.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  Diệu Trân - Linh Linh Ngọc với Văn và Thơ

 

Hương bay ngược gió

  • 30.12.2006

            Cuốn lịch xé từng tờ mỗi ngày, cứ mỏng dần, mỏng dần, đến hôm nay thì chỉ còn dăm cánh bướm (mỏng như cánh bướm); bướm chỉ vỗ nhẹ đôi cánh thăm mấy nhụy hoa là đã … hết năm 2006 ! Khi người Tây phương tưng bừng đón năm mới thì người Đông phương cũng rộn ràng không kém, vì Tết âm lịch theo ngay sau dương lịch không xa.

            Trời đất lặng thinh nhưng vận hành vạn hữu đâu ra đó. Mùa Xuân cây lá xanh tươi, đâm chồi nảy lộc, hoa nở, chim ca, muôn loài như tràn đầy niềm tin và sức sống nên sự sung mãn của mùa Xuân còn lan tới mùa Hè nắng ấm mây xanh, phượng đỏ rực trời khiến đàn ve ca hát không thôi ! Có lẽ vì say sưa tiêu thụ năng lực quá nhiều ở hai mùa Xuân, Hạ, nên Thu sang, vạn hữu thấm mệt, lá chớm vàng rồi lả tả rơi theo từng ngọn gió heo may. Ấy thế mà sự êm ả này lại là chất liệu thơ mộng cho bao thi nhân sáng tác. Chỉ cần một giọt mưa thu cũng đủ để lại cho đời những giòng cung bực bất hủ:

            “ Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ. Trong mưa thu ai khóc ai than hờ…”*

            Niềm u hoài của mùa Thu cũng man mác sang Đông khi muôn loài như ngủ yên trong giá rét nhưng nghệ sỹ thì không thể để rung động của mình ngủ yên nên chúng ta đã từng nghe réo rắt:

            “Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương. Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha hương. Có ai, thấu tình cô lữ đêm đông không nhà …” +

            Cuối năm cũ, nhìn về năm mới, đáng lẽ chỉ nên nói tới mùa Xuân nhưng mùa Xuân là gì, mùa Xuân ở đâu, nếu không có Hạ, Thu, Đông? Hoa mai, hoa đào là gì, nếu không có hoa cúc mùa thu, hoa phượng mùa hạ?

            Vạn hữu luôn tương quan trong lặng thinh mầu nhiệm. Tôi biết thế. Nhưng lòng tôi đang không trôi êm ả theo vận hành vũ trụ. Mùa Xuân đang ở quanh tôi nhưng tôi không nghĩ đến hoa đào, hoa mai. Trong lòng tôi đang chỉ có hình ảnh một loài hoa. Loài hoa này không đặc biệt tiêu biểu cho một mùa nào, cũng không đặc thù tới mức được nhắc đến một cách đặc biệt, ngoài hương thơm. Loài hoa này, chúng tôi cũng có một cây, ngoài vườn sau.

            Cây ngọc-lan về với chúng tôi đã hơn mười năm nhưng chỉ cao khoảng ba thước vì chúng tôi đã quyết định không trồng xuống đất. Nếu được thoải mái bám đất, rễ sẽ mọc rất sâu, tàn lá sẽ phát triển rất cao, rất rộng, và như thế, cây ngọc-lan sẽ không còn ‘trong tầm tay” mình nữa. Cây sẽ thuộc về đất, về trời. Cái ý nghĩ chấp ngã “cái của tôi” đã khiến cây ngọc-lan chỉ nằm trong chậu, nhưng an ủi là một chậu kiểng bằng sứ, khá đẹp, khá lớn nên cây tạm hài lòng, nở hoa đủ bốn mùa, góp hương cùng hoa chanh, hoa bưởi.

