.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Hoa xuân nở muộn

Từ ngày chị Thuận đi lấy chồng, đây là lần đầu tiên Thành đến thăm chị. Lâu nay hai chị em chỉ liên lạc với nhau bằng điện thoại. Mới mấy năm mà chị cảm thấy như xa cách người em chừng lâu lắm. Nhớ lại những ngày đầu tiên trên bước đường vượt biên, hai chị em được phân phối về định cư tại thành phố biển nầy. Chị thấy trách nhiệm cần phải lo cho em tiếp tục ăn học, nên chị không thể học thêm một nghề gì, đành đi tìm việc làm để sinh sống. Sau một thời gian tìm việc, nhận thấy không có việc gì phù hợp với khả năng và sức lực của mình, cuối cùng chị thuê một chổ ngoài biển đề bán giải khát, phục vụ cho khách du lịch. Công việc nầy chỉ sinh sống được mùa hè và thu, tương đối cũng đắp đổi cho cuộc sống hai chị em. Nhưng sự đời không bao giờ êm đềm trôi xuôi, hay dừng lại theo mong ước. Sau khi tất cả đã được ổn định, thì chị gặp một biến chuyển về tình cảm. Chị nhớ ngày ấy xuất hiện một người đàn ông trông hiền hòa nhưng chững chạc và có vẻ cô độc. Ông ta ghé vào quán chị uống giải khát trong thời gian nghỉ hè tại đây. Từ ấy, ngày nào cũng ghé đến và lân la làm quen. Được biết ông ta đi du học tại xứ nầy, sau năm 75 xin định cư và lập gia đình với một người bản xứ. Nhưng chỉ sống chung được vài năm thì nhận thấy không hợp với nhau nên cả hai đã đồng ý ly hôn. Ông ta cô đơn từ đó, nên hôm nay gặp chị Thuận là một phụ nữ tuy quá tuổi xuân thì, song chị cũng đã có một thời vàng son nhung lụa, nhưng sinh bất phùng thời nên phải gặp cảnh phong ba. Vâng ngày xưa, chị Thuận là một nữ sinh trường Đồng Khánh, sau đó tốt nghiệp ngành Sư phạm và đi dạy được vài năm thì đến ngày đổi đời. Gia đình tan nát, cha mẹ chị bị mất tích trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế. Hai chị em được ông bà ngoại nuôi dưỡng, nhưng biến cố năm 75 thì ông bà ngoại cũng qua đời, còn lại hai chị em được sống sót. May mắn không lâu sau có gia đình người bạn của ba mẹ bao ghe cho hai chị em vượt biên. Sau khi được tàu Cap Ananmur cứu vớt và phân phối về định cư tại đây.

Tuy thời gian chị Thuận gặp người đàn ông kia không lâu, nhưng hỏi ra mới biết đều cùng là đồng hương và ngày xưa hai gia đình đã từng quen biết. Những yếu tố ấy như bảo đảm cho chị chấp nhận và quyết định cuộc hôn nhân nầy. Hiện tại chồng chị đang sinh sống tại thành phố S và đã sinh hoạt với cộng đồng nơi đây rất lâu. Nên khi chị đến được giới thiệu dạy lớp Việt ngữ cho các em học sinh và sinh viên. Nhờ vậy mà chị có được một “đám học trò rất dễ thương”. Vì thành phố nầy lớn, cộng đồng người Việt rất đông.

Chị Thuận lấy chồng nhằm lúc Thành đã tốt nghiệp và may mắn xin được việc làm. Nên chị không còn lo lắng cho người em mà chị đã tâm nguyện là phải có bổn phận dìu dắt đến nơi đến chốn. Tuy nhiên thỉnh thoảng nghĩ đến Thành, chị vẫn cảm thấy không yên tâm đối với đứa em của mình đang còn long bong, chưa có đối tượng để kết bạn tâm giao. Vì chị biết rõ tính tình của Thành không ưa những cô gái bản xứ. Dầu đang sống nơi một thành phố du lịch, nổi tiếng là “dập dìu tài tử giai nhân” thế nhưng chàng chưa bao giờ cảm thấy xao xuyến trước những “bông hồng” xa lạ của du khách.

