.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương -  Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Đọc: Cảnh đây người đó,
và Dòng đời xuôi ngược
của Thôi Hiên & Võ Phước Hiếu

Hai tập truyện nầy có thể gọi là chứng tích cho niềm tự hào về một cơ sở Văn học lưu vong hải ngoại, do nhóm Văn hóa Pháp-Việt thực hiện, như một tổ chức đại diện cho khu vực Âu châu. Võ Đức Trung, một bút hiệu của nhà văn Võ Phước Hiếu, đã và đang chủ trương như một tay lèo lái con thuyền chuyên chở nền Văn học Việt nam, vượt thoát những khúc quanh lịch sử, cách ly những âm mưu hủy diệt để thẳng tiến về tương lai bằng một tấm lòng tự tin và độ lượng. Ngoài công việc sáng tác văn học, in ấn cũng như phát hành, ông còn kết hợp những tài năng của các nhà văn nhà thơ hiện đại thành những tác phẩm để lưu hành và tồn tại cho thế hệ mai sau. Sự kết hợp ấy, như một bảo quản nền Văn học thuần túy nước nhà, trong đó hình như đã gói ghém đầy đủ những hoài vọng, đã thanh lọc để chỉ giữ lại những tố chất thanh khiết, nguồn năng lượng thanh lương để dưỡng nuôi cho những tâm hồn thuần Việt và nhất là luôn mang một mẫu mực nhân bản.

 

Vì theo nhận xét của nhiều người, kể cả những người sinh trưởng sau năm bảy mươi lăm: “Nếu nói rằng, văn chương chuyên chở đầy đủ tính nhân bản và nghệ thuật siêu việt, thâm thúy thì chỉ tìm thấy ở miền Nam trước đây và bây giờ là Hải ngoại; cùng với buổi bình minh của Văn học Việt nam, tuy trong giai đoạn phôi thai, nhưng được ghi nhận là một thời kỳ rực rỡ nhất, thơ mộng nhất, chân nguyên nhất mà người đời sau gọi là nền “Văn học Tiền chiến“.

 

Có lẽ những giai đoạn trên đây cuộc sống con người rất vô tư và gần gủi với thiên nhiên, đã tạo được cơ hội cho những tinh hoa phát tiết. Người Văn nghệ sĩ không bị ảnh hưởng hay chịu phụ thuộc bởi một thế lực kiểm duyệt khắt khe theo quan điểm chính trị hiện thời, hay bị chi phối bởi đạo đức xã hội cổ xưa. Nên những suy nghĩ cũng như cảm xúc còn thuần lương, thanh khiết như buổi ban đầu.

 

Hai tuyển tập nầy được mang một màu sắc đặc biệt, với tình tiết ly kỳ, một sử liệu của buổi giao thời, nhiều sự kiện ít ai biết đến. Nhờ sự góp mặt của hai tác giả với nguồn gốc xuất xứ từ hai đầu Tổ quốc. Theo vận nước nổi trôi lại được hội tụ tại một địa điểm có đầy đủ thiện duyên, để tạo cơ hội cho họ thành công. Có thể cũng nhờ vậy, mà nét văn hóa đặc thù của dân tộc bàng bạc trong các câu chuyện, được phơi bày thân phận của quê hương xuyên suốt những trầm luân của nhân vật. Ẩn chứa đằng sau bóng dáng hủy diệt là giải thoát, đằng sau khốn khổ là ước mơ. Khi con người đã đi đến tận cùng của sự tồn tại, thì dĩ nhiên sẽ mong muốn đến một thế giới khác. Một thế giới của ước mơ, hay trên đường đi bắt gặp một tia hy vọng, một bóng dáng hạnh phúc, dầu chỉ ngắn ngủi và mông mênh, nhưng cũng có thể nói là nguồn an ủi để dẫn dắt con người có thêm ý chí để đi đến tương lai bằng đôi chân của họ…

 

