Tiễn Thầy về với tương lai
Lời cảm niệm nhân ngày tham dự Lễ Câu Siêu cho Thầy Đảnh
tại Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu tại thành phố Waldbröl - Đức
Quốc.

Nhận được thư mời của
Phật Học Viện, ngày cuối tuần 27.03.2011 về tham dự Lễ Cầu Siêu
cho Thầy Đảnh. Chúng tôi viết thư hỏi lại những chi tiết cần
thiết để chuẩn bị cho chuyến đi. Vì phải đi trước một ngày cho
kịp sáng mai dự lễ, nên cũng cần biết việc nghỉ lại qua đêm như
thế nào.
Được điện thư của PHV
viết:
“Kính thưa Anh Chị,
Con là Sư Cô Song Nghiêm nè !
Gia đình Anh Chị đi đến Phật Học Viện vào ngày 26.03 nhen.
Song Nghiêm sẽ lo
chỗ
ngủ lại nhé. Anh Chị cho Song Nghiêm biết là bao nhiêu người và
ở mấy phòng ?
Nếu tiện thì xin các
Anh Chị đem theo túi ngủ (Schlafsäcke)
Chúc Anh Chị và gia đình nhiều hạnh phúc và bình an.
Thân kính
Song Nghiêm”
Bây giờ là những ngày
của cuối tháng ba, tiết trời mùa xuân hơi ấm áp về ban ngày,
nhưng ban đêm cũng còn lạnh lắm, nhiệt độ trừ một vài độ âm. Tuy
thế tôi nghe lòng mình ấm lại khi được quý Thầy Cô trên Phật Học
Viện lo cho rất chu đáo. Nên gia đình chúng tôi cùng với gia
đình anh chị Phan Ngọc Minh mua vé xe cuối tuần, để nhân dịp nầy
đi ngao du một chuyến. Đường xe khoảng bốn trăm cây số mà phải
đi mất 9 tiếng đồng hồ mới đến, vì phải chuyển nhiều ga. Nhưng
cũng rất vui vì lâu lâu mới được ngắm cảnh sông nước trời mây,
nhất là phong cảnh vùng cao nguyên núi rừng của miền Tây nước
Đức. Xe chạy dọc theo con sông Rhein, hai bên bờ với những xóm
nhà thưa thớt mọc cheo leo bên sườn núi, chung quanh được người
dân địa phương canh tác để trồng nho. Những mảnh đất vuông vắt
ngang, với những hàng nho thẳng tắp mới nẩy mầm xanh, chằng chịt
đan chen như những tấm thảm khổng lồ trải dài theo triền núi.
Mãi mê ngắm cảnh và chuyện vãn, nên chuyến đi cũng qua mau.
Lên đến nơi thấy quý Thầy Cô rất đông, hỏi ra mới biết một số
“Thầy Cô Bát Nhã” được Sư Ông và Tăng Thân Làng Mai bảo lãnh qua
và được bổ sung thêm. Nên thấy lực lượng bây giờ thật hùng hậu.
Phật Học Viện cũng được sửa sang lại có vẻ khang trang ngăn nắp,
có phòng ngủ dành cho khách vãng lai lên đến hàng trăm người.
Ngoài ra chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều anh em trong Tăng thân
như anh chị Tảo ở Hamburg, anh chị Tường ở Dortmund, anh chị
Thạnh ở Karlruher...
Thấy sinh hoạt của Phật Học Viện thật nhộn nhịp, nhưng họ làm
việc trong chánh niệm nên cảm thấy nhiều năng lượng an lạc. Các
Thầy và Sư Cô với những chiếc áo nâu thẩm như mang những hạnh
nhẫn nhục, từ hòa. Đi đứng nhẹ nhàng uyển chuyển, làm việc tinh
tấn như một bầy ong, ngày ngày đi hút nhị hoa mang về tổ. Người
thì lo làm bếp, nấu nướng chuẩn bị thực phẩm cho hằng trăm khách
vãng lai vào ngày hôm sau, người thì lo tiếp và hướng dẫn những
khách đến trước, người thì lo dọn dẹp phòng ốc, sắp xếp cho một
đạo tràng để ngày mai làm lễ. Nơi hành lang dài của dảy nhà lớn
được thiết lập bàn thờ, và phía dưới có khoảng ba trăm chổ ngồi
cho khách tham dự.