Mỗi lần nhớ đến đứa em của mình đang sống cô đơn nơi một thành phố không mấy người Việt định cư, chị Thuận cảm thấy không yên lòng. Nên hôm nay chị gọi Thành lên thăm, nhân dịp tham dự hội Tết tại đây, đồng thời chị muốn giới thiệu cho chàng một “cô học trò” của chị. Lâu nay chị cũng đã để ý Hoàng Lan, tuy qua đây còn nhỏ nhưng được gia đình giáo dục theo Văn hóa Việt Nam nên rất ngoan. Tuy vậy, chị Thuận chưa bao giờ nói với ai ý định của mình kể cả Thành. Vì chị muốn để cho giới trẻ đến với nhau và làm quen một cách tự nhiên. Chị biết suy tư và nếp sống của giới trẻ hải ngoại, rất khác biệt với những gì mà chị đã trải qua thời con gái. Nên chị chỉ đưa Thành đến với lễ hội và chỉ cho chàng thấy cô Hoàng Lan, trong ban tiếp tân đang hướng dẫn khách đến tham dự. Chị nói con bé ngoan và dễ thương lắm đó, rồi chị tách riêng để một mình chàng tìm hiểu. Vừa gặp Hoàng Lan, Thành đã cảm thấy cõi lòng xao xuyến, nhưng chàng không dám đường đột làm quen. Cũng như lần gặp gỡ đầu tiên và bất ngờ nên chàng chưa chuẩn bị tinh thần. Do đó chỉ hỏi qua loa những câu hỏi không dính dáng gì đến việc “làm quen”.

Thành quan sát quang cảnh hội trường rất rộng rãi, trang trí tao nhã có cây nêu tràng pháo, có bánh tét bánh chưng, có chậu mai vàng dù là bông giả, nhưng đã thể hiện được sắc màu và hương vị quê hương. Vẫn còn gìn giữ bản sắc văn hóa và sinh thái phong tục của cội nguồn dân Việt.

 Thành bước đến chào và hỏi chuyện Hoàng Lan:

- Thưa cô đến mấy giờ thì hội tết được khai mạc?

 Hoàng Lan cũng trả lời như những người khác:

- Thưa anh, dạ đến 19 giờ thì khai mạc.

Thành thấy có mấy người đến hỏi, cũng như không biết hỏi gì thêm đành nói lời cám ơn rồi đi vào.

Đến giờ giải lao, Thành tìm cách đến gợi chuyện làm quen nhưng Hoàng Lan còn giữ gìn ý tứ, vì nàng luôn nhớ đến lời mẹ dặn: Con gái mới lớn lên, mỗi khi gặp người xa lạ thì nên chào hỏi chừng mực, đừng lả lơi hay suồng sả mà thiện hạ họ đánh giá là con nhà thiếu giáo dục…”. Vì thế mà Hoàng Lan tiếp Thành như một người “khách lạ”.

Thành thấy vẻ thờ ơ của Hoàng Lan đối với chàng nhưng không trách, vì có thể mình thiếu tế nhị khiến cho giây phút đầu tiên ấy trở thành xa lạ. Thành chợt nhớ lại trước đây chị Thuận có nói về tâm lý bạn gái có đoạn: khi người con gái có cảm tình với mình thì tự mở ra một nửa cõi lòng đ giao cảm, để cùng dìu giây phút “ban đầu” ấy đi vào chung lối. Còn ngược lại thì họ sẽ thờ ơ, không thấy một chút rung cảm nào trong câu chuyện trao đổi giữa hai người”.

Do đó mà Thành cảm thấy tình cảm của Hoàng Lan dành cho mình không được thân thiện, nên chàng hơi thất vọng.

