.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích


Cháu đích tôn

  • PSN - 3.4.2010 | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

- Chị Hai à, đằng nào thì bọn em đã trưởng thành rồi. Thằng Út học hết năm nầy sẽ thi lấy bằng tú tài toàn phần. Em và thằng Lân đã có công ăn việc làm vững vàng. Còn cháu Đạt đã mười một tuổi. Chúng em mong chị nghĩ đến việc lập gia đình để đỡ phần cô quạnh.

Lân tiếp theo lời Lực :

- Chị đã dành hết quãng đời thanh xuân thay cha mẹ nuôi bọn em ăn học nên người. Nếu chị chịu bước thêm bước nữa bọn em hứa sẽ lãnh phần nuôi dưỡng cháu Đạt ăn học thành tài.

Lưỡng, cậu em út cũng vội vã cất tiếng góp lời cùng hai anh :

- Chị hai ơi, em đã sắp đặt kế hoạch để hoàn thành ước nguyện của em. Anh Lực là một giáo sư dạy đệ nhị cấp, anh Lân là kỹ sư cơ khí và nhất định tương lai của em là một phi công. Chị yên chí đi, gia đình mình sẽ không còn sợ thua kém ai nữa đâu.

Lành ngồi nghe ba đứa em trai thay nhau khuyên chị lấy chồng. Nàng biết đám em thương yêu và kính trọng nàng chẳng khác gì người mẹ. Từ ngày cha mẹ mất sớm, Lành nuôi chúng nó trưởng thành, thằng Đạt con của nàng nay cũng đã vào lớp đệ thất trường công. Những ngày lễ lạt như hôm nay cả nhà mới có dịp tụ họp nhau đông đủ. Lực, em trai kế nàng thấy bà chị cô đơn đã mai mối ông giáo sư góa vợ dạy cùng trường. Trước đây mấy tuần, giáo sư Trần Trung Tính theo Lực đến chơi nhà để “coi mắt” Lành . Và “tiếng sét ái tình” đã dội trái tim ông giáo ngất ngây. Ông đã thú thật với Lực rằng từ ngày gặp Lành ông đã tương tư mất ăn mất ngủ dù tuổi đời của ông vượt quá cái tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”. Lực rất phục tính tình của thầy Tính, sống mẫu mực, nghiêm túc của nhà mô phạm. Gia đình vợ thầy đã dành nuôi đứa cháu ngoại mới sinh, sau khi vợ thầy mất vì sinh khó. Cha mẹ vợ cũng nhiều lần khuyên con rể tục huyền nhưng thầy chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Riêng Lành, con tim nàng như bị đóng băng từ ngày mối tình đầu của nàng đổ vỡ, vừa bi thương vừa tủi nhục. Nàng bây giờ như cây mía trổ cờ, khô khốc cả tình yêu.

Đợi cho lũ em ngưng tiếng, Lành tươi cười bảo :

- Chuyện vợ chồng là cả một đời người, các em để chị suy nghĩ đã. Vả lại Lực và Lân cũng phải lập gia đình chẳng lẽ lo cho chị mà các em quên đi bản thân mình sao. Mười một năm qua chị sống như thế nầy cũng quen rồi. Còn thằng Đạt con trai chị đang trong cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”.

Lực ngắt lời chị :

- Chị Hai à, ngày cha mẹ mất, thằng Út mới mười tuổi, thì có khác gì cháu Đạt bây giờ. Ngày đó không có chị tảo tần nuôi dạy, có lẽ chúng em đã trở thành những đứa trẻ “lạc chợ trôi sông” rồi. Chúng em luôn luôn khấn vái cha mẹ phò hộ cho chị những năm tháng cuối đời được sống hạnh phúc bên người chồng thực lòng thương yêu và kính trọng chị. Nghe Lực nhắc đến “người chồng thực lòng thương yêu và kính trọng”, bỗng ngực nàng đau thắt khiến cho nước mắt trào ra, Lành ôm mặt chạy vào phòng.

