Gã tỵ nạn
Như
thường lệ, sau mỗi buổi chiều khi nắng đã phai màu trên hàng cây
phong cạnh chung cư nơi hắn ở. Màu tím của không gian rơi rụng
xuống đầy khu vườn phía sau, hắn lại ra balkon ngồi. Trên chiếc
bàn để chai ruợu vang và chiếc ly uống dỡ, lon đậu phụng rang và
một gói thuốc lá. Tất cả như đang thu mình vào một góc nhỏ không
gian lạnh lẽo và khô khốc. Khuôn mặt trầm buồn của hắn phản
chiếu ánh đèn nơi dãy hành lang bên kia hắt vào, ánh sáng không
soi rõ khiến bóng dáng cô độc của hắn im lìm, như tượng đá ẩn
dấu trong khung cảnh buồn bã, quạnh hiu.
Hắn ngồi thở ra thườn thượt như uất nghẹn đang chận ngang cổ
họng! Thỉnh thoảng hắn gõ đũa vào miệng chén và hát nghêu ngao
một bài hát, không biết hắn lượm lặt đâu đó, hay do hắn nhại lời
một điệu nhạc nào không chừng:
“Túng tiền tiêu người yêu tôi cũng bán
bán năm trăm dằn túi để vượt biên
giờ sang đây chợt nhớ đến người yêu
đi làm cu li về chuộc lại người tình
Tôi thẩn thờ vì người tình tôi đi mất
xót xa như đổ muối xát lòng tôi
đời tha hương chằng có chút gì vui
chỉ được ăn no và ngồi đợi ngày về
Tôi trở về đền bù ngày xa nhau
lúc quê hương chìm đắm trong khổ đau
người dân quê nghèo đói rớt mùng tơi
nên phải ra đi để trở lại giúp đời … !”
Có lẽ lời nhạc nầy đã diễn tả đúng với tâm nguyện của hắn:
“Nên phải ra đi để trở lại giúp đời” !
Và hình như để thực hiện những gì mà hắn ước mơ khi cất bước ra
đi. Nhanh chóng ổn định đời sống, liên lạc với tổ chức hầu vận
động sự yểm trợ ở hải ngoại. Cũng như tìm việc làm để dành dụm
tiền gởi về giúp đỡ gia đình. Nên khi đến được bến bờ tự do, nơi
quê hương thứ hai nầy, với trình độ văn hóa và tuổi đời còn trẻ,
hắn có khả năng xin đi học một ngành nghề gì. Nhưng không, hắn
suy nghĩ nếu đi học một nghề gì thì ít nhất phải mất ba năm.
Trong thời gian nầy, nếu đi xin việc làm với mức lương tối
thiểu, thì trong vòng ba năm cũng có thể dành dụm được một số
tiền gởi về giúp đỡ gia đình. Suy nghĩ của hắn cũng khá thực tế,
vì hắn còn một gánh nặng gia đình, có cha mẹ và em gái mà hắn
rất thương yêu.
Hoàn cảnh gia đình thì hắn là người biết rõ hơn hết, sau ngày
đổi đời ai nấy đều te tua. Cũng như mọi người, cha mẹ hắn đã bán
hết tất cả những gì trong nhà có thể bán được. Tiếp theo “chiến
dịch đánh tư sản” bằng cách tịch thu tài sản của những người
giàu có, cùng với việc đổi tiền chỉ cho phép mỗi người được đổi
một số tiền đã ấn định như nhau. Không đầy một năm sau gia đình
của hắn đã khánh tận, với cuộc sống giữa Sài gòn đô hội. Nhưng
gia đình hắn cương quyết bám chặt thành phố, vì nơi đây vẫn còn
một mái ấm gia đình, mà bao năm qua công lao của cha mẹ hắn đã
gầy dựng, cũng như cuộc sống nơi đây đã ghi lại nhiều kỷ niệm
đáng nhớ...
