.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Tiếng quê hương

Tháng Ba, nhân dịp lễ Cầu Siêu cho Thầy Phạm Ngọc Đảnh tại Viện Phật học Ứng dụng Âu châu. Chúng tôi cùng với anh chị Phan Ngọc Minh đi Waldbröl để tham dự; đồng thời làm cuộc “xuất hành” đầu năm một chuyến. Đi cho biết đó biết đây, chứ ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn ? Câu ca dao tôi nghe từ hồi nhỏ, bây chừ nghiệm lại thấy ông bà chúng ta nói nhiều cái cũng đúng lắm, phải không ? Mới một thời gian ngắn không đến Phật Học Viện, mà bây giờ đã thấy sửa sang được một phần để làm nơi tu học. Cạnh dãy nhà mua thêm đã biến thành phòng ngủ cho khách vãng lai lên đến hàng trăm chổ. Nhất là lực lượng của quý Thầy Cô tại đây đã tăng cường lên đến 55 vị. Hỏi ra mới biết quý Thầy Cô ở Việt Nam, sau vụ “Pháp Nạn Bát Nhã” cách đây mấy năm, tất cả đều tứ tán khắp nơi !

 

Bây giờ “Đám Mây Bát Nhã” đang hội tụ lại để làm “Cuộc rong chơi nơi phương trời hải ngoại” được tự do làm những giọt sương, làm những giọt mưa để tưới tẩm cho cây đời lên xanh một màu an lạc. Kể từ ngày được Sư Ông và Tăng thân Làng Mai bảo lãnh qua, một số qua Mỹ và Canada còn một số qua Âu châu, đông nhất là Pháp và Đức. Tại Phật Học Viện phần nhiều các Thầy Cô là người quê miền Trung, thuộc các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

 

Vừa bước chân vào đã nghe xôn xao tiếng nói địa phương. Một thứ tiếng mà hình như đã in đậm vào trong tâm thức mình. Nên mỗi lần tình cờ được nghe lại, lòng tôi cảm thấy xao xuyến lạ ! Tôi đứng lặng để nghe, như muốn uống trọn tất cả những âm thanh của tiếng nói. Ui chao ôi ! Răng mà nghe dễ thương như rứa không biết ? Lâu lắm rồi, kể từ ngày xa quê đến nay, bửa ni mới được nghe lại tiếng quê hương của mình trăm phần trăm. Nhớ ơi là nhớ, thương ơi là thương, hình như có một hấp lực quyến rũ nào đó bắt mình phải nhớ, khiến mình phải thương như mấy câu thơ của ai đó:

 

Ri mô tê răng rứa

ai đời người xứ Huế

mà không nhớ đến đất Thần kinh ?

 

Giây phút ấy thật nhiệm mầu, nó như làm sống dậy một thời, của quảng đời mà ai cũng cho là đẹp nhất. Vì được nghe lại tiếng nói đầu đời đã ghi vào và lưu lại trong sâu thẳm của hồn mình từ khi nào mà không hay biết.

 

Xin cám ơn Phật Học Viện, xin cám ơn Waldbröl đã cho tôi những giây phút sống lại..., dễ thương nhất trong suốt chặng đời ly hương nầy !

 

***

 

Đã gần một phần ba cuộc đời, qua sống tại cái xứ lạnh lẽo nầy, riết rồi thấy tâm hồn cũng đóng băng hóa đá. Cuối tháng ba mà ban đêm thời tiết còn trừ vài ba độ âm. Nhìn ra ngoài vườn sương muối phủ trùm lên cỏ cây lốm đốm như sa mạc. Mở cửa sổ ra một chút là hơi lạnh lùa vào thấy rùng mình ớn lạnh. Cái lạnh buốt xương da khiến tay chân lóng cóng, thân thể co rúm như muốn thu lại nhỏ nhoi, để hơi lạnh bớt thấm vào.

 

Cứ mãi ao ước một dịp được đến nơi nào có chút nắng, để thưởng thức hương vị ấm áp, mà có lẽ đã lâu lắm rồi tôi không được đón hưởng. Nên năm nay, nhân duyên đã đến, vừa mới nghỉ hưu nên tôi quyết định đi một chuyến. Trước tiên bay qua California vùng San Jose để thăm gia đình bà Dì đang sinh sống tại đó. Mà sau ngày đổi đời chúng tôi chưa có cơ duyên hội ngộ. Gặp lại người thân trong một khung cảnh nhộn nhịp và đông đúc người đồng hương, lòng tôi bâng khuâng lạ. Cái cảm giác như là một đứa con thất lạc, bây giờ được trở về nhà. Đi đâu cũng gặp người có tiếng nói quen thuộc, có một phong tục gần gủi như không bao giờ thay đổi, đó là gặp nhau tuy chưa quen biết nhưng cảm thấy như là người thân.

