Cây cầu trong
mơ !
Khi đọc bài viết của tác
giả Tưởng Năng Tiến về tai nạn chìm đò tại xã Lãnh Khê, tỉnh Nghệ
An, ngày 7 tháng 10 vừa qua, làm thiệt mạng 19 trẻ thơ trên đường
đến trường học, thì trên bàn tôi vẫn còn phong thơ vừa nhận được từ
một người trẻ. Cậu vừa hoàn tất chương trình Trung Học với số điểm
cao. Phần thưởng là được theo cha mẹ về thăm quê hương trước khi bắt
đầu chương trình Đại Học. Chuyến đi của gia đình cậu, chủ yếu là
theo dọc quốc lộ, từ Nam ra Trung, dọ dẫm vào những làng mạc, thôn
xóm xa xôi để thăm viếng và tặng chút quà mọn tới tận tay đồng bào
nghèo khổ. Tiền để về địa phương mua quà đã được cậu cùng nhóm bạn
thiện nguyện gom góp trong nhiều lần rửa xe quanh khu Little Saigon.
Khi trở lại Nam Cali, cậu gửi tặng tôi xấp ảnh. Một, trong những địa
điểm gia đình cậu ghé thăm là xã Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi
một thảm cảnh đã xảy ra ngày 19 tháng 5 năm 2003 tại bến đò Cà
Tang. Trong hình, cậu tuần tự thắp nhang trên từng ngôi mộ trong
nghĩa trang gồm 18 ngôi mộ nằm thẳng hàng bên nhau. Không biết khi
thắp nhang, cậu đã nói gì với những người bạn đồng trang lứa nhưng
không may mắn có đồng hoàn cảnh để sống, đồng không khí để thở! Còn
người trực tiếp chịu trách nhiệm về tai nạn thì cả nước đều được
nghe ông cụ nói gì. Ông lái đò trên 80 tuổi, chở đám học trò nhỏ qua
sông, gặp cơn gió lớn, sức yếu không ghìm nổi mái chèo, con đò mong
manh chao đảo rồi lật úp! Nước sông Thu Bồn vô tình đã cuốn trôi 18
trẻ thơ vô tội. Ông lái đò sống sót, đã can đảm nhận hết trách nhiệm
trước tòa và thổn thức nói rằng “Đáng lẽ tôi cũng phải chết, nhưng
tôi còn sống đây là để đền tội”.
Tội gì???
Tội nghèo.
Vì quá nghèo
nên 80 tuổi vẫn còn phải chèo đò kiếm sống.
Tội gì nữa???
Tội không am
hiểu luật pháp. Luật nhà nước chỉ định tới số tuổi nào đó thì phải
ngưng làm việc, ngồi nhà cho con cháu nó phụng dưỡng.
Thế nhưng,
ông lão cả đời chưa từng ra khỏi thôn xóm heo hút này, làm sao mà
biết luật của nhà nước cho gì và cấm gì! Dẫu có biết thì cảnh nghèo
phải bương trải kiếm ăn, miễn không trộm cắp thì thôi!
Dân trong xã
hiểu nhau, thương nhau, không ai thưa kiện gì mà chỉ cam lòng coi
đây là tai nạn, cùng chịu chung. Ấy thế mà, theo “Luật pháp công
minh của nhà nước” thì có tội phải đền tội. Ông lão lái đò nghèo khổ
còn nằm trong tù thì ba năm sau, ngày 7 tháng 10 năm 2006, lại một
tai nạn chìm đò thảm thiết làm thiệt mạng 19 trẻ thơ, cũng trên
đường phải xuống đò qua sông để đi học, nay mới vớt được 13 xác!
Chiều chiều, trên bờ sông Cả, những người mẹ đau khổ vẫn lặng lẽ
cùng nhau đứng chờ con trong mưa lạnh và trong tận cùng nhẫn nhục
của kiếp người!
Lần này,
những đứa trẻ xấu số thuộc dân bản Chôm Lôm, xã Lãnh Khê, huyện Con
Cuông, tỉnh Nghệ An. Đáng lẽ con thuyền chở chúng đi học đã được một
dự án mang tên Luxembourg tài trợ, để có phương tiện đủ an toàn chở
được 30 người (http://www.tuoitre.com.vn). Nhưng những người có thẩm
quyền đã không dùng vì ….. tốn dầu! Và thay vào là dùng những con đò
nhỏ, với sức người chèo, chỉ tốn … mồ hôi.