Buổi sáng đúng 9 giờ tất cả tập trung lên đạo tràng để chuẩn bị
hành lễ. Trước khi làm lễ Cầu Siêu, Thầy Pháp Ấn có bài Pháp
thoại nói về sự hiện diện, vắng mặt cũng như sự tương tác của
Thầy Đảnh đối với chúng ta. Trong những năm gần đây, theo yêu
cầu của Sư Ông, Thầy Đảnh thường về Phật Học Viện để dạy tiếng
Đức cho quý Thầy Cô, cũng như Tăng thân. Thầy đích thân đi gọi
những vị mới từ Việt Nam qua đều phải đi học cả. Nhiều bửa Thầy
đến lớp học, chờ mãi không thấy ai đến học, Thầy nằm trên bàn và
ngủ một giấc ngon lành.
Lễ
Cầu Siêu với tất cả Thầy Cô của Phật Học Viện tập trung lên
chánh điện. Mở đầu với lời cầu nguyện bằng bài niệm Bồ tát Quán
Thế Âm rất hùng tráng, vang vọng lại như hải triều âm. Tiếp theo
là tụng kinh, lễ lạy và nguyện cầu chư Bụt và các vị Bồ tát bảo
hộ cho Thầy.
***
Nhớ lại lần gặp Thầy Đảnh trong ngày họp báo với chính quyền địa
phương để tiếp nhận Phật Học Viện, tôi thấy Thầy rất vui, luôn
nở nụ cười thật tươi. Gặp tôi Thầy hỏi: “Chú mầy có mừng không ?
(mỗi lần gặp, Thầy thường gọi tôi bằng “chú mầy” hay “thằng em”
là tiếng nói thân thiện của người miền Nam Việt Nam. Tiếng gọi
ấy sao thấy nó dễ thương chi lạ, nó vui vui làm sao. Như luôn
vọng lại trong tâm thức của mình bằng một thứ tình cảm vi diệu,
một thứ huyết thông của cội nguồn, của huyền thoại xa xưa với
con Hồng cháu Lạc).
Tôi cũng làm bộ hỏi lại Thầy: “dạ mừng điều chi ạ”? Thầy liền
giải thích một thôi dài: Nào là chúng ta đang đón nhận một quà
tặng thật quý giá. Rằng Sư Ông đã đem quà tặng đến cho chúng ta.
Bây giờ Phật Học Viện ở bên cạnh nhà chúng ta rồi, thì nhớ về
cho nhiều nghe. (Trước đây nhiều người hay than phiền rằng con
đường “Về Làng” xa xôi quá, vã lại bây giờ lớn tuổi rồi, sức
khỏe không cho phép đi nhiều nữa !). Nên bây giờ ở gần rồi thì
không có lý do gì mà không đi và đến. Rồi Thầy còn phác họa thêm
chương trình sinh hoạt trong tương lai của Phật Học Viện, với
nhiều hứa hẹn cho tương lai.
Chương trình giảng dạy về kiến thức Phật học dành cho giới trẻ
(Học sinh và Sinh viên) sẽ được ấn định. Đại khái như thời gian
tu học chia ra nhiều đợt, cộng lại hội đủ thời gian ba tháng,
cũng như trắc nghiệm về khả năng tu học của mỗi thí sinh thì sẽ
được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Chứng chỉ của Phân khoa Tôn giáo
nầy, sẽ được công nhận và có giá trị cũng như điểm ngang hàng
với các Phân khoa khác. Và Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu sẽ đại
diện cho tất cả các trường Đại học Phật giáo Việt Nam trên toàn
thế giới.