 ***

Nhà văn Thôi Hiên, sinh năm 1945 tại Thái bình miền Bắc, nhưng trưởng thành tại Sài gòn, tốt nghiệp Đại học Luật khoa năm 1969 và làm Giảng huấn trường Luật & K.H.X.H. Cần thơ từ năm 1972-1975.- Ông tên thật là Nguyễn Hữu Huỳnh. Quê nội ở Tây Mỗ, Hà Đông. Quê ngoại họ Hà, phủ Quảng, tỉnh Thanh Hóa. Tuổi thơ ấp Đông Hoa, châu Như Xuân.-Học sinh Trung học Vũng Tàu, Nguyễn Huệ Tuy hòa, Petrus Ký Sài gòn.- Gia nhập Luật Sư Đoàn Sài gòn năm 1969-1975. Cao học Tư pháp. Ban giảng huấn trường Luật khoa, Đại học Cần thơ 1972-1975. Năm 1979 vượt biên, trại Leam-Sing, Thailand.-Tỵ nạn Anh quốc. 1987 định cư ở Sydney, Úc Châu. Năm 2000 về hưu viết văn, làm thơ (báo Thời Luận, Hương Văn…)- Đã xuất bản: -Thơ Thôi Hiên (1981 U.K) – Áo Cài Bóng Nguyệt (Truyện dài 1986 U.K).

 

Có lẽ vì thế, nhà văn hơi xa lạ đối với độc giả Âu châu, vì ông chỉ sinh hoạt ở Úc và Mỹ châu cách đây gần nửa vòng trái đất. Nhưng qua hai tuyển tập nầy, ông đã thể hiện một văn phong riêng biệt, chứng tỏ một thế đứng độc lập và vững chải, sẽ dẫn dắt độc giả đang từ hiện tại ngược về quá khứ, theo dòng chảy tự nhiên để thăm vùng kỷ niệm của một thời xa xưa, nhưng vẫn luôn làm xôn xao niềm nhớ, còn ray rứt nỗi đau khiến cho ai đã trải qua khi nghĩ lại cũng không khỏi ngậm ngùi, không lần tiếc nuối. Vì lẫn trong nỗi đau ấy, thỉnh thoảng còn bắt gặp những giây phút hạnh phúc, cũng khiến cho cõi lòng bớt quạnh, nỗi niềm bớt vơi. Như có người đã nói rằng, chỉ cần một giây phút ấy thôi cũng đủ đem lại ý nghĩa cho cả cuộc đời. Ông kể chuyện, hay ông đang vẽ lại dung nhan của quá khứ cũng vậy, chỉ cần một vài nét chấm phá, rồi tiếp tục đi qua nhưng đã để lại nơi “Cảnh đấy người đây“ những heo hút nhớ nhung, những băn khoăn nuối tiếc, những ngậm ngùi khôn khuây. Hay nói khác, ông đang hiện diện nơi phương trời xa lạ, và đang nhớ về một khung trời dấu ái. Nhưng không chỉ có thế mà còn nhận diện cái thực tại nơi đây, đan chen những hoài niệm kết thành một tấm thảm muôn màu, chứa đựng đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc của cuộc đời đang hòa điệu với nhịp sinh hoạt của nếp sống hàng ngày, dàn trải với không gian vô tận, và thiên nhiên muôn trùng. Ông đang đi tới tương lai, nhưng ông phải mang theo một hành trang của một dĩ vãng chất chống, một sứ mạng bảo tồn những kho tàng văn hóa, những dấu tích lịch sử, đã khiến cho bước lữ hành phải oằn vai bổn phận…

 

Chỉ “Như Cánh Thiên Nga, trong Cảnh Đấy Người Đây“, qua những hoạt cảnh thật sinh động của nếp sống Sài gòn sau ngày đổi đời, thật xôn xao muôn lối, với những hớt hải kiếm tìm, những kế hoạch chạy trốn, những âm mưu ngăn chặn, như một phong trào “xuống đường tranh đấu“ để bảo vệ cuộc sống. Vì họ biết rằng, ẩn dấu đằng sau sự quyết tâm ổn định một xã hội mới, sẽ có mần mống hủy diệt. Hứa hẹn một tương lai tươi sáng nhưng hiện tại đang phá huỷ những tinh hoa của dân tộc, như trịch thâu tất cả những văn hóa phẩm của miền Nam kể cả sách giáo khoa, trịch thâu của cải dân chúng qua cuộc “cải cách tư bản“. Nhận xét ấy càng hiện rõ trong giây phút đầu tiên của bối cảnh xã hội, của hoạt cảnh hiện thực, một an bài định mệnh cho miền Nam:

