.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Hồ Trướng An,
tác giả và tác phẩm

Hồ Trường An là một tác giả có sức sáng tác sung mãn và liên tục có mặt trong cả 20 năm văn học miền nam và hơn 30 năm văn học ở hải ngoại. Vừa là nhà văn, nhà thơ, người nhận định văn học và âm nhạc, những tác phẩm phong phú và đa dạng của ông đã tạo thành một vóc dáng tác gỉa có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.

Hơn thế nữa, đời sống thực tế và đời sống văn chương của ông cũng có nhiều chi tiết thú vị. Cũng như giữa tác giả và tác phẩm có nhiều liên hệ đáng chú ý.

Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang sinh năm 1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long và hiện sinh sống từ năm 1977 ở thành phố Troyes, Pháp cho tới bây giờ.

Trước năm 1975, ông học đại học Dược khoa nhưng chưa tốt nghiệp và động viên Khóa 26 sĩ quan trừ bị Thủ Đức rồi phục vụ tại hai chi khu Trị Tâm và Lái Thiêu thuộc tiểu khu Bình Dương từ năm 1969 đến năm 1971. Sau ông thuyên chuyển về Ban Thông Tin Báo Chí Quân đoàn III tại Biên hòa tới khi mất nước. Trong khoảng thời gian này ông vẫn liên tục tham gia sinh hoạt văn nghệ và là cộng tác viên của nhiều tờ báo xuất bản tại Sài Gòn trước ngày 30 tháng tư năm 1975 như Tranh Thủ, Tiền Tuyến, Tin Sách, Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Bút Hoa, Vấn Đề, Văn Học…

Khi tị nạn tại Pháp, ông từng là Tổng thư ký tòa soạn các tập san Quê Mẹ, Làng Văn và là cộng tác viên của các tạp chí như Văn, Văn học, Thế kỷ 21, Gió Văn, Hợp Lưu, Lửa Việt,…

Ông ký rất nhiều bút hiệu : Đào Huy Đán, Đinh Xuân Thu, Đông Phương Bảo Ngọc, Hồ Bảo Ngọc, Người Sông Tiền, Nguyễn Thị Cỏ May, Đoàn Hồng Yến, Đặng Thị Thanh Nguyệt.

Ông là em ruột của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và cha ông là nhà thơ Mặc Khải, tác giả của tập thơ Phấn Nội Hương Đồng

Đặc biệt, ông hay tự xưng mình là Bà Già Trầu với những chi tiết khá thú vị. Sau vài tháng khi in truyện dài Lớp Sóng Phế Hưng thì độc giả rất ái mộ vì theo họ, Hồ Trường An đã rất thành công trong việc mô tả đời sống ở nông thôn miền Nam và tặng cho ông cái tên “Bà Gìa Trầu” Trong bức thư gửi cho nhà văn Trương Anh Thụy, giám đốc Tủ Sách Cành Nam ông viết: ”lúc đầu tôi hơi giận nhưng nghĩ lại đó là cái vinh dự cho đời cầm bút. Vì mình đã xây dựng Bà Già Trầu trong tác phẩm bằng cả tâm cơ nay được độc giả chú ý đến rồi trộn lẫn tác giả vào nhân vật, há không phải là điểm thành công hay sao?

Có người khác thì cho rằng Hồ Trường An dùng cái biệt danh Bà Già Trầu vì ông viết truyện ngắn “Bà Già Trầu Cảm Khái“ hay và sống thực quá nên bạn bè gọi đùa ông và riết rồi ông cũng tự nhận mình với cái tên ấy. Bà già trầu là hình ảnh của một bà già quê mùa chất phác kể lại những ”vận sự” của một người tị nạn sống ở Pháp.