Ba anh em còn lại ngỡ ngàng nhìn nhau ngậm ngùi.

Mùa Đông cũng như mùa Hè, khi hừng đông chưa ló dạng, người ta đã thấy một người con gái cỡ tuổi mười lăm, mười sáu, kẽo kẹt trên vai đôi quang gánh với hai chiếc bầu lớn có nắp đậy đan bằng nan tre trét dầu rái. Cô đi ngang qua xóm Thọ Tây dọc theo huyện lộ rồi băng đường ruộng đi xuyên qua khu Rừng Dê đến tận làng Gò Cát để bỏ mối kẹo bánh tại các tiệm tạp hóa hay quán hàng ăn uống nằm dọc theo đường làng và tại chợ Đình. Khi mặt trời lặn bên kia dãy núi, cô gái quay về, trên vai trĩu nặng hai bầu lúa đầy.

Việc mua bán của cô gái chỉ trao đổi những nông sản là chính mà người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn rất khó kiếm được đồng tiền mặt. Còn con buôn như cô phải đổ mồ hôi, chân đi mòn đất, lấy công làm lời.

Người con gái với độ tuổi trăng tròn đó chính là Đỗ Thị Lành. Nàng là chị cả trong gia đình có bốn chị em. Nhà đông con, cha mẹ Lành suốt một đời phải cật lực làm việc mà vẫn không vượt qua cảnh gieo neo. Ông bố làm thợ nấu đường. Hàng năm đến mùa đạp mía ông được các chủ lò kêu nấu đường đổ muỗng. Thông thường các điền chủ chuyên trồng mía hàng mẫu đất trở lên mới sắm đủ bộ đồ nghề. Vừa che đạp mía vừa chảo nấu đường. Khi xong phần mình, chủ chòi cho những người trồng mía lẻ tẻ lân cận thuê chòi. Nhờ vậy mà bố của Lành giữ chân nấu đường suốt mùa đạp mía. Mẹ nàng chuyên nghề thắng đường làm kẹo chặt. Đây là món đặc sản của gia đình Lành sản xuất từ mật và đường đen. Công việc làm hoàn toàn thủ công, nặng nhọc và khéo tay. Qua nhiều công đoạn viên kẹo có màu trắng vàng được gia vị mùi bạc hà vừa thơm miệng vừa chống cảm lạnh.

Dù năm tháng dãi dầu mưa nắng, nước da Lành vẫn trắng hồng, mịn màng như thoa phấn. Nụ cười tươi tắn khoe đôi hàm răng trắng đều như hạt bắp. Mái tóc dài nửa lưng đen tuyền óng mượt che một phần khuôn mặt chữ điền càng tăng thêm dáng e ấp thẹn thùng trước những lời chọc ghẹo của đám thanh niên tập thể dục trên bãi cát cạnh bến đò vào mỗi sáng sớm.

Nhà Lành ở bên kia bờ sông Trà Khúc nên ngày nào cô cũng phải qua đò hai lượt đi về. Vừa bước chân xuống bến đò là bị cái đám thanh niên “may-ô quần đùi” bu lại mua kẹo. Đây chỉ là cái cớ để mấy chàng trai đa tình nhìn ngắm dung nhan của Lành. Ban đầu cô bé có hơi thẹn thùng trước những câu chòng ghẹo, dần dà rồi cũng quen. Là người con gái đa cảm làm sao nàng tránh khỏi xao xuyến trước những lời tán tỉnh. Trong đám thanh niên ấy có một chàng trai chỉ đứng nhìn Lành với ánh mắt vừa thương hại vừa cảm phục. Anh chàng tỏ ra rất hào phóng, lần nào cũng mua nhiều kẹo phát cho bạn bè và từ chối không nhận tiền thối lại. Cả bọn nhao lên:

- Thằng Phong nó đóng hụi “Tiền cheo heo cưới” trong tương lai đấy ! Nhớ về bỏ ống làm của hồi môn.