“Người phu bến đò dáo dác nhìn hai bên đường, vội vã bước vào đồn công an, dưới chân cầy chữ Y cuối đường Nguyễn Biểu. Tên trưởng trạm ngồi thu chân theo thế ngồi xổm, trên chiếc ghế gỗ loang lổ nước sơn vàng. Cặp mội dày thâm đen màu gan gà, chụm lại hít mạnh từng hơi thuốc lá thơm. Mấy sợi ria mép thưa cong lên dựng đứng, nhăn nhúm giống mặt con chuột cống. Điếu thuốc lá cháy đỏ đầu, khói thuốc đậm đặc được nuốt sâu tan biến trong cuống phổi, còn lại sợi khói mỏng manh thở ra từ chiếc mủi cong mỏ két. Chấm phá thêm cho khuôn mặt nham hiểm lạnh lùng của một kẻ đã sớm đánh mất tình người“.

 

Hoạt cảnh chỉ dựng lên rồi để đó, không cần bình luận không giải thích vì theo sau sẽ còn tiếp nối….

Nga bỏ dở dĩa cơm xuống bàn, ngày ra đi từ bỏ quê hương mến yêu, thấy lòng xốn xang hồi hộp. Nhớ thương tiếc nuối như từng đợt sóng ngầm, cuồn cuộn dâng cao, tay cầm chiếc nón lá cũ rách viền, nhưng bài thơ bên trong còn rõ nét, úp mặt trong lòng nón, cả một dĩ vãng xôn xao ngày nào chập chờn ẩn hiện. Nga như thiếp dần trong cảm giác hôn mê của kỷ niệm thân thương ngày cũ. Hai em nhỏ gầy guộc, mặt mủi lem luốc, bước lại bưng ngay dĩa cơm ly nước còn ăn uống dở, chạy vội ra gốc cây ngồi xẹp xuống đất ăn ngấu nghiến...

 

Hoạt cảnh thứ hai cũng nằm đó im lìm như ngủ quên trong ký ức buồn phiền. Vì ngỡ tưởng ra đi là mất hết, sẽ để lại tất cả những thân thương mà cuộc đời đã dành dụm. Tuyệt vọng khổ đau đã vò nát cõi lòng người đi, khi đang nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn cơ hội tìm lại những gì… chợt dưng người trong mộng hiện về qua tờ thư kỷ niệm:

 Nga thân thương, “Vẫn nhớ về Nga thật nhiều, thật đầy. Kỷ niệm ngày xưa vẫn chập chùng lớp lớp, bủa vây quanh Hòa, như mạng lưới tơ hồng chằng chịt, như những sợi tóc mai ngắn dài của những ngày vui đã cũ. Cho dù lưu lạc nơi đâu, lúc nào cũng mong ước Nga được vui tươi hạnh phúc, trong sáng ngọt ngào như trái mận hồng đào ngày nào, nơi vườn hoang cồn vắng, an bình miền sông Hậu… Hẹn ngày tái ngộ.

 

Kỷ niệm cũng chỉ hiện về một thoáng nhưng đang ấp ủ trong tâm tư một nguồn hy vọng cho người đi. Vì mãi mãi niềm nhớ còn đầy, ước mơ còn ngọt ngào như trái cây chín hườm trong khu vườn dấu ái. Ở đó vẫn còn một mong chờ đoàn viên, một ước mơ hội ngộ…

 “Hòa cúi đầu thả rơi từng tiếng nhỏ: Đúng vậy, với Nga, Hòa vẫn đợi chờ và không thay đổi.