Ký giả BT (tức ký mục gia Bùi Bảo Trúc) đã xếp hạng Hồ Trường An trong số báo xuân năm 1988 của tờ Diễn Đàn Tự Do là “bà già trầu nhất”. Nhà văn Võ Đình cũng đồng ý: ”Đúng vậy. Trong những cây bút gốn Nam hiện nay không thiếu các “bà già trầu”. Chơn chất như Võ Kỳ Điền, mạnh mẽ như Nguyễn Văn Sâm, sôi động như Kiệt Tấn, trẻ trung như Ngô Nguyên Dũng... không có cây bút Nam Kỳ nào mà không có ít nhiều cái bóng dáng le te của một “bà già trầu”. Nhưng Hồ Trường An bà già trầu” nhất, mặn mà nhất, tía lia nhất, thiệt nhất. Chính ông cũng đã khơi khơi khai ra: ”bạn bè tôi ưa chế diễu rằng tôi thưởng thức văn nhghệ giống như các bà già trầu, giống các cô sến. Tôi không chối cãi điều đó!”

Hồ Trường An còn có một biệt danh nữa cũng độc đáo không kém là nhà văn miệt vườn. Tác giả Hồ Trường An có văn phong rất đặc biệt của những tác giả miền Nam. Trong văn học Việt Nam có rất nhiều người có văn phong như vậy như bắt đầu bằng Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh rồi đến Phi Vân, Sơn Nam, Lê Xuyên, Bình Nguyên Lộc, Xuân Vũ, Nguyễn Văn Sâm,... và sau này ở hải ngoại như Kiệt Tấn, Nguyễn Đức Lập, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng…

Hồ Trường An đã viết nhiều về chân dung nhân vật gốc miền Nam với tính tình và cuộc sống của những người di dân từ vùng ngoài vào khai hoang lập nghiệp. Ông viết tỉ mỉ về lối sống, từ miếng ăn thức uống đến quần áo chưng diện, trong những tiểu thuyết của ông đã phản ánh một cuộc sống với nhiều chi tiết tuy có lúc tỉ mẩn chi ly nhưng thú vị. Nhân vật của ông, từ ngôn ngữ đến vóc dáng, có nét đặc thù khác với các nhà văn miệt vườn khác. Văn phong của ông tràn đầy cảm giác và có người đã nói rằng khi đọc những trang sách của ông người đọc có cảm tưởng đang ăn một miếng mứt me, vừa ngot vừa chua với cái ê răng thú vị…

Từ truyện dài Phấn Bướm xuất bản năm 1986 tới nay, ông đã trình làng gần 60 tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm 22 truyện dài, 12 tập truyện ngắn, 22 tác phẩm biên khảo nhận định văn học, âm nhạc và chân dung tác giả. Ông còn là thi sĩ với hai tập thơ Thiên Đuờng Tìm Lại (2002) và Vườn cau Quê Ngoại (2003).

Tác phẩm mới nhất mà ông xuất bản trong năm nay là “Núi Cao Vực Thẳm” chân dung của 9 vóc dáng văn học Việt Nam thế kỷ 20 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương in và phát hành. Mặc dù tháng 11 năm 2008 ông bị stroke đứt mạch máu não bị liệt nửa người mà năm nay vẫn còn cố công in sách. Cầu mong cho ông sớm được bình phục.

Những năm đầu thập niên 80 khi tôi cũng vừa bắt đầu viết lách thì qua tạp chí Làng Văn mà ông là tổng thư ký có liên lạc thư từ với tôi. Thư ông viết khá dài và biểu lộ nhiều tình cảm. Có lần khi nói chuyện bằng điện thoại tôi than là bị thiếu ngủ mà ông lại tưởng tôi bị mất ngủ nên gửi cho tôi những toa thuốc tàu và cả những món dược thảo để trị bệnh. Tôi phải cải chính là tôi không bị bệnh mất ngủ mà bị thiếu ngủ vì thời gian này tôi vừa đi học vừa đi làm nên không có đủ thời giờ để ngủ. Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn lòng tốt của ông đối với bạn bè.