*

Buổi văn nghệ của các hội Tết thường do các bạn trẻ trong vùng đảm trách. Họ cùng nhau tập dượt mấy tháng trước để chuận bị cho chương trình. Nhưng cũng để cho phần văn nghệ thêm phong phú, ban tổ chức kêu gọi sự đóng góp của khán thính giả đến tham dự. Nhờ vậy mà đây là cơ hội để Thành được trổ tài và cũng tạo điều kiện để làm quen với các bạn trẻ địa phương. Thành đã mạnh dạn xin phép ban tổ chức được đóng góp một tiết mục. Người điều khiển mời anh lên sân khấu và giới thiệu anh, với nhã ý muốn giúp vui cho chương trình. Thành bước ra chào khán giả, ôm đàn dạo nhạc và cất tiếng hát... :Chung vui đêm nầy cho trọn tình yêu thương, đẹp tình quê hương mai tôi về chúng mình đôi đường… (Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê của Duy Khánh). Giọng ca của Thành thật ngọt ngào và trầm ấm, qua dáng điệu rất nghệ sĩ, với mái tóc bồng bềnh trên vầng trán cao, lung lay theo từng cử chỉ trình diễn đã tăng thêm phần hấp dẫn cho tiết mục, cũng như đã ghi lại cảm tình trong lòng mọi người. Khán giả vỗ tay tán thưởng, kèm theo mấy tiếng bis…bis. Đại diện ban tổ chức lên tặng hoa và cám ơn người bạn trẻ vừa đến với cộng đồng thành phố. Các cô thì kháo nhau: Anh chàng nầy từ mô đến mà trông cũng dễ coi vậy tụi bây?”. Có cô thì tỏ ra mình hiểu biết hơn một chút nên trả lời: Vườn đào đã có chủ rồi hỏi làm chi?”. Cô khác thì gạn hỏi thêm : “Mi nói có chủ rồi mà ai là chủ mi có biết không?, nếu chưa có thì tau tình nguyện làm chủ cho, không thành vấn đề”…

Riêng Hoàng Lan thì lặng lẻ âm thầm mà thấy lòng tiêng tiếc, đã bỏ lỡ cơ hội tạo sự cảm thông đối với Thành trong lần gặp gỡ đầu tiên. Vì nàng luôn nhớ lời mẹ dặn: Con gái mới lớn, khi gặp người lạ thì nên chào hỏi chừng mực, …”. Nên khi phụ trách ban tiếp tân, nàng vẫn đối đải “chừng mực với mọi người”. Nàng đâu ngờ bức thành trì “công dung ngôn hạnh” ấy đã là biên giới ngăn cách, đã là tác nhân bôi xóa những “manh nha tình cảm” của buổi ban đầu !.

*

Khi về đến nhà chị Thuận thấy Thành có vẻ buồn buồn, chị đã đoán ngay là hai đứa không được tích sự gì rồi”! Nhưng chị cũng cương quyết không hành xử như một “bà mai” của những ngày xa xưa. Vì chị biết rằng lối suy nghĩ và nếp sống của giới trẻ hải ngoại khác xa. Trong trường học họ thường tổ chức những cuộc “trao đổi học sinh”, của nước nầy và nước khác, tạo nên những sinh hoạt tập thể. Việc giao tiếp và làm quen giữa giới trẻ với nhau rất cỡi mở và tự nhiên. Chị không muốn đem một thứ keo tầm thường để dán hai đứa lại với nhau. Chị nghĩ rằng làm như vậy là xúc phạm đến nếp sống tân tiến của chúng. Mặc dầu chị Thuận rất yêu thương đứa em của mình, cũng như có lời nguyện lúc trước là phải bảo bọc và xây dựng cho Thành đến lúc thành nhân.

Khi biết Thành thất vọng với chuyện tình đầu, chị Thuận cũng cảm thấy áy náy. Nên chị nghĩ ra một kế mới là ngày mai sẽ nhờ Hoàng Lan đưa Thành lên phi trường, ngầm tạo cơ hội cho hai đứa một lần nữa.

Tối hôm ấy chị Thuận điện thoại cho Hoàng Lan. 

- Hello. Hoàng Lan đó hả ? Cô Thuận đây.

- Dạ em nghe, có chi không cô?

- Cô có việc cần nhờ đến em, không biết em có rảnh và giúp được không?

- Mà chuyện chi rứa cô ?