Lành đỏ mặt e lệ khiến cho cả bọn cười vang dưới bầu trời xanh lồng lộng, như làm chao động cả bãi dâu nghiêng mình lao xao cạnh bờ sông.

Dù Lành chưa một lần gặp riêng Phong, nhưng hai người đã trao gởi tình mình qua ánh mắt. Rồi mùa tựu trường đến, đám thanh niên ấy tản mát đi khắp nơi. Bãi cát trở lại cảnh vắng lặng mỗi buổi sáng mai hồng. Lành cảm thấy gió Thu năm nầy như lạnh lẽo hơn mọi năm và luyến tiếc con nước nguồn năm nay đổ về quá sớm làm xóa sạch những dấu chân người trên cát. Con tim mười sáu của Lành đã bắt đầu e ấp bóng hình Phong và đêm ngày vương vấn...

Một năm trôi qua. Lành đi đi về về trong mong ngóng, cô đơn.

Rồi ba tháng nghỉ hè của học sinh lại trở về. Đám con trai đã bắt đầu tề tựu tập thể dục trên bãi cát như mọi năm. Lành hồi hộp nhìn đám thanh niên khỏe mạnh mặc áo quần thể thao đồng loạt tập những động tác theo người điều khiển. Ngồi trên chiếc thuyền đang chao nghiêng trên mặt nước, Lành nghe lòng rộn rã theo từng con sóng vỗ nhịp mạn thuyền.

Nhưng lạ thay, khi Lành bước xuống thuyền không một người nào để ý. Đám thanh niên ấy dường như không còn nhớ đến người con gái bán kẹo năm nào. Còn Phong, người mà nàng nhung nhớ cũng hờ hững thế sao ? Suốt một tuần lễ đi về nàng mệt mỏi, thẫn thờ. Cái thẫn thờ của kẻ thất tình.

Trên đường về nhà như mọi ngày, vai Lành trĩu nặng đôi bầu lúa. Vừa đến đầu truông của khu Rừng, bất ngờ một người đàn ông đội chiếc mũ nỉ che mặt đón đường Lành. Nàng hốt hoảng ré lên. Người thanh niên vội lấy mũ xuống, nhoẻn miệng cười, Lành kêu lên :

- Anh Phong !

Đặt gánh xuống, Lành hổn hển :

- Làm em hết hồn, anh về hồi nào ?

- Xin lỗi đã làm em sợ hãi – Anh về đã một tuần rồi, nhưng không theo bạn bè tập thể thao trong mấy buổi sáng vừa qua để dành sự ngạc nhiên cho em. Vừa nói, Phong tiến đến nắm tay Lành :

- Ôi, chỉ mới xa em một niên học mà trông em cao lớn hơn nhiều, sắc đẹp càng thêm mặn mà, khỏe mạnh. Quả đúng như người ta ví von: “gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”.

Lành e thẹn rút tay về. Hai người nhìn nhau cùng nghe trái tim mình chung nhịp yêu đương. Phong âu yếm tặng cho Lành xấp vải xoa Pháp màu thiên thanh để may áo dài mà chàng đã chọn mua tại chợ Đông Ba.

Kể từ hôm đó, hai người không hẹn mà vẫn gặp nhau thường xuyên trong khu Rừng Dê. Mối tình đầu nồng cháy của người con gái xuân thì cùng chàng sinh viên hai mươi mốt tuổi không có sức mạnh nào ngăn chặn nổi tình yêu cuồn cuộn như thác đổ. Phong hứa với Lành khi tốt nghiệp xong sẽ cưới nàng. Và suốt ba tháng hè họ trao nhau tình yêu đầu đời không hề gìn giữ.