            Nhưng từ khi tình cờ đọc được bài viết từ nội san Quảng Hương Già Lam, về xuất sứ cây ngọc-lan bên chánh điện của Tu-viện Quảng Hương Già Lam tại quận Gò Vấp, tôi đã không nhìn cây ngọc-lan của mình như một cây kiểng mang hương sắc trang trí nữa, mà mỗi khi ra vườn, đứng trước cây ngọc-lan, tôi đã tự động chắp tay lúc nào không hay! Vì cây ngọc-lan của tôi được cùng họ, cùng tên với cây đại thụ trong sân ngôi cổ tự mang tên Quảng Hương Già Lam mà tới nay tôi mới biết ý nghĩa đích thực danh tự của tu viện.

            Sự hời hợt của tôi chắc cũng là sự vô tâm của nhiều người. Chùa chiền, bảo tháp, tu viện ở Việt Nam thì quá nhiều, mấy ai tìm hiểu tại sao ngôi chùa này có tên như vậy, tại sao ngôi tháp đó được gọi thế kia ? Bản chất dân tộc Việt Nam quá chân thật, đơn giản nên chùa tọa lạc trên đất làng Dâu thì gọi là chùa Dâu, tọa lạc phía tây, thôn Bút Tháp thì gọi là chùa Bút Tháp, trên núi Yên Tử thì là chùa Hoa Yên, bên suối Giải Oan thì là chùa Giải Oan. Riêng ngôi chùa cổ nhất miền Bắc là chùa Trấn Quốc, được dựng lên từ thời Lý Nam Đế với cái tên văn hoa hơn, là Khai-Quốc-Tự, nhưng sau cũng đổi lại thành chùa Trấn Quốc cho đơn giản của ý nghĩa “giữ nước” chăng?

            Vào tới miền Trung thì danh xưng của chùa đã thấp thoáng mang nghĩa đạo, như các chùa Sắc Tứ Tường Vân, Sắc Tứ Vạn Phước, Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà ở Thừa Thiên-Huế. Hoặc những chùa Chúc Thánh, Phổ Đà, Pháp Lâm ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Riêng tỉnh Khánh Hòa thành phố Nha Trang có chùa Hải Đức tọa lạc trên đồi Trại Thủy đã là địa danh ghi dấu ấn trong lòng Phật tử Việt Nam vì nơi đây chính là Viện Phật Học Hải Đức, đã đào tạo bao tăng-tài sau khi Hòa Thượng Thích Phước Huệ cúng dường chùa Hải Đức lên Hòa Thượng Thích Giác Nhiên năm 1956 để chuyển thành nơi tu học.

            Xuống tới miền Nam, ngoài những ngôi chùa mang khuynh hướng và mầu sắc thời đại, còn có những mái cong ẩn tàng dấu tích lịch sử như chùa Ấn Quang tọa lạc trên đường Sư Vạn Hạnh, từng là trụ sở Phật-Học-đường, trụ sở Giáo Hội Tăng Già Việt Nam; chùa Xá Lợi tọa lạc trên đường Bà Huyện Thanh Quan, là nơi tổ chức Đại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1963. Và, ở quận Gò Vấp nhỏ bé trên đường Lê Quang Định là Tu Viện Quảng Hương Già Lam, nơi cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ sáng lập, dành cho các học tăng cấp Đại Học, tiếp nối từ Phật Học Viện Hải Đức- Nha Trang. Cũng chính nơi đây, cố Hòa Thượng Viện trưởng đã thêm vào tên chùa Già Lam hai chữ Quảng-Hương, mà kẻ phàm phu như tôi vừa biết được ý nghĩa!