***
Tôi không phải là môn sinh của Thầy Đảnh, nhưng tôi cũng xin gọi
bằng Thầy một cách trân trọng vì nghĩ rằng: “Sự nghiệp của Thầy
đã đóng góp cho nền Văn học nước nhà thật lớn lao. Chẳng những
cho thế hệ đi trước, những người đang hiện diện đông đảo hôm
nay. Cái thế hệ nói như câu tục ngữ người xưa: “tóc bạc gác tóc
đen”, thế hệ đã lớn khôn, đã thành đạt. Mà Thầy còn nghĩ đến
giới trẻ trong tương lai, bằng một tấm lòng luôn mong mỏi cho họ
được trưởng thành. Được thành đạt trong mọi phương diện, để đem
kiến thức của mình phụng sự cho Quốc gia Dân tộc và Đạo pháp. Vì
thế cho nên Thầy rất xứng đáng để cho chúng ta gọi bằng Thầy.
Đây là một tấm lòng
đối với tha nhân: Ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, Thầy cũng đã
một mình một ngựa cứu vớt, giúp đỡ cho hằng ngàn anh chị em theo
chương trình “hợp tác lao động Đông Đức” trong những giờ phút mà
họ cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ nhất vì bị bỏ rơi ! Thầy đã mở rộng
vòng tay đón tiếp, hướng dẫn và giúp đỡ cho họ tìm con đường
sống ! Lúc ấy Thầy cũng đang có phương tiện để chứa chấp những
người bất hạnh nầy, đó là ngôi Niệm Phật Đương Linh Thứu.
Đối với Quốc gia Dân
tộc, Thầy cũng đã làm tròn bổn phận của người Công dân. Làm tròn
chức năng của một Nhà giáo, đã trao truyền lại cho hậu sinh nền
Văn hóa, là phương tiện cứu cánh đích thực của đời sống.
Đối với Tôn giáo, thì trong những ngày tháng còn ở Bá Linh, Thầy
là người đứng ra xây dựng ngôi Niệm Phật Đường Linh Thứu. Sau
nầy đổi thành Chùa Linh Thứu, bây giờ còn hiện diện, mà có một
thời người ta đặt tên là “Chùa Ông Đảnh”.
Trong tác phẩm “Lửa Tình và Lửa Tam Muội”, Tự truyện của tác giả
Hoa Lan, đã nhắc nhỡ đến Thầy trong một chương: “Cánh sen
trong bùn” như sau:
“Bác Năm Trực Ngộ được mệnh danh là Ông già Ba Tri, quê ở Bến
Tre.
Có
người cho bác thuộc loại ngang tàng “Điếc không sợ súng”, nhưng
đối với tôi bác mang hình ảnh của một Triệu Tử Long về già. Đơn
thương độc mã, một người một ngựa tung hoàng trong Núi Thứu, bảo
vệ cho lý tưởng Đạo Pháp của mình.
Cái pháp danh Trực Ngộ của bác cũng mang một huyền thoại. Vì lỡ
sinh ra trong giới trí thức, quanh người được quấn một vòng đai
nhị nguyên. Bác không tin, không phục bất cứ một chủ thuyết tôn
giáo nào.
Chỉ cần hiểu sai câu niệm Phật, cái gì mà Nam dzô, thay vì Nam
Mô, bác đã khước từ bao nhiêu cơ hội đến với đạo pháp.
Cho đến một hôm, nhân duyên chín muồi, một vị Đại Lão Hòa Thượng
với giọng nói hiền từ như ông Ngoại khuyên cháu, đã khõ đầu khai
thị cho bác mở con mắt Tuệ và tặng bác pháp danh Trực Ngộ.