Mồ hôi của
dân nghèo thì rẻ mạt, ai quan tâm làm chi!
Sau mỗi tai
nạn thảm khốc đến với người dân, giới lãnh đạo đều mau mắn ra chỉ
thị cho cấp địa phương là phải quan tâm và điều chỉnh tình trạng để
những bất hạnh không xảy ra nữa!
Nhưng quan
tâm thế nào? Điều chỉnh ra sao?
Nói vu vơ như
thế, nên những chỉ thị cũng “chìm xuồng” theo tai nạn “chìm đò”.
Lần này, đích
danh “ông nhà nước Nguyễn Tấn Dũng” gửi lời “chia buồn” đến gia đình
các em!
Tất cả các
“ông nhà nước” đều biết rất rõ rằng, chia buồn không đủ.
Phải chia cơm
chia áo, dân mới đỡ đói rét.
Phải chia sự
quan tâm để lo lắng đến những nhu cầu cấp thiết, dân mới đỡ khổ.
Khốn nỗi,
những thứ này, các ông nhà nước chia làm sao được!!!
Ngày nay,
chẳng có gì là bí mật về tài sản của các ông. Lẽ dĩ nhiên, về con số
chính xác thì chỉ những ngân hàng các ông gửi là biết thôi, nhưng
bạc triệu đô-la Mỹ thì nhan nhản, và bạc tỷ cũng chẳng thiếu! Lâu
lâu, người dân lại bàng hoàng, cay đắng thấy xì ra một vụ. Chỉ chơi
cá độ thôi mà một ông nhà nước loại làng nhàng cũng tung ra 2, 3
triệu đô-la như chơi. Chơi thôi, mà chơi bạc triệu nhẹ nhàng như
bươm bướm thì những con số nghiêm túc (không phải chỉ chơi) người
dân có thể ước đoán đến đâu!
Nhưng một
chiếc cầu bắc qua sông cho đời sống người dân đỡ cơ cực thì chỉ là
chuyện trong mơ!
Ban ngày, dân
ăn bánh vẽ.
Ban đêm, tự
do nằm mơ những điều mình mong ước, chẳng là hạnh phúc lắm sao!
Cõi ta-bà như thế.
Tham sân si như thế.
Tham hơn núi. Sân hơn
rừng. Si hơn biển.
Đời này tạo nghiệp cuốn
hút đời sau. Đời sau tạo thêm, cột chặt đời sau nữa. Cứ thế, cộng
nghiệp trùng trùng điệp điệp nên trẻ thơ chào đời là cất tiếng khóc
vang, có em bé nào lọt lòng mẹ mà cười đâu!
Ấy thế mà có người bạn
từng quá lo lắng; “Nếu mọi người trên thế gian đều nghe lời Phật dạy
“cắt ái ly gia” thì một ngày nào nhân loại sẽ không còn nữa hay
sao!?”
Tôi muốn
thành khẩn nói với bạn rằng, bạn nên chuyển cái tâm lo lắng đó bằng
tâm an ủi thì hơn. An ủi rằng: “Nếu không có lời Phật dạy thì nhân
gian này còn tàn độc đến đâu!”.
Tôi chắc, bạn
cũng đã thấy, thiện ác luôn trôi cùng, như trên một giòng sông. Giữa
những kẻ hung hãn giết người vẫn không thiếu kẻ âm thầm cứu người;
giữa những kẻ cướp giựt vẫn không thiếu kẻ lặng lẽ sớt chia; giữa
tiếng đạn bom vẫn có lời kinh tụng; giữa hèn nhát nảy sanh ác độc
vẫn có dũng mãnh thể hiện từ-bi.
Vậy những
thiện nhân, thiện tâm đó là từ đâu???
Cho nên, sau
49 năm, chân bước không ngừng, miệng nói không nghỉ, trước phút nhập
Niết Bàn, Đức Phật đã tuyên bố: “49 năm qua ta chưa từng nói lời
nào”
Như thế, nghĩa là gì?
Chúng ta cần phút giây
thật tĩnh lặng.
Cả thân và tâm thật tĩnh lặng.
Chỉ còn duy nhất hơi thở.
Chỉ còn nhận biết có ta và hơi thở mà
thôi.
Rồi ở sát na nào trong phút giây đó,
chúng ta có thể hiểu lời Phật nói.
Để thương Phật.
Và thương ta.