            Quảng Hương là tên vị học tăng đã tự tay trồng nhánh cây ngọc-lan nhỏ xíu bên chánh điện. Tất nhiên, không phải vị học tăng chỉ trồng cây hoa trong khuôn viên chùa mà pháp danh được đặt tên chùa. Thưa, vị học tăng pháp danh Quảng Hương, đệ tử của Hòa Thượng viện trưởng đã mang trái tim Bồ Tát trong tự thân, chứng kiến ngọn lửa Từ Bi tỏa vô lượng quang từ nhục thân Bồ Tát Quảng Đức thắp lên cúng dường Đạo pháp trong thời pháp nạn 1963. Dù đang bận rộn với những chương trình học của tăng sinh nhưng ngọn lửa vô hình không ngừng nung nấu trong lòng khiến vị học tăng đó đã không thể âm thầm giữ cho riêng mình. Tỳ kheo Quảng Hương đã trình lên sư phụ là HT Thích Trí Thủ, ý nguyện noi theo bước Bồ Tát Quảng Đức, dùng thân tứ đại, cúng dường Tam Bảo để tranh đấu cho sự tồn vong của đạo pháp. HT viện trưởng tất biết rằng khi người con Phật khởi niệm cúng dường cho chánh pháp thì không gì ngăn nổi, chỉ còn chờ thuận duyên mà thôi. Chính thời gian “chờ thuận duyên” này, tỳ kheo Quảng Hương tìm được một chồi ngọc-lan, đem về trồng bên chánh điện. Chồi non chưa lớn bao nhiêu thì thuận duyên đã tới. Và tỳ kheo Quảng Hương hoan hỷ được thực hiện tâm nguyện qua ngọn lửa rực sáng, tựa như phẩm “Dược Vương Bồ Tát Bản Sự” trong kinh Pháp Hoa.

            Sau lễ trà-tỳ, HT viện trưởng muốn ghi dấu tinh thần Bồ Tát của người đệ tử yêu quý nên tu viện Già Lam đã được HT và tất cả Tăng, Ni sinh khắp nơi trang trọng gọi là Tu Viện Quảng Hương Già Lam.

            Chất bón Bi Trí Dũng từ người trồng cây đã khiến ngọc-lan lớn như thổi, nay, ngọn đã vượt mái cong, tàn lá xòe rộng, mát rượi sân chùa và hương ngọc-lan không chỉ là hương của một loài hoa mà còn là Hương Giới Đức bay ngược gió, thẩm thấu vào từng tấm lòng tìm về Giác Ngộ.

            Ngày nay, tu-viện Quảng Hương Già Lam không chỉ có cây ngọc-lan-giới-đức làm phương hướng cho những người con Phật khắp năm châu tìm về. Quảng Hương Già Lam còn có Thị-Ngạn-Am, nơi từ trước, và sau cơn hồng thủy, thấp thoáng bóng dáng một nhà sư vóc hạc “xuất thế gian nhưng không rời thế-gian-pháp”. Từ nhiều thập niên, Phật tử khắp nơi nói đến Thị-Ngạn-Am là nói đến Quảng-Hương-Già-Lam; và hướng tâm đảnh lễ về Quảng-Hương-Già-Lam là đảnh lễ về Thị-Ngạn-Am vì thật đơn giản. Nhà sư thấp thoáng ẩn cư nơi Thị-Ngạn-Am trong ngôi cổ tự Quảng-Hương-Già-Lam cũng là hình bóng mà Phật tử thấy thấp thoáng suốt quê hương Việt Nam, suốt đau thương cùng cực, suốt hoan lạc vô bờ …

            Thầy Tuệ Sỹ lặng thinh mà là tất cả.

            Thử nhìn đoạn đường Thầy đã và đang đi, có phải là đường Chư Bồ-Tát đã đi từ nghìn xưa đến ngày nay không?

            Viết tới đây tôi mới hiểu rằng, sao mùa Xuân mà tôi không nghĩ tới hoa mai, hoa đào, lòng lại chỉ thơm ngát hương ngọc-lan.

            Thì ra, tôi đang thực sự được hưởng mùa Xuân Di Lặc, Xuân của đất trời bát ngát Hương Giới Đức bay ngược gió, quyện vào không khí bao la cho những duyên tao ngộ hít thở được năng lượng nhiệm mầu của Giải Thoát.

NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT

-----------------------

(*) Nhạc phẩm Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong
(+) Nhạc phẩm Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương (?) 

 
Như-Thị-Am, những ngày cuối năm 2006



bút
việt
hồn
quê

DIỆU TRÂN - LINH LINH NGỌC

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
BỞI NHÀ XUẤT BẢN GIÓ ĐÔNG


Vô Tự Thị Chân Kinh


Đường thiên lý
A thousand-mile road
Une route interminable
 


Tâm Hương Tải Đạo

Website Gió Đông

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.