Tiếng chuông đó ngân trong không gian còn đẫm sương mai,
nhưng sao ấm áp quá! Phải chăng sương sớm, gió sớm của tiết trời
tháng mười hai cũng chiêu cảm giòng âm thanh đại từ của đại hồng
chung mà xua tan lạnh lẽo.
Đó là tiếng chuông công phu sớm của Thượng Tọa Thích
Nguyên Siêu, trụ trì chùa Phật Đà, thành phố San Diego, miền Nam
California.
Do cơ duyên, cùng các Phật tử ở xa, về chùa Phật Đà dự
Pháp Hội Địa Tạng và khóa tu niệm Phật, chúng tôi được Thượng Tọa
trụ trì phát túi ngủ, cho phép nghỉ tại chùa để yên tâm dự trọn vẹn
khóa tu. Do cơ duyên này mà tạo bao thuận duyên khác. Ai nói “Phước
bất trùng lai, họa vô đơn chí?” Không đâu, duyên của người con Phật,
khi đã hội được thì “Phước trùng trùng lai, họa, duyên phước đoạn”
phước nối tiếp phước; còn họa, nếu có tới cũng duyên theo phước mà
đoạn diệt.
Đó là khi người con Phật quyết tâm từng bước, quán chiếu
tu tập, tự lượng căn cơ, chọn cho mình một hướng đi, trong tám mươi
bốn ngàn hướng Đức Thế Tôn chỉ dạy. Từ đó, nung nấu thân, tâm, ý
trong Nhất-Hạnh-Tam-Muội, chỉ nương theo một hạnh đã chọn mà đi đến
Giác Ngộ. Tới được đó rồi, ngại chi thiên-môn-Tam-Muội không mở ra
cho những người con Phật kiên trì dũng mãnh được nếm trọn vẹn vị
giải thoát?
Lần đi từng bước đầu chập chững, tập điều động ngũ uẩn.
Nhãn quan nhìn núi chỉ là núi, nhìn sông chỉ là sông, như thị, như
thế mà thôi; rồi nhĩ quan, nghe tiếng chim hót, biết là tiếng chim
hót, nghe giòng suối chảy, biết là tiếng suối chảy; rồi tỷ quan,
thiệt quan, thân quan, hãy chỉ ghi nhận tự thân của thế giới Tánh
Cảnh khách quan bên ngoài để được tâm an, ý lạc, không bị vướng quẩn
quanh vào lưới xấu, đẹp, khen chê …
Nhưng tiếng chuông công phu sớm từ đại hồng chung chùa
Phật Đà sáng nay đã không “chỉ là tiếng chuông”. Tiếng chuông không
chỉ ở trong thế giới Tánh Cảnh. Tiếng chuông nương tâm người thỉnh
chuông, đã chậm rãi, nhẹ nhàng vượt không gian hạn hẹp, vượt thời
gian cô đọng, ngân tới đâu, không ai hay; chỉ biết, tiếng chuông
công phu sớm đó, dường như ướp đẫm Vi-Diệu-Pháp vô hình tướng, thành
âm thanh Vô-Diệu-Âm để chứng thực sự nhiệm mầu của tột cùng Bát Nhã
“Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành thức. Diệc
phục như thị”.
Nên, tiếng chuông công phu sớm đó đã không chỉ là tiếng
chuông.
Đó là âm thanh Pháp Hoa từ Linh Thứu.
Đó là âm thanh Duy Ma Pháp Hội từ Yêm-La
Đó là
âm thanh Pháp-Bảo-Đàn
Đó là
âm thanh Kim Cang
Đó là
âm thanh Viên Giác
Đó, là
vì tâm người thỉnh chuông đang hướng về Chư Phật mười phương nên
“ Tụng kinh giả, minh Phật chi lý /
Niệm
Phật giả, minh Phật chi cảnh”
Người
tụng kinh, rồi sẽ hiểu lời Phật. Người niệm Phật, rồi sẽ thấy cảnh
giới Phật.
Ân đức thay, người thỉnh chuông đã không giữ “minh Phật
chi lý, minh Phật chi cảnh” cho riêng mình. Tấm lòng từ bi của người
thỉnh chuông đã quyện vào tiếng chuông khiến những ai có duyên nghe
được, cũng đồng hưởng “lời Phật, cảnh Phật” vi diệu như thế.
Kính thưa Thượng Tọa viện chủ chùa Phật Đà.
Chúng con, những Phật tử từ nơi xa về dự Pháp Hội Địa
Tạng, được Thượng Tọa từ bi cho lưu lại chùa trong ba ngày hội nên
mới có cơ duyên được hưởng tiếng chuông công phu sớm, để bất ngờ
nhận thức phần nào lời nói hàm ý thâm sâu của vị thiền sư năm xưa
“Thấy núi là núi, sông là sông. Rồi thấy núi không chỉ là núi, sông
không chỉ là sông. Cuối cùng, trở về an trú trong chánh niệm mới lại
thấy rằng, núi kia đích thực là núi, sông kia đích thực là sông”.
Cái thấy trước và cái thấy sau, tưởng ba, nhưng đích thực là một.
Đức Phật thuyết Tam Thừa để trở về Nhất Thừa.
Quả thật, mỗi hiện tượng, dù thầm lặng, vi tế đến đâu,
cũng đều có cơ duyên hướng đến chân trời Chân Như mầu nhiệm. Chiêu
cảm được hay không là do tâm người khi đối diện hiện tượng. Tâm bình
thì giọt sương đọng trên ngọn lá, là giọt sương. Tâm động thì giọt
sương ấy là giọt nước mắt. Tâm an tĩnh như nhiên, thì giọt sương đó
là hạt kim cương trong vắt.
Xin tri ân Thượng Tọa đã ban cho chúng con thời pháp
nhiệm mầu bằng âm thanh vi diệu.
Như-Thị-Am,
2
tháng mười hai, 2006