Năm 1982 thì tôi và ông cùng cộng tác với tạp chí Việt Chiến của các anh Ngô Vương Toại, Giang Hữu Tuyên và Nguyễn Đình Hùng. Có một số báo đăng truyện ngắn ”Tím Mồng Tơi“ của ông và bài thơ ”Mầu Tím Mồng Tơi” của anh Giang Hữu Tuyên. Cả hai bài đều làm tôi thích thú vì cũng có nhiều điều để nói về những dậu mồng tơi này lắm. Ông viết thư hỏi tôi có ý nghĩ gì về bài viết của ông không. Tôi trả lời rằng đã có nhiều người viết về dậu mồng tơi thí dụ như trong thơ Nguyễn Bính chẳng hạn. Nhưng chưa thấy có bài nào tạo cho tôi một cảm giác gần gũi và làm sống lại những ký ức của riêng tôi mà từ lâu tôi đã quên như bài viết của Hồ Trướng An và bài thơ của Giang Hữu Tuyên. Cả hai nhắc tôi nhớ lại những ngày khốn khó ở quê nhà, ở trong trại tù cải tạo mà lá mồng tơi là món rau “sang trọng” nhất lúc đó. Và tôi hứng lên hứa với ông là sẽ viết để kể lại bằng bút mực. Ông viết sẽ chờ để đọc. Nhưng tôi hay quên và cũng lười nên thất hứa khiến mấy năm sau gặp lại ông còn trách tôi hứa lèo…

Hồ Trường An là một chân dung nghệ sĩ đa diện. Như là một thi sĩ. Ông đã in hai tập thơ và thơ của ông cũng như văn xuôi đầy ắp những tình cảm và với ngôn ngữ thật bình dị nhất là những bài thơ bảy chữ, tuy có phong vị cổ điển nhưng ý tình đơn sơ thành thật. Trong tập thơ: ”Vườn Cau Quê Ngoại” ông viết tặng cho những bằng hữu thân thuộc bằng tất cả những thiết tha của tâm cảm mình. Ông viết ”Trại Lá Chầm” để tặng cho chị ruột của mình là nhà văn Thụy Vũ để nhớ lại những ngày sống dưới mái lá chầm ở làng Tân Giai tỉnh Vĩnh Long. Ông cũng viết “Khúc Hát Thương Hồ” để tặng hương hồn nhà văn Nguyễn Văn Ba, một người đã thực hiện tuyển tập những cây bút miền Nam và cũng là một nhà văn miệt vườn như ông….

Thơ của ông đầy những bóng dáng của quê xưa của làng cũ. Và đó là nét riêng biệt của ông. Thí dụ như trong bài “Nhớ đất Tiền Giang” tặng nhà thơ Phương Triều:

“... năm cùng tháng tận trạm thời gian

đánh dấu từng xâu chuỗi mộng tàn

 nhưng ngọn tàn đăng vùng ký ức

 đưa tôi về viếng đất Tiền Giang.

 Hồi chuông kim cổ Vĩnh Tràng ơi

 Chùa đất Mỹ Tho nhạt bóng rồi

Trái mận hồng đào xuân thiếu nữ

 Như bình minh sáng rực lòng người

Cồn Phụng Cồn Rồng soi bóng nước

Ai qua Rạch Miễu nhớ con đò?

Thương hồ bao mảnh đời xuôi ngược

Thắm mặn ngày xanh đĩa cá kho

Cá úc cá duồng còn béo lắm?

Hến cồn có ngọt tộ canh rau?

