.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, tìm hiểu
về nguồn gốc lễ "Bông hồng cài áo"

Dân tộc Việt Nam chúng ta tự ngàn xưa đã có những lễ nghi trong gia đình, phong tục tập quán ngoài xã hội, do tiền nhân sáng tạo như những phương pháp để dung hòa và hướng dẫn đời sống. Sau nầy các thế hệ nối tiếp điều chỉnh lại, bổ sung thêm cho thích hợp với thời đại, dùng làm khuôn vàng thước ngọc cho sinh hoạt hàng ngày. Những tập tục ấy đã lưu truyền qua nguồn văn học dân gian. Như ca dao, tục ngữ đã trở thành những bức thông điệp để xây dựng gia đình và phát huy xã hội. Đã đáp ứng cho con người vừa về mặt tình cảm vừa về mặt tâm linh. Những tập tục ấy được tư tưởng chuyên chở đi vào lòng người một cách tự nhiên, dần dà rồi trở thành một cái “Đạo”. Như đạo thờ cúng Ông Bà chẳng hạn, ca dao Việt Nam đã ví von:

 

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 

Tình tự văn học ấy dần dà được gạn lọc lại, phát huy thêm để trở thành những đề tài Giáo khoa dạy dỗ cho hậu sinh. Là một phân khoa rất quan trọng dùng để duy trì nề nếp, bảo vệ kỷ cương trong gia đình và góp phần vào công cuộc xây dựng sự an sinh và trật tự cho xã hội.

 

Đến khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam, thì lại được người Việt chúng ta đón nhận một cách tích cực. Sở dĩ đạo Phật có những yếu tố thuận lợi và nhanh chóng được nhiều người yêu chuộng, bởi đạo Phật có nhiều điểm trùng hợp với tình tự văn học và tín ngưỡng dân gian. Và dần dà phát triển theo một chiều hướng vừa dựa vào tâm tư tình cảm của người dân quê ; đồng thời bắt chước theo những nét đa dạng của phong tục tập quán các nước văn minh trên thế giới. Từ đó, càng làm giàu có thêm cho nhan sắc cuộc đời, cho những cảm quan đã và đang đón nhận những tình cảm thiêng liêng, làm thăng hoa cho tâm hồn, làm đẹp thêm cho cuộc sống.

 

***

 

Nhận dịp lễ Vu Lan Báo Hiếu, xin tìm hiểu về Lễ Bông Hồng Cài Áo, một nghi thức hết sức đặc biệt bởi rất ít người Phật tử biết đến nguồn gốc. Thêm nữa là nguồn gốc của nghi thức nầy được giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam VN sáng tạo và đưa vào nghi lễ về “Tín Ngưỡng” cách đây không lâu so với chiều dài sinh hoạt Tôn giáo. Cũng như sáng tạo nầy đã được nhiều vị Học giả Tiền bối trong Phật giáo hoan hỷ chấp nhận.

 

Sự kiện ấy bắt nguồn từ... Vào đầu thập niên sáu mươi, khi thầy Nhất Hạnh qua du học ở Nhật, nhân “Ngày Mẹ” thầy ra phố, được một cô sinh viên xin phép cài lên áo thầy một bông hoa. Sau đó thầy viết một đoản văn có tựa đề là: “Bông Hồng Cài Áo”. Nội dung thầy giời thiệu về tục lệ cài bông hoa trên áo trong “Ngày Mẹ” của người Nhật. Và ca ngợi tình mẹ, cũng như tấm lòng hiếu hạnh của người con.

 

Thầy kể:

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother´s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục lệ Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bổng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào ; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. “Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”. (trích đoản văn Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh).

 

Đoản văn nầy gởi về Sài gòn và được giới Sinh viên và Học sinh đón nhận một cách nồng nhiệt, họ sao chép và phổ biến rộng rãi trong nội bộ. Được nhà xuất bản Lá Bối in lần thứ nhất năm 1964, thầy Nhất Hạnh không giữ bản quyền nên mỗi năm nhà xuất bản đều in thêm và phát hành liên tiếp. Trước đó khi tiếp nhận được đoản văn, thì đoàn Sinh viên Phật tử Sài gòn đáp lời đề nghị của thầy, họ thực hiện ngay nghi thức Lễ “Bông Hồng Cài Áo” lần đầu tiên trong dịp Lễ Vu Lan tại chùa Xá Lợi. Họ mời tất cả những người tham dự được cài lên áo một bông hoa. Người còn mẹ thì được cài một hoa màu hồng và người mất mẹ thì được cài một bông hoa màu trắng.  Đến khoảng giữa thập niên sáu mươi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa theo ý văn của thầy Nhất Hạnh, phổ nên một ca khúc cùng với tựa đề Bông Hồng Cài Áo. Được các Gia đình Phật tử tại miền Nam đón nhận và đưa vào nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong các dịp lễ Vu Lan. (Cuộc thí nghiệm đầu tiên nầy được kết quả ngoài ý muốn của mọi người. Do đó mà giới trẻ cảm thấy rất hảnh diện và tự hào; người lớn cũng cảm thấy an ủi khi được đón nhận Tấm Lòng Hiếu Hạnh).