- Việc là cậu em của cô lên thăm và ngày mai lại trở về, nhưng không quen đường sá. Nên cô muốn nhờ em ngày mai đưa cậu ấy lên phi trường, có được không ?

 - Hoàng Lan ngập ngừng rồi trả lời: Dạ thưa cô cũng được, nhưng mấy giờ rứa cô?

 - Nếu được thì sáng mai bảy giờ em sang nhà cô dùng sáng rồi đón xe Bus đi. Giờ máy bay làVì tối qua “cục cưng của cô” nó nhỏng nhẻo quá, bây giờ cô không biết gởi cho ai đây!?. (Khi không chị Thuận lại đi “nói dối” một cách ngon ơ, tuy nhiên chị không cảm thấy xấu hổ, vì chị “muốn cứu vãn tình thế” mà chị thấy rất cần thiết để an ủi Thành).

Vừa nghe cô Thuận trình bày xong, Hoàng Lan tưởng như thiệt nên nhận lời ngay. Vã lại nàng nghĩ được gặp lại anh Thành cũng tốt, biết đâu…

Buổi sáng vừa nghe bấm chuông chị Thuận chạy ra mở cửa và đon đả: Ô Hoàng Lan hả, vào đây em và nhờ em giúp cô nhé.

Hoàng Lan thành thật nói em còn nghỉ, không trở ngại chi mô cô.

Thành chào từ giả chị Thuận và xách túi đi theo Hoàng Lan. Từ nhà ra trạm xe hai người vẫn “im lặng” không biết nói chuyện gì. Riêng Thành chỉ hỏi vài câu vu vơ và nàng cũng chỉ trả lời như một cái máy. Ra đến phi trường nơi phòng kiểm soát hành lý, Thành xách túi lên tay nói lời cám ơn và chào Hoàng Lan rồi quay lưng đi vào phòng đợi.

Hoàng Lan nép vào một góc, nhìn theo bóng dáng của Thành bước đi một cách nặng nề, như mang theo về quá nhiều hành lý. Nàng cảm thấy chuyến viếng thăm lần nầy như có điều gì khiến chàng không vui. Nhưng Hoàng Lan không tìm ra nguyên nhân, cũng như không biết làm thế nào giúp cho Thành được trở lại trạng thái hồn nhiên như khi mới đến.

*

Thành về đến nhà cảm thấy căn phòng rộng thênh thang, khiến cho nỗi buồn của chàng mang theo về gần như vời vợi. Nhưng theo công việc làm nên sáng sớm Thành vẫn thức dậy, pha một ly cà phê ngồi nhâm nhi mà thấy cõi lòng trống trải, hoang vu. Buổi chiều đi làm về vẫn cảm thấy một nỗi buồn không tên, đang len lén vào gian phòng như trêu ghẹo, như hùa theo không gian vắng lặng dấy lên một điệp khúc buồn. Thành với tay lấy cây đàn và ngồi hát vu vơ những bản nhạc để cho lòng bớt trống trải. Chợt Thành hát theo một bản nhạc diễn tả nỗi niềm cô độc của mình. Dưng không chàng đổi lời bản nhạc khi nào không hay:

Tình yêu tôi em cho đi bằng máy bay

Vừa lên phi cơ em đưa tay vẫy theo chào

Làm mây đang bay bổng dưng thành hạt mưa

Rớt xuống lòng tôi lời khóc cuộc tình đã bay hơi

 

Thì thôi tôi xin đi về biển khơi

Dù khi ra đi không ai tiển một lời

Về nơi xa xăm không ai còn hỏi thăm

Không ai còn ân cần vì cuộc tình đã qua phân

 

Giờ ai yêu tôi xin yêu bằng con tim

Đừng như mây mưa đang bay trắng khung chiều

Vì tôi không như các loài cỏ cây

Mưa ướt rồi nắng dọi thì cuộc tình sẽ tiêu diêu …!”