 

Phong cảnh nơi đây thì khỏi nói, vì đã lâu được mệnh danh là “Thung lủng hoa vàng” xung quanh những dãy núi cao, nhưng không có cây cối nên vươn dài một đồng cỏ mượt, dựng ngược lên vút tầng xanh. Phía dưới một vùng đồng bằng rộng lớn, cũng với những đồng cỏ trải dài, điểm một loài bông hoa màu vàng lấm tấm xen lẫn giữa thảm cỏ xanh, quanh những dãy nhà thưa thớt với lối kiến trúc tân kỳ, nhà nào cũng có vườn rộng.

 

Ngày hôm sau nhờ Phượng, đứa em con bà Dì chở đi tham quan một vài nơi. Nhất là đến thăm các ngôi chùa quanh vùng. Vùng nầy chùa rất nhiều, và sinh hoạt Phật giáo ở đây cũng rất đều đặn. Có viếng một ngôi chùa cũng bình thường thôi, nhưng ngoài vườn Thầy Trụ Trì trồng cây cảnh, có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên; có hòn non bộ và nhất là cây cối được chăm sóc, cắt tỉa rất nghệ thuật đúng là khung cảnh “Vườn Chùa”. Sau đó đến Tịnh Thất Hòa Bình của Ni Sư Hạnh Trì. Vừa gặp chúng tôi, Ni Sư liền nói Hòa Thượng đang giảng Pháp bên Niệm Phật Đường Fremont, quý đạo hữu qua nghe đi. Luôn thể có một anh cũng qua bên đó, nên chúng tôi tháp tùng chạy theo. Qua đến được gặp Thầy và phái đoàn Âu Châu qua hoằng pháp nơi đây. NPĐ Fremont tọa lạc trong một khu đất rộng, tiền thân là một cái hảng, bây giờ mới sửa chữa, nên tất cả vẫn còn nguyên hình dáng, chỉ trang trí bên ngoài mà thôi. Chúng tôi đến thấy khoảng hơn trăm giới tử đang nghe Pháp. Đạo tràng rất trang nghiêm và thanh tịnh, người nào cũng chăm chú lắng nghe. Chúng tôi bước vào thì còn khoảng mười lăm phút nữa là xong giờ giảng Pháp. Đến giờ ngọ trai, Thầy Trụ Trì mời tất cả Phật tử thưởng thức món “Mì Quảng” rất đặc sắc. Mà thật thế, họ làm món mì nầy rất ngon. Mì chay mà xào nấu đến như thế là “năm bờ oăn” rồi !

 

Tiếp theo là xuống Los Angeles để thăm gia đình người anh vợ. Nơi đây cũng được các cháu chở đi ra phố Little Sài Gòn ghé khu Phước Lộc Thọ, cũng như leo lên viếng chùa Linh Sơn của Đài Loan. Ngôi chùa kiến trúc rất lộng lẫy, gồm có 5 bậc thành, giữa mỗi bậc đều được xây dựng các Thánh cảnh như Tứ Động Tâm bên Ấn Độ. Cây cỏ vườn chùa được chăm sóc, cắt xén rất tỉ mỉ. Có nguyên một khu chưng bày hình tượng của vị sáng lập, cũng như những hình ảnh ghi lại “Công hạnh hoằng hóa của Ngài”. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi, nhìn xuống thành phố phía dưới chân như một bức tranh thủy mạc, ẩn hiện những ngôi nhà nằm rải rác. Nhà cửa nơi đây thưa thớt và thấp nên thấy thành phố trải dài đến bất tận, dàn rộng đến vô biên.

 

Ngày hôm sau đi Hollywood để xem cơ sở quay phim nổi tiếng thế giới. Mà lâu nay chỉ đọc sách báo và nghe kể lại. Bây giờ mới thấy tận mắt nghệ thuật tân tiến, kỹ thuật “lộng giả thành chân” rất tuyệt vời. Chỉ với một chiếc kính màu để được trông thấy hình thật, mà trên thực tế khi xem phim không ai có thể tưởng tượng ra nổi ! (những tại nạn xe hơi, tàu lửa, máy bay, thuyền bè, muông thú... đều “giả “ hết cả !

