.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Hoàng Hưng Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 Hoàng Hưng

Nghệ thuật và chính trị,
trường hợp Nguyễn Đình Thi

(Vài cảm nghĩ khi đọc tuyển Thơ NĐT)

Sau hai bài về hai tác giả người “Tây” gốc Việt với chung chủ đề “Nghệ thuật và chính trị”, tôi bỗng thấy hứng thú tìm hiểu thêm về chủ đề này. Sực nhớ mình cũng từng viết về Nguyễn Đình Thi theo yêu cầu của một người tổ chức hội thảo về tác giả vào năm 2008, nhưng không được “đoái hoài” chắc cũng vì “liên quan chính trị nhạy cảm”, nay xin công bố lại, nhân đó mời bạn đọc ngự lãm trọn cuốn sách Những bài viết về Thơ. Cuốn này sau 2 năm xin phép xuất bản tại VN không được (chẳng hiểu tại sao?), nay tôi công bố là cuốn thứ 5 trong HHEBOOKS (bạn có thể download ngay tại đây)

Tôi từng yêu và phục Nguyễn Đình Thi, lại có lúc ghét, thậm chí… xin hương hồn tiền bối đại xá, có ý coi thường ông. Giờ đây, có dịp đọc tuyển Thơ của đời ông, khi mình đã đi gần hết đời người, đã chứng kiến và chính mình trải qua bao thăng trầm lịch sử và văn chương, tôi bỗng thấy tràn ngập trong lòng một nỗi cảm thông lớn lao. Cảm thông với một thân phận do điều kiện lịch sử mà suốt đời chịu cuộc tranh chấp nội tâm không nguôi. Tranh chấp giữa con người nghệ sĩ và con người của đoàn thể. Để đi đến một kết thúc xét về mặt nào đấy thì rất buồn nhưng lại là sự chiến thắng tối hậu của nghệ thuật.

1. Ba phiên bản của một bài thơ:
Thơ kháng chiến của NĐT có một đặc điểm khác hẳn thơ các đồng nghiệp cùng thời, tạo nên bè trầm xao xuyến phối với giai điệu cao của những khúc ca chiến đấu: “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” (Đất nước). Và ông bắt đầu nổi tiếng về thơ chính là nhờ những bản tình ca chiến tranh ây. Nhưng cũng chính ở chỗ này, sự tranh chấp giữa người nghệ sĩ và người của đoàn thể dễ có cơ bộc lộ. Sự tranh chấp kéo dài suốt 60 năm có thể thấy rất rõ qua ba phiên bản khác nhau của bài “Không nói”:

Không nói (
Bản đầu tiên)
 

Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa

Yên lặng đứng trước nhau
Em em nhìn đi đâu
Em sao em không nói

Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói

Ngày nào lần gặp sau
Ngập ngừng không dám hỏi
Chuyến này chắc lại lâu
Ðoàn thể gọi

Chiều mờ gió hút
Nào đồng chí - bắt tay

Em
Bóng nhỏ
Ðường lầy


(Viết ở Nhã Nam trước năm 1948, Nguyễn Đình Phúc đã phổ nhạc – theo lời NĐT nói với Đỗ Trung Lai trên báo QĐND 9/9/1995, dẫn trong “50 năm văn học VN sau CMT8” NXB Đại học Quốc gia HN 1996, tr.336) - Người chiến sĩ, NXB Văn học 1960)

Trong bài này, người mà tiếng gọi của “đoàn thể” luôn luôn làm ngập ngừng lời tâm sự riêng tư, người rất có ý thức phải nói to lên cái từ “đồng chí” để át đi nỗi buồn cô đơn cá nhân mà cảnh “chiều mờ gió hút” làm cả “tôi” và “em” nao lòng, nhưng trong sâu thẳm, cái “tiểu tư sản” ủy mị vẫn nằm phục và cuối cùng “lòi đuôi” (nói theo văn phong chỉnh huấn một thời) trong hình bóng đơn côi và nhịp điệu rời rã của khổ thơ cuối. Ta thấy con người nghệ sĩ NĐT cố gắng tự dẹp bỏ niềm riêng để vươn lên làm con người của đoàn thể; tuy chưa thành công, song ít ra có sự cân bằng tương đối giữa hai con người.