Hát đi hát lại nghe hơi “sên sến” nhưng Thành cảm thấy thích thú với lời nhạc do mình chế tác. Rồi tự lý luận, rằng thế nào là sến và thế nào không là sến? Ôi thôi những gì cảm thấy đem đến cho mình niềm vui thì cứ chấp nhận. Thành hát đi hát lại trong những giây phút cô đơn trống vắng. Những lúc ngồi một mình nhìn ra biển chiều, thấy không gian mênh mông quá khiến chàng cảm thấy hiu quạnh, mà tâm hồn thì nhẹ tênh như sợi khói…

*

Còn Hoàng Lan sau khi đưa Thành lên phi trường trở về cũng thấy lòng hối hận. Nàng tự trách mình sao không tạo điều kiện để cho tình cảm giữa hai người có cơ hội manh nha. Hay nàng mang mặc cảm “không đứng đắn” khi lần đầu tiên tiếp xúc với bạn trai ? Nàng cũng biết rằng nếu không mở lòng ra để đón nhận thì người ta sẽ hiểu lầm là mình không có cảm tình với đối tượng. Hoàng Lan mãi phân vân giữa hai trạng thái tình cảm: “Giao tiếp với bạn trai và việc giữ gìn tiết hạnh”. Nên không biết ứng xử như thế nào để khỏi phải rơi vào tình trạng khó xử, như trường hợp vừa qua mà nàng đã gặp phải. Nàng luôn tự hỏi việc tiếp xúc bạn trai đối với người con gái mới lớn, có điều chi xấu xa hay không?                                    

Nhưng đến ngày đi học trở lại, nàng đành gác qua một bên chuyện tình cảm để tiếp tục đến trường. Hoàng Lan tự nhủ chỉ còn một thời gian ngắn thôi là xong, bây giờ nếu không cố gắng thì sau nầy chắc chắn sẽ hối hận, vì không bao giờ có thể làm lại từ đầu. Nên những ngày kế tiếp nàng vùi đầu vào sách vở. Thấm thoát mà gần sáu tháng trôi qua thật nhanh chóng. Đến dịp hè thì trường của Hoàng Lan có chương trình đi tham quan một thành phố biển. Tham khảo về lịch sử của thành phố để làm bài thi tốt nghiệp. Và thành phố nhóm bạn học của Hoàng Lan sẽ đến là nơi chốn hai chị em cô giáo Thuận đã một thời sống qua, nên nàng hỏi thăm cô có thể cung cấp tài liệu.

Cô giáo Thuận đoán biết tâm ý của Hoàng Lan, cũng như cơ hội lặp lại với Thành, nên cô Thuận nói với nàng rằng: “để cô điện thoại cho cậu em của cô nhờ nó làm hướng đạo dùm, nếu các em muốn“. Trước đây nó cũng đã tốt nghiệp tại thành phố này, nên có thể nó rành về lịch sử nhiều hơn cô.

Hoàng Lan vừa nghe như cỡi mở tấc lòng, nhưng cũng “làm bộ” hỏi thêm cho có vẻ lịch sự: Thưa cô như vậy có tiện không cô?”

Cô giáo Thuận cũng “giả đò” quả quyết: Có chi mô mà tiện với không tiện. Để cô điện thoại cho nó lấy vài ngày nghỉ hè hướng dẫn cho các em. Người đi trước giúp đỡ người đi sau là chuyện thường mà. Hơn nữa nó cũng còn thong dong, nên có một việc chi để làm cũng đở buồn phải không”. Chị Thuận gác điện thoại rồi mỉm cười một mình và tự độc thoại: Khi không mình trở lại lần nữa đi nói dối ngon ơ, khiến cho cô học trò dễ thương của mình không có một chút nghi ngờ! Thiệt tội nghiệp cho cô bé “lòng trắng như mây” mà phải “chơi chung” với một kẻ “gian dối… !”. Sau khi chị Thuận liên lạc với Thành và được chàng đồng ý, chị liền cho Hoàng Lan số điện thoại và địa chỉ của chàng, để các cô thông báo ngày giờ đến cho tiện việc đón tiếp.

Sau đó Hoàng Lan đánh bạo điện thoại cho Thành.

- Hallo có phải anh Thành đó không? Em là Hoàng Lan đây.