Vĩnh Long quà tặng chàng thi sĩ

Trái mận da người dòn ngọt sao…”

Thơ của ông qua những địa danh và những đặc sản địa phương đã nhắc chúng ta đến một quê hương của đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa trù phú. Thơ của ông đẹp nhưng lại có người phê bình rằng những hình ảnh ấy quen thuộc quá và đã thành một khuôn sáo thi ca nên thơ của ông chỉ tha thiết một giọng và không có nhiều mới lạ làm bất ngờ người đọc. Mỗi một nhận định như thế đều có những lý lẽ để chứng minh. Tôi chỉ đọc thơ bằng cái cảm của mình và không thích phân tích tìm tòi cái hay cái dở như một nhà phê bình. Tôi đọc thơ Hồ Trường An để nhớ lại những buổi chiều qua bắc Mỹ Thuận của một chuyến vượt biển, lòng nao nao buồn khi nhìn những bè lục bình trôi phăng phăng theo triều nước xanh in bóng mây trời và thấy mình cô đơn xiết bao trong thiên nhiên. Lúc ấy, thời gian và không gian như lắng đọng vào nhau thành một giao hưởng nào ngân nga không dứt trong lòng tôi. Đọc thơ Hồ Trường An tôi như nghe lại những giao hưởng ấy.

Thơ của ông không chỉ có toàn về ký ức mà còn có nhắc nhở cho hiện tại và tương lai. Trong bài thơ: ”Khai từ cho một quyển sách” Hồ Trường An viết:

“Bỗng tiếng thổ ngơi xưa nhắn nhủ

trong chiều hoang vắng giữa lòng đêm

“Từng phen gục ngã, từng phen chết

xin ngẩng đầu lên hãy đứng lên

Hãy nhớ mảnh ao dòng nước mát

 Hãy yêu vườn rộng rẫy xanh tươi

Có nghe vết cháy hồn đau cũ

Ngời vết son trang điểm cuộc đời

Tươi mãi trong lòng bóng khóm tre

Vàng hanh kỷ niệm buổi trưa hè

Ngát thơm ký ức mùa xôi cốm

Sớm nắng còn say lắng tiếng ve.

Nuôi mãi niềm tin qua đất cũ

Để còn gốc rễ bám quê hương

Ngẩng đầu thế kỷ huy hoàng đón

Dẫu đã chồn chân mấy chặng đường”

Nuôi mãi niềm tin qua đất cũ / để còn gốc rễ bám quê hương. Thơ của ông không phải chỉ nhắc mãi những kỷ niệm của đời sống đã qua trong qúa khứ. Mà thơ của ông còn hướng về tương lai để tin tưởng vào những chặng đường sắp tới.

Thơ của ông nhắc đến nhiều người thân, gửi đến nhiều thân hữu tâm giao và là những ngôn từ thiết tha thành thật nhất của ông. Hình ảnh gây cho ông nhiều cảm xúc và nhớ thương nhất là hình ảnh của bà ngoại ông, một hình ảnh không bao giờ phai mờ của bài thơ Vườn Cau Quê Mẹ.

Bà ngoại sống lúc thúc trong căn nhà xưa mà hình bóng đã thành quá quen thuộc trong thi ca. Thế mà với tâm cảm đậm đà chứa đựng bên trong, cảnh không còn đơn thuần là cảnh nữa mà gián tiếp phác họa thành môi trường của tình yêu thương của nỗi nhớ mong trong hồn người. Bà quét lá buổi chiều ở hiên ngoài có phải là hành động quét đi ánh trăng trên sân lá như cơn gió quét đi lớp mây giăng của chiều buồn? Vườn cau không phải đáng nhớ từ cái vẻ đẹp và mùi hương mà vườn cau chính là một nhắc nhở đến một cuộc đời của ngoại luôn luôn săn sóc che chở con cháu:

“vườn cau quê mẹ thời niên thiếu

ươm giữa hồn thơ nét đẹp buồn

ký ức tháng ngày rung bóng lá

thơm hương cau tỏa dưới trăng sương

vườn cau hòa tiếng tim châu thổ

dựng mộ bia sau mái miếu đường

có bóng ma người bao thuở trước

suốt đời bám riết đất quê hương”