Không nói (Bản thứ hai)

Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây

Chiều mờ gió hút
Bắt tay
Đồng chí
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy

(Tạp chí Văn nghệ 1948)

Đến khi bài thơ được công bố sau đó (1948), thì cuộc tranh chấp lại nghiêng theo chiều “tiêu cực”. Hình như tác giả đã lấy lại từ bản viết đầu tiên nhất mà ông đã bỏ đi (hay là ông viết lại, viết thêm? nhưng tôi nghiêng về ý đầu hơn vì tính bộc phát, ít yếu tố lý trí của những câu thơ này) những câu còn ướt át hơn, riêng tư hơn: Ướt đầm mái tóc (thay vì “mưa bay ướt mái đầu”)… thậm chí nguyên một đoạn Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây/ Nhìn em nữa/ Phút giây. Đồng thời, về thi pháp, tác giả quyết bỏ đi những yếu tố rõ tính truyền thống (nhịp câu đều đặn, nhiều vần, tính liên tục của các ý, trình bày đầy đủ hoàn cảnh bối cảnh để bài thơ dễ hiểu, dễ hình dung với người đọc) mà chỉ giữ lại những ấn tượng có tính bộc phát, được chộp lấy ghi nhanh, thậm chí nhảy cóc, “đầu Ngô mình Sở” như Xuân Diệu phê (Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây), với nhịp điệu thật tự do trực tiếp từ sự thảng thốt của tâm trạng, nhịp loạn của trái tim, tức là không quan tâm nhiều đến người đọc bằng ghi nhận trung thực giây phút cảm xúc của bản thân cho chính bản thân – nói theo cách của thời “đổi mới” là thứ thơ “đi tìm mình”. Vậy phải chăng lúc này, con người nghệ sĩ NĐT, trong một hoàn cảnh nào đấy, có thể vì sự gần gụi số đông anh em văn nghệ sĩ mà xa các cán bộ chính trị (?), lại nổi lên hơn, đòi bộc lộ?

Khi tập hợp những bài thơ kháng chiến để in thành tập “Người chiến sĩ” năm 1956, NĐT đã bỏ bài này ra (có phải vì ý kiến Tố Hữu?). Và ở “Người chiến sĩ” tái bản năm 1961, ông đưa vào phiên bản một (công – tư tương đối cân bằng).

Không nói (Bản thứ ba)

Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu

Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây

Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy

(Thơ Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học 2001)

Đến lần thứ ba, vào cuối đời, sau gần 60 năm, tác giả lại đi tới cực đoan của chiều ngược lại: ông giữ lại bản in lần hai với những đọan “mùi mẫn”, đồng thời cắt hết những từ có chứa chút hình bóng con người của đoàn thể như “bắt tay”, “đồng chí”.

Việc này phải chăng là minh chứng hùng hồn cho chân lý: với người sáng tạo nghệ thuật đích thực, thì cuối cùng con người riêng tư, cụ thể, nhân bản mới là cứu cánh, còn con người chức năng, công cụ, chỉ là mục tiêu nhất thời, hoàn cảnh.

Thái độ cực đoan ngược chiều này ở cuối đời còn khiến tác giả cắt bỏ một cách oan uổng những đoạn thơ có màu sắc “lãng mạn cách mạng” khá ổn thoả trong những bài thơ tình chiến đấu ngày trước, khiến bài thơ bị hẫng, cụt một cách vô lý:

Bài thơ viết cạnh đồn Tây (Bản 2001)

Ánh đèn không ngủ đêm nay
Bóng tối ngọt nhgào tiếng suối
Nhớ em đôi mắt hay cười

Ôi em
Lúc này em đang ở đâu


(Bản 1960)

Ánh đèn không ngủ đêm nay
Bóng tối ngọt ngào tiếng suối
Nhớ cái miệng hay cười
Nói chuyện những ngày mai sẽ tới
Nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi
Lúc này em đang ở đâu
Đêm khuya em nhớ người bộ đội
Bâng khuâng bên bếp lửa nào