Đầu giây bên kia trả lời: Dạ thưa chào cô Hoàng Lan, tôi có nghe chị Thuận nói chuyện rồi, việc đó không có chi trở ngại mô. Xin cô cho biết địa điểm và ngày giờ đến để tôi tiện việc đón tiếp.

Hoàng Lan cám ơn Thành rối rít và thông báo những chi tiết yêu cầu rồi cúp điện thoại. Tự dưng Hoàng Lan càu nhàu một mình mà như nói với người đối thoại:

Thưa cô… thưa cô cái con khỉ ! Người chi mà khù khờ như rứa không biết? Người ta đã “bật đèn xanh” cho rồi mà không chịu hiểu, cứ ở đó mà thưa với trình thấy dễ ghét”!.

Rồi nàng bước tới tấm gương soi thấy bản mặt phụng phịu của mình mà đâm ra mắc cở. Tuy nhiên Hoàng Lan vẫn còn lo lắng không biết tình cảm hiện tại của Thành như thế nào? Chàng có hiểu cho câu tục ngữ Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại” hay không? Hay chàng vẫn còn mặc cảm như buổi ban đầu với cảnh thờ ơ lạnh nhạt của mình, khiến chàng “bị sượng” như nồi khoai luộc thiếu lửa !.

*

Thành lái xe đến khách sạn F để tiếp đón, vừa mới bước xuống đã thấy một nhóm người lố nhố nhìn ngược nhìn xuôi. Thành chạy đến vồn vã:

- Dạ xin chào các cô, xin lỗi tôi đến trể chắc các cô đợi lâu ?

Hoàng Lan lên tiếng với dáng vẻ nghịch ngợm và lời lẻ hơi khôi hài: “Dạ xin chào anh hướng đạo. Các cô đến đã lâu, nhưng quên mang theo đồng hồ nên không biết là bao lâu nữa?”

Lúc nầy Thành mới có cơ hội để chiêm ngưỡng trọn vẹn nét duyên dáng của Hoàng Lan. Nàng mặc chiếc quần Jean màu xanh biển và áo Pullover màu vàng nhạt, mái tóc thề bay bay trước gió. Trông như cảnh biển chiều bên rặng phi lao nghiêng ngả, xuyên qua bầu trời vương màu nắng nhạt.

Thành cảm tưởng lần gặp gỡ nầy như được ngắm nhìn một vườn hoa đua nở muôn màu, trong đó có một đóa hoa đang phô khoe hương sắc để điểm tô cho mơ ước của cuộc đời. Chàng thấy lòng hân hoan rộn mừng, một cảm giác bâng khuâng. Thành hẹn với các cô ngày mai sẽ trở lại hướng dẫn đi tham quan các nơi tiêu biểu về lịch sử thành phố.

Nơi đầu tiên Thành đưa các cô đến là viện bảo tàng thành phố (Stadtmuseum). Nơi đây chàng đã giải thích rất cặn kẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của các món đồ đang chưng bày. Đã cho các cô một khái niệm về lịch sử của một thành phố biển.

Thành không quên xin Hoàng Lan một cái hẹn để được đưa nàng đi dạo phố, nhân cơ hội tìm hiểu về nàng, tạo điều kiện để thêu dệt sắc màu buổi gặp gỡ nầy cho tình yêu thêm thắm thiết.

Chiều hôm sau Thành đến đón Hoàng Lan đi dạo phố. Trên đường đi, muốn đo lường tình cảm của nàng nên chàng hỏi:

- Hoàng Lan có cảm tưởng như thế nào trong lần đến thành phố biển nầy?

Hoàng Lan thành thật trả lời: “Em cảm thấy rất vui thích cảnh vật nơi đây, vừa xa lạ vừa gần gủi, và sự đón tiếp nhiệt tình của anh khiến cho em có cảm giác an toàn”.

- “Sao lần trước em có vẻ thờ ơ và lạnh nhạt?”

- Tại vì em luôn nhớ lời mẹ dặn: Con gái mới lớn lần đầu tiên gặp gỡ bạn trai, đừng nên quá dễ dãi mà người ta xem thường…!”.