Từ tác phẩm đầu tiên in ở hải ngoại, chúng ta có một Hồ Trường An, nhà văn miệt vườn. Thực ra, tôi không thích lắm cái tên ”miệt vườn” nghe quê quê làm sao ấy… Nhưng đó lại là một đặc tính rất rõ nét của văn chương Việt Nam ở hải ngoại cũng như một đặc tính khác cũng nổi bật là văn chương nữ giới mà các nhà ghi chép lại văn học sử không thể nào bỏ qua. Có rất nhiều tác giả tự nhận mình là nhà văn miệt vườn và đọc tác phẩm của họ quả thực đã có nhiều tính chất của một đời sống và sinh hoạt khởi đi từ những người di dân đến những nơi đất đai còn hoang vu để xây dựng cuộc sống mới. Tính chất ấy biểu lộ trong nếp sống, trong phong tục, trong ngôn ngữ và cả trong tình cảm, trong tính tình nữa.

Chúng ta hãy bước vào thế giới miệt vườn của nhà văn Hồ Trường An. Trong tất cả các tác phẩm của ông, tác phẩm nào cũng bàng bạc chân dung của một nhà văn miệt vườn.

Tác phẩm đầu tiên mà Hồ Trường An viết và in ở hải ngoại và được tái bản nhiều lần. Đó là truyện dài Lớp Sóng Phế Hưng. Ông viết truyện này khi văn học Việt Nam ở hải ngoại bắt đầu khởi sắc với sự góp mặt của các cây bút mới thành danh hợp cùng các nhà văn kỳ cựu của 20 năm văn học miền Nam. Hồ Trường An tuy đã làm báo viết thơ truyện từ trước năm 1975 nhưng những tác phẩm đáng chú ý của ông đều là những tác phẩm mà ông viết sau này.

Truyện dài này có bố cục thật đơn sơ. Nhân vật chính là bà Bếp Luông và các con của bà gồm ba gái hai trai. Gia đình này là một gia đình trung lưu sinh sống ở vùng đất Hóc Hỏa, quận Hỏa Lựu, tỉnh Rạch Giá. Mấy người con với danh tính Hai Cường, Ba Kiểm, Tư Diễm, Năm Nhan, Ut Biên đều ở tuổi phải dựng vợ gả chồng và bố cục câu chuyện xoay quanh việc gầy dựng hôn nhân của các chàng trai và các cô gái ấy. Họ sống, họ yêu, họ buồn vui, họ thất vọng và họ hy vọng, tất cả chỉ là những chi tiết đời thường nhưng Hồ Trường An đã làm sinh động với bút pháp đặc thù miền Nam. Tả người hay tả cảnh, cái địa phương tính từ ngôn ngữ đến câu chuyện chuyên chở đã làm rõ ràng hơn cái chân chất của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đời sống dân quê đơn điệu như vậy chắc khó có những chi tiết hấp dẫn người đọc ? Nhưng tại sao tác phẩm này lại được hâm mộ đến như thế để cúng xôi chè cho cái tên Bà Già Trầu của Hồ Trường An?

Có một người rất mê văn Hồ Trường An sẽ trả lời cho câu hỏi ấy. Đó là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông viết: ”Muốn đọc Hồ Trường An, ít nhất trong Lớp Sóng Phế Hưng, ta không thể chỉ đọc bằng mắt. Ta còn phải nghe được giọng miền Nam với cách phát âm đặc biệt của nó, với những hình ảnh, những ẩn dụ, ngoa ngôn của nó, mới nghe thì tưởng độc địa ác ôn lắm nhưng đích thực, đôi khi lại bao bọc một tình thương vô bờ. Nói cách khác, đọc Hồ Trường An, ta phải đọc ”thực sự- từ “đọc” theo nghĩa là có phát âm lên cho đến “đọc” theo nghĩa là đọc giữa hai hàng chữ, đọc được ra cái tâm lý cái tâm cảnh của người đang phát ngôn, đang nói chuyện, đọc được ra cái tình yêu trong lối chửi đổng của người mẹ” Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã từ những câu chửi với đầy tính ngoa ngôn nhưng ẩn tàng nhiều tình thương của Bà Bếp Luông khi đề cập đến cậu con trai trưởng của bà là Hai Cường tính tình hay đam mê chuyện gió trăng tình dục,...