Nga mím môi nói nhanh:- Chuyến đi đêm nay do người bà con bên má tổ chức, nếu có Hòa cùng đi Nga lấy thêm một chổ không có chi khó khăn.

Hòa lặng lẽ đứng nhìn. Nga đặt tay lên vai trấn an:- Về chuyện tiền bạc đừng ngại, coi như Hòa đi thay chỗ cậu em trai Nga, bị bắt lính về không kịp.

 Hòa nắm chặt bàn tay thon nhỏ, sự đụng chạm da thịt khơi dậy một thời hoa mộng:

 -Nếu gặp Nga trước một năm, Hòa xin cuốn gói theo ngay, nhưng giờ thì…

 Nga hối hả cướp lời:

 -Chắc đã trễ. Hòa đã có gia đình phải không? Không sao phải lo đi trước, bảo lãnh gia đình sau, bằng mọi giá phải thoát khỏi đất nước thống khổ, tội tình…

 -Hòa chưa có gia đình, sau ngày mất nước không trình diện, gia nhập kháng chiến hoạt động trong vòng bí mật…

 

 “Tình yêu“ ngữ nghĩa nầy xưa nay người ta thường quan niệm hẹp hòi nên cho là “tầm thường, ích kỷ, cá nhân“. Nhưng với Nga thì nó đã tỏa ra một “tấm lòng từ bi“ thật mênh mông, vô lượng. Tấm lòng ấy đã thoát ra khỏi những vị kỷ đời thường, để bay lên thật cao cho năng lượng yêu thương được phủ trùm xuống những tâm hồn khốn khổ. Để xoa dịu thương đau, để ủi an nỗi lòng cô đơn của chia ly đang ẩn dấu phía sau bức màn hội ngộ. Khiến Hòa có cảm tưởng đây là giây phút thần tiên của hai kẻ yêu nhau sau một thời gian thất lạc vì chiến tranh. Nó chứa đựng cả một trời hạnh phúc của hai người. Vì vẫn còn đây tất cả nguồn hy vọng cho một cuộc tình mà ngỡ tưởng đã vuột khỏi tầm tay, đã chia lìa trọn kiếp. Bổng dưng thắp sáng tin yêu cho chàng sau một lần tuyệt vọng vì lạc giữa thế cuộc đảo điên, giữa muôn trùng bất hạnh, vì hạnh phúc đang nằm trong tầm tay chàng…

 

Thế nhưng, sự trái ngang không phải vì hoàn cảnh xa cách, mà vì lý tưởng tôn thờ mạnh hơn tiếng gọi con tim, nên đành phải thuận theo vận nước…

 Bên kia bờ sông tiếng quát tháo xé rách màn đêm, từ chòi gác:

 -Ghe ai, dừng lại, cập bờ.

 -Trái lệnh bắn bỏ.

 Tên trưởng đồn đứng trước mũi tàu hướng về chiếc ghe, súng cầm tay bắn ngang dọc tứ phía thị oai, hăng máu bắn luôn vào đáy ghe…

 … Nga cố vươn tay vuốt mặt em cho đôi mắt kinh hoàng khép kín, qua lỗ đạn nhỏ, trên trời cao một ngôi sao sáng bay vào thiên thu…

 Nga mở to mắt nhìn nước xối xả chảy vào, chiếc ghe chìm xuống đáy sông, còn ai vuốt mắt cho Nga…

 

Đây là hoạt cảnh cuối cùng để khép lại “Như Cánh Thiên Nga“. Khép lại một câu chuyện đã chứa đựng nhiều tình tiết trộn lẫn giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa chia ly và đoàn tụ, có giây phút bình an, nhưng cũng có nhiều cảnh kinh hoàng hòa quyện với nhau để làm nên một khúc phim thời sự rất sống động. Trong đó nguồn hy vọng chỉ le lói như một vệt sáng ở cuối đường hầm, mà nỗi kinh hoàng thì chập chùng ẩn hiện. Đã khép lại một thời mà cả thành phố Sài gòn như lên cơn sốt. Khép lại những hớt hải kinh hoàng vì dự đoán điều không lành sẽ đến. Khép lại những mơ ước thoát ly. Khép lại những hy vọng đoàn tụ… và khép lại “một ngôi sao sáng đã bay vào thiên thu !“…