- “Và em đã tin để trở thành một “tín điều” bất dịch?”

- “Em cứ nghĩ mạ nói mà không tin thì biết tin ai chừ?”

- “Đành rằng tin nhưng cũng phải tùy theo hoàn cảnh và môi trường nữa chứ? Chuyện trai gái lớn lên tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân đâu có gì là xấu?”

- “Điều đó em đâu “chứng nghiêm” qua mà biết?”

Thành cảm thấy Hoàng Lan thành thật đến tội nghiệp! Thế mà trước đây chàng không chịu khó kiên nhẫn để tìm hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Để đến nỗi tự tạo cho mình một niềm “thất vọng”, và hình như cũng khiến cho Hoàng Lan có mặc cảm là không được chàng “quan tâm” đến nàng từ buổi ban đầu.

Ra đến bãi biển, Hoàng Lan thấy thích quá vội vã cởi giầy và xắn quần đi ra phía biển. Hai bàn chân vừa chạm nước, nàng thốt nên lời: “Ôi thích quá” rồi nàng chạy nhảy tung tăng như lúc còn tuổi bé thơ.

Biển chiều thật đẹp, ngoài xa từng làn sóng đang chạy vào như một cuộc đuổi bắt bất tận. Từng đợt nối đuôi nhau, từng lớp trắng xóa phủ lên một tấm thảm màu xanh, làm nghiêng chao bóng nắng nhung vàng lấp lánh, lung linh. Gió hất tung mái tóc của Hoàng Lan bay ngược bay xuôi như hàng liểu trên bờ đang trôi theo hướng gió. Nàng đang đùa vui với sóng nước như hòa chung cùng nếp sống nơi đây. Nơi đã cho nàng những phút giây thoải mái, thích thú như phút chốc quên đi mệt mỏi của những ngày qua và chuyện lo âu về học hành, sách vở…

Thành đứng ngẩn người trước cử chỉ hồn nhiên của Hoàng Lan. Chàng có cảm giác như đang chìm đắm trong nguồn hạnh phúc. Hình như không gian hiện tại đang đẩy dần hình bóng cô đơn của chàng trôi đi thật xa, mất hút và trước mặt mở ra một hoài vọng thuận chiều cho hành trình đi đến tương lai, bằng những ước mơ lâu nay ôm ấp. Chàng thầm cảm tạ ơn trên trao tặng cho chàng một món quà mong ước.

Thành đưa Hoàng Lan vào quán giải khát, nơi đây đã một thời chị Thuận buôn bán để giúp cho chàng ăn học. Chàng gọi cho Hoàng Lan một ly cam vắt và chàng một ly cà phê đá. Gió biển thổi vào mát lạnh như đang mơn trớn cảm giác, như những phiến mưa tưới tắm, gội sạch niềm suy tư còn chuyên chở chuyện buồn phiền của tháng ngày qua sót đọng.

Ngồi trong quán nước mà với chàng đã có một thời kỷ niệm qua chuổi ngày thân yêu, và bây giờ có thêm người yêu dấu ngồi cạnh. Chàng nghe cõi lòng ấm áp như ngoài trời đang chan hòa ánh nắng, chung vui với nguồn hạnh phúc của đôi tình nhân. Vì bây giờ chàng và nàng đã có thêm một chung bóng, một san sẻ, một giao hòa…, những thứ ấy đang giúp cho đôi tình nhân phôi dựng một mùa xuân hạnh phúc.

Chợt dưng Thành hỏi Hoàng Lan với giọng trìu mến: -Thích biển lắm phải không ? Hình như lần đầu ...?

Hoàng Lan ngước lên dịu dàng: Thích biển thì có, nhưng lần đầu thì không. Năm trước trường em có tổ chức nghỉ hè vùng biển. Nhưng lần ấy chỉ thấy sống nước mênh mông và trên bờ hàng phi lao ru gió… !

- Còn hôm nay thì thấy thêm những gì ?

Hoàng Lan hơi ngập ngừng như chợt nghĩ ra, hình như Thành đã biết mình đang che dấu một điều gì, khiến nàng cảm thấy thẹn thùng !.