Chúng ta như hai ngôi sao
Hai đầu chân trời lấp lánh
Trong không gian mênh mông xa nhau
Chiều chiều cùng sánh lên ánh sáng
Đem lòng hy vọng xoá thương đau


Nhớ (Bản 2001 bỏ hẳn khổ cuối)

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta bên nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta bên nhau kiêu hãnh làm người


Đoá hoa nghệ (Bản 2001 bỏ hai câu kết)

Em ạ dù trong cơn bão lửa
Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa


Hai câu này đúng là yếu, rút ra kết luận kiểu học trò, nhưng để lửng lơ “Anh ngắt đoá hoa đồng tươi đỏ/ Dành cho em ở cuối trời xa” thì bài thơ không đứng được.

2. Những yếu tố cách tân dang dở:
Người ta hay nói về hiện tượng “thơ tự do không vần” của NĐT trước hội nghị tranh luận 1949 và việc ông sửa lại cho có vần sau đó do áp lực của đoàn thể, đặc biệt là của Tố Hữu. Cũng có những người, như Hoàng Cầm, cho rằng thơ NĐT lúc không vần hay hơn là lúc sửa lại có vần. Riêng tôi, có mấy nhận xét thế này:

a/ Như tác giả nói trong bài phỏng vấn báo QĐND đã nêu, thật ra có vần hay không vần không phải là điều ông khăng khăng. Ông không đi hẳn một lối thơ không vần triệt để như Văn Cao sau 1954.

Thực ra, có vần hay không vần là do điệu tâm hồn lúc bài thơ bật ra quyết định. Thông thường, không vần khi nhà thơ muốn truyền trực tiếp những cảm xúc bất ngờ, mới lạ, bất ổn, không bị lôi đi theo thói quen ngâm nga của thơ cũ, và như vậy thường hiệu quả nhất khi đi đôi với nhịp thơ tự do. Ở NĐT, điển hình nhất là những bài Đêm sao (1947), Sáng mát trong, Đường núi (cũng có thể kể lời bài hát Người Hà Nội, nhưng đây chưa thể coi là bài thơ độc lập, nó sống được phần lớn nhờ âm nhạc). Còn lại, những bài không vần khác của NĐT có thể lạ trong thời điểm xuất hiện nhưng không gây ấn tượng, cảm xúc mạnh. Thậm chí về hiệu quả chưa bài không vần nào của NĐT có thể so với Nhớ máu của Trần mai Ninh. Tất nhiên, việc NĐT làm một số bài không vần là một sự phá cách đáng biểu dương có lợi cho tiến trình phát triển của thơ, song không nên nghĩ rằng ông là người duy nhất hoặc sáng giá nhất trong những người làm thơ không vần những năm đầu kháng chiến. Thơ tự do không vần của ông được nói đến nhiều là do thơ ông bị tập trung phê phán trong Hội nghị 1949, nhưng cũng cần nhớ là nội dung phê phán nặng nhất cũng không chủ yếu ở thơ không vần hay thơ tự do mà là ở cảm xúc cá nhân ủy mị (Tố Hữu kết luận trong tranh luận 1949: “những lúc thấy cần làm việc tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm, vì tôi thù ghét cái cá nhân nó lại trở về với tôi” - dẫn theo Vương Trí Nhàn, trong “50 năm văn học VN sau CMT8” NXB Đại học Quốc gia HN 1996, tr. 328). Nên lưu ý là bài Nhớ máu của Trần Mai Ninh không hề bị phê phán tuy cũng là thơ tự do không vần.