 

Cali tôi đi chưa khắp, đến chưa cùng tất cả những địa danh, mang tên những thành phố, nhưng chung quy cũng đã thấy được nhiều nét đáng yêu. Việc di chuyển hầu hết là đi xe nhà, còn phương tiện công cộng như xe bus rất hạn chế. Tuy nhiên khi bước chân lên xe bus thì được thấy những bảng hướng dẫn dán trên xe bằng tiếng Việt, như: “Khu nầy dành riêng cho người lớn tuổi. Xin xuống bằng cửa sau.”. Xe lửa cũng ít, và cũng không mấy người đi. Có nhiều nơi muốn đến chỉ nhờ người địa phương đến đón là thông dụng nhất. Thành ra đi đâu cũng không theo ý muốn mình được, đành đi theo những nơi có phương tiện mà thôi. Như lần đi San Francisco chẳng hạn, nơi đây họ có một loại xe hai tầng, mui trần chuyên chở du khách chạy vòng quanh thành phố và lên xem chiếc cầu “Goldensbruck”. Hành khách được dừng lại trên đỉnh khoảng 15 phút để ngắm phong cảnh, rồi trở về.

 

Thế giới người Việt tại đây, phải nói là những sinh hoạt vẫn còn gìn giữ được rất nhiều “bóng dáng của cội nguồn, hình ảnh của một xã hội đã có một phong tục tập quán và nếp sống đặc thù riêng”.

 

***

 

Tôi từ giả Cali sau gần hai tuần lễ thăm viếng, để đi Florida. Nơi đây qua thông tin Internet, chúng tôi được biết có Đạo Tràng Cát Trắng, một Tu Viện tu theo Pháp môn Thiền tập. Nhưng khi được tham dự khóa tu 3 ngày, thấy tu học theo cách thức “Thiền -Tịnh song tu”, nên rất thích hợp với nhiều người. Khóa tu học có khoảng trên 200 người tham dự. Không chỉ riêng người địa phương, mà còn có một số người từ các tiểu bang khác đến, như thầy Viện Trưởng nói đùa với hai câu thơ rất đạo vị:

 

Mỗi người ở mỗi tiểu bang

Về đây cũng mặc áo tràng như nhau.

 

Thời khóa biểu tu học, buổi sáng cũng có “Công Phu Khuya, tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm”, cũng có Thiền hành, Thiền tọa, thực tập Lễ lạy, Pháp thoại, Pháp đàm và Phật pháp vấn đáp. Tinh thần tu học của Phật tử rất tinh tấn, thực tập sống trong chánh niệm, họ “học hỏi” rất nhịp nhàng và sinh động, nhưng không kém phần trang nghiêm.

 

Nhất là buổi lễ “Trưởng Tịnh” được tổ chức rất thành kính và mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của đạo Phật. Những nét tân tiến ấy, những tinh thần sáng tạo ấy đang duy trì và phát triển một “Ngôi Nhà Tâm Linh Phật Giáo” mà trong đó có nhiều người đã cảm tưởng như nội dung bài kệ của Tổ Thường Chiếu (HT Nhất Hạnh dịch như sau):

 

Đạo vốn không nhan sắc

Mà ngày càng gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Đâu chẳng phải là nhà ?

 

Thật thế, khi chúng tôi liên lạc trước để nhân dịp nầy đến viếng thăm, đồng thời tham dự tu học mấy ngày. Người chúng tôi được biết đến đầu tiên là chị Pháp Diệu Hoàng Thư, chị sốt sắng hướng đạo và nhờ người đưa đón. Chị còn phác họa cho chúng tôi một chương trình trước khóa tu học. Vì chúng tôi đến trước mấy ngày, nên chị muốn chúng tôi trong thời gian chờ đợi, nên đi tham quan một vài nơi cho biết.

 

Khi đến phi trường Olando được anh Hào đến đón. Chúng tôi gồm hai người và thêm hai vị ở Canada. Khi tất cả lên ngồi trên xe, anh Hào nói : Mẹ đã nấu cơm sẵn, xin mời quý anh chị đến nhà chúng tôi dùng cơm và nghỉ ngơi chốc lát, cùng đợi anh Nho đến từ Boston lúc 13.00 giờ, rồi chúng ta lên Tu viện luôn thể. Vì từ đây lên Tu viện khoảng 80 km, nếu đi trước sợ về không kịp để đón anh ấy.

 

Vừa bước vào nhà, đã nghe mẹ anh Hào chào hỏi và mời các anh chị đi rửa mặt rồi dùng cơm. “Tôi nghe các anh chị đi chùa, nên tôi nấu cơm chay để mời các anh chị”. Thú thật ngồi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ thấy cũng ê ẩm toàn thân, nhưng khi nghe mẹ anh Hào nói vậy, thì cảm thấy sự mệt mỏi cũng vơi bớt.

 

(Trước đó ban tổ chức có nhờ anh Phu đến đón chúng tôi, nhưng rất tiếc vì lẫn lộn giờ giấc “không biết ai em hay ép em” nên anh ra sớm một ngày. Báo hại anh Phu không thấy chúng tôi, nên để xe phía trước chạy vào trong tìm kiếm. Đến khi ra thì thấy xe bị phạt, thật là một điều đáng tiếc !. Tuy vậy, nhưng các anh các chị vẫn vui vẻ, và đón tiếp chúng tôi “bằng một tấm lòng”...)

