng mạn.

 

Tóm lại, muốn thưởng thức ca dao để cho tâm hồn được phong phú, muốn tìm những kinh nghiệm của người xưa để bồi đắp cho vốn liếng của mình, thì tình yêu thương, tấm lòng bao dung, độ lượng luôn vẫn là cứu cánh, trong việc làm thăng hoa đời sống, đem lại hạnh phúc vĩnh cửu vậy./.

 

Trần Đan Hà

 

 

 

 

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.