 

Những câu chuyện còn lại của tác giả Thôi Hiên trong hai tuyển tập cũng xoay quanh những hoạt cảnh của một thời kỳ trước và sau cuộc đổi đời của xã hội miền Nam. Cùng với những đoạn rời ghép từ hải ngoại, đã quấn quyện lấy nhau như muốn bắc một nhịp cầu cho lòng, từ hải ngoại về thăm quê nhà, cũng như từ hiện tại về thăm quá khứ. Một quá khứ có quá nhiều buồn đau, nhưng thỉnh thoảng cũng cho người cơ hội để tìm đến với bước chân hạnh phúc; và một hiện tại với cuộc sống có quá nhiều cảnh huy hoàng, nhưng bên trong là những giọt lệ thầm rơi đang xóa nhòa những chặng đời xa xưa, nhưng mãi mãi vẫn còn khắc ghi một hình bóng cũ…!

 

 ***

Bước qua phần truyện của tác giả Nguyễn Phước Hiếu, thì hình như nhiều người đã biết một nhà văn với lối viết trong sáng, giản dị, lưu loát, hấp dẫn lôi cuốn như một bà mẹ kể chuyển cổ tích cho đàn con nghe. Tuy là chuyện cổ tích nhưng có thể là một nhịp cầu cho con trẻ đi đến tương lai bằng những kinh nghiệm sống, bằng một tinh thần hướng về nhân bản. Vì trong mỗi truyện đều chứa đựng một sự giáo dục về một phương diện nào đó. Nó ẩn hiện một nét tinh hoa nào đó, cho nên tuy là kể chuyện để giải trí, nhưng có thể sẽ đem lại cho độc giả một bài học.

 

Ông sinh năm 1933 tại làng Thanh Hà, quận Châu Thành, tỉnh Chợ Lớn nay thuộc quận Bến Lức, tỉnh Long An. Xuất thân từ gia đình giáo chức, cha mẹ đều là giáo viên tỉnh. Ông là công chức thuộc Đệ Nhất Cộng hòa, qua thời Đệ nhị Cộng hòa sinh sống với nghề tự do trong ngành ấn loát, xuất bản và báo chí. Vượt biên bằng đường biển năm 1979 đến đảo Kuku Nam dương, tỵ nạn chính trị tại Pháp tháng 11 cùng năm. Tác giả song ngữ Pháp và Việt. Sinh hoạt văn chương nghệ thuật trước năm 1975. Ra hải ngoại tiếp tục sáng tác đăng rải rác trên các báo Pháp và Việt Ngữ: Art & Poésie, Horizon 21, Un Coin de Poésie, Bulle du Ternois, Meessages (Pháp), Làng Văn (Canada), Quê hương (Hoa kỳ), Dân Chúa (Đức) cùng nhiều nội san hội đoàn. Góp mặt trong các tuyển tập: Những Cây Viết Miền Nam của nhà văn Nguyễn Văn Ba (Canada - 1990). Tiếng Thơ Hải Ngoại của nhà văn Hoàng Duy (Hoa kỳ 1994). Được nhà văn Hồ Trường An giới thiệu trong Tập Diễm Ngưng Huy (Ô Môi – Hoa kỳ 2003). Được nhà văn Nguyễn Thiên Thụ giới thiệu trong Văn Học Sử Việt Nam: Văn Học Hiện Đại tập IV (Gia hội – Canada 2006). Ngoài ra ông còn xuất bản trên hai mươi đầu sách.