 

Ăn uống xong chúng tôi nằm nghỉ lưng khoảng một tiếng đồng hồ, thấy khỏe lại rất nhiều. Và cũng đã đến giờ đi đón anh Nho nên chúng tôi từ giả gia đình anh Hào ra xe đi tu viện. Tu Viện Cát Trắng tọa lạc giữa một vùng rừng cây um tùm, cách xa nhà dân chúng, nên cảm thấy hoang vu và vắng vẻ. Có lẽ Tu viện cũng mới xây dựng nên chỉ mới có Thiền Đường (Chánh Điện) khá rộng rãi, chứa đựng khoảng 400 người có chỗ lễ lạy. Phía giữa bàn thờ đức Bổn Sư, hai bên với hai bức vách trắng được chiếu bản kinh lên tường, Phật tử ở dưới nhìn lên đọc tụng, còn sử dụng “loại máy vô tuyến” để thông dịch. Thấy rất tiện lợi với lối kiến trúc và kỹ thuật tân tiến hiện nay. Phía trái Chánh điện là Tăng phòng, bên phải là Phòng ăn và phía sau Phòng ăn là Nhà vệ sinh, trước Chánh điện là một hồ sen rộng. Nghe đâu sẽ xây dựng thêm phía sau chánh điện một hậu liêu cho khách vãng lai có chổ nghỉ ngơi, sẽ tổ chức những khoá tu học dài hạn.

 

Đến tu viện thấy một số anh em làm công quả, gom lại những cây bị gảy cưa ra làm củi. Quét lá rụng chung quanh vườn để đốt. Thấy chúng tôi họ chào hỏi và giới thiệu với nhau. Chúng tôi gặp Thầy Viện Trưởng, thầy hỏi han ân cần. Nào là bay từ bên Đức qua đây bao nhiêu tiếng ? Đi đường có mệt lắm không ? Thôi vào tắm rửa rồi nghỉ ngơi cho khỏe...Thú thật lần đầu tiên ngồi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ thấy “rêm” cả người. Nhưng khi gặp gỡ đồng hương, nghe những lời hỏi thăm thân tình, thì hình như sự mệt mỏi đã tan biến hết.

 

Thời tiết nơi đây ban ngày cảm thấy nóng rồi, mới giữa tháng Tư mà đã có nắng ấm, thật tuyệt. Khung cảnh nơi đây thoáng mát, từ hình thức đến nội dung tu học “hao hao” giống như Làng Mai bên Pháp, tôi thấy rất dễ thương. Mới đến lần đầu mà có được cảm giác thân quen, gần gủi.

 

Được tu tập mấy ngày là một thiện duyên thù thắng. Vì được tu học trong một hoàn cảnh hội đủ nhiều yếu tố trợ duyên. Như gặp Thầy có lòng trao truyền lại những kiến thức Phật học. Gặp Bạn Đạo để cùng chia sẻ với nhau khả năng tiếp thu. Gặp môi trường bên ngoài khoáng mát, bên trong yên tĩnh; cũng như hội chúng từ “khắp bốn phương trời” về đây được “cô động” lại trong một “thế giới” nhỏ hẹp, không phân biệt thấp cao, nên tạo được sự hài hòa để xây dựng nên một đạo tràng thanh tịnh.

 

Buổi sáng ra vườn gặp anh bạn Pháp Khải, nghe anh ta tâm sự rằng: “Sở dĩ tôi theo Đạo Phật là vì tôi thấy sự thực tế của Giáo lý, được xây dựng con người ngay từ trong hiện tại, không lý thuyết xa vời”...

 

Tôi chợt nhớ đến sự trùng hợp với ý kiến của HT Thanh Từ: “Trên thế gian có khá nhiều đạo giáo, tại sao tôi chọn Đạo Phật để tu theo? Bởi vì Phật Pháp đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tôi. Người đi tu cốt tìm chân lý, nơi nào giải rõ chân lý một cách cụ thể thì có sức hấp dẫn người tu dừng chân nơi đó. Chúng ta đi tu là hiến dâng cả cuộc đời cho chân lý, nếu không chọn lựa kỷ càng lỡ đi lệch đường thì rất uổng cho kiếp hy sinh. Mang cả tâm hồn trong trắng cao thượng của một người phát nguyện đi tu, vô lý chúng ta cam đem nó chôn vùi dưới đống bùn nhơ. Cho nên trước khi bước chân vào đạo giáo nào, chúng ta phải nhận định chín chắn dò xét tận tường, sau đó mới thực hiện bản nguyện của mình. Đến với Đạo Phật tôi rất mãn nguyện với những điều Phật dạy...” (trích: Tại sao tôi tu theo Đạo Phật?)