Hình như trong tất cả các tác phẩm của ông ông đã xử dụng đối thoại như một phương cách tả tình tả cảnh gián tiếp. Đối thoại chuyên chở tâm ý của nhân vật và tạo ra nhiều ấn tượng cho người đọc. Những câu chửi, những lời bóng gió, như là gia vị cho một món ăn ngon đã làm đậm đà hơn cho câu chuyện kể. Đối thoại của ông không có những chữ nghĩa rắc rối mà có khi chỉ là những câu nói thường ngày hay những câu ca dao, những câu tân nhạc, những điệu vọng cổ chen vào. Đối thoại làm sinh động hơn cái sinh hoạt vốn đã thầm lặng của đời sống dân quê.

Hồ Trường An tả người với con mắt quan sát của người thích cái đẹp và tìm sự sắc sảo trong cái tỉ mỉ nhỏ nhặt. Tả cô gái đang yêu, ông tả luôn cả cách trang sức, cả cách ăn mặc, cách đi đứng, cách nói chuyện. Và như thế vô tình ông đã phác họa một cách gián tiếp tình yêu của nhân vật này. Tả cảnh, ông đã mang tấm lòng của ông để nhìn vào thiên nhiên để cảnh vật vô tình mang theo những tình ý của người. Tôi nghĩ Hồ Trường An là người lạc quan nên ông nhìn cuộc đời bằng sự bình hòa xuề xòa trong phong cách văn chương. Ông rất khác với nhà văn Nguyễn Bá Trạc: uống nước mưa ở Mỹ đắng cả mồm”. Ông ở Pháp nên bằng lòng với giọt mưa châu Âu rơi xuống thành phố Troyes nơi ông cư ngụ một chút mát lòng...

Ông tả cảnh tả người đẹp qúa như vậy có làm cho người đọc thấy sự đơn điệu không trong nghệ thuật của ông?

Tôi nghĩ không có sự đơn điệu, mà trái lại. Thí dụ như về giới tính và ông đã đề cập đến trong truyện dài Hợp Lưu mà nhà văn Võ Phiến đã viết trong bài tựa cho tác phẩm này. Ông viết rất bóng gió nhẹ nhàng:

“Trong Hợp Lưu thỉnh thoảng gặp một cảnh ái ân, đôi khi là một cảnh ái ân nồng nàn, tôi sắp sửa ngại ngùng thì đã nghe đâu đó lời chị Liên ôn tồn bảo Quế: ”Em hãy tìm cái Chân trong Vọng đi (...) Em Chấp trước rồi em ạ,,” Tôi bẽn lẽn trở về chỗ nhát gan của mình.

Hồ Trường An không Chấp trước. Anh không ngại các bộ phận thân thể, các hoạt động sinh lý mà người đời kêu là bẩn thỉu. Anh viết về những cái ấy rất tự nhiên, khơi khơi, như viết về chuyện hò hát trên sông, trên rạch, về bướm bay chim hót trong vườn. Anh không xem cái gì là bẩn thỉu, cái gì là trong sạch cao quí.

Đã chấp nhận được cái xấu lẫn cái tốt, cái ác lẫn cái thiện, chấp nhận đồng hóa ta với người, cởi mở vui vẻ... thì nghiệt ngã làm chi với chính thân xác của mình? Dù cho cái thân xác ấy có những lúc nhiễu sự đòi hỏi lắm trò...”