Trong ngôi Niệm Phật Đường mang tên một ngọn núi nơi Đức Phật
ngày xưa hay thuyết pháp, bác là người có công sáng tạo ra nhờ
tài ngoại giao với chính quyền Đức.
Tôi lúc ấy chỉ theo mẹ đi lễ chùa rồi làm quen với vợ chồng bác.
Bác Năm gái với pháp danh là Đạt Huệ, phụ giúp những việc từ
thiện, thư từ giúp đỡ tài chánh cho các thuyền nhân còn kẹt trên
đảo.
Nên có lần được một người không quen biết ái mộ viết thư xin
tiền, đề ngoài phong bì: Kính gởi Đại Đức Đạt Huệ.
Nghe đâu Đại Đức Đạt Huệ lúc trước là cô giáo dạy môn Toán, nên
chùa tận dụng tài năng cho giữ chức Thủ Quỹ.
Chắc tài tính toán cộng trừ nhân chia tiền cúng dường quá chính
xác, nên năm nào cũng được bầu lại.
Họ
định cho làm Thủ Quỹ suốt đời, nhưng nửa chừng Đại Đức phải theo
chồng đi về miệt dưới ở với con cháu.
Cái công lớn nhất của vợ chồng bác Năm là khi mở cửa bức tường ở
Bá Linh, bác đã áp dụng câu cửa chùa rộng mở, chứa hết tất cả
các người tỵ nạn tràn sang.
Mãi về sau nầy khi ngôi Niệm Phật Đường chuyển sang ngôi chùa
Núi Thứu, tôi mới chập chửng bước vào làm công quả cho chùa.
Lúc ấy bác giữ chức Gia Trưởng, trông coi đám nhi đồng trong Gia
Đình Phật Tử.
Với vốn liếng Phật pháp nhỏ nhoi của tôi lúc bấy giờ, làm sao
tôi không bái sư nhận bác làm sư phụ.
Tuy chưa được chính thức truyền tâm ấn, nhưng mỗi lần gặp bác ở
chốn hội hè nào, tôi đều mang theo nải chuối cau nhỏ tặng bác
làm quà.
Bác thường dúi tay tôi những bản photocopy về kinh điển hay
những bài Pháp của các bậc Thiền sư nổi tiếng.
Chúng tôi sinh hoạt với nhau một già một trẻ thật tương đắc, như
có cùng một tần số, một mục đích chung muốn làm tốt hơn nơi mình
đang sinh hoạt, để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Ấy
thế mà không dễ ! Thiên hạ đại đa số chỉ muốn giậm chân nơi
phương tiện, có vẻ thoải mái hơn là lên cứu cánh Niết bàn.
Năm nào cũng cái trò lắc xăm, gặp quẻ xấu hạ hạ, vất đi xin quẻ
khác, lắc đến khi nào gặp quẻ thượng thượng mới hớn hở đem ra
cho bác Diệu Thúy đoán giải.
Đầu năm tiền vô như nước, làm ăn phát tài, gặp người trong mộng
và một điều ước mới là được giấy tờ ở lại ai cũng hài lòng.
Bác Năm rất ưu tư cho tình trạng đám con cháu của bác Diệu Thủy,
cứ sợ người thân chết đi sẽ bị đày xuống địa ngục, nên đổ hết
tiền của vào làm ma chay tụng niệm mong Phật A Di Đà thương tình
cho tỵ nạn bên trển.
Tôi nhớ mỗi sáng thứ bảy, ngày cúng thất cho các hương linh quá
cố. Bác
với tôi nháy nhau ra hàng dậu sau sân chùa giao công tác phát
truyền đơn, băng giảng phản tuyên truyền. Chống đối chính sách
cấp thông hành giả cho lên cõi Tịnh Độ.
Bác bảo tôi:
-
Cô
làm thì được, chứ tui như con cọp chưa làm gì chỉ đi sột sột đã
bị chụp mủ rồi.
Tôi sốt sắng:
-
Chú đừng lo, cháu là con rắn loại rắn lục, luồn lách hay lắm
không bị bể đâu.