Ngày Phong sắp lên đường nhập học, Lành phát hiện mình có triệu chứng cấn thai... Với thái độ rất tự tin, Phong trấn an người yêu :

- Chẳng có gì để em lo lắng. Anh sẽ xin ba mẹ tổ chức đám cưới ngay. Lành sẽ ở với gia đình anh đợi đến ngày sinh nở. Anh sẽ tiếp tục học một năm cuốí cùng, sang năm ra trường là chúng mình sống gần nhau.

Hôm sau, Phong trình bày ý muốn cưới Lành với bố mẹ. Ông Xã Đoàn đập bàn quát :

- Thằng con hư đốn nầy, mầy bảo tao đi làm suôi với một thằng thợ nấu đường ở cái xóm “khỉ ho” bên kia sông à! Bạn bè tao, anh Cử dưới Huyện, anh Thủ Sắc Vu xã trên, anh Hương Kiểm Tào, họ đang mong mỏi kết suôi với gia đình mình. Tao đã hứa chờ đợi mầy ra trường rồi hẵng hay. Thiếu gì con gái đẹp người, đẹp nết thuộc gia đình danh giá có địa vị trong xã hội, lại đòi cưới đứa con gái buôn gánh bán bưng.

- Nhưng thưa ba, chúng con đã thề nguyền yêu nhau trọn đời. Vả lại, hiện thời Lành đã có thai.

Mẹ Phong từ nãy giờ ngồi nhai trầu, khi nghe con trai báo tin người yêu đã mang bầu, bà vội vàng phun miếng bã trầu vào trong chiếc ô bằng đồng rồi hứ lên một tiếng :

- Đúng là con gái mất nết, hư thân... Cái dân không có miếng đất cắm dùi mà đèo bòng, Nó “ám” mầy chứ yêu đương gì cái ngữ ấy. Muốn trèo cao bị té nặng cho đáng đời! Ông nó buộc thằng Phong phải cắt đứt ngay mối tình đó. Là con trai duy nhất của giòng tộc trưởng phải cưới cho nó một con vợ có gia đình bề thế, môn đăng hộ đối để ta có cháu đích tôn nối dõi tông đường chứ. Đất ruộng hương hỏa của một họ tộc lớn như thế nầy lại đặt vào tay thứ gái điếm đàng ấy sao. Con mà cãi lời ba mẹ sẽ bị tước quyền hưởng hương hỏa ngay.

Sợ thằng con đâm liều, ông Xã Đoàn đưa kế trì hoãn:

- Thôi được, con cứ lên đường đi Huế học đến ngày ra trường. Ở nhà ba mẹ sẽ dàn xếp ổn thỏa đợi ngày con về.

Nghe bố hứa khiến Phong hy vọng và yên lòng ra đi. Chàng cũng thông báo lời hứa của ba chàng để giúp cho Lành bớt lo lắng.

Phong ra đi rồi, vài hôm sau, bà Xã Đoàn chận Lành trên đường về nhà. Bà xỉa xói :

- Cô kia, cả nhà cô sống nhờ cái gánh trên vai lại đi chài thằng con dại gái của chúng tôi. Cô đâu có xứng đáng làm vợ nó, không đủ tư cách làm dâu nhà chúng tôi. Gia thế của tôi như thế nầy chẳng lẽ lại đi làm suôi với hạng người như cha mẹ cô. Chúng tôi đã hỏi vợ cho thằng Phong ngoài Huế. Sau khi ra trường nó sẽ ở luôn ngoài đó. Cô hãy suy nghĩ kỹ, đừng đèo bòng mà mang nhục vào thân.

Bà Xã Đoàn nhổ bãi nước trầu trước mặt Lành rồi bỏ đi.