Có phải Hồ Trường An là người đồng giới tính? Trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Lưu Diệu Vân trên trang mạng Da Màu, Hồ Trường An đã trả lời rất thành thực về giới tính của mình. Ông tâm sự:

“Cô Vân, tôi chấp nhận cuộc phỏng vấn này là một lời tự thú trong buổi tàn thu của cuộc đời. Tôi đã vào tuổi thất tuần rồi, cô ơi! Mỗi đêm, trước khi đi ngủ tôi luôn luôn tự hỏi: sáng mai mình có thức dậy được không đây? Hay là mình phải làm một chuyến đi tàu suốt vào giấc ngủ miên viễn? Vậy tại sao mình lại giấu diếm cái bí mật trong cuộc sống tình cảm lẫn tình dục của mình? Chấp nhận cuộc phỏng vấn của cô, tôi muốn cho lớp thế hệ bọn gay sau tôi một vài kiến thức hay một vài kinh nghiệm nho nhỏ nào chăng?

Vào những năm đầu của thập niên 80, tiết lộ giới tính và khuynh hướng tình dục của mình là một hành động can đảm. Hồi đầu thập niên 60, tôi chỉ tiết lộ thân phận mình cho chị Thụy Vũ của tôi cùng một số bạn thân. Bắt đầu năm 1980 tôi có người yêu là dân Pháp chính gốc, tôi ngang nhiên sống chung với đương sự tới nay kể ra cũng đã 30 năm... Một phần là tôi tức giận tên Thi Vũ Võ Văn Ái (nhà báo/ nhà thơ) nó nỡ đem tâm sự của tôi đi bán rao tùm lum tà la. Cho nên từ đó, khi đi dự các cuộc tiếp tân nào trong giới văn nghệ sĩ kiều bào ở Paris tôi cũng dắt người bạn lòng của tôi theo. Đương sự nhỏ hơn tôi 9 tuổi nhưng cái tác của hắn lớn hơn tôi khá nhiều.”

Tác phẩm Hợp Lưu có phải là tác phẩm viết về những người đồng tính? Ông viết: Năm 1983, tôi tung ra quyển Hợp Lưu trong đó có nhân vật gay tên Quế phản ảnh đôi chút tâm trạng của tôi. Trước tôi vào năm 1967, bạn tôi tên Đỗ Quế Lâm có viết tiểu thuyết tự truyện có tựa là ”Vết Hằn Rướm Máu” do chính chị Thụy Vũ tôi viết lời tựa. Sau đó ở hải ngoại vào năm 1979 thằng bạn khác của tôi tên Lucien Trọng, một kỹ sư thủy lâm có viết quyển “L’Enfer Rouge, Mon Amour” do Seuil xuất bản. Sau đó nó dịch ra ”Hỏa Ngục Đỏ, Mối Tình Tôi” kể lại mối tình của nó với một chàng trai bụi đời tên Hải trong thời gian hai đứa bị Cộng Sản giam cầm. Đúng như cô Vân nghĩ, hình như những cây bút gay như Đỗ Quế Lâm và Lucien Trọng không dám diễn tả huỵch tẹt như Hồ Trường An, không mô tả cuộc làm tình tỉ mỉ và tới nơi tới chốn như Hồ Trường An. Tôi diễn tả chuyện giao hợp giữa cậu trai Việt và anh chàng gay quý tộc Pháp khá táo bạo và khá đậm đà. Chính nữ ca sĩ Quỳnh Giao thuở thập niên 1980 bảo rằng đây là quyển sách mà Quỳnh Giao thích. Song song cũng có nhiều độc giả chửi tôi khá nặng. Họ gọi điện thoại xài xể anh MaiThảo vốn là người chủ trương tờ tập san văn chương Văn tại sao có thể đăng từng kỳ những chương sách "dơ dáy nhớp nhúa của quyển Hợp Lưu?”

