.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Nguyễn Mạnh Quý | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Nguyễn Mạnh Quý

Người đi tìm tăng thân

Có một vị lão tăng trong thời hiện đại tâm tình cuộc đời đã trải qua như một giấc mộng dài xô xác của kiếp người thiếu lòng nhân ái vì quyền lợi riêng và nghi ngờ, trong khổ đau nhưng ông đã nói với những thân yêu còn sống sót như một thông điệp của tình người: "Xin hứa với tôi hôm nay, trên đầu chúng ta có mặt trời và buổi trưa đứng bóng, rằng em không bao giờ thù hận con người... Vì kẻ thù ta không phải là người, kẻ thù ta là tham lam, sân giận, si mê... xứng đáng chỉ có tình xót thương..."

Mong rằng người phụ nữ thân thương mang hình hài một nam nhi dù không đích thực tìm thấy được quyển kinh vô tự để đời được an lạc, hạnh phúc.

Bồ công anh và nắng gió - Long lanh mặt trời soi xuống cây“Lựợm kinh sách chỉ mà lượm thôi không biết trong ấy viết cái gì,
Xin đưa cổ nhận bị chém thay thôi, không biết ông thầy bị đuổi chém kia là ai …”


Gặp chị qua lần thứ hai, tôi vẫn không xoá đi đựơc trong đầu ấn tượng một con người quá sức khắc khổ. Với một khuôn mặt tới hơn bảy mươi phần trăm là đàn ông, và với nhiều nếp nhăn hằn sâu như những vết chém ngang dọc …

Cùng với dáng đi như của người đã sống lâu miền biển, hai chân khuỳnh khuỳnh do đi nhiều trên cát, chị tới tôi hay nói đúng hơn là tôi tìm đến chị trong một sự cảm thông sâu sắc.

Lần đầu, tôi biết chị qua hệ thống mạng Internet. Qua trang mạng, nhiều người cũng biết rằng có một người phụ nữ đã quỳ xuống chân của một tu sỹ cầu xin dừng tay lại, đừng gây khó khăn cho vị tu sỹ kia. Giữa đồi chè xanh ngát, tiếng cầu xin của chị tha thiết : “Con cầu xin Thầy đừng đuổi chém thầy kia nữa, nếu thầy muốn chém thì cứ chém vào cổ con đây này …”  Vừa nghe đến đây, lòng chợt chùng xuống, bên tai như đồng vọng một âm thanh tha thiết vào giữa mênh mông.

Cùng sau thời gian đó là hàng loạt khó khăn thử thách tìm đến với chị. Giữa bình nguyên chè mênh mông chi xứ ấy, chị không còn biết níu giữ vào đâu, ngày đêm hoang mang và cô quạnh trong ngôi nhà bé tí tẹo biệt lập nằm hun hút sau một lối mòn bị cây cối và cỏ dại che khuất lối. Trong những ngày đông bão hồi đó, chị lượm những quyển kinh, sách bị người ta vất lăn lóc ra ngoài sân. Chị lượm chỉ mà lượm thôi, không biết kinh kia sách kia là cái gì. Bỗng nhiên sau đó, những quyển sách, quyển kinh kia lại là chỗ dựa cho chị. Chị mang về và lau chùi những vết bùn đất. Những đêm về, sau những giờ làm lụng mệt nhọc, chị nâng niu trân trọng lật từng trang. Chị đã dần hiểu ra, tình thương và sự khao khát lẫn tiếc nuối cứ thế tăng dần lên.

Ngày gặp một nhóm áo lam, chị nhào tới ôm chầm vào mọi người, và cứ thế nước mắt tuôn trào như trẻ thơ. Đã tìm lại được gia đình tâm linh của mình. Lòng được hoà nhập vào dòng sông lớn sau khi phải trải qua bao ghềnh đá, cảm xúc ấy không gì nói ra được.

Sau chuyến ấy, chị quyết định bán nhà. “Mình xin vào làm công quả ở chùa, làm gì cũng được, khổ mấy cũng chịu, miễn là có một nơi nương tựa …” – Tôi nghe mà bỗng xót xa cho tấm lòng của một người phụ nữ trực tính mà phải chịu nhiều lam lũ như chị, lại vì nghĩ đại ý cũng gần như hai câu ở trên.