***
Hắn nhờ bà xã hội giới thiệu cho hắn một công việc làm, bất cứ ở
đâu và làm gì. Vì hắn còn trẻ và sức khỏe cũng còn tốt. Hằng
ngày hắn đi làm về chỉ quanh quẩn trong nhà, hay ra ngồi bên
chiếc bàn như mọi ngày. Chổ nầy hình như là một điệp khúc của
bài hát hắn thường nghêu ngao để quên đi thân phận :
“Đời tha hương chẳng có chút gì vui
Chỉ được ăn no và ngồi đợi ngày về” !
Niềm ước mong của hắn là sẽ trở về với quê hương, để tìm lại
những chuổi ngày rất thơ và mộng. Cũng như gần gủi với những
người thân mà hắn vô cùng yêu quý. Những ngày ấy tuy đã xa,
nhưng vẫn còn để lại trong ký ức hắn những kỷ niệm chưa phai.
Nhưng phải trở về trong vinh quang, để được thấy một nước Việt
Nam thanh bình và thịnh vượng...
***
Có lẽ kỷ niệm đẹp nhất của hắn là một lần, sau khi xem kết quả
kỳ thi Tú tài, hắn tức tốc chạy đến trường để báo tin cho em gái
hắn biết. Từ xa xa trước cổng trường, thấy em gái của hắn đi
cùng một người bạn học. Nét hân hoan trên khuôn mặt khiến cho em
hắn ngạc nhiên và lên tiếng trước.
Kìa anh hai, có chuyện gì mà trông anh vui như thế ?
Hắn không kịp chần chờ, liền thông báo tin vui cho em mình biết.
Hắn vô cùng sung sương khi được em hắn chia sẻ niềm vui và chúc
phúc cho anh.
Lát sau, em hắn quay sang và giới thiệu: chị Lan Nhã bạn học của
em. Còn đây là anh hai của mình.
Lúc nầy thì hai người mới để ý đến nhau, và trong giây phút nhìn
nhau hai người đứng trơ ra như tượng đá. Hắn cảm thấy tâm trạng
lúc ấy thật khó hiểu, khi không lại trở thành vụng về trước một
người con gái ? Nhưng hắn cũng không biết làm sao để trở lại với
trạng thái bình thường.
Thấy vậy, em hắn mới nhắc khéo: anh hai ơi, hay là anh khao tụi
em một chầu để mừng tin vui đi anh đi.
Lấy lại bình tỉnh, hắn cười hiền và mời hai người đi ăn kem.
Ngồi trong quán hình như hắn không quan tâm gì đến Lan Nhã,
nhưng qua ánh mắt như thầm tố cáo với mọi người rằng, trong lòng
hắn đang tấu lên một khúc nhạc yêu thương, cũng như đang chứa
đựng một niềm ước mơ thầm kín.
Về đến nhà, hắn mới hỏi em gái của mình về người con gái mới gặp
gỡ. Rằng cô ấy ở đâu? Gia đình như thế nào? Em có biết gì nhiều
về cô ấy không?
Được dịp, em gái của hắn lên giọng làm eo và hỏi lại: “Có phải
anh hai đã lụy vì tình rồi phải hông? Nếu muốn em giúp đỡ thì
phải có điều kiện à nghen!”.
Hắn như muốn bộc lộ tâm sự với đứa em gái của mình để làm mối
giây liên lạc với Lan Nhã; nửa như muốn phớt tỉnh để khỏi bị
“mắc mưu” cô em nên liền nói: “Nầy con ranh kia, mầy đừng làm ra
vẻ “trứng khôn hơn gà” đó nghe! Chưa chi mà trưng ra một lô điều
kiện, thật đáng ghét!”
Nhưng hôm sau thì hắn lại năn nỉ ỉ ôi với đứa em “đáng ghét” để
nhờ cô em mời Lan Nhã đi Ciné. Thêm một vài lần gặp gỡ, nhưng
hắn cũng chưa nói với nàng một điều gì, để hai người có thể xem
nhau “như là tình nhân”. Kể cả việc trực tiếp hẹn hò với nàng,
mà lần nào hắn cũng phải qua “trung gian của một người em đáng
ghét”. Không ngờ theo “phương thức gián tiếp” nầy mà hắn vô tình
đã khiến cho đối phương phải cảm động !