Nỗi đau đớn ùa đến bóp thắt ruột gan Lành, như hàng trăm mũi dao nhọn thi nhau xoáy vào tim vào óc. Trong giờ phút đó nàng muốn đập đầu vào đá tự vẫn hầu thoát khỏi nỗi thất vọng tận cùng đang cào xé trái tim nàng. Lành không hề nghĩ đến chuyện phá bỏ cái thai mà thà hai mẹ con cùng chết. Và Lành đã cố tình ngã xuống sông khi chiếc đò ra đến giữa dòng. Ông lái đò nhảy xuống nước kịp thời cứu thoát.

Một tháng Lành lâm bệnh nặng, cả nhà vô cùng lo lắng. Lực, đứa em trai lớn thường trực bên chị và là người đầu tiên biết về mối tình của chị với anh Phong. Cuối cùng nàng phải thú thật với em trai về cái thai mà nàng đang mang. Để tránh tai tiếng cho gia đình, Lành bỏ nhà vào Sài Gòn tìm việc làm sinh sống chờ đợi đứa bé ra đời. Lực và Lân cũng quyết định theo chị để thằng Út ở lại với cha mẹ.

Họ mướn một căn nhà nhỏ trong xóm lao động ở ngã tư Bảy Hiền. Buổi sáng, Lành gánh xoong cháo lòng bán dạo. Buổi tối, nàng đặt vài chiếc bàn và năm mười chiếc ghế dưới cột đèn đường bán chè. Lực đòi nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp chị, nhưng Lành nhất định không cho. Để phụ thêm tiền học phí, Lực phải đạp xe bán báo buổi sáng còn Lân bán bánh mỳ nóng nhận tại lò. Buổi chiều và tối anh em cắp sách đến trường.

Gia đình dù nghèo, đôi khi thiếu ăn mà cha mẹ Lành không hề than thân trách phận, nhưng khi ông bà hay tin con gái mình “chửa hoang” thì sức khỏe họ hoàn toàn suy sụp.

Trận lụt năm Thìn đã kéo đi một số lớn nhà cửa dọc hai bên bờ sông Trà, cha mẹ Lành cũng bị nước cuốn trôi cùng với căn nhà khi tuổi đời chưa qúa năm mươi. Chị em Lành vô cùng đau đớn trước nỗi bất hạnh của gia đình. May mắn thay, đứa em út bận học hành tại tỉnh lỵ nên còn sống sót, sau vào Sài Gòn sum họp đủ bốn chị em.

Công việc nhọc nhằn hàng ngày đã giúp cho Lành phôi pha phần nào nỗi đau khổ, tiếc thương. Khi đứa con ra đời, Lành đã dành hết tâm sức lo lắng cho con mình với đầy đủ bổn phận làm mẹ. Bé Đạt lớn nhanh, mỗi ngày mỗi khôi ngô càng giống Phong khiến cho nàng không tránh khỏi nỗi xót xa cho thân phận con mình. Người ta nói thời gian là liều thuốc làm lành vết thương lòng. Nhưng thời gian không thể xóa mờ được kỷ niệm. Cứ mỗi lần nhìn khuôn mặt con đang ngủ là khiến cho lòng Lành xốn xang. Hình bóng của Phong vẫn tràn đầy trong tâm tưởng.

Bé Đạt lên mười hai tuổi, học lớp đệ lục. Đỗ Quang Lưỡng, em út của Lành đã đạt được mộng ước. Hiện giờ Lưỡng đang du học ở Hoa Kỳ ngành lái máy bay phản lực. Các em Lành học hành đều thành công là niềm an ủi lớn lao đối với nàng. Tâm tư đang yên tĩnh, chợt một bất ngờ ùa đến gây xáo động lòng nàng.

Sáng nay, Lành nhận được bức điện tín của bà Xã Đoàn, mẹ Phong van nài nàng đưa bé Đạt về quê để gặp cha nó lần cuối cùng. Nàng vô cùng bối rối, phân vân có nên giữ lời nguyền “sống để dạ chết mang theo” từ ngày nàng bị bà Xã Đoàn xỉ vả, tủi nhục. Dù giờ đây, Lành không còn mang mặc cảm một gia đình thấp hèn như xưa nhưng nàng vẫn còn ghê tởm cái gương mặt đanh ác của bà ấy. “Thế nhưng còn Phong thì sao đây?” Nàng tự hỏi lòng mình.