Cũng nên nói là thời kỳ cuối đời, NĐT lại phát triển lối thơ tự do không vần, thậm chí thơ văn xuôi, với số lượng bài không nhỏ (hai tập “Tia nắng”, “Trong cát bụi”) nhưng không còn gây được sự chú ý của giới thơ bởi lúc này không vần hay có vần không còn là vấn đề thời sự của thơ nữa, và cũng vì chất lượng những bài ấy không có gì nổi bật.

b/ Thi ảnh có tính ấn tượng, không liên tục, không chú ý liên kết, diễn giải, là nét mới nổi bật trong một số bài thơ NĐT đầu kháng chiến (có lẽ đó là lý do thơ ông bị XD phê phán là “Đầu Ngô mình Sở”), rõ nhất ở những bài Đường núi, Không nói, Sáng mát trong, Đôi mắt. Tuy nhiên, những bài viết theo lối này chỉ là những phác họa nhanh, chủ yếu gợi không khí, ghi nhận cảm gíac phút chốc, thiếu chiều sâu, không đủ vật liệu để dựng một kiến trúc thơ đường bệ, nhất là không thể đáp ứng yêu cầu tuyên truyền cách mạng. Có lẽ tác giả nhận thức rõ hơn ai hết điều này nên ông không phát triển nó thành hệ thống bút pháp; và khi cần thì ông sẵn sàng bỏ cả bài, chỉ lấy lại vài câu để tạo không khí (hứng) cho một bài thơ khác: những câu mở đầu bài Sáng mát trong đưa vào bài Đất nước - một bài thơ chính luận về lòng yêu nước.

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy

(Sáng mát trong)

chuyển thành:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng mát lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

(Đất nước)

Sau này tính ấn tượng còn nổi lên trong một số câu thơ đơn lẻ nằm giữa những bài thơ miêu tả hoặc giãi bày (Chim đêm sau lán kêu thù thì… Đoàn dân công bước động rừng khuya – Bài thơ viết cạnh đồn Tây). Ở một số bài, tính ấn tượng vẫn là thế mạnh truyền cảm của thơ ông, mà có thể “Lá đỏ” là một trong những bài thành công hơn cả:

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường
như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường…


c/ Câu thơ như lời nói thường, đậm tính văn xuôi. Tuy NĐT nhấn rất mạnh điều này trong lý thuyết (Vài ý nghĩ về văn nghệ bộ đội, 1949), nhưng thực tế ta chỉ bắt gặp đây đó trong một số bài thơ ghi nhận những cảnh những người trên đường kháng chiến những câu: “Mấy anh du kích áo chàm vạm vỡ/ Gối đầu trên bao gạo nói mơ”, “Trên sàn tre quanh bản đồ trải rộng/ Đầu vẫn mang mũ sắt/ Cả đoàn cán bộ ngủ say ngon” (Bài thơ viết cạnh đồn Tây), “Nón ai bỏ bờ đường/ Nón đây người chạy đâu” (Chiều vui).

Dường như tác giả cũng chỉ tình cờ mà viết nên, chúng bị chìm giữa những câu “làm thơ” theo thói quen tu từ không mới. Và quan trọng hơn, là không có những câu hay trong lối viết ấy. Ngược lại, không ít đoạn thơ thể hiện sự dễ dãi, thiếu lao động ngôn từ. Thậm chí sau này, đôi lần ông dường như có ý thức thể nghiệm loại câu này, nhưng lại rơi vào cực đoan, khiến bài thơ thành một bài báo bình thường ngắt dòng (Chị huyện ủy đến thăm sân bay, 1972).

Tóm lại, thơ NĐT thời kháng chiến có vài yếu tố của thơ hiện đại, nếu được chuyên chú vun trồng sẽ là đóng góp đẩy nhanh tiến trình phát triển thơ Việt. Nhưng những yếu tố ấy đều bị tác giả bỏ phí, không phát triển. Lý do thì có nhiều, do đường lối văn nghệ kháng chiến và cách mạng hướng về quần chúng công nông binh không khuyến khích sự mới lạ, do thân phận của tác giả chịu nhiều sức ép, cũng có thể do tính thoả hiệp, không đi đến cùng, nhưng tôi nghĩ cái chính là do ông không có não trạng của nhà thơ chuyên nghiệp có nhu cầu vun xới thi pháp như lẽ sống của mình. Về cơ bản, đó cũng xuất phát từ tình trạng dở dang nửa nghệ sĩ nửa cán bộ chính trị của NĐT. Kết quả ta thấy một cảnh tượng có thể gọi là ngổn ngang trong thơ ông (có lẽ đúng như ông tự tổng kết trong câu thơ: “Tất cả cửa nhà tôi đó Ngổn ngang qua tạm cuộc đời” – Gió bay), nhiều bút pháp, nhiều đường lối chen nhau trong một tập, thậm chí trong một bài.