Hoàng Lan không trả lời câu hỏi, nhưng để tránh cử chỉ vụng về như tố cáo tâm sự của nàng đang dấu diếm. Nàng bưng ly nước cam lên uống từng ngụm nhỏ rồi nhận xét: Ở những vùng gió cát, nắng lửa như thế nầy uống ly nước cam nghe ngon dễ sợ”!.

Thành muốn khuấy động cái không khí tẻ nhạt nầy thôi xao lên một chút, để xua đuổi nỗi niềm cô đơn trống vắng của những ngày qua. Hay tô điểm thêm tình tự mến yêu mà có lẽ hai người đã thầm trao nhau. Chàng nói lời đùa như khiêu khích:

„Nước cam luôn “hiền” người ta còn gọi là “nước sinh tố” chứ không phải “ độc dược” mô đừng có sợ!”.

Hoàng Lan cũng trả đủa không nhân nhượng: Khỏi lo, những người “chưa từng trải” họ luôn có sức “ đề kháng” mạnh lắm, không bao giờ bị “truyền nhiểm” một cách khơi khơi mô !”.

Thành nghe Hoàng Lan thao thao như đang thuyết trình về một đề tài tâm lý, pha chút triết lý sống của tuổi mới lớn, chàng lại nhận xét: Nàng là một người con gái hiền thục, dịu dàng nhưng còn pha chút kiêu sa. Đây có thể là hương vị để điểm tô cho bản tính của những người con gái mới lớn, nên chàng không muốn “chọc quê” thêm nữa !”.

Chàng ngồi nhìn ra biển chiều thật êm, mặt biển phẳng như tấm thảm thiên nhiên đang trải xuống giữa bao la. Màu xanh đậm lấp loáng bóng ráng ánh lên một màu đỏ hồng tuyệt đẹp. Những cánh chim hải âu đang bay lượn trên không, như khuấy động không gian tạo thành những nét vẻ của một bức tranh thật sinh động.

*

Trước khi đưa Hoàng Lan trở về quán trọ, Thành mời nàng ghé qua nhà chàng cho biết. Hoàng Lan ngoan ngoản đi theo với dáng điệu tự nhiên như hai người đã thân thiện từ lâu. Vì trong lòng hai người đã cảm mến, hình như họ đã xem nhau “như là tình nhân”.

Cánh cửa mở ra, hiện bày một căn phòng được trang trí rất nghệ thuật, với màu sắc hài hòa điểm tô bằng mấy bức tranh có biển xanh cát trắng, ẩn hiện mấy tàng cây chen lẫn những cánh hoa đỏ hồng bóng phượng. Như bóng dáng quê hương đang thấp thoáng lung linh, trong ký ức nhạt mờ nét ngây thơ của khung trời tuổi nhỏ. Như tất cả tình tự mến yêu của ngày xưa đang hiện về, đang dâng lên làm ngập lòng những người xa nhớ.

Hoàng Lan bâng khuâng trước khung cảnh nên thơ của gian phòng, đã cho nàng cảm giác ấm áp và hạnh phúc. Bên cạnh chàng trai mà nàng đã thầm yêu mến, như vuốt ve niềm mơ ước thầm kín của hai tâm hồn son trẻ. Như suối nguồn vi diệu đang tuôn chảy một dòng tươi mát, khiến cho cơn nóng của ngày hè như dịu lại.

Thành chỉ vào những giò Hoa Lan treo lủng lẳng trên vách tường và nói: “Đây là món quà sơ giao để đón tiếp Hoàng Lan, tuy đơn sơ nhưng đã chứa đựng trọn vẹn một tấm lòng…”

Bây giờ Hoàng Lan mới chú ý đến những giò hoa, ánh mắt chớp chớp ra vẻ cảm động. Chợt dưng, nàng bước lại gần và ngả vào vòng tay của Thành, dịu dàng nhắm đôi mắt lại và trao cho chàng một nụ hôn đầu đời, đắm đuối…!

 

 

Trần Đan Hà

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.