Có lẽ nét độc đáo đầy sáng tạo của thầy Nhất Hạnh là giải thích: Ý niệm về mẹ và tình thương mẹ không phải là một “bổn phận” mà là một “nhu cầu”...

 

Mở đầu đoản văn thầy viết:

 

-Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được (...) Mẹ là một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam họ thường ví von mẹ là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức: Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau (...) Vì mẹ là nguồn gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của Tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng đầy tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước (...) Thương mẹ không phải là một “bổn phận” mà thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước (...) Và tôi muốn nhắc anh: mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn: Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ (...)

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hảy ca, chị hảy ca, em hảy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm và quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hảy sung sướng đi. (trích dẫn nhiều đoạn trong bài văn đã dẫn)

 

***

 

Tại hải ngoại, sau khi làn sóng người Việt tỵ nạn được ổn định, thì chùa chiền cũng được xây dựng. Sự phát triển của Phật giáo cùng khắp, có thể kể đến cấp tỉnh thành đều có chùa dựng lên. Phật giáo sinh hoạt với những buổi lễ chính như lễ Phật đản, lễ Vu lan tại những nơi có chùa. Những nơi chưa có chùa nhưng có đông đảo Phật tử họ cũng thuê mướn phòng ốc, trang trí thành một đạo tràng thanh tịnh và mời một vị thầy gần đó về chủ lễ. Và Gia đình Phật tử Việt nam cũng vẫn tiếp tục duy trì và phát huy những nghi lễ Phật giáo trong sinh hoạt, như Lễ Bông Hồng Cài Áo trong những dịp lễ Vu Lan. Người Tây phương cũng có cảm nhận rằng: Tấm lòng hiếu hạnh của dân gian mà được nâng lên thành một nghi lễ của Tôn giáo là một “nét tinh hoa của tư tưởng”, cũng như đây là một nghi lễ đầy sáng tạo đã đáp ứng cho tình cảm và tín ngưỡng của dân gian Phật giáo.

 

***

 

Đối với người Phật tử, thì cần phải chu toàn hai trách nhiệm Đạo và Đời (...) Theo tình tự dân gian thì tưởng niệm đến công ơn sanh thành dưỡng dục, thường đi đôi giữa “Công Cha và Nghĩa Mẹ”.  Cũng như Tây phương có Ngày Mẹ (Mother´s Day) thì cũng có Ngày Cha (Father´s Day). Tình tự nầy luôn đi theo nhau như hình với bóng. Nhưng không biết lý do nào mà người đời từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam lại chỉ ca tụng “Nghĩa Mẹ” nhiều hơn “Công Cha”. Đôi khi chúng ta có cảm tưởng người cha chỉ là một cái bóng mờ trong tâm thức của người con. Và đó chính là sự thật, một sự thật nhiều khi cũng cảm thấy phủ phàng, nhưng đời là vậy biết làm sao hơn ? Tôi nhớ có lần trong một dịp lễ Vu lan, ai cũng nhắc nhỡ đến mẹ mà tôi chạnh lòng thương nhớ đến cha vô cùng ! Ước gì....

 

Để dung hòa và thể theo tình tự dân gian, nên người con cũng cố gắng vẻ lại “Công Cha” bằng hình ảnh khốn khó của một nông dân. Được sinh ra tại một miền quê nghèo miền Trung nơi mà người dân sống một cuộc đời lam lũ. Nơi Quê hương nầy thường xảy ra cái cảnh “mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn, vì trời làm cơn lụt mỗi năm!” Nhưng không phải vì vậy mà làm giảm đi giá trị tinh thần của người cha ; mà ngược lại có thể tăng thêm rất đầy đủ những nét trung thực nhất của những người cha đáng kính. Những người cha ấy chỉ biết tận tụy cho gia đình mà không một cân nhắc suy tính. Khi thấy con ngoan và chăm chỉ học hành thì cha lại dấu nguồn hạnh phúc vào trong sâu thẳm của tình cảm riêng tư. Đôi khi cũng lộ ra bằng đôi mắt rưng rưng từng giọt lệ mừng vui...Thế nên cũng xin giới thiệu một vài nét về “Công Cha” để bù đắp thêm cho “Nghĩa Mẹ”, trong tinh thần người con tưởng niệm người cha qua bài thơ: Nhớ Bóng Cha Xưa.