3. Những lời chân thật cuối cùng:
Thơ NĐT về cuối đời ít được công bố ngay khi viết, có lẽ vì chúng là những lời “nói với mình” hơn là nói với bạn đọc công nông binh và cán bộ mà ông đã quen coi là đối tượng của mình trước đây, nhưng khi làm tuyển thì ông đưa vào số lượng lớn (chiếm nửa tổng số). Nếu đem đối chiếu với những lý thuyết “nhận đường” mà ông đưa ra hùng hồn thời đầu kháng chiến, ta thấy ông đã thay đổi căn bản nhận thức về cứu cánh của nghệ thuật,

Những bài đạt nhất trong phần thơ cuối đời của ông là những tâm sự về tình yêu mà giờ đây ông mới tìm thấy, một tình yêu thuần túy không chút liên hệ với thời cuộc, với lý tưởng xã hội gì gì hết, mà giờ đây ông ngộ ra đó mới là ý nghĩa, lẽ sống hiện tại và vĩnh cửu của đời mình:

Tìm thấy em rồi không lạc nữa
Anh dắt tay em chạy giữa mưa
Quên những chông gai quên tất cả
Để lại sau lưng mọi bến bờ

(Buổi chiều ấy)

Là những cảm nhận về vẻ đẹp giản dị, an nhiên của đời sống. Là những trầm tư về sự sống, cái chết mang tính phổ quát.

Nhưng ở đây, một lần nữa, ta vẫn chứng kiến sự tranh chấp giữa con người nghệ sĩ và con người của đoàn thể trong NĐT.

Có một người cán bộ vẫn lên tiếng biện minh cho cách mạng sau những biến động lịch sử lớn lao: “Ra khỏi bóng đêm/ Đi tới buổi sáng/ Không có bóc lột ăn hiếp/ Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc/ Mỗi con người cần đến mỗi con người/ Thưa bạn/ Tôi nghĩ cách mạng là như vậy… Nhưng đó không phải chuyện một lúc” (Cách mạng); vẫn như cảnh cáo kẻ nào đó muốn “cuốn bụi rác mây mù/ Hắt vào chúng ta”, rằng: “Có một khoảng trời xanh kia/ Không phải chuyện đùa” (Một khoảng trời xanh kia). Nhưng đó chỉ là những ý tưởng thuần lý, khô khan, những câu phát biểu chỉ để tranh luận với người khác, không mang dấu ấn tâm cảm của tác giả, nên thiếu thuyết phục, ít ra là thiếu thuyết phục về thơ.

Ngược hẳn lại, những bài đầy tâm cảm, nhạc điệu (ta biết nhiều khi nhạc điệu thơ mới bộc lộ chân thật những rung động sâu bên trong vô thức, tiềm thức của tác giả, mới là cái quyến rũ và thuyết phục chứ không phải ý tưởng) lại nói lên một NĐT nghệ sĩ chân thành bộc lộ những gì thầm kín nhất mà ta không thể ngờ ông có dũng cảm phơi bày với đời. Nhưng ta lại không bất ngờ khi gặp ở đây điệu buồn lai láng, mênh mang, thỉnh thoảng nhói lên.

Khi đã ở cuối đường, người nghệ sĩ bỗng hoang mang nhìn lại chặng đường rất dài mình đã đi mê mải suốt đời, tưởng như được dẫn dắt bởi một ngôi sao Bắc đẩu không thể lầm lạc. Nay thì ông thấy nó chỉ còn là “một ánh xa” rất mơ hồ, huyền ảo:

Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa

(Mùa thu vàng)

Ở một bài thơ khác, ta bắt gặp ánh sáng dẫn đường mang tính tượng trưng khá mơ hồ ấy hiện thân vào một “con chim cánh biếc” luôn ở “phía trước” tác giả (Ánh biếc). Đó là tất cả những gì còn lại của một lý tưởng từng lộng lẫy đến thế hay sao?