***
Hắn nhận giấy gọi nhập ngủ, liền tìm em gái để nhờ nhắn với Lan
Nhã là hắn muốn gặp nàng để tạm biệt lên đường. Nhưng lần nầy
thì nàng nghỉ hè về quê, nên hắn không thể gặp được, đành từ giả
gia đình vào Trung tâm Nhập ngủ.
Đến ngày đi học trở lại, em gái của hắn báo tin cho Lan Nhã biết
là anh mình đã lên đường nhập ngủ. Thấy Lan Nhã có vẻ hốt hoảng
rồi trở lại với khuôn mặt buồn buồn mà em hắn thấy ái ngại.
Nhưng vì chưa thân thiện lắm nên nàng đành dấu nỗi buồn vào một
gốc khuất, đợi chờ.
Vào quân trường hắn tiếp xúc với những người xa lạ, nhưng cùng
một chí hướng ra đi để bảo vệ Tổ quốc, khiến cho hắn tự hào và
cảm giác lãng mạn như khi vừa nghe những bản nhạc:
Bạn ơi, mai nầy ai hỏi đến tên tôi.
Bạn ơi hảy nói khoác chiến y rồi... (Biệt Kinh Kỳ)
Mới đến trại nhập ngủ thôi, cũng đã cho hắn một ý niệm đời lính
phong sương rồi. Nơi đây, lập danh sách cho các khoá sinh mới
nhập ngủ, và hắn được đưa đi thụ huấn Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ
Đức. Những tháng ngày quân trường đã tôi luyện hắn trở nên một
“người hùng”. Hắn luôn ghi nhớ những lời giáo huấn: Người Sinh
Viên Sĩ Quan luôn mang trên vai “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm”
...
Hắn cảm thấy mình bây giờ đã “trưởng thành” về mọi phương diện.
Không còn rụt rè như tuổi thư sinh nữa. Lòng hắn đang mở ra một
trời mơ ước cho tương lai. Ngày ra trường, hắn rất hảnh diện
được đeo trên vai chiếc “alpha” sáng chói. Và cũng chưa có lần
nào cảm thấy sung sướng, bằng lần về phép thăm gia đình sau ngày
mãn khóa. Hội ngộ người thân, nhất là mong ước được gặp lại
người bạn học của em gái mình, người con gái mà hắn đã một lần
thầm yêu. Nhưng mỗi lần ý tưởng vừa lóe lên, thì hắn lại có ý
nghĩ dập tắt liền. Vì thấy đời lính của hắn không mấy tương lai,
nên hắn không muốn vương vấn vào tình yêu. Sợ mai nầy có mệnh hệ
nào, chắc chắn người yêu của hắn sẽ đau khổ lắm khi trở thành
sương phụ. Những ý nghĩ đối chọi nhau khiến cho hắn nhiều khi
băn khoăn, mất tự tin và luôn tự hỏi:
Tìm gặp Lan Nhã để nói lời hẹn ước? Hay lặng lẽ âm thầm để cho
nó trôi qua, đừng bao giờ nhắc nhỡ nữa? Vì hắn cảm thấy con
đường hắn đang đi phiêu lưu quá, mỏng manh quá! Mỗi lần ra trận
thấy cảnh sống chết như đường tơ kẻ tóc. Chứng kiến những đồng
đội của hắn ngã gục mà hắn thấy đau lòng. Thương cho người thân
của họ phải chịu cảnh buồn đau.
***
Tuần nghĩ phép đã trôi qua thật nhanh chóng, hắn chưa kịp nghĩ
rằng ngày mai lại phải từ giã gia đình đáo nhận đơn vị mới. Một
đơn vị hành quân thay thế cho đơn vị bạn về hậu cứ để dưỡng
quân. Hắn cũng thừa biết ngày mai đây sẽ tiếp cận với gian nguy,
nhưng lòng hắn cũng háo hức đến ngày...
Đến trình sứ vụ lệnh với đơn vị trưởng, hắn được giao chức vụ
Trung đội phó của một đơn vị tác chiến. Đêm đêm dẫn Trung đội
vào các thôn xã để giữ an ninh tại địa phương, hay luân phiên
thay đổi hành quân vùng trách nhiệm.