Trước kia, Phong đã mấy lần tới nhà xin cha mẹ Lành tha thứ nhưng ông bà không tiếp và một lần Phong vào Sài Gòn tìm đến nhà của chị em nàng ở khu Ngã tư Bảy Hiền nhưng Lành đã kịp thời dấu mặt và đóng chặt cửa. Với Đạt, con trai nàng, Lành không hề che dấu quá khứ của con để giải thích vì sao nó mang họ mẹ và đặc biệt nàng không bao giờ gây cho con một ấn tượng không tốt về Phong, người mà nó mang cùng dòng máu.

Khi Lực đi dạy về, Lành lập tức đưa tờ điện tín và hỏi ý kiến em.

Sau khi đọc xong tờ điện tín, Lực nói với chị:

- Theo em thì chị nên về. Về trong tư thế đàng hoàng của một gia đình thành đạt để vừa xóa bỏ mặc cảm của chính chị, vừa giúp người ta giải tỏa nỗi ân hận. Hơn nữa, chị cũng phải nghĩ đến nguyện vọng của người sắp chết lại là tình thâm ruột thịt của cháu Đạt. Ngày mai em đưa mẹ con chị ra bến xe đò Miền Trung, việc gấp gáp, xin chị chớ nên chần chờ.

Xe dừng lại ở ngã ba đầu làng. Mẹ con Lành đi bộ một đoạn đường đất đến trước ngõ có cổng xây gạch nay đã bạc màu, rêu phong. Nàng cầm tay con ngần ngừ đứng lại một hồi lâu. Chợt, một thiếu phụ cao lỏng khỏng từ trong nhà nhanh nhẹn chạy ra đưa cao hai tay mừng rỡ:

- Ôi, cô Lành đã về tới. Chúng tôi đã nóng lòng chờ đợi mẹ con cô mấy ngày nay.

Thoạt đầu Lành không nhận ra người đàn bà nầy là ai, sau mới nhớ ra là người chị cả của Phong sống cô độc, không chồng, không con... Đạt nắm tay mẹ sợ sệt:

- Mẹ ơi, ba của con ở đây hả mẹ ?

Nàng kéo Đạt vào lòng, dặn dò :

- Ừ, đây là nhà nội, ba con đang bệnh nặng, đừng làm phật ý mọi người.

Tiếng mõ tụng kinh từ trong nhà vọng ra não nuột.

- Phong nó yếu quá, mẹ mời thầy đến tụng kinh cầu an hằng ngày. - Chị Hai giải thích. -Từ ngày cô bỏ đi, cậu nó sinh ra rượu chè be bét, say sưa cả ngày. Ba mẹ tôi cưới cho Phong cô vợ nhưng chẳng đẻ đái đựơc gì như gà mái bị nân. Cuối cùng mợ ấy nản lòng bỏ về sống với cha mẹ ruột. Ba tôi buồn rầu, lâm bịnh rồi qua đời.

Thấy bà chị cuả Phong đối xử với Lành có vẻ thân mật, bỗng tim nàng đau nhói. Cũng khuôn mặt nầy của mười hai năm trước lấp ló trong bụi cây để hổ trợ cho mẹ mình nhục mạ, đay nghiến Lành. Và giờ đây, cũng con người nầy lại đón tiếp nàng một cách vồn vã.