Ngày gặp lần thứ 2 sau khi nghe chị bệnh nặng. Vậy là thời gian qua chị đã lăn lộn mưu sinh ở đất Sài Gòn xô bồ bụi bặm. Giấc mơ được vào làm công quả ở chùa không còn chút hi vọng qua lời kể đứt quãng. Thay vào đó là cuộc đời của đứa con gái ruột đã lấy chồng. Chồng của nó lại mê số đề, đổ nợ. Thế là chúng nó dắt díu nhau bỏ quê vào đất Sài Gòn trốn đã được mấy năm, cuộc sống vô cùng cơ cực, thiếu hụt hàng ngày. Hai thằng nhóc đã đến tuổi đi học thì không thể nhập học được vì bố mẹ chúng không có hộ khẩu. Nghĩ tới bà mẹ già cũng trốn quê đang côi cút miệt rừng rú Bảo Lộc, thế là vợ chồng con cái dắt díu nhau lên núi hầu mong tìm một nơi nương tựa khá hơn. Ở với chị được chừng ba tháng, vào một ngày chúng nó âm thầm thu xếp đồ đạc và xin phép mẹ về lại Sài gòn. Chị gạt nước mắt, giọng thật nhỏ : Ba người làm quần quật, thu hoạch vườn sả xong, bán được có một trăm nghìn đồng bạc trong cả tháng thì lấy gì mà ăn. Lại nữa, tưởng lên đây dễ hơn nhưng mấy cháu cũng không thể xin được đi học, không trường nào nhận cả cũng vì hộ khẩu. Tui thân hèn mọn lại côi cút không có khả năng chạy xin … Chúng nó về, đựợc mấy ngày sau, tui ở lại không chịu nổi nên cũng theo về mặc kệ cho số phận ”.

Về lại Sài Gòn, không biết được cơ duyên gì mà có một ông giáo già lắng nghe chuyện hoàn cảnh của gia đình, nghe xong ông nhận liền cho hai đứa vào học trường công, trường của ông đang dạy. Cả nhà mừng. Mới dắt díu xuống Sài gòn lại, tiền ăn còn bữa đủ bữa thiếu, luống cuống không biết lấy cái gì xứng đáng để tạ ơn ông thầy giáo già nhân hậu kia. Mẹ con dặn lòng để mấy tháng nữa làm lụng dồn tiền …

Ngày dành dụm có một chút quà mọn mang đến tạ ơn vị ân nhân của gia đình thì không bao giờ được gặp ông nữa. Ông giáo đã chết cách đó vài tháng. Mấy mẹ con đứng lặng người trong sân, nước mắt chảy dài ướt đẫm cả phần quà nhỏ đang nằm run run trên tay.

Bệnh tật mặc sức hoành hành chị. Một phần đã có tuổi, lại phải đương đầu với môi trường thành phố ồn ào, loạn lạc sự mưu sinh. Cái chị thực sự khao khát không phải là cái đó. Một ngày nóng bức, chị nhào lên lại với núi, với đồi chè xanh ngát, và dĩ nhiên lại cả với những khó khăn đeo đuổi để mà chị phải ra đi. Nhiều lời khuyên không làm chỉ thay đổi tốt hơn, bởi điều trớ trêu có lẽ là chị mang hình hài đàn ông chịu nhiều gánh nặng, và một tâm hồn người phụ nữ đa đoan chỉ biết nhìn bằng trái tim.

Chia tay vào một xế chiều nhạt nắng trên cao nguyên. Ngồi lại trong căn nhà nhỏ bé như mất lối vào nằm lọt thỏm trong tàng cây Cà phê loà xoà, không thấy tâm trạng bình yên hiện diện nơi chị, tôi lo lắng rồi không biết kế hoạch trở lại Sài gòn để đi bán những cái Bong bóng kia của chị có đắp đổi cơm gạo hàng ngày, có phụ thêm để mua những viên thuốc bệnh uống chập chờn như bao người bệnh nghèo khác hay không. Nhưng cái tôi vẫn mừng và ước mong điều mong mỏi của chị sẽ thành hiện thực từng ngày là “Ban ngày mình đi bán bong bóng cho mấy đứa nhỏ chơi, nghe sư ông giảng pháp, gom một ít tiền để mua thuốc chữa bệnh dần dần, rồi gắng được ngày nào hay ngày đó thôi …”

Hình như chị đã tìm thấy được sự nương tựa vững chắc hơn, đã thấy hướng đi của sự an lạc trong lúc khó khăn và bế tắc nhất của cuộc đời chị.

Mây đầu núi 11/2012
Nguyễn Mạnh Quý

 


NGUYỄN MẠNH QUÝ

Nguyễn Mạnh Quý là tên thật quê Đà Lạt.

Bác sĩ y khoa hiện đang sống và làm việc tại Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng.

Cộng tác với tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Phù Sa, đồng thời là đại diện cho tạp chí Sông Hương tại Bảo Lộc.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.