 

Và như vậy, có lẽ, Tu Viện Cát Trắng là một trong những cơ sở Phật học có đầy đủ những yếu tố trợ duyên để tu học. Và đáp ứng được tính cách thực tế của những hành giả đang đi tìm Đạo giải thoát và tri kiến Phật.

 

Sau khi khóa tu học bế giảng, tất cả đều từ giả Đạo tràng để về lại trụ xứ. Riêng chúng tôi và mấy người Canada còn ở lại hai ngày đợi chuyến bay. Nhân dịp nầy, Thầy Viện Trưởng cho mượn xe và nhờ anh bạn ở Boston đưa ra biển. Biển Florida tuyệt đẹp, biển xanh cát trắng phản chiếu màu trời tạo nên một cảm giác mênh mông. Bải biển rất sạch sẻ, đặc biệt là xe chạy xuống đậu ngay ngoài bải biển. Cát trắng và phẳng lì như đường đất nên xe chạy xuống gần nước. Chúng tôi cũng được tung tăng một buổi thỏa thích với biển Florida.

 

Tại Tu Viện Cát Trắng, chúng tôi cũng được gặp gỡ rất nhiều ngườỉ cùng quê hương Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Được nghe lại tiếng nói thân thương của các anh chị Sơn, anh chị Thư, anh chị Phu, anh Phụng và đặc biệt là được gặp và quen biết thêm chị Lệ Ba ở Canada. Được biết chị vừa tham dự khóa tu Mùa Xuân tại Làng Mai ở Bordeaux Pháp Quốc mới trở về, một người rất tài năng về lãnh vực văn nghệ. Hôm ấy được nghe tiếng ngâm thơ và hò Huế của chị rất điêu luyện. Sáng ra trong lúc hàn huyên, chị còn hát cho chúng tôi nghe những bài đồng dao rất thân thuộc, rất địa phương đã một thời làm lung linh tuổi dại !

 

Khoai to vồng tốt cổ (cũ)

Độ (đậu) ba lá dệ (dễ) un

Gà mất mẹ lâu khun (khôn)

Gái không chồng thậm khổ...

 

Và còn gặp gỡ rất nhiều..., nên khi trở về tôi mang theo về rất nhiều những tấm lòng..., đã san sẻ chia sớt cho chúng tôi những niềm thương nỗi nhớ, để vơi đi nỗi buồn tha hương. Xin nguyện mang theo hoài những ân tình để làm hành trang cho cuộc lữ. Vì như một nhạc sĩ tài hoa đã diễn tả: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... mà tôi thì đã có rất nhiều những tấm lòng trao tặng !.

 

***

 

Tháng Năm về Tu viện Viên Đức ở Ravensburg để tham dự khóa tu như đã hẹn với các bạn đạo trước đây. Đồng thời tham dự Đại Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày cuối tuần. Tuần lễ nầy, tại Tu viện còn có các khóa học cho người Đức. Thầy Hạnh Giới về đây hướng dẫn, chia làm hai nhóm, một nhóm dành cho học sinh và sinh viên khoảng 60 người. Nhóm thứ hai dành cho người lớn khoảng 30 người và được giới thiệu chung những đề tài như:- Thiền “Minh Sát Tuệ” (Vipassana). Giáo lý Đức Phật (Die Lehre Buddha). Tứ Diệu Đế (Die Vier Edlen Wahrheiten). Thực tập giáo lý hàng ngày (Buddhismus im Alltag). Sanh tử trong đạo Phật Leben und Tod im Buddhismus. Phật pháp vấn đáp (Frage und Antwort). Người Đức họ tu học rất nghiêm mật, tín cẩn. Và thấy họ rất thích thú trong những giờ phút thực tập chuông mõ và lễ lạy một cách chí tâm.

 

Ngoài ra trong dịp nầy, còn có buổi họp kéo dài 3 ngày của Ban điều hành Hội Phật giáo của Đức. Để kiểm điểm sinh hoạt, cũng như bầu lại Ban Điều Hành của Hội cho nhiệm kỳ tới. (Người Đức họ theo Phật giáo cũng khá đông, phần lớn tu theo Phật giáo Tây Tạng, một phần tu theo Pháp môn Thiền tập. Hiện tại họ đã thành lập Hội Phật Giáo Đức Quốc).

 

Vì các khóa học dành cho người Đức, nhằm ngày làm việc, nên Phật tử Việt Nam không ai đến để làm công quả được. Chỉ thấy cô Nhung vào giúp với cô Thông Chiếu mà thôi. Đến thầy Phương Trượng cũng đi khiêng ghế và sắp xếp cho các lớp học người Đức, nên chúng tôi hoản lại chuyện tu học để phụ giúp công việc lặt vặt.