Chị Hai nắm tay Đạt mời Lành vào trong nhà. Bước vào gian nhà chính khói hương nghi ngút. Bộ chân đèn lớn bằng đồng trên tủ thờ với cặp đèn cầy cháy leo lét tỏa ánh sáng chập chờn lên các tấm liễn chữ vàng treo dọc trên những cây cột gỗ mun đồ sộ đã lên nước bóng lẫy. Bên cạnh là bàn thờ Phật chất đầy hoa quả. Ba nhà sư thay nhau tụng kinh. Lành rờn rợn bước theo chân chị Hai tiến vào gian cánh phải, đèn điện sáng choang. Trên chiếc giường lò xo Phong nằm bất động, thân người lọt thỏm trên bộ nệm lún sâu. Đối diện là chiếc trường kỷ có cẩn xa cừ, bà Xã Đoàn ngồi lần tràng hạt cầu nguyện chợt thấy Lành vào, mắt bà sáng lên. Vẫn mái tóc búi cao như ngày trước nhưng giờ đây đã bạc quá nửa. Ánh mắt không còn sắc sảo, nhường lại cho sự sầu muộn trên đôi mí sụp của tuổi già...

- Trình nội đi con. - chị Hai nhắc cháu Đạt.

- Thưa nội con mới về. – Đạt bạo dạn đến trước bà Xã Đoàn vòng tay cúi đầu.

- Lại đây với nội. – Buông chuỗi hạt, bà ôm Đạt vào lòng, đôi mắt hấp háy để rơi hai giọt lệ lăn tròn trên đôi má nhăn nheo. Chạnh lòng, Lành tiến tới thêm một bước gần bà Xã Đoàn cúi đầu :

- Kính chào bà.

Hướng mắt về phía Lành, bà Xã Đoàn lên tiếng nhẹ nhàng :

- Cô Lành đã về, phước đức cho gia đình tôi quá, cô không để tâm chuyện cũ, tôi thật lòng cảm ơn cô.

Bà đứng lên chậm chạp nắm lấy tay Đạt đi về phía Phong đang nằm thiêm thiếp. Bà ra hiệu cho Lành tới gần rồi cầm tay nàng và Đạt đặt vào hai tay của Phong buông xuôi trên giường. Bà vò đầu đứa con trai duy nhất của bà chỉ còn lơ thơ những sợi tóc sót lại sau mấy đợt trị liệu bịnh ung thư gan. Mắt Phong nhắm nghiền trong hai hố mắt sâu thẩm. Màu da vàng ệch như xoa lớp nghệ non. Chiếc mền đắp ngang người làm nổi rõ phần bụng nhô cao lên xuống bập bồng theo hơi thở. Căn bệnh đã tàn phá hoàn toàn khuôn mặt tuấn tú và vóc dáng lực sĩ của Phong ngày nào. Tự nhiên, nước mắt thương cảm của Lành rơi lã chã trên mặt Phong đã đánh thức cơn mê của chàng. Phong mở mắt lờ đờ nhìn mọi người, chợt chàng nhận ra Lành, ánh mắt bỗng nhiên rực sáng như chính nàng là món thuốc thần đã đem lại khí lực cho người bệnh. Những ngón tay xương xẩu cố nắm chặt lấy tay Lành với sức lực còn lại, Phong thì thào :

- Vô vàn cảm ơn em, xin tha thứ cho mẹ anh, anh xin tạ lỗi cùng em và con.

Phong cố gượng lấy nụ cười nhưng đôi môi khô khốc khiến cho nụ cười càng thêm héo hắt.

Không đè nén được nỗi đau đớn tận cùng và cơn xúc cảm như con sóng ngầm ùa tới, Lành ôm choàng lấy thân thể Phong chỉ còn là bộ xương cứng đờ, để mặc cho nước mắt trào ra trên ngực chàng. Phong gắng gượng đưa cánh tay yếu ớt vuốt tóc nàng mà suốt mười hai năm trời chàng luôn luôn tơ tưởng.

- Ba ơi, con là Đạt, con trai của ba đây, ba ơi !

Đạt ôm cánh tay Phong lay nhẹ theo từng tiếng kêu, nước mắt nó đầm đìa trên mặt.