Thời điểm nầy, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, địch quân
xâm nhập nhiều vùng và có nơi đang giao tranh ác liệt. Nhưng dần
dà rồi cũng quen đi, hắn cảm thấy những tháng ngày hành quân,
tuy gian khổ nhưng không khiến hắn lo lắng hay sợ sệt, như những
ngày đầu tiên mới đến đơn vị. Hắn làm quen với hiểm nguy và gian
khổ rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn hắn đã tự tin vào
chính nghĩa Quốc gia, lý tưởng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và
Đồng bào thân yêu...
***
Thế nhưng vận nước lại đến lúc gặp nguy biến trước thảm cảnh
tháng tư đen! Khi nghe tin buông súng đầu hàng, thì chính hắn và
đồng đội của hắn đã sửng sờ! Không tin rằng đó là sự thật, một
sự thật bẻ bàng cho người lính chiến. Niềm ô nhục đối với những
chàng trai đang mang trên vai một lý tưởng muôn đời: “Chiến đấu
để bảo vệ Tổ quốc” !
Cũng như mọi người, hắn bị đưa vào các trại tập trung đợi ngày
đi cải tạo. Ban đầu nghe cán bộ quản giáo cho biết là “anh em
chỉ đi học tập một tuần thôi”. Ai nấy đều thấy trong lòng phấn
khởi, và nghĩ rằng mặc dầu bây giờ tuy chúng ta thất trận, nhưng
rồi đất nước không còn chiến tranh nữa. Chúng ta còn cơ hội khi
trở về sẽ góp sức vào việc xây dựng quê hương. “Có lẽ tốt hơn
kéo dài một cuộc chiến vô nghĩa, đã đưa dân tộc Việt Nam đến bờ
vực thẳm. Chiến tranh đã tạo nên thảm cảnh cha mất con, vợ mất
chồng diễn ra hàng ngày! Không thấy “một kẻ thù” nào, mà tất cả
những xác chết trên chiến trường đều mang những dòng họ Việt
Nam” !
Nhưng tuần nầy rồi tuần nữa, ngày tháng trôi qua thấm thoát đã
gần một năm vẫn còn bị đày ải. Hắn cũng cấp bậc Sĩ quan, nhưng
mới ra trường nên chưa có “nợ máu với nhân dân” nhiều, do đó mà
hắn được phóng thích sớm hơn. Nhìn những niên trưởng, những cấp
chỉ huy của hắn vẫn còn tiếp tục “lao động khổ sai” trong các
trại cải tạo mà hắn thấy quặn thắt, se lòng...
***
Về đến nhà, gặp lại những người thân trong gia đình hắn vô cùng
sung sướng. Tưởng như đây là một giấc mơ như chuyện ngày xưa Lưu
- Nguyễn lạc thiên thai! Nhìn cảnh đổi thay mà chạnh lòng thương
cảm, thấy cha mẹ và em gái hắn đang sống trong cảnh túng thiếu
mà hắn thấy thương vô cùng.
Nhưng hắn cũng không biết làm gì hơn, không còn ôm ấp giấc mộng
“đội đá vá trời” như ngày nào. Nên hắn đành chấp nhận hoàn cảnh
hiện tại, là trình báo với khu phố để được sinh sống trong gia
đình. Hắn cũng đang dự trù tìm kiếm một công việc làm gì đó để
ít nhất có thể nuôi thân. Chứ không thể ăn bám gia đình hoài
được, khi thấy rằng tình trạng gia đình hắn bây giờ cũng đã đến
hồi cạn kiệt.
Nhưng đến một ngày, hình như là định mệnh đang đến với đời hắn.
Buổi chiều, có một người lạ mặt đến hỏi đúng tên và trao cho hắn
một tấm giấy. Khi người ấy đi rồi, thì hắn đã ngồi thừ người suy
nghĩ.
Xuất thân là một thư sinh mới gia nhập Quân đội chưa đầy một
năm, nét phong sương chưa đủ hằn lên trên người hắn. Cũng như
chưa có khái niệm về những tổ chức đấu tranh nầy, hay phong trào
kia, nên hắn rất mù mờ về cộng cuộc vận động.