 

Bóng cha xưa dưới bầu trời nắng sớm

như thiên thần đang dạo giữa cõi tiên

và quê hương rất đẹp cảnh thiên nhiên

có những cánh đồng thơm mùa lúa trổ

 

Quê hương tôi ở miền trung khốn khó

biết bao đời gắn bó với ruộng nương

Cha suốt đời chỉ có một tình thương

như mưa nước trên trời đang rơi xuống

 

Lêu nghêu gió sắp chiều trên bờ ruộng

bóng dáng cha in dấu tận khung trời

như bức tranh cổ tích đẹp tuyệt vời

từng ghi dấu trong con bao năm tháng

 

Bóng mặt trời vừa thức giấc buổi sáng

hòa bóng cha lồng lộng giữa thiên nhiên

đẹp biết bao một hình bóng thần tiên

như dấu ấn nơi con niềm ngưỡng vọng

 

Cha yêu mến cho con tràn sức sống

dù đời cha vất vã lắm truân chuyên

Cha mong con sẽ còn mãi ngoan hiền

như buổi mới nhìn con trên tay Mẹ

 

Ân dưỡng dục sanh thành đâu có nhẹ

như bóng cây cổ thụ trước đình làng

tàn sum suê tỏa rợp khắp hành lang

luôn che mát cho dân làng cơn nắng

 

Hoàng hôn xuống khi bầu trời yên ắng

chim bay về theo lối gió mênh mông

là mỗi khi cha xong việc ngoài đồng

cùng bửa cơm chiều gia đình đầm ấm

 

Nhưng giờ đây biết tìm đâu hình bóng

với tình Cha nghĩa nặng ấy không còn

nghe đau buồn giọt lệ thấm môi con

thấm vào ướt lòng con tình biển mặn !

 

Trần Đan Hà

                                     

Phụ Chú:  Nhân dịp nầy cũng xin đề cập đến “một nghi án” trước đây có nhiều người cho rằng tác giả bài thơ “Mất Mẹ” là của Thầy Nhất Hạnh. Nhưng không phải, vì khi trích đăng trong đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”, thầy đã viết rất rõ ràng rằng: “Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. “Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị”. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến” :

 

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời.

 

Bài thơ nầy, thầy Nhất Hạnh đã đọc “từ hồi nhỏ” (có thể lúc đang làm chú Tiểu) ?. Chỉ vì thầy trích vào trong bài viết của thầy, nhưng nhiều người “không đọc kỷ” nên vội vã cho rằng tác giả bài thơ là Thầy (người lại bảo là không phải !). Rồi cứ đồn đãi một cách thiếu căn cứ, để cho nghi án văn học càng ngày càng thêm rối rắm !

 

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Tuyết Long, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California-Hoa Kỳ khi soạn bộ sách “Em Học Việt Ngữ” Chương trình Giáo khoa cho Học sinh Hải ngoại, đã trích bài thơ Mất Mẹ vào tập 5 trang 21 phía dưới đề tên tác giả là: Nhất Hạnh. 

 

Hay cũng có người cho rằng tác giả bài thơ Mất Mẹ là của Nhà Thơ Vũ Đình Liên thời tiền chiến. Vì “cái hồn thơ” nó rất giống bài thơ Ông Đồ, cũng một bài thơ “tả cảnh hoài niệm”. Nhưng xem lại thì rất khác nhau, một bên đối với người lớn hoài niệm “một hồn thiên cổ”. Và một bên là diễn tả “cảnh đau buồn của một em bé vừa mất mẹ”. Do đó cảm hứng thơ, khung cảnh thơ, tình cảm thơ nó rất khác nhau. Vã lại khi viết cuốn “Thi Nhân Việt Nam” Hoài Thanh và Hoài Chân không đề cập đến bài thơ Mất Mẹ có trong “Tinh Hoa” của Vũ Đình Liên, mà chỉ giới thiệu những thể thơ tiêu biểu của nhà thơ là thơ 8 chữ mà thôi.

 

Cũng có người cho rằng tác giả bài thơ Mất Mẹ là Nhà thơ Xuân Tâm, cũng vào thời tiền chiến. Vì Xuân Tâm có xuất bản một tập thơ có tựa đề là “Lời Chim Non” in vào năm 1941. Nhưng vẫn theo Hoài Thanh và Hoài Chân, thì sở trường của Thâm Tâm cũng với thể thơ 8 chữ. Như những bài thơ: “Xa Lạ, Nghỉ Hè”...(có trích học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ở trong nước, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa).

 

Thế nên, tác giả bài thơ Mất Mẹ vẫn còn nằm trong vòng “nghi vấn” ! Mong rằng các bậc thức giả bốn phương, ai biết được xuất xứ và tác giả của bài thơ nêu trên, xin phổ biến trên các diễn đàn văn học, để không còn là nghi vấn nữa ! Mong lắm thay.          

 

(Trong lịch sử Văn học Việt Nam cũng có trường hợp nhiều tác phẩm không ghi tác giả, lâu ngày rồi trở thành tác giả là “vô danh” ! Như ca dao và tục ngữ là văn học dân gian, được truyền miệng từ muôn đời cho đến bây giờ.

Nhưng những tác phẩm nào mà không biết đích xác ai là tác giả, chỉ “phỏng đoán” mà thôi, thì cũng nên điều chỉnh lại cho đúng. Điều nầy nghĩ rằng không phải là việc làm vô ích vậy” !).

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.