Lành hoàn toàn bất ngờ trước hành động của con trai. Cái gì xui khiến hay chính là tình huyết thống thiêng liêng đã thôi thúc trái tim tuổi thơ thể hiện tình phụ tử? Bà Xã Đoàn khóc ngất trên vai chị Hai. Mọi người có mặt trong phòng cũng òa khóc. Phong cố đưa tay sờ mặt con nhưng nửa chừng lại để rơi xuống nệm. Những giọt lệ đọng trên khóe mắt của Phong chảy tràn xuống gối khi đầu chàng nghẽo về phía Đạt để nhìn mặt con. Bàn tay Phong nắm tay Lành chợt dần dần buông lỏng và một luồng hơi lạnh bỗng dưng len vào những ngón tay Lành chạy dọc theo sống lưng khiến nàng rùng mình. Lành hốt hoảng, vừa lay mạnh đôi vai Phong, vừa gào lên :

- Anh ơi, Phong ơi, em còn nhiều điều muốn nói với anh, sao nỡ bỏ mẹ con em mà đi, Phong ơi!

Mọi người vây quanh giường ràn rụa nước mắt. Thân thể Phong đã hoàn toàn lạnh giá. Đôi mắt chàng nhắm hờ còn nét mặt thì thanh thản.

Sau tang lễ, Lành ở lại thêm vài ngày. Tối nào nàng cũng đứng trầm ngâm bên bàn thờ nhìn bức di ảnh của Phong chụp khi còn học ở Huế. Khuôn mặt đầy cương nghị mà vẫn không vượt qua được bức tường lễ giáo đầy khắc nghiệt của gia phong.

Ngày từ biệt về lại Sài Gòn, Lành dẫn con đến chào bà Xã Đoàn. Bà cắm nén hương lên bàn thờ rồi nhìn sững ảnh của Phong, khấn vái:

- Phong à, bây giờ đây, mẹ chính thức mong con bỏ qua cho mẹ. Ba con thì đã vội vã ra đi, ông để lại cho mẹ gánh nặng của nỗi ân hận dày vò vì đã “chia uyên rẽ thúy” mối tình của con và Lành. Bà cúi đầu trước bàn thờ ôm mặt nấc lên khiến cho đôi vai rủ xuống rung lên từng chặp một. Lành thật sự thương hại trước nỗi đơn độc của tuổi già liền đến nắm tay bà an ủi. Bà Xã Đoàn quay lại ôm Đạt vào lòng dặn dò:

- Con bây giờ là cháu đích tôn của ông bà nội. Đừng bao giờ bỏ nội nghe con. Nhớ thường xuyên gởi thư cho bà và thỉnh thoảng về đây thăm nội.

Lành ứa nước mắt trước sự quyến luyến tình cốt nhục thiêng liêng khiến cho tâm tư nàng hoàn toàn thanh thỏa.

Cùng với chị Hai tiễn chân mẹ con Lành ra tận ngõ, bà Xã Đoàn nắm tay Lành thì thầm: “Nếu được con gọi mẹ thì ta đây sẽ yên lòng trước khi nhắm mắt.”

Lành siết chặt tay bà Xã Đoàn :

- Vâng, mẹ lo bảo trọng tuổi già, mọi người đang cần mẹ như cần bóng râm của cây cổ thụ. Con sẽ cố gắng sắp xếp cho Đạt thỉnh thoảng về thăm Nội./.

 

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.


HẠO NHIÊN NGUYỄN TẤN ÍCH

Quê: Quảng Ngãi

Trước 1975 :
 - Giáo chức,
- Sĩ quan CTCT

Hiện định cư tại San Jose,
California, (HO8)

Tác phẩm :
- Từ Đó Em Yêu (Thơ 2002)
- Lưu Dấu Ngày Xưa
(Truyện 2004, Tái bản 2005)
- Hương Bồ Kết (Truyện 2007)
- Hương Áo Phù Sa (Thơ 2010)
- 4CD ngâm thơ.
 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.