 

Thời tiết Ravensburg tuần đó cứ sáng nắng, chiều mưa có ngày mưa dầm suốt buổi. Nhớ một buổi chiều thấy thầy Phương Trượng đứng nơi cánh cửa để ngắm mưa. Phía trước Tăng phòng là khu vườn cây sum suê nhất. Thầy đứng nhìn những giọt mưa rơi từ trên hàng cây xuống không dứt, với một tâm trạng rất say sưa. Hình như thầy đang nhớ về một cảnh mưa nào của ngày xưa. Của cái thời như cố thi sĩ Bùi Giáng gọi là thời “ngọc trắng”:

 

Hôm qua mưa lủ tôi về

Đứng im như tượng bên hè nhà xưa

Một hồn rủ rượi trong mưa

Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm.

 

Nhưng rất tiếc lúc ấy có điện thoại từ bên Mỹ gọi qua xin gặp Thầy. Tôi đành phải thức lay thầy trở về với thực tại; đành cắt đứt dòng tư tưởng của thầy, mà tôi nghĩ có lẽ cái nhân duyên nầy đã lâu lắm rồi, bây giờ thầy mới gặp. Bây giờ thầy mới được chiêm nghiệm, chắc chắn là một giây phút thần tiên. Nghe thầy chép miệng nói “mưa đẹp quá” khiến tôi cũng tiêng tiếc cái giây phút ấy của thầy !

 

Những ngày ở Tu viện Viên Đức, tôi còn gặp thêm một hình ảnh, tiếng nói của một Ni Sư đến viếng Chùa, với một phong cách “rất Huế”. Được biết Ni Sư tuy đã xa quê lâu lắm rồi, từ một thời ở Viện Đại học Vạn Hạnh, một thời làm du sinh ở Ấn Độ và bây giờ đang giảng dạy hợp đồng tại một trường Đại Học ở Tân Đề Ly. Nhưng cái chất Huế của Ni Sư vẫn còn đậm nét của ngược dòng, với hoài niệm. Như mang theo một sứ mạng gìn giữ bản sắc Văn hóa của Quê hương.

 

Ở Ravensburg cũng đã có sẵn một nhóm người, như gia đình các anh chị Diệu Hoa, Diệu Huyền, Diệu An... đang hòa quyện để tạo nên “một xã hội nho nhỏ” được mang bản sắc của Cố Đô, tuy cổ kính nhưng thanh lịch, tuy trầm tư nhưng lãng mạn. Hòa cùng với những câu hò mái đẩy, điệu Nam bình, Nam ai đã vang vọng một thời: Bến Văn Lâu ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong. Thuyền ai thấp thoáng ven sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non. (Diễn tả tâm sự của Chí sĩ Phan Bội Châu của một thời thất cơ lỡ vận ! Ngồi nhìn thế sự đổi thay mà chạnh niềm cố quốc. Mỗi lúc trông thấy cảnh thuyền về sông Hương, thuyền xuôi đập đá, thuyền ngược Kim long...).

 

Và tiếng nói nữa, răng mà nghe dễ sợ như rứa không biết ? Cái tiếng nói mà có một thời ông Tô Kiều Ngân đã tâm sự như ri nì:

 ...

Bổng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Chắc tại em ngồi bên anh thỏ thẻ

Tiếng quê hương sao động đến vô cùng

...

“Hẹn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm”

 Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

 ...

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không hối tiếc chi mô !

 

Nghe dệ sợ chưa ? Không biết cái giọng Huế nó hấp lực mần răng, mà chộ cái ông thi sĩ ni đến phải liều mình không thương tiếc như rứa không biết ? Vì liều mình để cứu Chúa thì còn có chút tiếng tăm để lại cho đời, còn đằng ni đi liều mình chỉ để được “nghe tiếng noái” thì oan uổng lắm !

 

Thiệt tội nghiệp chưa hí ? Cũng vì như rứa nên tui xin tìm hiểu cái mảnh lực của tiếng Huế ra răng mà hung tợn rứa ? Và hình như phải xuất phát từ tiếng nói của con gái Huế mới có công năng thượng thừa như ri !

 

Con gái Huế cái chi cũng dễ ghét hết, cái chi cũng dễ sợ hết:

1) “ăn noái dễ ghét, cái dáng đi dễ ghét, hay đi rượng dễ ghét” ;

2) “đẹp dễ sợ, vui dễ sợ, buồn dễ sợ, dễ thương dễ sợ...!

 

Nhưng ngó lại cũng còn được một cái “dễ thương”, đó là “tính khiêm nhường”:

 

Chi lạ rứa chiều ni tui muốn khóc

Ngó chi tui đồ cỏ lạ hoa hèn

Ngó chi tui đồ đom đóm bay đêm

Xin đứng ở bên ni bờ cô tịch.