Những gì đã ghi trong mảnh giấy kia khiến cho hắn mất ăn mất
ngủ, không biết phải quyết định như thế nào! Hiện tại hắn đang
đứng giữa một ngã ba chọn lựa, mà hình như linh tính đã cho hắn
biết là hướng nào cũng nghiệt ngã như nhau !.
Không phải hắn sợ hiểm nguy, cũng không phải hắn không tin những
điều nầy là không thực. Tuy nhiên khi nghĩ đến hoài vọng của cha
mẹ hắn, thì hắn thấy không đành nếu có mệnh hệ nào đưa đến cho
đời hắn. Hay có thể liên lụy đến gia đình hắn không chừng, những
người mà hắn vô cùng trân quý.
Nhưng “lý tưởng” đã thôi thúc hắn chọn lựa đi theo con đường, mà
không ai có thể biết trước như thế nào. Một hôm hắn trình bày
với cha mẹ hắn việc hắn muốn lên thăm dò vùng kinh tế mới. Để
nghiên cứu về hướng làm ăn, nếu thích hợp thì gia đình chúng ta
sẽ lên trên ấy sinh sống.
Cha mẹ hắn vốn sẵn vô tư và cũng tin tưởng vào khả năng của hắn,
nên không có ý kiến gì. Đành xuôi theo với chương trình hắn đã
vạch ra.
Hắn ra trình bày với công an khu phố, họ thấy hợp lý nên cấp
giấy tờ cho hắn lên vùng rừng núi thuộc tỉnh Tây Ninh. Nơi đây
hắn gặp lại vị Tiểu Đoàn trưởng khả kính và một số cấp chỉ huy
của hắn. Nên sau khi bàn thảo việc gia nhập vào “Lực Lượng Phục
Quốc”, hắn tin tưởng và gia nhập ngay. Hắn ở lại một vài tuần
lễ, để bàn thảo kế hoạch xây dựng và phát triển tổ chức. Sau đó
hắn được đưa trở lại Sài gòn làm cán bộ nằm vùng, để vận động
nhân lực và tài lực. Hắn nhận những “mật hiệu” để liên lạc, cũng
như chương trình hoạt động của hắn.
Hắn trở về với gia đình cũng thuận lợi. Chưa tìm được việc làm
chính thức để sinh sống, nên hắn theo mấy người bạn buôn bán chợ
trời. Công việc làm ăn của hắn cũng khá suôn sẻ và cũng giúp cho
hắn có điều kiện liên lạc với tổ chức. Nhờ được tự do tiếp xúc
với nhiều môi truờng và lãnh vực khác nhau, cũng như đã “bắt
được mật hiệu” nên dễ thông tin.
Nhưng chưa đầy một năm, thì công việc nằm vùng của hắn bị nghi
ngờ. Có lẽ là do việc hắn xin giấy phép đi thăm dò vùng kinh tế
mới, nhưng khi trở về không thấy hắn đá động gì về việc nầy, nên
họ âm thầm theo dõi. Thêm nữa là hắn thường tiếp xúc với những
người lạ mặt trong lúc buôn bán.
Một hôm, khi hắn trở về thì nghe người nhà cho biết là công an
đến hỏi thăm hắn. Họ cũng chỉ hỏi chuyện vu vơ vậy thôi, chứ
chưa có gì đáng nghi ngờ cả. Hắn chỉ bán tín bán nghi chưa biết
hư thực như thế nào. Nhưng hình như linh tính báo trước cho hắn
sự việc không may có thể xẩy ra. Hắn luôn suy nghĩ vu vơ, rồi
suy đoán có thể có nhiều khả năng họ nghi ngờ hắn không chừng.
Đối với cá nhân hắn thì không quan ngại gì, nhưng hắn đang mang
một sứ mệnh có liên quan đến cả một tồ chức. Nên hắn nghĩ nên
tránh thì hơn, đừng để đến nước rồi tính sẽ không còn kịp nữa.