Không những Hồ Trường An ngoài viết truyện làm thơ còn viết nhận định về văn học và những ký sự phác họa chân dung các tác giả trong văn học Việt Nam rất sinh động đầy chất sống thực. Ông đã phác họa những chân dung văn học như một cách thế làm sống lại một thời kỳ văn học đã qua nhưng để lại nhiều giai thoại nhiều kỷ niệm. Thí dụ như đã viết Giai Thoại Hồng để kể cho những người không biết tò mò đọc và tìm kiếm một cách thích thú những điều sẽ biết về những nhà văn nữ thí dụ như cách ăn quà vặt và đấu láo với nhà thơ Hoàng Hương Trang hay tổ ấm tình yêu một thời của nữ thi sĩ Tuệ Mai và “ông đạo” Phạm Thiên Thư hay phong cách nho phong sang cả của nhà thơ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội và nhà văn Đông Hồ. Dù là người ở trong văn giới hay không nhưng cảm giác làm người khách lạ sẽ có khi giở những trang sách. Một thế giới có nhiều mới lạ.

Tâm tư của ông thế nào khi viết ký sự văn học Giai Thoại Hồng?

Ông viết: ”Trong lứa tuổi mùa thu cuộc đời tôi sẽ vẽ từng tấm chân dung các nhà văn nhà thơ nữ kèm theo những cuộc hôn nhân, những giai thoại của họ. Đó là những điều mà tự thuở hoa niên tươi thắm của tôi thêm phì nhiêu, trái tim tôi chan hòa những cảm hứng trong mát kỳ diệu.

Theo ngón tay lật, từng trang hai quyển album phơi bày những tấm ảnh của nhiều nhà văn nữ. Tôi thấy rồi, qua khóe mắt qua nụ cười qua nét môi họ những giai thoại đẹp của họ đã được tôi đưa lên một vài trang sách báo, đã gợi óc tò mò cho độc giả và đã đóng góp vào tư liệu, tài liệu văn học dù nhỏ nhoi ít ỏi vẫn là một đóng góp chân thành vào các giai đoạn văn chương nào phải buổi bình thời này”.

Năm nay, 2011, nhà văn Hồ Trường An có xuất bản một tác phẩm mới. Đó là tác phẩm nhan đề Núi Cao Vực Thẳm do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ chủ trương.

Nội dung là viết về tác giả và tác phẩm của 9 khuôn mặt văn học: Nguyễn Ngọc Bích, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Thụy Khuê, Vũ Tiến Lập, Võ Phiến, Đặng Phùng Quân, Trương Anh Thụy và Thanh Tâm Tuyền.

Nhà phê bình UyênThao trong bài tựa viết: “Từ đây, khoảng trống đáng buồn trong sinh hoạt văn học nghệ thuật và cuộc sống Việt Nam càng như mỗi lúc một càng mở lớn hơn để sẽ mang thêm về nhiều nỗi đau đớn theo ngày tháng. Khi viết tác phẩm Núi Cao Vực Thẳm có thể chính Hồ Trường An không hề nghĩ về khoảng trống bi thảm trên của sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng như thực tế đời sống Việt Nam. Hồ Trường An chỉ đến với một số tác giả đã hoặc đang góp mặt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam, chính xác hơn là chỉ dừng lại với một số tác phẩm của 9 tác già Việt Nam và ghi lại những cảm xúc cùng phát kiến khởi từ các tác phẩm đối diện. Hồ Trường An không phác họa chân dung cho những tác giả được nhắc tới không làm công việc của nhà phê bình văn học hay của người ghi chép văn học sử kể cả khi tán thưởng hay bất bình với điều bắt gặp nơi một tác phẩm nào đó. Sẽ không lầm khi nói rằng Hồ Trường An chỉ diễn tả cảm nghĩ của người thưởng ngoạn và đôi khi bước xa một chút bày tỏ nhận định hoàn toàn chủ quan đối với tác giả qua tác phẩm đang đối diện...”

Riêng cảm nghĩ của tôi. Tôi nghĩ mỗi một người đọc sẽ soi bóng chính mình qua những trang sách đang giở. Đọc được những lời chủ quan mà thành thực của tác giả, tôi dễ dàng có những liên tưởng xa hơn khởi đi từ trang sách….

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.