 

Chuyện “Tình Buồn“ trong “Dòng Đời Xuôi Ngược“ là một câu chuyện khá đặc biệt và tiêu biểu cho tuyển tập. Chuyện xẩy ra trong bối cảnh đất nước trước khi bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 và kéo dài đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Kể lại chuyện tình của Hoàng Mai, con của một doanh gia giàu có ở Châu đốc, gia đình theo đạo Công giáo. Khi thấy cha vì công việc phải lên Sài gòn nhiều lần, đã kích thích tính phiêu lưu của cô nữ sinh đang học năm cuối ở tỉnh nhà. Khiến nàng có những quyết định vội vã đi theo tiếng gọi của con tim, đi theo những ước mơ của tuổi trẻ. Dù chưa biết con đường tương lai như thế nào! Nên khi nghe Hoàng Mai trình bày việc xin phép mẹ lên Sài gòn học, thì mẹ đã hốt hoảng:

 Bà Bút chưng hửng, nhíu đôi mày ngạc nhiên, nụ cười tắt hẳn trên môi. Bà nẩy người sửng sốt nói không kịp thở:

 -“Trời đất quỷ thần ơi! Bây nói cái giống gì vậy ? Tao nghe không lọt lỗ tai. Cơ khổ hôn ? Bộ bây giỡn chơi hay sao chớ ? Bây có quẩn trí có điên không ? Bây làm như tao đang ở trên trời cao rơi xuống đất một cái ạch vậy ! Mà thật vậy không ? Tao đang đứng tim đây. Bộ ở tỉnh mình hết thầy giáo, hết cô giáo đủ trình độ dạy rồi sao“ ?

 

Nhưng bản tính ương ngạnh của đứa con gái được mẹ chiều chuộng từ nhỏ, nên cuối cùng bà Bút đành phải chấp thuận cho con lên Sài gòn trọ học. Song trong lòng bà thì luôn lo âu những chuyện bất trắc sẽ đến với Hoàng Mai. Lòng lo lắng của người mẹ thật ngổn ngang trăm mối, thêm cảnh sống cô độc trong một cơ ngơi thênh thang, khiến cho bà Bút như già đi trước tuổi.

 

Vừa bước chân đến thành phố phồn hoa đô hội, thì Hoàng Mai được một nhóm bạn đến tiếp đón và làm quen. Khi biết ra những người đến giúp đỡ ấy là một nhóm sinh viên cọng sản nằm vùng, nên nàng đành xuôi theo và tập tành hoạt động. Chuyện đến tai bà Bút nên bà gọi ông lên Sài gòn làm hồ sơ và thuyết phục Hoàng Mai qua Pháp du học. Ở đây cũng có anh ruột của nàng qua du học trước, đã đổ đạt và xin ở lại Paris nên nàng đã có nơi nương tựa. Tưởng yên ổn để ăn học, không ngờ trên đường đi học Hoàng Mai gặp Trọng Nghĩa, một sinh viên du học gốc ở Bến tre và là con của một cán bộ cọng sản nằm vùng. Hai người yêu nhau thật nhanh và họ quyết định đi đến hôn nhân, nên sau khi tốt nghiệp Y khoa, Trọng Nghĩa đưa Hoàng Mai về Hà nội để phục vụ theo lệnh cấp trên. Trọng Nghĩa được đề cử làm Phó giám đốc Bệnh viện, dưới quyền của một người xuất thân từ Y tá, học bổ túc và trở thành Y sĩ (tương đương với Cán sự Y tế miền Nam, nhưng được đồng hóa Bác sĩ nhờ đã có nhiều thành tích với Đảng).

 

Dỉ nhiên Trọng Nghĩa phải chịu đựng rất nhiều cảnh ê chề trong việc “làm thầy đứa dại“. Và khi đã hiểu ra việc sắp đặt nầy là do tổ chức, nên chàng đành âm thầm chịu đựng, với hy vọng vào tương lai…!

 

Đến khi “Mặt trận Giải phóng miền Nam“ được thành hình, thì vợ chồng Trọng Nghĩa xung phong vào Nam, để cách ly với tình cảnh hiện thời không mấy tốt đẹp.