Càng ngày tôi càng thấy công lao gầy dựng của bác tan tành theo
mây khói, người ta tìm cách thu hẹp môi trường hoạt động của
bác.
Nhiều người phẩn nộ khi nhìn cảnh vắt chanh bỏ vỏ, nhưng bác vẫn
cười trừ không nói năng gì, chỉ đi xuống bếp làm Bồ Tát rửa
chén, dọn sạch sẻ nơi mình đến.
Đối với tôi bác là một Đại thiện hữu tri thức, biết bao kinh
điển, băng giảng bác trao tận tay cho tôi về nghe, có băng bị
câm thu không ra tiếng.
Bác Diệu Thủy cũng mến bác, mỗi lần con cháu bác không biết trời
trăng đem thuốc lá thơm lên cúng, bác tịch thu ngay tại chổ, đem
giấu về cho bác Năm hút đỡ ghiền.
Bác Năm rất thích sưu tầm tài liệu về Đạo Pháp, từ những bài
giảng mang tính chất cao siêu đến những câu vè được dân gian
hóa, hay thơ cải biên kiểu:
Mồ
tổ bay ơi ! Nó chửi tao
Khi chưa hiểu đạo giận làm sao.
Đến khi hiểu được không gì lạ.
Mồ
tổ bay ơi ! Nó chửi tao.
Tôi phải ghi lại bản chánh dưới đây cho các bạn đối chiếu, xem
nghệ thuật cải biên của ai đó đáng mặt cao thủ thượng thừa:
Mù
tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đặng hận muôn vàn.
Đến rồi về lại không gì lạ.
Mù
tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang.
Từ
ngày bác từ giả xứ Bá Linh, cả Tăng thân như thiếu đi bóng mát
của một cây cổ thụ ngàn năm.
Đến đây tôi định kết thúc phần nói về bác Năm, nhưng một chị bạn
xem xong đã phang cho một câu:
Sao viết về ông ít quá vậy ! Đọc chưa đã tí nào.
Phải rồi tôi quên mất một phần đời quan trọng của bác, cũng
thuộc loại “Nửa hồn thương đau” chứ không phải chơi. Đó là hình
ảnh Thầy Năm gõ đầu trẻ.
Thuở Thầy Năm còn xuân sắc, vừa đậu xong mảnh bằng Sư Phạm,
không biết nhờ đậu điểm cao hay phước đức ông bà để lại. Thầy
đưọc bổ nhiệm về dạy môn Triết học tại một trường đầy Khoa Bảng.
Cái đám học trò của Thầy Năm mới đáng ngại, toàn là con cháu của
học giả hay thiên tài cỡ cụ Trương Vĩnh Ký, tên thánh là Petrus
Ký.
Thầy phải gõ đầu bọn trẻ nầy coi bộ không dễ rồi.
Sau đó Thầy được Bộ Giáo Dục nuôi cơm gửi sang xứ Phổ Lỗ Sĩ, cho
đi tu nghiệp một thời gian.
Tôi không hiểu vì lý do gì Thầy Năm lại chui đầu vào rọ, trở về
sống nơi Thiên Đường của Cộng Sản. Nghe đâu Thầy buồn, Thầy nhớ
cô Năm, họ mới cưới nhau có một năm, ai nỡ dứt tình ra đi.
Chính vậy nửa hồn của Thầy mới thương đau, một mình Thầy cùng
các thầy khác chạy không kịp đành ở lại bám trụ giữ trường.
Khỏi cần tả thêm, các bạn cũng biết được cuộc sống của họ gian
khổ như thế nào rồi. Sau một thời gian trả xong món nợ đời. Thầy
cùng bầu đoàn thê tử, một vợ năm con sang được bến bờ tự do nơi
xứ Phổ.
Công việc cấp bách của Thầy Năm là làm sao thu góp được những
đám học trò lạc loài không thầy, không bạn ở rải rác khắp nơi.