 

Coi tội nghiệp chưa tề ? Răng mà chỉ xin đứng ở bên ni ? Không sang bên tê để có người đưa kẻ đón ? Không sang bên tê để hết cảnh một mình cô đơn ? Đây là tâm sự của một cô nữ sinh Đồng Khánh, qua bài thơ có tựa đề “Chi Lạ Rứa” nhưng mà họ dấu tên, thôi thì cứ để cho họ “cô tịch” luôn).

 

Nhưng nghĩ lại chắc chắn là có một “lý do thầm kín” nào xui khiến, nên mấy o mới tỏ ra “khiêm nhường” như rứa đó chơ. Chớ khi không ai mà rước cái cảnh “bơ vơ buồn tủi” vào thân cho uổng cái chặng đời kiêu sa ngà ngọc. Đang khi phân vân, chợt bắt gặp bài thơ của một o Đồng Khánh ghi tên tắt dưới bài thơ là “T.K”. O ni cho biết rõ lý do, nên có thể đại diện cho tất cả “tâm sự” của các o nữ sinh Huế, có chung một “cái tâm khiêm nhường” qua bài thơ: “Có Răng Rồi Mới Rứa” như sau:

 

Người ở mô răng mà kỳ dữ rứa

Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta

Và reo lên khi thoáng thấy đi qua

Tụi bạn tưởng "có răng rồi mới rứa"

 

Thôi từ đây không qua bên nớ nữa

Cho anh chàng cứ đứng ở hành lang

Ngâm nga câu "hoa cúc áo ai vàng"

Và tương tư, chàng tập làm thi sĩ

 

Người ở mô mà vô duyên rứa hỉ

Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi

Ờ thương thương, nhớ nhớ làm chi

Về ba mạ biết ri là chết hết

 

Mắc mớ chi theo người ta cho mệt

Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi

Lỡ một lần như rứa cũng vui vui

Nhưng mai mốt, thôi đừng theo nữa hỉ.

 

Hay một nhân chứng khác, cũng là tâm sự của một người Đồng Khánh lại bật mí thêm qua bài thơ : Đồng Khánh Ngày Xưa của Lưu Trần Nguyễn (hình như bài họa lại).

 

Răng mờ cứ theo tui hoài rứa

Cái ông ni có dị chưa tề

Sáng chiều trưa hai buổi đi về

Đưa với đón làm răng không biết

 

Ôi đôi mắt sao mà tha thiết

Đừng nhìn làm ngượng bước chân tui

Lá thơ tình ông gởi làm chi

Thầy mạ biết rầy la tui chết

 

Ông tán tỉnh làm chi không biết

Tui như ma quỷ dưới âm ty

Nói hoài lời hoa mỹ làm chi

Tui còn nhỏ chuyện tình răng biết được

 

Tội tui lắm cách cho vài bước

Đừng đi gần hai bóng chung đôi

Xa xa cho kẻo bạn tui cười

Mai vào lớp cả trường dị nghị

...

Thôi được rồi đưa lá thơ đây

Mai tan trường đợi ở gốc cây

Tui sẽ tới trả lời cho biết.

 

Té ra mới biết là vì mấy o không chịu nổi cái cảnh “những tên thích lẽo đẽo, những cậu muốn làm cái đuôi” để được: “Em tan trường về, anh theo ngọ về...” (để mần chi thì tui không biết !). Nhưng cũng may là nhờ có “cái chi không biết đó”, đã hỗ trợ tinh thần cho mấy o nên “sức chịu đựng của mấy o không đến nỗi quá tải” !. Đó cũng là nằm trong sự “bật mí” của mấy o cho rằng: “Lỡ một lần như rứa cũng vui vui...” hay là: “Thôi được rồi đưa lá thơ đây. Mai tan trường đợi ở gốc cây. Tui sẽ tới trả lời cho biết”.

 

Ừ, chắc nguyên do cũng nhờ rứa đó hí !

 

***

 

Xin thưa thêm rằng, mỗi khi nghe ai đó nói đến “tiếng Huế” thì nên hiểu đến phạm vi rộng, có thể bao gồm cả ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (chứ Huế không có tiếng nói riêng). Vì khi đề cập đến tiếng nói địa phương miền Trung thì có thể nói Quảng Trị là trung tâm của hai châu Ô và Rí ngày xưa. Nơi đây họ xử dụng một số “thổ ngữ của người địa phương nầy xa xưa” (tức là dân tộc Chàm, và các dân tộc thiểu số như người Hmong, Ê đê, một số người gốc Minh Hương nhập cư, nhưng họ đều nói theo tiếng địa phương. Ví dụ như người MH họ đếm: nhích, nhị, tà, ti, ngào, lạc, xiết, bôi, cào, tạp. Người Hmong thì đếm: thừa, lài, đệ, mở, mạng, chon, nấu, thổi, chín, mục...).