Suốt một đêm suy nghĩ, cuối cùng hắn đành phải chọn biện pháp
thoát ly gia đình. Sáng tinh sương hắn thức dậy, để lại cho gia
đình tấm giấy rồi lặng lẽ ra đi. Nhờ hắn làm nghề chạy hàng
rong, đã biết cách luồn lách qua những trạm thuế, cũng như nhìn
vào đối tượng để tiếp xúc. Nên hắn đã thoát khỏi và đến trình
diện tổ chức. Nơi đây hắn trình bày tất cả những cố gắng của hắn
trong thời gian qua, cũng như đã đến lúc chính quyền họ tình
nghi việc làm ăn của hắn không được trong sáng. Thỉnh thoảng hắn
lại vắng nhà vài ba ngày, tuy chưa có ai phản ảnh về hắn nhưng
hắn cũng cần đề phòng. Để tránh những việc không may có thể xẩy
ra, hắn xin tổ chức điều đi một công tác khác.
Nhìn vào những kết quả của quá trình hoạt động, tổ chức thấy cần
phải đưa hắn ra hải ngoại để tiếp tục làm cán bộ vận động. Hắn
được tổ chức đưa qua Thái Lan để xin đi tỵ nạn, nên hôm nay hắn
mới hiện diện ở đây.
***
Nhưng khi ra hải ngoại, hắn đã mất hết đường giây liên lạc với
tổ chức. Đã nhiều lần hắn bôn ba thăm hỏi, nhưng cuối cùng lại
biệt vô âm tín. Vì tổ chức ở trong nước đang trong thời kỳ phôi
thai, cũng như hệ thống liên lạc với nhau bằng người đưa tin.
Nên không có một địa chỉ nhất định.
Trở lại cuộc sống hiện tại, hắn chung đụng với một số người
trong chung cư, thấy ban đầu mới qua họ cũng có nhiều khí thế.
Thường tổ chức những ngày lễ truyền thống, tham gia các cuộc
biểu tình vận động thế giới cứu giúp thuyền nhân. Hay tham gia
ngày kỷ niệm 30 tháng 4 đen, để hâm nóng tinh thần đấu tranh của
toàn dân. Nhưng dần dà rồi đi đến tàn lụi, phân hóa đến trầm
trọng. Thậm chí có kẻ thực hiện những chuyến “áo gấm về làng”
rồi trở qua khoe khoang đủ thứ. Hắn thấy chán ngán trước một số
người lố lăng, đang tự mình “chối bỏ lý tưởng cao cả của người
tỵ nạn”, cam tâm luồn cúi trước những kẻ đã từng “xua đuổi đồng
bào” của hắn đến tận đường cùng. Vết thương lòng đang còn rỉ
máu, nhưng họ che dấu một cách trơ trẻn!
Rồi từ đó hắn lãng tránh tất cả, không còn muốn tiếp xúc với ai
nữa! Hắn thu nhỏ lại trong một không gian cô độc, chỉ còn nghĩ
đến việc riêng tư: đi làm dành dụm để giúp đỡ người thân. Vì hắn
còn gia đình cha mẹ và em gái, đang sống cảnh khốn cùng tại quê
nhà. Qua những cánh thư gởi thăm, tuy không đề cập gì đến hoàn
cảnh hiện tại, nhưng hắn cũng đã hình dung được.
Ngày tháng trôi qua, lần lửa mà đã ba mươi mấy năm rồi, nhin lên
mái tóc đã điểm vài sợi bạc. Cuộc đời hắn đã trải qua nhiều
thăng trầm, bây giờ kiểm điểm lại chẳng làm được việc gì ra hồn
cả !.
Duy chỉ còn một niềm tự hào với chính mình, là hắn chưa một lần
“phản bội lý tưởng tôn thờ” cũng như đã làm được một việc tuy
chưa thấy kết quả, nhưng “cái nhân” mà hắn gieo hạt đã nẩy mầm.
Đó là công việc luôn “hâm nóng tinh thần” cũng như kết hợp những
người yêu nước chung sức với toàn dân trong công cuộc đấu tranh
cho một nước Việt Nam được Độc Lập, Tự Do và Dân Chủ…
|