Thầy cùng một Bộ Tổng Tham Mưu gồm vài mống nhiệt huyết, thảo
hiến chương lập hội. Sau nhiều buổi hội thảo khói bay mù mịt, họ
đã cho ra đời một Hội, tôi không nói tên.
Bạn nào tò mò cứ việc vào trang web www.petrusky.de,
trong đó họ diễn tả đầy đủ từ lúc khai thiên lập địa đến giờ,
không thiếu một chi tiết nào.
Tuy được quen biết thân với bác Năm ở trong chùa từ lâu, lại
truy ra nguồn gốc mình là dâu của cụ Petrus Ký, niên khóa 63-69.
Tôi vẫn không có cơ duyên đi tham dự Đại hội đảng.
(Trích sách đã dẩn)
***
Tôi nghĩ, có lẽ, trong tất cả những người viết về Thầy, thì cây
bút của Hoa Lan có vẻ đọng lại nhiều nét tinh hoa nhất, hình ảnh
của Thầy như đang còn ghi dấu, như người xưa đã ví von:
Nhạn quá từng không
Ảnh trầm hàn thủy
Diễn tả đầy đủ một tấm lòng trong sáng và thánh thiện. Mặc dù
đây cũng chỉ là một vài “nét chấm phá”, nhưng đã “chấm” được vào
cái “bản thể chân nguyên”, để vẻ lên một chân dung đích thực,
một tấm lòng nhân bản, một ước vọng thăng hoa cho cuộc đời chính
mình và tha nhân.
Vì
vậy, cho nên có thể nói, Thầy là một con người không ngừng bắc
những nhịp cầu, với ước nguyện chung cho nhiều thế hệ được vượt
thoát, được đi lên. Nhưng đường đời thì có bao giờ bằng phẳng,
nên nhiều khi chí khí con người không thể vượt thoát được định
luật ngang trái.
Cũng nhiều lần vấp ngả, nhiều lần gặp cảnh thương đau, nhưng
Thầy đã một lòng níu lấy câu thần chú của Tâm Kinh Bát Nhã: Gate
Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha.
Nhờ thế mà nhiều lần Thầy đã vượt thoát, thoát khỏi gông xiềng
của đời thường đã đành, mà có thể Thầy cũng đã thoát khỏi vòng
ngã chấp biên kiến của vô minh. Nên Thầy đã tự tại, Thầy đã
thong dong...
Trên đây là một nhân chứng sống, với quảng thời gian gần đây đã
kể lại một chặng đời của Thầy Đảnh. Qua đó thì chúng ta đã thấy,
đã biết một cách tổng quát về cuộc đời của Thầy. Cuộc đời nó
không xuôi thuyền mát mái, phần nhiều gặp cảnh nghịch duyên,
nhưng Thầy đã gìn giữ được một phẩm hạnh thật cao quý: Luôn luôn
bao dung, không oán hận một ai, chỉ cầu mong cho tất cả mọi
người được thành đạo quả. (như bài kinh Hồi Hướng: Nguyện đem
công đức nầy. Hướng về khắp tất cả. Đệ tử và chúng sanh. Đều
trọn thành Phật đạo).
Hạnh nguyện của Thầy là thế, tấm lòng của Thầy là thế, ước mơ
của Thầy là thế, tất cả chỉ với một chí nguyện cho tha nhân.
Muốn trao truyền lại tất cả những tinh hoa của Văn hóa, của Phật
pháp cho hậu sinh.
Cho nên rất xứng đáng để được mang danh hiệu : Thầy Đảnh.
Nhân dịp đến tham dự Lễ Cầu Siêu cho Thầy, chúng con cùng góp
lời cầu nguyện chư Bụt và các chư vị Bồ tát, xin bảo hộ cho Thầy
trên bước đường hướng đến tương lai.
Trần Đan Hà
|