 Chẳng may vừa vượt qua khỏi biên giới Lào-Việt đặt chân vào vùng rừng núi chập chùng trùng điệp cao nguyên, toàn đơn vị hậu cần của Trọng Nghĩa bị đánh bom và xóa tên vĩnh viễn trên đường xuôi Nam. Trọng Nghĩa bị trọng thương trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt, nhất là thuốc men và đã qua đời ít giờ sau ngay tại chổ, mang theo mình một lý tưởng không bao giờ thành tựu…

 

Còn lại một mình Hoàng Mai vẫn theo phục vụ cho đơn vị. Bây giờ nàng đã trở lại cuộc sống độc thân nên không khỏi chịu sự sắp đặt của chi bộ đảng ! Cuối cùng nàng cũng phải xuôi tay phó mặc cho định mệnh, cam đành làm vợ của một “chiến sĩ“ có thành tích chiến đấu lẫy lừng do đảng “xây dựng“. Người chồng sau nầy của Hoàng Mai là “Anh hùng các lực lượng võ trang“ xuất thân từ bần cố nông ba đời! Nhưng nàng phải chấp nhận để cho cuộc sống được yên ổn. Vì nàng nhìn chung quanh một số thanh nữ hồn nhiên bị động viên vì “tổ quốc xã hội chủ nghĩa“ để trở thành “em nuôi, chị nuôi“…phục vụ các cấp lãnh đạo và không có ngày về… !

 

Sau ngày tiếp thu miền Nam, chồng nàng chỉ mang quân hàm trung úy, lương bổng không đủ vào đâu trong khi cả hai không biết lau lách móc ngoặc làm giàu trong thời kỳ nhập nhầy quân quản, nên phải đành “thắt lưng buộc bụng“! Cuối cùng hai vợ chồng Hoàng Mai tìm lối thoát bằng cách xung phong vào kế hoạch đi sản xuất tự túc do quân ủy thành Hồ động viên và chỉ đạo. Cả hai được đưa lên vùng kinh tế mới tận biên giới Việt – Miên, nơi đây họ làm việc cật lực với khai hoang nương rẫy, nhưng hoa màu chỉ cho có sắn khoai là chủ yếu…

 Đùng ! một tiếng nổ chát chúa gây chấn động cả vùng núi rừng yên tĩnh. Chồng nàng đạp phải một quả mìn ngả lăn ra chết tại chổ…Hoàng Mai cũng bị thương nặng, nàng hấp hối trên vũng máu đẩm ướt một vùng đất vừa mới cào lên… Trong nỗi tuyệt vọng, nàng đưa tay yếu ớt làm dấu thánh giá, đôi môi lẩm bẩm:- Xin Chúa thứ tha và rước linh hồn con. Con đã cải lời khuyên răn dạy bảo của mẹ cha, tự tiện dấn thân vào con đường tội lỗi đầy hận thù, thiếu vắng tình người…

 

Đây là điệp khúc cuối để khép lại chuyện “Tình Buồn“. Một câu chuyện rất độc đáo diễn tả một nhân vật có thật của thời đại, nhưng từ xuất thân cho đến trưởng thành gần như một nhân vật huyền thoại. Từ một nàng tiểu thơ đài các sống trong giàu sang nhung lụa, đến một mệnh phụ phu nhân và sau cùng theo sự sắp đặt của tổ chức, phải làm vợ của một “chiến sĩ vô sản“ để được sống còn. Cuộc đời của Hoàng Mai được bắt đầu bằng nơi chốn, và kéo dài đến một không gian mà chiều dài gần nửa vòng trái đất, và một thời gian cũng bắt nguồn từ cột mốc lịch sử đau thương của đất nước chia đôi và xuyên qua một cột mốc lịch sử đau thương khác, đến sau ngày miền Nam bị đổi đời. Thời gian và không gian rộng xa, đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của thế cuộc, bao nhiêu sự kiện lịch sử mà cuộc đời của Hoàng Mai phải trôi lăn theo với hai cuộc hôn nhân. Một trên trời, một dưới đất, một tình nguyện, một được chỉ định đã dìu nàng đi theo từng bước từ hạnh phúc đến khổ đau, từ đường mật đến chông gai, theo sự an bài của định mệnh đã làm chai đá một tâm hồn, đã làm héo tàn một bóng hồng ngỡ tưởng như cuộc đời sinh ra để đi vào bước lầm lạc của khốn cùng, bước trầm luân của nhân thế.