Còn lại từ những ngày ấy sưởi ấm lòng ông lúc cuối đời chỉ là hình bóng “núi xưa” tha thiết của một thời trong trẻo, hình bóng cô gái nhỏ thôn làng có lẽ đã thầm yêu ông một tình yêu lẫn lộn giữa tình gái trai và tình dân tộc:

Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ
Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe
Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa
Môi run run em chúc có ngày về

(Mùa thu vàng)

Tổng kết đời mình, người nghệ sĩ không còn tin ở mình và nghệ thuật của mình:

Vâng tôi vẫn hai tay trần và túi rỗng
Không có được gì đắt gía tặng ông
Tôi còn vướng mấy câu thơ vô tích sự
Loay hoay mãi chưa xong

(Giữa đường)

Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống

(Tóc bạc)

Thậm chí có những lúc bi quan đến mức ông tự nhìn mình bằng con mắt tối tăm khủng khiếp:

Em biết đấy - đời anh
Một mớ lòng thòng nhễ nhại
Chút ánh mờ
Khẽ thở

(Cơn dông)

Ông tự bôi bác mình hết mức, ta như thấy ông đấm ngực “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”:

Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn

(Gió bay)

Làm sao có thể hình dung lời tự thú thê thảm ấy thốt ra từ một cái miệng hào hoa của một người thành đạt bậc nhất trong văn nghệ Việt Nam hiện đại? Phải chăng trước tiếng đập cửa của Thần Chết, nhu cầu “xưng tội” để được nhẹ nhõm ra đi trở nên ám ảnh còn kinh khủng hơn áp lực “tự kiểm thảo” thời chỉnh huấn?

Thật đau lòng. Nhưng đúng là sau khi “xưng tội”, sau hết một NĐT bình tâm bước những bước cuối cùng trên cuộc đời này, ôm trong lòng “niềm thương đau im lặng” và tin ở “tình yêu đi mãi cùng ta”. Ra đi mà “mỗi bước vẫn bâng khuâng mỗi bước” (Trời chiều), mà lòng còn quyến luyến một “lời ai văng vẳng”.

Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.

(Gío bay)

Lời ai? Hôm nào? Đó là bí mật cuối cùng ông mang đi, không chịu chia sẻ, hay không thể chia sẻ. Đó cũng chính là bí ẩn nao lòng của nghệ thuật.

Và thế là, cuối cùng, NĐT đã ra đi trong tâm thế của một người nghệ sĩ, người của muôn đời. Ông đã được giải thoát.


Linh Đàm những ngày đầu năm 2008
(Bài này công bố lần đầu với tên Cuộc tranh chấp giữa hai con người trong thơ NDT, talawas 2008)
 

HOÀNG HƯNG

Sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên.

- 1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1).

- Năm 1965 tốt nghiệp khoa văn,  ĐH Sư phạm Hà Nội.

- 1965 – 1973 dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng.

- Ông đã từng tình nguyện vào Nam phục vụ trong “mặt trận văn nghệ” nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp.

- Từ năm 1973 – 1982: Làm phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục).

- Từ 1987 làm ở nhiều báo khác nhau.

- Từ 1990 - 2003 làm ở báo Lao Động, sau đó về hưu với chức danh Trưởng ban VHVN.

- Hiện ông sống tại TP.HCM.

Những tập thơ tiêu biểu đã được xuất bản:

- “Người đi tìm mặt”; “Ngựa biển”; “Hành trình”;  “36 bài thơ tuyển chọn của Hoàng Hưng”...

Những tác phẩm dịch:

- Lorca (nhà thơ Tây Ban Nha); Appolinaire (nhà thơ Pháp); Tuyển tập thơ Pháp hiện đại; Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ hiện đại;  Allen Ginsberg (nhà thơ Mỹ); Aniara....

Theo L Đ

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.