 

Cộng thêm việc xử dụng cả tiếng Bắc lẫn Nam. Ví dụ như: người Bắc gọi cha là Bố, người Nam gọi là Ba, nhưng ra Quảng Trị thì gọi bằng Bọ:

 

Đời Bọ ngày xưa sống như cua cáy.

Ngẩng đầu lên chẳng thấy mặt trời !.

 

Hay người Bắc gọi đậu (đậu nành) thì người Quảng Trị gọi là độ (và cũng có nơi gọi đậu nữa):

 

Khoai to vồng tốt cổ (cũ). Độ (đậu) ba lá dệ (dễ) un....

 

Người Quảng Trị vừa nói theo tiếng Bắc nhưng hạ thấp xuống. Như những chữ có dấu hỏi và ngã, thì vào Quảng Trị hạ xuống dấu nặng. (như: Cữa ngõ = Cựa ngọ, Cậu mợ = Cụ mự, Bố mẹ = Bọ Mạ...).

 

Vì trong kho tàng gọi là “tiếng Huế” đó, vẫn dùng “từ ngữ va âm giọng” chung của ba tỉnh vừa kể trên. Nhưng “người Huế” có công luyện giọng để phát âm trở thành một âm giọng đặc biệt vừa bình dân vừa quý phái, mang sắc thái của cung đình khiến cho người nghe phải mê mẫn !.

 

Vì “giọng Huế” cũng xử dụng ngôn ngữ của “miền Trung” nhưng cách phát âm thì Huế có một âm giọng đặc biệt. Ví dụ như Hoàng Xuân Sơn trong Huế Buồn Chi:

Huế buồn chi mà Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
o đau sương khói một mình
tui đi ray rứt nội thành tái tê
Huế buồn chi, tội rứa thê

Hay như Mường Mán Qua Mấy Ngõ Hoa:

Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
Về đi thôi o nớ chiều rồi
Ngó làm chi mây trắng xa xôi
Mắt buồn quá chao ôi là tội
Tay nhớ ai mà tay bối rối
Áo thương ai lồng lộng đôi tà
Đường có về qua mấy ngõ hoa
Đừng có liếc mắt nhìn ong bướm

 

***

 

Từ Tu viện Viên Đức Ravensburg, sáng chủ nhật 15-05 chúng tôi theo Thầy PT lên Reutlingen để tham dự Đại lễ Phật Đản tại Niệm Phật Đường Tam Bảo. Được biết Ni Sư và Ban Kiến Thiết đã tìm kiếm được nơi chốn để xây dựng ngôi Tam Bảo tại miền Nam nầy.

 

Đến ngày thứ hai, lại được theo Thầy đi Cheb-CH Czech để cử hành Đại Lễ Phật Đản cho bà con Phật tử tại đó. Niệm Phật Đường Viên Giác tại đây, do gia đình anh chị Lễ ở Sindelfingen cúng dường một căn nhà gồm hai tầng, trên làm Chánh điện và phòng Tăng. Phía dưới làm phòng ăn và phòng ngủ. Tương đối cũng gọn gàng có thể sinh hoạt cho khoảng năm mươi người tu học. Phật tử tại đây hầu hết là những người trong nước mới ra sau nầy. Thành phố Cheb nầy cũng có đông đúc người Việt sinh sống, họ thành lập một khu thương mại như Little Saigon ở bên Mỹ.

 

Bây giờ tại Cheb ngoài ngôi Niệm Phật Đường Viên Giác, người Việt đang sinh sống tại đây họ còn xây dựng thêm 2 ngôi chùa tại trung tâm thương mại nầy. Buổi sáng nhờ anh Lễ chở ra đi dạo một vòng, chúng tôi có viếng thăm chùa Giác Đạo. Được nhận thư mời tham dự Đại lễ Phật Đản do các Hội Phật tử VN tại các nước như: CH Czech, tại Ba Lan, tại CH Hungary và tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo bang Sachen CHLB Đức. Theo lịch trình từ 20-5 đến 02-6 năm 2011.

 

***

 

Hôm nay ngồi ghi lại những chuyến đi, như một cảm niệm về dòng chảy của thế giới đang trôi xuôi, những sinh hoạt như còn duy trì, một niềm tin đang vươn dậy với lòng tự hào là, sự hiện diện của chúng ta bất cứ với một hoàn cảnh nào, và tuy dòng sống người Việt ly hương đang theo dòng trôi đi, nhưng vẫn còn đọng lại những nét tinh hoa của nền Văn Hóa (phong tục tập quán, nếp sống dân gian, tín ngưỡng tôn giáo...) làm phương tiện để dìu bước đời nhân sinh về phương trời Chân Thiện Mỹ.

 

 

 Trần Đan Hà

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.