 

Mối tình đầu nàng được gặp gỡ Trọng Nghĩa trong lúc du học ở Paris và tự một mình nàng quyết định hôn nhân mà không có sự tham dự của song thân. Mối tình thứ hai thì do tổ chức đảng chỉ định và sắp đặt. Nàng chỉ tuân thủ theo để bảo toàn thân phận trong lúc còn hoạt động trong bưng biền. Nên cả hai cuộc hôn nhân đều không hợp lẽ tự nhiên, không thuận theo đạo lý, vì không có sự liên hệ của “huyết thống tâm linh“ của cảm tình lân mẫn.

 

Hai cuộc tình được lồng trong một chuổi lịch sử đen tối đầy bất trắc. Từ những chuyện bộ đội Việt minh tập kết ra Bắc, trước khi đi họ đã tổ chức những việc cài người lại miền Nam, việc tổ chức đám cưới tập thể cho bộ đội. Những phong trào như Đồng khởi ở tỉnh Bến tre, là những sắp đặt của chính quyền miền Bắc để đợi ngày họ trở lại…

 

Các chuyện còn lại cũng xoay quanh những nhân vật được sinh ra một thời mà quê hương Việt Nam đắm chìm trong lửa đạn. Cuộc sống truân chuyên đã đành, nhưng tánh mạng lại như sợi chỉ mành treo chuông, nên đôi khi cái chết cũng là sự giải thoát !.

 

Người đọc chọn hai truyện tiêu biểu “Như Cánh Thiên Nga“ và “Tình Buồn“ trong hai tập truyện gồm có 24 truyện ngắn của hai tác giả in chung. Nhằm giới thiệu với độc giả tuy hai tác giả nhưng có chung một dòng chảy, mà bối cảnh và thời gian được ghi dấu qua hai giai đoạn lịch sử đặc biệt của quê hương. Giai đoạn đầu là trước và sau ngày đất nước bị chia đôi. Những chuẩn bị cho một thế chính trị của chính quyền hai miền. Miền Bắc muốn giành phần thắng, nên họ tổ chức cài người lại nằm vùng ở miền Nam. Nhưng thật ra thì họ đang chuẩn bị một cuộc chiến giải phóng, và đã xẩy ra kéo dài đến hai mươi năm. Một cuộc nội chiến tại nước Việt Nam nhưng lại do hai bàn tay của hai cường quốc Trung - Mỹ chỉ đạo. Họ tha hồ tung lên rồi hạ xuống, đến lúc bầm dập thì họ lại “trao đổi cho nhau“ !

 

Và giai đoạn sau là “thống nhất đất nước“ vào ngày 30-4-1975. Thống nhất nhưng không hòa bình, không độc lập, nên vẫn bị các thế lực của ngoại bang thao túng. Nên tình trạng xã hội trong giai đoạn nầy lại còn bi thảm không kém gì thời buổi chiến tranh. Vì chiến tranh thì chỉ gây ra cảnh chém giết nên chỉ chết chóc về thân xác. Còn thống nhất mà không hòa bình, không độc lập thì dân tình cũng đi đến huỷ diệt từ thể xác đến tinh thần.

 

Tóm lại hai tập truyện trên đây có thể nói là những tác phẩm rất có giá trị về văn học, về tài liệu của những giai đoạn lịch sử cận đại cần thiết cho một tủ sách gia đình. Chân thành cám ơn hai nhà văn Thôi Hiên và Nguyễn Phước Hiếu đã dành dụm nhiều thì giờ để trau chuốt chữ nghĩa, thêu dệt văn chương cho tha nhân thưởng lãm.

 

 Muốn có sách xin liên lạc về:

 

 1) Nhóm Văn Hóa Pháp Việt

 1 Allée des Peupliers

 59320 Hallennes Lez Haubourdin

 France

 

 2)- Nhà Sách Khai Trí

 93 Avenue d´Ivry

 75013 Paris - France.

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.